July 18, 2019

BIỂN CA-RI-BÊ CỦA TRUNG QUỐC (phần 2)

Chương II, Tác phẩm Vạc Dầu Châu Á (trang 65 – 95)


Trên thực tế, những hành động mà Trung Quốc đang làm không có gì là hung hăng một cách bất thường cả. Trung Quốc là một cường quốc kinh tế và dân số, có diện tích đất đai rộng lớn trải dài trên một lục địa với vùng bờ biển dài, khí hậu nhiệt đới ôn hoà. Sự kiện là nước này đang cố gắng thống trị vùng biển lân cận với những quốc gia nhỏ và yếu hơn nằm xung quanh, nơi có thể có nhiều dầu mỏ và khí tự nhiên, là hoàn toàn bình thường. Nếu không phải là như thế, thì nền chính trị của các siêu cường trong hàng thiên nhiên kỷ vừa qua đã khác. Nhà khoa học chính trị John Mearsheimer , thuộc Đại học Chicago (University of Chicago) đã đưa ra khẳng định đầy thách thức: “Trung Quốc đang ngày càng hùng mạnh hoàn toàn có thể tìm cách đẩy Hoa Kỳ ra khỏi châu Á, hệt như Hoa Kỳ đã làm nhằm đẩy châu Âu ra khỏi Tây Bán Cầu. Tại sao chúng ta lại nghĩ rằng Trung Quốc sẽ hành động khác với những gì Hoa Kỳ đã làm? Họ có nguyên tắc hơn chúng ta hay không? Họ có đạo đức hơn? Và ít tinh thần dân tộc hơn?”. Tóm lại, nếu quá trình trỗi dậy của Trung Quốc không bị các biến động kinh tế-xã hội trong nước làm cho chậm lại hay dừng hẳn, quân đội Hoa Kỳ sẽ phải thích nghi một cách nghiêm túc với quyền lực quân sự đang ngóc đầu dậy của Trung Quốc, với những hệ quả chính trị vô cùng to lớn đối với các quốc gia trong khu vực.

Nếu Trung Quốc trở thành sức mạnh quân sự thống trị tại biển Đông, thì hệ quả mang tính chiến lược lớn hơn sẽ là gì? Nói cách khác, biển Đông có vai trò mang tính sống còn với Trung Quốc hay không? Đã đến lúc, khi mà kinh nghiệm của người Mỹ tại Ca-ri-bê phải được đem ra bàn luận một cách đầy đủ, nhằm cung cấp bối cảnh lịch sử cụ thể cho quá trình triển khai tàu ngầm, máy bay chiến đầu…v.v..? Lịch sử vùng biển Ca-ri-bê cung cấp một góc nhìn khác về những căng thẳng hiện nay ở biển Đông.

Chúng ta có thể gọi vùng biển Ca-ri-bê trải dài từ Florida tới Venezuela , cùng với Vịnh Mexico, là vùng Đại Ca-ri-bê. Vùng Đại Ca-ri-bê này, kết nối Bắc Mỹ và Nam Mỹ thành một thực thể địa chính trị gắn bó, có diện tích gần bằng biển Đông – một chiều rộng 1.500 dặm và chiều kia rộng 1.000 dặm. Nhưng trên bản đồ, hai vùng biển này lại có đặc điểm khác hẳn nhau: trong khi biển Đông được định hình bằng các lục địa và hải đảo bao quanh nó, thì Ca-ri-bê được định hình bằng các nhóm đảo, cả lớn và nhỏ, nằm ở trung tâm. Nhưng, như chúng ta đã biết, các bản đồ thường dễ gây nhầm lẫn trừ khi chúng ta xem xét chúng một cách kỹ càng: vì biển Đông , trên thực tế, có nhiều thực thể địa lý, dù rất nhỏ, và chúng là chìa khoá để tiếp cận các nguồn tài nguyên chủ yếu ở đây.

Cuộc cách mạng mía đường đóng vai trò quan trọng trong lịch sử Ca-ri-bê, làm gia tăng các hoạt động buôn bán hàng hoá và nô lệ. Năm 1770, tất cả các khu vực bên trong Ca-ri-bê đều nằm dưới quyền cai trị của một vài đế quốc thực dân phương Tây. Tuy nhiên, cùng với sự suy giảm hoạt động buôn bán nô lệ, cũng như sự dịch chuyển lợi ích sang các vùng đất ôn hoà hơn ở Bắc và Nam Mỹ, lòng nhiệt tình của người châu Âu đối với Ca-ri-bê cũng dần dần tiêu tan. Đây là thời điểm mà Hoa Kỳ trở thành đế quốc. Sự trỗi dậy của Hoa Kỳ ở khu vực ôn hoà Bắc Mỹ cũng “tham tàn” không kém những điều Trung Quốc đã làm nhằm hoàn thành sự mệnh của mình ở Hoa lục. Thực vậy, khi Hoa Kỳ đang trong giai đoạn đầu của quá trình tiến lên hiện đại, sớm hơn ngay cả khi so sánh với Trung Quốc hiện nay – đặc biệt là quá trình thống nhất về mặt chính trị bên trong nước Mỹ - Washington đã mong muốn trở thành bá chủ ở khu vực Đại Ca-ri-bê, được cho là nằm trong vùng lợi ích địa chính trị của mình. Đó chính là những điều mà Học thuyết Monroe nói tới. Đầu thế kỷ XIX, châu Mỹ La-tinh đã thoát khỏi ảnh hưởng của châu Âu, và Tổng thống James Monroe cũng như Ngoại trưởng John Quincy Adams kiên quyết phản đối việc trở lại của các nước châu Âu như các nước bạn hàng. Họ mong muốn, theo lời của Giáo sư thuộc trường Đại học Hải chiến (Naval War College) , James R. Holmes, “đóng băng hiện trạng”. Thống trị khu vực Đại Ca-ri-bê không có nghĩa là áp dụng chủ nghĩa biệt lập, hay là chinh phục các dân tộc bản địa hay chối bỏ hợp tác quốc tế. Thực ra, trong khi Học thuyết Monroe đang trong quá trình triển khai, hải quân Hoa Kỳ đã hợp tác với hải quân Hoàng gia Anh để tuần vùng biển Ca-ri-bê - trong một nỗ lực chung nhằm chấm dứt nạn buôn bán nô lệ . Không những không tìm cách ngăn chặn, không cho hải quân châu Âu tiếp cận Ca-ri-bê , Tổng thống Monroe chỉ tìm cách không cho các quốc gia châu Âu tái thiết lập sự hiện diện của mình trên đất liền. Học thuyết Monroe tinh vi hơn rất nhiều so với những điều mà người ta thường nói.

Yếu tố địa lý quan trọng nhất của Ca-ri-bê là vùng biển này gần Mỹ và cách xa các cường quốc châu Âu đương thời, tương tự như biển Đông gần với Trung Quốc hơn Hoa Kỳ và các cường quốc phương Tây. Trong tất cả các cường quốc châu Âu, nước Anh , với lực lượng hải quân hùng mạnh nhất thế giới và có căn cứ tại Jamaica, Trinidad, Guiana, Honduras, và quần đảo Antilles Nhỏ (Lesser Antillies), - tương tự như hải quân Hoa Kỳ hiện nay đối với biển Đông - ở một vị thế thuận lợi nhất để có thể thách thức Hoa Kỳ ở vùng biển Ca-ri-bê trong giai đoạn chuyển giao giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX. Thế nhưng người Anh đã không thách thức người Mỹ, bởi vì họ biết rằng người Mỹ sẽ chiến đấu kiên cường nhằm bảo vệ không gian hàng hải mở rộng của lục địa Bắc Mỹ. (Với lý do tương tự, Hoa Kỳ sẽ phải cẩn thận khi công khai thách thức Trung Quốc ở biển Đông ). Hơn nữa, trong khi người Anh là tác nhân kinh tế và quân sự quan trọng ở Ca-ri-bê, đến năm 1917, ảnh hưởng kinh tế của Hoa Kỳ, do vị trí địa lý gần gũi cũng như quá trình phát triển nhanh chóng, đã vượt qua nước Anh – tương tự như Trung Quốc thay thế ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở châu Á. Từ đó “Địa Trung Hải của châu Mỹ” trở thành tên gọi khác của biển Ca-ri-bê .

Sang thế kỷ XX, như nhà sử học, Richard H. Collin viết: “sự hội tụ phức tạp của cái mà chúng ta gọi là chủ nghĩa hiện đại – giao thông vận tải, liên lạc, và công nghệ trong công nghiệp – đã làm thay đổi thế giới”. Và chủ nghĩa hiện đại đó đã dẫn tới những hình thức ngoại giao pháo hạm nhằm bảo vệ các lợi ích mới về kinh tế, cũng như chủ nghĩa hậu hiện đại hiện nay dẫn tới tăng cường xây dựng lực lượng không quân, hải quân, chiến tranh điện tử và chiến tranh trên không gian mạng ở châu Á. Chủ nghĩa hiện đại cũng đã thúc đẩy Hoa Kỳ xây dựng kênh đào bắc ngang qua Trung Mỹ, nối Đại Ca-ri-bê với Thái Bình Dương.

Thời kỳ hiện đại bắt đầu ở Tây Bán Cầu khi cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha bùng nổ vào năm 1898 ở Cuba thuộc Tây Ban Nha. Cuộc chiến này cũng giúp Hoa Kỳ đánh bại Tây Ban Nha ở Philippines , nằm trong khu vực biển Đông . Sử gia Collin viết như sau: “Hoa Kỳ đã tự chứng minh cho mình và cho châu Âu rằng mình có thể chiến đấu và chiến thắng trong một cuộc chiến ở hải ngoại. Với các cựu chiến binh của Liên bang (Confederates) chiến đấu bên cạnh những người thuộc phe Hiệp ước (Union), sự hợp nhất về mặt quân sự đã củng cố thêm tính thống nhất về mặt chính trị và kinh tế, vốn đem lại sức mạnh đáng gờm cho Hiệp chúng quốc Hoa Kỳ thời kỳ sau nội chiến”. Cuộc chiến tranh Mỹ-Tây Ban Nha, diễn ra một phần do nhu cầu kiểm soát các tuyến đường hàng hải qua vùng biển Ca-ri-bê, cũng có nghĩa là chấm dứt chủ-nghĩa-biệt-lập-phi-bá-chủ của nước Mỹ, và biến Hoa Kỳ thành một kiểu đế quốc. Theodore Roosevelt, năm 1898 ông chỉ huy trung đoàn Rough Riders (Trung đoàn Kỵ binh số 1 của Hoa Kỳ được thành lập năm 1898 – ND) tấn công ngọn đồi San Juan ở Cuba, và một thập kỷ sau khi rời chức vụ tổng thống đã trở thành người cai trị các vùng thuộc địa cũ của Tây Ban Nha ở Ca-ri-bê và Thái Bình Dương, ông cũng là người xây dựng kênh đào Panama và được giải Nobel hoà bình vì đã góp phần dàn xếp cuộc chiến tranh Nga-Nhật, và là người chỉ huy lực lượng hải quân gồm 22 thiết giáp hạm. Tương tự, nếu như quan điểm về một nước Trung Quốc nhân từ và không theo đuổi tham vọng bá quyền bị lung lay, thì nước này hoàn toàn có khả năng sẽ đi theo những bước chân của Hoa Kỳ. Collin viết, “Loại bỏ hoàn toàn châu Âu ra khỏi Tân thế giới là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Roosevelt” . Và Trung Quốc, theo Mearsheimer, liệu cũng sẽ nghĩ tới một đại chiến lược dài hạn nhằm đẩy Hoa Kỳ ra khỏi châu Á hay không?

Năm 1904, Roosevelt đã bổ sung một hệ luận (Roosevelt Corollary) vào Học thuyết Monroe khi cho rằng Hoa Kỳ “chỉ can thiệp vào vùng Đại Ca-ri-bê khi không còn lựa chọn nào khác, và chỉ khi sự bất lực và thiếu thiện chí của họ (các dân tộc tại Ca-ri-bê) rõ ràng là xâm phạm tới quyền lợi của Hoa Kỳ, hay khuyến khích sự hung hăng đến từ bên ngoài, gây phương hại tới (lợi ích) của toàn bộ các quốc gia ở châu Mỹ”. Bộ trưởng Chiến tranh của Roosevelt, Elihu Root , đặc biệt bác bỏ chính sách của chính quyền Grover Cleveland rằng Hoa Kỳ “có chủ quyền trên thực tế” ở vùng Đại Ca-ri-bê. Root cho rằng, “cái chúng ta đòi hỏi không phải là chủ quyền…mà là quyền bảo vệ”. Root muốn nói các cuộc khủng hoảng xảy ra ở Cộng hoà Dominican và Venezuela, khi các chính quyền bị phá sản và ngoài vòng pháp luật ở đây bị những quốc gia chủ nợ phương Tây đe doạ can thiệp, những nước này có thể biến các cơ sở hải quan thành căn cứ hải quân. Roosevelt phản đối việc người châu Âu lợi dụng tình hình cũng gay gắt như khi ông chỉ trích các chính quyền vô trách nhiệm nói trên. Các cuộc đảo chính và sụp đổ của chính quyền ở Panama và Cuba dẫn tới sự can thiệp quy mô nhỏ và cả quy mô lớn của Hoa Kỳ. Các cuộc khủng hoảng chính trị bao trùm Colombia và các quốc gia Trung Mỹ, và nhiều cuộc khủng hoảng, ở một mức độ độ nào đó, có khả năng thu hút sự can thiệp của châu Âu. Hơn nữa, Roosevelt muốn chặn đứng việc “nước Đức hùng mạnh thay thế nước Tây Ban Nha yếu” ở Ca-ri-bê, khi một thập niên trước Thế chiến I , Kaiser Wilhelm II tăng cường xây dựng hải quân. Biển Ca-ri-bê là phần mở rộng tự nhiên của lục địa Hoa Kỳ, vùng biển này cũng phần dễ bị tổn thương nhất trong không gian an ninh của đất nước trước những cuộc tấn công của châu Âu. Cuối cùng, cần phải định hình môi trường chính trị cho quá trình xây dựng kênh đào Panama.

Quá trình triển khai quân đội Hoa Kỳ song hành với bá quyền về mặt kinh tế: đảm bảo các khoản vay, nổi tiếng với tên gọi “ngoại giao đô-la”, và quản lý tiền tệ khu vực bằng cách thúc đẩy thật nhiều nước áp dụng chế độ bản vị vàng cũng như làm cho đồng tiền của những nước này có khả năng chuyển đổi sang đồng đô-la. Sau đó, sản xuất dầu mỏ quy mô lớn ở Trinidad và Cuba lại tạo ra thêm động cơ, thúc đẩy sự can dự của Hoa Kỳ. Cuối cùng, thời kỳ cầm quyền của chính quyền Roosevelt đánh dấu đỉnh điểm của sự thống trị của Hoa Kỳ ở khu vực Đại Ca-ri-bê, sau đó là hàng thập kỷ với nhiều vụ can thiệp cả về kinh tế và quân sự của Hoa Kỳ, đáng chú ý là thời gian Mỹ chiếm đóng Haiti kéo dài 19 năm, bắt đầu từ cuộc đổ bộ của thuỷ quân lục chiến vào năm 1915. Theodore Roosevelt đã hoàn thành được ba mục tiêu mà hiện nay Trung Quốc có thế học hỏi để áp dụng cho biển Đông : ông đã đuổi người châu Âu ra khỏi Ca-ri-bê, mặc dù ông gần gũi hơn với châu Âu về mặt chính trị, trong khi đó, ông lại cố gắng kiềm chế sức mạnh của Hoa Kỳ vì ông hiểu sâu sắc về sự nhạy cảm của các dân tộc Mỹ La-tinh. Bắt chước Roosevelt, các nhà đại chiến lược của Trung Quốc phải muốn làm giảm sự can cự của Hoa Kỳ ở biển Đông đến mức họ trở thành bá chủ trên thực tế ở vùng biển được coi là Địa Trung Hải của châu Á này - trong khi vẫn duy trì các mối quan hệ về chính trị và kinh tế gần gũi với Washington và kiềm chế sức mạnh của mình bằng cách đánh giá đúng hơn những vấn đề và các dân tộc ở Đông Nam Á.

Rõ ràng là, có những khác biệt rất lớn giữa Địa Trung Hải của châu Mỹ và Địa Trung Hải của châu Á. Các quốc gia ở Ca-ri-bê trong thời điểm chuyển giao giữa thế kỷ XIX và thế kỷ XX là những quốc gia yếu đuối, bất ổn và không kiên định; khác hoàn toàn với những thực thể xung quanh biển Đông, với ngoại lệ là Philippines và Indonesia, là những quốc gia mạnh, và Việt Nam, có tiềm năng trở thành một nước có sức mạnh trung bình nếu họ có thể lập lại trật tự trong nền kinh tế. Thậm chỉ cả Philippines và Indonesia (Indonesia nằm ở vùng rìa biển Đông), là các thực thể chính trị đông dân, với cơ cấu chính trị và kinh tế yếu hơn các nước láng giềng, vẫn phát triển hơn rất nhiều nếu so với các quốc gia Ca-ri-bê hồi đầu thế kỷ XX. Sự can thiệp liên tục của nước lớn vốn là đặc trưng của đời sống chính trị quốc tế ở khu vực Đại Ca-ri-bê sẽ không phải là đặc điểm ở biển Đông ngày nay.

Và bên cạnh đó, là sự giống nhau một cách rõ ràng. Cả hai đều là vùng biển ngoài rìa của phần mở rộng của các quốc gia có quy mô lục địa: Hoa Kỳ và Trung Quốc. Hoa Kỳ, theo nhà địa chiến lược người Mỹ gốc Hà Lan giữa thế kỷ XX, Nicholas J. Spykman, trở thành cường quốc toàn cầu khi hoàn toàn kiểm soát được vùng Đại Ca-ri-bê. Vì sự thật địa lý căn bản của khu vực Tây bán cầu, theo Spykman, là sự phân chia ở bên trong nội bộ khu vực không phải là giữa Bắc Mỹ và Nam Mỹ, mà là giữa khu vực phía bắc vùng rừng rậm xích đạo Amazon và khu vực phía nam. Colombia và Venezuela, cũng như Guianas, mặc dù nằm ở vùng bờ biển phía bắc Nam Mỹ, lại là một bộ phận chức năng của vùng Bắc Mỹ và khu vực Địa Trung Hải của châu Mỹ. Một khi đã thống trị được Địa Trung Hải của châu Mỹ, tức là vùng biển Ca-ri-bê, và chia tách khu vực này với phần còn lại của Nam Mỹ thông qua khoảng cách địa lý và một vành đai rừng rậm nhiệt đới trải dài thì Hoa Kỳ không gặp phải nhiều thách thức ở phía Tây Bán Cầu nữa. Chính vì vậy, thống trị vùng Đại Ca-ri-bê giúp cho Hoa Kỳ thống trị Tây Bán Cầu, và sức mạnh còn lại giúp cho Washington gây ảnh hưởng lên cán cân quyền lực ở Đông Bán Cầu, Spykman nhận xét như thế. Đầu tiên là vùng Đại Ca-ri-bê, và sau đó là toàn thế giới.

Giàn khoan 981 của Trung Quốc trên Biển Đông
 
Tương tự như thế với Trung Quốc ở Địa Trung Hải của châu Á. Thống trị biển Đông sẽ dọn đường cho Trung Quốc tạo được ảnh hưởng về không quân và hải quân ở những khu vực nằm bên cạnh các đường hàng hải của toàn bộ lục địa Á-Âu – trên cả Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Và vì thế, Trung Quốc sẽ trở thành bá chủ của toàn bộ khu vực. Điều này vẫn sẽ không giúp Trung Quốc đạt được mức độ thống trị ở Đông Bán Cầu như Hoa Kỳ đã làm được ở Tây Bán Cầu. Tuy nhiên, việc Trung Quốc trở thành bá chủ, tự nó, có thể nâng vị trí của nước này lên cao hơn, chứ không chỉ là nước đứng đầu trong những cường quốc ngang nhau ở Đông Bán Cầu, và đủ cả sức mạnh chính trị và kinh tế nhằm thiết lập ảnh hưởng lên các quốc gia ở Tây Bán Cầu ở một mức độ lớn hơn trước đây gấp nhiều lần, nhất là các nước Nam Mỹ và Ca-ri-bê nữa. Hiện nay biển Đông là điểm nút quan trọng trong nền chính trị dựa trên sức mạnh toàn cầu, là tối quan trọng trong việc duy trì thế cân bằng quyền lực toàn cầu. Trong khi việc kiểm soát biển Đông chưa thể ngăn chặn thế giới tiếp cận với Trung Quốc như việc kiểm soát Ca-ri-bê đã ngăn chặn thế giới tiếp cận với Hoa Kỳ, thì vùng biển Ca-ri-bê, xin nhắc lại – thậm chí với kênh đào Panama – không có những tuyến đường hàng hải và vận chuyển năng lượng quan trọng như biển Đông.

Và giờ đây chúng ta đang có một châu Á thịnh vượng hơn và đang quân sự hoá, đây chính là bản chất của tính năng động tư bản chủ nghĩa, với điểm trung tâm là Địa Trung Hải của châu Á . Trong cuộc chạy đua vũ trang ở biển Đông, Trung Quốc đang bỏ xa các lân bang, và sẽ có lúc đạt được những thành tựu tương tự như Hoa Kỳ ở vùng Đại Ca-ri-bê. Nhưng những nhận định như vậy sẽ chỉ phác hoạ nên bức tranh căn bản về các đặc trưng chính trị, kinh tế và văn hoá ở biển Đông mà thôi. Để có thể tô điểm thêm màu sắc cho bức tranh đó, cần phải hiểu rõ một cách chi tiết và nền tảng về từng quốc gia có liên quan.

Hết Chương II.


No comments:

Post a Comment