April 19, 2018

Mục đích thật sự của 'Vành đai, Con đường' là gì?

Bình An


Các chuyên gia Mỹ đánh giá "Vành đai, Con đường" không hướng tới cái mác "có lợi cho đôi bên" như Bắc Kinh tuyên bố, mà đó là công cụ để mở rộng ảnh hưởng chính trị và hiện diện quân sự của Trung Quốc.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu tại phiên khai mạc Diễn đàn hợp tác Trung Quốc - châu Phi hồi năm 2015 - Ảnh: AFP

"Vành đai, Con đường" - một sáng kiến hạ tầng mà theo Bắc Kinh là để thúc đẩy thương mại và phát triển kinh tế toàn cầu - thật ra là nhằm phục vụ mục đích mở rộng ảnh hưởng chính trị và sự hiện diện quân sự của Trung Quốc.

Đó là nhận định được nêu ra trong báo cáo ngày 17-4 của Trung tâm nghiên cứu quốc phòng cấp tiến (C4ADS). Đây là một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận chuyên về phân tích dữ liệu và các vấn đề an ninh xuyên quốc gia có trụ sở tại thủ đô Washington, Mỹ.

Báo cáo đặt vấn đề phải chăng "bức chân dung" do Bắc Kinh vẽ ra về dự án ngàn tỉ USD qua một loạt quốc gia Á - Phi - Âu có thật sự nghiêm túc là để thúc đẩy phát triển kinh tế hay không.

Không hề có lợi đôi bên

Sáng kiến mang đậm dấu ấn của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngoài mặt được miêu tả là để kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Âu, và châu Phi thông qua mạng lưới đường cao tốc, đường sắt, cảng biển, nhà máy năng lượng cùng các dự án hạ tầng khác.

Giới chức Trung Quốc nói rằng sáng kiến nhằm kết nối 65% dân số thế giới ở hơn 60 quốc gia này được biết tới là "Con đường tơ lụa" hiện đại. Họ khẳng định "Vành đai, Con đường" không phải là công cụ để mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra toàn cầu.

Nhóm chuyên gia C4ADS đã nghiên cứu các tài liệu chính sách chính thức của Trung Quốc và các báo cáo phi chính thức của các nhà phân tích Trung Quốc để làm rõ ý định của sáng kiến "Vành đai, Con đường".

Các nhà nghiên cứu Mỹ đã đi phân tích 15 dự án cảng biển do Trung Quốc cấp vốn ở Bangladesh, Sri Lanka, Campuchia, Úc, Oman, Malaysia, Indonesia, Djibouti và những quốc gia khác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

Dự án đường sắt do Trung Quốc xây dựng ở Kenya - Ảnh: AFP

Họ kết luận rằng các dự án này không được xúc tiến theo hướng "có lợi cho đôi bên" như Bắc Kinh tuyên bố.

"Thay vào đó, các khoản đầu tư dường như để tạo ra ảnh hưởng chính trị, lén lút mở rộng hiện diện quân sự của Trung Quốc và dựng lên một môi trường chiến lược có lợi cho Bắc Kinh trong khu vực" - báo cáo nêu rõ.

Theo hãng tin AP, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã ra tuyên bố bác bỏ thông tin trên, nhấn mạnh "Vành đai, Con đường" đơn thuần chỉ là một sáng kiến hợp tác kinh tế thông qua kết nối hạ tầng. "Trung Quốc không phải đang chơi một trò chơi địa chính trị" - Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định.
Hiện không có tài liệu chính sách chính thức nào nói về mối liên hệ giữa chiến lược "Vành đai, Con đường" với các lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhà phân tích Trung Quốc cho rằng việc xúc tiến sáng kiến này và việc theo đuổi các lợi ích an ninh của Bắc Kinh "có liên hệ nhau", theo báo cáo.

"Nhiều nhà quan sát nhận ra rằng mạng lưới các trung tâm hậu cần hàng hải trải dài ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, gồm các hải cảng, có tiềm năng thay đổi bối cảnh chiến lược của khu vực" - nhóm C4ADS đánh giá.

Các dự án này đều có điểm chung là hướng đến mục tiêu an ninh của Trung Quốc. Các dự án trải đều ở các địa điểm chiến lược như cổng vào biển Đông.

Mập mờ dân sự và quân sự

Báo cáo cũng nhấn mạnh các dự án này rõ ràng là "lưỡng dụng", tức phục vụ các mục đích vừa dân sự và vừa quân sự.

Ông Peter Cai, chuyên gia tư vấn tại Viện Lowy (Úc) chuyên nghiên cứu "Vành đai, Con đường", nhận định rõ ràng ảnh hưởng chính trị của Trung Quốc sẽ mở rộng ở những quốc gia mà "Vành đai, Con đường" liên kết.

Các liên kết hạ tầng mới sẽ giúp tăng hoạt động kinh tế. Điều đó có nghĩa "bạn sẽ có ảnh hưởng về kinh tế và tất cả chúng ta biết rằng ảnh hưởng về kinh tế dễ dàng trở thành đòn bẩy và quyền lực chính trị", ông Cai cảnh báo.

Đi kèm với những khoản đầu tư hậu hĩ của Bắc Kinh là những đánh đổi về lợi ích như quyền tiếp cận tài nguyên khoáng sản, chủ quyền, lợi ích chiến lược… của các nước khác. Điều này đặc biệt đúng trong trường hợp các quốc gia nợ nần chồng chất và vỡ nợ.

Đơn cử là trường hợp Sri Lanka. Một trong những dự án gây tranh cãi nhất ở đảo quốc này là chính phủ đã ký thỏa thuận cho Bắc Kinh thuê cảng nước sâu Hambantota trong 99 năm.

"Trung Quốc dường như đã thiết lập được đòn bẩy tài chính đối với Sri Lanka thông qua đầu tư vào các dự án được cho là hão huyền" - báo cáo đánh giá.

Sắp cạn tiền cho "Vành đai, Con đường"?

Phát biểu tại một diễn đàn kinh tế ở Quảng Châu tuần trước, cựu Chủ tịch Ngân hàng xuất - nhập khẩu Trung Quốc (China Eximbank), ông Lý Nhược Cốc cảnh báo hầu hết các quốc gia đối tác tham gia "Vành đai, Con đường" hiện không có đủ tiền để gánh các dự án. Nhiều nước đang ngập nợ và cần "nguồn tài chính bền vững" cũng như sự góp sức từ giới đầu tư tư nhân, theo báo South China Morning Post của Hong Kong hôm 16-4.

Liên quan tới vấn đề này, bà Christine Lagarde, Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho rằng các nước không nên coi nguồn tài chính được Bắc Kinh đổ vào các dự án hạ tầng là "bữa trưa miễn phí".

Bài đăng trên Tuổi Trẻ

No comments:

Post a Comment