November 18, 2017

Chợ đen Bắc Triều Tiên đang cứu nhiều người?

Richard Mason

Phạm Nguyên Trường dịch

Một phần năm dân số “phụ thuộc trực tiếp hay gián tiếp vào thị trường”.


Bắc Triều Tiên có thể được coi là đất nước bị đông cứng về mặt thời gian; một xã hội mắc kẹt vĩnh viễn trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Trong những cuộc thảo luận về đất nước bị cách li này, người ta ít nói (nếu quả thật là có) về tiến bộ, tăng trưởng, hoặc bất kì hình thức thay đổi nào.

Càng đáng ngạc nhiên hơn khi có thể coi Bắc Triều Tiên là một trong những câu chuyện về phát triển kinh tế hấp dẫn nhất từ trước tới nay.

Từ ngày lập quốc, năm 1948, cho đến cuối thế kỷ XX, mọi thứ (tương đối) không thay đổi; tất cả các ngành công nghiệp đã bị chính phủ nắm giữ và bị quốc hữu hóa, tất các nhu yếu phẩm như thực phẩm, quần áo và nhiên liệu đều do nhà nước cung cấp. Tất cả những chuyện này đã thay đổi sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ và nạn đói hoành hành trong những năm 1990.

Khi nhà nước không còn có thể nuôi được người dân, hệ thống mới đã bước vào thay thế hệ thống cũ. Thị trường chợ đen bắt đầu xuất hiện trên khắp cả nước, nhất là ở những khu vực mà sự thất bại của hệ thống phân phối tác động đặc biệt nặng nề và đã nuôi sống hàng ngàn người Bắc Triều Tiên.

Thế hệ Jangmadang


Hoạt động của thị trường chợ đen ở Bắc Triều Tiên gia tăng, đã dẫn tới việc những người được sinh ra trong khoảng từ đầu thập niên 1980 đế năm 2000 được gọi là thế hệ “Jangmadang (장마당)” – theo tiếng Hàn nghĩa là “nền tảng của thị trường”. Ban đầu, những thị trường này là các thương nhân chưa có tổ chức, tụ họp trên những cánh đồng, lúc nào cũng có thể bị cảnh sát bắt, nếu không chịu hối lộ.

Ngày nay, hoạt động của jangmadang đã tạo ra các khu chợ thực sự, đầy đủ, với các quầy hàng bán thực phẩm đường phố, hàng điện tử do buôn lậu mà có, gia vị và quần áo; người ta cho rằng một số chợ lớn đến mức có hàng nghìn gian hàng.

Hiện nay, những khu chợ này đã trở thành thành phần quan trọng sống còn đối với nhiều người Bắc Triều Tiên, một số báo cáo nói rằng khoảng 5 triệu (hoặc khoảng một phần năm dân số cả nước “phụ thuộc trực tiếp hay gián tiếp vào những khu chợ này”

Đương nhiên là, quan hệ giữa thị trường và nhà nước đã trở thành phức tạp. Chế độ đã giao động giữa việc cho phép một số nhà cung cấp (miễn là họ trả tiền cho cho nhà nước để được hưởng đặc quyền này) và áp đặt những hạn chế nghiêm khắc.

Tuy nhiên, thị trường tiếp tục phát triển trên toàn quốc và tiếp tục nuôi sống hàng triệu người Bắc Triều Tiên.

Thị trường có thể cứu được Bắc Triều Tiên?

Các biện pháp trừng phạt kinh tế mà phần lớn các nước trên thế giới áp đặt, cùng với sự kiểm soát của nhà nước đối với hầu hết các hoạt động kinh tế, đã dẫn đến kết quả là kinh tế Bắc Triều Tiên phát triển rất chậm.

Mặc dù nhà nước theo đuổi tăng trưởng kinh tế cùng với phát triển vũ hạt nhân theo chính sách Byungjin (chính sách mới kêu gọi phát triển đồng thời kinh tế và vũ khí hạt nhân - ND), tiến bộ vẫn rất chậm.

Trong khi đó, thế thượng phong ngày càng gia tăng của jangmadangs trên khắp cả nước đã không chỉ trở thành sự thay thế đầy hiệu quả cho hệ thống phân phối của nhà nước đã thất bại mà còn đang làm thay đổi thái độ của người Bắc Triều Tiên. Vì nhiều người dựa vào thị trường để kiếm ăn, chứ không dựa vào nhà nước, lòng trung thành xưa cũ với chế độ đang biến mất dần.

Hơn nữa, việc buôn lậu từ Trung Quốc gia tăng đã đưa về nước nhiều phương tiện truyền thông, ví dụ, phim ảnh và âm nhạc của Mỹ và Hàn Quốc. Điều này có nghĩa là ngày càng có nhiều người Bắc Triều Tiên có thể tiếp cận với những thông tin không phải của chế độ, tạo điều kiện cho họ có nhận thức phần nào về thế giới bên ngoài

Từng chút một, thế hệ jangmadang đang dần dần tách khỏi bong bóng tuyên truyền tinh vi được xây dựng trong giai đoạn lịch sử ngắn ngủi của đất nước này.

Tuy nhiên, ở cái đất nước bế quan tỏa cảng này, thị trường chỉ có thể làm được đến thế mà thôi. Mặc dù mức độ khoan dung tương đối của chế độ hiện nay cho thấy Bắc Triều Tiên đang đi đúng hướng, nhưng còn lâu mới có thị trường tự do thực sự. Sự can thiệp của chính phủ vào jangmadangs, ví dụ, bằng cách tham nhũng, hối lộ, và những quy định không cần thiết đã ngăn chặn, không để cho các lực lượng thị trường đưa đất nước tiến lên.

Hơn nữa, những biện pháp trừng phạt chống lại Bắc Triều Tiên, cũng như những căng thẳng quốc tế do chính sách phổ biến vũ khí hạt nhân của đất nước này, đã gây ra những khó khăn đặc biệt đối với các nhà đầu tư nước ngoài, làm cho họ khó thúc đẩy nền kinh tế Bắc Triều Tiên.

Bên cạnh một vài dự án nước ngoài – ví dụ quán cà phê Vienna ở quảng trường Kim Nhật Thành ở Bình Nhưỡng, dường như, trong thời gian trước mắt, Bắc Triều Tiên sẽ không hạ thấp rào cản đối với thị trường.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn nên lạc quan. Tiến trình có thể chậm, nhưng vẫn đang tiến về phía trước. Thị trường đang làm thay đổi thái độ của giới trẻ Bắc Triều Tiên. Sau một thời gian dài nữa, thế hệ tiếp theo có thể thúc đẩy một Bắc Triều Tiên hoàn toàn mới.

Ít nhất, sự kiện là những các thanh niên thế hệ jangmadangs đã và đang tạo được ảnh hưởng tích cực trong cái đất nước toàn trị như Bắc Triều Tiên cung cấp cho chúng ta lý do để hi vọng; không thể bóp nghẹt được thị trường, thương mại và hợp tác - dù nhà nước có to lớn đến mức nào.

Richard Mason là blogger tự do và trợ lý biên tập tại SpeakFreely.today.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báoa>

Nguồn https://fee.org/articles/in-north-korea-black-markets-are-saving-lives/

No comments:

Post a Comment