November 20, 2017

Đảo chính ở Zimbabwe không phải lý do để ăn mừng

Leonid Bershidsky

Phạm Nguyên Trường dịch

Nhưng đây là bài học giá trị cho những nhà độc tài đang tìm cách bám víu vào quyền lực.

Mọi sự vẫn thế, mà có thể còn xấu hơn

Như là người lãnh đạo Zimbabwe, Robert Mugabe, giữ được quyền lực lâu hơn cả Stalin ở Liên Xô lẫn Mao Trạch Đông ở Trung Quốc. Vì chính quyền của ông ta sắp cáo chung - dường ông ta sẽ bị quản thúc tại gia sau khi quân đội giành được quyền lực – cần phải suy nghĩ về những sai lầm mà ông phạm, cũng là nguyên nhân dẫn tới sự cáo chung của con đường hoạn lộ tuyệt vời của ông ta.

Daniel Treisman, nhà chính trị học của University of California, Los Angeles (UCLA) khẳng định trong một bài báo gần đây rằng hầu hết các nhà độc tài sụp đổ vì những lý do thể hiện rằng tất cả bọn họ là những người có quá nhiều tính người: kiêu căng, có xu hướng chấp nhận những rủi ro không cần thiết, xung động tự do hóa dẫn tới cái dốc đầy nguy hiểm, chọn sai người kế nhiệm, bạo lực vô ích.

Mugabe, 93 tuổi, cũng không phải là ngoại lệ; ông ta đã sai lầm trong khi chuẩn bị người kế nhiệm và dựa quá nhiều vào lực lượng quân sự. Khi ông ta tìm cách thay đổi lựa chọn, các tướng lĩnh đã quyết định rằng thế là quá đủ rồi.

Hầu như trong suốt 37 năm cầm quyền của Mugabe, Emmerson Mnangagwa – tương tự như Mugabe, một cựu chiến binh trong cuộc chiến tranh giành độc lập của Zimbabwe, tay từ Anh quốc - là đồng minh và trợ tá thân cận nhất của nhà độc tài. Là Bộ trưởng an ninh đầu tiên của nước này, ông ta lãnh đạo các đơn vị đặc biệt, chuyên đàn những bộ lạc chống đối chính quyền của Mugabe. Binh lính của những đơn vị này buộc dân làng phải nhảy múa trên những nấm mồ vừa mới đắp của người than của họ, miệng hô những khẩu hiệu ủng hộ Mugabe, mà Heidi Holland đã mô ta trong Dinner with Mugabe, cuốn sách viết về sự chuyển hóa từ thần tượng của phong trào giải phóng dân tộc sang chế độ chuyên chế.

Sau đó, cuối những năm 1990, khi Zimbabwe đứng về phía chính phủ trong cuộc Chiến tranh Congo lần thứ hai, Mnangagwa thiết lập được mối quan hệ chặt chẽ với quân đội, giúp họ giành được các nhượng bộ về khai thác khoáng sản để đổi lấy việc ủng hộ tổng thống Laurent-Desire Kabila (của Congo – ND).

Tham vọng chính trị của Mnangagwa gia tăng và năm 2005, Mugabe đã ngăn chặn con đường hoạn lộ của ông ta, không cho ông ta nắm giữ vị trí cao cấp trong đảng cầm quyền Zanu-PF, sau khi ông ta định giành vị trí phó chủ tịch đảng. Tuy nhiên, Mnangagwa vẫn vượt qua được vụ cách chức này và năm 2014 đã giành được vị trí phó chủ tịch. Rõ ràng là, mặc dù không có đầy đủ phẩm chất chính trị - ông ta đã thất bại trong hai cuộc bầu cử ngay trong khu vực bầu cử của mình - Mugabe vẫn coi ông ta là người kế nhiệm tiềm tàng.

Robert Mugabe ngủ trong một cuộc họp ở LHQ

Trong khi Mnangagwa chứng tỏ khả năng nắm quyền của mình, ông ta củng cố các mối quan hệ và tìm sự ủng hộ của các giới quyền uy của Zimbabwe, Mugabe ngày càng lệ thuộc vào quân đội. Năm 1014, Charles Mangongera, một nhà nghiên cứu về Zimbabwe, viết trong một bài báo như sau:

“Khi sự kìm kẹp của vị tổng thống độc tài suy giảm vì phong trào đối lập gia tăng, quân đội ngày càng tham gia sâu hơn vào chính trị. Giới tinh hoa trong quân đội giành được quyền phủ quyết hiến định và ngăn chặn được quá trình chuyển hóa sang chế độ dân chủ bằng cách quân sự hóa các cơ quan nhà nước quan trọng nhất và sử dụng bạo lực nhằm chống lại những người thách thứcMugabe. Đổi lại, tầng lớp tinh hoa quân sự được tưởng thưởng bằng các hợp đồng béo bở của chính phủ, được tiếp cận với những khu đất giá trị nhất, được nhượng quyền khai thác khoáng sản và các điều kiện thuận lợi khác mà nhà nước tước đoạt do Mugabe cầm đầu dành cho họ”.

Không thể coi lực lượng quốc phòng Zimbabwe là kiểu quân đội mà trong những giai đoạn khủng hoảng có thể bước vào nhằm đảm bảo hoạt động bình thường và tuân thủ truyền thống quản trị, như quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã làm nhiều lần trong thế kỷ XX. Lực lượng quốc phòng Zimbabwe gắn bó chặt chẽ với đảng Zanu-PF, nhưng không tất yếu gắn bó với Mugabe. Khi nhà độc tài lão hóa ngày càng già yếu, thường xuyên phải ngủ gật trong những buổi họp mặt nơi công cõng, Constantine Chiwenga, chỉ huy lực lượng quốc phòng Zimbabwe, đã trở thành đồng minh của Mnangagwa.

Vì vậy, khi Mugabe xa thải Mnangagwa vào đầu tháng này, với cáo buộc nói rằng ông ta không trung thành, và khi người ta thấy rõ là nhà độc tài muốn vợ mình, bà Grace, trở thành phó chủ tịch và kế vị ông, thì Chiwenga tiến lên, với lời hứa là sẽ ngăn chặn “những kẻ muốn chống phá cuộc cách mạng”. Đảo chính ở Harare diễn ra vào ngày hôm sau.

Ngưu tầm ngưu mã tầm mã

Có rất ít lý do để ăn mừng sự kiện này. Grace Mugabe, với tính khí hung bạo và thích xa hoa của bà ta, khó có thể trở thành vị tổng thống vĩ đại. Mnangagwa, 75 tuổi, cũng chẳng hơn gì. Các nhà quan sát gọi ông ta là người tàn nhẫn và độc ác. Holland viết: “Ứng cử viên phe đối lập, người thắng ông ta ở khu vực bầu cử Kwe Kwe Central sau chiến dịch vận động đầy cay đắng vào năm 2000, suýt chết khi đoàn viên thanh niên thuộc tổ chức thanh niên Zanu-PF bắt cóc ông ta và tưới xăng lên người nhưng không châm được lửa”.

Nước Zimbabwe, đã trải qua vụ bạo lực gây ta nhiều thương tổn và những xáo trộn về kinh tế dưới thời Mugabe, không hi vọng gì nhiều vào sự can thiệp của giới quân sự. Sự thay đổi, được sinh ra từ âm mưu trong cung điện chứ không phải là sự phản kháng của nhân dân, có nghĩa là mọi thứ vẫn như cũ hoặc là còn tệ hơn. Nhà độc tài mới sẽ tìm cách nói với dân chúng rằng rằng ông ta có nhiều lý do để làm đảo chính hơn là người tiền nhiệm của ông ta, và điều đó có nghĩa là sẽ có những cuộc đàn áp dữ dội hơn.

Nhưng, sự kiện ở Zimbabwe có thể là một bài học bổ ích cho các nhà cai trị chuyên chế trên khắp thế giới. Đồng minh lâu năm với tham vọng được kế nhiệm không thể chờ đợi mãi cái chết của nhà độc tài. Nếu người đó có cơ hội củng cố quyền lực, và đặc biệt là kết bạn với những tướng lĩnh đầy quyền lực, thì thời gian nắm quyền của nhà độc tài đã được quyết định. Người đó cũng sẽ không thay đổi suy nghĩ của mình về quyền kế thừa. Liên tục xáo trộn bộ máy an ninh và ban lãnh đạo chính trị đã tạo điều kiện cho Stalin và Mao chết khi vẫn còn quyền lực. Quyết định ngay từ sớm về việc thiết lập triều đại là có lợi cho Kim Nhật Thành. Mugabe sẽ không nằm trong hàng ngũ những nhà độc tài bách chiến bách thắng này, vì ông ta là người cẩu thả. Nhưng đây cũng là tính người, nhất là sau gần bốn thập kỷ cầm quyền.

Đã đăng trên Dân Luận


Nguồn https://www.bloomberg.com/view/articles/2017-11-15/zimbabwe-s-coup-is-nothing-to-celebrate

No comments:

Post a Comment