November 27, 2017

Chế độ tổng thống hay đại nghị?

Robert A. Dahl, Bàn về dân chủ, Phạm Nguyên Trường dịch, NXB Giấy Vụn, 2015, trang 186-188.

Trong hệ thống tổng thống, người đứng đầu ngành hành pháp được bầu một cách độc lập với cơ quan lập pháp và được hiến pháp trao cho nhiều quyền lực quan trọng. Trong hệ thống đại nghị hay nội các, người đứng đầu ngành hành pháp do quốc hội bầu và có thể bị quốc hội bãi nhiệm. Thí dụ kinh điển về thể chế tổng thống là Mỹ, còn thí dụ kinh điển về thể chế đại nghị là nước Anh.



Thể chế tổng thống đã được các đại biểu tham dự Hội nghị Lập hiến của Mĩ Mỹ phát minh ra vào năm 1787. Đa số các đại biểu đều ngưỡng mộ hiến pháp (bất thành văn) của Anh ở đặc tính "phân chia quyền lực" của nó đã tạo nên một ngành tư pháp độc lập với cả hai cơ quan lập pháp lẫn hành pháp, và một ngành lập pháp (Nghị viện Ạnh) lại độc lập với cơ quan hành pháp và đến lượt nó, lại tạo ra một nhánh hành pháp (hoàng gia) cũng độc lập với cơ quan lập pháp. Mặc dù các đại biểu tìm cách sao chép những ưu điểm của hiến pháp Anh, nhưng nhà vua rõ ràng là nằm ngoài chương trình nghị sự rồi, cho nên vấn đề hành pháp đã làm họ bối rối. Không có một kiểu mẫu liên đới nào trong lịch sử để tham khảo, cuối cùng họ phải tự đánh vật với vấn đề suốt gần hai tháng trời trước khi sáng chế được ra mô hình của chính họ.

Mặc dù hội nghị lập hiến của Mỹ là một sự tập hợp hiếm có của những tài năng xuất chúng về hiến pháp, nhưng thời gian kéo dài trong tranh luận cũng đã giúp cho các đại biểu có được những viến kiến xa hơn rất nhiều những gì mà tư liệu lịch sử đã cho chúng ta biết hoặc lớn hơn những gì mà khả năng con người có thể cho phép. Cũng như nhiều phát minh khác, những người sáng tạo ra thể chế tổng thống Mĩ Mỹ (đúng hơn phải gọi là hệ thống tổng thống-quốc hội) không thể tiên đoán được phát minh của họ sẽ tiến hóa như thế nào trong hai thế kỉ sau đó. Họ cũng không thể tiên đoán được rằng thể chế nghị viện cũng sắp hình thành như là một phương án có thể thay thế và là giải pháp sẽ được áp dụng rộng rãi hơn.

Mặc dù hiện nay không người Mĩ Mỹ nào lại nghĩ tới thể chế đại nghị, nhưng nếu Hội nghị Lập hiến được triệu tập sau đó chừng 30 năm thì hoàn toàn có khả năng là các đại biểu đã đề xuất hệ thống nghị viện rồi. Vì họ không hiểu (về vấn đề này, những người quan sát ở Anh cũng thế) rằng chính hệ thống hiến định ở Anh cũng đang thay đổi rất nhanh. Nói ngắn gọn thì hệ thống đó đang tiến hóa thành hệ thống đại nghị với quyền hành pháp nằm trong tay thủ tướng và nội các, chứ không còn nằm trong tay nhà vua nữa. Mặc dù về mặt hình thức thì do nhà vua bổ nhiệm, nhưng trên thực tế thủ tướng lại do đa số trong Quốc hội bầu chọn (khi cần thì Viện thứ dân -– House of Commons -– quyết định) và chỉ có thể tại vị khi được đa số trong Nghị viện ủng hộ. Sau đó mới đến lượt thủ tướng chọn các thành viên khác cho nội các của chính phủ. Hệ thống này gần như đã được hoàn tất vào khoảng năm 1810.

Kết quả là, trong phần lớn các nước dân chủ lâu đời, còn ổn định cho đến ngày nay, tức là những nước mà các thiết chế dân chủ đã phát triển và đứng vững trong thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, chính thể đại nghị (với các biến thể khác nhau) chứ không phải chính thể tổng thống đã trở thành dàn xếp được chấp nhận về mặt hiến định.

No comments:

Post a Comment