January 25, 2016

Thế lực thống trị mới đang bắt đầu

NGỌC VIỆT

(GDVN) - Quan hệ thương mại với Trung Quốc, dù xuất siêu hay nhập siêu cũng đều chịu thiệt đơn thiệt kép bởi chính sách tỷ giá phi thị trường.


Theo hãng tin Bloomberg ngày 21/1, tại diễn đàn Kinh tế Thế giới Davos Thụy Sĩ, Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều khẳng định rằng, Chính phủ Trung Quốc không có kế hoạch "phá giá" đồng nhân dân tệ (CNY).

Lý do ông Lý Nguyên Triều đưa ra thì nhiều, nhưng không thuyết phục vì nó không dựa trên cơ chế điều tiết của thị trường tự do. Điều đó thể hiện Trung Quốc đã tham gia vào sân chơi kinh tế thế giới một cách không sòng phẳng và bởi vậy tạo nên sự không bình đẳng giữa Trung Quốc với phần còn lại của kinh tế toàn cầu.

Phó Chủ tịch Trung Quốc Lý Nguyên Triều tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Davos, Thụy Sĩ. Ảnh: Livemint.com.

Kinh tế Trung Quốc đang lột xác, chứ không yếu đi

Trong những ngày qua, một vấn đề nóng của kinh tế Trung Quốc khiến giới đầu tư rất quan tâm, đó là chỉ số tăng trưởng của nền kinh tế có quy mô lớn thứ hai toàn cầu đạt ở mức thấp kỷ lục trong một phần tư thế kỷ qua, chỉ đạt ở ngưỡng 6.9%. Dù không quan ngại nhưng giới đầu tư rất nghi ngại với những vấn đề xoay quanh con số này.

Nhưng lần theo những động thái mà Chính phủ Trung Quốc thể hiện thì có thể hiểu rằng, con số đó nằm trong kế hoạch của nước này, chứ không phải bắt đầu lặp lại sự xì hơi như nền kinh tế “bong bóng” của Nhật Bản trong đầu những năm 1990 mà hậu quả suy thoái kéo dài hàng thập kỷ.

Theo giới đầu tư, mức độ phát triển của nền kinh tế Trung Quốc còn chậm lại trong những năm tới. Nguyên nhân chính là quá trình tái cơ cấu nền kinh tế - kích thích tiêu dùng nội địa, phát triển thương mại và dịch vụ là trọng tâm thay cho chính sách kích thích đầu tư và khuyến khích xuất khẩu trước đây.

Chính sách Đại Nhảy Vọt mà Mao Trạch Đông phát động trong thập niên 1950 của thế kỷ 20 để lại hậu quả rất nặng nề, cụ thể nhất là tỷ lệ nghèo đói chiếm tới 53% dân số Trung Quốc vào cuối những năm 1970, theo Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2004.

Năm 1978, Đặng Tiểu Bình phát động chương trình cải cách và đổi mới nền kinh tế. Về nông nghiệp, Trung Quốc bỏ hợp tác xã và thực hiện khoán ruộng đất cho nông dân cùng với chính sách giảm thuế cho nông nghiệp, giúp cho Trung Quốc nhanh chóng giảm được tỷ lệ nghèo đói xuống còn khoảng 8% vào năm 2001, vẫn theo WB.

Về công nghiệp, Trung Quốc tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, kinh tế nhà nước tập trung vào công nghiệp nặng, công nghiệp năng lượng và dịch vụ công ích. Trung Quốc tạo chính sách thông thoáng khuyến khích đầu tư nước ngoài và kích thích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu, theo tài liệu của Bloomberg.

Với cơ cấu kinh tế mới này đã biến Trung Quốc giống như một công xưởng của thế giới. Kinh tế Trung Quốc bước vào giai đoạn phát triển cực nóng và GDP tăng đến chóng mặt. Trung Quốc nhanh chóng qua mặt Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Tuy nhiên, phát triển nóng gây nên nhiều hậu quả, mà thể hiện ra là khoảng cách giàu nghèo ngày càng lớn, tiêu dùng trong nước sụt giảm.

Việc “tất cả cho phát triển đất nước” làm cho kinh tế Trung Quốc “lớn nhưng không mạnh”, và yêu cầu tái cơ cấu lại nền kinh tế đã đặt ra.

“Trên thực tế, việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đã được dự tính khi Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo hồi tháng 3 vừa qua chính thức thông báo giảm mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2012 xuống 7,5%, cho thấy quyết tâm của chính phủ trong việc hướng tới mô hình phát triển bền vững hơn, chú trọng chất lượng tăng trưởng thay vì chạy theo tốc độ tăng GDP”, theo báo cáo của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc ngày 14/11/2011. Và đến nay, sự điều chỉnh này đã bắt đầu phát huy tác dụng.

Dìm tỉ giá đồng nhân dân tệ thành công cụ bảo hộ đắc lực

Chính sách tiền tệ Trung Quốc có sự điều tiết theo ý muốn của nhà nước với việc đồng CNY không được thả nổi để cho thị trường tư do quyết định biên độ tỷ giá. Điều này không chỉ là một sự bảo hộ của chính phủ Trung Quốc cho nền kinh tế nội địa, mà còn là một sự chi phối sức mạnh của nên kinh tế thế giới với những lợi ích Bắc Kinh có được thông qua những hoạt động thương mại và dịch vụ với nước ngoài.

Để dẫn chứng cho việc này, chúng ta sẽ đưa ra một bài toán kinh tế làm ví dụ cho thấy nền kinh tế Trung Quốc được lợi như thế nào với chính sách tiền tệ có điều tiết của họ.

Theo Bloomberg, tỷ giá trên thị trường tự do tại Hồng Kông ngày 11/8/2015 là: 1USD = 6.3790 CNY.

Còn tại Thượng Hải, chính phủ Trung Quốc áp đặt tỷ giá: 1USD = 6.2298 CNY.

Như vậy nếu thanh toán cho Trung Quốc một lô hàng nào đó trị giá 1.000.000 USD thì đối tác sẽ thiệt mất: L = (6,3790 – 6,2298) x 1.000.000 = 149.200 CNY, tương đương L = 149.200 / 6,2298 = 23.949 USD

Nghĩa là đối tác phải thanh toán 1.023.949 USD cho lô hàng Trung Quốc chỉ có giá trị 1.000.000 USD.

Và phần thiệt của đối tác trong quan hệ thương mại với Trung Quốc đương nhiên sẽ chuyển vào túi Bắc Kinh do đồng nhân dân tệ không được xác định tỷ giá theo thị trường tự do. Và đó là lý do tại sao Trung Quốc quyết tâm không để đồng tiền của họ trở về với giá trị thực của thị trường mà người ta vẫn quen gọi là "phá giá".

Như vậy, việc giảm tỷ lệ tăng trưởng đúng như Trung Quốc tuyên bố, đó là sự điều tiết có chủ đích nhằm chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế sau một thời gian tăng trưởng quá nóng.

Điều này không ảnh hưởng đến sức mạnh thực sự của nền kinh tế Trung Quốc vì chính phủ nước này sử dụng những công cụ tài chính để đảm bảo sức mạnh cho nền kinh tế của họ. Tỷ giá đồng tiền được điều tiết là một trong những công cụ mạnh mẽ và rất hiệu quả.

Cũng từ tỷ giá của đồng nhân dân tệ được điều tiết, Trung Quốc đã hướng tới sự hiệu chỉnh những hoạt động tài chính, thương mại trên toàn cầu có liên quan tới nền kinh tế nước này. Đương nhiên là Bắc Kinh điều chỉnh theo hướng có lợi cho họ, qua đó làm tăng sức mạnh cho nền kinh tế Trung Quốc - một sức mạnh thực chất trục lợi nhờ bất bình đẳng mà có.

Trung Quốc có tham vọng xác lập sự ảnh hưởng, dần tiến tới chi phối kinh tế toàn cầu. Nhưng chính phủ Trung Quốc đã không dám để nền kinh non trẻ của mình cạnh tranh sòng phẳng theo cơ chế thị trường tự do.

Kinh tế Trung Quốc là nền kinh tế mới nổi lên sau thời gian khá dài phát triển cực nóng với nền tảng đầu tư vào công nghiệp sản xuất ra tư liệu sản xuất và xuất khẩu.

Trung Quốc đã quá xuất sắc và thành công trong việc định vị sản phẩm và phân khúc thị trường, đã đưa quốc gia này chiếm lĩnh và thống trị thị trường hàng giá rẻ toàn cầu.

Việc Trung Quốc không hướng trọng tâm vào hàng xuất khẩu chỉ chủ yếu đối với hàng hóa dạng tư liệu sản xuất, chứ hàng hóa dạng tư liệu sản xuất phục vụ sản xuất hàng tiêu dùng thì chắc chắn sẽ không chuyến hướng.

Nói nôm na, người ta sẽ không còn thấy Trung Quốc phát triển những đại công xưởng chuyên sản xuất phôi thép hay hóa chất tại quốc gia này nữa mà thay vào đó sẽ là những dây chuyền sản xuất sơn PU phục vụ cho việc sản xuất hàng gỗ hay sơn công nghiệp phục vụ cho xây dựng...
Những nhà máy công nghiệp nặng sử dụng công nghệ lạc hậu, ô nhiễm môi trường sẽ được Trung Quốc bê ra nước ngoài thông qua các hoạt động cho vay, viện trợ phát triển và kể cả định chế tài chính AIIB mà Bắc Kinh cầm trịch. Ảnh: The New York Times.

Đương nhiên Trung Quốc sẽ tập trung phát triển sản xuất hàng tiêu dùng giá rẻ vì đó là thế mạnh của họ.

Móc túi người tiêu dùng toàn cầu

Trong thời gian tới, với kết quả của tái cơ cấu nền kinh tế được hiện thực hóa sâu rộng, Trung Quốc sẽ nhanh chóng trở thành kho hàng của thế giới với hầu hết những mặt hàng thiết yếu.

Khi kinh tế đang trong giai đoạn khó khăn vì những hệ lụy do giá dầu thô giảm liên tục và xung đột bủng nổ trên toàn cầu, thị trường hàng giá rẻ của Trung Quốc vẫn liên tục được mở rộng.

Kênh thị trường béo bở mà Trung Quốc chiếm lĩnh không phải không có những đối thủ nhăm nhe. Nhưng một phần là do họ không kịp trở tay với những biến động quá nhanh chóng của kinh tế thế giới trong những năm gần đây, mặt khác là do công cụ tài chính bảo hộ cho nền sản xuất của họ yếu.

Với Trung Quốc, việc giữ giá trị cho đồng nhân dân tệ trước những ngoại tệ mạnh khác làm cho nền sản xuất trong nước mạnh hơn hẳn những đối tác khác trong việc cạnh tranh hàng giá rẻ.

Bên cạnh đó với kênh hàng giá rẻ này, Trung Quốc không cần đầu tư công nghệ cao trong sản xuất, do vậy họ có thể dễ dàng thay đổi công nghệ sản xuất và cải tiến mẫu mã, đáp ứng kịp thời sự biến động trên thị trường toàn cầu.

Trung Quốc kiên quyết không chấp nhận để đồng nhân dân tệ trở về giá trị thật của nó so với những ngoại tệ mạnh khác trên thị trường tự do là có lý do của nó.

Chính chính sách này đã làm cho người tiêu dùng trên thế giới phải sử dụng hàng giá rẻ của Trung Quốc với giá cao hơn, và do đó lợi nhuận thật sự của doanh nghiệp Trung Quốc cũng cao hơn hẳn theo tính toán giá thành dựa trên những ngoại tệ mạnh.

Người viết có thể đưa ra đây một ví dụ rất rõ ràng chứng tỏ người tiêu dùng trên thế giới “thiệt đơn thiệt kép” khi tiêu thụ hàng Trung Quốc.

Theo tài liệu công bố của Ngân hàng Techcombank, sáng ngày 23/1 thì: 1USD = 22.370 VND và 1CNY = 3.368 VND.

Nghĩa là nếu giao dịch thông qua VND thì: 1USD = 22.370 / 3.368 = 6.6419 CNY.

Nhưng theo Bloomberg cùng thời điểm thì: 1USD = 6.5788 CNY.

Như vậy nếu người Việt Nam mua một món hàng nào đó của Trung Quốc trị giá 100 USD = 2.237.000 VNĐ, thì họ sẽ bị thiệt: C = (6.6419 – 6.5788) x 3.368 x 100 = 21.260 VND do chênh lệch tỉ giá từ sự áp đặt tỉ giá đồng CNY phi thị trường của chính phủ Trung Quốc.

Tức là người tiêu dùng đã phải mua món hàng Trung Quốc này trị giá 2.237.000 VNĐ với giá cả thực tính là: 2.237.000 + 21.260 = 2.258.260 VND.

Tỉ giá áp đặt phi thị trường là một công cụ lợi hại và nguy hiểm của Trung Quốc trong quan hệ làm ăn với thế giới. Ảnh minh họa: Economy Watch.

Trên đây mới là một ví dụ, một phép tính đơn giản nhất từ góc độ người tiêu dùng và doanh nghiệp mua hàng Trung Quốc, làm ăn với Trung Quốc đã bị "móc túi" tinh vi như thế nào.

Còn đối với các quốc gia vay vốn Trung Quốc hoặc có quan hệ thương mại với Trung Quốc, dù xuất siêu hay nhập siêu cũng đều chịu thiệt đơn thiệt kép bởi chính sách tỉ giá phi thị trường mà chính phủ nước họ áp đặt.

Trong khi đó Trung Quốc đang dần hướng người tiêu dùng trên thế giới tới chỗ, muốn sử dụng hàng rẻ nước này thì phải chuyển qua thanh toán bằng đồng nhân dân tệ.

Đó là một bước đi quan trọng trong việc đưa kinh tế thế giới vào vòng ảnh hưởng của Trung Quốc thông qua kênh hàng giá rẻ - một bước đi mang tính đồng hóa của nước này thông qua cả hàng hóa và tiền tệ của họ.

Âm mưu khống chế kinh tế thế giới

Tháng 10 năm ngoái, đồng nhân dân tệ đã đi vào lịch sử khi được các định chế tài chính quốc tế xác nhận là một trong 5 loại tiền tệ được dùng làm phương tiện thanh toán trên thế giới, cùng với đồng đô la Mỹ, đồng bảng Anh, đồng euro và đồng yên Nhật. Đây là kết quả của một quá trình phấn đấu không mệt mỏi của Trung Quốc nhằm quốc tế hóa đồng tiền của mình.

Tuy nhiên, khi đạt được mục đích thì Trung Quốc muốn lái cả thế giới theo ý muốn của họ. Trung Quốc không để cho đồng nhân dân tệ được thể hiện đúng giá trị của nó qua việc quốc tế hóa, nghĩa là tỷ giá của nó phải do thị trường tự do toàn cầu quyết định.

Đáng lẽ tỉ giá đồng nhân dân tệ phải lên xuống theo sức mạnh của nó trên thị trường tài chính, không thể có công cụ của chính phủ hỗ trợ hay điều tiết ở đây.

Trung Quốc đã không sòng phẳng trong cuộc chơi khi tạo ra sự bất bình đẳng trong cơ chế hối đoái đối với đồng tiền của mình.

Bắc Kinh đã hình thành nên một hàng rào bảo hộ nền kinh tế nội địa và ép buộc các quốc gia có hoạt động thương mại trực tiếp với Trung Quốc, hoặc thị trường hàng tiêu dùng hướng tới hàng hóa Trung Quốc thì phải sử dụng nhân dân tệ mới được hưởng lợi.

Người tiêu dùng không được tự do lựa chọn 1 trong 5 loại tiền tệ thông dụng trong thanh toán quốc tế, phù hợp với thói quen và sự tiện lợi của nó vì tỷ giá do Trung Quốc quyết định.

Vì Trung Quốc chiếm lĩnh kênh hàng giá rẻ nên nước này đang trục lợi bất chính thông qua việc ấn định tỷ giá đồng tiền của mình một cách phi thị trường trong hoạt động thanh toán trên kênh thị trường này.

Có thể thấy rằng việc đồng USD trở thành công cụ tài chính phổ biến trong thanh toán quốc tế được diễn ra theo cơ chế của thị trường tự do và qua đó kinh tế Mỹ trở thành trụ cột, chi phối kinh tế toàn cầu. Ngay cả khi kinh tế Mỹ đã không còn đủ sức mạnh, gần như “một mình một ngựa” trong hơn nửa thế kỷ qua, điều này vẫn không sai khác.

Mỹ thể hiện sự chi phối thị trường tài chính toàn cầu bằng tính phổ biến của đồng USD - người ta sử dụng đồng USD làm phương tiện thanh toán hoặc dùng USD làm cơ sở để xác định tỷ giá hối đoái.

Nói cách khác, người ta dùng tiền Mỹ nhưng không nhất thiết phải mua hàng của Mỹ mà vẫn có lợi cho mình. Trung Quốc thì ngược lại.

Bắc Kinh đang nhắm mục tiêu chi phối kinh tế toàn cầu bằng việc gắn chặt nó vào những công cụ kinh tế của họ - hàng hóa và tiền tệ. Từ đó họ thực hiện việc khống chế nền kinh tế thế giới theo những nguyên tắc và cơ chế mà Trung Quốc đặt ra, dựa trên cả lợi ích kinh tế và lợi ích chính trị của họ.

Theo The New York Times ngày 4/12/2015, 70 năm sau “Bretton Woods”, Trung Quốc đang chứng minh rằng, không có tiền lệ cho một đế chế có khả năng chi phối thế giới mãi mãi. Và họ đang quyết tâm là đế chế tiếp theo, thay cho Mỹ chi phối thế giới này.

Tuy nhiên, với sự chi phối của Trung Quốc thì quyền lợi của của các nền kinh tế sẽ phụ thuộc rất nhiều vào họ chứ không phải do cơ chế thị trường tự do quyết định.

Có người đặt câu hỏi là làm sao Trung Quốc đó đủ khả năng và sức mạnh để thực hiện điều ấy? Nếu đi vào phân tích sự ra đời và cơ chế hoạt động của Ngân hàng Xây dựng cơ sở hạ tầng Châu Á (AIIB) và sự tương tác của nó với cơ chế vận hành của TTP, chúng ta sẽ dần tìm ra câu trả lời cho vấn đề ấy.

Nguồn Giáo Dục

No comments:

Post a Comment