August 18, 2017

LUẬT PHÁP- Frédéric Bastiat (2)


Phạm Nguyên Trường dịch

Dịch theo bản tiếng Anh The Law do Dean Russell dịch, Foundation for Economic Education, Irvington-on-Hudson, New York; tham khảo bản dịch tiếng Nga của S. A. Nikolaev.
Richard Ebeling*
Bảo vệ tự do kinh tế chưa bao giờ là nhiệm vụ dễ dàng. Adam Smith bày tỏ sự thất vọng của ông về vấn đề này trong tác phẩm The Wealth of Nations (Của cải của các quốc gia). Sau khi chỉ trích mạnh mẽ chủ nghĩa trọng thương - hệ thống quản lí và kế hoạch hóa của chính phủ hồi thế kỉ XVIII - ông đã chán nản cho rằng thương mại tự do ở Anh khó như xây dựng xã hội không tưởng vậy.


Ông cho rằng có hai nhân tố làm cho người ta không thể hi vọng vào thành công của tự do kinh tế. “Không chỉ định kiến của xã hội”, Smith nói, “mà những quyền lợi không thể tranh cãi của nhiều người có sức chống đối không thể cưỡng lại được”[1]. Sử dụng cụm từ “định kiến của xã hội”, Smith ám chỉ việc nhiều người bình thường khó mà hiểu được những luận cứ thường là trừu tượng và phức tạp của các nhà kinh tế học khi họ chứng minh tính ưu việt của thị trường tự do so với những hình thức can thiệp và kiểm soát khác nhau của chính phủ. Còn cụm từ “những quyền lợi không thể tranh cãi của nhiều người” ám chỉ những nhóm lợi ích đặc biệt được lợi từ những biện pháp quản lí của chính phủ nhằm hạn chế hoặc ngăn chặn cạnh tranh công khai, và vì vậy sẽ luôn tích cực vận động nhằm giữ những biện pháp quản lí đó. Kết hợp lại, Smith lo sợ rằng, hai tác nhân đó sẽ mãi mãi ngăn chặn không bao giờ để cho logic của tự do kinh tế giành chiến thắng trên vũ đài của tư tưởng và chính trị.

Tuy nhiên, trong thế kỉ XIX, đã có một người ủng hộ tự do, ông đã làm chủ được nghệ thuật biến sự phức tạp của kinh tế học thành dễ hiểu đối với những người dân bình thường: đấy là nhà kinh tế theo trường phái tự do cổ điển người Pháp, Frederic Bastiat (1801-1850). Nhiều nhà sử học chuyên về tư tưởng kinh tế đã nhấn mạnh khả năng đặc biệt của Bastiat trong việc làm xói mòn cơ sở của chủ nghĩa bảo hộ, chủ nghĩa xã hội, và chủ nghĩa can thiệp.

Ví dụ, Alexander Gray viết: “Chưa từng có người nào khéo léo đến như thế trong việc làm cho quan điểm của đối thủ trở nên có vẻ ngu ngốc đến như thế. Ngay cả bây giờ, tác phẩm phù du nhất của ông đọc vẫn thú, vì sự hóm hỉnh, sự châm biếm sâu cay và cả sự trang nhã mà ông dùng để châm chích đối thủ của mình”[2]. Lewis Haney cho rằng: “văn phong của Bastiat thú vị và trong sáng” và có sức “lôi cuốn quần chúng bằng truyền thuyết và châm biếm”[3]. Eduard Heimann, một người phê phán nền kinh tế thị trường, mô tả ông là: “Một cây bút có tài, nổi tiếng thế giới với câu chuyện ngụ ngôn của ông về những người làm nến, đã thỉnh cầu bảo hộ nhằm chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh của mặt trời để cộng đồng có thể trở nên giàu có bằng cách làm giàu cho ngành của họ”[4]. Charles Gide và Charles Rist chỉ ra rằng: “Nếu những người ủng hộ bảo hộ hiện đại không còn nói về ‘ngập lụt hàng hóa’ hay ‘sự xâm lược của hàng hóa nước ngoài’ ... chúng ta thường quên rằng tất cả đều là do những cuốn sách mỏng nhưng tuyệt vời do Bastiat viết... Không ai có thể chỉ ra với thái độ miệt thị hơn cái mâu thuẫn nực cười của việc xẻ những trái núi chia cắt đất nước nhằm tạo thuận lợi cho những vụ trao đổi, nhưng ở mỗi đầu lại lập một hàng rào hải quan”[5]. Và mặc dù luận cứ phản bác tư tưởng bảo hộ và tư tưởng tập thể của Bastiat trong thời gian đó là rất sắc bén, William Scott nhấn mạnh rằng: “thái độ của con người theo phái tự do này ở Pháp là bình tĩnh và cao quý và mặc dù chỉ trích rất mạnh, ông cũng đánh giá cao các động cơ của đối thủ. Ông tin vào ước muốn thúc đẩy sự thịnh vượng xã hội của họ, nhưng ông muốn nói rằng họ đã lầm lạc và tìm cách đưa họ vào đường ngay lối thẳng, nếu có thể”[6].

Những phẩm chất này làm cho Joseph A. Schumpeter gọi Bastiat là “Nhà báo viết về kinh tế nổi bật nhất cho đến nay”[7]. Ludwig von Mises ca ngợi ông là “người có bút pháp rất độc đáo, đọc ông là cả một niềm vui. … những lời phê phán của ông đối với tất cả những biện pháp bảo hộ và những xu hướng liên quan đến nó thì vẫn chưa ai vượt qua được. Những người theo chính sách bảo hộ và can thiệp không thể phủ nhận được. Họ đành phải lặp đi lặp lại: Bastiat rất “hời hợt””[8].

Một số người cầm bút đã bắt chước ông. Đầu thế kỉ XX, nhà kinh tế học ủng hộ thị trường tự do người Pháp, Yves Guyot, nói rằng cuốn sách mỏng của ông, Economic Prejudices (Những định kiến về kinh tế), được viết theo phong cách của Frederic Bastiat, với mục đích “[đặt ra] chân lí dưới hình thức đơn giản, thuận tiện, dễ nhớ, nhằm phê phán những sai lầm bằng những chứng minh mà người nào cũng có thể áp dụng”, như Bastiat đã làm cách đó nửa thế kỉ[9]. Và chắc chắn là trong thế kỉ XX, thành công nhất và có ảnh hưởng nhất trong việc áp dụng phương pháp và cách tiếp cận của Bastiat là tác phẩm Economics in One Lesson (Kinh tế học trong một bài học) của Henry Hazlitt, trong đó tác giả cho biết: “Tác phẩm này có thể, trên thực tế, được coi là sự hiện đại hóa, mở rộng và khái quát hóa phương pháp được trình bày trong cuốn sách mỏng của Bastiat, với nhan đề What Is Seen and What Is Not Seen (Cái nhìn thấy và cái không nhìn thấy)[10].
* * *
Claude Frederic Bastiat sinh ngày 30 tháng 6 năm 1801, ở Bayonne, nước Pháp, trong gia đình thương nhân có tiếng[11]. Mẹ ông qua đời khi ông mới lên bảy, chỉ hai năm sau bố ông cũng qua đời, lúc đó Frederic mới vừa tròn chín tuổi. Ông đã được người cô nuôi nấng, bà cũng là người tìm cách cho ông vào học ở trường Cao đẳng Sorèze khi ông vừa tròn 14 tuổi. Nhưng năm 17 tuổi, ông bỏ học giữa chừng và vào làm cho công ty thương mại của ông chú ở Bayonne. Chẳng bao lâu sau ông đã đọc hết các tác phẩm của nhà kinh tế học theo trường phái tự do cổ điển của Pháp là Jean-Baptiste
 Say, và những tác phẩm này đã thay đổi cuộc đời và tư duy của ông[12]. Ông bắt đầu nghiên cứu kinh tế chính trị học một cách nghiêm túc và chẳng bao lâu sau đã tìm được rất nhiều tác phẩm của những người cầm bút theo trường phái tự do cổ điển khác ở Pháp và ở Anh.

Năm 1825, ông được thừa hưởng một điền trang nho nhỏ ở Mugron, do ông nội để lại và ở đó cho đến năm 1846 thì chuyển hẳn về Paris. Trong những năm 1820, Bastiat dành phần lớn thời gian để đọc sách báo viết về nhiều đề tài khác nhau, ngoài ra, ông còn chia sẻ sách vở và tư tưởng với người bạn tên là Félix Coudroy. Dường như Coudroy là người có khuynh hướng xã hội chủ nghĩa, và Bastiat bắt đầu hoàn thiện kĩ năng tư duy và viết một cách mạch lạc bằng cách đưa ra những lập luận mà cuối cùng đã thuyết phục được người bạn ngả sang triết lí tự do.

Cuối những năm 1820 và trong những năm 1830, ông bắt đầu viết những cuốn chuyên khảo và những bài tiểu luận về những chủ đề kinh tế khác nhau. Nhưng phải đến năm 1844, ông mới có danh tiếng thực sự, đấy là khi ông xuất bản một bài báo dài nhằm ủng hộ thương mại tự do và sau đó là một chuyên khảo về Cobden và tác phẩm the League: The English Movement for Free Trade (tạm dịch: Liên đoàn: Phong trào ủng hộ thương mại tự do ở Anh). Trong quá trình viết những tác phẩm này, Bastiat bắt đầu trao đổi thư từ với Richard Cobden, một trong những nhà lãnh đạo chính của Liên đoàn chống Luật ngũ cốc, tức là hiệp hội đòi bãi bỏ tất cả các rào cản đối với thương mại tự do. Hai người ủng hộ tự do kinh tế nhanh chóng trở thành bạn bè và hỗ trợ nhau trong sự nghiệp vì tự do.


Thành công của những tác phẩm này và cảm hứng từ thành công của những hoạt động ủng hộ thương mại tự do của Cobden trong việc chấm dứt chính sách bảo hộ nông nghiệp ở Anh vào năm 1846 đã dẫn đến kết quả là Bastiat chuyển hẳn về Paris để thành lập Hiệp hội thương mại tự do ở Pháp và xuất bản tờ Le Libre Échange, ủng hộ sự nghiệp của Hiệp hội[13]. Bastiat làm việc nhằm tổ chức và tuyên truyền cho tự do thương mại liên tục trong hai năm. Ban đầu ông đã lôi kéo được khá nhiều người làm trong lĩnh vực thương mại và công nghiệp hỗ trợ các hoạt động của mình, trong đó có đóng góp những bài phát biểu, xây dựng pháp luật cho việc bãi bỏ chủ nghĩa bảo hộ của Pháp và viết sách báo nhằm chuyển hóa tư tưởng của công luận. Nhưng không có kết quả. Có quá nhiều nhóm lợi ích đặc biệt được hưởng lợi từ những ưu đãi của chính phủ và ông không thể làm cho quần chúng thường xuyên quan tâm tới những hoạt động của mình. Dường như Adam Smith đã đúng khi phàn nàn về những định kiến ​​của công chúng và sức mạnh của các nhóm lợi ích, ít nhất là ở Pháp.

Sau cuộc cách mạng Tháng 2 năm 1848, Bastiat bắt đầu sự nghiệp trong lĩnh vực chính trị, ban đầu là trong Quốc hội lập hiến và sau đó trong Quốc hội. Sau khi đã dành hầu hết các tác phẩm trước đây của mình nhằm chứng minh những sai lầm trong những luận cứ của chủ nghĩa bảo hộ, Bastiat chuyển sự chú ý của mình tới kẻ thù mới của tự do kinh tế: chủ nghĩa xã hội. Ông đã tung ra những bài phát biểu mạnh mẽ nhằm chống lại những chương trình về lao động xã hội, tức là những chương trình bảo đảm công ăn việc làm trên toàn quốc, những đề xuất về tái phân phối của cải, về quốc hữu hóa lĩnh vực công nghiệp và những luận cứ nhằm mở rộng việc kiểm soát của bộ máy hành chính quan liêu đối với đời sống xã hội và đời sống kinh tế. Nhưng vì bệnh lao nặng làm cho giọng nói của ông ngày càng yếu đi, ông lại quay sang lĩnh vực viết lách và đã viết được nhiều bài tiểu luận thể hiện rõ những điều vô lí trong luận cứ của những người xã hội chủ nghĩa.

Lần cuối cùng Bastiat xuất hiện ở Quốc hội là vào tháng 2 năm 1850. Mùa xuân năm đó sức khỏe của ông xấu đi trông thấy, buộc ông phải từ bỏ trách nhiệm trong Quốc hội và sống cả mùa hè ở vùng núi Pyrénées, miền Nam nước Pháp. Ông trở về Paris vào tháng 9 và đi thăm những người cùng ủng hộ sự nghiệp thương mại tự do, trước khi qua Italy để tìm thuốc điều trị bệnh lao. Ông qua đời ở Rome vào ngày 24 tháng 12 năm 1850, ở tuổi 49.

Di sản trí tuệ của Frederic Bastiat trong cuộc đấu tranh cho nền kinh tế tự do được in thành ba tập. Hai cuốn là bộ sưu tập những bài tiểu luận và những bài báo dí dỏm, sâu cay và thấu triệt nhất của ông và đã được dịch sang tiếng Anh với nhan đề Economic Sophisms[14] (tạm dịch: Những ngụy biện trong kinh tế học), và Selected Essays on Political Economy[15] (tạm dịch: Những bài tiểu luận chọn lọc về kinh tế chính trị học). Trong những năm cuối đời, Bastiat dành một phần thời gian cho công trình bàn về triết học xã hội và những nguyên tắc của kinh tế học, được xuất bản dưới nhan đề Economic Harmonies[16] (tạm dịch: Hài hòa về kinh tế).

Henry Hazlitt đã đúng khi nhấn mạnh rằng những ý tưởng quan trọng nhất trong nhiều tác phẩm của Bastiat được thể hiện trong bài tiểu luận nhan đề “What Is Seen and What Is Not Seen” (Cái nhìn thấy và cái không nhìn thấy), đấy là tác phẩm cuối cùng ông viết trước khi qua đời[17]. Ông chỉ ra rằng ảnh hưởng trong ngắn hạn của bất kì hành động hay chính sách nào thường khác hẳn với hậu quả mà nó gây ra trong dài hạn, và rằng, những hậu quả trong tương lai xa xôi đó, trên thực tế, có thể trái ngược với những điều người ta từng hi vọng hay lập kế hoạch lúc ban đầu.

Bastiat có thể áp dụng nguyên tắc của cái nhìn thấy và cái không nhìn thấy vào thuế khóa và công việc của chính phủ. Khi chính phủ đánh thuế, cái nhìn thấy là những công nhân có việc làm và kết quả của sức lao động của họ: một con đường, một cây cầu hay một con kênh được xây dựng. Cái không nhìn thấy là tất cả những thứ có thể được sản xuất nếu người ta không thu thuế của những người làm trong lĩnh vực tư nhân và nếu những nguồn tài nguyên và lao động làm việc cho chính phủ được tự do phục vụ nhu cầu của những công dân kia. Bastiat giải thích rằng chính phủ chẳng làm được gì nếu không lấy các nguồn lực và lao động mà lĩnh vực tư đang sử dụng.

Quan điểm thấu triệt, đơn giản và cực kì quan trọng đó là vũ khí mang tính lí thuyết, nhờ đó Bastiat có thể chỉ ra những sai lầm và mâu thuẫn trong những tư tưởng của cả phái bảo hộ lẫn phái xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, trong những bài tiểu luận như “Phong phú và khan hiếm”, “Trở ngại vật và nguyên nhân”, và “Nỗ lực và kết quả”, ông chỉ ra rằng các rào cản và những biện pháp cấm đoán thương mại tự do chỉ dẫn tới đói nghèo mà thôi[18]. Ông nhấn mạnh rằng mỗi người trong chúng ta vừa là người tiêu dùng vừa là người sản xuất.

Muốn tiêu thụ một món đồ, chúng ta phải tự làm hoặc làm ra một món hàng khác mà chúng ta nghĩ rằng một người nào đó sẽ trao đổi với món hàng mà chúng ta muốn. Là người tiêu dùng, chúng ta muốn càng có nhiều hàng và giá càng rẻ thì càng tốt. Nói cách khác, chúng ta muốn dư dật. Nhưng, là người sản xuất, chúng ta lại muốn món hàng mà chúng ta đưa ra thị trường ở trong tình trạng khan hiếm. Trong thị trường cạnh tranh công khai, nơi mà tất cả các cuộc trao đổi đều là tự nguyện, cách duy nhất để “tóm được” khách hàng và kiếm được thu nhập tạo điều kiện cho mỗi người chúng ta, đến lượt mình, trở thành người tiêu dùng, là cung cấp nhiều hàng hóa hơn, tốt hơn, rẻ hơn đối thủ cạnh tranh của mình. Bastiat cảnh báo rằng thay thế cho phương pháp này là mỗi người chúng ta, như người sản xuất, quay sang đề nghị chính phủ cho chúng ta những thứ thuộc quyền sở hữu của những người hàng xóm của chúng ta, tức là những thứ mà chúng ta không thể nhận được thông qua trao đổi hòa bình, bất bạo động, trên thị trường.

Đây là đường ranh giới nổi tiếng mà Bastiat vạch ra giữa cướp bóc bất hợp pháp và cướp bóc hợp pháp, cũng là trọng tâm của tác phẩm Luật Pháp[19]. Mục đích của chính phủ, ông nói, chính là bảo đảm quyền sống, quyền tự do và tài sản của các cá nhân. Nếu không có sự bảo đảm như vậy thì đời sống của con người chỉ còn là cuộc sống nguyên thủy, đầy sợ hãi và lúc nào cũng chỉ lo tự vệ mà thôi, người hàng xóm nào cũng là kẻ thù tiềm tàng, sẵn sàng cướp bóc tất cả những thứ do người khác làm ra. Nếu chính phủ chỉ làm một việc là bảo vệ các quyền của con người thì hòa bình sẽ thắng thế và người ta sẽ làm việc nhằm cải thiện đời sống của mình, họ sẽ liên kết với những người hàng xóm trong việc phân công lao động và trao đổi.

Nhưng chính phủ cũng có thể quay sang chống lại những người mà nó có nhiệm vụ bảo vệ tài sản cho họ. Đây là lúc có thể xảy ra cướp bóc hợp pháp, trong đó quyền lực của chính phủ được nhiều cá nhân và các nhóm người sử dụng nhằm ngăn chặn các đối thủ, không cho họ tham gia cạnh tranh, cản trở cơ hội kinh doanh của những người khác ở trong và ngoài nước, và do đó ăn cắp tài sản của dân chúng. Điều này, Bastiat khẳng định, là nguồn gốc và cơ sở của chủ nghĩa bảo hộ, của những biện pháp quản lí và thuế khóa có tính chất tái phân phối tài sản.

Nhưng hậu quả của cướp bóc hợp pháp không chỉ là hợp pháp hóa về mặt chính trị hành vi trộm cắp và phá hoại đạo đức do xóa nhòa sự phân biệt giữa đúng và sai - mà những hậu quả này có thể còn có tác động cực kì quan trọng và nguy hiểm đối với sự ổn định và thịnh vượng trong dài hạn của xã hội. Những chính sách như thế chắc chắn sẽ làm giảm sự thịnh vượng của xã hội. Bastiat khẳng định rằng bảo hộ thương mại, cản trở về mặt pháp lí trong lĩnh vực đối nội, thuế khóa có tính chất tái phân phối của cải cao hơn thuế suất tối thiểu cần cho việc bảo vệ một cách bình đẳng quyền của mỗi cá nhân đều làm suy giảm sản xuất và cạnh tranh trong xã hội. Khan hiếm thế chỗ cho phong phú. Hạn chế cạnh tranh làm cho hàng hóa cung cấp cho tất cả các thành viên trong xã hội giảm đi. Áp đặt hàng rào bảo hộ đối với ngoại thương hay quản lí sản xuất ở trong nước làm giảm số lượng hàng hóa nói chung và làm cho chúng trở nên đắt đỏ hơn. Cuối cùng, mọi người đều bị thiệt hại. Và bằng cách đó, Bastiat đi đến kết luận nổi tiếng rằng nhà nước là câu chuyện tuyệt vời mà ở đó mỗi người đều tìm cách sống bằng chi phí do tất cả những người khác trả.

Tại sao lại xảy ra cướp bóc hợp pháp? Bastiat tìm thấy hai nguồn gốc. Thứ nhất, như chúng ta đã thấy, một số người coi nó là phương tiện tìm kiếm của cải dễ dàng hơn là lao động và sản xuất. Họ sử dụng quyền lực chính trị để tái phân phối những thứ mà họ không muốn hoặc không có khả năng nhận được từ những người bên cạnh thông qua trao đổi tự nguyện trên thị trường. Nói cách khác, một trong những cơ sở của cướp bóc hợp pháp là tư tưởng ăn cắp bị hiểu sai.

Nguồn gốc thứ hai của cướp bóc hợp pháp và nguy hiểm hơn nhiều là não trạng kiêu căng của những người nhận lãnh vai trò thiết kế xã hội. Thông qua những giai đoạn khác nhau, Bastiat chỉ ra rằng các nhà triết học trong lĩnh vực xã hội và chính trị coi nhân dân như là vật chất thụ động, tương tự cục đất sét, đợi người ta nhào nặn và tạo thành hình dáng, sắp xếp và di chuyển theo thiết kế của giới tinh hoa tri thức. Bastiat chỉ ra rằng giới tinh hoa chính trị luôn luôn ca ngợi lí tưởng dân chủ, theo đó “nhân dân” chọn những người sẽ nắm quyền. Nhưng ngay khi quá trình bầu cử vừa chấm dứt, những người được bầu vào những chức vụ cao liền giành lấy quyền lập kế hoạch, chỉ đạo và kiểm soát tất cả các mặt của đời sống kinh tế và xã hội. Rõ ràng, nhiệm vụ của xã hội dân chủ hiện đại là định kì bổ nhiệm những người sẽ trở thành những kẻ cai trị độc tài của chúng ta.

Đây có phải là cách sống của con người hay không? Cướp bóc bất hợp pháp và hợp pháp có phải là hình thức tổ chức xã hội duy nhất hay không? Bastiat trả lời: Không. Trong tác phẩm Hài hòa về kinh tế ông đã cố gắng giải thích bản chất và logic của hệ thống các hiệp hội nhân bản, hòa bình, dựa vào sản xuất và buôn bán. Các nhà sử học trong lĩnh vực tư tưởng kinh tế và những người phê bình Bastiat chỉ ra rằng tác phẩm này cho thấy mặc dù có tài năng sáng chói trong lĩnh vực báo chí, ông không phải là lí thuyết gia kinh tế nặng kí. Họ chỉ ra cách ông sử dụng hình thức của học thuyết lao động về giá trị hoặc lí thuyết sai về tiết kiệm, vốn và lãi suất[20].

Nhưng ngoài những sai sót và hạn chế vừa nói, Hài hòa về kinh tế vẫn là tác phẩm chứa đựng kiến thức thấu triệt. Tác phẩm này cố gắng đưa ra một tầm nhìn rộng lớn về các mối quan hệ nhân quả giữa việc làm, phân công lao động, trao đổi tự nguyện và người dân cùng giúp nhau cải thiện điều kiện sống của mình, cũng như tầm quan trọng của tài sản tư nhân, tự do cá nhân, và tự do thương mại, cả nội thương lẫn ngoại thương. Có tự do thì sẽ có hài hòa xã hội, vì mỗi người không còn coi hàng xóm là kẻ thù mà là đối tác trong quá trình cải thiện liên tục điều kiện sống của mình[M1] . Khi các mối quan hệ dựa trên sự chấp thuận và thỏa thuận giữa các bên thì không thể có cướp bóc, mà chỉ có củng cố sự thịnh vượng, vì mỗi người đều làm việc để trao đổi với những người láng giềng của mình và có được những vật phẩm làm cho đời sống của mỗi người và mọi người đều được cải thiện.

Nhìn vào giai đoạn khi mà Bastiat tập trung toàn bộ sức lực của mình cho cuộc tranh đấu vì tự do và thương mại tự do, có thể rút ra kết luận rằng cuộc đời ông đã thất bại. Cả khi ông còn sống cũng như sau khi ông mất, ở nước Pháp, cả tự do lẫn thương mại tự do vẫn nằm trong gọng kìm của chủ nghĩa bảo hộ và chủ nghĩa can thiệp, và chưa bao giờ đạt được mức độ tự do kinh tế như Vương quốc Anh trong suốt nửa sau của thế kỉ XIX.

Nhưng cuộc đời của Bastiat phải được coi là thành công rực rỡ. Trong suốt 150 năm sau khi ông qua đời, mỗi thế hệ mới những người ủng hộ tự do kinh tế đều được các trước tác của ông truyền cảm hứng. Những câu chuyện ngụ ngôn và những bài tiểu luận vẫn tươi mới như thể chúng mới được viết trong ngày hôm qua, vì chúng nói về bản chất của sự hợp tác của con người và những nguy hiểm của việc xâm phạm của chính trị vào trật tự xã hội và trật tự của thị trường.




* Richard Ebeling là Chủ tịch Foundation for Economic Education.
[1] Adam Smith, An Inquiry into the Nature and Causes of the Wealth of Nations, Book Four, chapter two (New York: Modern Library, 1937 [1776]), pp. 437-38.
[2] Sir Alexander Gray, The Development of Economic Doctrine: An Introductory Survey (London: Longmans, Green, 1931), pp. 244-45.
[3] Lewis H. Haney, History of Economic Thought (New York: Macmillan, 1936), pp. 331-32.
[4] Eduard Heimann, History of Economic Doctrines: An Introduction to Economic Theory (London: Oxford University Press, 1945), p. 124.
[5] Charles Gide and Charles Rist, A History of Economic Doctrines, From the Time of the Physiocrats to the Present Day (Boston: D.C. Heath, 1915), pp. 329-30.
[6] William A. Scott, The Development of Economics (New York: The Century Co., 1933), p. 244.
[7] Joseph A. Schumpeter, History of Economic Analysis (New York: Oxford University Press, 1954), p. 500.
[8] Ludwig von Mises, Liberalism: The Classical Tradition (Irvington-on-Hudson, N.Y.: Foundation for Economic Education, 1996 [1927]), p. 197.
[9] Yves Guyot, Economic Prejudices (London: Swan Sonnenschein, 1910), p. v.
[10] Henry Hazlitt, Economics in One Lesson (New York: Harper & Brothers, 1946).
[11] Đoạn nói về cuộc đời và sự nghiệp của Bastiat dưới đây chủ yếu được viết theo Dean Russell, Frédéric Bastiat: Ideas and Influence (Irvington-on-Hudson, N.Y.: Foundation for Economic Education, 1965); và Dean Russell, Frédéric Bastiat and the Free Trade Movement in France and England, 1840–1850 (Geneva: Imprimarie Albert Kundig, 1959); cũng như George C. Roche, Frederic Bastiat: A Man Alone (Hillsdale, Mich.: Hillsdale College Press, 1977).
[12] Jean-Baptiste Say, A Treatise on Political Economy, or the Production, Distribution and Consumption of Wealth [1921] (N.Y.: Augustus M. Kelley, 1971); Say, Thư gửi Mr. Malthus on Several Subjects of Political Economy [1821] (N.Y.: Augustus M. Kelley, 1967); and R. R. Palmer, ed., J.-B. Say: An Economist in Troubled Times (Princeton, N.J.: Princeton University Press, 1997).
[13] Về phong trào ủng hộ thương mại tự do ở Anh và thành công của phong trào này hồi giữa thế kỉ XIX, xin đọc tác phẩm Austrian Economics and the Political Economy of Freedom của Richard M. Ebeling (Northampton, Mass.: Edward Elgar, 2005), ch. 10: “The Global Economy and Classical Liberalism: Past, Present and Future” pp. 247-281, đặc biệt là các trang 248-252.
[14] Economic Sophisms, trans. and ed. Arthur Goddard, with introduction by Henry Hazlitt (Irvington-on-Hudson, N.Y.: Foundation for Economic Education, 1996 [1845]).
[15] Selected Essays on Political Economy, trans. Seymour Cain, ed. George B. de Huszar, with introduction by F. A. Hayek (Irvington-on-Hudson, N.Y.: Foundation for Economic Education, 1995 [1964]).
[16] Economic Harmonies, trans. W. Hayden Boyers, ed. George B. de Huszar, with introduction by Dean Russell (Irvington-on-Hudson, N.Y.: Foundation for Economic Education, 1996 [1850]).
[17] Trong Selected Essays, pp. 1-50.
[18] Economic Sophisms, pp. 7-27.
[19] “The Law”, in Selected Essays, pp. 51-96; and, “The Physiology of Plunder”, in Economic Sophisms, pp. 129-46.
[20] Xem, ví dụ, Eugen von Böhm-Bawerk, Capital and Interest, vol. 1: History and Critique of Interest Theories (South Holland, Ill.: Libertarian Press, 1959), pp. 191-94.





 [M1]xem lại, điều kiện sống của mình - điều kiện sống của con người

No comments:

Post a Comment