August 13, 2020

Thuật ngữ chính trị (48)

 

146. Electoral College – Đại cử tri đoàn. Đại cử tri đoàn là cơ chế bầu chọn gián tiếp tổng thống và phó tổng thống Hoa Kì. Đại cử tri đoàn bao gồm 538 đại cử tri cứ bốn năm lại họp một lần để bầu tổng thống và phó tổng thống Hoa Kỳ. Các đại cử tri tổng thống được bầu lên theo thể thức phổ thông đầu phiếu vào ngày được gọi theo truyền thống là “ngày bầu cử” (ngày thứ 3, sau ngày thứ 2, của tuần đầu tiên của tháng 11 hằng năm), nhưng trên thực tế, đây mới chính là những người sẽ bầu trực tiếp tổng thống và phó tổng thống chứ không phải người dân bình thường. Các đại cử tri họp tại các tòa nhà quốc hội bang nhà của mình vào ngày thứ hai đầu tiên sau ngày thư tư lần thứ hai trong tháng 12 và vì thế không phải là một cuộc họp toàn quốc. Tại 51 cuộc họp (50 tiểu bang và đặc khu Columbia), được tổ chức cùng ngày, các đại cử tri cùng bỏ phiếu. Chính vì có sự tập hợp kết quả bầu cử của 51 nhóm nên mới có định nghĩa kỹ thuật là đại cử tri đoàn, mặc dù 51 nhóm này thực sự không tập hợp về chung một nơi để bầu cử. Hệ thống đại cử tri đoàn, giống như một đại hội toàn quốc, là nhân tố gián tiếp trong tiến trình bầu tổng thống.

 Số phiếu đại cử tri của mỗi bang bằng tổng số thượng nghị sĩ (luôn luôn là hai) và số hạ nghị của bang đó; riêng đặc khu Columbia có ba phiếu đại cử tri mặc dù không đại diện nào ở Quốc hội Hoa Kỳ. Tại mỗi bang, các cử tri phổ thông bầu chọn một danh sách gồm các ứng cử viên đã được chọn sẵn cho vị trí đại cử tri. Tuy nhiên, trên lá phiếu bang được thiết kế giống như là các cử tri phổ thông đang thật sự bầu trực tiếp cho ứng cử viên tổng thống. Đa số bang dùng cách gọi là lá phiếu vắn tắt mà trong đó khi một lá phiếu bỏ cho một đảng nào (thí dụ như Dân chủ hoặc Cộng hòa) thì được xem là một lá phiếu cho toàn thể nhóm đại cử tri thuộc đảng đó. Tại những bang này, hiếm khi ngoại lệ, một đảng sẽ chiếm hết toàn bộ số phiếu đại cử tri của bang đó. Maine và Nebraska chọn đại cử tri bằng phương pháp được gọi là Phương pháp Maine, trong đó có thể xảy ra khả năng các cử tri phổ thông chọn ra nhiều đại cử tri thuộc nhiều đảng chính trị khác nhau và như thế số phiếu đại cử tri của bang bị chia ra tại hai bang này. Hiếm có trường hợp một đại cử tri không bỏ phiếu cho liên danh tranh cử tổng thống thuộc đảng của mình; những người như thế được gọi là “đại cử tri không trung thành”.

Một tháng sau khi bỏ phiếu đại cử tri, Quốc hội Hoa Kỳ nhóm họp hai viện để tuyên bố người đắc cử. Nếu một ứng cử viên tổng thống nhận được 270 (cho đến năm 2009) hoặc nhiều hơn số phiếu đại cử tri tổng thống, người chủ tọa (thường là phó tổng thống đương nhiệm) tuyên bố ứng cử viên đó là tổng thống đắc cử, và một ứng cử viên phó tổng thống nhận 270 hay nhiều hơn số phiếu đại cử tri được tuyên bố tương tự là phó tổng thống đắc cử.

 Quy trình chọn Đại cử tri

 Để trở thành Đại cử tri, một người cần trải qua hai vòng bầu cử. Đầu tiên, các đảng ở mỗi bang sẽ chọn một loạt ứng viên đại cử tri tiềm năng trước ngày bầu cử. Tiếp đó, vào ngày bầu cử, cử tri phổ thông tại mỗi bang sẽ chọn ra đại cử tri ở bang đó bằng cách bỏ phiếu cho ứng viên tổng thống.

 Vòng 1

 Không có quy định thống nhất về phương thức lựa chọn đại cử tri trên toàn quốc mà mỗi bang có một quy định riêng. Về cơ bản, các đảng sẽ đề cử một danh sách đại cử tri tiềm năng tại kỳ họp đại hội đảng của bang mình hoặc họ có thể chọn thông qua một cuộc bỏ phiếu tại ủy ban trung ương đảng. Đây là những người có đóng góp nhiều cho Đảng hoặc các quan chức dân cử của bang hoặc lãnh đạo của Đảng đó hoặc là người có quan hệ chính trị hoặc cá nhân với ứng viên tổng thống của đảng mình.

 Vòng 2

 Cử tri phổ thông sẽ cùng lúc chọn ra tổng thống và đại cử tri. Việc này thực hiện trên cùng 1 lá phiếu tên của đại cử tri tiềm năng có thể có hoặc không xuất hiện trên lá phiếu, (nếu có thì tên sẽ nằm dưới tên ứng viên tổng thống), tùy thuộc vào quy trình bầu cử và phương thức bỏ phiếu ở từng bang. Tuy nhiên cũng xuất hiện tình trạng tiếng nói của đại cử tri không phản ánh đúng quan điểm của cử tri phổ thông khi đại cử tri không giữ cam kết ủng hộ ứng cử viên Tổng thống như sự lựa chọn của cử tri phổ thông.

 Chỉ trích

 Việc kết quả cuộc bầu cử của đại cử tri không phản ánh đúng kết quả của của cuộc phổ thông đầu phiếu làm cho mô hình bầu cử này gặp một số chỉ trích. Có nhiều người đã nêu lên những phương cách khác thay thế để bầu chọn tổng thống. Vấn đề này lại được đem ra bàn cãi theo sau kỳ Bầu cử Tổng thống năm 2000 khi ứng cử viên Đảng Dân chủ là Al Gore giành đa số phiếu phổ thông nhưng lại thất bại giành đa số phiếu của đại cử tri đoàn.

 Ở các bang, ứng viên nào giành được nhiều nhất phiếu đại cử tri thì giành được toàn bộ phiếu của cử tri đoàn. Đây được gọi là nguyên tắc “Được ăn cả, ngã về không” (the winner takes all). Điều này khiến cho về mặt lý thuyết một ứng ứng cử viên chỉ cần giành được 142 phiếu đại cử tri ở 11 bang có nhiều đại cử tri nhất là đã có thể trúng cử (28/55 ở California, 18/34 ở Texas, 16/31 ở New York, 14/27 ở Florida, 11/21 ở Illinois, 11/21 ở Pennsylvania, 11/20 ở Ohio, 9/17 ở Michigan, 8/15 ở Georgia, 8/15 ở Bắc Carolina và 8/15 ở New Jersey - Tổng số phiếu đại cử tri ở 11 bang này là 271/538 phiếu, đủ để trở thành Tổng thống). Từ khi hình thành hệ thống đại cử tri đã xuất hiện 157 đại cử tri có lá phiếu ngược với lá phiếu họ đã cam kết với cử tri phổ thông trước đó. Có 21 bang không có quy định bắt buộc Đại cử tri phải trung thành với lời cam kết.

 

147. Electoral Systems – Hệ thống bầu cử.

 Có hai nhóm hệ thống bầu cử được sử dụng trong các các chế độ dân chủ hiện đại.

 Hệ thống đa số đơn giản hay còn gọi là nhiều phiếu nhất là thắng (FPTP - first-past-the-post). Ứng cử viên có nhiều phiếu bầu hơn bất kỳ người khác là người thắng cuộc Phương pháp này được sử dụng ở Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Canada và trong những tổ chức phi chính phủ trên toàn thế giới. Đây là hệ thống được sử dụng không chỉ để bầu chọn ứng cử viên mà còn bầu cả chính phủ. Trên thực tế, không có chính phủ Anh nào được thành lập đã nhận được một đa số phiếu bầu trong cuộc tổng tuyển cử kể từ năm 1935; tuy nhiên, hầu hết các chính phủ này chiếm đa số, đôi khi lớn, số ghế trong Viện thứ dân.

 Một biến thể của đa số đơn giản hệ là hệ thống bỏ phiếu lần thứ hai, được sử dụng ở Pháp. Ở đây ứng cử viên chỉ được tuyên bố đã được bầu trong lần bỏ phiếu đầu tiên nếu họ nhận được đa số phiếu bầu (nghĩa là 50% + 1 phiếu). Ở những khu vực bầu cử không có ứng viên nào nhận được 50%+ phiếu (trên thực tế, khoảng hai phần ba tổng số các khu vực bầu cử xảy ra hiện tượng này), thì  sau đó một tuần người ta sẽ tổ chức cuộc bỏ phiếu thứ hai, trong đó chỉ những ứng viên đạt hơn 12,5% trong lần bỏ phiếu đầu tiên, nếu không tự nguyện rút lui, là được tham gia. Một biến thể khác của hệ thống đa số đơn giản là bầu cử thay thế. Trong hệ thống này, cử tri đánh dấu ứng cử viên mình lựa chọn theo thứ tự ưu tiên và kết quả sẽ được phân định bằng việc đếm số phiếu của các ứng cử viên theo thứ tự ưu tiên này. Người đắc cử theo chế độ bầu cử thay thế phải nhận được ít nhất 50% tổng số phiếu tại khu vực bầu cử của mình. Chế độ bầu cử thay thế được sử dụng để bầu các thành viên của hạ viện Australia, tổng thống Ấn Độ, nghị sĩ của hội đồng lập pháp ở Ấn Độ, tổng thống Ireland và một số nước khác.

 Hệ thống đại diện theo tỉ lệ (PR): Đây là hệ thống bầu cử phổ biến nhất trong những nền dân chủ lâu đời, là hệ thống được cố ý thiết để tạo ra sự tương ứng chặt chẽ giữa tỉ lệ của tổng số phiếu bỏ cho một đảng trong kì bầu cử với tỉ lệ với số ghế mà đảng đó giành được trong cơ quan lập pháp. Thí dụ, đảng được 53% phiếu bầu sẽ giành được 53% số ghế. Cách thức bầu cử như thế thường được gọi là hệ thống bầu cử đại diện theo tỉ lệ (PR-proportional representation).

 Hệ thống này có ba biến thể chính. Phổ biến hơn cả là hệ thống Danh sách (List system), theo đó, cử tri lựa chọn các ứng viên từ danh sách do các chính đảng cung cấp; số ứng cử viên đắc cử của một đảng sẽ phải tỷ lệ thuận đúng với tỷ lệ tổng số phiếu dành cho các ứng viên của đảng đó trên toàn bộ phiếu bầu.

 Thứ hai là hệ thống tỉ lệ danh sách hỗn hợp (Mixed Member Proportional) – được sử dụng ở Đức, Italy và gần đây là ở New Zealand – một số ứng cử viên, ví dụ: một nửa, được bầu theo danh sách PR trong toàn quốc, số còn lại được bầu từ các đơn vị bầu cử mà mỗi đơn vị chỉ được bầu một ứng cử viên. Những người ủng hộ hệ thống bầu cử này cho rằng nó đảm bảo được một phần tính chất tỷ lệ của hệ thống PR, nhưng, tương tự như hệ thống FPTP, nó lại có khả năng tốt hơn hệ thống PR thuần túy trong việc hình thành được một phe đa số trong nghị viện (nên dễ tránh được những bế tắc thường có trong việc thông qua các dự luật của hệ thống PR thuần túy – ND).

 Một hệ thống PR rất hay được các nhà chính trị học ủng hộ nhưng lại ít được áp dụng là hệ thống bầu cử có thể chuyển giao một lần (single tranferable Vote – STV), ngoại trừ Ireland, nơi người ta áp dụng hệ thống này từ năm 1921. Cũng như hệ thống bầu cử lựa chọn (AV) được mô tả bên trên, ở đây cử tri cũng xếp loại các ứng cử viên. Nhưng khác với hệ thống AV, STV được áp dụng trong các đơn vị bầu cử được lựa chọn nhiều đại biểu. STV có phương pháp kiểm phiếu quá phức tạp, không thể mô tả ở đây được. Nhưng phương pháp này bảo đảm rằng những ứng cử viên xếp loại cao nhất sẽ thắng cử và dẫn đến một sự phân phối ghế trong nghị viện với tỷ lệ khá tương đồng với số phiếu các đảng thu được. Mặc dù dường như cử tri ở Ireland hài lòng với hệ thống STV, nhưng chắc là sự phức tạp đã khiến cho loại hình này không được sử dụng ở những nơi khác.không nhất thiết phải là đa số tuyệt đối – trên 50%).

 PR đối chọi với FPTP. Như nói bên, người ta vẫn còn tranh luận về vấn đề hệ thống bầu cử nào đáp ứng tốt nhất yêu cầu: bầu cử vừa tự do vừa công bằng. Những người phê phán FPTP khẳng định rằng, nói chung, hệ thống này không vượt qua được trắc nghiệm về đại diện công bằng, đôi khi kết quả còn quá kém nữa. Thí dụ, trong cuộc bầu cử Nghị viện Anh vào năm 1997, đảng Lao động chiếm được 64% số ghế trong Nghị viện – một đa số lớn nhất trong lịch sử nghị viện thời hiện đại, nhưng đảng này lại chỉ giành được có 44% số phiếu bầu mà thôi. Trong khi đó, đảng Bảo thủ với 31% số phiều bầu lại chỉ được có 25% số ghế, còn đảng Tự do hẩm hiu với 17% số phiếu lại chỉ chiếm được có 7% số ghế! (Ứng viên của các đảng khác giành được 7% phiếu bầu và 4% số ghế trong quốc hội).

 Nếu thế, tại sao các nước dân chủ với hệ thống FPTP không chuyển sang hệ thống PR? Vì một lí do là chúng ta không thể phớt lờ được sức nặng của lịch sử và truyền thống ở những nước như Anh và Mỹ, nơi những hệ thống này đã thắng thế ngay từ khi bắt đầu có chính thể đại diện. Mỹ cho ta một thí dụ rất rõ về vấn đề này. Hệ thống bầu cử FPTP của Mỹ có thể đưa tới việc tước bỏ quyền đại diện công bằng của những người Mỹ gốc Phi thuộc nhóm thiểu số khá lớn trong các cơ quan lập pháp bang hay ngay tại hạ viện toàn liên bang. Và để bảo đảm rằng cử tri người Mỹ gốc Phi có thể có ít nhất một vài đại diện trong cơ quan lập pháp bang hay tại Quốc hội, các nhà lập pháp và các thẩm phán đôi khi đã phải cố tình vẽ lại ranh giới khu vực bầu cử nhằm tạo ra một khu vực có đa số cử tri là người Mỹ gốc Phi. Hình thù những khu vực bầu cử như thế đôi khi chẳng có liên quan gì tới địa lí, kinh tế hay lịch sử. Trong khi đó, nếu với hệ thống bầu cử kiểu PR và nếu người Mỹ gốc Phi quyết định bỏ phiếu cho ứng viên Mỹ gốc Phi của họ thì họ sẽ có đại diện tỉ lệ thuận với số dân của họ: trong bang có thí dụ 20% cử tri da đen chắc chắn sẽ có khoảng 20% ghế do người da đen nắm, nếu đấy là lựa chọn của họ.

 Nhưng nếu thế, tại sao PR lại không được chấp nhận? Chủ yếu là vì thái độ thù địch với hệ thống bầu cử PR ở Mỹ lan rộng đến nỗi cả các nhà làm luật lẫn các thẩm phán đều không dám coi nó là một giải pháp để giải quyết tình trạng bất công trong bầu cử do việc sắp xếp khu vực bầu cử và vấn đề phân biệt chủng tộc gây ra. Nhưng sau này người ta đã sử dụng những luận cứ có lí hơn nhằm củng cố cho những định kiến mang tính lịch sử đầy ưu ái đối với hệ thống bầu cử FPTP. FPTP thường được người ta bảo vệ chỉ vì nó gây bất lợi cho các đảng thứ ba và bằng cách đó, nó giúp cho việc hình thành hệ thống lưỡng đảng. Ngược lại, kết quả thường thấy của hệ thống bầu cửa kiểu PR lại là hệ thống đa đảng. Đặc biệt, trong các nước dân chủ nói tiếng Anh, hệ thống lưỡng đảng được người ta ưa chuộng hơn nhiều, còn hệ thống đa đảng thì bị ghét bỏ và coi thường. Nhưng hệ thống nào tốt hơn?

 Đã có một cuộc tranh luận lớn diễn ra xung quanh những ưu điểm tương đối của hệ thống lưỡng đảng và đa đảng. Nói chung, lợi thế của mỗi hệ thống lại phản ánh những điều bất lợi của chính nó. Ví dụ, một trong những lợi thế của hệ thống lưỡng đảng là nó làm giảm khó khăn cho cử tri bằng cách rút sự lựa chọn của họ xuống còn hai. Nhưng theo quan điểm của những người ủng hộ hệ thống bầu cử đại diện theo tỉ lệ (PR) thì việc giảm một cách quyết liệt cơ hội lựa chọn như thế sẽ gây tổn hại một cách nghiêm trọng quyền tự do lựa chọn của cử tri. Các cuộc bầu cử vẫn có thể diễn ra một cách hoàn toàn tự do, họ bảo, nhưng vì những cuộc bầu cử đó đã phủ nhận quyền đại diện của những nhóm thiểu số rồi cho nên nhất định là không còn tính chất công bằng nữa.

 Chính quyền hiệu quả. Những người ủng hộ hệ thống lưỡng đảng ủng hộ hệ thống bầu cử FPTP vì nó còn mang lại hệ quả sau đây nữa. Bằng cách gia tăng được quy mô đa số của đảng thắng cử trong cơ quan lập pháp, FPTP gây khó khăn cho đảng thiểu số trong việc hình thành liên minh có đủ sức ngăn chặn đảng đa số thực hiện cương lĩnh của mình – hay như những nhà lãnh đạo đa số thường nói: “thực hiện sự ủy quyền của nhân dân” cho họ. Và, với tính chất đa số đã được tăng cường như thế trong cơ quan lập pháp, lãnh đạo của đảng (chiếm đa số) luôn có đủ số phiếu để thông qua những kế hoạch của đảng ngay cả khi một số đảng viên chạy sang phe đối lập. Do đó họ lập luận rằng, hệ thống bầu cử FPTP làm cho chính quyền đáp ứng được tiêu chí hiệu quả. Ngược lại, trong một số nước, hệ thống bầu cử kiểu PR lại tạo ra quá nhiều đảng và liên minh luôn cạnh tranh và xung đột với nhau trong nghị viện tới mức rất khó hình thành liên minh đa số và những liên minh này cũng rất không ổn định. Kết quả là hiệu quả của chính phủ giảm đi trông thấy. Italy thường được đưa ra làm ví dụ minh họa cho tình trạng này.

 Nhưng những người ủng hộ hệ thống bầu cử FPTP lại thường lờ đi sự thật là trong một số nước với hệ thống PR, nhiều chương trình cải cách rộng lớn đã được thực hiện bởi đa số có tính ổn định trong nghị viện và đa số đó thường là liên minh của hai hay ba đảng. Thực ra, một số nền dân chủ với hệ thống bầu cử PR, như Hà Lan và các nước vùng Scandinavia, hiện đang là những mẫu hình thành công rõ ràng của sự kết hợp giữa những cuộc cải cách mang tính thực dụng và sự ổn định.

1 comment: