October 9, 2018

Nghiên cứu Chính trị bình dân (4)

Phần IV

Các chủ nghĩa


Có câu nói rằng trong XH loài người, tôn giáo và chính trị là hai thứ gây chia rẽ nhất, và đó cũng là thứ mà người ta dễ sống chết vì nó nhất. Đúng như thế, nhưng cội nguồn, cái gốc gây chia rẽ chính là nền tảng lý luận của tôn giáo và chính trị. Đối với chính trị thì đấy là ý thức hệ hay chủ nghĩa.


Trong phần này chúng ta sẽ xem xét các ý thức hệ hay chủ nghĩa và hai khái niệm mà đối với người Việt còn khác mơ hồ: tự do và bình đẳng.

Chương I

Thế nào là một chủ nghĩa

Chủ nghĩa đồng nghĩa với ý thức hệ hay hệ tư tưởng tiếng Anh - ideology, còn từ chủ nghĩa thường kết thúc bằng ism (trong tiếng Pháp là isme). Tùy ngữ cảnh, ta có thể dịch từ có hậu tố ism thành học thuyết, chủ thuyết, thuyết, luận, đường lối, phương pháp, tư tưởng, chế độ, chủ nghĩa, ý thức hệ, hay đạo.

ĐỊNH NGHĨA
Tương tự như các khái niệm chính trị khác, “ý thức hệ” cũng có nhiều định nghĩa.

Ban đầu, khái niệm này do Destutt de Tracy đưa ra (1796) với nghĩa là “môn khoa học nghiên cứu về ý thức”, “ý thức học”, tức không liên quan gì tới chính trị. Có lẽ Karl Marx là người đã chính trị hóa nó khi tuyên bố: “Các quan điểm chính trị chỉ có thể là khoa học hoặc ý thức hệ. Chủ nghĩa của ta là khoa học”. Tức là, đối với Marx, chủ nghĩa Marx (Marxism) không phải là ý thức hệ mà là khoa học. Từ đó, ý thức hệ mất ý nghĩa ban đầu và trở thành khái niệm chính trị như ta đang thấy.

Định nghĩa theo quan điểm hiện đại: Ý thức hệ là hệ thống niềm tin dẫn dắt hành động chính trị. Cụ thể hơn nữa, ý thức hệ là tập hợp các quan điểm, quan niệm có liên hệ qua lại với nhau, dẫn dắt hoặc tạo cảm hứng cho các hành động chính trị.

Sự khác nhau giữa một ý thức hệ và một quan điểm hay quan niệm là gì? Nhà chính trị học Roy C. Macridis cho rằng có 4 tiêu chí để phân biệt sau đây:

1. Tính tổng quát (comprehensiveness). Một ý thức hệ hoàn chỉnh phải bao gồm những quan điểm, quan niệm về những vấn đề lớn lao, như vị thế của con người trong vũ trụ, quan hệ của con người với Chúa, lịch sử, những mục tiêu to lớn nhất của XH và chính quyền, bản chất của con người và những cách tốt nhất để đạt được các mục tiêu XH và chính trị lớn nhất. Những quan điểm đó phải nhất quán với nhau và thường là phải có một tổ chức lớn để thực hiện.
2. Tính lan tỏa (pervasivness). Tập hợp những quan điểm, quan niệm của ý thức hệ phải được biết đến không chỉ từ rất lâu mà phải hình thành niềm tin chính trị và hành động chính trị của rất nhiều người.
3. Tính rộng khắp (extensiveness). Tập hợp những quan điểm, quan niệm đó phải được nhiều người chia sẻ và phải có vai trò quan trọng trong nền chính trị của 1 hoặc nhiều quốc gia.
4. Tính mạnh mẽ (intensiveness). Tập hợp những quan điểm của ý thức hệ phải thu hút được sự dấn thân của nhiều người theo đuổi nó và phải gây ảnh hưởng đáng kể đến những niềm tin và hành động chính trị của họ.

Nói tóm lại, ý thức hệ, đạo, hay chủ nghĩa là một đường lối, một con đường có tính tổng quát, lan tỏa, rộng khắp, mạnh mẽ, thu hút được đông đảo người đi theo.

Trong những bài sau chúng ta sẽ sẽ xem xét một số ý thức hệ hay chủ nghĩa được biết đến nhiều từ trước tới nay.

Chương II

Chủ nghĩa tự do

Chủ nghĩa tự do mà ta bàn ở đây là CN TD cồ điển. Đó lá ý thức hệ dựa trên việc tôn sùng chủ nghĩa cá nhân, lòng bao dung, đồng thuận. Nó là sản phẩm triết học của phương Tây thời tiền công nghiệp, cuối TK XVIII.

CÁC THÀNH TỐ CHÍNH CỦA CN TD

1. Chủ nghĩa cá nhân.
Gọi là “CN” có nghĩa là nó cũng là một ý thức hệ, tức là một tập hợp các quan điểm, quan niệm. Tôn vinh CN cá nhân được coi là nguyên tắc cốt lõi của CN TD, không có chủ nghĩa cá nhân thì không có CN TD.

Chủ nghĩa cá nhân:
- Coi cá nhân quan trọng hơn tập thể;
- Coi con người trước hết là những cá nhân bình đẳng vế giá trị;
- Cho rằng XH tốt đẹp là XH để cho mỗi cá nhân phát triển bản thân, theo đuổi lợi ích riêng phù hợp với khả năng của mình.

Tóm lại: Cá nhân quan trọng hơn cộng đồng, sự độc lập của cá nhân với cộng đồng là tốt và cần được khuyến khích. CN Cá nhân không chấp nhận xóa bỏ cái tôi, hòa tan cái tôi vào tạp thể. Lưu ý: Không phải cái CN cá nhân mà ở VN người ta hay lên án, cái ở VN lên án và gọi là Cá nhân chủ nghĩa thực chất là lòng tham và ích kỉ.

2. Tự do.
Đây là giá trị cốt lõi của CN TD. Theo triết lý của CN TD thì tự do cao hơn cả bình đẳng và công lý. Tuy nhiên, CN TD vẫn chấp nhận “tự do trong khuôn khổ của pháp luật” để tự do của người này không ảnh hưởng tới tự do của người khác.

Tự do là khái niệm phức tạp. Một trong những quan điểm về tự do được nhiều người chỉa sẻ là của John Suart Mill (1806-1873): “Tự do là quyền được làm tất cả những gì mình muốn, miễn là không ảnh hưởng tới quyền tự do của người khác”.

Năm 1958, Isaiah Berlin (1909-1997) đưa ra hai khái niệm về tự do: Tự do không và tự do có.
Theo Berlin, tự do “Không” là cách hiểu chung của những người như J.S. Mill, Hobes, J. Locke, von Hayek, von Mises… về tự do, theo đó, tự do là khả năng làm bất cừ điều gì mình muốn mà KHÔNG có sự can thiệp từ bên ngoài. Từ gốc trong tiếng Anh là “negative freedom”, có nghĩa là tự do mà KHÔNG có sự can thiệp từ bất cứ ai/cái gì ở bên ngoài. Hiểu như vậy thì tự do không (negative freedom) mới là tự do tuyệt đối.

Friedrich von Hayek (1899-1992) cho rằng hình thức can thiệp, phá hoại tự do nhất là cưỡng chế, cưỡng ép – tức là hành động của có chủ ý của một/những cá nhân khác nhằm khống chế, kiểm soát môi trường hoặc hoàn cảnh , không cho cá nhân khác hành động theo ý mình.

Từ việc tự do KHÔNG hàm ý không có sự can thiệp, có thể suy ra rằng tự do CÓ lả thứ tự do có điều kiện. Tự do CÓ là việc 1 người có thể và thực sự có khả năng hành động theo ý nguyện của mình.
Theo các hiểu tự do KHÔNG thì người tàn tật, ví dụ bại liệt, không đi được vẫn là người tự do. Theo các hiểu tự do CÓ thì người này không có tự do (không thể đi lại được nếu không được giúp đỡ).

Từ hai các hiểu tư do nói trên, có thể thấy:
1. Những người theo thuyết tự do KHÔNG, muốn nhà nước tôn trọng tự do của người dân, tức là nhà nước tối thiểu, ít can thiệp nhất có thể.
2. Những người theo thuyết tự do CÓ, lại cho rằng nhà nước tôn trọng tự do của người dân là nhà nước có những biện pháp nhằm thúc đẩy XH theo hướng họ muốn, ví dụ, xóa đỏi giảm nghèo, đánh thuế nhằm điều chỉnh thu nhập…
Isaih Berlin cho rằng các hiểu về tự do theo nghĩa tự do CÓ thật ra là rất nguy hiểm vì nó gợi ý khả năng một hoặc một số người có quyền phán xét ai đang tự do, còn ai đang không tự do. Trên bình diện XH, nó mở đường cho việc nhà nước can thiệp, định hướng và kịch bản tồi tệ nhất sẽ là chế độ độc tài toàn trị.

3. Lý trí, sự duy lý
Chủ nghĩa tự do cho rằng mỗi cá nhân đều có khả năng đưa ra các quyết định duy lý, có lợi cho mình. Do đó, triết lý này tin rằng con người có thể giải quyết khác biệt thông qua tranh luận, chứ không cần dùng bạo lực. Dựa trên nền tảng chũ nghĩa tự do, các nhà kinh tế học cổ điển và tân cổ điển cho rằng bản chất của con người là duy lý, tự chủ và tư lợi (theo đuổi tư lợi), và một cách tự nhiên, trong quá trình con người hành động duy lý vì lợi ích cá nhân, xã hội cũng được lợi và trở nên thịnh vượng.

Như vậy, CN TD cho rằng duy lý là một phẩm chất tốt. Người duy lý là người hành động một cách có lý, có logic, chứ không cảm tính, thậm chí bản năng như con vật. Nhưng thực ra, con người không phải lúc nào cũng duy lý. Nhiều người thường làm những hành động có hại cho mình, ví dụ như uống quá nhiều rượu bia, hút thuốc lá.. mặc dù họ biết rằng đấy là những thứ có hại. Gustave Le Bon, sau khi nghiên cứu hành vi của đám đông, đã nhận xét rằng, trong đám đông, người ta thường rơi vào tình trạng bày đàn.

“Người duy lý thích nghi với thế giới. Người phi lý trí kiên trì, cố gằng làm cho thế giới thích nghi với mình. Do đó mọi sự tiến bộ đều trông cậy vào người phi duy lý” – Berbard Shaw.
Nhưng duy lý vẫn là đặc trưng của CNTD.

4. Bình đẳng
Tuyên ngôn độc lập Mỹ viết: “Tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng”. Nhưng thực ra, mọi người không bình đẳng với nhau: xuất thân khác nhau, tài năng, sức khỏe khác nhau… Song, muốn cho xã hội ổn định, hòa bình thì xã hội phải coi mọi người là bình đẳng; nếu XH cho người này/nhóm người này được làm việc này, hay việc kia và không cho người kia/nhóm người kia làm những việ đó thì trước sau gì cũng sẽ có bạo loạn, mất ổn định…

Có hai khái niệm hay hai loại bình đẳng:
- Bình đẳng về cơ hội, bình đẳng trước pháp luật
- Bình đẳng về kết quả

CN TD cố súy cho bình đẳng về cơ hội, bình đẳng trước pháp luật. Ví dụ, hai người cùng tốt nghiệp trung học thì đều được thi đại học, không phụ thuộc vào giới tính, tuổi tác, đảng phái… hay 2 người cùng phạm 1 tội thì đều bị xét xử như nhau..v.v.

Trong khi đó, những người XHCN và CS lại cổ súy cho bình đẳng về kết quả. Có 2 cách làm: A. cào bằng ở đầu vào (ví dụ như cải các ruộng đất), B. làm cho mọi người đều được hưởng kết quả như nhau (ví dụ như hợp tác hóa nông nghiệp).

5. Tinh thần khoan dung, chấp nhận
Khoan dung là sẵn sàng để người khác suy nghĩ, nói và hành động theo cách mà mình không tán thành. CN TD cổ súy cho đa nguyên và tự do quan điểm, cũng có nghĩa là tính khoan dung, bao dung là thuộc tính bắt buộc của nó.

6. Đồng thuận
CN TD cho rằng quyền lực và quan hệ XH phải dựa trên nguyên tắc đồng thuận: tự nguyện thỏa thuận và tự nguyện đồng ý. XH vận hành trên cơ sở khế ước được mọi người đồng thuận. Còn tổ chức thì vận hành trên cơ sở điều lệ được mọi người đồng thuận.

7. Hợp hiến
Hợp hiến, tuân thủ hiến pháp, hay dịch sát nghĩa từ “constitutional” là mang tính chất hiến pháp, nghĩa là mang tính chất một thứ luật cơ bản, nguồn của các bộ luật, quy định về tổ chức bộ máy nhà nước, quyền hạn của nhà nước, quan hệ của nhà nước với người dân và quyền của người dân (nhân quyền, dân quyền).

Nói cách khác, hợp hiến tức là cho rằng quyền lực của nhà nước phải bị giới hạn để nhà nước không lạm quyền và do đó, đảm bảo được nhân quyền. Chủ nghĩa lập hiến (Constitutionalism) là ý thức hệ cho rằng quyền lực cũ nhà nước phải bị giới hạn để nhà nước không lạm quyền và do đó, đảm bảo được nhân quyền.

Bàn thêm của Phạm Nguyên Trường

Phần trình bày của Phạm Đoan Trang về Chủ nghĩa tự do đến đây là hết. Nhưng xét thấy, chủ nghĩa tư do là tư tưởng rất quan trọng đối với những người muốn thúc đẩy dân chủ và tự do ở VN, cho nên tôi xin nói thêm một số điểm sau đây. Phần này được rút ra từ tác phẩm Bàn Về Tự Do của Ludwig von Mises (PNT dịch, NXB Tri Thức, 2013).

CN TD là học thuyết nói về hành vi của con người trong thế giới này. Nói cho cùng, nó không có mục đích nào khác ngoài việc gia tăng phúc lợi về mặt vật chất của con người; nó không quan tâm tới nhu cầu nội tâm, tinh thần và siêu hình học của con người. Nó không hứa hẹn mang đến cho con người hạnh phúc hay an lạc, nó chỉ mang đến sự thỏa mãn tối đa những ước muốn [có thể thỏa mãn được] bằng vật chất.

Lưu ý: Đây là CN TD được xây dựng trên cơ sở học thuyết đạo đức có tên là “ chủ nghĩa công lợi’ hay “nguyên lí lợi ích công cộng”. Nguyên lí này nói rằng, suy cho cùng tiêu chí DUY NHẤT để phân biệt những đạo luật và thể chế là xấu hay tốt là HẠNH PHÚC mà các đạo luật và thể chế này mang lại cho cộng đồng.

Nhưng ý tưởng, theo đó “hạnh phúc” là mục đích tối thượng của con người trên trần gian và do đó, là tiêu chí đánh giá các đạo luật và thể chế đã gây lấn cấn cho nhiều nhà tư tưởng. Theo các nhà tư tưởng này, một thể chế là tốt hay chính đáng nếu nó “phù hợp” với/hay do “đòi hỏi” của các quyền tự nhiên (pháp quyền tự nhiên - Natural Law), tức là “quyền sống, quyền tự do và quyền tư hữu”.
Cả hai học thuyết này đều dẫn đến những chính sách tương tự nhau mà ta gọi là chủ nghĩa tự do.

Trong tác phẩm Bàn Về Tự Do, Ludwig von Mises cho rằng trên lá cờ của CN TD, SỞ HỮU phải là hàng chữ đầu tiên.

1. Sở hữu
Hợp tác, phân công lao động và trao đổi những sản phẩm mà một người/nhóm người/quốc gia làm ra, làm cho năng suất lao động gia tăng và vì thế mà phúc lợi của các thành viên trong XH cũng gia tăng.
Bây giờ, chúng ta xem xét hai hệ thống hợp tác khi có sự phân công lao động: Một đằng dựa trên sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, và một đằng dựa trên sở hữu công cộng tư liệu sản xuất. Hệ thống dựa trên sở hữu công cộng tư liệu sản xuất được gọi là CNXH hay CNCS, còn hệ thống kia được gọi là CN TD hay CNTB. Những người theo phái TD khẳng định rằng trong XH dựa trên sự phân công lao động thì sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất là hệ thống hợp tác giữa người với người hiệu quả nhất. Họ cho rằng CNXH là hệ thống không hiệu quả, sẽ dẫn tới giảm năng suất lao động, cho nên không những không tạo ra nhiều của cải hơn, mà ngược lại, chắc chắn sẽ làm cho của cải ít đi.
Vì vậy, cương lĩnh của CN TD, nếu thu gọn bằng một từ, sẽ là SỞ HỮU, nghĩa là sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất.

2. Tự do.
Người ta có thể đặt bên cạnh từ “sở hữu” trong cương lĩnh của CN TD hai từ “tự do” và “hòa bình”.
Khái niệm “tự do” đã được PĐT trình bày khá đầy đủ và khá kĩ. Chỉ xin nói thêm rằng, nếu nhìn từ quan điểm công lợi thì người lao động “tự do” có năng suất lao động cao hơn người “nô lệ”. Có thể nói: “Mức độ tự do của XH quyết định mức độ thịnh vượng của XH đó”.

3. Hòa bình
Có những người cao thượng, họ phản đối chiến tranh, vì chiến tranh là tàn phá, là chết chóc và đau khổ. Lại có người cho rằng chiến tranh mang lại đau khổ, nhưng chỉ có chiến tranh mới giúp nhân loại tiến bộ. Một nhà triết học Hi Lạp từng nói, chiến tranh là cha đẻ mọi thứ trên đời. Hòa bình làm cho con người thoái hóa, chỉ có chiến tranh mới đánh thức được tài năng và sức mạnh đang ngủ yên trong mỗi con người. Không có chiến tranh, nhân loại sẽ rơi vào tình trạng lười nhác và đình trệ.

Lập luận của những người theo phái tự do nhằm chống lại những luận cứ ủng hộ chiến tranh khác hẳn với lập luận của những người theo chủ nghĩa nhân đạo. Nó xuất phát từ tiền đề rằng không phải chiến tranh mà hòa bình mới là cha đẻ của mọi thứ trên đời. Chỉ có lao động mới tạo ra của cải, chiến tranh chỉ tàn phá, chiến tranh không thể tạo dựng bất cứ thứ gì.

Tác hại của chiến tranh đối với sự phát triển của nền văn minh nhân loại sẽ càng trở nên rõ ràng hơn sau khi người ta hiểu được lợi ích của phân công lao động. Trong xã hội phân công lao động, mỗi cá nhân đều có chức năng riêng; không ai còn có thể tự cấp tự túc được nữa, vì tất cả mọi người đều cần sự giúp đỡ và ủng hộ của người khác. Khi phân công lao động diễn ra trên bình diện quốc gia, thì chiến tranh cũng có nghĩa là dân cư ở cả những vùng rộng lớn sẽ phải sống trong tình trạng thiếu thốn. Khi phân công lao động diễn ra trên bình diện toàn cầu như hiện nay, chiến tranh, nều diễn ra trên diện rộng, thì cả quốc gia thậm chí nhiều quốc gia, dù không tham chiến cũng sẽ bị lâm vào tình trạng đói nghèo.

NHẤN MẠNH CUỐI CÙNG: Như vậy là chủ nghĩa tự do, về chính trị có nghĩa là chế độ dân chủ, còn về kinh tế thì đấy là chủ nghĩa tư bản, kinh tế thị trường tự do.

Tóm lại CNTD cồ súy cho:
1. Sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất,
2. Tư do,
3. Hòa bình,
4. Lý trí, duy lý
5. Bình đẳng,
6. Lòng khoan dung
7. Đồng thuận
8. Hợp hiến...

Xin chào và hẹn gặp lại.

1 comment: