June 18, 2018

Cuộc Cách Mạng Thông Tin Non Trẻ Của Chúng Ta

Joseph S. Nye

Phạm Nguyên Trường dịch

Giữa thế kỷ XX, người ta lo ngại rằng những tiến bộ trong lĩnh vực máy tính và truyền thông sẽ dẫn đến hình thức kiểm soát tập quyền mà George Orwell mô tả trong tác phẩm 1984. Hiện nay, hàng tỷ người đang hăng hái đưa Anh Cả (nhân vật trong tác phẩm 1984 – ND) vào túi của mình.


Người ta thường nói rằng chúng ta đang trải qua một cuộc cách mạng thông tin. Nhưng cách mạng thông tin có nghĩa là gì và nó sẽ đưa chúng ta tới đâu?

Cách mạng thông tin không phải là mới. Năm 1439, máy in báo của Johannes Gutenberg khởi đầu kỷ nguyên truyền thông đại chúng. Cuộc cách mạng hiện nay của chúng ta, bắt đầu ở thung lũng Silicon trong những năm 1960, liên quan mật thiết với Định luật Moore: số lượng transistor trên một con chip máy tính cứ vài năm lại tăng lên gấp đôi. Đầu thế kỷ XXI, năng lực tính toán chỉ có giá bằng một phần nghìn so với đầu những năm 1970. Bây giờ internet kết nối gần như tất cả mọi thứ và mọi người. Giữa năm 1993, trên thế giới mới chỉ có khoảng 130 trang web; đến năm 2000, số trang web đã là hơn 15 triệu. Hiện nay, hơn 3,5 tỷ người đang được “nối mạng”; các chuyên gia dự đoán rằng, năm 2020, “Internet of Things” sẽ kết nối 20 tỷ thiết bị. Cuộc cách mạng thông tin của chúng ta vẫn đang trong giai đoạn vị thành niên.

Đặc điểm chính của cuộc cách mạng hiện nay không phải là tốc độ truyền tin; giao tiếp tức thời bằng máy điện báo đã có từ giữa thế kỷ XIX. Sự thay đổi quyết định là giảm đáng kể chi phí truyền tải và lưu trữ thông tin. Nếu giá ô tô cũng giảm nhanh chóng như giá của năng lực tính toán, thì hôm nay người ta có thể mua một chiếc ô tô bằng số tiền trả cho bữa ăn trưa bình dân. Khi giá của công nghệ giảm quá nhanh như thế, công nghệ sẽ dễ tiếp cận hơn và rào cản sẽ không còn. Đối với các mục đích thực tiễn, lượng thông tin có thể truyền trên toàn thế giới hầu như vô hạn.

Chi phí cho việc lưu trữ thông tin cũng đã giảm đáng kể, tạo điều kiện cho thời dữ liệu lớn (big data) của chúng ta. Lượng thông tin mà có thời phải chứa trong cả một nhà kho thì nay có thể nhét vào túi áo sơ mi. Giữa thế kỷ XX, người ta lo ngại rằng những tiến bộ trong lĩnh vực máy tính và truyền thông sẽ dẫn đến hình thức kiểm soát tập quyền được George Orwell mô tả trong tác phẩm phản-không-tưởng, 1984. Anh Cả sẽ theo dõi chúng ta từ một máy tính trung tâm, cá nhân không còn một tí quyền tự chủ nào nữa. Không những thế, vì chi phí cho năng lực tính toán đã giảm và máy tính chỉ còn bằng chiếc điện thoại thông minh, chiếc đồng hồ và các thiết bị di động khác, hiệu ứng phi tập trung hóa của chúng bổ sung thêm cho hiệu ứng tập quyền hóa, tạo điều kiện cho việc giao tiếp theo chiều ngang và huy động được những nhóm người mới. Tuy nhiên, trớ trêu là, xu hướng công nghệ này cũng phi tập trung hóa quá trình giám sát: Hiện nay hàng tỷ người tự nguyện mang theo thiết bị theo dõi, truy tìm các trạm giám sát trung tâm, không để chúng được tự tung tự tác nữa. Chúng ta đã đưa Anh Cả vào túi áo của mình.

Tương tự như thế, các phương tiện truyền thông xã hội có mặt khắp nơi không chỉ tạo ra các nhóm xuyên quốc gia, mà còn tạo cơ hội cho các chính phủ và những tổ chức khác thao túng. Facebook kết nối hơn hai tỷ người, và, sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016 đã cho thấy những mối liên hệ và các nhóm người này có thể bị lợi dụng cho các mục tiêu chính trị. Châu Âu đã tìm cách thiết lập các luật lệ bảo vệ quyền riêng tư bằng Quy định bảo vệ dữ liệu tổng quát sắp được ban hành, nhưng không có gì bảo đảm là nó sẽ thành công. Trong khi đó, Trung Quốc đang kết hợp giám sát với xếp hạng độ tin cậy xã hội, nếu thành công, họ sẽ hạn chế quyền tự do cá nhân, ví dụ như việc đi lại.

Thông tin cho người ta quyền lực, và ngày càng có nhiều người tiếp cận được với nhiều thông tin hơn bao giờ hết, tốt xấu chưa biết. Không chỉ chính phủ có quyền lực, mà các tác nhân ngoài nhà nước, từ các tập đoàn lớn và các tổ chức phi lợi nhuận đến bọn tội phạm, khủng bố và các nhóm phi chính thức cũng đều có quyền lực. Không có nghĩa là sự cáo chung của quốc gia-dân tộc. Chính phủ vẫn là tác nhân có quyền lực nhất trên vũ đài thế giới; nhưng vũ đài đã trở nên chật chội hơn, và nhiều tay chơi mới có thể cạnh tranh một cách hiệu quả trong lĩnh vực sức mạnh mềm. Lực lượng hải quân hùng mạnh là yếu tố quan trọng trong việc kiểm soát các con đường giao thương trên biển; nhưng trên Internet, hải quân không giúp được gì nhiều. Ở châu Âu thế kỷ XIX, biểu hiện của một cường quốc là khả năng giành chiến thắng trong chiến tranh, nhưng, như nhà phân tích người Mỹ, John Arquilla, đã chỉ ra, trong thời đại thông tin toàn cầu hiện nay, chiến thắng thường không phụ thuộc vào đội quân của ai đã thắng mà phụ thuộc vào câu chuyện của ai đã thắng.

Ngoại giao và quyền lực công cộng nhằm lôi kéo và thuyết phục trở thành ngày càng quan trọng hơn, nhưng ngoại giao công cộng đang thay đổi. Những ngày mà các quan chức ngoại giao mang máy chiếu phim đến các vùng sâu vùng xa để chiếu phim cho những khán giả bị cô lập, hoặc những người phía sau Bức màn sắt chụm đầu quanh chiếc đài radio song ngắn để nghe đài BBC đã qua từ rất lâu rồi. Tiến bộ công nghệ đã dẫn đến bùng nổ thông tin, và nó đã tạo ra “nghịch lý dư thừa”: Phong phú dẫn đến sự kiện là người ta không còn chú ý tới thông tin như trước nữa.

Khi mọi người bị choáng ngợp trước lượng thông tin khổng lồ trước mắt, thật khó biết phải tập trung chú ý vào thông tin nào. Sự chú ý, chứ không phải thông tin, đã trở thành khan hiếm. Khả năng lôi kéo trở thành nguồn sức mạnh quan trọng hơn trước đây, nhưng sức mạnh cứng, sức mạnh của chiến tranh thông tin cũng quan trọng không kém. Và, khi uy tín trở nên có tính chất sống còn hơn, cuộc đấu tranh chính trị nhằm tạo lập và phá hủy lòng tin gia tăng gấp bội. Thông tin dưới hình thức tuyên truyền chẳng những có thể bị người ta khinh bỉ, mà còn có thể trở thành phản tác dụng nếu nó phá hoại ngầm sự tín nhiệm đối với đất nước.

Ví dụ, trong Chiến tranh Iraq, việc đối xử với các tù nhân tại trại Abu Ghraib và Guantanamo không phù hợp với các giá trị mà Mỹ từng tuyên bố làm cho nhiều người nghĩ rằng Mỹ có thái độ đạo đức giả mà những hình ảnh về người Hồi giáo đang sống an lành ở Mỹ không thể nào xóa bỏ được. Tương tự như thế, những bản tin Twitter của Tổng thống Donald Trump làm giảm độ khả tín của Mỹ và giảm sức mạnh mềm của nước này. Hiệu quả của ngoại giao công cộng được đánh giá bằng số người được chuyển hóa (được đo bằng các cuộc phỏng vấn hoặc thăm dò ý kiến), chứ không phải là số tiền đã chi tiêu. Thật thú vị khi nhận xét rằng các cuộc thăm dò dư luận và chỉ số quyền lực mềm của nhóm 30 nước (Soft Power 30) cho thấy quyền lực mềm của Mỹ đã suy giảm sau khi Trump trở thành tổng thống. Những bản tin Twitter có thể giúp thiết lập chương trình nghị sự toàn cầu, nhưng không tạo ra được quyền lực mềm, nếu đấy là những lời lẽ không đáng tin.

(Joseph S. Nye, Jr., là cựu thứ trưởng quốc phóng và chủ tịch hội đồng tình bào quốc gia, hiện là giáo sư Đại học Harvard University. Ông là tác giả cuốn Is the American Century Over?)

Đã đăng trên Triviet

Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/infant-information-revolution-by-joseph-s–nye-2018-06

No comments:

Post a Comment