October 13, 2020

Thuật ngữ chính trị (74)

 


235. Freedom of association – Tự do hiệp hội. Quyền tự do hiệp hội là quyền của cá nhân liên kết với nhau chỉ để liên kết hoặc nhằm theo đuổi một dự án chung nào đó, ví dụ, thông qua nhà thờ, công đoàn, đảng phái chính trị, câu lạc bộ thể thao… Nhiều triết gia chính trị theo trường phái tư do coi tự do hiệp hội là quyền tự do căn bản của con người. John Stuart Mill, trong tác phẩm Bàn về tự do (On Liberty), khẳng định rằng công dân có quyền “tự do liên kết, vì bất cứ mục đích gì, miễn là không làm hại những người khác”, một công thức vẫn còn để ngỏ câu hỏi làm hại những người khác đến mức nào thì có thể biện hộ được cho sự can thiệp của nhà nước. Còn John Rawls, trong tác phẩm Chủ nghĩa tự do chính trị (Political Liberalism) thì khẳng định rằng tự do hiệp hội là “quyền tự do căn bản” vì, và mở rộng đến mức, đấy là phần mở rộng cũa tự do lương tâm.

Tự do hiệp hội cũng có nghĩa là được quyền không tham gia một nhóm, hay một hội cũng như quyền được ra khỏi nhóm hay hội đó. Trong khi các nhóm, hội đoàn, tổ chức tự nguyện là các thành tố hạt nhân của xã hội dân sự, các chế độ độc đoán luôn luôn tìm cách cản trở sự liên kết tự do của người dân, khống chế sự hoạt động của các hội tự nguyện.

Các hội có hình thức đa dạng, đó có thể là các câu lạc bộ, hội nghề nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, các quỹ, công đoàn, tổ chức tôn giáo, chính đảng và công ty. Do sự đa dạng của các nhóm, pháp luật của các quốc gia thường có quy định điều chỉnh riêng một số nhóm, hội bằng các luật riêng như: luật về doanh nghiệp - công ty, luật về công đoàn - nghiệp đoàn, luật về các đảng phái chính trị, luật về các tổ chức tôn giáo.

Hội có thể có tư cách pháp nhân hoặc không có tư cách pháp nhân. Nếu không có tư cách pháp nhân, hội có thể bị giới hạn một số quyền nhất định (như quyền sở hữu tài sản...). Trong phong trào lao động quốc tế, tự do hiệp hội được xem là quyền của công nhân được tổ chức và thương lượng tập thể. Tự do hiệp hội trong nghĩa này được xem là một nhân quyền căn bản được công nhận và bảo vệ trong một số tuyên ngôn, công ước, trong đó co Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, Tổ chức Lao động Quốc tế… Công ước quốc tế về quyền tự do lập hội và bảo vệ quyền lập hội 1948 (Công ước 87 của ILO), tại Điều 2, xác định mọi người lao động và người sử dụng lao động đều có quyền thành lập và gia nhập các tổ chức mà họ tự lựa chọn mà không phải xin phép trước.

 236. Freedom of information – Tự do thông tin. Quyền tự do thông tin bao gồm quyền tìm kiếm, thu thập, phổ biến và quyền được thông tin. Trong đó, quyền được thông tin dùng để chỉ quyền của công chúng được biết thông tin của nhà nước, theo cách chủ động công khai từ phía nhà nước hoặc thực hiện quyền yêu cầu từ phía người dân, nhằm thoả mãn nhu cầu thông tin của mình, cũng như bảo vệ và thực hiện các quyền khác được pháp luật ghi nhận.

 Quyền được thông tin tạo cơ sở cho người dân trong việc giám sát sự công khai, minh bạch hoạt động của nhà nước. Điều này trở thành một nhu cầu và quyền cơ bản, cấp thiết cần phải đảm bảo được thực hiện đối với mọi công dân. Đây cũng là một thành tố không thể tách rời của chế độ dân chủ, công khai, minh bạch là biểu hiện của xã hội được quản lý, vận hành theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền.

 237. Freedom of religion – Tự do tôn giáo. Tự do tín ngưỡng hay tự do tôn giáo thường được coi là nguyên tắc ủng hộ quyền tự do của cá nhân hay cộng đồng trong việc công khai hoặc bí mật thực hành, thờ phụng, rao giảng, hay tu tập một tôn giáo hay tín ngưỡng. Khái niệm này thường được thừa nhận là bao gồm cả việc tự do thay đổi tôn giáo hoặc tự do không theo một tôn giáo nào. Tại nhiều quốc gia, tự do tín ngưỡng được nhiều người coi là một quyền cơ bản của con người.

Tuyên ngôn Quốc tế về Nhân quyền định nghĩa tự do tín ngưỡng như sau: “Mỗi người đều có quyền tự do tư tưởng, lương tâm, và tín ngưỡng; quyền này bao gồm tự do thay đổi tín ngưỡng, và tự do thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình một cách cá nhân hoặc công khai trong việc rao giảng, thực hành, thờ phụng, và tu tập”.

 Điều 18 Công ước Quốc tế về các quyền dân sự và chính trị viết: “Quyền tự do của cá nhân thể hiện tôn giáo hay tín ngưỡng của mình chỉ phải chịu các giới hạn chẳng hạn như các giới hạn được luật pháp quy định và các giới hạn cần thiết để bảo vệ an toàn, trật tự, sức khỏe xã hội, hay tinh thần hoặc các quyền cơ bản và quyền tự do của những người khác”.

Tại những quốc gia có quốc giáo, tự do tín ngưỡng thường được hiểu là chính phủ cho phép thực hành các hoạt động của các tôn giáo khác với quốc giáo, và không đàn áp các tín đồ thuộc các tôn giáo khác.

 Về phương diện cá nhân (không phải chính phủ), sự khoan dung tôn giáo thường được hiểu là thái độ chấp nhận tín ngưỡng của những người khác. Lòng khoan dung tôn giáo không đòi hỏi người ta phải coi tôn giáo của những người khác cũng đúng đắn như của mình; thay vào đó là quan điểm cho rằng mỗi công dân chấp nhận rằng những người khác có quyền giữ và thực hành các đức tin của riêng mình.

 Tự do tín ngưỡng là một khái niệm luật pháp có quan hệ, nhưng không đồng nhất, với khoan dung tôn giáo, sự phân tách giữa giáo hội và nhà nước, hay nhà nước thế tục.

1 comment: