August 15, 2020

Thuật ngữ chính trị (49)

 

148. Élite (Élitism) – Từ đa nghĩa: 1. Giới tinh hoa. 2. Bọn ăn trên ngồi trốc/ăn hại

 Đây là một trong những chữ thú vị nhất trong tiếng Anh, vì ý nghĩa của nó không chỉ đa dạng mà còn mang tính thời sự không chỉ ở nước ngoài mà còn ở Việt Nam.

 1.    1. Giới tinh hoa. Chữ Élite được dịch sang tiếng Việt là “tinh hoa”, “tinh túy”, “cao cấp” và, cách dùng trong báo chí phổ thông có thể hiểu là chỉ những người thuộc tầng lớp có học thức cao hoặc có địa vị cao trong xã hội, trong các lĩnh vực như chính trị, kinh tế, khoa học- nghệ thuật.

 Điểm chung của tất cả các lý thuyết về giới tinh hoa (Élitism) là niềm tin cho rằng tất cả các hệ thống chính trị, không phụ thuộc vào ý thức hệ chính thức, đều do giới tinh hoa chính trị nắm quyền. Hai nhà khoa học xã hội Italy, cuối thế kỷ XIX, Pareto và Mosca là những người khởi xướng lý thuyết tinh hoa hiện đại. Trong khi chứng minh rằng xã hội phải được cai trị bởi giới tinh hoa, Pareto (1848-1923) và Mosca (1858-1941) muốn phá bỏ niềm tin (của chủ nghĩa Marx) rằng một ngày nào đó sẽ xuất hiện xã hội phi giai cấp, mọi người hoàn toàn bình đẳng về chính trị. Nhưng, trớ trêu là, sau đó, những người cầm bút với quan điểm Marxist đã sử dụng chính mô hình này nhằm bác bỏ thái độ tự phụ của các xã hội dân chủ tự do phương Tây. Trong khi Pareto coi chế độ dân chủ đương đại là giả tạo, thì Mosca, cùng với thời gian, đã thay đổi quan điểm của mình và cuối cùng chấp nhận quan điểm cho rằng dân chủ có thể khả thi dưới dạng một hệ thống, trong đó những nhóm tinh hoa cạnh tranh với nhau tham gia tranh cử để các cử tri bầu hay không bầu mình. Tuy nhiên, Mosca không bao giờ rời xa quan điểm chính được tóm tắt trong tuyên bố nói rằng đại biểu quốc hội không phải là người do nhân dân bầu ra, mà là người được bạn bè sắp xếp để anh ta được bầu.

 Các lý thuyết về giới tinh hoa đã được một số nhà tư tưởng đầu thế kỉ XX, đặc biệt là Schumpeter (1883-1950) và một trong những học  trò của Mosca, Roberto Michels (1876-1936) phát triển thêm. Trong khi trình bày nguyên tắc bất di bất dịch về tập đoàn chính trị đầu sỏ, Michels tìm cách chứng minh rằng ngay cả Đảng Dân chủ Xã hội Đức (Social Democratic Party of Germany - SPD), một đảng xã hội chủ nghĩa lâu đời nhất ở Châu Âu thực ra là phi dân chủ và luôn luôn phản bội quyền lợi của các thành viên thuộc giới lao động trong đảng của mình. Trong những năm 1930, Schumpeter đã vạch khuôn khổ mà sau này Robert Dahl (1915-2014) và những người khác gọi là mô hình đa nguyên. Ông coi chế độ dân chủ là hệ thống, trong đó, các nhóm tinh hoa cạnh tranh với nhau trong ban lãnh đạo đảng nhằm tranh giành quyền lực thong qua các cuộc bầu cử; nhưng không những không lên án tình trạng này, mà ông còn nhấn mạnh rằng những người bình thường không thể, và thực sự không nên, có quyền gì thêm ngoài quyền được tham gia bầu cử. (Mãi sau này, Anthony Downs (1930-), trong mô hình lựa chọn duy lý của nền chính trị đảng, mới tìm cách chứng minh rằng tình trạng này không ảnh hưởng đến bản chất dân chủ của nền chính trị phương Tây). Nhiều nhà bình luận tả khuynh đã tìm cách chứng minh rằng các chế độ dân chủ phương Tây được cai trị các nhóm tinh hoa đầy sức mạnh hoặc các nhóm dựa trên giai cấp thống trị, và hoàn toàn phi dân chủ; nhưng, tất nhiên, các nhà bình luận này tin tưởng rằng bãi bỏ chủ nghĩa tư bản sẽ dẫn đến bình đẳng chính trị.

 Các lý thuyết gia về giới tinh hoa không có quan điểm chung trong khi tìm cách giải thích tính tất yếu của giới tinh hoa. Pareto sử dụng lý thuyết tâm lý phức tạp, gắn kết với quan điểm bi quan về khả năng của con người trong việc sử dụng lý trí trong đời sống xã hội; Mosca và Michels dựa chủ yếu dựa vào lý thuyết về bản chất của tổ chức và bộ máy quan liêu tương tự như Max Weber (1864-1920); Schumpeter tin tưởng rằng quần chúng dễ bị kích theo theo tâm lý đám đông…v.v.. Các nhà khoa học chính trị không thỏa thuận được với nhau về tính chính xác của các lý thuyết về giới tinh hoa hoặc tình huống mà họ mô tả là có đáng mong muốn hay không. Tuy nhiên, rất ít người phủ nhận sự kiện là có một số bằng chứng tỏ rằng xã hội nào cũng có giới tinh hoa.

2.     2.  Bọn ăn trên ngồi trốc/Ăn hại. Trong các xã hội độc tài hoặc độc đảng toàn trị, nhóm người có quyền lực và ảnh hưởng lớn đến xã hội cũng được gọi là Élite. Đấy là những người có vai vế trong bộ máy cầm quyền, những người có liên hệ họ hàng hay bạn bè với những người trong bộ máy cầm quyền (thường gọi là tư bản thân hữu), những nhà khoa học, văn nghệ sĩ tìm cách biện hộ cho nhà cầm quyền. Họ là những người có quyền lực và ảnh hưởng nhưng không phải là “tinh hoa” hiểu theo nghĩa là “tốt đẹp”. Élite cũng có thể được dịch là “chóp bu”, ví dụ, “bọn cầm quyền chóp bu muốn cải cách nền kinh tế của chúng ta”.

 Khi dùng trong văn cảnh tiêu cực, chữ Élite còn có nghĩa là những kẻ xấu xa nhất, những giai tầng chỉ làm hại xã hội. Cổ tổng thống Richard Nixon gọi những kẻ trong truyền thông, khoa bảng, và điện ảnh Hollywood chuyên chỉ trích ông là “Élite.

 Chữ Élite còn được dùng với hàm ý khinh bỉ, và cách dùng này xuất phát từ thập niên 1950. Thời đó, trong các đại học những người thuộc nhóm thiểu số theo đuổi những chủ đề nghiên cứu hiếm hoi (như nghiên cứu về vai trò của phụ nữ hay người thiểu số) được xem là nhóm “dung hợp” (inclusionary), còn những người thuộc nhóm đa số với bằng cấp cao chót vót và giữ địa vị quan trọng trong khoa học xem những chủ đề đó là vớ vẩn, và họ được gán cho cái nhãn hiệu “Élitist.

 149. Eminent domain - Quyền trưng thu. Quyền của nhà nước, nhân danh xã hội, thu hồi tài sản tư nhân mà không cần phải được chủ nhân đồng ý. Thuật ngữ này được sử dụng rộng rãi trong luật pháp về quyền sở hữu và kế hoạch hóa ở Hoa Kì. Hiến pháp Hoa Kì được hình thành trên quan điểm của những người như Locke, Grotus, Pufendorf và những người khác, những người cho rằng nhà nước có thể và phải thu hồi tài sản công nếu có nhu cầu, nhưng phải có trách nhiệm bồi hoàn cho chủ sở hữu một cách công bằng. Người ta cho rằng quyền của cả nhà nước và chủ sở hữu đều xuất phát từ pháp quyền tự nhiên. Đòi hỏi về chuẩn mực tố tụng và bồi hoàn công bằng được ghi trong Tu chính án Thứ năm.

1 comment: