October 17, 2016

Khi người Mỹ cũng cần khắc phục “não trạng” độc đoán

J. Andrew Zalucky

Phạm Nguyên Trường dịch

Chính trị không phải là tất cả. Mặc dù tất cả mọi thứ đều liên quan tới chính trị, mọi thứ đều không chỉ có một chiều kích. Nhà nước, với sự độc quyền về cưỡng chế bằng các phương tiện bạo lực, là trọng tài thường trực của chính trị. Vì vậy, khi những người có chức vị hay quyền lực thuyết phục dân chúng rằng tất cả mọi vấn đề đều cần giải pháp chính trị, thì cũng là lúc người ta nhồi nhét vào đầu óc dân chúng tư tưởng độc tài. Nói cách khác, dân chúng chấp nhận “não trạng độc tài”. Trong khi tham gia vào chính trị là rất quan trọng đối với xã hội dân sự có sức sống, thì chính trị hóa tất cả các khía cạnh của cuộc sống, cuối cùng, sẽ nghiền nát xã hội xã hội dân sự.

Đặt niềm tin thái quá hay tuyệt vọng rằng một chính trị gia dân cử có thể thay đổi cả nền chính trị, nghĩa là người dân dất nước đó có “não trạng độc tài, cam chịu”. Ảnh minh họa: commondreams

Ví dụ, người Mỹ có một thói quen khó chịu là phóng đại tầm quan trọng của Tổng thống. Dù Tồng thống là người quan trọng trong việc ký/phủ quyết dự luật và chỉ huy các lực lượng vũ trang, ông ta/bà ta không đại diện cho “chúng ta là ai, như một dân tộc” theo bất kỳ ý nghĩa lãng mạn nào. Câu chuyện cảm động của giới truyền thông nói rằng Tổng thống là hiện thân của “những hy vọng và ước mơ” của chúng ta cũng chẳng khác gì “Caesar muôn năm!” của thời hiện đại, được khoác trang phục nhạt nhẽo của ngôn ngữ PR. Rất nguy hiểm vì hai lý do.

Tin tưởng thái quá

Thứ nhất, bất cứ khi nào chúng ta nói “Tổng thống nên làm nhiều X hơn”, là chúng ta đang nhường những khu vực mà Quốc hội hay, thậm chí còn thích hợp nữa, chính chúng ta có thể kiểm soát. Không có gì vô lý hơn khi người khen hay chê Tổng thống vì giá xăng dầu, thứ mà ông gần như không kiểm soát được (và không nên kiểm soát). Có thể nói suốt ngày này sang tháng khác về những ví dụ như thế. Tổng thống Reagan không “cắt giảm thuế”, Quốc hội đã soạn thảo dự luật rồi gửi cho ông ký. Tổng thống Clinton đã không “tạo được việc làm”, chính người dân tạo ra, người dân mua, bán hàng hóa, dịch vụ; là những thứ tạo ra nhu cầu về việc làm và do đó, cần phải thuê thêm người. Tổng thống Obama không tạo ra bình đẳng trong hôn nhân, chính Tòa án tối cao đã đưa ra phán quyết ủng hộ bình đẳng trong hôn nhân. Bằng cách gán cho Tổng thống những việc này, chúng ta không chỉ hành động như thể chúng ta đang sống trong chế độ quân chủ độc đoán, chúng ta hành động như thể thế là đúng vậy!

Tất cả quyền lực vào tay Tổng thống

Thứ hai, nâng địa vị của Tổng thống lên là khuyến khích tư duy nô lệ. Đó là cách sùng bái cá nhân trong khi giả vờ không muốn nghe người ta thuyết phục. Khi chúng ta hoảng sợ về việc một ứng cử viên nào đó trở thành Tổng thống và tất cả những điều khủng khiếp mà ông/bà ta dự định làm là chúng ta thừa nhận rằng chúng ta là một dân tộc đơn giản là sẽ chấp nhận những chuyện đó, rằng Quốc hội hay các cá nhân sẽ không có hành động nào nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của nhánh hành pháp. Thật đáng buồn khi nghĩ như thế, nhất là khi, chúng ta lại là quốc gia tách ra khỏi chế độ quân chủ. Nó sẽ là lời nhắc nhở nghiêm túc rằng một phần nào đó trong mỗi người chúng ta đều mong muốn một nhà độc tài cá nhân làm những điều mà chúng ta chấp nhận - mà không có những “cản trở” phiền phức của lập luận và chống đối.

Khi chúng ta hoảng sợ về việc một ứng cử viên nào đó trở thành Tổng thống và tất cả những điều khủng khiếp ông/bà ta dự định làm là chúng ta thừa nhận rằng chúng ta là một dân tộc đơn giản là sẽ chấp nhận những chuyện đó.

Thông qua nền giáo dục đúng đắn, thông qua những hướng dẫn của cha mẹ, và tiếp xúc với những người bất đồng với chúng ta, chúng ta có thể thấy rằng một số hình thức của chủ nghĩa đa nguyên chính trị, bàn đi bàn lại và giới hạn quyền lực của hành pháp mang lại những lợi ích thực sự. Nhưng nếu nền giáo dục, các phương tiện truyền thông, và ý kiến cá nhân, tất cả đều tìm cách phóng đại vai trò của Tổng thống, thì chẳng còn bao nhiêu không gian để chống lại tư tưởng độc tài.

Các chính trị gia cũng là những người có thể sai lầm. Gán hy vọng và ước mơ của bạn vào họ, là bạn đã biến mình thành tù nhân của những khiếm khuyết của họ. Quan trọng hơn, dựa vào Tổng thống để giải quyết tất cả các vấn đề về kinh tế, ngoại giao, và cuộc sống cá nhân, là cả nước đã bị những khiếm khuyết của ông/bà ta bắt làm tù binh rồi.

Khi một người nào đó phản ứng trước vấn đề có thể được giải quyết mà không cần nhà nước bằng câu: “chúng ta cần đạo luật mới để giải quyết vấn đề này” là ông/bà ta đang giúp sức chống đỡ cho tư tưởng ngầm định về nhà nước. Bộ luật nào cũng được vũ lực (cảnh sát, quân đội và các cơ quan khác) chống lưng. Vì vậy, nếu bạn nghĩ rằng vấn đề nào cũng cần có bộ luật tương ứng thì về cơ bản bạn đang nói rằng bạn sẵn sàng sử dụng bạo lực để có được tất cả những thứ bạn muốn và định hình xã hội theo hình ảnh bất toàn của bạn. Điều này đúng đối với cả chức năng của nhà nước đối với xã hội và đối với cuộc sống cá nhân.

“Chính phủ phải”

Các chế độ độc tài chuyên làm cái việc là nghiền nát các xã hội mà họ cai trị là vì đấy là cách họ làm cho tất cả mọi thứ phụ thuộc vào chính trị: nghệ thuật, âm nhạc, thể thao, tình bạn, thậm chí cả gia đình. Lịch sử đầy các ví dụ như thế, nổi bật nhất là: cộng đồng dân tộc của Đức Quốc xã, chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa ở Nga dưới thời Stalin và Cách mạng Văn hóa của Mao. Đấy là chưa nói tới chính sách kinh tế khủng khiếp đến nực cười của các chế độ đó. Bên trên sự tàn bạo có thể nhìn thấy được của mỗi chế độ này (ví dụ, nạn đói do chính con người gây ra, những vụ giết người, những phiên tòa có tình trình diễn), người ta có thể thấy khía cạnh nhàm chán, quan liêu cũng như cách thức kích hoạt những vụ khủng bồ và biện minh cho khủng bố trong não trạng của người dân. Mỗi một tên Himmler (ý nói giết người – ND) đều cần một gã Goebbels (ý nói dối trá –ND). Luật pháp buộc các nghệ sĩ phải tham gia tổ chức chuyên môn do chính phủ tài trợ. Tiêu chuẩn, luật lệ và quy chế nói rằng được vẽ, được làm phim và ghi lại cái gì, còn cái gì thì không được vẽ, không được ghi lại - tất cả đều phải phù hợp với thức hệ chính trị đã được thiết lập. Tại sao người ta lại muốn sống như thế?

Hãy nhớ rằng, mỗi khi bạn nói: “Chính phủ phải làm cái gì đó về vấn đề X”, bạn đang tiến ngày càng gần hơn đến thực tế vừa nói. Não trạng độc tài xuất hiện khi chúng ta sẵn sàng đè bẹp cái mà Bruno Waterfield mô tả trong một bài báo viết trên tờ Spiked’s Review of Books (về George Orwell):

"... Đời sống, quyền tự chủ, quyền tự do, thậm chí nếu chỉ giới hạn bằng lòng trung thành và những mối liên kết giữa những người coi trọng các mối quan hệ cá nhân của họ với nhau, là bộ luật cao nhất. ‘Quyền tự do có ngôi nhà của mình, quyền tự do làm những gì mình thích trong thời gian rảnh rỗi, quyền tự do lựa chọn những thú vui của mình chứ không phải cấp trên chọn cho mình’, là một phần bản chất của chúng ta. Tìm cách dập tắt nó là tìm cách đóng dấu lên khuôn mặt của con người".

Làm sao bảo vệ được đời sống tự do và tự trị như thế? Như Max Borders và Jeffrey Tucker chỉ ra trong bài “Chính trị đã lỗi thời?”, chúng ta phải công nhận rằng “tiến bộ xảy ra bất chấp chính trị và các chính trị gia, chứ không phải là nhờ chính trị và các chính trị gia”. Chúng ta có những nguồn lực riêng, có khả năng sáng tạo và khả năng suy nghĩ cho bản thân mình. Chúng ta có khả năng tạo ra các thiết chế song hành, tự nguyện, phi bạo lực, có thể làm giảm sự phụ thuộc của chúng ta vào sự can thiệp của nhà nước. Nếu chúng ta muốn “đưa đất nước trở lại đường ngay ngõ thẳng thì những sáng kiến độc lập của chúng ta phải song hành với cố gắng trong việc tìm kiếm người đứng đầu nhà nước phù hợp. Cuối cùng, không bao giờ được tin tưởng một cách lãng mạn vào Tổng thống.

J. Andrew Zalucky là cây bút chuyên viết chính trị, lịch sử và văn hóa, hiện sống ở Connecticut. Từ năm 2011, ông quản lý trang web của riêng mình, gọi là For the Sake of Argument.

Đã đăng trên Luật Khoa

https://fee.org/articles/resisting-the-dictatorship-mindset/



1 comment: