April 30, 2020

VÌ SAO NHIỀU NGƯỜI THÍCH TRUYỆN KIỀU?

TÓM TẮT "TRUYỆN KIỀU" - NGUYỄN DU... - Ôn Tập Thi Vào Lớp 10 Môn ...
I. Tư duy theo lối mòn

Đôi lời phi lộ: Nhân việc ông Nguyễn Phú Trọng lẩy Kiều “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài" làm ngứa cái lỗ nhĩ, suốt đêm không ngủ được mới nảy ra ý định viết loạt bài này, nhưng đây không phải là chê cụ Nguyễn Du hay truyện Kiều mà là chê những người thời nay vẫn tư duy theo lối nông dân, duy tình, theo lối mòn, từ thời Nguyễn Duy hay trước cả Nguyễn Du.


1. Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài (ở đây xin không cần ghi chú thêm rằng cả người nói lẫn người nghe đều hiểu "Tâm" là "Thiện tâm" chứ không phải "Tà Tâm" hay "Ác Tâm"; "Tâm= Đức", "có Tâm" = "có Đạo đức").

Đây chính là câu làm ngứa cái lỗi nhĩ.

Tai sao ngứa?

Tại vì đấy là câu cửa miệng, sao mòn nhưng rất sai và rất có hại!
Xin hỏi: Bạn đã bao giờ thấy người nào phàn nàn là thiếu tâm chưa? Chắc chắn là chưa. Bạn có thể thấy nhiều người phàn nàn là thiếu sức khỏe, bạn có thể thấy đôi khi có người phàn nàn là thiếu kiến thức hoặc thiếu thông minh, nhưng thiếu tâm thì từ thuở khai thiên lập địa đến nay chưa có người nào phàn nàn hết. Không ai chịu nhận là mình thiếu tâm, cho nên một người nào đó, ví dụ, ông vua, quan trên hay bí thư chi bộ sẽ là người quyết định ai là kẻ có “tâm”. Thế là rất sai và rất có hại.

Xin xem xét 2 trường hợp

A. Trường văn trận bút, cụ thể là lĩnh vực dịch thuật mà tôi khá thạo. Không có "Tài" làm sao dịch hay? Mà không có "Tâm" làm sao biết thông thạo hai, ba thứ tiếng? Thêm nữa, người ta nói "Tài", 10% là bẩm sinh, 90% là do học tập, cho nên người có "Tài" thực chất đã là có "Tâm".

Những lĩnh vực viết lách khác, làm văn, làm thơ, làm báo thì cũng tương tự như thế, người ta chỉ thấy người “tài”, được thể hiện trên trang sách, trang báo, và có thể đánh giá một cách khách quan hoặc tương đối khách quan; và cũng có thể nói “Có tài là có tâm”

Nhưng ở các nước phong kiến hay độc tài đảng trị, người nào không nghe quan trên hay bí thi chi bộ liền bị coi là không có "Tâm", và những thể chế lạc hậu đó đã giết chết hoặc chí ít là làm thui chột biết bao nhiêu tài năng.

B. Chính trường

Đây là lĩnh vực dễ bị lẫn lộn nhất và cũng dễ bị người ta dễ dãi tin rằng “Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài” hơn cả. Đấy là khi người ta nghĩ tới Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot… và họ đặt câu hỏi: “Những người đó có tài không?”, rồi tự trả lời: “Có quá đi chứ!”. “Nhưng vì sao họ giết nhiều người như thế?”. “Vì họ không có tâm”.

Tổng bí thư kiêm Chủ tịch Nguyễn Phú Trọng ở đâu trong đại dịch ...
 Ông Nguyễn Phú Trọng rất thích "lẩy" Kiều

Ở đây lại phải chia thành hai trường hợp.

- Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot… là những kẻ cướp được chính quyền. Ta có thể làm gì với kẻ cướp trên đoạn đường vắng khi hắn bảo: “Đưa ví và xe đây hay mất mạng?”. Chắc hắn là phần lớn chúng ta không muốn mất mạng. Cho nên phải tránh bọn cướp. Cướp chính quyền thì cũng thế. May là hiện nay những vụ cướp chính quyền đã là của hiếm và ngày càng hiếm hơn.

- Nhân dân Đức lúc đó vì những bức xúc nhất thời mà chủ quan nên đã giao cho một kẻ mị dân đại tài là Hitler nhiều quyền hành quá đến mức sau này ông ta đã dìm nhiều dân tộc láng giềng và cả nhân dân Đức vào biển máu.

Nhưng nhân loại đã có biện pháp khắc chế những tên đồ tể như Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot… Đấy là chế độ dân chủ với chính phủ hạn chế, pháp quyền, tam quyên phân lập, tòa án độc lập, tự do ngôn luận và xã hội dân sự vững mạnh.
Chỉ xin lấy một ví dụ rất gần đây về thời gian và rất gần chúng ta về địa lí: Hàn Quốc. Các chính khách cứ việc thoải mái nói rằng mình có tâm, thậm chí rất nhiều tâm; dân chúng nghe lọt nỗ nhĩ thì họ sẽ bầu cho quý vị. Nhưng dân chúng cũng có những cơ chế để phế truất, thậm chí cho quý vị vào tù. Bà tổng thống Hàn Quốc vừa vào tù là ví dụ nhãn tiền. Nước Mĩ thì cũng thế.

Như vậy là, chế độ dân chủ, với những đặc điểm của nó như chính phủ hạn chế, pháp quyền, tam quyên phân lập, tòa án độc lập, tự do ngôn luận và xã hội dân sự vững mạnh có thể nhầm lẫn mà bầu một kẻ “không có tâm” lên làm tổng thống, nhưng cũng có những cơ chế để lôi kẻ đó xuống, thậm chí là bỏ tù hắn ta; chẳng cần phải bàn nhiều về “tâm” với “tài”.

Thương trường thì cũng thế. Thị trường tự do, cởi mở, không có rào cản, trăm người bán vạn người mua sẽ cho người ta thấy ngay người sàn xuất hay người bán hàng nào có tâm và tài mà không cần phải bàn nhiều về “tâm” với “tài”. Ngứa cái lỗ nhĩ và mất thì giờ vô ích.

Ông Nguyễn Phú Trọng là tổng bí thư của một đảng tự nhận là lãnh đạo cả nước mà không biết những chuyện đó, vẫn suy nghĩ theo lối duy tình, sáo mòn, lạc hậu, trích dẫn lung tung. Thật là đáng nản và thật là bất hạnh cho chúng ta!

2. Chữ tài liền với chữ tai một vần!

Đúng là trong chế độ phong kiến chữ “tài” và chữ “tai” có thể đi liền với nhau. Ai không tin xin mời đọc những tác phẩm cổ điển Trung Quốc như Đông Chu Liệt Quốc hay Tam Quốc. Thời đó người ta thường khuyên vua chúa: “Tay A. có tài, nếu không dùng thì phải giết ngay”. Hàn Tín phải bỏ trốn, rồi giết cả người tiều phu vì sợ quân Hạng Vũ đuổi theo là ví dụ mà nhiều người biết. Bàng Quyên tìm mọi cách để hại chết đồng môn là Tôn Tẫn là ví dụ nổi tiếng khác. Có thể dẫn thêm ví dụ thứ ba: Hành quân chủ bộ Dương Tu thông minh quá, nhiều lần đoán được ý của Tào Tháo, đã bị Tào Tháo giết.

Cho nên Lã Khôn (1536-1618) mới nói: “Tài kị nhất là bộc lộ”. Chỉ bộc lộ khi đã ở vị trí “dưới một người nhưng trên vạn người”. Bộc lộ trước sẽ bị hãm hại.

Chế độ độc tài đảng trị thì cũng thế. Cái bọn đầy lòng đố kị và ghen ghét có thể tập trung lại để “đánh hội đồng”. Tài đến đâu thì cũng “mãnh hổ nan địch quẩn hồ” hoặc đơn giả hơn là gièm pha, ngăn chặn không cho người tài vào đảng. Con đường hoạn lộ coi như xong.

Nhưng hiện nay, trong các nền kinh tế thị trường và xã hội tự do, trong các xã hội tôn trọng pháp quyền và nhân quyền, tình hình không còn như thế nữa. Các bạn trẻ ở những xã hội đó đã tuyên bố dõng dạc và rất dứt khoát: “Chúng tôi muốn được nổi tiếng và giàu có ngay từ lúc còn trẻ”. Tức là tài năng phải được bộc lộ ngay, phải làm những việc ích nước lợi nhà ngay từ khi còn trẻ, thậm chí rất trẻ. Trong lĩnh vực kinh tế, đấy là Bill Gates, Steve JoBs, Mark Zuckerberg… còn trong lĩnh vực chính trị, đấy là tổng thống Pháp Emmanuel Macron (làm tổng thống khi mới 40 tuổi), thủ tướng Canada Justin Trudeau (làm thủ tướng khi 44 tuỔi)… Ở Việt Nam hiện nay cũng đã có một số bạn trẻ tuyên bố muốn nổi tiếng ngay từ khi còn trẻ, thậm chí rất trẻ.

Những xã hội và quốc gia không tạo điều kiện cho người tài bộc lộ là những xã hội lạc hậu, những quốc gia thất bại. Nhà cầm quyền ở những nước đó đáng bị nhân dân và lịch sử lên án, ông Nguyễn Phú Trọng ạ.

3. Tài mệnh tương đố/Hồng nhan bạc phận

Ngay đầu Truyện Kiều, Nguyễn đã viết:
Trăm năm trong cõi người ta
Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau

Và chỉ sau vài dòng là:

Lạ gì bỉ sắc tư phong
Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen

Thế là nhiều người liền coi “Tài mệnh tương đố” hay “Hồng nhan bạc mệnh” là một tiết thuyết hay triết lí: Người có tài, có sắc vận mệnh thường long đong, lận đận.

Nhưng câu đó có thật sự đúng không?

Trước hết, người ta thường chú ý đến người tài và người đẹp chứ mấy ai chú ý tới người bất tài và xấu. Làm gì có người nào viết trường thiên tiểu thuyết hay trường ca về người phụ nữ nông dân không đẹp hay anh tiều phu chẳng có tài cán gì gặp số phận hẩm hiu. Mà người có tài kinh bang tế thế hay người phụ nữ sắc nước hương trời nhưng luôn luôn gặp may, gia đình hạnh phúc, con cái đề huề thì cũng có gì để nói, để viết, mà viết ra thì ai đọc? Nhạt chuyện lắm.
Cho nên, thơ ca, tiểu thuyết, kịch mới đầy những cảnh hồng nhan bạc phận và anh hùng sa cơ. Những tác phẩm như thế mới có người đọc và người viết mới có cơ hội trình bày thế giới qan của mình Thêm nữa, đây cũng là cách người ta an ủi nhau, và bọn có tâm địa xấu xa, ghen ghét thì được dịp hí hửng mỉm cười khi có người tài hơn mình, người đẹp hơn mình gặp nạn.

Xin hãy nhìn xung quanh hay lướt qua vài trang báo. Có biết bao nhiêu người chẳng có tài cán gì, chẳng đẹp, thậm chí là chẳng có sức khỏe phải chịu thân phận hẩm hiu và biết bao gia đình có những người tài năng, thậm chí rất tài, suốt nhiều thế hệ đều có cuộc sống an vui, tốt lành. Tôi đã sống đủ lâu và đã chứng kiến nhiều phận người và có thể nói một cách chắc chắn (tuy cũng chưa có điều tra mang tính thống kê) rằng xác suất (tính bằng %) người tài hay người bất tài gặp số phận long đong, người đẹp và người xấu bị ông Trời “đánh ghen” là ngang nhau. Chỉ có điều khi người tài, người có sắc gặp hoạn nạn thì họ còn có chỗ dựa là tài năng, sắc đẹp của mình, còn người bất tài, xấu xí, lại thêm không có sức khỏe thì chẳng có chỗ nào mà dựa.

Tóm lại, “tài mệnh tương đố”, “Hồng nhan bạc phận” trong truyện Kiều, cũng như trong nhiều tác phẩm khác của Nguyễn Duy chỉ là quan niệm của Nguyễn Du, là tình thương mà ông dành cho những thân phận đó, chứ hoàn toàn không phải là “thuyết” có bằng chứng xác thực gì hết.

Bây giờ mà vẫn tư duy như thế là theo lối mòn, mà cũng có thể nói là thiếu tư duy duy lí.

I. Hành xử tùy tiện

Trong Truyện Kiều có nhiều hành động tùy tiện. Tùy tiện ở mức trâng tráo nhất là cảnh:

Sai nha bỗng thấy bốn bề xôn xao
Người nách thước, kẻ tay dao
Đầu trâu mặt ngựa ào ào như sôi

mà lí do rất trớt quớt:

Hỏi tên xưng xuất là thằng bán tơ

Có khác gì bọn sai nha thời nay xông vào giết ông Lê Đình Quỳnh và lúc 4 giờ sáng một ngày cận tết.

Những chuyện này người ta đã bàn nhiều. Hôm nay tôi muốn bàn đến hành xử tùy tiện của chính Thúy Kiều trong phiên tòa báo ân báo oán.

Này nha, bản luận tội được tuyên rất dõng dạc:

Chính danh thủ phạm tên là Hoạn Thư

Thế mà Hoạn Thư mới nói dăm câu bà điều:

Rằng tôi chút phận đàn bà
Ghen tuông thì cũng người ta thường tình

Liền được:

Truyền quân lệnh xuống trướng tiền tha ngay.

Sau đó là những tội nhân:

… Bạc Hạnh, Bạc Bà,
… Ưng, Khuyển, … Sở Khanh.
Tú Bà… Mã Giám Sinh

Tất cả đều bị chặt đầu.

Vụ xử án chẳng theo luật lệ nào, ngay cả đối với Hoạn Thư. Còn nếu theo bất cứ luật lệ nào, dù nghiêm khắc đến đâu, Ưng, Khuyển cũng đều không đến mức phải bị chặt đầu.

Một phiên tòa rất tùy tiện.

Kết luận: Tư duy trong nhiều tình huống trong truyện Kiều là theo lối mòn, hành xử nhiều chỗ tùy tiện, rất hợp với những người nông dân duy tình. Ông Nguyễn Phú Trọng thích truyện Kiều và hay “lẩy” Kiều vì ông cũng là người duy tình và hành xử tùy tiện. Xin nhắc lại vài phát ngôn tùy tiện của ông:

1. Ông bảo: Hiến pháp là cụ thể hóa cương lĩnh của đảng. Thật là quá tùy tiện: Hiến pháp là luật Mẹ, tất cả các điều luật khác đều từ đấy mà ra, trong một quốc gia hiến định, không văn bản nào có quyền cao hơn hiến pháp.
2. Ông đặt kỉ luật đảng cao hơn luật nước; thậm chí còn tùy tiện coi pháp luật là “Lò Tôn”, công dân là “củi khô”, củi tươi”
Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu chăng?

VĨ THANH: Nguyễn Du là nhà thơ đại tài, nhưng tài của ông là ở ngôn từ, ở việc chỉ dùng vài câu đã lột tả được tính cách nhân vật, ở con mắt quan sát tình tường; còn nội dung truyện Kiều khá đơn giản, tư duy trong nhiều tình huống là theo lối mòn, hành xử nhiều chỗ tùy tiện, rất hợp với những người nông dân duy tình, người phương Tây duy lí thời nay khó mà thông cảm được.

Cho nên, theo thiển ý, người nào dịch truyện Kiều ra tiếng nước ngoài trong lúc trà dư tửu hậu nhằm nâng cao trình độ ngoại ngữ thì được, chứ dùng bản dịch để quảng bá văn hóa dân tộc thì kết quả chắc là rất không cao.

HẾT.



1 comment: