October 9, 2016

Trung quốc có thật sự muốn trật tự quốc tế “công bằng và ngay thẳng” hay không?

Shaheli Das

Phạm Nguyên trường dịch

Điều Trung Quốc thực sự muốn là gia tăng sức mạnh của mình trong nền quản trị thế giới.

Tháng trước, đã có nhiều cuộc thảo luận về việc liệu Bắc Kinh có thể định hình nền quản trị thế giới tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 được tổ chức tại Hàng Châu, Trung Quốc, hay không. Ngoài ra, cải cách nền quản trị toàn cầu sẽ vẫn là vấn đề then chốt trong cuộc thảo luận tại Hội nghị Thượng đỉnh BRICS (các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – ND) sẽ được tổ chức ở Goa, Ấn Độ, vào tháng 10 năm 2016. Tại sao vấn đề cải cách nền quản trị toàn cầu lại là mối quan tâm chủ chốt của Trung Quốc và Bắc Kinh tìm cách đạt được mục tiêu của mình như thế nào?

Image Credit: Flickr/GovernmentZA


Hiện nay Trung Quốc không còn chỉ đơn thuần là cường quốc ở châu Á nữa; phải coi nước này là cường quốc thế giới. Trên thực tế, tất cả các vấn đề quốc tế lớn hiện nay đều cần Trung Quốc tham gia. Như vậy là, địa vị siêu cường làm cho Trung Quốc có quyền hơn trong việc thiết lập chương trình nghị sự của toàn thế giới. Trong các diễn đàn đa phương, Trung Quốc đòi hỏi cải cách nền quản trị toàn cầu. Đấy trước hết là những cuộc cải cách liên quan tới việc tái cơ cấu các thiết chế quốc tế, ví dụ các tổ chức được thành lập ở Bretton Woods (trong đó có Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế) và Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (HĐBA). Trong nỗ lực thực hiện những cuộc cải cách như vậy, cuối cùng, Trung Quốc đã bắt tay vào quá trình xây dựng các thiết chế toàn cầu của chính mình. Đấy là thành lập Quỹ Con Đường Tơ Lụa, tăng cường liên kết và giao thương trong khuôn khổ Con đường Tơ lụa trên biển và sáng kiến Một Vành Một Con Đường; Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) do các nước BRICS dẫn dắt; Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB).

Trung Quốc khẳng định rằng yêu cầu chủ yếu của họ là cải cách HĐBA và các thiết chế Bretton Woods để cho các nước đang phát triển có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong quá trình xác định chương trình nghị sự toàn cầu. Là thành viên thường trực của HĐBA, Trung Quốc yêu cầu những cuộc cải cách hợp lý trong cơ quan này theo nghĩa là các nước đang phát triển chưa có đại diện một cách tương xứng. Tuy nhiên, Trung Quốc đã mâu thuẫn với quan điểm của chính mình về việc hỗ trợ không mệt nỏi các nước đang phát triển bằng cách thể hiện thái độ nước đôi trước đòi được quyền trở thành thành viên thường trực của HĐBA của nhóm G4 (Ấn Độ, Brazil, Đức và Nhật Bản). Xuất hiện câu hỏi về tính công bằng của trật tự quốc tế mới mà Trung Quốc đang muốn xây dựng, mặc dù về mặt từ ngữ, Bắc Kinh nói rằng các cuộc cải cách mà họ nêu ra là đòi hỏi của công lý.

Nói về cải cách các thiết chế Bretton Woods, Trung Quốc hành động như thế lực đòi xét lại. Bắc Kinh sử dụng vị trí của mình ở Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhằm kêu gọi tiến hành cải cách Hội đồng Quản trị của Quỹ và đưa nhiều nền kinh tế thị trường mới nổi vào Hội đồng. Quan trọng nhất là, lập trường của Trung Quốc về cải cách bộ máy quản lý bao gồm lời biện hộ cho việc đa dạng hóa số lượng ứng cử viên để bầu chọn giám đốc điều hành IMF, chức vụ mà trước đây đều do người châu Âu nắm.

Khi người khổng lồ châu Á này tái tục những nỗ lực của mình nhằm xây dựng trật tự thế giới “công bằng và ngay thẳng” hơn, thì hoạt động của nước này đã thu hút được nhiều chú ý hơn của phương Tây. Phương Tây, do Hoa Kỳ đứng đầu, coi những hành động đó của Trung Quốc như là nỗ lực nhằm phá vỡ trật tự thế giới do Mỹ lãnh đạo. Tuy nhiên, mặc dù Hoa Kỳ coi những thiết chế toàn cầu mà Trung Quốc đang dẫn dắt là đối thủ chủ chốt của các đối tác phương Tây của của Hoa Kỳ, nhưng Trung Quốc luôn luôn khẳng định rằng những tổ chức này bổ sung (chứ không phải phụ trợ) cho các hệ thống hiện có. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo Trung Quốc thường nhấn mạnh rằng hoạt động của họ là minh chứng cho lời nói đi đôi với việc làm.

Trung Quốc tìm cách thực hiện mục tiêu của mình về cải cách nền quản trị toàn cầu thông qua quá trình xây dựng lòng tin. Chiến lược của nước này là xây dựng mối quan hệ song phương và đa phương với các nước đang phát triển cũng như thường xuyên sử dụng mỹ từ như quan hệ “cùng thắng” (win-win), hợp tác Nam-Nam, và ngoại giao “đối tác chiến lược” nhằm chiếm được lòng tin của họ. Mặc dù những dự án của Bắc Kinh, trong vai trò nhà lãnh đạo thế giới thứ ba, là giành tiếng nói lớn hơn cho các quốc gia đang phát triển trong các thiết chế toàn cầu do Mỹ lãnh đạo, động cơ thực sự của nước này là củng cố vị thế quốc tế của chính mình bằng cách tạo ra sự đồng thuận trong các nước nằm ở Nam Bán cầu.

Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc sử dụng các công cụ tài chính dùng cho phát triển, thông qua các thiết chế như AIIB và NDB để đối chọi với uy quyền của Hoa Kỳ. Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) có thể cung cấp khoản tài chính trị giá 50 tỷ USD, Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) có thể cung cấp 100 tỷ USD, quỹ Hợp tác Nam-Nam có thể cung cấp 20 triệu USD cho phát triển. Hầu hết các nước đang phát triển đang phải đối mặt với những thách thức về sự yếu kém của cơ sở hạ tầng, mà lý do là thiếu những khoản đầu tư dài hạn. Trung Quốc có tiền để đáp ứng cho những nước đang phát triển có nhu cầu. Đồng thời, yếu tố chính thúc đẩy những khoản đầu tư lớn của Trung Quốc vào các thiết chế này là do họ thất vọng trước việc Hoa Kỳ không chịu cho Trung Quốc có nhiều quyền lực hơn trong những cuộc bỏ phiếu ở Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF, và quan trọng nhất là, gia tăng sức mạnh kinh tế của đất nước mình.

Trung Quốc đang chuyển dần từ chiến lược trước đây “đứng về thế giới thứ III” sang chủ nghĩa đa phương, thách thức một cách nhẹ nhàng quyền bá chủ của Hoa Kỳ. Không thể phủ nhận rằng cùng với sự chuyển dịch quyền lực đang diễn ra, tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ và quá trình hiện đại hóa quân sự của Trung Quốc, đất nước này đang tìm kiếm vị thế siêu cường ngang hàng với các kẻ thủ chính của nó là Hoa Kỳ. Vì vậy, cải cách nền quản trị toàn cầu có nghĩa là các nước đang phát triển có nhiều quyền lực hơn và kết quà là Trung Quốc, người lãnh đạo của Nam bán cầu, chắc chắn sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong nền quản trị toàn cầu và trong quá trình xác định chương trình nghị sự. Đến lượt nó, việc này sẽ dẫn đến quá trình thiết lập trật tự quốc tế “công bằng và ngay thẳng” mới, một trật tự sẽ do Trung Quốc thống trị là chính. Như vậy, động thái của Trung Quốc chứng tỏ rằng đấy là nỗ lực nhằm thúc đẩy Đồng thuận Bắc Kinh (Beijing Consensus) thay cho Đồng thuận Washington (Washington Consensus).

Shaheli Das cộng tác viên tại Observer Research Foundation và nghiên cứu sinh tiến sỹ ở Center for East Asian Studies, Đại học Jawaharlal Nehru.

Đã đăng trên Việt Nam Thời Báo

Nguồn: http://thediplomat.com/2016/10/does-china-really-want-a-just-and-fair-international-order/

No comments:

Post a Comment