February 28, 2018

Trung Quốc có biến truyền thông xã hội thành vũ khí?

Kent Harrington

Phạm Nguyên Trường dịch

Giờ đây, sau khi Nga đã chỉ cho người ta thấy chiến thuật trên không gian mạng và thủ thuật thông tin có thể khuynh đảo các chế độ dân chủ đã được củng cố như thế nào, chắc chắn Trung Quốc sẽ học cách làm của điện Kremlin. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói rõ rằng duy trì sự ổn định ở trong nước và đánh bóng hình ảnh của Trung Quốc ở nước ngoài là nhiệm vụ của chính phủ.


Từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, với những phát hiện về quá trình can thiệp của Nga, các quan chức châu Âu đã và đang canh phòng các cuộc tấn công tương tự. Nhưng người châu Âu không phải là những người duy nhất chú ý đến hiện tượng này. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng đang xét xem họ có thể học được gì từ những thành công của Kremlin.


Đối với Chủ tịchTrung Quốc, Tập Cận Bình, giữ vững ổn định ở trong nước là ưu tiên hàng đầu, ngân sách hàng năm của Trung Quốc chi cho an ninh nội bộ cho thấy rõ chuyện này. Con số chính thức, đã bị rút đi, cũng đã là trên 100 tỷ USD. Tương tự như các khoản chi cho quốc phòng, con số thực tế cao hơn rất nhiều, đấy là do có một số khoản chi tiêu không được tính tới, trong đó có chi cho nghiên cứu và phát triển.

Ví dụ, Trung Quốc đang tìm hiểu cách thức sử dụng trí thông minh nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (big data) nhằm theo dõi mọi thứ, từ phương tiện truyền thông xã hội đến chi tiêu trên thẻ tín dụng và lập kế hoạch phân loại tất cả các công dân theo mức độ tin cậy xã hội nhằm loại bỏ những người có thể gây rắc rối trong tương lai. Chiến lược theo kiểu Orwell (ám chỉ tác phẩm 1984 của George Orwell – ND) của chế độ tập trung vào các phương tiện truyền thông xã hội và kiểm soát không chỉ những điều người dân nói, mà còn kiểm soát cách thức thông tin đi vào và lan truyền trên khắp cả nước.

Hơn nữa, chính quyền đang buộc các công ty công nghệ tuân thủ những đạo luật cứng rắn mới và những cuộc điều tra về an ninh mạng. Đối với Tập Cận Bình, việc Kremlin dễ dàng thao túng Facebook và Twitter chứng tỏ rằng họ cần siết chặt chặt hơn nữa các phương tiện truyền thông xã hội của Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc hiện đang đòi cho người của mình tham gia ban giám đốc của các công ty như WeChat, Weibo, và Tencent, và đòi hỏi quyền truy cập vào dữ liệu cá nhân của người sử dụng các mạng này.

Gián điệp trên mạng của Trung Quốc cũng đang nghiên cứu những thành công của Nga. Chắc chắn là, tin tặc Trung Quốc có hiểu biết về kỹ thuật. Họ đã tung ra những cuộc tấn công mạng nhắm vào các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, các phong trào của người Tây Tạng lưu vong, và các nhà hoạt động Duy Ngô Nhĩ. Họ thâm nhập vào các trung tâm nghiên cứu và các trường đại học ở phương Tây đang nghiên cứu về Trung Quốc. Thậm chí, họ đã tấn công vào các hãng tin tức phương Tây từng tung ta những câu chuyện đáng xấu hổ về của cải của các nhà lãnh đạo Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc có thể học được điều gì đó từ đội quân trực tuyến chuyên phá rối (troll and bot), được phối hợp nhịp nhàng của Nga.

Tương tự như vậy, các chiến lược gia trong Quân Giải phóng Nhân dân (PLA) dường như đang mải mê nghiên cứu công việc của Kremlin để định hình chiến thuật không gian mạng của chính họ. Tư duy chiến lược của Trung Quốc về “chiến tranh chính trị” cho rằng, các tổ chức chính trị, xã hội và kinh tế của đối thủ - đặc biệt là các phương tiện truyền thông đại chúng – phải trở thành mục tiêu trước khi cuộc chiến tranh bằng súng đạn bắt đầu. Với mục đích như thế, việc lan truyền những tin tức giả và thuyết âm mưu thông qua các phương tiện truyền thông do chính phủ Nga tài trợ như TV và vệ tinh chứng tỏ là đáng phải học tập.

Ngoài việc mở rộng khả năng trên không gian mạng của Trung Quốc, Tập Cận Bình cũng đã phát triển quyền lực mềm của Trung Quốc thông qua các sáng kiến về kinh tế, xã hội, văn hoá và truyền thông. Và, mặc dù ông ta vẫn chưa kết hợp các chương trình này với các lực lượng bí mật của Trung Quốc nhằm khởi động cuộc tấn công táo bạo, làm xáo trộn cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2016, rõ ràng là ông ta đang củng cố các phương tiện để làm như vậy. Gần đây người ta đã phát hiện ra rằng Trung Quốc đã tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng rộng khắp ở Australia, họ sử dụng các tổ chức chính thức trong các trường đại học nhằm giám sát các sinh viên đại học người Trung Quốc, theo dõi hiệp hội kinh doanh nhằm thúc đẩy quyền lợi của Trung Quốc và các nhà ngoại giao nhằm theo dõi các phương tiện truyền thông nói tiếng Hoa. Cuối năm ngoái, một thượng nghị sĩ Australia bị buộc phải từ chức vì những bị cáo buộc về những mối quan hệ với một tỷ phú Trung Quốc.

Trung Quốc cũng đang khuếch trương sự hiện diện của các phương tiện truyền thông của họ trên toàn cầu. Theo một số ước tính, mỗi năm chính phủ nước này đầu tư khoảng 7 tỷ USD vào các phương tiện truyền thông và các kênh phát sóng mới ra nước ngoài. Cơ quan thông tấn chính thức của nước này, Tân Hoa Xã, có hơn 170 văn phòng trên khắp thế giới và xuất bản bằng 8 thứ thiếng. Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) có hơn 70 văn phòng ở nước ngoài và chương trình phát sóng đến 171 quốc gia bằng sáu thứ tiếng. Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc là đài phát thanh lớn thứ hai thế giới, chỉ sau BBC, phát sóng bằng 64 thứ tiếng, từ 32 văn phòng nước ngoài, đến 90 đài phát thanh trên toàn thế giới.

Không tổ chức nào trong số đó tự coi mình là nguồn tin tức quốc tế. Nhưng họ đã trở thành một nguồn thông tin quan trọng cho những người sống ở những khu vực kém phát triển như Trung Đông và Châu Phi, họ cung cấp quan điểm của Trung Quốc và đang xây dựng những cộng đồng khán thính giả có cảm tình với Trung Quốc trong những khu vực này.

Đồng thời, Trung Quốc đang mua “quảng cáo tự nhiên” [native advertising - Quảng cáo tự nhiên là loại hình quảng cáo cho phép lồng ghép nội dung quảng bá cùng với ngữ cảnh trải nghiệm của những người dùng sao cho tự nhiên nhất. Chính vì lý do này mà khi xem Native Advertising người dùng có cảm giác như đang xem một nội dung bình thường chứ không phải quảng cáo - ND] trên các tờ báo của Australia, Mỹ, và châu Âu. Cách làm như thế tạo điều kiện cho Trung Quốc đưa các nội dung có tên tác giả về vấn đề đang gây tranh cãi – ví dụ, xây dựng hòn đảo được quân sự hóa ở Biển Đông - bên cạnh các bài của ban biên tập của các nhà xuất bản.

Tập Cận Bình cũng chơi những trò chơi dài hơi, thông qua những khoản đầu tư vào phim ảnh và các hình thức giải trí khác nhằm gây ảnh hưởng lên cách thức mà nền văn hóa đại chúng trên toàn thế giới đối xử với mọi thứ của Trung Quốc. Mặc dù gần đây chính phủ Trung Quốc đã kìm bớt dòng vốn đầu tư ra nước ngoài, các công ty Trung Quốc vẫn đang tiếp tục đầu tư vào các tài sản lớn của Hollywood. Chỉ riêng tập đoàn Dalien Wanda của Trung Quốc đã có khoảng 10 tỷ USD trong các cơ sở giải trí ở Mỹ, châu Âu và Australia. Các công ty tài chính và Internet khổng lồ khác của Trung Quốc như Alibaba, Tencent và Hony Capital, cũng như các công ty quốc doanh như China Film Group, đã đầu tư hàng chục tỷ USD vào các liên doanh điện ảnh của Mỹ.

Với những khoản tài chính như thế, chính phủ Trung Quốc đã nắm trong tay đòn bẩy vượt ra khỏi hình thức kiểm duyệt lỗi thời. Các giám đốc trường quay của Hollywood nhìn vào thị trường nội địa khổng lồ của Trung Quốc sẽ phải quỵ lụy trước các yêu cầu “mang tính sáng tạo” của chính phủ khi xem xét kịch bản, quyết định phân vai..v.v... Năm 2017, với doanh thu 8,6 tỷ USD, doanh thu phòng vé của Trung Quốc chỉ đứng sau Bắc Mỹ mà thôi. Nhưng, Trung Quốc chỉ cho phép nhập khẩu 38 bộ phim nước ngoài mỗi năm, khiến các nhà làm phim phải nỗ lực hết mình để có thể làm hài lòng các nhà kiểm duyệt.

Tất nhiên, các giám đốc điều hành Hollywood không phải là người phương Tây duy nhất giúp Tập Cận Bình thực hiện chương trình nghị sự của ông ta. Quyết định gần đây của Apple về việc chuyển kho lưu trữ dữ liệu người dùng Trung Quốc cho đối tác Trung Quốc và thông báo của Google rằng họ sẽ đặt một trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo mới ở Trung Quốc, các gã khổng lồ công nghệ Mỹ này không chỉ tiến hành các thỏa thuận vì lợi ích của “những cổ đông” của mình. Họ còn chuyển cho Tập Cận Bình và những chuyên viên trên không gian mạng của ông ta công nghệ và bí quyết độc quyền, thậm chí quyền tiếp cận trong tương lai tới các mục tiêu của Mỹ.

Câu hỏi đã trở nên rõ ràng: Nếu Nga có thể phá rối cuộc bầu cử tổng thống Mỹ khi chưa có các mối quan hệ kinh doanh gần gũi như vậy, thì Trung Quốc sẽ có thể làm gì trong những năm tới? Cho rằng quan tâm duy nhất của Trung Quốc là kiếm tiền, một giám đốc điều hành Hollywood gần đây thừa nhận, là quá “ngây thơ và nguy hiểm”.

Kent Harrington, cựu chuyên gia phân tích của CIA, là quan chức tình báo quốc gia phụ trách khu vực Đông Á, Trưởng trạm ở Châu Á, và Giám đốc về sự vụ công của CIA.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

Nguồn https://www.project-syndicate.org/commentary/xi-jinping-china-foreign-influence-campaigns-by-kent-harrington-2018-02

No comments:

Post a Comment