July 5, 2024

THỰC TẠI, TÂM LINH VÀ CON NGƯỜI HIỆN ĐẠI (15)

  Reality, Spirituality and Modern Man)

David Hawkins, M. D., Ph. D.

Phạm Nguyên Trường dịch


CHƯƠNG 14

 

Những con đường tâm linh

 

Dẫn nhập

Từ lâu người ta đã nói rằng có hàng vạn con đường dẫn đến Thiên Chúa. Những con đường truyền thống đã được trình bày trong các tác phẩm trước, trong đó có các tầng đã được hiệu chỉnh của các tôn giáo lớn trên thế giới, cũng như các phương pháp tu tập yoga và các đạo sư vĩ đại. Trong các tác phẩm đó còn có danh sách đã được hiệu chỉnh của các đạo sư và giáo lý chính trực, cũng như các tổ chức và nhóm tôn giáo và tâm linh từ khoảng 10.000 năm trước Công nguyên cho đến thời đại hiện nay.

Hiện nay đã có sẵn thông tin xác thực về giá trị mang tính thực dụng về bất kỳ con đường nào và mọi con đường tâm linh, theo nghĩa là có thông tin xác định và xác minh tầng sự thật của những con đường đó. Vì vậy, người tìm kiếm tâm linh hiện nay không chỉ dựa vào các biến số lịch sử hoặc biến số bên ngoài nữa. Sự thoải mái, tiện lợi và chắc chắn và còn hơn thế nữa càng tăng thêm, đấy là do được tiếp xúc với những tài liệu mà về bản chất là rất có giá trị. Quan trọng là có sự cố kết tổng thể và phù hợp với toàn bộ thông tin đã được tích lũy lại, không còn nghi ngờ hoặc không chắc chắn, và tạo điều kiện cho quá trình cụ thể hóa và chứng thực chéo. Phương pháp hiệu chỉnh ý thức và khám phá của nó là sản phẩm của quá trình tiến hóa của chính ý thức, tự bộc lộ sự thật và giá trị của chính nó.

Những con đường quan trọng nhất

Các tôn giáo

Học vấn tâm linh dựa trên hiểu biết mang tính trí tuệ, đức tin, lý trí và logic, và tương tự như bất kỳ môn học nào khác, nó dựa vào khối lượng kiến thức cơ bản. Trong quá khứ các tôn giáo cũng như các trường thần học và tài liệu mang tính học thuật của giáo hội có thể - thông qua cam kết tâm linh - dẫn đến việc được chính thức thụ phong chức linh mục, mục sư, hoặc thậm chí được trao bằng Tiến sĩ Thần học.

Mặc dù những những công trình nghiên cứu như thế có thể củng cố đức tin và giúp người ta nắm được những kiến thức phức tạp, nhưng những kiến thức này không tất yếu dẫn tới trạng thái nhận thức chủ quan cao cấp, mang tính cá nhân. Hạn chế này có thể là do đưa vào bối cảnh theo lối học thuật, nó có thể dẫn đến sự ngăn cách và uyên bác chứ không dẫn tới những tầng Chứng ngộ cao hơn. Chỉ xem xét khối lượng và sự phức tạp của triết học, thần học, bản thể học và siêu hình học, thì sự tinh thông trong lĩnh vực này là rất đáng ngưỡng mộ và được tôn trọng, như được thể hiện bằng danh hiệu được đánh giá cao, gọi là “các Tiến sĩ của Giáo hội” (ví dụ, Meister Eckhart).

Những hạn chế này có thể là do đi theo những con đường học vấn hoặc “kiến thức”:

1. Sự chia tách trong lĩnh vực trí tuệ (thần học có điểm hiệu chỉnh từ 440 đến 470), đấy là theo các bài báo trong ấn phẩm Zygon.

2. Thích thú với bản ngã tâm linh và vọng tưởng, cho rằng biết “về” tương đương với “trở thành”. Ví dụ, viết một chuyên luận về Tình yêu là một chuyện, trở thành người yêu thương vô điều kiện, coi đó như là cách sống trên thế gian lại là chuyện khác hẳn.

3. Phân chia là do bối cảnh hóa, ví dụ như nghề nghiệp, chức danh hoặc chức năng trong tổ chức. Nghề nghiệp và sứ mệnh[1] tôn giáo về bản chất là có công đức rất lớn, cũng như có ích cho xã hội, vì phục vụ cho việc dạy bảo người khác.

4. Vướng mắc vào hoạt động chính trị của giáo hội và bản ngã thích thú với chức vụ hoặc quyền lực (ví dụ, cha sở, đức ông, giám mục, tổng giám mục, hồng y, v.v.). Muốn tiến hóa tâm linh, thì ngược đời là, làm người gác cổng nhà thờ có thể có ích hơn là làm tu viện trưởng.

Cũng có thể là do lòng trung thành mang tính hạn cuộc đối với học thuyết tôn giáo cụ thể nào đó và trung thành với bối cảnh lịch sử của nó, mà ngược đời là, có thể tôn thờ chính tôn giáo đó chứ không tôn thờ Thiên Chúa, như là Thực tại giữ thế thượng phong (ví dụ, “cuồng tín”).

Chủ nghĩa bè phái và tôn giáo đảng phái

Mặc dù có những hạn chế tiềm tàng, ảnh hưởng tổng thể của tôn giáo chính thức, học thuyết của giáo hội và uy quyền được phản ánh trong thái độ tôn trọng của mọi người dành cho giới tăng lữ trong vai trò tuyên úy (chaplain[2]), đại diện cho lòng tốt theo nghĩa là vai trò này siêu việt chủ nghĩa bè phái. Cha Tuyên úy không phân biệt đối xử và phục vụ tất cả mọi người trong quân đội cũng như cử hành lễ rửa tội, thêm sức, đám cưới và các nghi thức trong tang lễ và an táng.

Những con đường của đức tin là những truyền thống cơ bản và tạo ra những cột trụ và nền tảng cần thiết của tất cả các tôn giáo và con đường tâm linh (Luật Tự nhiên). Thường thì, đức tin là kết quả tương đối dễ dàng của đời sống gia đình và truyền thống văn hóa chính trực. Nó được người ta hấp thụ bằng cách làm quen, có thể là tham gia một cách chính thức tại các buổi lễ cũng như cử hành ngày lễ tôn giáo và được xã hội thừa nhận. Là thành viên của giáo đoàn hay hội đoàn của một nhà thờ chính thức và tham gia vào những hoạt động liên quan, thường tạo được cảm hứng to lớn, chẳng hạn như trong các Nhà thờ lớn và nhà thờ Hồi giáo tráng lệ, tất cả đều tôn vinh quyền tối thượng của Thiên Chúa và có điểm hiệu chỉnh khoảng 700.

Sức mạnh tâm linh của ý định của nhóm được củng cố bởi dâng hiến, thờ phượng và cầu nguyện, những hoạt động này hỗ trợ quá trình phát triển ý thức, cũng như có tác động tích cực đến xã hội bằng cách ủng hộ thái độ trách nhiệm, trung thực, lương thiện, đạo đức, và luân lý. Những yếu tố này là các nguyên tắc cơ bản của hiện tượng được gọi là “nước Mỹ truyền thống”, hiện nay, ngay cả các quan chức cấp cao, trong đó có Tổng thống và Chánh án Tòa án Tối cao, khi tuyên thệ nhậm chức đều đặt bàn tay lên Kinh Thánh, cuốn sách này không phải là biểu tượng của một đức tin cụ thể mà là sự chấp nhận quyền lực tối cao xuất phát từ cội nguồn của nó: Lời Chúa.

Đức tin là hòn đá tảng của bộ ba: đức tin, hy vọng và nhân từ. Một trong những phần thưởng lớn nhất của đức tin là nó siêu việt những kỳ vọng phù du và sự mở rộng của nó vào thế giới bên kia của linh hồn.

Đức hạnh (điểm hiệu chỉnh từ 210 đến 385)

Tiến hóa tâm linh không đòi hỏi phải có hiểu biết mang tính trí tuệ về phép biện chứng của sự thật, mà chỉ đơn giản là hướng tới những tính cách tích cực và cảm giác về công bằng, lòng tốt, thái độ đàng hoàng. Những phẩm hạnh tốt nhất này phải được khắc sâu ngay từ tuổi ấu thơ, cha mẹ phải làm gương, xã hội tiếp tục khẳng định và củng cố thêm, tôn giáo, cùng với ảnh hưởng của các tổ chức chính trực như Hướng đạo sinh, và tình anh em, công tác xã hội, các tổ chức từ thiện hay nhân đạo. Quan trọng là tính cách tích cực làm cho người ta hạnh phúc hơn, thành công hơn, và khỏe hơn, cũng như có nhiều thành tích hơn và hài lòng với cuộc đời. Nhờ may mắn (nghiệp), mà người ta được sinh ra trong một gia đình, trong một nền văn hóa, hoàn cảnh chính trực và hấp thụ được những vốn quý và những tính cách cực kỳ cần thiết này.

Nói chung, những đặc điểm này là xương sống của nền văn minh hiện đại và của nước Mỹ truyền thống và đã tạo ra nền tảng cho quốc gia thành công nhất và hùng mạnh trong lịch sử. Không có những giá trị này, đặc điểm của các chế độ chính trị và nền văn hóa tàn ác, sẽ mang tới chiến tranh, nghèo đói, chết chóc và hủy diệt trong suốt nhiều thế kỷ (ví dụ, Pol Pot, Stalin, Đức Quốc xã, Chủ nghĩa Cộng sản, Chủ nghĩa phát xít và khủng bố Hồi giáo).

Thế giới là vũ đài của những tương tác giữa hai nền văn hóa khác nhau - những nền văn hóa có điểm hiệu chỉnh trên 200 và những nền văn hóa có điểm hiệu chỉnh dưới 200. Chẳng khác gì quan điểm “dầu và nước” trong mỗi xã hội, trong đó lại có xung đột giữa các cá nhân và tổ chức hoặc nhóm ở trên hoặc dưới đường tới hạn của tính chính trực – tầng 200.

Nghiên cứu chỉ ra rằng khoảng 92% các vấn đề của xã hội nảy sinh từ những người có điểm hiệu chỉnh dưới 200, và tổng chi phí tài chính mà người dân phải trả cho những việc họ làm cũng rất lớn, không thể tính toán được. Vì vậy, một xã hội quá dễ dãi hoặc ủng hộ những thứ không chính trực phải trả giá cực kỳ lớn không chỉ vì chất lượng của đời sống quá thấp, mà còn trong mọi lĩnh vực của cuộc đời, thậm chí là giảm tới mức sự an toàn về thể chất trong đời sống hằng ngày cũng không được bảo đảm.

Những đức tính mà từ lâu đã được coi là “phép tắc cơ bản”, từ đó nảy sinh lòng tự trọng cũng như thái độ tôn trọng đối với mình và người khác. Tất cả những đức tính tốt đều dựa trên thiện chí và trách nhiệm cá nhân, thiện chí và trách nhiệm thúc đẩy trách nhiệm giải trình, thái độ trung thực, và tin cậy. Những đức tính này cũng chứng tỏ rằng người ta đã trưởng thành, trở thành người có ích, chân thành, thân thiện và đáng tin.

Ý thức đạo đức dẫn tới công bằng, biết điều và khéo léo trong giao tiếp, đó là bằng chứng chứng tỏ rằng họ tôn trọng cảm xúc của người khác. Những người “tốt lành và cao thượng[3]” là những người thân thiện, lịch sự, ân cần và nhận thức được sự cân bằng. Ngoài ra, nói chung, họ là những người tử tế, hay giúp đỡ và không trút những cảm xúc tiêu cực của mình lên người khác hoặc thể hiện những cảm xúc tiêu cực của mình. Quan trọng là, họ không lợi dụng cũng như không ủng hộ việc lợi dụng người khác, cả trong lĩnh vực tình dục hay trong các lĩnh vực khác.

Nói chung, những thuộc tính tích cực này được gọi là “tính cách”, và thực sự là, muốn thủ đắc những phẩm chất này thì cá nhân cần phải cố gắng, tự kiểm soát và kiên nhẫn. Những phẩm chất này cũng là vốn quý căn bản, sẽ đưa người ta tới Tình yêu, có điểm hiệu chỉnh 500, là tầng hoàn toàn có thể vươn tới được. Từ tầng này, người đó có thể làm cho tình yêu ngày càng hoàn thiện hơn nhằm vươn tới mục tiêu cao cả là Tình yêu Vô điều kiện (điểm hiệu chỉnh 540), tuy nhiên, chỉ có 0,4% người dân trên thế giới vươn tới được tầng này mà thôi.

Nền tảng, đạo đức và luân lý cũng cung cấp cho người ta công cụ và động cơ nhằm vượt qua những tầng ý thức dưới 200 (xem Transcending the Levels of Consciousness). Mỗi bước trong quá trình tiến hóa tâm linh đều là tự thưởng, và do đó, hành trình trở thành tự lan truyền và là một cách sống ngày càng vui hơn.

Khiêm tốn, có thể dạy được

Muốn hợp nhất với sự thật tôn giáo/tâm linh thì phải khiêm tốn và cởi mở. Sư đồng thuận và chấp thuận của nhóm, nhất là trong một khoảng thời gian, cũng củng cố thêm. Uy quyền đích thực ngụ ý thái độ tin cậy cũng như xác thực cộng với công nhận một cách chính thức. Như vậy là, thực tại của Thiên Chúa là ở bên trong và bẩm sinh trong các nền văn hóa cách xa nhau trong khoảng thời gian rất dài. Thực tại của vị Thần toàn trí toàn năng và có mặt khắp nơi là đặc điểm của tất cả các hệ thống tâm linh tôn giáo, trong đó có cả những nền văn hóa bản địa thời sơ khai và tách biệt với những nền văn hóa khác.

Uy quyền thực sự phản ánh bản chất được nghiên cứu ý thức xác nhận. Uy quyền hợp lệ có thể được coi là hữu ích, che chở, và trao quyền. Sư thật là người thầy bẩm sinh của uy quyền chính trực và do đó, đáng được tôn trọng, không phụ thuộc vào thỏa thuận hay cách trình bày.

Dư luận hiện nay tạo được ảnh hưởng cực kỳ to lớn lên nhận thức về uy quyền và nó thường bị đặt vào uy quyền giả mạo, những giáo lý của uy quyền giả này về cơ bản là sai. Có rất nhiều nhà lãnh đạo tâm linh/tôn giáo và chính trị là những người có điểm hiệu chỉnh dưới 200, mặc dù họ rất có danh vọng và nổi tiếng. Như vậy là, khi nhìn được bản chất thì nổi tiếng hay danh vọng không có giá trị gì.

Muốn học thì đầu tiên là phải có thái độ khiêm tốn duy lý, đầu óc như thế là có thể dạy được. Sau đó nó có thể hấp thụ, kết hợp và xác định bằng kiến thức thực sự, có thể kiểm chứng được. Chìa khóa dẫn thới thành công là học hỏi và làm theo người có uy quyền trung thực chứ không chống lại hoặc tấn công bằng thái độ đố kỵ cạnh tranh, ghen tị hay thù địch.

Mường tượng

Có một kỹ thuật học tập gọi là “Như thể” - người ta hình dung và luyện tập những hành vi, đặc điểm và thái độ đáng mong muốn. Quá trình này đưa lên bề mặt kháng cự hay thái độ tiêu cực, chẳng hạn như “Tôi không thể”. Người ta phát hiện được rằng hình dung và tập luyện có thể cải thiện hành vi, thái độ tự tin và tiến bộ trong nhiều lĩnh vực (Petras, 2006). Tâm trí ghi nhớ cái gì thì cái đó có xu hướng tự hiển lộ, kỹ thuật này được sử dụng trong nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có thể thao và thậm chí cả trong lĩnh vực kinh doanh. Tầng ý thức càng cao thì khả năng hiện thực hóa những điều tâm trí ghi nhớ sẽ càng cao. Do đó, tìm các giải pháp “phụng sự mục tiêu cao cả nhất” có sức mạnh hơn hẳn việc phóng chiếu việc hoàn thành những ham muốn và lợi ích ích kỷ cá nhân.

Khủng hoảng và thảm họa

Như đã nói trước đây, hầu như tất cả những người sống sót sau những thảm họa lớn đều tuyên bố (99%) rằng họ đã cầu nguyện tha thiết và nhiệt thành. Ngược đời là, một số người sống sót (đặc biệt là lốc xoáy) lại báo cáo rằng trong lúc khủng hoảng tồi tệ nhất thì họ lại tiến nhập vào trạng thái an bình rất sâu sắc (điểm hiệu chỉnh 600). Phó thác ở tầng cực kỳ sâu thì sợ hãi không còn.

Hình thức thấp hơn là kết quả của việc chấp nhận cái dường như là không thể tránh khỏi bằng cách cam chịu. Phó thác cũng có thể học được bằng cách tưởng tượng “khẩu súng dí vào thái dương”, rồi hỏi, “Khi có khẩu súng dí vào thái dương, anh có có sẵn sàng buông bỏ ham muốn của mình để đổi lấy cái này hay cái kia?” Kỹ thuật tưởng tượng đánh thức nhận thức rằng người ta “có thể”, và do đó, vấn đề thực sự là liệu người ta có “muốn” hay không. Nhờ đó sẵn sàng sẽ đập tan thái độ chống cự.

Ép buộc

Hoàn toàn tương tự như những ví dụ trước, ép buộc và đe dọa nghiêm trọng thực sự có thể tạo ra chuyển đổi và đã được người ta sử dụng trong suốt nhiều thế kỷ, coi đó là phương tiện để buộc người ta cải đạo. Các kỹ thuật và chương trình ép buộc, tẩy não bằng cách đe dọa hoặc nhồi sọ thường bị chính quyền lạm dụng, như những biện pháp đe dọa chính thức, là những kỹ thuật liên quan với ép buộc.

Phó thác và sống sót

Tóm tắt lại một số thông tin quan trọng nhất: Cốt lõi của bản ngã được hình thành ngay từ khi bắt đầu xuất hiện đời sống động vật, về bản chất là nó không có nguồn năng lượng ở bên trong. Trong vương quốc thực vật, sự thiếu hụt bên trong như thế được giải quyết bằng cơ chế: ánh sáng mặt trời biến đổi năng lượng của chất diệp lục thành năng lượng hoá học. Tuy nhiên, đời sống động vật nguyên thủy, ví dụ, vi khuẩn và sinh vật đơn bào thủ đắc những yếu tố cần thiết từ môi trường xung quanh. Muốn thế cần tạo ra hệ thống phát hiện và xử lý, cũng như khả năng nhận biết chất “tốt” (hỗ trợ đời sống) với chất “xấu” (có hại). Sau này, những hệ thống đó phát triển thành những bản năng cơ bản của động vật, tất cả đều hòa điệu với khả năng sống còn và là bẩm sinh đối với chức năng của bản ngã.

Các cơ chế nội tại tạo ra thiết kế và chức năng của trí thông minh, bằng cách đó, nó phối hợp và điều phối các hệ thống phức tạp. Cùng với sự xuất hiện của phần não trước ở giống người Homo sapiens thì cũng hình thành chất nền của hệ thần kinh rất phức tạp, nhưng mô thức hòa điệu với khả năng sống sót của động vật vẫn giữ thế thượng phong. Toàn bộ cơ chế tiến hóa phức tạp này tạo ra bản ngã/tâm trí/cảm xúc, sau đó những cái này được coi là cội nguồn bên trong, độc lập và tự chủ của đời sống (the “me” – tôi).

Từ những điều vừa trình bày, thấy rõ rằng vì sao việc từ bỏ bản ngã lại khó khăn và bị chống cự đến như thế, thường là phải trả giá đắt. Niềm tin nguyên thủy bên trong cho rằng bản ngã là nguồn gốc, chất nền và cốt lõi của đời sống, và do đó, sự tồn tại của nó được coi ở bên trong, tương đương với Thần tính. Đối với cốt lõi ái kỷ của bản ngã, từ bỏ quyền kiểm soát cũng chẳng khác gì chết, và do đó, nó chiến đấu cho những thứ mà nó tin là chủ quyền và khả năng sống sót. Trên thực tế, bản ngã/tự ngã chỉ đơn giản là cơ chế, qua đó tiềm năng phi tuyến tính của Đại ngã hoạt động như là sự sống trong hình tướng một con người, với nghiệp lực và là có một không hai. Do đó, tự ngã tuyến tính có giới hạn là biểu hiện của Đại ngã phi tuyến tính vô hạn, là Cội nguồn thực sự của nó. Do đó, bản ngã/tự ngã là nội dung bị giới hạn, trong khi Đại ngã là bối cảnh không có giới hạn.

Phó thác là một quá trình, bằng cách đó thực tại cơ bản của Đại ngã được khám phá một cách từ từ, khi tự ngã hòa tan vào Đại ngã. Đức tin và sự thuyết phục cũng như ý định sẽ làm cho quá trình này trở thành có thể. Vì sự chống cự và yếu tố tiến hóa, trong mỗi cuộc đời bình thường, tầng ý thức của những người trung bình chỉ tăng lên khoảng năm điểm. Tuy nhiên, những người cam kết tâm linh có thể trải nghiệm được những bước nhảy vọt lên đến hàng trăm điểm.

Vô thường

Cơ sở của tất cả mọi sợ hãi là sợ hãi mang tính bản năng, nguyên thủy: sợ chết, và do đó, công việc tu tâm sẽ giảm đi rất nhiều nếu dừng cấp năng lượng cho nỗi sợ hãi này càng sớm càng tốt. Sợ chết xuất phát từ bản năng động vật cộng với thói ái kỷ của tự ngã, tức là yêu chính cái bản ngã này. Chết hàm ý chấm dứt mọi trải nghiệm, còn trải nghiệm thì được đánh đồng với sống; do đó, bản ngã bám vào đời sống tuyến tính và quen thuộc.

Thể xác chắc chắn sẽ chết, và đấy là bí ẩn chính của cuộc đời của con người và do đó, do sợ hãi mà người ta phủ nhận nó. Tôn giáo và học vấn tâm linh rất có ích, theo nghĩa là, đưa chết chóc vào bối cảnh khác, coi đấy chỉ là quá trình chuyển từ đời sống và tồn tại vật chất sang đời sống tâm linh mà thôi. Chấp nhận tính vô thường của đời sống vật lý có giá trị vô cùng to lớn. Suy nghĩ một chút, ta sẽ thấy rằng cái thực sự có giá trị là thời gian trải nghiệm, nghĩa là người ta sẽ ở trên trái đất này trong bao nhiêu lâu.

Tuy nhiên, khi một người bị đau đầu, cơn đau lần trước cách đây bao lâu hoàn toàn chẳng có ý nghĩa gì. Chỉ có cơn đau trong lúc này là cần được xử lý mà thôi. Những điều kiện tương tự cũng được áp dụng khi đứng trước ngưỡng cửa của thần chết, tức là, người đó đã sống như một cơ thể trong bao lâu cũng gần như chẳng còn ý nghĩa gì nữa, và tất cả chỉ còn là từ bỏ những chấp trước còn sót lại, chẳng hạn như muốn nhìn thấy những đứa cháu của mình lớn lên.

Cần lưu ý rằng, phần lớn chấp trước mang tính cảm xúc đối với cuộc đời chủ yếu là tình cảm và sở thích. Đánh giá của người ta về việc tận hưởng những thú vui của cuộc đời và chấp trước mang tính tình cảm với sự quen thuộc của họ. Cuộc sống của con người và những quan hệ của nó trở thành “tổ ấm”, và do đó, người sợ phải rời bỏ đời sống quen thuộc và chuyển sang đời sống mà mình chưa biết.

Cần phải có đức tin thì mới chấp nhận rằng, quy luật bảo tồn đời sống - giống như quy luật bảo tồn năng lượng hay vật chất - đảm bảo rằng nó sẽ tiếp tục. Giống như vật chất và năng lượng, sự sống không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi, nó chỉ chuyển từ hình thức này sang hình thức khác mà thôi. (Tuyên bố này có điểm hiệu chỉnh 1.000). Như vậy là, chết thực ra chỉ là rời bỏ cái thân xác này. Tuy nhiên, ý thức về bản sắc vẫn không bị gián đoạn. Trạng thái của “tôi” (tự ngã) là vĩnh viễn và sẽ còn tiếp tục sau khi nó rời khỏi cơ thể vật lý, nghĩa là phải có “ai” đó đi lên thiên đàng hay các cõi khác hoặc quyết định sẽ tái sinh. (tuyên bố này cũng có điểm hiệu chỉnh 1.000).

Đối với Linh hồn, những bài học rút ra trong đời sống vật lý là quan trọng đối với quá trình tiến hóa tâm linh, tuy nhiên, cơ thể vật lý này chỉ là một trường đoạn trong một bộ phim mà thôi. Do đó, những người đã có trải nghiệm hồn lìa khỏi xác hoặc trải nghiệm cận tử là những người được chuẩn bị tốt hơn. Với thái độ dâng hiến, hy vọng và niềm tin, sợ chết sẽ được thay thế bằng thái độ lạc quan, kỳ vọng và hướng tới khu vực Thần thánh của An bình và Tình yêu

Hiện thực hóa và mặc khải

Từ bỏ các định vị của bản ngã làm cho sự thống trị của nó giảm đi và mở cánh cửa để hiểu biết và nhận thức phi tuyến tính và phi khái niệm tiến vào. “Hiểu biết” về Đại ngã xuất hiện,  nhờ đó, xung đột tự tan rã. Những biến đổi ở bên trong như thế xuất hiện song hành với niềm vui thầm lặng, khuây khỏa và cảm giác tự do hơn, an toàn hơn và yên bình hơn ở bên trong. Sức mạnh của tình yêu của Đại ngã sẽ dần dần chiếm ưu thế và cuối cùng làm lu mờ mọi cảm giác tiêu cực, nghi ngờ và trở ngại.

Do đó, quá trình chuyển hóa không phải là trải nghiệm như là đánh mất tự ngã, mà là thành tựu, là sự xuất hiện và mở ra của Đại ngã, với chiều kích lớn hơn hẳn. Thực ra, đây chính là sự thay đổi trạng thái hay hoàn cảnh thế chỗ và thay thế cho trạng thái cũ. Do đó, tự ngã nhỏ hơn được thay thế bằng Đại ngã lớn hơn, tiến hóa tâm linh tiết lộ sự hiện diện của Thiên Chúa Vĩnh hằng. Khám phá này là sự thay đổi trạng thái của ý thức, trong quá khứ vẫn gọi là “Chứng ngộ” hoặc “Ý thức-Chúa”.

Những biện pháp tu tập kinh điển

Tất cả các con đường tâm linh/tôn giáo nhằm hiện thực hóa hiện tại tâm linh đều có những điểm chung:

1. Thủ đắc thông tin cần thiết.

2. Tu tập tâm linh và thờ cúng.

3. Dâng hiến và tình yêu.

4. Phụng sự một cách vị tha.

5. Cầu nguyện, thiền định và chiêm nghiệm.

6. Kết hợp với các nhóm tâm linh và các vị thầy.

7. Tôn kính Thần tính.

8. Thực hành đức hạnh, từ bỏ và tránh xa việc ác, tội lỗi, và sai lầm.

Những con đường truyền thống, trong đó có bốn yoga cổ điển của Ấn Độ giáo: raja (thiền định), jnana (trí tuệ và hướng nội), bhakti (dâng hiến) và nghiệp (phụng sự vị tha). Trong tất cả các tôn giáo khác, trong đó có Kitô giáo, cũng có những biện pháp tu tập tương tự như thế.

Học vấn: Hội truyền giáo

“Tin mừng” về cứu rỗi thông qua tôn giáo chính thống là truyền thống văn hóa và khiến người khác cải đạo bằng cách làm những việc tốt là đức tin được đưa vào thực hành. Từ những công việc như cứu trợ trong những trường hợp khẩn cấp đến cung cấp thức ăn và quần áo cho người vô gia cư, phụng sự vị tha có thể được coi là tấm gương về sự thật của lòng vị tha và tình yêu - dạy dỗ người ta bằng trải nghiệm.

Truyền bá phúc âm tìm cách cung cấp thông tin, lôi cuốn và truyền cảm hứng cũng như động viên tinh thần. Truyền đạo trong hoạt động y tế là quà tặng tuyệt vời dành cho các nạn nhân thiên tai, địch họa, trong đó có cả những người bị thương trong chiến tranh, cả thế tục lẫn tôn giáo. Hoạt động này được các nhóm tôn giáo tổ chức trong giai đoạn diễn ra các cuộc Thập tự chinh, một số nhóm vẫn còn hoạt động, ví dụ  Hospitaliers of the Sovereign Order of St. John of Jerusalem (thành lập năm 1099), hay Knights of Malta. Những dòng tu này không chỉ lập ra các bệnh viện, mà còn lập ra ngành điều dưỡng và đã hoạt động trong nhiều trường hợp khẩn cấp khác nhau, trong những giai đoạn rất dài, gần đây cũng xuất hiện các tổ chức như Hội chữ thập đỏ, Đội quân cứu tế và nhiều tổ chức cứu trợ thiên tai khác.

Ngay cả những tổ chức phi tôn giáo hoặc không theo giáo phái nào, như USO, Elks và Hướng đạo sinh là những tổ chức truyền cảm hứng, theo nghĩa là những tổ chức này là biểu hiện của thái độ quan tâm đến đồng loại. Họ đại diện cho lòng tốt và chu đáo trước nhu cầu của những người khác, đó là biều hiện của tình yêu vô điều kiện. Những người làm việc trong những những trường hợp khẩn cấp, chẳng hạn như nhân viên thực thi pháp luật, lính cứu hỏa, kỹ thuật viên y tế khẩn cấp và tình nguyện viên trong các thảm họa là những người vô cùng dũng cảm và cao thượng.

Học vấn: Chuyển đổi

“Chuyển đổi” có thể tự diễn ra, đấy là những trải nghiệm mang tính chuyển đổi tự phát – từ bỏ đời sống không chính trực và có bước nhảy vọt đột ngột trong ý thức. Thường xảy ra là do mâu thuẫn hoặc khủng hoảng trong cuộc sống, thái độ phủ nhận không còn, chẳng hạn như hiện tượng “chạm đáy”. Cũng có thể là kết quả của việc được người khác cải đạo hoặc lời cầu nguyện được đáp ứng. Người thân yêu qua đời hoặc tai họa về sức khỏe cũng có thể là những sự kiện có tính chuyển hóa.

 “Thẩm thấu”

Một hiện tượng không phải là hiếm ở những người ngây thơ về mặt tâm linh, những người dường như không có động lực bị lôi cuốn vào và thậm chí còn tham gia vào hoạt động tâm linh nghiêm túc. Có thể đôi khi xảy ra dường như là vô tình, tiếp xúc trong thời gian ngắn với một người hay khoảnh khắc thân thiện hoặc đáng yêu. Người ta thường thấy hiện tượng này trong các nhóm mười hai bước, dựa trên đức tin, nhưng không làm công việc cải đạo. Việc chia sẻ những câu chuyện về sức mạnh, đức tin và quá trình hồi phục sức khỏe nhen nhóm lại niềm hy vọng trong người nghe, và do đó, các nhóm tâm linh chính trực phát triển bằng cách thu hút chứ không phải bằng cách quảng cáo. Thành công cực kỳ to lớn của những nhóm này làm sinh sôi nảy nở nhiều kỹ thuật trị liệu nhóm được nhiều người sử dụng nhằm giải quyết các vấn đề khác nhau của con người.

Hàng triệu người thoát khỏi những căn bệnh mà y học bó tay, trong đó có cả những người lãnh đạo các nước, các thượng nghị sĩ và thống đốc bang là bằng chứng nói rằng sức mạnh bên trong và tính chính trực của sự thật tâm linh là hoàn toàn có thật. Nó cũng tạo ảnh hưởng lên tầng ý thức chung: trong thế giới hiện nay, không phải hám lợi mà tính chính trực đáng tin mới là điều kiện dẫn tới thành công.

Con đường của yêu thương và dâng hiến

Tầng ý thức của Tình yêu có điểm hiệu chỉnh từ 500 trở lên và những tầng từ 570 trở lên thường được coi là thánh thiện, đấy là Tình yêu vô điều kiện. Trường năng lượng này đưa tất cả các trải nghiệm và liên hệ với tự ngã, với tha nhân, và toàn bộ đời sống vào bối cảnh khác.

Những trở ngại đối với Tình yêu vô điều kiện (điểm hiệu chỉnh 540) là chấp trước, oán hận, coi mình là đặc biệt và phán xét. Sức mạnh bên trong của trường năng lượng của Tình yêu vô điều kiện có tính chất chuyển hóa đối với tự ngã và tha nhân và làm cho điều kỳ diệu, dường như là không thể, trở thành hiện thực. Năng lượng của Tình yêu là trọn vẹn ở bên trong nó và do đó, thoát khỏi mọi nhu cầu, cân nhắc, hạn chế hoặc tìm kiếm lợi ích. Thoát khỏi mong muốn là giải thoát, và trong một số truyền thống tâm linh, Chứng ngộ được gọi là “Giải thoát” (Moksha). Trong Kitô giáo, hòa tan tự ngã cá nhân vào Đại ngã của Tình yêu Thiêng liêng được gọi là Liên minh Huyền nhiệm (Unio Mystica).

Tình yêu thường được người ta đặt thành khái niệm, coi nó là mối quan hệ và những thăng giáng của thích-không-thích và tương tác cũng như kỳ vọng, và do đó, là cảm xúc. Quan hệ làm cho người ta muốn kiểm soát và chiếm hữu, dẫn đến xung đột, biểu hiện như là giận dữ hay thậm chí là hận thù. Vì vậy, những trải nghiệm không thỏa mãn về “tình yêu” có mục đích không phải là kết quả của tình yêu mà là chấp trước về tình cảm và “dính mắc”.

Những mô thức quan hệ tiến hóa hơn và thoát khỏi mọi ràng buộc tiêu cực là kết quả của quá trình xây dựng quan hệ dựa trên sự hòa điệu với nhau, chứ không dựa trên dính mắc mang tính sở hữu về mặt cảm xúc. Cực kỳ quan trọng và xác định lại bản chất của mối quan hệ chân chính. Có thể tưởng tượng như hai đường song song và thẳng đứng chứ không nằm ngang (ví dụ, kiểm soát), có tác dụng như một sợi dây nối người ta lại với nhau thông qua “đám rối dương” chứ không phải liên kết thông qua trái tim.

Tình yêu tâm linh không phải là tình dục hay chiếm hữu và được thể hiện trong những người bạn tình đã trưởng thành và trong tình yêu thuần khiết của những ràng buộc bền chặt được hình thành bởi những người đi trên cùng một con tàu, ví dụ thế, hay các đơn vị quân đội, hoặc các đội nhóm công tác. Tình yêu đất nước và đồng bào, cuối cùng, mở rộng ra tới toàn thể nhân loại, và cuối cùng là tới Tạo Hóa như là Cội Nguồn của Sự Sống. Tình yêu là bao dung và bao la, và cuối cùng trở thành tình yêu toàn bộ đời sống và tất cả Tạo vật. Do đó trong Phật giáo người ta cầu nguyện cho sự chứng ngộ và cứu rỗi của tất cả chúng sinh, sao cho họ có thể siêu việt những ràng buộc, vốn là cơ sở của đau khổ. Lý tưởng tâm từ bi vô điều kiện và lòng thương xót đối với toàn bộ đời sống, trong mọi biểu hiện của nó, đòi hỏi người ta phải siêu việt nhận thức nhị nguyên và những vọng tưởng của nó.

Dâng hiến cho Sự thật và đời sống mang tính chuyển hóa và dẫn tới kết quả là siêu việt tri giác tuyến tính để đi tới nhận thức về bản chất phi tuyến tính, đấy là Thực tại Tối hậu. Nó sẽ tự bộc lộ khi tự ngã hòa tan vào Đại ngã và bộc lộ sự hoàn hảo của Thần tính của mọi tồn tại, tỏa sáng như Bản chất và Vinh quang của Tạo Hóa.

 



[1] Từ “vocation” vừa có nghĩa là nghề nghiệp vừa có nghĩa là sứ mệnh – ND.

[2] Giáo sĩ trong nhà thờ của trường học, bệnh viện, nhà tù, trại lính, thường gọi là Cha tuyên úy – ND.

[3] The salt of the earth “muối của đất”. Thành ngữ này xuất xứ từ Kinh Tân Ước, trong đó chúa Giê-Xu gọi những người bị ngược đãi vì trung thành với Ngài là “muối của đất”, tức là những người tốt lành và cao thượng trong xã hội - ND.

No comments:

Post a Comment