October 3, 2018

Nghiên cứu Chính trị bình dân (3)

Phần III – Dân chủ

Phần này bàn về vấn đề có lẽ thường gặp nhất khi nói đến chính trị dân chủ và những mặt trái của nó.

Chương I

Định nghĩa dân chủ

Có nhiều định nghĩa về dân chủ. Tác giả chọn 2 định nghĩa, một của Austin Ranney, và một của Schmitter và Karl.


ĐỊNH NGHĨA CỦA AUSTIN RANNEY

Dân chủ là hình thức tổ chức chính quyền theo các nguyên tắc sau:
- Quyền quyết định tối cao thuộc về nhân dân;
- Tất cả mọi người đều bình đẳng về chính trị;
- Tất cả mọi người đều được có tiếng nói;
- Đa số thống trị, thiểu số phải theo đa số.


Xin xem xét từng nguyên tắc.

1. Quyền quyết định tối cao thuộc về nhân dân
Nguyên tắc này có nghĩa là: Quyền quyết định tối cao thuộc về tất cả mọi người, chứ không phải một cá nhân (như trong chế độ độc tài cá nhân) hay một nhóm người (độc tài-vua tập thể).

Cần lưu ý 3 điểm chính: 1. Từ “mọi người” là mọi công dân có đủ năng lực hành vi, 2. Quyền quyết định tối cao nhĩa là quyền quyết định cuối cùng trong những quyết định quan trọng của cả cộng đồng, chứ không phải quyền ra quyết định về tất cả các vấn đề, 3. Trong chế độ dân chủ đại diện, người dân ủy quyền cho người đại diện, nhưng nhân dân vẫn nắm quyền quyết định những vấn đề quan trọng thông qua các cuộc bầu cử và trưng cấu dân ý.

2. Mọi người đều bình đẳng về chính trị
Ở đây Austin Ranney chỉ nói “mọi người đều bình đẳng về chính trị”, chứ không phải bình đẳng về tất cả những lĩnh vực khác; bình đẳng về chính có nghĩa là bình đẳng về cơ hội gây ảnh hưởng tới chính sách, cũng tức là tất cả mọi người đều có các quyền chính trị như nhau

3. Tất cả mọi người đều được có tiếng nói
Với nguyên tắc này, mọi chế độ dân chủ đều phải có những cơ chế để mọi người đều được tham vấn, được có ý kiến trong quá trình hoạch định chính sách. Các cơ chế đó là: Truyền thông tự do, giáo dục tự do, tư pháp độc lập, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt…

4. Đa số thống trị, thiểu số phải theo đa số
Đây có lẽ là nguyên tắc đáng chán nhất của dân chủ, khi có mâu thuẫn, bất đồng chính quyền phải theo ý nguyện của đa số, thiểu số sẽ bất mãn.
Vấn đề là phải làm sao mọi người đều đồng ý với nhau về luật chơi, chứ không nhất thiết phải đồng ý với nhau về kết quả.
Quan trọng là, thứ nhất, thiết kế xã hội sao cho trong xã hội đó, một thiểu số có thể bất mãn lúc này lúc khác về một sự kiện nào đó, những không phải là bất mãn về cách chức xã hội vận hành để dẫn đến sự kiện đó và không bất mãn thường xuyên, liên tục.

ĐỊNH NGHĨA CỦA PHILIPPE C. SCHMITTER VÀ TERRY LYNN KARL

Dân chủ là hệ thống quản trị đất nước, trong đó nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm – về tất cả các hoạt động của họ thuộc địa hạt công cộng – trước công dân và công dân thực thi điều đó một cách gián tiếp thông qua hay có sự cạnh tranh và hợp tác giữa những người đại diện cho họ, do họ bầu ra.
Chúng ta sẽ phân tích từng khái niệm trong định nghĩa này:

1. Hệ thống quản trị
Hệ thống quản trị là trả lời câu hỏi người ta có thể nắm giữ các chức vụ trong cơ quan nhà nước chính như thế nào, những ai là người được chấp nhận hoặc bị loại bỏ khỏi tiến trình đó, những người đó phải có những phẩm chất nào, phải là gì để vào được cơ quan nhà nước, khi ra quyết định ràng buộc cả cộng đồng thì phải theo những thể thức, qui tắc nào….
Ta hiểu rằng “hệ thống quả trị” cũng là “hình thái tổ chức chính quyền” trong định nghĩa của Austin Ranney và cũng chính là “chế độ”.

2. Nhà cầm quyền
Nhà cầm quyền hay còn gọi là người cai trị (ruler). Đấy là những người có quyền lực và có thể ra lệnh cho người khác một cách chính danh – nghĩa là được xã hội chấp nhận. Nên nhớ, nhà độc tài cũng có thể ra lệnh cho người khác, nhưng hắn không chịu trách nhiệm về hành động của mình, có thể nói hành động của hắn là không chính danh.

3. Địa hạt công cộng
Từ “công” (public) có nghĩa là “của chung”, ngược lại với “tư” là “của riêng” (private).
Người cai trị trong các chế độ dân chủ phải chịu trách nhiệm trước công dân về hành động, hành vi, lời ăn tiếng nói của mình trong địa hạt công. Còn trong chỗ riêng tư thì phải xét cụ thể từng trường hợp.

4. Cạnh tranh và hợp tác
Một trong những lí do làm nhiều người ghét dân chủ là vì người ta ghét “cạnh tranh”, “lợi ích nhóm”, “phe phái”… Thế nhưng, cạnh tranh giữa các chính trị gia, đản phái.. lại là nhược điểm cần thiết của dân chủ.
Song song với cạnh tranh là hợp tác. Các chính trị gia hay các phe nhóm phải thường xuyên thỏa hiệp, duy trì hợp tác để cạnh tranh với các chính trị gia hay phe nhóm khác. Người dân cũng phải hợp tác với nhau thì mới có thể bảo vệ được mình trước những việc làm sai quấy của chính quyền, không để xảy ra lạm quyền và độc tài.

5. Đại diện
Nếu không phải là dân chủ trực tiếp thì phải có những người đại diện cho mỗi cộng đồng, mỗi nhóm lợi ích. Những người đại diện tham gia vào tiến trình ban hành quyết định.
Những người đại diện là các chính trị gia chuyên nghiệp, coi chính trị là nghề. Xã hội nào cũng có những chính trị gia chuyên nghiệp. Vấn đề chỉ là: những người đại diện được lựa chọn như thế nào và họ có phải chịu trách nhiệm trước các công dân hay không mà thôi.

Chương II

Các hình thức đại diện

Tất cả các chế độ dân chủ hiện nay đều không phải là dân chủ trực tiếp mà là dân chủ đại diện.

ĐẠI DIỆN THEO KHU VỰC ĐỊA LÝ
Đây là hình thức đại diện đơn giản nhất. Các nước được chia thành nhiều khu vực địa lý, gọi là các đơn vị bầu cử. Mỗi đơn vị bầu cử sẽ chọn ra 1 đại diện, được bầu theo đa số phiếu. Ranh giới các đơn vị bầu cử phải được xác định lại và sửa theo định kì cho phù hợp với biến động về nhân khẩu học.

ƯU ĐIỂM của hình thức đại diện này là đơn giản, tiện lợi, cử tri chỉ việc bỏ phiếu để chọn người đại diện trong đơn vị bầu cử của mình. Đây cũng là hình thức đại diện sơ khai nhất và lâu đời nhất.

NHƯỢC ĐIỂM. Hình thức đại diện này có khá nhiều nhược điểm.
Thứ nhất, cục bộ, địa phương. Thứ hai, khi phân chia lại khu vực bầu cử người ta có thể phan chia theo cách có lợi cho đảng phái hay nhóm đang nắm quyền..v.v.

ĐẠI DIỆN THEO TỶ LỆ
Đại diện theo tỷ lệ là mỗi thành phần, mỗi nhóm trong XH đều có đại diện trong các cơ quan dân cử, với số lượng tỷ lệ thuận với dân của thành phần hay nhóm xã hội đó.
ƯU ĐIỂM: Hình thức đại diện này đảm bảo cho các cộng đồng khác nhau đều có đại diện, đều có tiếng nói. Nhưng vấn đề là chia XH theo các nhóm theo tiêu chí nào?
- Theo sắc tộc: VN có tới 54 dân tộc,
- Theo tôn giáo thì VN phải có hàng chục nhóm,..v..v
Tóm lại đại diện theo tỷ lệ cũng có rất nhiều nhược điểm

ĐẠI DIỆN THEO TỶ LỆ VÀ CÓ ƯU TIÊN CHO THIỂU SỐ
Một trong những nguyên tắc của dân chủ là tất cả mọi người đều có tiếng nói. Khi có những nhóm quá nhỏ, người ta thường dành cho họ một số ghế nhất định.
Đại diện theo kiểu nào là những vấn đề kỹ thuật. Mỗi nước một khác và mỗi giai đoạn một khác. Đây là vấn đề mà nước nào cũng phải giải quyết.


Chương III

Bốn trụ cột của dân chủ

Bây giờ chúng ta sẽ tìm hiểu 1 cách cụ thể, chi tiết hơn, về những nguyên tắc mà một hình thức tổ chức chính quyền phải đạt được để có thể gọi là “dân chủ”. Ngắn gọn nhất thì chỉ có 2 nguyên tắc:

1. Toàn dân kiểm soát chính quyền 1 cách thường xuyên và liên tục;
2. Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật

Muốn thực hiện 2 nguyên tắc nói trên thì phải đa nguyên, đa đảng, phải có các cuộc bầu cử tự do và công bằng; phải phi chính trị hóa giáo dục, báo chí tự do, tự do lập hội, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt…
Nhân đây xin tìm hiểu thêm thuật ngữ chính trị dường như gần với dân chủ và thường được hiểu theo cách đánh đồng với dân chủ, đó là tự do.

SỰ KHÁC NHAU GIỮA DÂN CHỦ VÀ TỰ DO

Phần IV, “Các chủ nghĩa” sẽ trình bày rõ hơn khái niệm “tự do”, ở đây, chúng ta chỉ tìm hiểu sự khác nhau giữa xã hội dân chủ và xã hội tự do mà thôi.
Dân chủ, theo định nghĩa của PHILIPPE C. SCHMITTER VÀ TERRY LYNN KARL: “Dân chủ là hệ thống quản trị đất nước, trong đó nhà cầm quyền phải chịu trách nhiệm – về tất cả các hoạt động của họ thuộc địa hạt công cộng – trước công dân và công dân thực thi điều đó một cách gián tiếp thông qua hay có sự cạnh tranh và hợp tác giữa những người đại diện cho họ, do họ bầu ra”.
Còn tự do, (sẽ bàn kĩ trong phần IV) có thể được hiểu là việc 1 cá nhân thoát khỏi quyền cưỡng ép của kẻ khác. Trong quan hệ XH hay nhà nước, tự do được hiểu là các nhân thoát khỏi quyền lực tùy tiện (và thường là tàn bạo) của nhà nước hay các nhóm lợi ích có sức mạnh khủng khiếp, mafia, khủng bố.
Như vậy là định nghĩa dân chủ của PHILIPPE C. SCHMITTER VÀ TERRY LYNN KARL cũng như của AUSTIN RANNEY đều không có khái niệm “tự do”. Nói cách khác, dân chủ và tự do là không đồng nhất.

Có những nhà nước theo chế độ dân chủ, nhưng nhân quyền và quyền tự do của mỗi người dân không được bảo đảm, đấy là các nước dân chủ nhưng không có tự do (có thể tìm hiểu thêm các nước như Philippines, Ấn Độ…).

DÂN CHỦ TỰ DO

Do đó, lý tưởng của những người cổ súy cho dân chủ không nên chỉ là khái niệm dân chủ mà là hướng đến xây dựng chế độ dân chủ tự do (liberal democracy) cho đất nước.
Trái ngược với các nước như Ấn Độ, Philippines… tức là có dân chủ mà chưa có tự do, nhiều nước phương Tây có tự do trước khi thiết lập chế độ dân chủ. Đó là vì họ có bản hiến pháp tự do – thành văn hoặc không thành văn- trước khi có các đảng phái và trước khi có phổ thông đầu phiếu. Điểm chung của các nước này là chính phủ nằm dưới luật pháp, cá nhân được đảm bảo các quyền tự do mà chúng ta đã nói nhiều lần bên trên. Đấy là những XH có truyền thống tôn trọng tự do cá nhân.
Ngược lại, các chế độ dân chủ có cả phổ thông đầu phiếu lẫn đa đảng, nhưng không có truyền thống tự do hay không có bản hiến pháp tự do từ trước đều khá bấp bênh, không ổn vững.

Có 4 nguyên tắc, cũng có thể coi là 4 cột trụ của chế độ dân chủ tự do:
1. Các cuộc bầu cử tự do và công bằng
2. Chính quyền có trách nhiệm giải trình
3. Nhân quyền được thực thi, được tôn trọng và bảo vệ
4. Xã hội dân sự phát triển
Lưu ý: Bốn thành tố này quan trọng như nhau, có tác động qua lại với nhau, như bốn cây cột trong một ngôi nhà. Muốn xây dựng và giữ gìn ngôi nhà chung – chế độ dân chủ tự do thì phải xây dựng và bảo vệ cả bốn cột trụ này. Xin xem xét từng cột trụ

1. Cột trụ thứ nhất: Các cuộc bầu cử tự do và công bằng
Chương IV, Phần V tác phẩm này bàn kĩ về bầu cử và nguyên tắc “tự do và công bằng”.

2. Chính quyền có trách nhiệm giải trình
Trong tiếng Anh, đấy là từ “accountability”, được dịch sang tiếng Việt là “trách nhiệm giải trình”. Nhưng “giải trình” nếu hiểu theo nghĩa thông thường thì quá hẹp so với trách nhiệm mà nhà nước hay cơ quan công quyền phải lãnh nhận trước người dân. Nếu chấp nhận dịch “accountability” thành “trách nhiệm giải trình” thì ta có thể định nghĩa như sau: Nghĩa vụ của nhà nước, quan chức, công chức, công an phải báo cáo đầy đủ với người dân, phản hồi khiếu nại, giải thích, làm rõ, minh bạch và chịu hoàn toàn trách nhiệm trước người dân về mọi hoạt động chính trị và hành vi ứng xử của mình. Tức là không chỉ giải trình mà còn phải chịu trách nhiệm về những việc mình làm.
Có thể chia nhỏ trách nhiệm giải trình thành:
- Về pháp lý: Có trách nhiệm giải trình trước tòa án
- Về hành chính: Tất cả các cơ quan công quyền không do dân cử (hành chính, quân đội, công an) phải chịu trách nhiệm giải trình trước hành pháp (chính phủ). Cơ quan hành pháp phải giải trình trước cơ quan lập pháp (quốc hội) và công chúng. Quốc hội phải chịu trách nhiệm giải trình trước cử tri.
- Về tài chính: Chính quyền phải chịu trách nhiệm giải trình trước dân, trước báo chí về việc chi tiêu tiền thuế của dân…

3. Cột trụ thứ ba: Nhân quyền được thực thi, được tôn trọng và bảo vệ
Nhân quyền không phải do ai đó ban phát mà là những quyền tự nhiên, sinh ra là đã có; không cần phải cảm ơn ai.
Tại sao bảo vệ và thúc đẩy nhân quyền lại quan trọng? Đó là vì nhân quyền và những quyền tự do cơ bản, nếu được tôn trọng sẽ, bảo vệ, thúc đẩy sẽ giúp chúng ta phát triển và có nhiều cơ hội để mưu cầu hạnh phúc nhất. Một xã hội chỉ có thể tự do và công bằng khi nhân quyền được thực hti đầy đủ. Nhà nước chối bỏ, thâm chí vi phạm nhân quyền trên diện rộng sẽ kéo theo bạo lực và gieo mầm xung đột, bất ổn xã hội.

4. Cột trụ thứ tư: Xã hội dân sự phát triển. Chương VI (Xã hội dân sự, Phần V (Tương tác chính trị sẽ bàn kĩ vấn đề này.
Chương IV

DÂN CHỦ TRỰC TIẾP VÀ DÂN CHỦ ĐẠI DIỆN

Dân chủ là hình thức tổ chức chính quyền với bốn cột trụ như đã nói trong bài trước. Tuy nhiên, có nhiều kiểu chế độ dân chủ và nhiều cách phân loại dân chủ. Một trong những cách phân loại là theo tính đại diện: dân chủ trực tiếp và dân chủ gián tiếp hay đại diện.

DÂN CHỦ TRỰC TIẾP
Một cách chung nhất, dân chủ trực tiếp là “hệ thống cho phép tất cả các bên tham gia đều có tiếng nói trong quá trình ra quyết định, thông qua việc tự mình bỏ phiếu, về bất kì vấn đề gì được đưa ra”.
Dân chủ trực tiếp là:
- Công dân tham gia trực tiếp, liên tục, không qua trung gia, vào tiến trình ban hành quyết định.
- Không còn ranh giới giữa kẻ cai trị và người bị trị
- Không còn ranh giới giữa chính quyền và xã hội dân sự
Dân chủ trực tiếp là hình thức dân chủ đơn giản, sơ khai nhất, ra đời ở Athens cổ đại; hiện thỉnh thoảng vẫn được áp dụng trong các cộng đồng nhỏ.
Mặc dù dân chủ trực tiếp là hình thức dân chủ lý tưởng, nhưng không thể nào áp dụng được cho những xã hội lớn, đông người.

DÂN CHỦ ĐẠI DIỆN
Dân chủ đại diện là dân chủ gián tiếp. Sự tham gia của công dân vào việc ra quyết định là không thường xuyên, không liên tục, bị giới hạn vào hoạt động bỏ phiếu để bầu ra người đại diện cho mình.
Ưu điểm: Khắc phục được tính bất khả thi của dân chủ trực tiếp, người dân bình thường không phải thường xuyên tham gia vào việc ban hành quyết định, có những người chuyên làm công việc chính trị, họ là những chuyên gia, có kinh nghiệm và chuyên môn.
Nhược điểm: Không phải là dân chủ lý tưởng. Chỉ hiệu quả khi người đại diện được bầu thực sự là người đại diện cho dân; muốn thế phải có cơ chế sàng lọc chính xác và tiến trình bầu cử tự do, công bằng (sẽ được bàn kĩ trong Chương IV, phần V – Tương tác chính trị).

Chương V

LỢI ÍCH VÀ MẶT TRÁI CỦA DÂN CHỦ

Dân chủ tạo điều kiện cho sự ra đời những chính sách công tốt. Xin lưu ý là bất kì chính sách công nào, dù mục đích có tốt đẹp đến đâu, thì cũng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một hoặc một số nhóm người. Tuy thế, dân chủ sẽ làm giảm nguy cơ ra đời những chính sách có hại cho số đông dân chúng và nếu thiểu số có thể thiệt hại thì thiệt hại cũng không quá lớn. Chính sách sai lầm có thể được sửa chữa trong thời gian tương đối ngắn.

Cách tốt nhất để thấy lợi ích của dân chủ là tìm hiểu hai chế độ đối ngịch với nó: toàn trị và độc đoán.

CHẾ ĐỘ TOÀN TRỊ
Chế độ toàn trị là hệ thống chính trị, trong đó ách cai trị bao trùm lên tất cả các mặt của đời sống (toàn bộ nghĩa là cai trị toàn bộ), thấm vào mọi ngõ ngách, từ khi con người lọt lòng cho đến tận lúc chết; ách cai trị đó được xác lập với việc áp đặt một ý thức hệ bao trùm, tàn bạo, hà khắc, làm người ta phải sợ hãi.
Toàn trị khác với chuyên quyền và độc đoán ở chỗ nó tìm kiếm “toàn bộ quyền lực”, “quyền lực tuyệt đối”, thông qua việc chính trị hóa mọi khía cạnh của đời sống xã hội và cá nhân. Chế độ chuyên quyền và độc đoán có mục tiêu khiêm tốn hơn: chỉ muốn độc quyền về chính trị bằng cách không cho dân chúng tham gia hoạt động chính trị.
Chế độ toàn trị thẳng thừng xóa bỏ xã hội dân sự: tiêu diệt tất cả những cái thuộc về cá nhân, riêng tư, tư nhân. Người ta cho rằng chế độ toàn trị có 6 đặc trưng cơ bản sau:\
1. Có 1 ý thức hệ chính thức;
2. Nhà nước độc đảng, có khi là 1 nhà lãnh đạo được cho là toàn trì, toàn năng;
3. Hệ thống cảnh sát giám sát, làm dân chúng khiếp sợ;
4. Độc quyền các phương tiện truyền thông đại chúng;
5. Độc quyền các phương tiện vũ trang;
6. Nhà nước kiểm soát tất cả các khía cạnh của đời sống kinh tế.

CHẾ ĐỘ ĐỘC ĐOÁN
Chế độ độc đoán theo chủ nghĩa cho rằng, và thực thi, quyền lực dội từ trên xuống, trong đó quyền lực được thực thi dù dân chúng có tán thành hay là không. Vì thế, chế độ độc đoán nhấn mạnh việc quyền lực bao trùm lên tự do cá nhân.
Nhưng chế độ độc đoán khác chế độ toàn trị. Các chế độ độc đoán (quân chủ chuyên chế, độc tài truyền thống, chế độ quân sự…) có thể cho phép một số quyền tự do cá nhân, như kinh tế, tôn giáo và một số quyền tự do khác.

NHỮNG MẶT TRÁI CỦA DÂN CHỦ
1. Độc tài của đa số
Chúng ta đã biết một trong những nguyên tắc của dân chủ là “thiểu số phải theo đa số”. Chúng ta cũng biết một thực tế là bất kỳ chính sách công nào, dù có tiến bộ đến đâu, thì cũng có một số người bất mãn với nó.
Sẽ ra sao, nếu một thiểu số thường xuyên, liên tục thua và vì thế mà thường xuyên bất mãn? Khi điều đó xảy ra, mâu thuẫn có thể tích tụ và nếu không có cơ chế giải quyết thì chắc chắn sẽ xảy ra xung đột.

2. Đám đông có thể sai
Một trong những nguyên tắc của dân chủ là “thiểu số phải theo đa số”. Vấn đề là đa số không phải lúc nào cũng đúng (ví dụ thì rất nhiều).
Khi thực hiện dân chủ, thiểu số theo đa số, mà đa số lại sai, có nghĩa là dân chủ không đồng hành với công lý, chân lý. Đây là mâu thuẫn giữa công lý và dân chủ. Đôi khi phải chọn cái này và hy sinh cái kia.

3. Vai trò của chuyên gia
Một trong những nguyên tắc nữa của dân chủ là “tất cả mọi người đều có khả năng ảnh hưởng tới chính sách như nhau”. Tuy nhiên, trong thực tế đời sống, gần như tất cả các lĩnh vực đếu cần có tiếng nói của chuyên gia.
Giải quyết bằng cách, những vấn đề lớn, thì để các chuyên gia đề xuất giải pháp; toàn dân phúc quyết; những vấn đề nhỏ, thuộc lĩnh vực kỹ thuật thì giao cho các chuyên gia.

4. Nhiều khi mất thì giờ và không hiệu quả
Nguyên tắc của dân chủ là mọi người đều được tham vấn, được có ý kiến trong quá trình hoạch định chính sách, kết quả là quá trình ra quyết định không thể không kéo dài; nhiều khi dẫn tới bế tắc chính trị.

TRONG NGẮN HẠN DÂN CHỦ KHÔNG HỨA HẸN NHIỀU ĐIỀU NHƯ BẠN NGHĨ

1. Dân chủ không hứa hẹn phát triển kinh tế ngay lập tức, không hứa hẹn hiệu quả kinh tế cao hơn: Tỷ lệ tiết kiệm, tỷ lệ đầu tư, năng suất lao động, trình độ học vấn… ở các nước dân chủ chưa chắc đã cao hơn, nhất là trong giai đoạn chuyển hóa sang dân chủ.
2. Dân chủ không hứa hẹn bộ máy hành chính tốt hơn, thậm chí còn chậm hơn, kéo dài hơn và tốn kém hơn chế độ độc tài.
3. Dân chủ không hứa hẹn trật tự và đồng thuận. Khi người dân có quyền biểu đạt thì chống đối, bất mãn có thể còn cao hơn thời kỳ độc tài
4. Tự do kinh tế luôn chứa đựng rủi ro. Tự do đồng nghĩa với tự chịu trách nhiệm, không còn bảo hộ, lời ăn lỗ chịu. Chắc chắn là có nhiều rủi ro hơn là khi được chính phủ cầm tay chỉ việc. Đồng thời, tự do về kinh tế không chắc đã đồng nhất với tự do về chính trị.

Hết phần III

No comments:

Post a Comment