Juan Pablo Cardenal và Heriberto Araújo
Bản Việt ngữ Nguyễn Đình Huỳnh
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2015, 2917
6
Những nạn nhân mới của "công xưởng thế giới"
"Tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Mozambique sống mãi như Trời Đất.”
Khẩu hiệu của Trung Quốc ở lối vào Sân vận động Quốc gia Maputo.
Ở ngoại ô Maputo, Sân vận động Quốc gia nguy nga sáng rực ánh đèn giữa cảnh nhớp nháp u ám của một trong những nước nghèo nhất châu Phi. Để đến sân vận động, chúng tôi phải luồn lách qua luồng xe cộ dày đặc những chiếc xe buýt nhỏ đầy người và xe tải nhẹ làm tắc nghẽn vùng ngoại thành thủ đô Mozambique. Tình trạng ngưng trệ kéo ra tận rãnh nước bẩn thỉu bên lề đường. San sát nhà hai bên, đường cao tốc N1 phơi bày thực trạng cố hữu của châu Phi: đoàn phụ nữ địu con trên lưng và đội những bao gạo hoặc ngô trên đầu, trẻ em mặc đồng phục đi học hay từ trường về, đám hàng rong bán đủ thứ, từ than đá, lốp xe, củi đến thẻ điện thoại di động, trái cây và xăng. Không khí nồng nặc mùi hôi thối của rác và nhựa cháy đâu đó không xa.
Trong khu vực ngoài trời cạnh sân vận động, hàng chục người mà đói nghèo toát ra từ từng lỗ chân lông đang bày biện các món hàng đơn giản trên những tấm chăn trải trên nền đất. Họ bán quần áo rẻ tiền, cá thịt tanh tưởi, đồ uống nóng ấm, sơn quét móng tay, xà phòng cục, rau, trái cây sấy khô, cà chua, cam và nhiều thứ linh tinh khác. Họ tìm mọi cách để tồn tại bất chấp mặt trời thiêu đốt, dăm đồng bán hàng ít ỏi và tiếng khóc không ngừng của con trẻ. Cách đó chỉ vài mét, một khu nhà có tường vây kín, lối vào khóa chặt và mái kiểu Trung Quốc treo những chiếc đèn lồng đỏ Trung Quốc là địa điểm xây dựng mới một sân bóng đá hoành tráng có sức chứa 42.000 khán giả. Do công ty nhà nước Trung Quốc An Huy Wai Jing xây dựng,1 sân vận động này từng được ca ngợi là niềm tự hào và niềm vui của cả nước. Đó là khi chưa xảy ra các cuộc đình công, tranh chấp và bạo lực đã biến dự án mang tính biểu tượng nhất của Trung Quốc ở Mozambique thành một bãi mìn thực sự.
Trên bức tường cạnh cánh cửa kim loại lớn ngăn cách hai thế giới, một khẩu hiệu chính thức nên thơ mô tả quan hệ máu thịt đoàn kết giữa hai quốc gia: "Tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Mozambique sống mãi như Trời Đất," trang trọng thể hiện bằng chữ Bồ Đào Nha và chữ quan thoại. Một khẩu hiệu khác đề cập đến "tính hoàn hảo" của dự án sẽ mang lại "vinh quang cho Trung Quốc." Chúng tôi đi bộ qua cổng chính và một lần nữa thấy mình ở giữa một trong những dự án hạ tầng bí ẩn và thắng lợi của Trung Quốc do Bắc Kinh cung cấp ở mức giá thấp đổi lấy việc chinh phục thế giới, như đã thấy trong chương trước. Chúng tôi tự hỏi cuộc sống đằng sau những bức tường kia sẽ như thế nào khi âm thanh dữ dội của nhạc pop Trung Quốc những năm 1980 từ những cái loa trong khu nhà đập lên màng nhĩ của mình. Lần này chúng tôi không theo những con đường đặc biệt để tìm hiểu tác động của một con đập hay tính chất của các dự án hạ tầng "chìa khóa trao tay." Lần này chúng tôi quan tâm đến điều kiện làm việc của hàng ngàn người vô danh xây dựng những công trình to lớn này. Phải chăng kết nối giữa Trời và Đất thực sự là một trải nghiệm thiêng liêng?
Deng, quản lý dự án, chào đón chúng tôi với nụ cười thân thiện. Điều duy nhất cần thiết để biến sự thiếu tin cậy ban đầu của ông thành cuộc tiếp đón nồng nhiệt là cuộc trao đổi ngắn với người hướng dẫn Trung Quốc của chúng tôi, người đã nhanh chóng thuyết phục được ông. Một lần nữa chúng tôi có thể xác nhận "một lời nói của người đồng hương" có thể làm nên điều kỳ diệu ở đất khách quê người. Deng cho phép chúng tôi đi vào công trường và chỉ định kỹ sư trưởng của ông, Jiang Ning, với tư cách chủ nhà hướng dẫn chúng tôi tham quan công trình. Mặc bộ đồ bảo hộ lao động màu hồng đồng phục của công ty, Jiang cho chúng tôi biết anh đã đến Mozambique từ tỉnh quê nhà An Huy ở phía đông Trung Quốc khi sân vận động mới khởi công.2 Gần hai năm đã trôi qua và anh chưa về nhà lần nào. Để đổi lấy mức tăng lương lớn, hứa hẹn về một sự nghiệp đảm bảo trong tương lai và phúc lợi cho con trai của anh, công ty đòi hỏi mức độ cam kết cao nhất. Nói cách khác, hai năm lao động khổ sai không được gặp gia đình và một nhịp sống hàng ngày khắc nghiệt bắt đầu lúc 7 giờ 30 sáng, sáu hoặc bảy ngày một tuần. Nhiều phần thưởng đang chờ đợi anh khi kết thúc thời gian làm việc ở Mozambique: những cơ hội mới ở những đất nước mới. Điều này rất phù hợp với Jiang. Ba mươi lăm tuổi, ưu tiên duy nhất của anh trong cuộc sống là đảm bảo tương lai của mình - ngay cả khi điều đó có nghĩa anh sẽ không thể thấy được con trai mình lớn lên.
Với rất nhiều trách nhiệm, 260 công nhân Trung Quốc - tất cả từ An Huy - hầu như không rời khỏi công trường xây dựng trong 24 tháng họ sống ở Mozambique. "Chúng tôi hầu như không bao giờ rời khỏi trại. Chúng tôi không nói được tiếng Bồ Đào Nha. Chúng tôi không biết địa bàn này. Và nếu đi ra ngoài, chúng tôi sẽ phải tiêu tiền, trong khi điều chúng tôi thực sự muốn là để dành toàn bộ," Jiang giải thích. Hơn nữa, trong trại rất bình yên và trật tự so với bên ngoài hỗn loạn đầy nguy hiểm, và điều kiện sống cũng như làm việc của những công nhân này là nỗi thèm khát của hàng triệu lao động nông thôn Trung Quốc, những người giúp vận hành "công xưởng thế giới" để đổi lấy đồng lương còm cõi. Không chỉ vì công nhân ở sân vận động kiếm được gấp ba lần tiền lương của một công việc tương tự ở trong nước. Họ còn được sống trong những căn buồng tươm tất cạnh những khu vườn nhỏ, bốn người ngủ một phòng trên những chiếc giường có mùng chống muỗi, xem truyền hình Trung Quốc, truy cập Internet và thưởng thức ẩm thực An Huy ba bữa một ngày, chỉ để họ cảm thấy như ở nhà.
"Cuộc sống ở đây rất ổn. Tôi có phòng ngủ riêng và thời gian rỗi tôi xem phim hoặc đánh mạt chược. Tôi có thể trò chuyện với con trai qua Internet. Tôi không có gì phải kêu ca," Jiang giải thích. Khi dạo qua khu nhà, chúng tôi thấy vẻ rực rỡ ấn tượng của hoa vân anh trên nền đất xám: những nhóm nhỏ công nhân Trung Quốc và Mozambique đang cùng nhau trải nhựa các đường chạy điền kinh, hoàn thiện lối vào sân vận động và kiểm tra lần cuối khâu lắp đặt hệ thống điện. Mọi thứ có vẻ hoàn toàn bình thường, nhưng vẻ ngoài có thể đánh lừa. Mối quan hệ giữa công nhân Trung Quốc và công nhân địa phương hoàn toàn không tốt, và đã trở nên xấu hơn do thiếu giao tiếp, phân biệt đối xử đối với công nhân châu Phi và các tranh cãi trước đó giữa hai nhóm. Jiang thẳng thắn khi đề cập đến các đồng nghiệp người địa phương. "Chúng tôi muốn hoàn thành dự án càng sớm càng tốt để có thể về nước. Nhưng họ không muốn làm thêm giờ, họ làm việc rất chậm chạp và luôn kêu ca." Tuy nhiên, Jiang cũng tự biện minh cho những kêu ca này - gần như không chủ ý - khi anh cho chúng tôi biết một công nhân Trung Quốc không đạt chuẩn một tháng kiếm được 850 đô-la và hoàn toàn có quyền có được chỗ ở, thực phẩm và bảo hiểm y tế, trong khi công nhân Mozambique chỉ kiếm được hơn 150 đô-la một tháng, không có thêm bất kỳ một phúc lợi nào khác.3 Nói bằng tiếng Bồ Đào Nha để các ông chủ Trung Quốc của họ không hiểu được, một số công nhân địa phương nhân cơ hội này để thể hiện bất mãn với sự đối xử bất công. "Chúng tôi bị đối xử rất tệ. Một số cấp trên rất khắc nghiệt," một người giải thích. "Họ trả cho chúng tôi quá thấp," một người khác nói. "Họ trả giả vờ, nên chúng tôi làm giả vờ," ông kết luận, đầy mỉa mai.
Celso, một thợ hàn hai mươi tư tuổi, rất muốn bắt chuyện với branquinhos, "những người da trắng," nhưng chúng tôi lại đi cùng với sếp Trung Quốc của anh. Mồ hôi đầm đìa dưới chiếc mũ bảo hiểm màu xanh, anh đeo kính râm, khẩu trang và bộ đồ bảo hộ lao động màu trắng mà màu sắc ban đầu của nó chỉ có thể thấy được ở vai, vì đã bị phủ đầy dầu mỡ từ ngực đến chân. Cây thánh giá trắng đeo ở cổ, nổi bật trên làn da đen của anh. Chúng tôi thân thiện bắt tay, anh mỉm cười với chúng tôi cho đến khi một câu hỏi của chúng tôi làm tắt ngay lập tức nụ cười trên khuôn mặt anh.
"Làm việc ở đây thế nào? Người Trung Quốc đối xử với anh ra sao?"
"Rất tệ... Ở đây có quá nhiều vấn đề..."
"Anh có muốn cho chúng tôi biết những gì đang xảy ra? Chúng ta có thể gặp sau khi anh xong việc?"
"Vâng. Một giờ nữa tôi tan ca, lúc năm rưỡi."
"Chúng tôi sẽ chờ anh trong chiếc xe trắng ở cổng chính."
"Tôi sẽ đến..."
Celso đến đúng hẹn. Anh leo lên xe với vẻ mặt nghiêm nghị và đi thẳng vào vấn đề. Khi câu chuyện của anh được kể, chúng tôi nhận ra Jiang Ning, nhân vật số hai của công ty ở đây, đã không cung cấp đầy đủ cho chúng tôi bức tranh toàn cảnh khi anh mô tả và lý giải điều kiện làm việc của các đồng nghiệp châu Phi. Với cái nhìn thẳng thắn và lối nói trực tiếp, Celso mô tả điều kiện làm việc gần như bóc lột và không thể nào chối cãi được nếu ở bất cứ nơi nào khác chắc chắn là bất hợp pháp. Anh cho biết anh làm việc ngày 9 giờ không nghỉ, chưa kể làm thêm giờ, và anh làm hàng tháng trời không một ngày nghỉ để có thể kiếm thêm ít tiền. Công ty không ký hợp đồng, không cung cấp bảo hiểm y tế hay bất kỳ phúc lợi nào, nói gì đến chỗ ở và đi lại. Tệ hại hơn, có một bất ngờ mới trên mỗi phiếu lương. "Mỗi tháng, công ty lấy đi một phần tiền lương của tôi, và tôi không biết tại sao," anh than phiền. Các khoản khấu trừ không được giải thích thỏa đáng, thay đổi từ tháng này sang tháng khác và từ người này sang người khác, đã khiến công nhân nghĩ là công ty đang "ăn cắp" của họ. Celso cũng phàn nàn họ không được ăn gì trong suốt ngày làm việc, bất chấp thực tế hàng ngày các công nhân Trung Quốc ăn trưa đúng giờ trong nhà ăn "chỉ dành cho người Trung Quốc." Công nhân Mozambique chỉ được ăn một chút bánh mì cũ khi làm thêm giờ. "Các anh có thấy những ổ bánh mì họ mang cho chúng tôi trong túi nhựa?" Celso hỏi chúng tôi. "Vâng, họ không cho chút gì vào ổ bánh. Hoàn toàn chẳng có gì."
Cũng như trong các dây chuyền sản xuất của Trung Quốc, chủ nghĩa tư bản đỏ ở châu Phi áp đặt một chuẩn tắc tàn nhẫn lên công nhân của họ: để kiếm được đồng lương khốn khổ đòi hỏi trước tiên là sự hy sinh lớn. Phần thưởng cho Celso về sự ngược đãi anh phải chịu đựng rất kỳ cục: lương tháng từ 3.500 đến 4.000 meticai, hay từ 75 đến 87 euro.4 Đây là mức lương rẻ mạt ngay ở Mozambique, nơi số tiền tối thiểu cần cho một gia đình tồn tại là 5.000 meticai một tháng, chừng 110 euro.5 "Họ đối xử với chúng tôi theo cách tồi tệ nhất. Tôi ước gì có thể làm việc cho một công ty không phải của Trung Quốc, khi ấy các điều kiện hẳn sẽ tốt hơn nhiều. Nhưng tôi không được lựa chọn, bởi vì không có việc làm ở Mozambique. Hoặc công việc này hoặc không có gì," Celso giải thích với sự tức giận dồn nén trộn lẫn nỗi cam chịu. Khi phải lựa chọn giữa mức lương khốn khổ nhưng ổn định bên trong sân vận động này và cuộc sống bán hàng rong không chắc chắn và hoàn toàn đói rách ở thế giới ngoài kia, Celso và các đồng nghiệp của anh đã chọn tồn tại.
Trong bối cảnh điều kiện làm việc không ổn định, đối xử xúc phạm và phân biệt không chính đáng,6 với chuyện công nhân Trung Quốc thu nhập gần sáu lần hơn so với các đồng nghiệp có công việc tương tự, tình hình căng thẳng gia tăng đã dẫn đến thảm kịch tại công trình ở Maputo, như từng xảy ra ở nhiều nơi khác trên thế giới mà người Trung Quốc đã áp đặt thứ lý lẽ của riêng họ về lao động. Chính vào ngày 30 tháng 4 năm 2010 - một ngày trước Ngày Quốc tế Lao động - đã nổ ra cuộc đình công, dẫn đến bùng phát bạo lực trước khi có sự can thiệp có thể đoán trước của cảnh sát luôn đứng về phía mạnh hơn. Kết quả: một người chết, vài người bị thương vì trúng đạn và nhiều người bị sa thải. Vài tuần sau chuyến đi của chúng tôi đến sân vận động quốc gia, đại diện của công ty An Huy Wai Jing qua điện thoại bác bỏ chuyện các dự án của họ ở Mozambique có vấn đề, đảm bảo với chúng tôi họ đang hoạt động "phù hợp với luật lệ và quy định của nước này."7 Ngay sau khi hoàn thành và bàn giao sân vận động, công ty Trung Quốc này đã chính thức được công nhận là một trong mười tập đoàn của Trung Quốc đã "đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế và xã hội của các nước châu Phi trong năm 2010... và đã giúp cải thiện mức sống của người dân châu Phi."8
Khi chúng tôi đang thưởng thức đồ uống tại Café Continental huyền thoại trên đường Avenida de Setembre 25 ở Maputo, nhà xã hội học Bồ Đào Nha João Feijó khẳng định những gì chúng tôi đã thấy tại Sân vận động Quốc gia và các dự án khác của Trung Quốc ở Mozambique là điều hiển nhiên chứ không phải ngoại lệ.9 Feijó là một trong những chuyên gia am hiểu nhất về điều kiện lao động ở thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha và đã tiến hành nghiên cứu điều kiện làm việc do các công ty Trung Quốc cung cấp ở Mozambique:10 "Trừ Huawei, điều kiện lao động trong các công ty Trung Quốc thật khủng khiếp. Chúng rõ ràng tệ hại nhất," ông nhận định.
Phân tích của Feijó rút ra một so sánh hoàn hảo với những gì đã - và vẫn là - tình cảnh chung được thấy trong các nhà máy và công trường xây dựng tại Quảng Châu, Thượng Hải và Thành Đô. "Hệ thống Trung Quốc chủ yếu là sản xuất, tư bản và lợi nhuận. Họ đối xử với lao động địa phương như một sinh vật đơn giản không danh tính. Công nhân không học được nhiều vì không có chuyển giao kiến thức và họ không có bất cứ cơ hội thăng tiến nào." Họ làm việc nhiều giờ hơn nhiều so với mức được trả, ông tiếp tục, giải thích tại sao công nhân hiếm khi kéo dài hơn sáu tháng. "Ngay khi tìm được một lựa chọn tốt hơn, họ đi ngay."
Trong khi thu thập bằng chứng về thực trạng điều kiện lao động ở Mozambique, chúng tôi không thể không tự hỏi liệu Trung Quốc có thực sự là lựa chọn hấp dẫn cho các nước đang phát triển như các nước này vẫn thường tin. Chúng tôi bỗng nhớ lại không khí ngọt ngào tại trung tâm hội nghị Ai Cập ở Sharm el-Sheikh, nơi các nhà lãnh đạo châu Phi và Trung Quốc - do Ôn Gia Bảo dẫn đầu và bài diễn văn chống thực dân của ông - trình diễn tuần trăng mật riêng tư của họ tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi. Trong bầu không khí đầy tình cảm, không ai dám làm hỏng khung cảnh đó bằng cách chỉ trích Trung Quốc về thái độ cẩu thả của họ đối với điều kiện lao động ở Mozambique và các nước khác. Và vì thế trong một lần giải lao, chúng tôi đã tiếp cận Félix Mutati, lúc đó là bộ trưởng Thương mại của Zambia, với câu hỏi nước đôi: "Thưa Bộ trưởng, Trung Quốc có thực sự là một cơ hội cho châu Phi?" Mutati thân thiện trả lời một cách hoàn hảo, cho rằng về giao hàng, tốc độ và chi phí, Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất để giúp châu Phi đương đầu với những thách thức trong phát triển. "Điểm mấu chốt là tác động. Các chính trị gia chúng tôi được đánh giá bằng những gì tạo ra, chứ không phải bằng các cam kết từ các phát biểu của chúng tôi. Họ sẽ không bầu lại cho tôi nếu tôi không xây dựng một con đường. Nếu xây dựng con đường, tôi sẽ là anh hùng," ông giải thích.
Tuy nhiên, ông thừa nhận chấp thuận đề nghị của Trung Quốc có nghĩa là phải chịu một vài "hi sinh" và điều quan trọng là phải "giảm tối đa sự xấu xí" của tình hình. Mutati dường như tán thành lý thuyết thường được giới chóp bu chính trị châu Phi và Trung Quốc theo đuổi là cần chịu đựng lúc này để các thế hệ tiếp theo gặt hái lợi ích. Tất nhiên, sự hi sinh này, rơi trên vai của người công nhân cả đời chịu đựng - là những khâu nối yếu nhất - vì rốt cuộc họ là người trả giá cho thành công tương lai. Vị bộ trưởng không chỉ gây ấn tượng muốn giảm nhẹ tầm quan trọng của tổn thất phụ tại nơi lao động, mà còn giải cứu các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước mình. "Đã có những cáo buộc về ai trả lương cao hơn và cung cấp các điều kiện làm việc tốt nhất, các nhà đầu tư Trung Quốc hay phương Tây. Tuy nhiên, hiện chúng tôi có khoảng 200 công ty Trung Quốc ở Zambia, mỗi công ty đưa ra những điều kiện khác nhau. Do đó chúng tôi phải sử dụng các ví dụ thực tế; đừng đến đây với cái nhìn chung chung," ông thách thức chúng tôi. Cuộc nói chuyện này khiến chúng tôi tin rằng phải đi Zambia để tự mình chứng kiến những gì đang xảy ra ở đó.
Tính biểu tượng của mối quan hệ lịch sử giữa Trung Quốc và Zambia là một khích lệ thêm vào để chúng tôi chọn thuộc địa cũ của Anh này là điểm đến tiếp theo: hai nước đã xây dựng quan hệ chặt chẽ sau khi nước Bắc Rhodesia cũ giành được độc lập vào năm 1964. Mối quan hệ này đơm hoa kết trái với dự án TAZARA, tuyến đường sắt vẫn còn hoạt động nhưng đã cũ nát trải dài 1.860 km giữa Dar es Salaam, thủ đô của Tanzania, và trung tâm "Vành đai đồng," tỉnh khai thác mỏ của Zambia.11 Tuyến đường sắt này là một dự án khổng lồ đối với nhà nước nghèo khổ Trung Quốc lúc ấy: đầu tư 500 triệu đô-la và triển khai hơn 25.000 công dân Trung Quốc, gồm công nhân, đốc công và kỹ sư.12 Lời của vị bộ trưởng chắc chắn như sự đảm bảo. Có phải điều này có nghĩa là điều kiện lao động mà các công ty Trung Quốc dành cho công nhân của "người bạn cũ" của Trung Quốc ở châu Phi khác biệt - và tốt hơn - so với ở Mozambique?
TÌM KIẾM THỰC TẾ CỦA BỘ TRƯỞNG
Tám tháng sau cuộc trò chuyện với Félix Mutati, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến tây Zambia ngang qua Lubumbashi, thủ phủ tỉnh Katanga của Congo, sau khi chạy chậm như sên bò những cây số cuối cùng giữa một chuỗi bất tận các xe tải đầy nhóc đồng và cô-ban. Trong cái xó xỉnh xa xôi này của thế giới, những đám đông người tay xách nách mang bu quanh hàng rào ngăn cách hai nước hay chen vào bàn làm thủ tục nhập cư chật kín người, nơi các giấy tờ được giải quyết thủ công trên giấy than, không có bất kỳ dấu hiệu nào của máy tính. Giao thông liên tục đã biến trạm biên giới này thành một nhà thương điên: mỗi ngày 5.000 tấn khoáng sản đi qua đây trên đường từ các mỏ khoáng sản của nước Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đến các nhà máy chế biến của Zambia, và sau đó hướng về cảng Dar es Salaam và Durban ở Tanzania và Nam Phi. Từ đó, hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy đi khắp thế giới, nhưng chủ yếu là đến Trung Quốc. Hàng trăm xe tải, đầy ắp khoáng sản, nối đuôi nhau xếp hàng chờ nhiều ngày liền để vượt qua biên giới, kích thích tạo nên bầu không khí mua bán điên cuồng đầy gái mại dâm chào mời quan hệ tình dục rẻ tiền và không an toàn, bọn cò mồi thu xếp phương tiện đến thị trấn gần nhất, và những kẻ cơ hội săn đón thời cơ mới trong cảnh hỗn loạn.
Từ DRC, đất nước mà hành động đơn giản mở vòi nước hay vòi sen tắm của bạn là một sự sang trọng đúng nghĩa, vào đến Zambia cảm giác như một phước lành. Cuộc sống ở Zambia ngay lập tức có vẻ dễ chịu hơn nhiều, nước này cùng với người láng giềng Congo của nó, là cái nôi của cái gọi là "Vành đai đồng," một khu vực chứa 10 phần trăm trữ lượng đồng và một phần ba trữ lượng cobalt thế giới. Mặt trời vừa bắt đầu lặn khi chúng tôi đến Kitwe, thành phố thứ hai của Zambia và là nơi xảy ra bất ổn lao động trong thời kỳ thuộc địa, khi cuộc đình công khai thác mỏ lớn đầu tiên của nước này nổ ra vào năm 1935 và năm 1940, làm chết khoảng 56 người.
Các con đường xung quanh trung tâm thành phố nhanh chóng chìm trong bóng tối, không một ngọn đèn đường công cộng nào. Hôm đó là ngày cuối tuần, và rượu thoải mái chảy tràn. Các nhóm thanh niên đi lại khắp nơi, bằng xe hơi hay đi bộ, tìm kiếm thú vui. Còn chúng tôi tìm kiếm những cư dân Trung Quốc. "Thử đến sòng bạc, đó là nơi tốt nhất tìm thấy họ," người dân địa phương cho chúng tôi biết. Khi chúng tôi bước vào khách sạn Edinburgh, nơi có trung tâm cờ bạc riêng, hai khách du lịch Zambia xác nhận chúng tôi đã trúng số độc đắc. "Đây là khu phố Tàu. Không khí thực lạ. Không một ai cười," họ lo lắng nói với chúng tôi. Sòng bạc Kitwe nhỏ, chỉ có sáu bàn, hai bàn roulette và bốn bàn blackjack. Tất cả bàn đều đầy người. Ít có người quan tâm chuyện uống, mặc dù các loại đồ uống đều miễn phí. Bốn gái mại dâm đứng ở quầy rượu trông buồn chán; vẻ quyến rũ của họ không có chút tác động lên các khách hàng tiềm năng. Chúng tôi đếm tổng cộng có ba mươi sáu người đàn ông Trung Quốc, hai Nga, một Pakistan và một châu Phi. Người Nga ầm ĩ ăn mừng mỗi khi thắng, còn các con bạc Trung Quốc rít thuốc không ngừng, vẻ kín đáo nhưng âu lo. Những người Trung Quốc khác ngồi quanh trên ghế sofa, ngủ gà ngủ gật hay nghịch điện thoại di động trong khi chờ đợi sếp của họ, những ông chủ mỏ, làm nhà cái phá sản. Chúng tôi tiếp cận một số khách Trung Quốc, nhưng không ai muốn bắt chuyện. Không khí không thể kỳ lạ hơn; giống như trong một sào huyệt mafia. Nơi này được cai trị bằng luật lệ thích hợp cho những kẻ du côn vô đạo đức thừa tiền - nói cách khác, luật của vùng mỏ.
Vào buổi sáng, luật lệ này cũng thấy được ở các khu mỏ trong vùng, là đối tượng chính của luật, như mỏ Chambishi, cách Kitwe 30 km. Hôm đó là chủ nhật và hầu như không có bất kỳ chuyển động nào trong thị trấn bụi bặm này, ngoài một số thanh niên đánh bi-da trong hai quầy rượu với âm nhạc mở hết cỡ và một cha cố với giáo đoàn tín hữu hát say sưa trong buổi lễ ngày chủ nhật. Chambishi không chỉ được biết đến là địa phương có đặc khu kinh tế đầu tiên do Trung Quốc tài trợ và xây dựng ở châu Phi.13 Đáng buồn thay, nó cũng nổi tiếng về bạo lực bùng phát chống lại giới chủ Trung Quốc do điều kiện lao động áp đặt lên công nhân châu Phi. "Tình hình không tốt hơn chút nào từ cuộc bạo loạn vừa rồi. Mọi người đều không hài lòng với người Trung Quốc," Chiseni, một thợ sửa ống nước tại Công ty Xây dựng Luyện kim 15, công ty nhà nước Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng khai thác mỏ nói. Chiseni ám chỉ đến bạo lực nổ ra vào năm 2007, khiến một người chết, và dẫn đến náo động rất lớn trong giới chính trị gia và truyền thông, và khiến hủy bỏ chuyến thăm dự kiến đến khu vực của chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đình chỉ kế hoạch của mình ở châu Phi do bất ổn xã hội. Tuy nhiên, tình hình ở khu vực này không có gì mới: điều kiện làm việc không an toàn đã gây ra một tai nạn vào năm 2005 giết chết 51 công nhân tại nhà máy sản xuất chất nổ của Viện Nghiên cứu Khai thác mỏ và Luyện kim Bắc Kinh (BGRIMM).14
Đến giờ ăn trưa, Chiseni và các đồng nghiệp Lubinda, Chalebaila và Bright - tất cả đều khoảng ba mươi tuổi - rất vui vẻ ngồi uống coca-cola với chúng tôi và nói về những khó khăn họ chịu đựng hàng ngày. Giống như Celso tại Sân vận động Quốc gia ở thủ đô Maputo, sự chào đón nồng nhiệt ban đầu của họ bị thay bằng vẻ nghiêm trọng, gần như lo lắng khi nhận ra lý do đã khiến chúng tôi có mặt ở đây. Tuy nhiên, họ hiếm khi có được cơ hội nói ra nỗi bất bình của mình, và vì thế giờ đây họ nhanh chóng bị cuốn hút hoàn toàn. Họ cho chúng tôi biết lương tháng của thợ mộc, thợ ống nước và thợ sơn làm việc tám giờ một ngày, sáu ngày một tuần dao động từ 500.000 đến 600.000 kwacha, chừng 70 - 85 euro.15 Chỉ bằng một phần năm thu nhập hàng tháng cần có để nuôi sống một gia đình Zambia sáu người, theo các nghiệp đoàn địa phương. Họ cũng không có được bảo hiểm hoặc chỗ ở, và từ áo quần bảo hộ đơn giản, tồi tàn của họ chúng tôi đoán thiết bị của họ chắc không đầy đủ và an toàn. "Các nhân viên giám sát đòi hỏi chúng tôi quá nhiều và đối xử rất hung bạo, kể cả hung bạo về mặt thể xác. Có rất nhiều căng thẳng ở nơi làm việc," một người cho biết thêm. Boyd Chibale, giám đốc nghiên cứu của Nghiệp đoàn Thợ mỏ và Công nhân Liên minh Toàn quốc (NUMAW), một trong hai công đoàn khai thác mỏ quan trọng nhất tại nước này với 11.250 thành viên, giải thích ở nước này điều kiện làm việc trong các hầm mỏ của Trung Quốc tương đối tồi tệ nhất.16 "Các nhà đầu tư Ấn Độ, Canada và Úc trả cao hơn nhiều: ít nhất 1,5 triệu kwacha một tháng [215 euro]," ông đoan chắc với chúng tôi.
Ngay cả trong những năm 1960, 1970 và 1980, công ty Anh khổng lồ Anglo American – đã rời bỏ nước này vào năm 2002 trong bối cảnh tranh cãi và cáo buộc gay gắt về các hành vi sai trái - cũng cung cấp những điều kiện "tốt hơn nhiều" so với các công ty Trung Quốc ngày nay, Chibale cho biết. "Người Trung Quốc đã tăng năng suất nhờ máy móc và công nghệ họ đưa vào. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng trì trệ về mức sống, điều kiện lao động và tiền lương của công nhân. Trong quá khứ, các cuộc đình công, biểu tình và bạo loạn ở mức tối thiểu, nhưng bây giờ rất phổ biến. Và chúng tôi chỉ thấy công nhân bị bắn trong thời của các nhà đầu tư Trung Quốc."
Biến cố bạo lực mới nhất trong các hầm mỏ của Trung Quốc xảy ra vào tháng 8 năm 2012, khi công nhân đình công tại mỏ than Collum do Trung Quốc sở hữu tổ chức một cuộc biểu tình sau đó biến thành bạo động; một nhân viên giám sát Trung Quốc bị chết sau khi bị xe đẩy than tông. Công nhân yêu cầu tăng lương để phù hợp với mức lương tối thiểu mới của Zambia, được thông qua vào đầu năm và đưa ra mức lương tối thiểu trong lĩnh vực này là 230 đô-la một tháng. Đây không phải là lần đầu mỏ than Collum xuất hiện ở mục tin quan trọng trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Vào cuối năm 2010, hai đốc công Trung Quốc đã bắn bừa bãi vào một đám đông thợ mỏ tại mỏ này ở phía nam Zambia, những người này đã tham gia cuộc biểu tình đòi hỏi điều kiện làm việc tốt hơn. Các thợ mỏ đã phải leo xuống cái thang 1.000 bậc sâu trong lòng đất có nguy cơ mất mạng trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm để đổi lấy vỏn vẹn 4 đô-la một ngày. Với một quyết định gây tranh cãi căng thẳng, trong khi 11 thợ mỏ vẫn còn nằm trong bệnh viện với những vết đạn, các tòa án đã bác bỏ vụ án mà ban đầu đã được xử là giết người có chủ ý.17
Chiseni, Lubinda, Chalebaila và Bright mang lại khuôn mặt người cho hình thức bóc lột của thế kỷ 21 dường như đưa chúng tôi trở lại thời kỳ cách mạng công nghiệp Anh. Chúng tôi nhìn thấy trên mặt họ cùng vẻ bất lực và tuyệt vọng như đã thấy ở những nơi khác trên hành trình của mình, những khuôn mặt thể hiện cảm giác không thể chịu đựng việc bị các ông chủ Trung Quốc giữ làm con tin. Ngay trước khi chúng tôi nói lời tạm biệt, chúng tôi hỏi những người này cùng một câu hỏi chúng tôi đã đặt ra với Félix Mutati tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Sharm el-Sheikh: "Có phải Trung Quốc là một cơ hội cho người nghèo châu Phi? Anh nghĩ gì nếu tôi nói với anh rằng Trung Quốc đến đây để giúp Zambia?" Câu trả lời của họ theo bản năng và sôi sục: "Dối trá!... Chỉ là dối trá!" họ hét lên giận dữ, gần như đồng loạt. "Đồ tuyên truyền Trung Quốc!" một người rít lên, khi họ chậm rãi đi dọc theo những con đường đầy bụi của Chambishi.
HỔ MANG CHÚA: ANH HÙNG CHỐNG TRUNG QUỐC
Về vai trò của Trung Quốc ở trung tâm của ngành khai thác mỏ Zambia, khác biệt trong nhận thức giữa bộ trưởng và những người lao động liên tục từng ngày đấu tranh chống lại các ông chủ Trung Quốc của họ - giữa giới chóp bu chính trị và tài chính với dân thường - đã tóm tắt hoàn hảo tình hình ở quốc gia này. Chính phủ Zambia đã đặt cược vào liên minh chiến lược với Bắc Kinh, vì xem Trung Quốc là bạn đồng hành lý tưởng trên đường phát triển dài hạn ngành khai khoáng tuyệt vời của họ. Zambia hi vọng các khoản đầu tư trong ngành khai thác mỏ sẽ thúc đẩy Zambia hướng tới một "cuộc cách mạng công nghiệp châu Phi," được Lusaka xem là nhân tố thiết yếu giúp đất nước thoát khỏi đói nghèo. Rõ ràng tất cả điều này không chỉ do những cải cách hăng hái được tiến hành trong những thập niên vừa qua, mà còn do khuôn khổ thu hút đầu tư hiện nay của Zambia, vốn bị phái trung thành với khuynh hướng tân tự do ở nước này chỉ trích mạnh mẽ và khuôn khổ đó rõ ràng đã tác động mang tính quyết định lên tình trạng việc làm đang ngày càng bấp bênh của nước này. Thèm khát nguyên liệu, Trung Quốc lợi dụng tình trạng này, trở thành nhà đầu tư nước ngoài duy nhất tiếp tục đầu tư vào Vành đai đồng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, bất chấp sự sụt giảm của giá đồng quốc tế.18
Thực tế Zambia gắn toàn bộ hy vọng của mình vào tương lai ngành khai thác mỏ, và do đó, vào đầu tư của Trung Quốc, đã dẫn đến tình hình các nhà đầu tư Trung Quốc về cơ bản được tự do làm bất cứ điều gì họ muốn tại Vành đai đồng của nước này. Trong khi điều này được thể hiện bằng đề nghị giảm thuế và loại bỏ thuế xuất nhập khẩu đối với các nhà đầu tư nước ngoài của Lusaka, nó cũng đặc biệt bộc lộ thái độ lỏng lẻo của chính phủ Zambia đối với việc liên tục phớt lờ các chuẩn mực lao động cơ bản nhất trong các hầm mỏ của Trung Quốc, kể cả việc bỏ qua vụ án hai đốc công Trung Quốc bắn và làm bị thương công nhân của họ. "Nhà đầu tư nước ngoài rất thoải mái ở Zambia. Các công đoàn rất tích cực, nhưng chính phủ ưu tiên bảo vệ các nhà đầu tư hơn là người dân," nhà lãnh đạo công đoàn Boyd Chibale nói với chúng tôi trong cuộc gặp ở Kitwe. Trong khi chờ giấc mơ giàu có của Lusaka trở thành hiện thực, 80 phần trăm dân số của Vành đai đồng sống dưới hai đô-la một ngày, với sự đồng lõa của Bắc Kinh. Đây có phải là sự "hi sinh" mà Félix Mutati đề cập hôm nọ trên bờ Biển Đỏ?
Về nguyên tắc các công ty khai thác mỏ Trung Quốc không đáng được hưởng lợi từ sự ưu đãi tuyệt đối, khi điều kiện lao động họ cung cấp cho công nhân Zambia - nhiều người chỉ được hợp đồng tạm thời - lại hầu như tồi tệ nhất ở nước này. Tình trạng việc làm bấp bênh, vốn gây ra đau khổ cho nhiều cư dân nghèo khổ nhất của Zambia, đã biến công ty thành mục tiêu thù địch. Michael Sata, nhà lãnh đạo dân túy của Đảng Mặt trận yêu nước đối lập tại thời điểm chúng tôi thăm Zambia, đã đặt hi vọng trở thành tổng thống vào việc sử dụng chiêu bài chống Trung Quốc công khai nhắm vào chỗ yếu nhất của chính phủ cũ. "Hổ mang chúa," như mọi người gọi ông ta, cho rằng nỗi đau khổ của thợ mỏ Zambia bắt nguồn từ thực tế họ bị đối xử như những vị khách không được hoan nghênh ngay trên đất nước họ. "Người Trung Quốc thụ hưởng các điều kiện [đầu tư] tham nhũng. Khi tôi trở thành tổng thống, chúng tôi sẽ thi hành luật lao động... Nếu người Trung Quốc không muốn tuân thủ luật pháp, họ chỉ có thể đóng gói hành lý và trở về Trung Quốc," ông khẳng định chắc chắn với chúng tôi trong cuộc phỏng vấn chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống. Chỉ trích kịch liệt của Sata đối với các công ty Trung Quốc đã khiến ông trở thành người hùng ở Vành đai đồng, nơi ông có được ủng hộ rộng rãi, và tháng 9 năm 2011 ông đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, trở thành lãnh tụ mới của Zambia.19
Trung Quốc có thực là cơ hội cho các nước đang phát triển, chúng tôi tự hỏi trong suốt hành trình của mình. Có thể tốt hoặc xấu, chắc chắn sự bành trướng của nước này đã để lại dấu ấn sâu đậm ở các quốc gia nó tác động. Tuy nhiên, sẽ không công bằng nếu xem thường tác động tích cực mà công cuộc bành trướng này - một cách trực tiếp hoặc gián tiếp - mang đến cho hàng triệu người trên khắp hành tinh. Chúng ta không được xem nhẹ hàng chục ngàn việc làm đã được tạo ra, dòng vốn hình thành do các cam kết dài hạn mua tài nguyên thiên nhiên của nước này, hay cơ sở hạ tầng mới mà họ đã xây dựng trong thế giới đang phát triển. Tương tự, sẽ sai lầm nếu bỏ qua những sản phẩm giá rẻ được sản xuất trong "công xưởng thế giới" có giá phải chăng đối với người dân có thu nhập thấp, các khoản đầu tư hàng triệu đô-la của Trung Quốc hay các dự án viện trợ và hợp tác của họ. Tuy nhiên, cũng như các yếu tố tiêu cực khác đi đôi với sự bành trướng của Trung Quốc - như tham nhũng, hoàn toàn coi thường quyền con người và tác động đối với môi trường từ các hoạt động của nước này - tất cả việc làm tốt đẹp của Trung Quốc hoàn toàn bị lối tiếp cận điều kiện lao động của nó che khuất. Yếu tố này được cho là đã gây ra tổn hại lớn nhất cho hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài, đặc biệt vì tính minh bạch và nhạy cảm của vấn đề ảnh hưởng đến những người nghèo nhất trong tầng lớp nghèo khó, như chúng tôi đã tự mình nhìn thấy trong các hầm mỏ của Peru và Myanmar,20 trong các công trình xây dựng ở Sudan và Angola, trong các dự án hạ tầng lớn ở Mozambique và các khu mỏ ở Zambia.21
Việc đối xử thiếu trách nhiệm với công nhân, coi thường công đoàn và hoàn toàn thiếu quan tâm giảm nhẹ xung đột của các công ty Trung Quốc - hậu quả của cách tiếp cận ngoan cố, gần như bạo ngược nhằm đạt địa vị cường quốc của họ - hẳn không khỏi làm liên tưởng đến chủ nghĩa thực dân trước kia ở châu Phi, nhưng lần này với đặc trưng Trung Quốc. "Xu hướng chung tại các doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Phi [bao gồm] thái độ thù địch đối với công đoàn, vi phạm quyền lợi của người lao động, điều kiện làm việc tệ hại, phân biệt đối xử và môi trường làm việc bất công," kết luận của một nghiên cứu gần đây về điều kiện làm việc trong các công ty Trung Quốc ở mười nước châu Phi.22
Do đó chúng tôi không ngạc nhiên với kết luận thẳng thừng của Boyd Chibale, lãnh đạo công đoàn Kitwe, khi ông nói với chúng tôi "Trung Quốc ăn cắp hàng đống tiền và trả lại rất ít." Trở lại Maputo, nhà xã hội học João Feijó cũng tấn công vào nguyên tắc "hợp tác đôi bên cùng có lợi" làm cơ sở cho quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi. "Các công ty Trung Quốc chẳng làm gì cho Mozambique; họ làm cho chính họ. Nhưng tôi nghĩ người Trung Quốc chẳng quan tâm chút nào đến điều này," ông kết luận.
Cảnh tượng những gì thực sự xảy ra tại hiện trường trêu ngươi quá quắt với những lời tuyên bố hoa mỹ của Trung Quốc ở hậu trường. Trong khi biển hiệu trên đường vào Sân vận động Quốc gia Maputo, một trong những nước nghèo nhất ở châu Phi, khoác lác rằng "tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Mozambique sống mãi như Trời Đất," thì các công ty Trung Quốc trả lương cho công nhân địa phương thậm chí không đủ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ. Hơn thế nữa, mức lương họ trả cho những người này chưa bằng một phần sáu lương của công nhân Trung Quốc.
Tình trạng rắc rối tại nơi làm việc, vốn làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Trung Quốc trong nhiều khu vực bị ảnh hưởng, không có vẻ là một vấn đề đặc biệt khó khăn để giải quyết. Điều gì ngăn cản các công ty này ký kết hợp đồng lao động, trả thêm cho công nhân 50 đô-la một tháng hay cung cấp cho họ bảo hiểm y tế cơ bản? Điều gì đang ngăn cản họ cung cấp cho công nhân găng tay hay mũ bảo hiểm theo qui định, hay thêm thịt hoặc pho mát vào những khoanh bánh mì? Điều gì đang ngăn họ đối xử công nhân với sự tôn trọng và sử dụng đối thoại để cải thiện tình hình? Thoạt nhìn, có vẻ như tính toán sai lầm rất lớn về phía chính phủ Trung Quốc đã không can thiệp nhiều hơn để giải quyết vấn đề này, ngay cả khi nó không có khả năng để tiếp cận tất cả các công ty Trung Quốc đang hoạt động trên toàn thế giới. Tuy nhiên, có lẽ câu trả lời cho những câu hỏi này không nằm quá nhiều trong sự thiếu chân thành dành cho nước ngoài một khi điều kiện lao động ở chính Trung Quốc, nơi hàng triệu người lao động thực hiện "phép lạ Trung Quốc" vẫn đang bị bóc lột.
Sau khi từ chối chia sẻ trách nhiệm giám sát các công ty Trung Quốc với truyền thông hay các tổ chức xã hội dân sự, Liu Guijin đặc phái viên của chính phủ Trung Quốc tại châu Phi, thừa nhận những vấn đề trên là có thật và giải thích rằng Bắc Kinh không có khả năng giải quyết. "Chính phủ chúng tôi đang nỗ lực giáo dục các công ty Trung Quốc thực hiện đúng đắn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, theo luật lệ hoặc quy định chung và tuân thủ luật pháp địa phương... Tuy nhiên, có rất nhiều công ty nằm rải rác khắp nơi ở châu Phi, và chúng tôi không thể đảm bảo 100 phần trăm công ty thực hiện tốt hoàn toàn." Nói chung, nhìn qua tình hình trong nước của Trung Quốc đủ để thấy các công ty Trung Quốc chỉ đơn giản lặp lại ở nước ngoài cùng mô hình lao động đã hoạt động tại Trung Quốc trong ba mươi năm qua, kể từ khi Đặng Tiểu Bình vạch ra hành trình đi đến thịnh vượng của Trung Quốc theo con đường "Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc." Một trong những động lực đằng sau sự tăng trưởng của mô hình mới này là đưa các nguồn nhân lực vô tận của quốc gia đông dân nhất hành tinh phục vụ "công xưởng thế giới," một chiến thuật trả lương ít ỏi cho lực lượng lao động. Đó là một công thức thắng lợi: chi phí lao động thấp khiến sản phẩm Trung Quốc rất cạnh tranh, góp phần to lớn vào sự gia tăng GDP ngoạn mục của Trung Quốc trong 30 năm qua, một yếu tố vô giá trong sự phát triển đất nước. Khi Trung Quốc trở nên giàu có, logic kinh tế thuần túy đòi hỏi tiền lương của công nhân tạo ra một phần quan trọng sự giàu có đó cũng phải tăng tương xứng với năng suất của họ. Tuy nhiên, sự bùng nổ giàu có này đã không dẫn đến việc tăng tiền lương.23
Do đó, đây là nguồn gốc của việc lạm dụng; đây là bằng chứng cho thấy một phần quan trọng trong thành công của mô hình Trung Quốc đặt trên vai người dân Trung Quốc và vào sức lao động không mệt mỏi của họ. Bây giờ Trung Quốc đang ở đỉnh cao bành trướng ra toàn thế giới, những thử thách gay gắt của chủ nghĩa tư bản đỏ đã xuất hiện ở châu Phi và những nơi khác; tuy nhiên, chúng đã có mặt khắp Trung Quốc trong một thời gian. Ba mươi năm sau, sự bóc lột vô đạo đức các tầng lớp lao động ở Trung Quốc đang tiếp tục và thậm chí lan ra ngoài biên giới của nước này.
CHẾ ĐỘ NÔ LỆ MỚI CỦA TRUNG QUỐC
Ở TRUNG TÂM CHÂU PHI
Liu Jianxin và Liu Senlin đều quá quen thuộc với tình trạng này. Đó là lý do tại sao hai người đàn ông này quyết định bắt đầu cuộc phiêu lưu mới ra nước ngoài, dù không người nào biết một chữ tiếng Pháp. Điểm đến của họ là Gabon trên bờ biển Tây Phi, nhiệm vụ của họ là xây dựng một con đường băng qua trung tâm của nước này, và phần thưởng của họ là mức lương gấp ba lần mức họ có thể kiếm được ở Trung Quốc. Tuy nhiên, giấc mơ đã sớm biến thành ác mộng, và cuộc phiêu lưu châu Phi của họ gần như đã kết thúc bằng cách tự sát. Liu Jianxin không phải là người mới đối với châu Phi: trước đó ông đã làm tài xế xe ủi cho một công ty nhà nước Trung Quốc ở Nigeria và Zambia. Bạn của ông, Liu Senlin, là một kiểu cựu binh xây dựng đường sá và cảm thấy chẳng có gì phải sợ cuộc hành trình đến châu Phi. Ông đã đối mặt với thực tế một nước Iraq đổ nát vào năm 1991 sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, khi ông đi đến quốc gia Ả Rập này để làm đường. Tuy nhiên, lần này cả hai đều thấy mình không chuẩn bị cho những gì chờ đợi họ. Họ đến Gabon để làm việc cho một công ty xây dựng Trung Quốc và chỉ vài tháng sau đó họ bị buộc phải rời bỏ trại để thoát khỏi chế độ nô lệ mà họ và đồng nghiệp đã phải chịu đựng. Đó chỉ là khởi đầu của một cuộc phiêu lưu: họ phải chạy trốn những tên côn đồ do ông chủ cử đuổi bắt họ và ăn xin để sống sót ngay giữa châu Phi.
Tiếp xúc đầu tiên của chúng tôi với những người này là qua điện thoại vào năm 2010. Họ ở Gabon, còn chúng tôi ở Bắc Kinh. Đó là khi họ kể cho chúng tôi câu chuyện của họ. Tất cả bắt đầu vào năm 2009. Liu Jianxin đến Gabon vào tháng 7 và đồng nghiệp của ông đến vào tháng 12. "Ngay lập tức tôi thấy các điều kiện rất khó khăn, thậm chí tàn bạo. Chúng tôi đã phải nằm chung với một đồng nghiệp trên chiếc giường đơn rộng 90 cm, chúng tôi không được trả tiền làm thêm giờ và mỗi năm chỉ có hai ngày nghỉ," người trẻ hơn trong hai ông Liu giải thích. Ở trại có khoảng 40 công nhân, tất cả đều là người Trung Quốc. Một nửa trong số họ có quan hệ gia đình với người đứng đầu của công ty, Lei Youbin, trong khi những người còn lại chủ yếu đến từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, nơi mà một quảng cáo trên tờ báo địa phương, Chutian Dushibao, đã chào mời mức lương hàng tháng 1.000 euro - cả một gia tài ở nông thôn Trung Quốc - để tham gia xây dựng con đường. Tuy nhiên, trên thực tế họ đã phải làm việc như những con chó trong thời gian bất tận dưới ánh mặt trời khắc nghiệt. Một số đàn ông địa phương cũng tham gia vào công việc, dù chỉ như công nhân tạm thời. Ở đầu bên kia của đường dây điện thoại, những người đàn ông có vẻ vui và lịch sự. Họ thậm chí còn mừng vì đã có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp của biển lần đầu tiên trong đời.
Hai tháng sau, trở lại ở Trung Quốc, chúng tôi gặp họ tại văn phòng của chúng tôi ở Bắc Kinh cùng với hai đồng nghiệp - Ru Liyin và Li Gao24 - những người đã phải chịu đựng sự ngược đãi tương tự của Aolong, công ty tư nhân Trung Quốc đang đề cập. Công ty này đã được Công ty quốc doanh Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) ký hợp đồng thầu phụ xây dựng một đoạn đường cao tốc 112 km giữa hai thị trấn Fougamou và Mouila ở miền trung Gabon. Nỗi buồn chán khi mô tả sự việc của các công nhân, cũng như vẻ tuyệt vọng của những người đã mất tất cả, làm cổ họng chúng tôi nghèn nghẹn. "Họ cho chúng tôi ăn gạo thối. Hàng ngày chúng tôi làm việc 14 giờ hoặc nhiều hơn. Họ không trả cho chúng tôi mức lương quy định trong hợp đồng. Chúng tôi là nô lệ. Đó là những gì chủ của chúng tôi nói với chúng tôi và đó là cách chúng tôi cảm nhận." Lời của Liu Senlin vang lên từ miệng người đàn ông Trung Quốc quen chịu đựng gian khổ không kể xiết mà không một lời than vãn. Ngồi quanh chiếc bàn gỗ lớn, các đồng nghiệp của ông lặng lẽ gật đầu buồn bã, lộ rõ tức giận và tổn thương vì sự bất công mà họ phải gánh chịu.
Sau tháng làm việc đầu tiên, đồng lương hứa hẹn không bao giờ đến.25 Công ty trả một phần tiền lương của họ, còn phần lớn bị giữ lại với lý do chậm trễ trong hệ thống thanh toán của công ty. Tình hình trở nên tồi tệ hơn trong tháng thứ hai và thứ ba, khi các công nhân vẫn không nhận được thu nhập họ đã được hứa hẹn trong hợp đồng. "Sau tháng thứ tư, chúng tôi quyết định ra đi. Ba đồng nghiệp và tôi quyết định bỏ việc." Tin rằng đã đến lúc chấm dứt cuộc phiêu lưu châu Phi của mình, tất cả những người này nộp đơn thôi việc. "Chúng tôi được gọi từng người vào văn phòng của ông chủ. Người đầu tiên là Wang, một đồng nghiệp của chúng tôi. Nửa giờ sau, anh ta loạng choạng đi ra sau khi bị đánh. Tôi kế tiếp. Nhiều người đàn ông đánh tôi trong khi ông chủ đứng nhìn. Kéo dài khoảng mười phút," Liu Senlin giải thích, khi ông cho chúng tôi xem những vết thương trên cơ thể do bị đánh. Hai ông Liu quyết định chạy trốn. Hôm đó là ngày 18 tháng 4 năm 2010.
Họ chạy bộ khỏi trại, không có kế hoạch nào khác ngoài việc chạy càng xa càng tốt. Không một đồng nghiệp nào của họ tham gia chạy trốn vì sợ bị trả thù, nhưng đã giúp họ một ít tiền. "Chúng tôi cố chạy đến đồn cảnh sát gần đó, nhưng chúng tôi không thể cầu cứu vì không nói được tiếng Pháp. Viên cảnh sát hiểu được những gì đã xảy ra từ điệu bộ của chúng tôi và tìm cho chúng tôi một lái xe đưa chúng tôi đến ngôi làng gần nhất," họ cho chúng tôi biết. Vào lúc đó chủ trại phát hiện hai người đã bỏ trốn, vì vậy công ty cử bốn tên côn đồ Trung Quốc săn tìm họ. Hai người trốn chạy bắt đầu lo cho mạng sống và, với hi vọng được giúp đỡ và lấy lại tiền lương, họ đã đến trụ sở của CCCC, công ty đã cho Aolong làm thầu phụ, để gặp đại diện của công ty nhà nước này. Phản ứng của công ty không thể tàn nhẫn hơn: đầu tiên họ từ chối gặp, sau đó bảo hai người này trở lại làm việc và ngừng gây rắc rối.
Tuyệt vọng, và không có bất cứ sự giúp đỡ hay tiền bạc ở một đất nước xa lạ với ngôn ngữ họ không biết, hai người bắt đầu cuộc phiêu lưu châu Phi khác hẳn cuộc mà họ đã tưởng tượng. Hơn hai ngày đi 400 cây số dọc theo các con đường của xứ Gabon - núp trong túi nhựa trên xe buýt địa phương - hai ông Liu chạy trốn khỏi bọn côn đồ được cử tới bởi Lei Youbin, người đứng đầu Aolong, cai trị trại với bàn tay sắt để khuất phục số công nhân còn lại và ngăn chặn các cuộc đào thoát khác. "Chúng tôi mất hơn hai ngày để đến được Libreville, thủ đô của Gabon. Ở đó một số người Trung Quốc đã cho chúng tôi thức ăn, nhưng quan trọng nhất một tài xế taxi địa phương đã giúp đỡ bằng cách cho chúng tôi tiền và chỗ ở trong năm ngày." Thật đáng tiếc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Libreville không giúp được gì, họ chọn cách né tránh vụ việc và nhắm mắt làm theo qui trình thông thường. "Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì. Hãy quay trở lại làm việc và đừng nói chuyện với báo chí nước ngoài," một nhân viên sứ quán nói với hai người và từ chối cho họ biết tên.
Khi chúng tôi kiểm tra những việc này với đại sứ quán tại Libreville, chúng tôi nhận được sự đối xử y hệt hai người chạy trốn kia: một "nhà ngoại giao," từ chối cho biết tên dù ông ta yêu cầu thông tin cá nhân đầy đủ của chúng tôi và tên các công ty truyền thông chúng tôi đang làm việc, đảm bảo với chúng tôi rằng đại sứ quán "đã làm mọi thứ có thể để hòa giải hai bên." Nói cách khác, họ bắt buộc những công nhân này phải chịu bị bóc lột và ngược đãi mà không bảo đảm được trả lương. Nhà nước toàn năng Trung Quốc, có khả năng đầu tư vào các dự án trên khắp hành tinh và áp đặt sự kiểm soát khắc nghiệt của họ đối với 1,3 tỷ dân, đã bất lực trong việc buộc một công ty Trung Quốc nhỏ bé tuân thủ sau khi nó hành xử tàn ác và ngược đãi bất hợp pháp công dân Trung Quốc. Liu Senlin giải thích sự từ chối của đại sứ quán khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài cách nhờ đến báo chí địa phương và quốc tế. "Sau khi chúng tôi được đài truyền hình địa phương phỏng vấn, người dân Gabon bắt đầu đón chúng tôi trên đường phố để cho chúng tôi tiền. Nhưng những người Trung Quốc giúp chúng tôi khi chúng tôi đến lần đầu đã quay lưng lại với chúng tôi, cho rằng cộng đồng Trung Quốc ở Gabon bị mất mặt khi chúng tôi tiết lộ vụ bê bối," ông cay đắng nhớ lại.
Tác động ồn ào của truyền thông vừa tốt vừa xấu. Nếu xử lý đúng cách, một vụ bê bối kiểu này có thể khiến Ngân hàng Phát triển châu Phi, tổ chức tài trợ cho việc xây dựng con đường và, về lý thuyết, có những yêu cầu khắt khe đối với các công ty tham gia dự án, từ chối thanh toán và bắt đầu điều tra các sự kiện. Tuy nhiên, các công nhân Trung Quốc không được bảo vệ, không có kiến thức pháp luật hay thậm chí ngôn ngữ hay tập quán địa phương, và không tiền hay hỗ trợ của đại sứ quán tại Gabon, đã không thể đạt được mục tiêu sử dụng truyền thông để chấm dứt tình trạng ngược đãi diễn ra ở trại, cách thủ đô hàng trăm cây số. Thay vào đó, tường thuật của các phương tiện truyền thông đến tai Lei Youbin, ông chủ xảo quyệt của họ, kẻ đã nhấc máy điện thoại và cử nhiều tên côn đồ viếng thăm gia đình của những người chạy trốn ở Trung Quốc, đe dọa trả thù nếu người thân của họ không ngưng gây rắc rối.26
Một tháng sau, hai ông Liu nhận được một cú điện thoại động viên. "Hãy đến văn phòng của tôi. Họ sẽ trả tiền cho các anh," giám đốc của công ty nhà nước, người đã không muốn làm gì cho họ chỉ vài tuần trước nói. Họ đã gặp ba người đàn ông mặc đồng phục cảnh sát, còng tay và nhốt họ hai ngày trong một căn phòng. "Lei Youbin đã hối lộ họ để bắt chúng tôi," hai công nhân khẳng định. 48 giờ sau đó cảnh sát và lũ lâu la của ông chủ đưa họ đến sân bay, và - không qua bất kỳ thủ tục kiểm tra xuất nhập cảnh nào - họ được đưa lên máy bay đi Bắc Kinh. Ông chủ đã quyết định loại bỏ họ mãi mãi bằng cách đưa họ về Trung Quốc. Cơn ác mộng đã đến hồi kết thúc, nhưng cuộc chiến pháp lý tại các tòa án Trung Quốc chỉ mới bắt đầu.
LUẬT SƯ CỦA NHỮNG VỤ KIỆN BỊ THUA
Tại văn phòng của chúng tôi ở Bắc Kinh, Liu Jianxin, Liu Senlin, Ru Liyin và Li Gao cho thấy những đặc điểm điển hình của hàng triệu người di cư, được dùng như bia đỡ đạn, nuôi dưỡng khát vọng giàu có tập thể trong một Trung Quốc mới. Những công nhân này sẵn sàng chịu đựng khổ cực tồi tệ để đổi lấy đồng lương, và vì thế hiếm khi kêu ca công việc nặng nhọc, dù rất gian khổ. Tuy nhiên, họ sẽ làm bất cứ điều gì để nói lên nỗi bất bình của mình khi họ trở thành nạn nhân của bất công, chẳng hạn như khi tiền lương không được trả. Giống như hai mảnh của cùng tấm ghép hình, sự gia tăng nhanh chóng kiểu ngược đãi công nhân di cư cũng đã tạo ra một thế hệ luật sư đấu tranh mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của những công nhân này, bất chấp những hạn chế chính phủ áp đặt lên họ. Luật sư và thân chủ, cả hai đều bên phía những người nghèo nhất của Trung Quốc, là hai mặt của cùng một sự bất công, hiện tượng đã thường xuyên làm suy đồi Trung Quốc. Giờ đây đầu tư và các dự án hạ tầng của Trung Quốc đã trải khắp thế giới, làn sóng ngược đãi này đang được cảm nhận bên ngoài biên giới của Trung Quốc.
Zhang Zhiqiang là một trong những nhân vật anh hùng này. Thấp và chắc nịch với tóc lưa thưa phủ xuống mắt, vị luật sư và nhà hoạt động này là một trong những người ủng hộ nhân vật đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2010 bị cầm tù, Lưu Hiểu Ba. Ông là một chuyên gia đấu tranh chống lại sự ngược đãi đối với lao động nông thôn Trung Quốc, những người đã lìa bỏ nhà cửa chỉ với một dúm hành trang trên lưng tìm kiếm một tương lai tốt hơn ở các thị trấn phía đông Trung Quốc. Ông đã đại diện cho hơn 500 khách hàng kể từ năm 2007, khi ông cũng từ bỏ cuộc sống như một mingong - người tha hương - để trở thành hiệp sĩ Robin Hood trong các phòng xử án Trung Quốc. "Tôi bắt đầu nghiên cứu pháp luật năm 1997, khi tôi đang làm việc trong xưởng may ở một công ty sản xuất đồ thể thao đa quốc gia. Ông chủ người nước ngoài của tôi đã khích lệ tôi tiếp tục việc học của mình sau giờ làm việc," ông nhớ lại. Ngày nay, người đàn ông dũng cảm và không biết mệt mỏi này đi khắp Trung Quốc, mặc chiếc áo thun với hình ảnh năm linh vật của Olympic Bắc Kinh bị nhốt sau song sắt, là người bảo vệ tầng lớp "không có quyền": những người bị chà đạp và bỏ rơi dưới đáy xã hội Trung Quốc, đất nước khao khát trở thành cường quốc hàng đầu thế giới trong thế kỷ 21.
Từ năm 2009, Zhang đã thực hiện công việc của mình gần như miễn phí, chỉ nhận chừng 5 hoặc 10 phần trăm số tiền bồi thường nhờ thắng kiện của người lao động bị hại mà nhiều lắm cũng chỉ vài ngàn euro. "Tôi thường làm điều đó miễn phí. Bây giờ tôi cần thu phí một chút để nuôi gia đình, vì số lượng vụ án đã tăng lên nhiều. Nhưng tôi cung cấp tư vấn pháp lý miễn phí qua điện thoại. Mỗi ngày tôi nhận được trung bình ba cuộc gọi," ông giải thích. Nhờ sự can thiệp của chúng tôi, Zhang đã đại diện cho hai ông Liu trong một vụ án công khai chống lại công ty Aolong tại Toà án Nhân dân huyện Vũ Hán ở Hồ Bắc. Thật ngược đời, sau khi hai ông Liu trở về Trung Quốc công ty này đã đệ đơn kiện họ, yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Đây là lần đầu tiên Zhang tham gia một vụ án xảy ra bên ngoài biên giới Trung Quốc, dù ông dự đoán nó sẽ không phải là vụ cuối cùng. "Chính sách của chính phủ khuyến khích các công ty ra nước ngoài sẽ dẫn đến sự gia tăng loại án này," ông lập luận, tự hào kể với chúng tôi ông thua "chỉ năm vụ" trong toàn bộ sự nghiệp của mình.
Vào ngày 10 tháng 12 năm 2010, hệ thống tư pháp Trung Quốc chỉ đền bù một phần cho sự đau khổ của hai ông Liu. Tòa án buộc thanh toán 19.180 nhân dân tệ (khoảng 2.000 euro) tiền lương chưa trả cho Liu Senlin, người công nhân kỳ cựu từng làm việc ở Iraq thời Saddam Hussein. Trước đó, thẩm phán cũng buộc thanh toán 25.000 nhân dân tệ (khoảng 2.600 euro) cho Liu Jianxin, bạn đồng hành của ông trong cuộc phiêu lưu châu Phi. Hai công nhân còn lại, Ru Liyin và Li Gao, lúc đầu thua vụ án, đã ký một văn bản sau khi trở về Trung Quốc miễn trừ cho công ty không phải thanh toán bất kỳ khoản bồi thường hay tiền lương chưa trả nào. Đáng chú ý là, sự ngược đãi của Aolong hoàn toàn không bị trừng phạt và hoạt động bất hợp pháp của công ty không làm cho họ mất gì về mặt pháp lý và mất rất ít về mặt lao động. Vào cuối tháng 8 năm 2012, công ty này vẫn chào mời công việc ở châu Phi cho người lao động ở Hồ Bắc bằng các quảng cáo hấp dẫn trên tờ Chutian Dushibao và các tờ báo và trang mạng lớn khác. Văn phòng của công ty ở châu Phi vẫn là bãi mìn của sự ngược đãi.27 Không có gì thay đổi trong đất nước của những thay đổi chóng mặt.
CƠ QUAN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Hai ông Liu và các đồng nghiệp của họ rơi vào tay của Lei Youbin sau khi bị một quảng cáo hấp dẫn trên tờ báo địa phương quyến dụ. Tuy nhiên, nhiều người di cư khác như họ được tuyển dụng theo nhiều cách đáng ngạc nhiên. Khi đi dọc con đường quê của tỉnh Trùng Khánh Trung Quốc, Liu Ning không hề nghĩ ông đang làm một nhiệm vụ có nguồn gốc lịch sử sâu sắc. Công việc của ông có từ trăm năm trước: công việc của "thợ săn người di cư." Mỗi ngày ông lái chiếc xe hơi nhỏ của mình đi tìm kiếm công nhân xây dựng chiếc đập tiếp theo tại Ecuador, hay một con đường ở Sri Lanka, hoặc một sân vận động ở Guinea. Trong những ngôi làng hẻo lánh nhất của Trung Quốc, nơi có tỉ lệ thất nghiệp đạt hai con số, Liu Ning sử dụng kỹ năng giao tiếp tuyệt vời của mình để thuyết phục người lao động, thợ vận hành máy, nông dân và những người thất nghiệp đến Cộng hòa Dân chủ Congo đầy nguy hiểm hay sa mạc Karakum bí ẩn ở Turkmenistan. "Tôi đang tìm thợ vận hành máy, giám đốc kỹ thuật và lao động nông thôn. Chúng tôi hứa trả họ mức lương từ 5.000 đến 9.000 nhân dân tệ và một hợp đồng hai hoặc ba năm," ông giải thích.
Wang Yinqiong, thợ mộc từ Trùng Khánh, là một trong những công nhân tiềm năng này. Ông thấp gầy và thân thiện. Ông có bộ ria mỏng, mặc chiếc áo khoác và quần lính, đã trải qua nhiều gian khổ. Ở tuổi mười hai, khi Trung Quốc đang ở đỉnh cao của quá trình mở cửa kinh tế, ông đến Hồ Bắc làm thợ sơn và trang trí ở một công trường xây dựng. Đó là việc làm đầu tiên của ông. Ông kiếm được chỉ một nhân dân tệ (10 cent euro) cho một ngày trang trí các bức tường của cái sẽ trở thành nước Trung Quốc mới. Kể từ đó, ông và đất nước của ông đã đi theo những con đường khác nhau trong đời. Đất nước này đã biến đổi không còn nhận ra, mặc dù các yếu tố cấu trúc cơ bản của nó vẫn giữ nguyên. Mặt khác, đối với Wang, không có nhiều thay đổi. Giờ đây ông đã kết hôn và có hai con, nhưng bất ổn kinh tế vẫn còn ám lấy ông như một lời nguyền. Ông đã đi không mệt mỏi, qua nhiều tỉnh thành của Trung Quốc để tìm kiếm một công việc tốt hơn, được trả thêm vài xu một giờ hoặc một cơ hội sẽ thay đổi cuộc sống của ông và gia đình ông. Ông đã đi hàng ngàn cây số trên tàu lửa chen chúc hay đi bộ, chịu đựng giá rét và kiệt sức với túi đồ lề trên lưng. Ông đã đi xe buýt ở một đất nước Trung Quốc còn chưa được kiến thiết, chạy sâu vào các thung lũng xung quanh lưu vực sông Dương Tử và dọc theo bờ biển bất tận của Trung Quốc với hàng triệu nhà máy và công xưởng. Chỉ một lần ông đi máy bay, khi một vị khách giàu có trả tiền vé cho ông.
Cuộc sống của Wang có thể được tóm tắt là cuộc đấu tranh liên tục chỉ để có thể đắp đổi qua ngày. Ông bốn mươi tư tuổi; hành trình tìm việc giờ đây đã đưa ông đến một túp lều, sống với hai đồng nghiệp trên công trường xây dựng tòa nhà chọc trời tại Trùng Khánh. Trong thành phố bức bối và ồn ào với hơn 32 triệu dân, ùn tắc giao thông liên tục và ô nhiễm kinh hoàng, ba người đàn ông chia sẻ mọi thứ: ba chiếc giường lót ván không có nệm, một bếp điện nhỏ, một nồi nấu ăn, một bóng đèn lờ mờ treo trên trần và bột amiăng chống mưa dột. Trong bốn bức tường lót tấm nhựa để chống thấm và thức ăn thừa rải rác khắp căn lều, họ sống chỉ trên mức đói nghèo. Wang trả một giá cao để có mức lương tháng khoảng 200 euro, khi ông chấp nhận chỉ được đoàn tụ với gia đình một lần một năm. "Trong năm năm qua, tôi chỉ gặp vợ và hai con vào dịp tết Trung Quốc," ông nói với chúng tôi. Do đó sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước ngoài có vẻ là cơ hội tuyệt vời để dứt bỏ cuộc sống khó khăn này. Và, thế là, Wang đã quyết định thử vận may ở Angola.
Ông đã được đảm bảo sẽ nhận tiền lương cao hơn nhiều lần bằng cách tham gia vào việc tái thiết Angola, cùng với 300.000 đồng hương ước tính sẽ làm việc ở đó.28 Ông đã quyết định một vài tháng trước khi anh rể của ông, người đã di cư sang Algeria, nói với ông về mức lương cao chào mời. Đồn đãi truyền miệng là vô địch ở Trung Quốc. Khả năng chắc chắn tăng gấp bốn lần thu nhập đủ để thuyết phục Wang: ông đi thẳng đến chỗ đăng ký tuyển dụng để ký hợp đồng với một công ty Trung Quốc tại Angola. "Tôi muốn đi Angola vì ở đó họ sẽ trả lương cao cho tôi. Với tôi nước nào cũng được miễn là họ trả lương cao," ông xác nhận với chúng tôi. Mặc dù chưa bao giờ đặt chân lên châu Phi, ông đã có một kế hoạch: làm việc hết sức để kiếm 100.000 nhân dân tệ, hay 13.000 euro. Ông đinh ninh rằng số tiền này sẽ trả học phí cho con trai út của ông, đang mười tuổi, từ đó đặt nền móng cho con có một cuộc sống tốt hơn cuộc sống của ông. "Tôi không muốn chúng trở thành người lao động tha hương như tôi. Tôi muốn chúng có thể sống một cuộc sống đàng hoàng," ông kết luận. Nếu còn dư đồng nào, ông nói với chúng tôi, ông muốn mở một cửa hàng giày ở quê nhà, Zhong Xiau.
Wang đã trả 14.000 nhân dân tệ cho công ty của cô Lei Lin ở Trùng Khánh, để công ty có thể bắt đầu thực hiện các chuẩn bị cần thiết biến giấc mơ của ông về "thế giới mới" thành hiện thực. Giám đốc công ty Meilian trong độ tuổi ba mươi và nói được tiếng Anh cơ bản. Cô thành lập công ty vào năm 2002 và đã đưa người di cư Trung Quốc ra nước ngoài trong sáu năm qua. Công ty đã đưa đi một ngàn công nhân, hầu hết đến châu Phi, và đã thành lập khoảng một chục văn phòng tại nhiều quận huyện ở Trùng Khánh. Công ty chỉ chấp nhận lao động nam giới trong độ tuổi từ ba mươi đến bốn lăm, và muốn họ tích cực trong công việc chứ không phải khát vọng kiếm được nhiều hơn. Đa số ứng viên là lao động chân tay có kinh nghiệm, lương thấp nhưng sinh viên đại học cũng nộp đơn để đi Nhật Bản hay Singapore làm việc trong các ngành dịch vụ, đóng gói hay khách sạn. Ví dụ, đầu bếp có cơ hội đi khắp thế giới nhờ vào sự hấp dẫn hiện nay của ẩm thực Trung Quốc. Ủng hộ của gia đình và tính cách mạnh mẽ là những yếu tố cần thiết. "Nhiều công nhân vui mừng với ý tưởng đi làm việc ở nước ngoài. Nhưng họ phải có khả năng làm công việc rất nặng nhọc," Lei Lin cảnh báo chúng tôi.
Hiện có 982 công ty xuất khẩu lao động đăng ký tại Trung Quốc - và hàng ngàn công ty khác hoạt động không chính thức29 - là những người kế tục tự nhiên của các "nhà tuyển dụng" thế kỷ 19 ở Trung Quốc. Ngày nay các công ty sử dụng quảng cáo trên báo và các kênh truyền hình địa phương để thực hiện chính công việc một thời từng được đảm nhận bởi những người gom đầy di dân ở các cảng Hồng Kông, Sán Đầu (Quảng Đông) và Hạ Môn (Phúc Kiến) chuẩn bị dấn thân vào một đời nợ nần để có cơ hội thử vận may của họ bên kia biển Hoàng Hải hoặc thậm chí ở Cuba xa xôi. Tuyển dụng được thực hiện bằng cách truyền miệng, tờ rơi và quảng cáo hay thông qua các công ty như Liu Ning trên khắp Trung Quốc dùng loa mời gọi người di cư tiềm năng đến cuộc họp ở sân làng, với sự chấp thuận hoàn toàn của những người đứng đầu thôn làng và tổ chức Đảng địa phương. "Nhân viên của chúng tôi đi từng nhà cố thuyết phục người dân địa phương," Lei nói với chúng tôi. "Có hai loại người di cư. Những người không có kinh nghiệm làm việc muốn ra nước ngoài; chúng tôi sẽ huấn luyện họ. Còn những công nhân lành nghề chưa bị thuyết phục; chúng tôi sẽ cố thuyết phục họ, dù mất thời gian."
Lý do của sự miễn cưỡng này là hệ thống trả lương cho người lao động di cư. Thực tế tiền lương được trả nhiều lần để đảm bảo công nhân tiếp tục làm việc cho đến khi kết thúc hợp đồng làm nảy sinh những nghi ngờ dễ hiểu. "Nhiều công nhân không muốn đi châu Phi vì sợ không được trả tiền," Lei thừa nhận, khi chúng tôi nhớ đến vẻ buồn bã trên mặt bốn di dân người Hồ Bắc lúc họ gặp chúng tôi sau khi trở về từ cuộc phiêu lưu Gabon của mình. Chúng tôi cũng nghĩ đến giấc mơ của những người như người thợ mộc Wang Yinqiong, đã làm việc và chịu đựng suốt đời và giờ đây hi vọng bước lên chuyến tàu tiến bộ cuối cùng. Không được trả lương chỉ là một trong chuỗi vụ việc ngược đãi và thường là bất hợp pháp mà các công nhân phải gánh chịu dưới tay nhà tuyển dụng và các công ty đại diện, những người đạt được mục tiêu giảm thiểu chi phí nhân công và thu tiền hoa hồng bằng cách ký với người lao động tiềm năng những hợp đồng lao động bảo vệ người chủ thay vì bảo vệ người lao động. Hợp đồng lao động "kiểu mẫu" như hợp đồng của công ty Meilian sử dụng để thuyết phục công nhân của họ cam kết đối với một dự án rõ ràng là sự quyến dụ của ngược đãi và bất công.30
"Rất nhiều hợp đồng không thỏa đáng," Geoffrey Crothall của tờ Bản tin Lao động Trung Quốc31 giải thích khi đề cập đến thực tế là các văn bản này chẳng cung cấp gì cho các công nhân ngoài mức bảo vệ khiêm tốn của pháp luật. "Thật khó để thấy các công ty cung ứng lao động ở nước ngoài đã thực sự làm gì để giúp đỡ quyền lợi của người lao động. Tất tật bọn họ chỉ quan tâm đến hoa hồng của mình." Các nhu cầu kinh tế khẩn thiết của người di cư như Wang Yinqiong hay hai ông Liu, cùng với sự tham lam của các công ty tuyển dụng và sự thờ ơ của các chính quyền cấp tỉnh ở Trung Quốc, khuyến khích xuất khẩu lao động Trung Quốc đơn giản chỉ để giảm tỉ lệ thất nghiệp của địa phương,32 rõ ràng tất cả dồn hết phần bất lợi cho người di cư. Dù các công ty tuyển dụng tồn tại hoàn toàn vì lý do thương mại, chúng được sự hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh chịu trách nhiệm quản lý những vùng có tỷ lệ thất nghiệp cao. Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan tuyển dụng bắt đầu mọc lên như nấm ở Trùng Khánh: khu vực có 1,5 triệu người lao động chỉ riêng trong ngành xây dựng.33 Vấn đề đặt ra là, các nhà chức trách Trung Quốc làm gì để giảm thiểu các trường hợp ngược đãi tiềm tàng?
Ngồi trong chiếc ghế da, Xiong Yaozhi lúng túng bất an mỗi khi chúng tôi đưa ra câu hỏi. Ông là người đứng đầu ban lao động di cư ở nước ngoài thuộc một cơ quan chính quyền, Ủy ban Kinh tế và Thương mại đối ngoại quận Trùng Khánh, có nhiệm vụ thúc đẩy, hỗ trợ và giám sát quan hệ giữa các công ty tuyển dụng, công ty sử dụng lao động và người lao động. Nói cách khác, cố gắng áp đặt trật tự lên quá trình gây ra ngược đãi mà - thông thường - những thành viên yếu nhất của xã hội phải gánh chịu. Xiong lịch thiệp nhưng ăn nói khôn khéo, và ông bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng cách tấn công: "Các nhà báo nước ngoài luôn hiểu lầm Trung Quốc." Không rời mắt khỏi các báo cáo nằm trên bàn của mình, ông cũng thẳng thừng nói với chúng tôi "nhiều người châu Phi rất vô kỷ luật, chưa nói đến lười biếng." Khi chúng tôi hỏi ông tại sao Trung Quốc đưa công nhân trong nước đi khắp hành tinh, ông đề cập đến tốc độ của các dự án. "Các dự án cơ sở hạ tầng lớn cần phải được thực hiện nhanh chóng và công nhân Trung Quốc có khả năng làm việc nhanh chóng hơn."
Kiểu suy nghĩ ấy phát huy đến tận các cấp cao nhất của chính quyền Trung Quốc. "Đó là một cách để đảm bảo các dự án được hoàn thành đúng thời hạn," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó, Tần Cương, đã trả lời mập mờ khi chúng tôi gặp ông tại Đại học Oxford vào mùa xuân năm 2011. Trong thực tế, một hình thức lập luận thường thấy của các viên chức chính phủ, nhà ngoại giao, doanh nhân và học giả Trung Quốc biện minh cho việc đưa công nhân Trung Quốc ra nước ngoài bằng cách cho rằng không có người lao động đạt yêu cầu ở quốc gia tiếp nhận, hoặc nếu có cũng không hiệu quả bằng công nhân Trung Quốc. Cách biện minh này, đôi khi gần như bài ngoại, có thể có giá trị trong trường hợp của một số nước như Angola hay Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi chiến tranh đã khiến thâm hụt lớn nguồn nhân lực. Tuy nhiên, lập luận này không đứng vững ở các nước như Iran, Mozambique hay Costa Rica, những nơi chúng tôi thấy lập luận nói trên vẫn được sử dụng tương tự, bất chấp sự dư thừa lao động ở các nước này. Ví dụ, ở Cuba, các quan chức chính phủ Trung Quốc sử dụng lập luận "người dân Cuba không được khuyến khích bởi mức lương thấp do hệ thống xã hội chủ nghĩa áp đặt cho họ" để bảo vệ thực tế các khoản đầu tư của Trung Quốc ở hòn đảo này luôn đi kèm với lực lượng lao động Trung Quốc. Chuỗi lý do này dẫn đến một hiện tượng hẳn là độc đáo - xuất khẩu ồ ạt công nhân - vốn tự nó nói lên rất nhiều về cảm nhận dành cho Trung Quốc của những người không phải là người Trung Quốc
Sau nửa giờ trò chuyện, Xiong có vẻ thoải mái hơn. Ông châm một điếu thuốc và bắt đầu nói một cách tự tin hơn. Ông đoan chắc với chúng tôi cơ quan ông đang cố gắng giám sát các hợp đồng lao động để đảm bảo chúng sẽ không khai thác nhược điểm hay sự thiếu hiểu biết của công nhân bằng cách mời chào họ với mức lương cao phi lý - đôi khi đến 8000 euro - hay điều kiện làm việc không công bằng.34 Tiếp theo ông trả lời câu hỏi về quyền lợi của công nhân di cư. Ông bắt đầu bằng cách theo sát đường lối chính thức của Đảng, nhưng dần dần điều này bắt đầu thất bại. "Chính sách của Trung Quốc là ưu tiên người dân. Người di cư là người dân và chúng tôi phải chăm sóc họ," ông nói theo kiểu cha chú. Tuy nhiên, ông thừa nhận "một số công ty cố lợi dụng và không xét đến một số vấn đề như an toàn hay trả lương. Các công nhân có điều kiện tốt thì vui vẻ, nhưng một số công ty thậm chí không bảo đảm được các điều kiện làm việc cơ bản. Đó là lúc công nhân đình công," ông thừa nhận. Tuy vậy, điều có vẻ lạ là người lao động Trung Quốc ở giữa châu Phi có thể thực hiện quyền đình công, nhưng không thể làm như vậy ở Trung Quốc. "Một số người di cư đã làm việc ở nhiều nước. Họ hoàn toàn hiểu rõ tình hình nơi làm việc và rất nhạy cảm. Họ bắt đầu tiến hành đình công vì cả những vấn đề nhỏ nhất," ông kết luận.
Cuối cùng, chúng tôi hỏi ông về vai trò của chính quyền trong việc đảm bảo các quyền tại nơi làm việc. "Khi có một cuộc xung đột, chúng tôi làm việc với chính quyền địa phương để giải quyết. Ví dụ, chỗ ở không đủ hay có vấn đề về chất lượng thực phẩm. Phần lớn chúng tôi can thiệp khi công nhân bị trả lương trễ hay không được trả lương." Trong trường hợp có vấn đề về hợp đồng, bảo lãnh, hay quyền lao động, Xiong cho rằng quyền lợi của công nhân phụ thuộc vào khả năng duy trì pháp luật của các nước liên quan. "Về mặt kỹ thuật, họ nên tuân theo quy trình pháp luật hiện hành ở quốc gia đó. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Phi có một hệ thống pháp lý chỉ ở mức cơ bản, rất yếu và không duy trì được luật pháp. Không thể làm được gì trong những trường hợp này," ông thừa nhận. Trong những tình huống này, giải pháp duy nhất còn lại cho người công nhân bị tước đoạt là nhờ đến sự bảo vệ của các tòa án Trung Quốc, cho dù không phải lúc nào cũng làm được việc đó. Còn đối với các tòa án, chúng tôi từng chứng kiến ý thức công lý của họ là thứ gì vào thời điểm phải lựa chọn giữa kẻ mạnh và người yếu.
Trên bức tường cạnh cánh cửa kim loại lớn ngăn cách hai thế giới, một khẩu hiệu chính thức nên thơ mô tả quan hệ máu thịt đoàn kết giữa hai quốc gia: "Tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Mozambique sống mãi như Trời Đất," trang trọng thể hiện bằng chữ Bồ Đào Nha và chữ quan thoại. Một khẩu hiệu khác đề cập đến "tính hoàn hảo" của dự án sẽ mang lại "vinh quang cho Trung Quốc." Chúng tôi đi bộ qua cổng chính và một lần nữa thấy mình ở giữa một trong những dự án hạ tầng bí ẩn và thắng lợi của Trung Quốc do Bắc Kinh cung cấp ở mức giá thấp đổi lấy việc chinh phục thế giới, như đã thấy trong chương trước. Chúng tôi tự hỏi cuộc sống đằng sau những bức tường kia sẽ như thế nào khi âm thanh dữ dội của nhạc pop Trung Quốc những năm 1980 từ những cái loa trong khu nhà đập lên màng nhĩ của mình. Lần này chúng tôi không theo những con đường đặc biệt để tìm hiểu tác động của một con đập hay tính chất của các dự án hạ tầng "chìa khóa trao tay." Lần này chúng tôi quan tâm đến điều kiện làm việc của hàng ngàn người vô danh xây dựng những công trình to lớn này. Phải chăng kết nối giữa Trời và Đất thực sự là một trải nghiệm thiêng liêng?
Deng, quản lý dự án, chào đón chúng tôi với nụ cười thân thiện. Điều duy nhất cần thiết để biến sự thiếu tin cậy ban đầu của ông thành cuộc tiếp đón nồng nhiệt là cuộc trao đổi ngắn với người hướng dẫn Trung Quốc của chúng tôi, người đã nhanh chóng thuyết phục được ông. Một lần nữa chúng tôi có thể xác nhận "một lời nói của người đồng hương" có thể làm nên điều kỳ diệu ở đất khách quê người. Deng cho phép chúng tôi đi vào công trường và chỉ định kỹ sư trưởng của ông, Jiang Ning, với tư cách chủ nhà hướng dẫn chúng tôi tham quan công trình. Mặc bộ đồ bảo hộ lao động màu hồng đồng phục của công ty, Jiang cho chúng tôi biết anh đã đến Mozambique từ tỉnh quê nhà An Huy ở phía đông Trung Quốc khi sân vận động mới khởi công.2 Gần hai năm đã trôi qua và anh chưa về nhà lần nào. Để đổi lấy mức tăng lương lớn, hứa hẹn về một sự nghiệp đảm bảo trong tương lai và phúc lợi cho con trai của anh, công ty đòi hỏi mức độ cam kết cao nhất. Nói cách khác, hai năm lao động khổ sai không được gặp gia đình và một nhịp sống hàng ngày khắc nghiệt bắt đầu lúc 7 giờ 30 sáng, sáu hoặc bảy ngày một tuần. Nhiều phần thưởng đang chờ đợi anh khi kết thúc thời gian làm việc ở Mozambique: những cơ hội mới ở những đất nước mới. Điều này rất phù hợp với Jiang. Ba mươi lăm tuổi, ưu tiên duy nhất của anh trong cuộc sống là đảm bảo tương lai của mình - ngay cả khi điều đó có nghĩa anh sẽ không thể thấy được con trai mình lớn lên.
Với rất nhiều trách nhiệm, 260 công nhân Trung Quốc - tất cả từ An Huy - hầu như không rời khỏi công trường xây dựng trong 24 tháng họ sống ở Mozambique. "Chúng tôi hầu như không bao giờ rời khỏi trại. Chúng tôi không nói được tiếng Bồ Đào Nha. Chúng tôi không biết địa bàn này. Và nếu đi ra ngoài, chúng tôi sẽ phải tiêu tiền, trong khi điều chúng tôi thực sự muốn là để dành toàn bộ," Jiang giải thích. Hơn nữa, trong trại rất bình yên và trật tự so với bên ngoài hỗn loạn đầy nguy hiểm, và điều kiện sống cũng như làm việc của những công nhân này là nỗi thèm khát của hàng triệu lao động nông thôn Trung Quốc, những người giúp vận hành "công xưởng thế giới" để đổi lấy đồng lương còm cõi. Không chỉ vì công nhân ở sân vận động kiếm được gấp ba lần tiền lương của một công việc tương tự ở trong nước. Họ còn được sống trong những căn buồng tươm tất cạnh những khu vườn nhỏ, bốn người ngủ một phòng trên những chiếc giường có mùng chống muỗi, xem truyền hình Trung Quốc, truy cập Internet và thưởng thức ẩm thực An Huy ba bữa một ngày, chỉ để họ cảm thấy như ở nhà.
"Cuộc sống ở đây rất ổn. Tôi có phòng ngủ riêng và thời gian rỗi tôi xem phim hoặc đánh mạt chược. Tôi có thể trò chuyện với con trai qua Internet. Tôi không có gì phải kêu ca," Jiang giải thích. Khi dạo qua khu nhà, chúng tôi thấy vẻ rực rỡ ấn tượng của hoa vân anh trên nền đất xám: những nhóm nhỏ công nhân Trung Quốc và Mozambique đang cùng nhau trải nhựa các đường chạy điền kinh, hoàn thiện lối vào sân vận động và kiểm tra lần cuối khâu lắp đặt hệ thống điện. Mọi thứ có vẻ hoàn toàn bình thường, nhưng vẻ ngoài có thể đánh lừa. Mối quan hệ giữa công nhân Trung Quốc và công nhân địa phương hoàn toàn không tốt, và đã trở nên xấu hơn do thiếu giao tiếp, phân biệt đối xử đối với công nhân châu Phi và các tranh cãi trước đó giữa hai nhóm. Jiang thẳng thắn khi đề cập đến các đồng nghiệp người địa phương. "Chúng tôi muốn hoàn thành dự án càng sớm càng tốt để có thể về nước. Nhưng họ không muốn làm thêm giờ, họ làm việc rất chậm chạp và luôn kêu ca." Tuy nhiên, Jiang cũng tự biện minh cho những kêu ca này - gần như không chủ ý - khi anh cho chúng tôi biết một công nhân Trung Quốc không đạt chuẩn một tháng kiếm được 850 đô-la và hoàn toàn có quyền có được chỗ ở, thực phẩm và bảo hiểm y tế, trong khi công nhân Mozambique chỉ kiếm được hơn 150 đô-la một tháng, không có thêm bất kỳ một phúc lợi nào khác.3 Nói bằng tiếng Bồ Đào Nha để các ông chủ Trung Quốc của họ không hiểu được, một số công nhân địa phương nhân cơ hội này để thể hiện bất mãn với sự đối xử bất công. "Chúng tôi bị đối xử rất tệ. Một số cấp trên rất khắc nghiệt," một người giải thích. "Họ trả cho chúng tôi quá thấp," một người khác nói. "Họ trả giả vờ, nên chúng tôi làm giả vờ," ông kết luận, đầy mỉa mai.
Celso, một thợ hàn hai mươi tư tuổi, rất muốn bắt chuyện với branquinhos, "những người da trắng," nhưng chúng tôi lại đi cùng với sếp Trung Quốc của anh. Mồ hôi đầm đìa dưới chiếc mũ bảo hiểm màu xanh, anh đeo kính râm, khẩu trang và bộ đồ bảo hộ lao động màu trắng mà màu sắc ban đầu của nó chỉ có thể thấy được ở vai, vì đã bị phủ đầy dầu mỡ từ ngực đến chân. Cây thánh giá trắng đeo ở cổ, nổi bật trên làn da đen của anh. Chúng tôi thân thiện bắt tay, anh mỉm cười với chúng tôi cho đến khi một câu hỏi của chúng tôi làm tắt ngay lập tức nụ cười trên khuôn mặt anh.
"Làm việc ở đây thế nào? Người Trung Quốc đối xử với anh ra sao?"
"Rất tệ... Ở đây có quá nhiều vấn đề..."
"Anh có muốn cho chúng tôi biết những gì đang xảy ra? Chúng ta có thể gặp sau khi anh xong việc?"
"Vâng. Một giờ nữa tôi tan ca, lúc năm rưỡi."
"Chúng tôi sẽ chờ anh trong chiếc xe trắng ở cổng chính."
"Tôi sẽ đến..."
Celso đến đúng hẹn. Anh leo lên xe với vẻ mặt nghiêm nghị và đi thẳng vào vấn đề. Khi câu chuyện của anh được kể, chúng tôi nhận ra Jiang Ning, nhân vật số hai của công ty ở đây, đã không cung cấp đầy đủ cho chúng tôi bức tranh toàn cảnh khi anh mô tả và lý giải điều kiện làm việc của các đồng nghiệp châu Phi. Với cái nhìn thẳng thắn và lối nói trực tiếp, Celso mô tả điều kiện làm việc gần như bóc lột và không thể nào chối cãi được nếu ở bất cứ nơi nào khác chắc chắn là bất hợp pháp. Anh cho biết anh làm việc ngày 9 giờ không nghỉ, chưa kể làm thêm giờ, và anh làm hàng tháng trời không một ngày nghỉ để có thể kiếm thêm ít tiền. Công ty không ký hợp đồng, không cung cấp bảo hiểm y tế hay bất kỳ phúc lợi nào, nói gì đến chỗ ở và đi lại. Tệ hại hơn, có một bất ngờ mới trên mỗi phiếu lương. "Mỗi tháng, công ty lấy đi một phần tiền lương của tôi, và tôi không biết tại sao," anh than phiền. Các khoản khấu trừ không được giải thích thỏa đáng, thay đổi từ tháng này sang tháng khác và từ người này sang người khác, đã khiến công nhân nghĩ là công ty đang "ăn cắp" của họ. Celso cũng phàn nàn họ không được ăn gì trong suốt ngày làm việc, bất chấp thực tế hàng ngày các công nhân Trung Quốc ăn trưa đúng giờ trong nhà ăn "chỉ dành cho người Trung Quốc." Công nhân Mozambique chỉ được ăn một chút bánh mì cũ khi làm thêm giờ. "Các anh có thấy những ổ bánh mì họ mang cho chúng tôi trong túi nhựa?" Celso hỏi chúng tôi. "Vâng, họ không cho chút gì vào ổ bánh. Hoàn toàn chẳng có gì."
Cũng như trong các dây chuyền sản xuất của Trung Quốc, chủ nghĩa tư bản đỏ ở châu Phi áp đặt một chuẩn tắc tàn nhẫn lên công nhân của họ: để kiếm được đồng lương khốn khổ đòi hỏi trước tiên là sự hy sinh lớn. Phần thưởng cho Celso về sự ngược đãi anh phải chịu đựng rất kỳ cục: lương tháng từ 3.500 đến 4.000 meticai, hay từ 75 đến 87 euro.4 Đây là mức lương rẻ mạt ngay ở Mozambique, nơi số tiền tối thiểu cần cho một gia đình tồn tại là 5.000 meticai một tháng, chừng 110 euro.5 "Họ đối xử với chúng tôi theo cách tồi tệ nhất. Tôi ước gì có thể làm việc cho một công ty không phải của Trung Quốc, khi ấy các điều kiện hẳn sẽ tốt hơn nhiều. Nhưng tôi không được lựa chọn, bởi vì không có việc làm ở Mozambique. Hoặc công việc này hoặc không có gì," Celso giải thích với sự tức giận dồn nén trộn lẫn nỗi cam chịu. Khi phải lựa chọn giữa mức lương khốn khổ nhưng ổn định bên trong sân vận động này và cuộc sống bán hàng rong không chắc chắn và hoàn toàn đói rách ở thế giới ngoài kia, Celso và các đồng nghiệp của anh đã chọn tồn tại.
Trong bối cảnh điều kiện làm việc không ổn định, đối xử xúc phạm và phân biệt không chính đáng,6 với chuyện công nhân Trung Quốc thu nhập gần sáu lần hơn so với các đồng nghiệp có công việc tương tự, tình hình căng thẳng gia tăng đã dẫn đến thảm kịch tại công trình ở Maputo, như từng xảy ra ở nhiều nơi khác trên thế giới mà người Trung Quốc đã áp đặt thứ lý lẽ của riêng họ về lao động. Chính vào ngày 30 tháng 4 năm 2010 - một ngày trước Ngày Quốc tế Lao động - đã nổ ra cuộc đình công, dẫn đến bùng phát bạo lực trước khi có sự can thiệp có thể đoán trước của cảnh sát luôn đứng về phía mạnh hơn. Kết quả: một người chết, vài người bị thương vì trúng đạn và nhiều người bị sa thải. Vài tuần sau chuyến đi của chúng tôi đến sân vận động quốc gia, đại diện của công ty An Huy Wai Jing qua điện thoại bác bỏ chuyện các dự án của họ ở Mozambique có vấn đề, đảm bảo với chúng tôi họ đang hoạt động "phù hợp với luật lệ và quy định của nước này."7 Ngay sau khi hoàn thành và bàn giao sân vận động, công ty Trung Quốc này đã chính thức được công nhận là một trong mười tập đoàn của Trung Quốc đã "đóng góp lớn nhất cho sự phát triển kinh tế và xã hội của các nước châu Phi trong năm 2010... và đã giúp cải thiện mức sống của người dân châu Phi."8
Khi chúng tôi đang thưởng thức đồ uống tại Café Continental huyền thoại trên đường Avenida de Setembre 25 ở Maputo, nhà xã hội học Bồ Đào Nha João Feijó khẳng định những gì chúng tôi đã thấy tại Sân vận động Quốc gia và các dự án khác của Trung Quốc ở Mozambique là điều hiển nhiên chứ không phải ngoại lệ.9 Feijó là một trong những chuyên gia am hiểu nhất về điều kiện lao động ở thuộc địa cũ của Bồ Đào Nha và đã tiến hành nghiên cứu điều kiện làm việc do các công ty Trung Quốc cung cấp ở Mozambique:10 "Trừ Huawei, điều kiện lao động trong các công ty Trung Quốc thật khủng khiếp. Chúng rõ ràng tệ hại nhất," ông nhận định.
Phân tích của Feijó rút ra một so sánh hoàn hảo với những gì đã - và vẫn là - tình cảnh chung được thấy trong các nhà máy và công trường xây dựng tại Quảng Châu, Thượng Hải và Thành Đô. "Hệ thống Trung Quốc chủ yếu là sản xuất, tư bản và lợi nhuận. Họ đối xử với lao động địa phương như một sinh vật đơn giản không danh tính. Công nhân không học được nhiều vì không có chuyển giao kiến thức và họ không có bất cứ cơ hội thăng tiến nào." Họ làm việc nhiều giờ hơn nhiều so với mức được trả, ông tiếp tục, giải thích tại sao công nhân hiếm khi kéo dài hơn sáu tháng. "Ngay khi tìm được một lựa chọn tốt hơn, họ đi ngay."
Trong khi thu thập bằng chứng về thực trạng điều kiện lao động ở Mozambique, chúng tôi không thể không tự hỏi liệu Trung Quốc có thực sự là lựa chọn hấp dẫn cho các nước đang phát triển như các nước này vẫn thường tin. Chúng tôi bỗng nhớ lại không khí ngọt ngào tại trung tâm hội nghị Ai Cập ở Sharm el-Sheikh, nơi các nhà lãnh đạo châu Phi và Trung Quốc - do Ôn Gia Bảo dẫn đầu và bài diễn văn chống thực dân của ông - trình diễn tuần trăng mật riêng tư của họ tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi. Trong bầu không khí đầy tình cảm, không ai dám làm hỏng khung cảnh đó bằng cách chỉ trích Trung Quốc về thái độ cẩu thả của họ đối với điều kiện lao động ở Mozambique và các nước khác. Và vì thế trong một lần giải lao, chúng tôi đã tiếp cận Félix Mutati, lúc đó là bộ trưởng Thương mại của Zambia, với câu hỏi nước đôi: "Thưa Bộ trưởng, Trung Quốc có thực sự là một cơ hội cho châu Phi?" Mutati thân thiện trả lời một cách hoàn hảo, cho rằng về giao hàng, tốc độ và chi phí, Trung Quốc là lựa chọn tốt nhất để giúp châu Phi đương đầu với những thách thức trong phát triển. "Điểm mấu chốt là tác động. Các chính trị gia chúng tôi được đánh giá bằng những gì tạo ra, chứ không phải bằng các cam kết từ các phát biểu của chúng tôi. Họ sẽ không bầu lại cho tôi nếu tôi không xây dựng một con đường. Nếu xây dựng con đường, tôi sẽ là anh hùng," ông giải thích.
Tuy nhiên, ông thừa nhận chấp thuận đề nghị của Trung Quốc có nghĩa là phải chịu một vài "hi sinh" và điều quan trọng là phải "giảm tối đa sự xấu xí" của tình hình. Mutati dường như tán thành lý thuyết thường được giới chóp bu chính trị châu Phi và Trung Quốc theo đuổi là cần chịu đựng lúc này để các thế hệ tiếp theo gặt hái lợi ích. Tất nhiên, sự hi sinh này, rơi trên vai của người công nhân cả đời chịu đựng - là những khâu nối yếu nhất - vì rốt cuộc họ là người trả giá cho thành công tương lai. Vị bộ trưởng không chỉ gây ấn tượng muốn giảm nhẹ tầm quan trọng của tổn thất phụ tại nơi lao động, mà còn giải cứu các công ty Trung Quốc hoạt động ở nước mình. "Đã có những cáo buộc về ai trả lương cao hơn và cung cấp các điều kiện làm việc tốt nhất, các nhà đầu tư Trung Quốc hay phương Tây. Tuy nhiên, hiện chúng tôi có khoảng 200 công ty Trung Quốc ở Zambia, mỗi công ty đưa ra những điều kiện khác nhau. Do đó chúng tôi phải sử dụng các ví dụ thực tế; đừng đến đây với cái nhìn chung chung," ông thách thức chúng tôi. Cuộc nói chuyện này khiến chúng tôi tin rằng phải đi Zambia để tự mình chứng kiến những gì đang xảy ra ở đó.
Tính biểu tượng của mối quan hệ lịch sử giữa Trung Quốc và Zambia là một khích lệ thêm vào để chúng tôi chọn thuộc địa cũ của Anh này là điểm đến tiếp theo: hai nước đã xây dựng quan hệ chặt chẽ sau khi nước Bắc Rhodesia cũ giành được độc lập vào năm 1964. Mối quan hệ này đơm hoa kết trái với dự án TAZARA, tuyến đường sắt vẫn còn hoạt động nhưng đã cũ nát trải dài 1.860 km giữa Dar es Salaam, thủ đô của Tanzania, và trung tâm "Vành đai đồng," tỉnh khai thác mỏ của Zambia.11 Tuyến đường sắt này là một dự án khổng lồ đối với nhà nước nghèo khổ Trung Quốc lúc ấy: đầu tư 500 triệu đô-la và triển khai hơn 25.000 công dân Trung Quốc, gồm công nhân, đốc công và kỹ sư.12 Lời của vị bộ trưởng chắc chắn như sự đảm bảo. Có phải điều này có nghĩa là điều kiện lao động mà các công ty Trung Quốc dành cho công nhân của "người bạn cũ" của Trung Quốc ở châu Phi khác biệt - và tốt hơn - so với ở Mozambique?
TÌM KIẾM THỰC TẾ CỦA BỘ TRƯỞNG
Tám tháng sau cuộc trò chuyện với Félix Mutati, cuối cùng chúng tôi cũng đã đến tây Zambia ngang qua Lubumbashi, thủ phủ tỉnh Katanga của Congo, sau khi chạy chậm như sên bò những cây số cuối cùng giữa một chuỗi bất tận các xe tải đầy nhóc đồng và cô-ban. Trong cái xó xỉnh xa xôi này của thế giới, những đám đông người tay xách nách mang bu quanh hàng rào ngăn cách hai nước hay chen vào bàn làm thủ tục nhập cư chật kín người, nơi các giấy tờ được giải quyết thủ công trên giấy than, không có bất kỳ dấu hiệu nào của máy tính. Giao thông liên tục đã biến trạm biên giới này thành một nhà thương điên: mỗi ngày 5.000 tấn khoáng sản đi qua đây trên đường từ các mỏ khoáng sản của nước Cộng hòa Dân chủ Congo (DRC) đến các nhà máy chế biến của Zambia, và sau đó hướng về cảng Dar es Salaam và Durban ở Tanzania và Nam Phi. Từ đó, hàng hóa được vận chuyển bằng đường thủy đi khắp thế giới, nhưng chủ yếu là đến Trung Quốc. Hàng trăm xe tải, đầy ắp khoáng sản, nối đuôi nhau xếp hàng chờ nhiều ngày liền để vượt qua biên giới, kích thích tạo nên bầu không khí mua bán điên cuồng đầy gái mại dâm chào mời quan hệ tình dục rẻ tiền và không an toàn, bọn cò mồi thu xếp phương tiện đến thị trấn gần nhất, và những kẻ cơ hội săn đón thời cơ mới trong cảnh hỗn loạn.
Từ DRC, đất nước mà hành động đơn giản mở vòi nước hay vòi sen tắm của bạn là một sự sang trọng đúng nghĩa, vào đến Zambia cảm giác như một phước lành. Cuộc sống ở Zambia ngay lập tức có vẻ dễ chịu hơn nhiều, nước này cùng với người láng giềng Congo của nó, là cái nôi của cái gọi là "Vành đai đồng," một khu vực chứa 10 phần trăm trữ lượng đồng và một phần ba trữ lượng cobalt thế giới. Mặt trời vừa bắt đầu lặn khi chúng tôi đến Kitwe, thành phố thứ hai của Zambia và là nơi xảy ra bất ổn lao động trong thời kỳ thuộc địa, khi cuộc đình công khai thác mỏ lớn đầu tiên của nước này nổ ra vào năm 1935 và năm 1940, làm chết khoảng 56 người.
Các con đường xung quanh trung tâm thành phố nhanh chóng chìm trong bóng tối, không một ngọn đèn đường công cộng nào. Hôm đó là ngày cuối tuần, và rượu thoải mái chảy tràn. Các nhóm thanh niên đi lại khắp nơi, bằng xe hơi hay đi bộ, tìm kiếm thú vui. Còn chúng tôi tìm kiếm những cư dân Trung Quốc. "Thử đến sòng bạc, đó là nơi tốt nhất tìm thấy họ," người dân địa phương cho chúng tôi biết. Khi chúng tôi bước vào khách sạn Edinburgh, nơi có trung tâm cờ bạc riêng, hai khách du lịch Zambia xác nhận chúng tôi đã trúng số độc đắc. "Đây là khu phố Tàu. Không khí thực lạ. Không một ai cười," họ lo lắng nói với chúng tôi. Sòng bạc Kitwe nhỏ, chỉ có sáu bàn, hai bàn roulette và bốn bàn blackjack. Tất cả bàn đều đầy người. Ít có người quan tâm chuyện uống, mặc dù các loại đồ uống đều miễn phí. Bốn gái mại dâm đứng ở quầy rượu trông buồn chán; vẻ quyến rũ của họ không có chút tác động lên các khách hàng tiềm năng. Chúng tôi đếm tổng cộng có ba mươi sáu người đàn ông Trung Quốc, hai Nga, một Pakistan và một châu Phi. Người Nga ầm ĩ ăn mừng mỗi khi thắng, còn các con bạc Trung Quốc rít thuốc không ngừng, vẻ kín đáo nhưng âu lo. Những người Trung Quốc khác ngồi quanh trên ghế sofa, ngủ gà ngủ gật hay nghịch điện thoại di động trong khi chờ đợi sếp của họ, những ông chủ mỏ, làm nhà cái phá sản. Chúng tôi tiếp cận một số khách Trung Quốc, nhưng không ai muốn bắt chuyện. Không khí không thể kỳ lạ hơn; giống như trong một sào huyệt mafia. Nơi này được cai trị bằng luật lệ thích hợp cho những kẻ du côn vô đạo đức thừa tiền - nói cách khác, luật của vùng mỏ.
Vào buổi sáng, luật lệ này cũng thấy được ở các khu mỏ trong vùng, là đối tượng chính của luật, như mỏ Chambishi, cách Kitwe 30 km. Hôm đó là chủ nhật và hầu như không có bất kỳ chuyển động nào trong thị trấn bụi bặm này, ngoài một số thanh niên đánh bi-da trong hai quầy rượu với âm nhạc mở hết cỡ và một cha cố với giáo đoàn tín hữu hát say sưa trong buổi lễ ngày chủ nhật. Chambishi không chỉ được biết đến là địa phương có đặc khu kinh tế đầu tiên do Trung Quốc tài trợ và xây dựng ở châu Phi.13 Đáng buồn thay, nó cũng nổi tiếng về bạo lực bùng phát chống lại giới chủ Trung Quốc do điều kiện lao động áp đặt lên công nhân châu Phi. "Tình hình không tốt hơn chút nào từ cuộc bạo loạn vừa rồi. Mọi người đều không hài lòng với người Trung Quốc," Chiseni, một thợ sửa ống nước tại Công ty Xây dựng Luyện kim 15, công ty nhà nước Trung Quốc chịu trách nhiệm xây dựng hạ tầng khai thác mỏ nói. Chiseni ám chỉ đến bạo lực nổ ra vào năm 2007, khiến một người chết, và dẫn đến náo động rất lớn trong giới chính trị gia và truyền thông, và khiến hủy bỏ chuyến thăm dự kiến đến khu vực của chủ tịch Trung Quốc, Hồ Cẩm Đào. Đây là lần đầu tiên một nhà lãnh đạo Trung Quốc phải đình chỉ kế hoạch của mình ở châu Phi do bất ổn xã hội. Tuy nhiên, tình hình ở khu vực này không có gì mới: điều kiện làm việc không an toàn đã gây ra một tai nạn vào năm 2005 giết chết 51 công nhân tại nhà máy sản xuất chất nổ của Viện Nghiên cứu Khai thác mỏ và Luyện kim Bắc Kinh (BGRIMM).14
Đến giờ ăn trưa, Chiseni và các đồng nghiệp Lubinda, Chalebaila và Bright - tất cả đều khoảng ba mươi tuổi - rất vui vẻ ngồi uống coca-cola với chúng tôi và nói về những khó khăn họ chịu đựng hàng ngày. Giống như Celso tại Sân vận động Quốc gia ở thủ đô Maputo, sự chào đón nồng nhiệt ban đầu của họ bị thay bằng vẻ nghiêm trọng, gần như lo lắng khi nhận ra lý do đã khiến chúng tôi có mặt ở đây. Tuy nhiên, họ hiếm khi có được cơ hội nói ra nỗi bất bình của mình, và vì thế giờ đây họ nhanh chóng bị cuốn hút hoàn toàn. Họ cho chúng tôi biết lương tháng của thợ mộc, thợ ống nước và thợ sơn làm việc tám giờ một ngày, sáu ngày một tuần dao động từ 500.000 đến 600.000 kwacha, chừng 70 - 85 euro.15 Chỉ bằng một phần năm thu nhập hàng tháng cần có để nuôi sống một gia đình Zambia sáu người, theo các nghiệp đoàn địa phương. Họ cũng không có được bảo hiểm hoặc chỗ ở, và từ áo quần bảo hộ đơn giản, tồi tàn của họ chúng tôi đoán thiết bị của họ chắc không đầy đủ và an toàn. "Các nhân viên giám sát đòi hỏi chúng tôi quá nhiều và đối xử rất hung bạo, kể cả hung bạo về mặt thể xác. Có rất nhiều căng thẳng ở nơi làm việc," một người cho biết thêm. Boyd Chibale, giám đốc nghiên cứu của Nghiệp đoàn Thợ mỏ và Công nhân Liên minh Toàn quốc (NUMAW), một trong hai công đoàn khai thác mỏ quan trọng nhất tại nước này với 11.250 thành viên, giải thích ở nước này điều kiện làm việc trong các hầm mỏ của Trung Quốc tương đối tồi tệ nhất.16 "Các nhà đầu tư Ấn Độ, Canada và Úc trả cao hơn nhiều: ít nhất 1,5 triệu kwacha một tháng [215 euro]," ông đoan chắc với chúng tôi.
Ngay cả trong những năm 1960, 1970 và 1980, công ty Anh khổng lồ Anglo American – đã rời bỏ nước này vào năm 2002 trong bối cảnh tranh cãi và cáo buộc gay gắt về các hành vi sai trái - cũng cung cấp những điều kiện "tốt hơn nhiều" so với các công ty Trung Quốc ngày nay, Chibale cho biết. "Người Trung Quốc đã tăng năng suất nhờ máy móc và công nghệ họ đưa vào. Tuy nhiên, hiện nay có tình trạng trì trệ về mức sống, điều kiện lao động và tiền lương của công nhân. Trong quá khứ, các cuộc đình công, biểu tình và bạo loạn ở mức tối thiểu, nhưng bây giờ rất phổ biến. Và chúng tôi chỉ thấy công nhân bị bắn trong thời của các nhà đầu tư Trung Quốc."
Biến cố bạo lực mới nhất trong các hầm mỏ của Trung Quốc xảy ra vào tháng 8 năm 2012, khi công nhân đình công tại mỏ than Collum do Trung Quốc sở hữu tổ chức một cuộc biểu tình sau đó biến thành bạo động; một nhân viên giám sát Trung Quốc bị chết sau khi bị xe đẩy than tông. Công nhân yêu cầu tăng lương để phù hợp với mức lương tối thiểu mới của Zambia, được thông qua vào đầu năm và đưa ra mức lương tối thiểu trong lĩnh vực này là 230 đô-la một tháng. Đây không phải là lần đầu mỏ than Collum xuất hiện ở mục tin quan trọng trên báo chí và các phương tiện truyền thông. Vào cuối năm 2010, hai đốc công Trung Quốc đã bắn bừa bãi vào một đám đông thợ mỏ tại mỏ này ở phía nam Zambia, những người này đã tham gia cuộc biểu tình đòi hỏi điều kiện làm việc tốt hơn. Các thợ mỏ đã phải leo xuống cái thang 1.000 bậc sâu trong lòng đất có nguy cơ mất mạng trong điều kiện cực kỳ nguy hiểm để đổi lấy vỏn vẹn 4 đô-la một ngày. Với một quyết định gây tranh cãi căng thẳng, trong khi 11 thợ mỏ vẫn còn nằm trong bệnh viện với những vết đạn, các tòa án đã bác bỏ vụ án mà ban đầu đã được xử là giết người có chủ ý.17
Chiseni, Lubinda, Chalebaila và Bright mang lại khuôn mặt người cho hình thức bóc lột của thế kỷ 21 dường như đưa chúng tôi trở lại thời kỳ cách mạng công nghiệp Anh. Chúng tôi nhìn thấy trên mặt họ cùng vẻ bất lực và tuyệt vọng như đã thấy ở những nơi khác trên hành trình của mình, những khuôn mặt thể hiện cảm giác không thể chịu đựng việc bị các ông chủ Trung Quốc giữ làm con tin. Ngay trước khi chúng tôi nói lời tạm biệt, chúng tôi hỏi những người này cùng một câu hỏi chúng tôi đã đặt ra với Félix Mutati tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc - châu Phi ở Sharm el-Sheikh: "Có phải Trung Quốc là một cơ hội cho người nghèo châu Phi? Anh nghĩ gì nếu tôi nói với anh rằng Trung Quốc đến đây để giúp Zambia?" Câu trả lời của họ theo bản năng và sôi sục: "Dối trá!... Chỉ là dối trá!" họ hét lên giận dữ, gần như đồng loạt. "Đồ tuyên truyền Trung Quốc!" một người rít lên, khi họ chậm rãi đi dọc theo những con đường đầy bụi của Chambishi.
HỔ MANG CHÚA: ANH HÙNG CHỐNG TRUNG QUỐC
Về vai trò của Trung Quốc ở trung tâm của ngành khai thác mỏ Zambia, khác biệt trong nhận thức giữa bộ trưởng và những người lao động liên tục từng ngày đấu tranh chống lại các ông chủ Trung Quốc của họ - giữa giới chóp bu chính trị và tài chính với dân thường - đã tóm tắt hoàn hảo tình hình ở quốc gia này. Chính phủ Zambia đã đặt cược vào liên minh chiến lược với Bắc Kinh, vì xem Trung Quốc là bạn đồng hành lý tưởng trên đường phát triển dài hạn ngành khai khoáng tuyệt vời của họ. Zambia hi vọng các khoản đầu tư trong ngành khai thác mỏ sẽ thúc đẩy Zambia hướng tới một "cuộc cách mạng công nghiệp châu Phi," được Lusaka xem là nhân tố thiết yếu giúp đất nước thoát khỏi đói nghèo. Rõ ràng tất cả điều này không chỉ do những cải cách hăng hái được tiến hành trong những thập niên vừa qua, mà còn do khuôn khổ thu hút đầu tư hiện nay của Zambia, vốn bị phái trung thành với khuynh hướng tân tự do ở nước này chỉ trích mạnh mẽ và khuôn khổ đó rõ ràng đã tác động mang tính quyết định lên tình trạng việc làm đang ngày càng bấp bênh của nước này. Thèm khát nguyên liệu, Trung Quốc lợi dụng tình trạng này, trở thành nhà đầu tư nước ngoài duy nhất tiếp tục đầu tư vào Vành đai đồng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính, bất chấp sự sụt giảm của giá đồng quốc tế.18
Thực tế Zambia gắn toàn bộ hy vọng của mình vào tương lai ngành khai thác mỏ, và do đó, vào đầu tư của Trung Quốc, đã dẫn đến tình hình các nhà đầu tư Trung Quốc về cơ bản được tự do làm bất cứ điều gì họ muốn tại Vành đai đồng của nước này. Trong khi điều này được thể hiện bằng đề nghị giảm thuế và loại bỏ thuế xuất nhập khẩu đối với các nhà đầu tư nước ngoài của Lusaka, nó cũng đặc biệt bộc lộ thái độ lỏng lẻo của chính phủ Zambia đối với việc liên tục phớt lờ các chuẩn mực lao động cơ bản nhất trong các hầm mỏ của Trung Quốc, kể cả việc bỏ qua vụ án hai đốc công Trung Quốc bắn và làm bị thương công nhân của họ. "Nhà đầu tư nước ngoài rất thoải mái ở Zambia. Các công đoàn rất tích cực, nhưng chính phủ ưu tiên bảo vệ các nhà đầu tư hơn là người dân," nhà lãnh đạo công đoàn Boyd Chibale nói với chúng tôi trong cuộc gặp ở Kitwe. Trong khi chờ giấc mơ giàu có của Lusaka trở thành hiện thực, 80 phần trăm dân số của Vành đai đồng sống dưới hai đô-la một ngày, với sự đồng lõa của Bắc Kinh. Đây có phải là sự "hi sinh" mà Félix Mutati đề cập hôm nọ trên bờ Biển Đỏ?
Về nguyên tắc các công ty khai thác mỏ Trung Quốc không đáng được hưởng lợi từ sự ưu đãi tuyệt đối, khi điều kiện lao động họ cung cấp cho công nhân Zambia - nhiều người chỉ được hợp đồng tạm thời - lại hầu như tồi tệ nhất ở nước này. Tình trạng việc làm bấp bênh, vốn gây ra đau khổ cho nhiều cư dân nghèo khổ nhất của Zambia, đã biến công ty thành mục tiêu thù địch. Michael Sata, nhà lãnh đạo dân túy của Đảng Mặt trận yêu nước đối lập tại thời điểm chúng tôi thăm Zambia, đã đặt hi vọng trở thành tổng thống vào việc sử dụng chiêu bài chống Trung Quốc công khai nhắm vào chỗ yếu nhất của chính phủ cũ. "Hổ mang chúa," như mọi người gọi ông ta, cho rằng nỗi đau khổ của thợ mỏ Zambia bắt nguồn từ thực tế họ bị đối xử như những vị khách không được hoan nghênh ngay trên đất nước họ. "Người Trung Quốc thụ hưởng các điều kiện [đầu tư] tham nhũng. Khi tôi trở thành tổng thống, chúng tôi sẽ thi hành luật lao động... Nếu người Trung Quốc không muốn tuân thủ luật pháp, họ chỉ có thể đóng gói hành lý và trở về Trung Quốc," ông khẳng định chắc chắn với chúng tôi trong cuộc phỏng vấn chỉ vài tháng trước cuộc bầu cử tổng thống. Chỉ trích kịch liệt của Sata đối với các công ty Trung Quốc đã khiến ông trở thành người hùng ở Vành đai đồng, nơi ông có được ủng hộ rộng rãi, và tháng 9 năm 2011 ông đã chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống, trở thành lãnh tụ mới của Zambia.19
Trung Quốc có thực là cơ hội cho các nước đang phát triển, chúng tôi tự hỏi trong suốt hành trình của mình. Có thể tốt hoặc xấu, chắc chắn sự bành trướng của nước này đã để lại dấu ấn sâu đậm ở các quốc gia nó tác động. Tuy nhiên, sẽ không công bằng nếu xem thường tác động tích cực mà công cuộc bành trướng này - một cách trực tiếp hoặc gián tiếp - mang đến cho hàng triệu người trên khắp hành tinh. Chúng ta không được xem nhẹ hàng chục ngàn việc làm đã được tạo ra, dòng vốn hình thành do các cam kết dài hạn mua tài nguyên thiên nhiên của nước này, hay cơ sở hạ tầng mới mà họ đã xây dựng trong thế giới đang phát triển. Tương tự, sẽ sai lầm nếu bỏ qua những sản phẩm giá rẻ được sản xuất trong "công xưởng thế giới" có giá phải chăng đối với người dân có thu nhập thấp, các khoản đầu tư hàng triệu đô-la của Trung Quốc hay các dự án viện trợ và hợp tác của họ. Tuy nhiên, cũng như các yếu tố tiêu cực khác đi đôi với sự bành trướng của Trung Quốc - như tham nhũng, hoàn toàn coi thường quyền con người và tác động đối với môi trường từ các hoạt động của nước này - tất cả việc làm tốt đẹp của Trung Quốc hoàn toàn bị lối tiếp cận điều kiện lao động của nó che khuất. Yếu tố này được cho là đã gây ra tổn hại lớn nhất cho hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài, đặc biệt vì tính minh bạch và nhạy cảm của vấn đề ảnh hưởng đến những người nghèo nhất trong tầng lớp nghèo khó, như chúng tôi đã tự mình nhìn thấy trong các hầm mỏ của Peru và Myanmar,20 trong các công trình xây dựng ở Sudan và Angola, trong các dự án hạ tầng lớn ở Mozambique và các khu mỏ ở Zambia.21
Việc đối xử thiếu trách nhiệm với công nhân, coi thường công đoàn và hoàn toàn thiếu quan tâm giảm nhẹ xung đột của các công ty Trung Quốc - hậu quả của cách tiếp cận ngoan cố, gần như bạo ngược nhằm đạt địa vị cường quốc của họ - hẳn không khỏi làm liên tưởng đến chủ nghĩa thực dân trước kia ở châu Phi, nhưng lần này với đặc trưng Trung Quốc. "Xu hướng chung tại các doanh nghiệp Trung Quốc ở châu Phi [bao gồm] thái độ thù địch đối với công đoàn, vi phạm quyền lợi của người lao động, điều kiện làm việc tệ hại, phân biệt đối xử và môi trường làm việc bất công," kết luận của một nghiên cứu gần đây về điều kiện làm việc trong các công ty Trung Quốc ở mười nước châu Phi.22
Do đó chúng tôi không ngạc nhiên với kết luận thẳng thừng của Boyd Chibale, lãnh đạo công đoàn Kitwe, khi ông nói với chúng tôi "Trung Quốc ăn cắp hàng đống tiền và trả lại rất ít." Trở lại Maputo, nhà xã hội học João Feijó cũng tấn công vào nguyên tắc "hợp tác đôi bên cùng có lợi" làm cơ sở cho quan hệ giữa Trung Quốc và châu Phi. "Các công ty Trung Quốc chẳng làm gì cho Mozambique; họ làm cho chính họ. Nhưng tôi nghĩ người Trung Quốc chẳng quan tâm chút nào đến điều này," ông kết luận.
Cảnh tượng những gì thực sự xảy ra tại hiện trường trêu ngươi quá quắt với những lời tuyên bố hoa mỹ của Trung Quốc ở hậu trường. Trong khi biển hiệu trên đường vào Sân vận động Quốc gia Maputo, một trong những nước nghèo nhất ở châu Phi, khoác lác rằng "tình hữu nghị giữa Trung Quốc và Mozambique sống mãi như Trời Đất," thì các công ty Trung Quốc trả lương cho công nhân địa phương thậm chí không đủ để đáp ứng những nhu cầu cơ bản của họ. Hơn thế nữa, mức lương họ trả cho những người này chưa bằng một phần sáu lương của công nhân Trung Quốc.
Tình trạng rắc rối tại nơi làm việc, vốn làm tổn hại nghiêm trọng hình ảnh của Trung Quốc trong nhiều khu vực bị ảnh hưởng, không có vẻ là một vấn đề đặc biệt khó khăn để giải quyết. Điều gì ngăn cản các công ty này ký kết hợp đồng lao động, trả thêm cho công nhân 50 đô-la một tháng hay cung cấp cho họ bảo hiểm y tế cơ bản? Điều gì đang ngăn cản họ cung cấp cho công nhân găng tay hay mũ bảo hiểm theo qui định, hay thêm thịt hoặc pho mát vào những khoanh bánh mì? Điều gì đang ngăn họ đối xử công nhân với sự tôn trọng và sử dụng đối thoại để cải thiện tình hình? Thoạt nhìn, có vẻ như tính toán sai lầm rất lớn về phía chính phủ Trung Quốc đã không can thiệp nhiều hơn để giải quyết vấn đề này, ngay cả khi nó không có khả năng để tiếp cận tất cả các công ty Trung Quốc đang hoạt động trên toàn thế giới. Tuy nhiên, có lẽ câu trả lời cho những câu hỏi này không nằm quá nhiều trong sự thiếu chân thành dành cho nước ngoài một khi điều kiện lao động ở chính Trung Quốc, nơi hàng triệu người lao động thực hiện "phép lạ Trung Quốc" vẫn đang bị bóc lột.
Sau khi từ chối chia sẻ trách nhiệm giám sát các công ty Trung Quốc với truyền thông hay các tổ chức xã hội dân sự, Liu Guijin đặc phái viên của chính phủ Trung Quốc tại châu Phi, thừa nhận những vấn đề trên là có thật và giải thích rằng Bắc Kinh không có khả năng giải quyết. "Chính phủ chúng tôi đang nỗ lực giáo dục các công ty Trung Quốc thực hiện đúng đắn trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, theo luật lệ hoặc quy định chung và tuân thủ luật pháp địa phương... Tuy nhiên, có rất nhiều công ty nằm rải rác khắp nơi ở châu Phi, và chúng tôi không thể đảm bảo 100 phần trăm công ty thực hiện tốt hoàn toàn." Nói chung, nhìn qua tình hình trong nước của Trung Quốc đủ để thấy các công ty Trung Quốc chỉ đơn giản lặp lại ở nước ngoài cùng mô hình lao động đã hoạt động tại Trung Quốc trong ba mươi năm qua, kể từ khi Đặng Tiểu Bình vạch ra hành trình đi đến thịnh vượng của Trung Quốc theo con đường "Chủ nghĩa Xã hội đặc sắc Trung Quốc." Một trong những động lực đằng sau sự tăng trưởng của mô hình mới này là đưa các nguồn nhân lực vô tận của quốc gia đông dân nhất hành tinh phục vụ "công xưởng thế giới," một chiến thuật trả lương ít ỏi cho lực lượng lao động. Đó là một công thức thắng lợi: chi phí lao động thấp khiến sản phẩm Trung Quốc rất cạnh tranh, góp phần to lớn vào sự gia tăng GDP ngoạn mục của Trung Quốc trong 30 năm qua, một yếu tố vô giá trong sự phát triển đất nước. Khi Trung Quốc trở nên giàu có, logic kinh tế thuần túy đòi hỏi tiền lương của công nhân tạo ra một phần quan trọng sự giàu có đó cũng phải tăng tương xứng với năng suất của họ. Tuy nhiên, sự bùng nổ giàu có này đã không dẫn đến việc tăng tiền lương.23
Do đó, đây là nguồn gốc của việc lạm dụng; đây là bằng chứng cho thấy một phần quan trọng trong thành công của mô hình Trung Quốc đặt trên vai người dân Trung Quốc và vào sức lao động không mệt mỏi của họ. Bây giờ Trung Quốc đang ở đỉnh cao bành trướng ra toàn thế giới, những thử thách gay gắt của chủ nghĩa tư bản đỏ đã xuất hiện ở châu Phi và những nơi khác; tuy nhiên, chúng đã có mặt khắp Trung Quốc trong một thời gian. Ba mươi năm sau, sự bóc lột vô đạo đức các tầng lớp lao động ở Trung Quốc đang tiếp tục và thậm chí lan ra ngoài biên giới của nước này.
CHẾ ĐỘ NÔ LỆ MỚI CỦA TRUNG QUỐC
Ở TRUNG TÂM CHÂU PHI
Liu Jianxin và Liu Senlin đều quá quen thuộc với tình trạng này. Đó là lý do tại sao hai người đàn ông này quyết định bắt đầu cuộc phiêu lưu mới ra nước ngoài, dù không người nào biết một chữ tiếng Pháp. Điểm đến của họ là Gabon trên bờ biển Tây Phi, nhiệm vụ của họ là xây dựng một con đường băng qua trung tâm của nước này, và phần thưởng của họ là mức lương gấp ba lần mức họ có thể kiếm được ở Trung Quốc. Tuy nhiên, giấc mơ đã sớm biến thành ác mộng, và cuộc phiêu lưu châu Phi của họ gần như đã kết thúc bằng cách tự sát. Liu Jianxin không phải là người mới đối với châu Phi: trước đó ông đã làm tài xế xe ủi cho một công ty nhà nước Trung Quốc ở Nigeria và Zambia. Bạn của ông, Liu Senlin, là một kiểu cựu binh xây dựng đường sá và cảm thấy chẳng có gì phải sợ cuộc hành trình đến châu Phi. Ông đã đối mặt với thực tế một nước Iraq đổ nát vào năm 1991 sau cuộc chiến tranh vùng Vịnh lần thứ nhất, khi ông đi đến quốc gia Ả Rập này để làm đường. Tuy nhiên, lần này cả hai đều thấy mình không chuẩn bị cho những gì chờ đợi họ. Họ đến Gabon để làm việc cho một công ty xây dựng Trung Quốc và chỉ vài tháng sau đó họ bị buộc phải rời bỏ trại để thoát khỏi chế độ nô lệ mà họ và đồng nghiệp đã phải chịu đựng. Đó chỉ là khởi đầu của một cuộc phiêu lưu: họ phải chạy trốn những tên côn đồ do ông chủ cử đuổi bắt họ và ăn xin để sống sót ngay giữa châu Phi.
Tiếp xúc đầu tiên của chúng tôi với những người này là qua điện thoại vào năm 2010. Họ ở Gabon, còn chúng tôi ở Bắc Kinh. Đó là khi họ kể cho chúng tôi câu chuyện của họ. Tất cả bắt đầu vào năm 2009. Liu Jianxin đến Gabon vào tháng 7 và đồng nghiệp của ông đến vào tháng 12. "Ngay lập tức tôi thấy các điều kiện rất khó khăn, thậm chí tàn bạo. Chúng tôi đã phải nằm chung với một đồng nghiệp trên chiếc giường đơn rộng 90 cm, chúng tôi không được trả tiền làm thêm giờ và mỗi năm chỉ có hai ngày nghỉ," người trẻ hơn trong hai ông Liu giải thích. Ở trại có khoảng 40 công nhân, tất cả đều là người Trung Quốc. Một nửa trong số họ có quan hệ gia đình với người đứng đầu của công ty, Lei Youbin, trong khi những người còn lại chủ yếu đến từ tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc, nơi mà một quảng cáo trên tờ báo địa phương, Chutian Dushibao, đã chào mời mức lương hàng tháng 1.000 euro - cả một gia tài ở nông thôn Trung Quốc - để tham gia xây dựng con đường. Tuy nhiên, trên thực tế họ đã phải làm việc như những con chó trong thời gian bất tận dưới ánh mặt trời khắc nghiệt. Một số đàn ông địa phương cũng tham gia vào công việc, dù chỉ như công nhân tạm thời. Ở đầu bên kia của đường dây điện thoại, những người đàn ông có vẻ vui và lịch sự. Họ thậm chí còn mừng vì đã có cơ hội thưởng thức vẻ đẹp của biển lần đầu tiên trong đời.
Hai tháng sau, trở lại ở Trung Quốc, chúng tôi gặp họ tại văn phòng của chúng tôi ở Bắc Kinh cùng với hai đồng nghiệp - Ru Liyin và Li Gao24 - những người đã phải chịu đựng sự ngược đãi tương tự của Aolong, công ty tư nhân Trung Quốc đang đề cập. Công ty này đã được Công ty quốc doanh Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC) ký hợp đồng thầu phụ xây dựng một đoạn đường cao tốc 112 km giữa hai thị trấn Fougamou và Mouila ở miền trung Gabon. Nỗi buồn chán khi mô tả sự việc của các công nhân, cũng như vẻ tuyệt vọng của những người đã mất tất cả, làm cổ họng chúng tôi nghèn nghẹn. "Họ cho chúng tôi ăn gạo thối. Hàng ngày chúng tôi làm việc 14 giờ hoặc nhiều hơn. Họ không trả cho chúng tôi mức lương quy định trong hợp đồng. Chúng tôi là nô lệ. Đó là những gì chủ của chúng tôi nói với chúng tôi và đó là cách chúng tôi cảm nhận." Lời của Liu Senlin vang lên từ miệng người đàn ông Trung Quốc quen chịu đựng gian khổ không kể xiết mà không một lời than vãn. Ngồi quanh chiếc bàn gỗ lớn, các đồng nghiệp của ông lặng lẽ gật đầu buồn bã, lộ rõ tức giận và tổn thương vì sự bất công mà họ phải gánh chịu.
Sau tháng làm việc đầu tiên, đồng lương hứa hẹn không bao giờ đến.25 Công ty trả một phần tiền lương của họ, còn phần lớn bị giữ lại với lý do chậm trễ trong hệ thống thanh toán của công ty. Tình hình trở nên tồi tệ hơn trong tháng thứ hai và thứ ba, khi các công nhân vẫn không nhận được thu nhập họ đã được hứa hẹn trong hợp đồng. "Sau tháng thứ tư, chúng tôi quyết định ra đi. Ba đồng nghiệp và tôi quyết định bỏ việc." Tin rằng đã đến lúc chấm dứt cuộc phiêu lưu châu Phi của mình, tất cả những người này nộp đơn thôi việc. "Chúng tôi được gọi từng người vào văn phòng của ông chủ. Người đầu tiên là Wang, một đồng nghiệp của chúng tôi. Nửa giờ sau, anh ta loạng choạng đi ra sau khi bị đánh. Tôi kế tiếp. Nhiều người đàn ông đánh tôi trong khi ông chủ đứng nhìn. Kéo dài khoảng mười phút," Liu Senlin giải thích, khi ông cho chúng tôi xem những vết thương trên cơ thể do bị đánh. Hai ông Liu quyết định chạy trốn. Hôm đó là ngày 18 tháng 4 năm 2010.
Họ chạy bộ khỏi trại, không có kế hoạch nào khác ngoài việc chạy càng xa càng tốt. Không một đồng nghiệp nào của họ tham gia chạy trốn vì sợ bị trả thù, nhưng đã giúp họ một ít tiền. "Chúng tôi cố chạy đến đồn cảnh sát gần đó, nhưng chúng tôi không thể cầu cứu vì không nói được tiếng Pháp. Viên cảnh sát hiểu được những gì đã xảy ra từ điệu bộ của chúng tôi và tìm cho chúng tôi một lái xe đưa chúng tôi đến ngôi làng gần nhất," họ cho chúng tôi biết. Vào lúc đó chủ trại phát hiện hai người đã bỏ trốn, vì vậy công ty cử bốn tên côn đồ Trung Quốc săn tìm họ. Hai người trốn chạy bắt đầu lo cho mạng sống và, với hi vọng được giúp đỡ và lấy lại tiền lương, họ đã đến trụ sở của CCCC, công ty đã cho Aolong làm thầu phụ, để gặp đại diện của công ty nhà nước này. Phản ứng của công ty không thể tàn nhẫn hơn: đầu tiên họ từ chối gặp, sau đó bảo hai người này trở lại làm việc và ngừng gây rắc rối.
Tuyệt vọng, và không có bất cứ sự giúp đỡ hay tiền bạc ở một đất nước xa lạ với ngôn ngữ họ không biết, hai người bắt đầu cuộc phiêu lưu châu Phi khác hẳn cuộc mà họ đã tưởng tượng. Hơn hai ngày đi 400 cây số dọc theo các con đường của xứ Gabon - núp trong túi nhựa trên xe buýt địa phương - hai ông Liu chạy trốn khỏi bọn côn đồ được cử tới bởi Lei Youbin, người đứng đầu Aolong, cai trị trại với bàn tay sắt để khuất phục số công nhân còn lại và ngăn chặn các cuộc đào thoát khác. "Chúng tôi mất hơn hai ngày để đến được Libreville, thủ đô của Gabon. Ở đó một số người Trung Quốc đã cho chúng tôi thức ăn, nhưng quan trọng nhất một tài xế taxi địa phương đã giúp đỡ bằng cách cho chúng tôi tiền và chỗ ở trong năm ngày." Thật đáng tiếc, Đại sứ quán Trung Quốc tại Libreville không giúp được gì, họ chọn cách né tránh vụ việc và nhắm mắt làm theo qui trình thông thường. "Chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì. Hãy quay trở lại làm việc và đừng nói chuyện với báo chí nước ngoài," một nhân viên sứ quán nói với hai người và từ chối cho họ biết tên.
Khi chúng tôi kiểm tra những việc này với đại sứ quán tại Libreville, chúng tôi nhận được sự đối xử y hệt hai người chạy trốn kia: một "nhà ngoại giao," từ chối cho biết tên dù ông ta yêu cầu thông tin cá nhân đầy đủ của chúng tôi và tên các công ty truyền thông chúng tôi đang làm việc, đảm bảo với chúng tôi rằng đại sứ quán "đã làm mọi thứ có thể để hòa giải hai bên." Nói cách khác, họ bắt buộc những công nhân này phải chịu bị bóc lột và ngược đãi mà không bảo đảm được trả lương. Nhà nước toàn năng Trung Quốc, có khả năng đầu tư vào các dự án trên khắp hành tinh và áp đặt sự kiểm soát khắc nghiệt của họ đối với 1,3 tỷ dân, đã bất lực trong việc buộc một công ty Trung Quốc nhỏ bé tuân thủ sau khi nó hành xử tàn ác và ngược đãi bất hợp pháp công dân Trung Quốc. Liu Senlin giải thích sự từ chối của đại sứ quán khiến họ không còn lựa chọn nào khác ngoài cách nhờ đến báo chí địa phương và quốc tế. "Sau khi chúng tôi được đài truyền hình địa phương phỏng vấn, người dân Gabon bắt đầu đón chúng tôi trên đường phố để cho chúng tôi tiền. Nhưng những người Trung Quốc giúp chúng tôi khi chúng tôi đến lần đầu đã quay lưng lại với chúng tôi, cho rằng cộng đồng Trung Quốc ở Gabon bị mất mặt khi chúng tôi tiết lộ vụ bê bối," ông cay đắng nhớ lại.
Tác động ồn ào của truyền thông vừa tốt vừa xấu. Nếu xử lý đúng cách, một vụ bê bối kiểu này có thể khiến Ngân hàng Phát triển châu Phi, tổ chức tài trợ cho việc xây dựng con đường và, về lý thuyết, có những yêu cầu khắt khe đối với các công ty tham gia dự án, từ chối thanh toán và bắt đầu điều tra các sự kiện. Tuy nhiên, các công nhân Trung Quốc không được bảo vệ, không có kiến thức pháp luật hay thậm chí ngôn ngữ hay tập quán địa phương, và không tiền hay hỗ trợ của đại sứ quán tại Gabon, đã không thể đạt được mục tiêu sử dụng truyền thông để chấm dứt tình trạng ngược đãi diễn ra ở trại, cách thủ đô hàng trăm cây số. Thay vào đó, tường thuật của các phương tiện truyền thông đến tai Lei Youbin, ông chủ xảo quyệt của họ, kẻ đã nhấc máy điện thoại và cử nhiều tên côn đồ viếng thăm gia đình của những người chạy trốn ở Trung Quốc, đe dọa trả thù nếu người thân của họ không ngưng gây rắc rối.26
Một tháng sau, hai ông Liu nhận được một cú điện thoại động viên. "Hãy đến văn phòng của tôi. Họ sẽ trả tiền cho các anh," giám đốc của công ty nhà nước, người đã không muốn làm gì cho họ chỉ vài tuần trước nói. Họ đã gặp ba người đàn ông mặc đồng phục cảnh sát, còng tay và nhốt họ hai ngày trong một căn phòng. "Lei Youbin đã hối lộ họ để bắt chúng tôi," hai công nhân khẳng định. 48 giờ sau đó cảnh sát và lũ lâu la của ông chủ đưa họ đến sân bay, và - không qua bất kỳ thủ tục kiểm tra xuất nhập cảnh nào - họ được đưa lên máy bay đi Bắc Kinh. Ông chủ đã quyết định loại bỏ họ mãi mãi bằng cách đưa họ về Trung Quốc. Cơn ác mộng đã đến hồi kết thúc, nhưng cuộc chiến pháp lý tại các tòa án Trung Quốc chỉ mới bắt đầu.
LUẬT SƯ CỦA NHỮNG VỤ KIỆN BỊ THUA
Tại văn phòng của chúng tôi ở Bắc Kinh, Liu Jianxin, Liu Senlin, Ru Liyin và Li Gao cho thấy những đặc điểm điển hình của hàng triệu người di cư, được dùng như bia đỡ đạn, nuôi dưỡng khát vọng giàu có tập thể trong một Trung Quốc mới. Những công nhân này sẵn sàng chịu đựng khổ cực tồi tệ để đổi lấy đồng lương, và vì thế hiếm khi kêu ca công việc nặng nhọc, dù rất gian khổ. Tuy nhiên, họ sẽ làm bất cứ điều gì để nói lên nỗi bất bình của mình khi họ trở thành nạn nhân của bất công, chẳng hạn như khi tiền lương không được trả. Giống như hai mảnh của cùng tấm ghép hình, sự gia tăng nhanh chóng kiểu ngược đãi công nhân di cư cũng đã tạo ra một thế hệ luật sư đấu tranh mạnh mẽ bảo vệ quyền lợi của những công nhân này, bất chấp những hạn chế chính phủ áp đặt lên họ. Luật sư và thân chủ, cả hai đều bên phía những người nghèo nhất của Trung Quốc, là hai mặt của cùng một sự bất công, hiện tượng đã thường xuyên làm suy đồi Trung Quốc. Giờ đây đầu tư và các dự án hạ tầng của Trung Quốc đã trải khắp thế giới, làn sóng ngược đãi này đang được cảm nhận bên ngoài biên giới của Trung Quốc.
Zhang Zhiqiang là một trong những nhân vật anh hùng này. Thấp và chắc nịch với tóc lưa thưa phủ xuống mắt, vị luật sư và nhà hoạt động này là một trong những người ủng hộ nhân vật đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2010 bị cầm tù, Lưu Hiểu Ba. Ông là một chuyên gia đấu tranh chống lại sự ngược đãi đối với lao động nông thôn Trung Quốc, những người đã lìa bỏ nhà cửa chỉ với một dúm hành trang trên lưng tìm kiếm một tương lai tốt hơn ở các thị trấn phía đông Trung Quốc. Ông đã đại diện cho hơn 500 khách hàng kể từ năm 2007, khi ông cũng từ bỏ cuộc sống như một mingong - người tha hương - để trở thành hiệp sĩ Robin Hood trong các phòng xử án Trung Quốc. "Tôi bắt đầu nghiên cứu pháp luật năm 1997, khi tôi đang làm việc trong xưởng may ở một công ty sản xuất đồ thể thao đa quốc gia. Ông chủ người nước ngoài của tôi đã khích lệ tôi tiếp tục việc học của mình sau giờ làm việc," ông nhớ lại. Ngày nay, người đàn ông dũng cảm và không biết mệt mỏi này đi khắp Trung Quốc, mặc chiếc áo thun với hình ảnh năm linh vật của Olympic Bắc Kinh bị nhốt sau song sắt, là người bảo vệ tầng lớp "không có quyền": những người bị chà đạp và bỏ rơi dưới đáy xã hội Trung Quốc, đất nước khao khát trở thành cường quốc hàng đầu thế giới trong thế kỷ 21.
Từ năm 2009, Zhang đã thực hiện công việc của mình gần như miễn phí, chỉ nhận chừng 5 hoặc 10 phần trăm số tiền bồi thường nhờ thắng kiện của người lao động bị hại mà nhiều lắm cũng chỉ vài ngàn euro. "Tôi thường làm điều đó miễn phí. Bây giờ tôi cần thu phí một chút để nuôi gia đình, vì số lượng vụ án đã tăng lên nhiều. Nhưng tôi cung cấp tư vấn pháp lý miễn phí qua điện thoại. Mỗi ngày tôi nhận được trung bình ba cuộc gọi," ông giải thích. Nhờ sự can thiệp của chúng tôi, Zhang đã đại diện cho hai ông Liu trong một vụ án công khai chống lại công ty Aolong tại Toà án Nhân dân huyện Vũ Hán ở Hồ Bắc. Thật ngược đời, sau khi hai ông Liu trở về Trung Quốc công ty này đã đệ đơn kiện họ, yêu cầu bồi thường thiệt hại do vi phạm hợp đồng. Đây là lần đầu tiên Zhang tham gia một vụ án xảy ra bên ngoài biên giới Trung Quốc, dù ông dự đoán nó sẽ không phải là vụ cuối cùng. "Chính sách của chính phủ khuyến khích các công ty ra nước ngoài sẽ dẫn đến sự gia tăng loại án này," ông lập luận, tự hào kể với chúng tôi ông thua "chỉ năm vụ" trong toàn bộ sự nghiệp của mình.
Vào ngày 10 tháng 12 năm 2010, hệ thống tư pháp Trung Quốc chỉ đền bù một phần cho sự đau khổ của hai ông Liu. Tòa án buộc thanh toán 19.180 nhân dân tệ (khoảng 2.000 euro) tiền lương chưa trả cho Liu Senlin, người công nhân kỳ cựu từng làm việc ở Iraq thời Saddam Hussein. Trước đó, thẩm phán cũng buộc thanh toán 25.000 nhân dân tệ (khoảng 2.600 euro) cho Liu Jianxin, bạn đồng hành của ông trong cuộc phiêu lưu châu Phi. Hai công nhân còn lại, Ru Liyin và Li Gao, lúc đầu thua vụ án, đã ký một văn bản sau khi trở về Trung Quốc miễn trừ cho công ty không phải thanh toán bất kỳ khoản bồi thường hay tiền lương chưa trả nào. Đáng chú ý là, sự ngược đãi của Aolong hoàn toàn không bị trừng phạt và hoạt động bất hợp pháp của công ty không làm cho họ mất gì về mặt pháp lý và mất rất ít về mặt lao động. Vào cuối tháng 8 năm 2012, công ty này vẫn chào mời công việc ở châu Phi cho người lao động ở Hồ Bắc bằng các quảng cáo hấp dẫn trên tờ Chutian Dushibao và các tờ báo và trang mạng lớn khác. Văn phòng của công ty ở châu Phi vẫn là bãi mìn của sự ngược đãi.27 Không có gì thay đổi trong đất nước của những thay đổi chóng mặt.
CƠ QUAN XUẤT KHẨU LAO ĐỘNG
Hai ông Liu và các đồng nghiệp của họ rơi vào tay của Lei Youbin sau khi bị một quảng cáo hấp dẫn trên tờ báo địa phương quyến dụ. Tuy nhiên, nhiều người di cư khác như họ được tuyển dụng theo nhiều cách đáng ngạc nhiên. Khi đi dọc con đường quê của tỉnh Trùng Khánh Trung Quốc, Liu Ning không hề nghĩ ông đang làm một nhiệm vụ có nguồn gốc lịch sử sâu sắc. Công việc của ông có từ trăm năm trước: công việc của "thợ săn người di cư." Mỗi ngày ông lái chiếc xe hơi nhỏ của mình đi tìm kiếm công nhân xây dựng chiếc đập tiếp theo tại Ecuador, hay một con đường ở Sri Lanka, hoặc một sân vận động ở Guinea. Trong những ngôi làng hẻo lánh nhất của Trung Quốc, nơi có tỉ lệ thất nghiệp đạt hai con số, Liu Ning sử dụng kỹ năng giao tiếp tuyệt vời của mình để thuyết phục người lao động, thợ vận hành máy, nông dân và những người thất nghiệp đến Cộng hòa Dân chủ Congo đầy nguy hiểm hay sa mạc Karakum bí ẩn ở Turkmenistan. "Tôi đang tìm thợ vận hành máy, giám đốc kỹ thuật và lao động nông thôn. Chúng tôi hứa trả họ mức lương từ 5.000 đến 9.000 nhân dân tệ và một hợp đồng hai hoặc ba năm," ông giải thích.
Wang Yinqiong, thợ mộc từ Trùng Khánh, là một trong những công nhân tiềm năng này. Ông thấp gầy và thân thiện. Ông có bộ ria mỏng, mặc chiếc áo khoác và quần lính, đã trải qua nhiều gian khổ. Ở tuổi mười hai, khi Trung Quốc đang ở đỉnh cao của quá trình mở cửa kinh tế, ông đến Hồ Bắc làm thợ sơn và trang trí ở một công trường xây dựng. Đó là việc làm đầu tiên của ông. Ông kiếm được chỉ một nhân dân tệ (10 cent euro) cho một ngày trang trí các bức tường của cái sẽ trở thành nước Trung Quốc mới. Kể từ đó, ông và đất nước của ông đã đi theo những con đường khác nhau trong đời. Đất nước này đã biến đổi không còn nhận ra, mặc dù các yếu tố cấu trúc cơ bản của nó vẫn giữ nguyên. Mặt khác, đối với Wang, không có nhiều thay đổi. Giờ đây ông đã kết hôn và có hai con, nhưng bất ổn kinh tế vẫn còn ám lấy ông như một lời nguyền. Ông đã đi không mệt mỏi, qua nhiều tỉnh thành của Trung Quốc để tìm kiếm một công việc tốt hơn, được trả thêm vài xu một giờ hoặc một cơ hội sẽ thay đổi cuộc sống của ông và gia đình ông. Ông đã đi hàng ngàn cây số trên tàu lửa chen chúc hay đi bộ, chịu đựng giá rét và kiệt sức với túi đồ lề trên lưng. Ông đã đi xe buýt ở một đất nước Trung Quốc còn chưa được kiến thiết, chạy sâu vào các thung lũng xung quanh lưu vực sông Dương Tử và dọc theo bờ biển bất tận của Trung Quốc với hàng triệu nhà máy và công xưởng. Chỉ một lần ông đi máy bay, khi một vị khách giàu có trả tiền vé cho ông.
Cuộc sống của Wang có thể được tóm tắt là cuộc đấu tranh liên tục chỉ để có thể đắp đổi qua ngày. Ông bốn mươi tư tuổi; hành trình tìm việc giờ đây đã đưa ông đến một túp lều, sống với hai đồng nghiệp trên công trường xây dựng tòa nhà chọc trời tại Trùng Khánh. Trong thành phố bức bối và ồn ào với hơn 32 triệu dân, ùn tắc giao thông liên tục và ô nhiễm kinh hoàng, ba người đàn ông chia sẻ mọi thứ: ba chiếc giường lót ván không có nệm, một bếp điện nhỏ, một nồi nấu ăn, một bóng đèn lờ mờ treo trên trần và bột amiăng chống mưa dột. Trong bốn bức tường lót tấm nhựa để chống thấm và thức ăn thừa rải rác khắp căn lều, họ sống chỉ trên mức đói nghèo. Wang trả một giá cao để có mức lương tháng khoảng 200 euro, khi ông chấp nhận chỉ được đoàn tụ với gia đình một lần một năm. "Trong năm năm qua, tôi chỉ gặp vợ và hai con vào dịp tết Trung Quốc," ông nói với chúng tôi. Do đó sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở nước ngoài có vẻ là cơ hội tuyệt vời để dứt bỏ cuộc sống khó khăn này. Và, thế là, Wang đã quyết định thử vận may ở Angola.
Ông đã được đảm bảo sẽ nhận tiền lương cao hơn nhiều lần bằng cách tham gia vào việc tái thiết Angola, cùng với 300.000 đồng hương ước tính sẽ làm việc ở đó.28 Ông đã quyết định một vài tháng trước khi anh rể của ông, người đã di cư sang Algeria, nói với ông về mức lương cao chào mời. Đồn đãi truyền miệng là vô địch ở Trung Quốc. Khả năng chắc chắn tăng gấp bốn lần thu nhập đủ để thuyết phục Wang: ông đi thẳng đến chỗ đăng ký tuyển dụng để ký hợp đồng với một công ty Trung Quốc tại Angola. "Tôi muốn đi Angola vì ở đó họ sẽ trả lương cao cho tôi. Với tôi nước nào cũng được miễn là họ trả lương cao," ông xác nhận với chúng tôi. Mặc dù chưa bao giờ đặt chân lên châu Phi, ông đã có một kế hoạch: làm việc hết sức để kiếm 100.000 nhân dân tệ, hay 13.000 euro. Ông đinh ninh rằng số tiền này sẽ trả học phí cho con trai út của ông, đang mười tuổi, từ đó đặt nền móng cho con có một cuộc sống tốt hơn cuộc sống của ông. "Tôi không muốn chúng trở thành người lao động tha hương như tôi. Tôi muốn chúng có thể sống một cuộc sống đàng hoàng," ông kết luận. Nếu còn dư đồng nào, ông nói với chúng tôi, ông muốn mở một cửa hàng giày ở quê nhà, Zhong Xiau.
Wang đã trả 14.000 nhân dân tệ cho công ty của cô Lei Lin ở Trùng Khánh, để công ty có thể bắt đầu thực hiện các chuẩn bị cần thiết biến giấc mơ của ông về "thế giới mới" thành hiện thực. Giám đốc công ty Meilian trong độ tuổi ba mươi và nói được tiếng Anh cơ bản. Cô thành lập công ty vào năm 2002 và đã đưa người di cư Trung Quốc ra nước ngoài trong sáu năm qua. Công ty đã đưa đi một ngàn công nhân, hầu hết đến châu Phi, và đã thành lập khoảng một chục văn phòng tại nhiều quận huyện ở Trùng Khánh. Công ty chỉ chấp nhận lao động nam giới trong độ tuổi từ ba mươi đến bốn lăm, và muốn họ tích cực trong công việc chứ không phải khát vọng kiếm được nhiều hơn. Đa số ứng viên là lao động chân tay có kinh nghiệm, lương thấp nhưng sinh viên đại học cũng nộp đơn để đi Nhật Bản hay Singapore làm việc trong các ngành dịch vụ, đóng gói hay khách sạn. Ví dụ, đầu bếp có cơ hội đi khắp thế giới nhờ vào sự hấp dẫn hiện nay của ẩm thực Trung Quốc. Ủng hộ của gia đình và tính cách mạnh mẽ là những yếu tố cần thiết. "Nhiều công nhân vui mừng với ý tưởng đi làm việc ở nước ngoài. Nhưng họ phải có khả năng làm công việc rất nặng nhọc," Lei Lin cảnh báo chúng tôi.
Hiện có 982 công ty xuất khẩu lao động đăng ký tại Trung Quốc - và hàng ngàn công ty khác hoạt động không chính thức29 - là những người kế tục tự nhiên của các "nhà tuyển dụng" thế kỷ 19 ở Trung Quốc. Ngày nay các công ty sử dụng quảng cáo trên báo và các kênh truyền hình địa phương để thực hiện chính công việc một thời từng được đảm nhận bởi những người gom đầy di dân ở các cảng Hồng Kông, Sán Đầu (Quảng Đông) và Hạ Môn (Phúc Kiến) chuẩn bị dấn thân vào một đời nợ nần để có cơ hội thử vận may của họ bên kia biển Hoàng Hải hoặc thậm chí ở Cuba xa xôi. Tuyển dụng được thực hiện bằng cách truyền miệng, tờ rơi và quảng cáo hay thông qua các công ty như Liu Ning trên khắp Trung Quốc dùng loa mời gọi người di cư tiềm năng đến cuộc họp ở sân làng, với sự chấp thuận hoàn toàn của những người đứng đầu thôn làng và tổ chức Đảng địa phương. "Nhân viên của chúng tôi đi từng nhà cố thuyết phục người dân địa phương," Lei nói với chúng tôi. "Có hai loại người di cư. Những người không có kinh nghiệm làm việc muốn ra nước ngoài; chúng tôi sẽ huấn luyện họ. Còn những công nhân lành nghề chưa bị thuyết phục; chúng tôi sẽ cố thuyết phục họ, dù mất thời gian."
Lý do của sự miễn cưỡng này là hệ thống trả lương cho người lao động di cư. Thực tế tiền lương được trả nhiều lần để đảm bảo công nhân tiếp tục làm việc cho đến khi kết thúc hợp đồng làm nảy sinh những nghi ngờ dễ hiểu. "Nhiều công nhân không muốn đi châu Phi vì sợ không được trả tiền," Lei thừa nhận, khi chúng tôi nhớ đến vẻ buồn bã trên mặt bốn di dân người Hồ Bắc lúc họ gặp chúng tôi sau khi trở về từ cuộc phiêu lưu Gabon của mình. Chúng tôi cũng nghĩ đến giấc mơ của những người như người thợ mộc Wang Yinqiong, đã làm việc và chịu đựng suốt đời và giờ đây hi vọng bước lên chuyến tàu tiến bộ cuối cùng. Không được trả lương chỉ là một trong chuỗi vụ việc ngược đãi và thường là bất hợp pháp mà các công nhân phải gánh chịu dưới tay nhà tuyển dụng và các công ty đại diện, những người đạt được mục tiêu giảm thiểu chi phí nhân công và thu tiền hoa hồng bằng cách ký với người lao động tiềm năng những hợp đồng lao động bảo vệ người chủ thay vì bảo vệ người lao động. Hợp đồng lao động "kiểu mẫu" như hợp đồng của công ty Meilian sử dụng để thuyết phục công nhân của họ cam kết đối với một dự án rõ ràng là sự quyến dụ của ngược đãi và bất công.30
"Rất nhiều hợp đồng không thỏa đáng," Geoffrey Crothall của tờ Bản tin Lao động Trung Quốc31 giải thích khi đề cập đến thực tế là các văn bản này chẳng cung cấp gì cho các công nhân ngoài mức bảo vệ khiêm tốn của pháp luật. "Thật khó để thấy các công ty cung ứng lao động ở nước ngoài đã thực sự làm gì để giúp đỡ quyền lợi của người lao động. Tất tật bọn họ chỉ quan tâm đến hoa hồng của mình." Các nhu cầu kinh tế khẩn thiết của người di cư như Wang Yinqiong hay hai ông Liu, cùng với sự tham lam của các công ty tuyển dụng và sự thờ ơ của các chính quyền cấp tỉnh ở Trung Quốc, khuyến khích xuất khẩu lao động Trung Quốc đơn giản chỉ để giảm tỉ lệ thất nghiệp của địa phương,32 rõ ràng tất cả dồn hết phần bất lợi cho người di cư. Dù các công ty tuyển dụng tồn tại hoàn toàn vì lý do thương mại, chúng được sự hỗ trợ nhiệt tình của lãnh đạo tỉnh chịu trách nhiệm quản lý những vùng có tỷ lệ thất nghiệp cao. Không phải ngẫu nhiên mà các cơ quan tuyển dụng bắt đầu mọc lên như nấm ở Trùng Khánh: khu vực có 1,5 triệu người lao động chỉ riêng trong ngành xây dựng.33 Vấn đề đặt ra là, các nhà chức trách Trung Quốc làm gì để giảm thiểu các trường hợp ngược đãi tiềm tàng?
Ngồi trong chiếc ghế da, Xiong Yaozhi lúng túng bất an mỗi khi chúng tôi đưa ra câu hỏi. Ông là người đứng đầu ban lao động di cư ở nước ngoài thuộc một cơ quan chính quyền, Ủy ban Kinh tế và Thương mại đối ngoại quận Trùng Khánh, có nhiệm vụ thúc đẩy, hỗ trợ và giám sát quan hệ giữa các công ty tuyển dụng, công ty sử dụng lao động và người lao động. Nói cách khác, cố gắng áp đặt trật tự lên quá trình gây ra ngược đãi mà - thông thường - những thành viên yếu nhất của xã hội phải gánh chịu. Xiong lịch thiệp nhưng ăn nói khôn khéo, và ông bắt đầu cuộc phỏng vấn bằng cách tấn công: "Các nhà báo nước ngoài luôn hiểu lầm Trung Quốc." Không rời mắt khỏi các báo cáo nằm trên bàn của mình, ông cũng thẳng thừng nói với chúng tôi "nhiều người châu Phi rất vô kỷ luật, chưa nói đến lười biếng." Khi chúng tôi hỏi ông tại sao Trung Quốc đưa công nhân trong nước đi khắp hành tinh, ông đề cập đến tốc độ của các dự án. "Các dự án cơ sở hạ tầng lớn cần phải được thực hiện nhanh chóng và công nhân Trung Quốc có khả năng làm việc nhanh chóng hơn."
Kiểu suy nghĩ ấy phát huy đến tận các cấp cao nhất của chính quyền Trung Quốc. "Đó là một cách để đảm bảo các dự án được hoàn thành đúng thời hạn," phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc lúc đó, Tần Cương, đã trả lời mập mờ khi chúng tôi gặp ông tại Đại học Oxford vào mùa xuân năm 2011. Trong thực tế, một hình thức lập luận thường thấy của các viên chức chính phủ, nhà ngoại giao, doanh nhân và học giả Trung Quốc biện minh cho việc đưa công nhân Trung Quốc ra nước ngoài bằng cách cho rằng không có người lao động đạt yêu cầu ở quốc gia tiếp nhận, hoặc nếu có cũng không hiệu quả bằng công nhân Trung Quốc. Cách biện minh này, đôi khi gần như bài ngoại, có thể có giá trị trong trường hợp của một số nước như Angola hay Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi chiến tranh đã khiến thâm hụt lớn nguồn nhân lực. Tuy nhiên, lập luận này không đứng vững ở các nước như Iran, Mozambique hay Costa Rica, những nơi chúng tôi thấy lập luận nói trên vẫn được sử dụng tương tự, bất chấp sự dư thừa lao động ở các nước này. Ví dụ, ở Cuba, các quan chức chính phủ Trung Quốc sử dụng lập luận "người dân Cuba không được khuyến khích bởi mức lương thấp do hệ thống xã hội chủ nghĩa áp đặt cho họ" để bảo vệ thực tế các khoản đầu tư của Trung Quốc ở hòn đảo này luôn đi kèm với lực lượng lao động Trung Quốc. Chuỗi lý do này dẫn đến một hiện tượng hẳn là độc đáo - xuất khẩu ồ ạt công nhân - vốn tự nó nói lên rất nhiều về cảm nhận dành cho Trung Quốc của những người không phải là người Trung Quốc
Sau nửa giờ trò chuyện, Xiong có vẻ thoải mái hơn. Ông châm một điếu thuốc và bắt đầu nói một cách tự tin hơn. Ông đoan chắc với chúng tôi cơ quan ông đang cố gắng giám sát các hợp đồng lao động để đảm bảo chúng sẽ không khai thác nhược điểm hay sự thiếu hiểu biết của công nhân bằng cách mời chào họ với mức lương cao phi lý - đôi khi đến 8000 euro - hay điều kiện làm việc không công bằng.34 Tiếp theo ông trả lời câu hỏi về quyền lợi của công nhân di cư. Ông bắt đầu bằng cách theo sát đường lối chính thức của Đảng, nhưng dần dần điều này bắt đầu thất bại. "Chính sách của Trung Quốc là ưu tiên người dân. Người di cư là người dân và chúng tôi phải chăm sóc họ," ông nói theo kiểu cha chú. Tuy nhiên, ông thừa nhận "một số công ty cố lợi dụng và không xét đến một số vấn đề như an toàn hay trả lương. Các công nhân có điều kiện tốt thì vui vẻ, nhưng một số công ty thậm chí không bảo đảm được các điều kiện làm việc cơ bản. Đó là lúc công nhân đình công," ông thừa nhận. Tuy vậy, điều có vẻ lạ là người lao động Trung Quốc ở giữa châu Phi có thể thực hiện quyền đình công, nhưng không thể làm như vậy ở Trung Quốc. "Một số người di cư đã làm việc ở nhiều nước. Họ hoàn toàn hiểu rõ tình hình nơi làm việc và rất nhạy cảm. Họ bắt đầu tiến hành đình công vì cả những vấn đề nhỏ nhất," ông kết luận.
Cuối cùng, chúng tôi hỏi ông về vai trò của chính quyền trong việc đảm bảo các quyền tại nơi làm việc. "Khi có một cuộc xung đột, chúng tôi làm việc với chính quyền địa phương để giải quyết. Ví dụ, chỗ ở không đủ hay có vấn đề về chất lượng thực phẩm. Phần lớn chúng tôi can thiệp khi công nhân bị trả lương trễ hay không được trả lương." Trong trường hợp có vấn đề về hợp đồng, bảo lãnh, hay quyền lao động, Xiong cho rằng quyền lợi của công nhân phụ thuộc vào khả năng duy trì pháp luật của các nước liên quan. "Về mặt kỹ thuật, họ nên tuân theo quy trình pháp luật hiện hành ở quốc gia đó. Tuy nhiên, một số quốc gia châu Phi có một hệ thống pháp lý chỉ ở mức cơ bản, rất yếu và không duy trì được luật pháp. Không thể làm được gì trong những trường hợp này," ông thừa nhận. Trong những tình huống này, giải pháp duy nhất còn lại cho người công nhân bị tước đoạt là nhờ đến sự bảo vệ của các tòa án Trung Quốc, cho dù không phải lúc nào cũng làm được việc đó. Còn đối với các tòa án, chúng tôi từng chứng kiến ý thức công lý của họ là thứ gì vào thời điểm phải lựa chọn giữa kẻ mạnh và người yếu.
No comments:
Post a Comment