April 30, 2016

Bàn về cách xưng hô của người Việt

“…Biết rằng thay đổi thói quen là việc khó, nhất là khi thói quen đó đã ngấm vào tận hang cùng ngõ hẻm của xã hội, thậm chí lan đến những cấp cao nhất của chính phủ và dường như nó lại làm cho mọi giao tiếp xã hội trở thành dễ dàng hơn…”


LTS: Thông Luận vừa nhận được bài viết của tác giả Phạm Nguyên Trường về một chủ đề tưởng là nhỏ nhưng lại rất quan trọng, nhất là khi chúng ta đang muốn xây dựng một xã hội Việt Nam dân chủ và bình đẳng, chủ đề: “Cách xưng hô của người Việt”.

Cách xưng hô của người người Việt mà tác giả nêu ra đã ăn sâu vào trong tiềm thức và suy nghĩ của người Việt nên rất khó để thay đổi. Trong giao tiếp hàng ngày và trong gia đình thì không nói làm gì nhưng trong công sở nhà nước thì chúng ta bắt buộc phải thay đổi dù muốn hay không.

Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đề nghị trí thức Việt Nam trong công sở nhà nước thay đổi cách xưng hô như sau: “Ngôi thứ nhất dứt khoát là TÔI, không có bất kì ngoại lệ nào. Ngôi thứ hai là: Ông/Bà. Trong trường hợp người đối thoại còn quá trẻ (khoảng 30 tuổi) thì có thể xưng là Anh/Chị. Tuyệt đối không được dùng những đại từ có tính chất hạ thấp người đối thoại như em/cháu…”.

Việc này không khó nhưng thay đổi một thói quen là không dễ. Hãy bắt đầu thay đổi bản thân trước khi muốn thay đổi xã hội.

Khi Việt Nam có dân chủ Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ đệ trình lên quốc hội để đưa những qui tắc về cách xưng hô này thành luật và áp dụng vào trong tất cả các công sở của nhà nước. Mục đích là “nhằm phi gia đình hóa các quan hệ trong công sở”.



Tiếng Việt có rất nhiều đại từ nhân xưng: em, anh, chị, cô, dì, chú, bác, cậu, mợ, ông bà… và chúng ta cảm nhận hay nghĩ rằng mình cảm nhận được mối thâm tình khi sử dụng những đại từ đó trong quan hệ gia đình, hay nói cách khác, chúng ta cho rằng mối quan hệ trong gia đình sẽ trở thành thân mật, gần gũi, ấm áp hơn so với những ngôn ngữ chỉ có hai đại từ: ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai. Có lẽ là như thế thật. Và không chỉ trong gia đình. Một người phụ nữ còn trẻ tự nhận là em và gọi người đàn ông lớn tuổi hơn là anh và ông ta chấp nhận cách giao thiệp như thế thì có thể nói cuộc mặc cả/xin cho đã xong gần một nửa. Một chàng trai gọi bà bán rau ở chợ là “dì” và tự xưng là “con” thì chắc chắn là mớ rau sẽ rẻ đi được vài ngàn.

Tất nhiên, cách xưng hô này cũng tạo ra cho người ta một vài rắc rối và lúng túng. Ví dụ, đồng nghiệp là một người còn trẻ vẫn gọi mình là anh/chị, nhưng khi đến nhà thì bố/mẹ người này chỉ hơn mình một vài tuổi. Gọi bố mẹ đồng nghiệp là anh/chị cũng dở mà cô/chú thì nghe cũng kì. Hay ngược lại, đồng nghiệp, mà ta vẫn gọi là anh/chị, sắp về hưu, khi đến nhà lại thấy con ông/bà ta hơn cả tuổi mình, thậm chí đáng tuổi cô/chú mình. Xưng hô sao đây? Lại cũng có trường hợp khi hai gia đình thông gia gặp nhau và một trong hai ông cứ xưng với bà vợ của ông kia là anh/em làm mọi người có mặt cùng cảm thấy lúng túng.

Nhưng nếu chỉ như thế thì cũng chẳng có gì đáng nói. Đáng nói là cách xưng hô này đã lan tràn vào mọi ngõ ngách của xã hội và nhất là đã tràn ngập các công sở, nơi mà mọi việc đều phải nghiêm túc, đều phải theo quy chuẩn. Cách xưng hô như thế chắc chắn tạo ra hai khiếm khuyết sau đây. Thứ nhất, nó không khuyến khích tinh thần dân chủ. Khi A xưng với B là anh/chú/bác và B chấp nhận gọi A là em/cháu.. thì làm sao hai người có thể nói chuyện với nhau một cách bình đẳng và làm sao A có thể bác bỏ thẳng thừng ý kiến của B?

Thứ hai, trong công sở mà xưng hô bác/chú/anh/em/con/cháu.. rõ ràng là không nghiêm túc và thiếu chuyên nghiệp, nó có thể phù hợp với giai đoạn du kích, giai đoạn ở trong rừng, chứ không thể phù hợp với giai đoạn công nghiệp và hậu công nghiệp. Không nói nhiều, thủ trưởng mà xưng anh/chú với nhân viên thì cơ quan khó mà giữ được kỉ luật, kỉ cương và dù có giữ được thì người ngoài nhìn vào cũng thấy chướng, thấy thiếu nghiêm túc. Càng phản cảm hơn nữa khi tại một cuộc họp báo mang tầm quốc gia (cũng có thể là quốc tế) mà ông thứ trưởng và một phóng viên đối đáp như thế này:


- Phóng viên: Không không, em chỉ hỏi là mình có thể đưa ra một cái mốc thời gian…


- Thứ trưởng Võ Tuấn Nhân: Không, không, để cho anh nói hết. Nói riêng với em…



Thứ trưởng VN: Câu hỏi về cá chết làm ‘tổn hại đất nước’



Rõ ràng là không thể chấp nhận được.

Biết rằng thay đổi thói quen là việc khó, nhất là khi thói quen đó đã ngấm vào tận hang cùng ngõ hẻm của xã hội, thậm chí lan đến những cấp cao nhất của chính phủ và dường như nó lại làm cho mọi giao tiếp xã hội trở thành dễ dàng hơn. Nhưng muốn dân chủ hóa, muốn hiện đại hóa, muốn cho quá trình quản lí trở thành hiệu quả hơn thì không thể để cho những cách xưng hô theo kiểu gia đình như thế có mặt trong công sở. Để rộng đường dư luận, xin đề đạt cách xưng hô mới trong công sở như sau: Ngôi thứ nhất dứt khoát là TÔI, không có bất kì ngoại lệ nào. Ngôi thứ hai là: ông/bà, trong trường hợp người đối thoại còn quá trẻ (khoảng 30 tuổi) thì có thể xưng là anh/chị, nhưng tuyệt đối không được dùng những đại từ có tính chất hạ thấp người đối thoại như em/cháu… Nếu được quốc hội hay chính phủ biến thành luật hay nghị định, nhằm phi gia đình hóa các quan hệ trong công sở thì đây có lẽ sẽ là một bước tiến đang chú ý.

Đã đăng trên ethongluan

1 comment:

  1. ha ha rat dung, rat hay, cam on tac gia .

    ReplyDelete