January 22, 2016

Huynh đệ tương tàn - hiểm họa diệt vong

NGỌC VIỆT

(GDVN) - Các phe phái chính trị phải nhờ tới sự hỗ trợ của các lực lượng ngoại bang để khẳng định vị thế và sức mạnh của mình đẩy đất nước vào bất ổn triền miên.

Cuộc khủng hoảng chinh trị kéo dài gần 2 năm qua tại nước Cộng hòa Li-băng đã có hướng tháo gỡ, khi khi ứng viên Tổng thống thân Saudi Arabia, Samir Geagea ủng hộ đối thủ của mình là nhà lãnh đạo Kitô giáo, tướng Michel Aoun làm ứng viên Tổng thống duy nhất của nước này, theo Reuters ngày 18/1.

“Tôi tuyên bố ủng hộ Michel Aoun ra tranh cử Tổng thống cho nhiệm kỳ tới của nước Cộng hòa Li-băng. Tôi kêu gọi các đồng minh của tôi ủng hộ cho việc ứng cử của Aoun", ông Geagea cho biết tại một cuộc họp báo.

Giới quan sát cho rằng, đây là thắng lợi của Iran trước đối thủ Saudi Arabia vì tướng Michel Aoun ủng hộ vai trò của Iran trong khu vực và là đồng minh của Syria – chế độ mà Iran đang hậu thuẫn. Điều đó cho thấy chính trường Li-băng vẫn đang bị thao túng bởi những lực lượng chính trị từ các quốc gia khác.


Tại sao Li-băng là một quốc gia có chủ quyền, một đất nước có chính quyền mà lại bị chi phối bởi “người ngoài” như vậy?

Ông Samir Geagea, ứng viên tranh cử Tổng thống Cộng hòa Li-băng, thân Saudi Arabia. Ảnh: Voltairenet.org.

Đất nước hơn 2 năm không “vua”

Xung đột giữa lực lượng của người Cơ Đốc giáo với lực lượng của người Tin lành tại Bắc Ailenc Vương quốc Anh, và xung đột giữa Thiên Chúa giáo với Hồi giáo tại Li-băng là hai cuộc xung đột tôn giáo mạnh mẽ nhất trong những năm cuối của thế kỷ 20.

Tại Li-băng, xung đột tôn giáo đã trở thành cuộc nội chiến kéo dài từ năm 1975 đến năm 1990 khiến cho Li-băng trở thành sân chơi thể hiện ảnh hưởng của các lực lượng, phe phái chính trị nước ngoài. Những năm cuối của thế kỷ trước, đất nước Li-băng như một chiến trường để thực nghiệm chiến lược, sách lược cũng như vũ khí của ngoại bang.

Chính quyền Beirut và người dân Li-băng phải ngả theo bên này, nghiêng theo phía kia để có thể tồn tại trong lửa đạn.

Người ta rất ngạc nhiên và đau lòng khi đất nước Li-băng là nơi cho Israel tỷ thí cùng Hezbollah – lực lượng vũ trang ủng hộ Palestine. Li-băng là nơi Syria xấm lấn và áp đặt ảnh hưởng. Li-băng là nơi thể hiện sự ăn thua của Iran và Saudi Arabia.

Tuy nhiên phải nói rằng, nguyên nhân sâu xa của việc Li-băng bị “chia năm sẻ bảy” là do mâu thuẫn chính trị tại quốc gia này. Thậm chí có thời điểm tại Li-băng có tới hai chính phủ tồn tại song song. Các phe phái chính trị phải nhờ tới sự hỗ trợ của các lực lượng ngoại bang để khẳng định vị thế và sức mạnh của mình đẩy đất nước vào bất ổn triền miên.

Tướng Michel Aoun. Ảnh: The Guardian.

Thế là từ mâu thuẫn nội bộ, giới chính trị tại Li-băng đã “rước voi về giày mả tổ”, làm cho chủ quyền quốc gia mà họ đại diện gần như bị tước bỏ. Lợi ích dân tộc và cuộc sống của người dân Li-băng cũng vì thế mà bị lãng quên.

Tình hình đất nước Li-băng hết sức hỗn loạn và rối ren, giới chính trị tại Beirut chẳng khác gì bù nhìn, thậm chí còn không được người ta sai khiến.

Có thể thấy rằng, Li-băng là một trường hợp rất đặc biệt, là một đất nước có chủ nhưng không có quyền. Nhà nước Li-băng là một định chế chính trị đầy đủ những cơ cấu tồn tại, cơ chế hoạt động của nó lại hoàn toàn do người khác quyết định. Và cuộc nội chiến kết thúc cũng không phải hoàn toàn do sức mạnh của đoàn kết dân tộc Li-băng.

Ngày nay khi hòa bình được lập lại trên đất nước Li-băng, chủ quyền quốc gia được xác lập, lợi ích dân tộc được tôn trọng thì những hệ lụy của mâu thuẫn đảng phái chính trị, phe cánh bè phái vẫn tồn tại và ảnh hưởng trực tiếp đền đời sống của người dân. Li-băng vẫn là nơi để cho “người ngoài” tiếp tục thể hiện ảnh hưởng và khẳng định sức mạnh của họ.

“Sự ủng hộ của Michel Aoun, một vị tướng và cựu thù biến thành đồng minh của chế độ Syria, được đưa ra sau gần hai năm trời bế tắc đã làm tê liệt mọi quyết định ở Beirut. Mặc dù Saudi Arabia muốn sử dụng Samir Geagea như con bài thể hiện vai trò của mình, song Geagea đã phải nhượng bộ Aoun, một động thái được xem là gia tăng khả năng neo đậu ảnh hưởng của Iran tại Li-băng”, theo The Guardian ngày 18/1.

Như vậy là dù đã có chủ quyền nhưng giới chính trị cầm quyền tại Cộng hòa Li-băng vẫn không tự giải quyết được mâu thuẫn nội bộ để đảm bảo tính độc lập của chính quyền Li-băng. Giới chính trị cầm quyền tại Li-băng không coi việc đảm bảo nền độc lập cho đất nước Li-băng là nền tảng đảm bảo quyền lực cho họ. Có lẽ họ đã quen được ngoại bang sai khiến.

Thời quân chủ, nước không thể một ngày không có vua. Thời hiện đại, không ai có thể tưởng tượng được một quốc gia có chủ quyền mà lại trống vắng nguyên thủ quốc gia gần 2 năm trời.

Làm sao một hệ thống chính trị có thể vận hành khi nó vắng mắt xích quan trọng nhất? Làm sao một nhà nước có thể lo lắng và bảo vệ cuộc sống cho người dân khi không có người đứng đầu?

Có thể thấy rằng, sự tồn vong của chế độ chính trị tại Li-băng đang bị đe dọa bởi chính mâu thuẫn giữa các đảng phái chính trị tại nước này. Và cũng từ những mâu thuẫn chính trị mà lợi ích của người dân Li-băng đã bị bỏ quên và họ không còn được xem là lực lượng quan trọng nhất tạo nên sức mạnh quốc gia.

Huynh đệ tương tàn và nguy cơ mất nước

Phải thấy rằng, chính vì mâu thuẫn về lợi ích nên các lực lượng chính trị tại Li-băng và những thế lực bên ngoài đã xây dựng Hiến pháp và pháp luật theo ý muốn chủ quan, tương ứng với ảnh hưởng của họ trong việc quản lý và điều hành quốc gia này khi nền Đệ nhị Cộng hòa được tái lập sau kết thúc nội chiến năm 1990.

Dân Li-băng lầm than vì khói lửa chiến tranh, xung đột. Ảnh: al-akhbar.com.

Lợi ích đảng phái đã được xem là nền tảng cho nguyên tắc hoạt động và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị và bộ máy nhà nước tại Li băng.

Điều đó được thể hiện rõ ràng khi luật pháp quy định Tổng thống phải là tín đồ Công giáo Maronite, Thủ tướng là tín đồ Hồi giáo Sunni, Chủ tịch nghị viện phải là tín đồ Hồi giáo Shia. Phó Thủ tướng và Phó Chủ tịch Nghị viện là 2 chức vụ dành cho tín đồ Chính thống giáo.

Một sự mặc định như vậy đã làm hạn chế quyền lực của nhân dân chỉ bởi vì quyền lực của đảng phái chính trị. Tuy nhiên, đã có một sự mặc định như vậy mà nền chính trị tại Li-băng vẫn không vượt qua được mẫu thuẫn nội bộ, để đảm bảo và giữ vững sự độc lập của mình.

Người ta cảm tưởng rằng hình như giới chính trị tại Li-băng không biết làm gì nếu không có sự chỉ đạo từ nước ngoài.

Dư luận cho rằng, kể từ sau cuộc khủng hoảng chính trị xảy ra bởi sự kiện cố Thủ tướng Rafik Hariri bị giết chết trong một vụ ám sát được xem là có động cơ chính trị, đất nước Li-băng đã dần khẳng định được chủ quyền của mình, nhất là khi tướng Michel Suleiman được bầu làm Tổng thống Li-băng năm 2008.

Tuy nhiên, đó chỉ là bề nổi của vấn đề, là hiện tượng nhất thời. Đó chỉ là một sự thống nhất giả tạo theo sự chi phối bởi thế lực chính trị bên ngoài nhằm che đậy và đánh lừa người dân Li-băng.

Nó khiến cho nhân dân Li-băng lãng quên việc lợi ích đảng phái chính trị đang chi phối đời sống chính trị tại đất nước mình, ảnh hưởng tới đời sống của chính bản thân mình.

“Li-băng quanh năm không ổn định, phụ thuộc vào “những khách hàng” quen thuộc trong suốt lịch sử của mình. Li-băng đã trở thành một mặt trận quan trọng trong sự thể hiện mối hận thù liên tục giữa Riyadh-Tehran. Cả hai quốc gia Iran và Saudi Arabia đã đầu tư hàng tỷ đô la để hỗ trợ các ứng cử viên của mình”, theo The Guardian ngày18/1.

Từ sự lệ thuộc trong suy nghĩ đến phụ thuộc trong hành động làm cho mẫu thuẫn đảng phái sẽ không thể chấm dứt được tại Li-băng và sẽ là mầm mống cho những cuộc tranh giành huynh đệ tương tàn, nồi da xáo thịt – tình trạng mà đất nước Li-băng mới thoát ra khỏi chưa được bao lâu.

Người ta có cảm nhận giới chính trị muốn đánh đổi nền độc lập của tổ quốc mình cho lợi ích của cá nhân và đảng phái.

“Li-băng từ lâu đã bị tê liệt bởi lòng trung thành của giới tinh hoa chính trị tại đất nước này đã không còn. Quốc hội Li-băng đã thất bại trong việc bầu ra một Tổng thống, theo luật định phải là một tín đồn Kitô giáo Maronite.

Đã hơn hơn 30 lần trong các phiên họp thường niên của Quốc hội Li-băng, các nghị sĩ đã không có được đa số phiếu để quyết định cho chức vụ này”, The Guardian bình luận.

Gần hai năm trôi qua, một đất nước không có người lãnh đạo thì chứng tỏ chế độ chính trị tại Li-băng không phải là chế độ đại diện cho nhân dân Li-băng vì họ không xem cuộc sống của người dân là mục đích tồn tại của mình.

“Rối loạn trong hoạt động chính trị tại đất nước Li-băng đã trở thành một trò hề vào mùa hè năm ngoái, khi chính phủ thất bại trong việc đàm phán về một thỏa thuận cho các bãi chôn lấp mới, làm cho rác thải bị để lại chất thành đống trên các đường phố của thủ đô Beirut. Từ đó nhân dân Li-băng đã phát động biểu tình phản đối, chống chính phủ tham nhũng”, theo The Guardian.

Rác ngập đường phố thủ đô Beirut – hậu quả của mâu thuẫn chính trị nội bộ tại Li-băng. Ảnh: AP.

Vậy là từ một quốc gia thịnh vượng, mâu thuẫn chính trị đã đẩy Li-băng vào nội chiến, bị thao túng bởi các thế lực chính trị ngoại bang, từ đó đưa đất nước vào khó khăn và bế tắc. Chủ quyền quốc gia và lợi ích dân tộc đã bị che lấp hoàn toàn bởi ích đảng phái và phe cánh.

Khi không còn độc lập trong quyết định thì chính quyền Li-băng đã trở thành một công cụ cho thế lực bên ngoài sử dụng để làm hại người dân đất nước Li-băng nhằm đạt được mục đích của họ. Đất nước Li-băng đang bị xâu xé bởi lợi ích của chính trị ngoại bang – họa mất nước một lần nữa lại đe dọa quốc gia, dân tộc này.

No comments:

Post a Comment