January 12, 2016

CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ - NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI (Kì cuối)

V. M. Voskresenskaia

N. B. Davletshina

CHẾ ĐỘ DÂN CHỦ - NHÀ NƯỚC VÀ XÃ HỘI

Phạm Nguyên Trường dịch

NHÀ XUẤT BẢN TRI THỨC, 2009

Chương 9

Nước Nga giữa quá khứ và tương lai


Vào giữa những năm 80 của thế kỉ trước, người ta đã thấy rõ những mâu thuẫn trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội Liên Xô. Trong mười, mười lăm năm cuối cùng, điều kiện bên trong và bên ngoài thay đổi từng giờ chứ không phải từng ngày nữa, nhu cầu bức thiết là phải đánh giá đúng tình hình và tìm phương pháp tiếp cận mới một cách nhanh chóng. Nhưng giới lãnh đạo Liên Xô lúc đó lại có thái độ bảo thủ, tránh né tất cả những gì không nhét vừa các sơ đồ quen thuộc cũ.

Họ vẫn tiếp tục:
1. Siết chặt quyền lực cả về kinh tế và chính trị
2. Quy chuẩn các hoạt động xã hội
3. Coi thường sự đa dạng của điều kiện địa phương
4. Sử dụng các biện pháp chỉ huy trong quản lí
5. Coi thường quy luật giá trị
6. Dựa vào sự phát triển kinh tế theo chiều rộng
7. Đặt nặng về số lượng, coi thường chất lượng
8. Dân chủ hình thức
9. Ngăn cản, không cho quần chúng tham gia giải quyết những vần đề tồn đọng
10. Làm nghèo nền văn hóa, tô hồng hiện thực
11. Tách rời giữa lí luận và hiện thực.

Cả cơ chế kinh tế lẫn cơ chế chính trị ở Liên Xô lúc đó đều không giúp giải quyết những vấn đề mới do cuộc sống đặt ra. Điều đó chứng tỏ rằng đã đến lúc phải tiến hành công cuộc cải tổ cơ bản tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Nhưng xã hội chỉ nhận thức được vấn đề đó một cách từ từ, phải trải qua nhiều giai đoạn, nhiều lần tái cấu trúc lực lượng xã hội người ta mới nhận thức được nhu cầu hiện đại hóa sâu sắc toàn bộ hệ thống.

Lúc đầu (tháng 4 năm 1985) người ta mới nói đến chuyện tăng tốc phát triển kinh tế và xã hội. Đó là do (theo các tài liệu hiện có) trong xã hội đã xảy ra:
1. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm
2. Không hoàn thành các kế hoạch phát triển kinh tế
3. Không hoàn thành các kế hoạch về mặt xã hội. Sự lạc hậu về cơ sở vật chất của khoa học, giáo dục, chữa bệnh, văn hóa, đời sống..v.v...

Ngoài ra, một số mục tiêu chính trị cũng được đặt ra nhằm phá vỡ mô hình lãnh đạo chính trị do quá khứ để lại.

Trong xã hội đã diễn ra những cuộc thảo luận sôi nổi về thể chế chính trị được thiết lập ở Liên Xô từ năm 1917. Quan điểm được phân chia đại thể như sau:

Quan điểm thứ nhất, đã xây dựng xong chủ nghĩa xã hội, dù có một số biến dạng nghiêm trọng. Người ta gọi đấy là “chủ nghĩa xã hội biến dạng”, “chủ nghĩa xã hội non”, “chủ nghĩa xã hội trại lính”, “chủ nghĩa xã hội nhà nước”.

Quan điểm thứ hai, ở mức độ nào đó, gần với quan điểm thứ nhất và cho rằng không thể gọi xã hội ta, dù đấy là trong những năm 30, 50 hay 80, là hoàn toàn xã hội chủ nghĩa được. Nghĩa là xã hội Xô Viết đang trải qua giai đoạn quá độ.

Quan điểm thứ ba, cho rằng không làm gì có chủ nghĩa xã hội. Sự lựa chọn của Đảng Bolshevik vào năm 1917 là sai lầm, đấy là sự bất bình thường so với xu hướng phát triển chung của nền văn minh nhân loại.

Như vậy nghĩa là, trên mọi bình diện, từ giới hàn lâm cho đến các nhà lãnh đạo chính trị, mọi người đều bắt đầu phân tích hiện tình của đất nước. Đấy là một bước tiến rất lớn vì trong những năm trước đây gần như không có ai đứng ra làm công việc đó. Lúc đó, người ta thường trích dẫn câu nói của Engels, rằng: “người ta không oán trách các sự kiện lịch sử, ngược lại, người ta cố gắng tìm hiểu nguyên nhân và kết quả của chúng”.

Đúng như thế, đây là lần đầu tiên người ta bắt đầu phân tích một cách nghiêm chỉnh nguyên nhân và kết quả của quá trình phát triển về kinh tế, chính trị và xã hội của đất nước. Tổng kết tình hình trong giai đoạn từ 1985 đến 1987, có thể nói đấy là giai đoạn hình thành đường lối chính trị của đất nước và ở mức độ nào đó, là sự tập hợp lực lượng để đấu tranh chống lại những biến dạng của chủ nghĩa xã hội.

Từ tháng 4 năm 1987 bắt đầu diễn ra quá trình phân hóa các lực lượng xã hội. Giai đoạn đến năm 1988 là thời kì hoạt động của các phong trào dân tộc, hình thành các cơ cấu chính trị (đảng phái, phong trào, nhóm), nhiều phe nhóm được thành lập lúc đó còn tồn tại cho đến ngày hôm nay.

Đôi khi thật khó đánh giá đúng ý nghĩa của những thay đổi trong lĩnh vực kinh tế và xã hội, nhưng giai đoạn đó, theo chúng tôi, đã để lại dấu ấn quan trọng trong lịch sử đất nước chúng ta. Đây là lần đầu tiên quần chúng nhân dân nhận thức được sự cần thiết của xã hội dân sự và khả năng thông qua cơ chế của nó để tác động lên tiến trình phát triển chính trị của đất nước. Dù không phải tất cả các lĩnh vực đều đạt được kết quả khả dĩ, nhưng tất cả xã hội và từng người dân đã trải qua trường học dân chủ, đã học được những điều sơ đẳng nhất và đấy chính là cơ sở cho quá trình phát triển trong tương lai.

Sau đó là giai đoạn, khi mà các tổ chức công dân xuất hiện một cách tự phát, bắt đầu liên kết trên cơ sở các cương lĩnh chính trị và cuối năm 1988 đã có ít nhất bốn chương trình hành động sau:

- Dân chủ cấp tiến
- Cải cách tự do
- Cộng sản bảo thủ
- Dân tộc yêu nước.

Vẫn còn những cố gắng nhằm tiến hành công cuộc cải cách dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Đảng này, dưới sự lãnh đạo của M. S. Gorbachev, khi mới bắt đầu quá trình cải tổ, còn duy trì được vai trò tập hợp lực lượng của mình. Nhưng Đảng đã đánh mất vai trò đó ngay khi chưa thực thi.

Gorbachev lúc đầu rất được lòng tầng lớp trung lưu, nhưng đã mất dần ủng hộ vì trong tình hình phân bố lực lượng phức tạp lúc ấy, ông buộc phải ngả nghiêng giữa phái cộng sản chính thống và phái cải cách. Có sự mâu thuẫn và tính cách hai mặt của đường lối chính trị như thế là vì Gorbachev tiếp tục là lãnh tụ của cái Đảng đã chứng tỏ không còn khả năng tiến hành những cuộc cải cách có tính cấp tiến nữa.

Cuộc khủng hoảng tháng 8 năm 1991 đã đặt dấu chấm hết cho giai đoạn này, kéo theo sự tan rã của Liên Xô cũng như sự phân hóa sâu sắc các lực lượng xã hội.

Chúng tôi không có ý định đánh giá những sự kiện lúc đó, vì, một mặt, vấn đề này rất khó và không liên hệ trực tiếp đến đề tài của chương trình. Nhưng mặt khác, chúng tôi cũng muốn nhấn mạnh rằng, đấy có thể không chỉ là kết quả của những tiến trình chính trị diễn ra trong nước từ năm 1985. Theo chúng tôi, đấy chính là hậu quả của quá trình phát triển cả trong lĩnh vực kinh tế, cả trong lĩnh vực chính trị của giai đoạn trước đó. Dĩ nhiên, thật đáng tiếc khi xu hướng chủ yếu trên toàn thế giới là hợp nhất thì ở Liên Xô cũ, xu hướng chủ đạo lại là li tâm. Nhưng chúng tôi tin rằng đây là quá trình tất yếu, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ phải vượt qua giai đoạn đó mới có thể nhận thức được rằng nhiều vấn đề không thể giải quyết riêng rẽ được; chúng tôi tin rằng chúng ta sẽ được chứng kiến những cuộc đối thọai của những nhà nước bình đẳng, tôn trọng truyền thống và văn hóa của nhau, cùng quan tâm đến việc hợp tác và thực sự muốn đạt được sự đồng thuận.

Hiệp ước kí vào cuối năm 1991 (Thỏa thuận và Tuyên bố về sự hợp tác của các nước độc lập –SNG) có thể coi là bước đi đầu tiên. Nghĩa là đã có những cố gắng nhằm đưa vào thực tiễn hình thức quan hệ chính trị và pháp lí mới giữa mười một nước cộng hòa cũ của Liên Xô.

Một mặt có thể ghi nhận rằng SNG đã đạt được một số thành tựu nhất định trong những lĩnh vực khác nhau: thứ nhất, có sự phối hợp trong việc thực hiện công cuộc cải cách trong lĩnh vực kinh tế; thứ hai, đã đạt được thỏa thuận về vấn đề quyền con người phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; và cuối cùng, đã cùng nhau giải quyết những vấn đề an ninh và sự thống nhất của không gian chiến lược về quốc phóng.

Nhưng mặt khác, cũng không được quên rằng còn rất nhiều vấn đề phức tạp trên bước đường đưa những thỏa thuận nói trên vào cuộc sống. Mà quan trọng nhất là:

- có nhiều cuộc xung đột sắc tộc – cuộc chiến giữa Armenia và Azerbaijan nhằm giành quyền kiểm soát Nagornưi Karabak diễn ra đã nhiều năm; xung đột sắc tộc ở Nam Osetia; ở Tajikistan, ở Gruzia..v..v…;
- việc xuất hiện các đường biên giới quốc gia mới là những cản trở cho việc luân chuyển hàng hóa và tiền tệ giữa các nước thuộc Liên Xô cũ;
- hầu như tất cả các nước độc lập đều tạo ra đơn vị tiền tệ của chính mình, mặc dù thời gian gần đây một số nước đã có ý định quay lại với một hệ thống tiền tệ thống nhất;
- có nhiều phức tạp trong việc vi phạm quyền con người mà trước hết là của người Nga sống ở những nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.

Đấy chưa phải là toàn bộ những vấn đề mà nước Nga đặt ra và muốn giải quyết trong lĩnh vực đối ngoại với các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ.


Các tiến trình chính trị nội bộ của Nga

Trong bốn năm qua, ở Liên bang Nga đã diễn ra những cuộc cải cách chính trị sâu rộng. Những cuộc cải cách như thế đã diễn ra trong thế đối đầu của các lực lượng chính trị khác nhau. Các giai đoạn chủ yếu của cuộc đấu tranh diễn ra như sau:

Tháng Ba năm 1990, tiến hành tuyển cử đa đảng đầu tiên. Cơ quan đại diện gồm Đại hội Đại biểu Nhân dân và Xô Viết Tối cao lưỡng viện của Liên bang Nga được thành lập.

Các đại biểu Đại hội và Xô Viết Tối cao có thể thành lập các nhóm theo luật định. Đã hình thành các nhóm theo quan điểm chính trị, theo vùng lãnh thổ và lĩnh vực sản xuất. Dù còn nhiều khiếm khuyết, các đại biểu trong các cơ quan đại diện đã tiếp thu được kinh nghiệm vô cùng quí báu, chúng tôi tin tưởng rằng những kinh nghiệm đó sẽ góp phần thúc đẩy quá trình thăng tiến dân chủ của nước ta.

Vì chưa có kinh nghiệm đàm phán, chưa có kinh nghiệm thỏa hiệp vì mục đích chiến lược; quốc hội chưa có các chính khách chuyên nghiệp; bị áp lực của các lực lượng bảo thủ cũng như chủ nghĩa bảo thủ đã giành thế thượng phong trong giới lãnh đạo các cơ quan dân cử đã dẫn đến các cuộc khủng hoảng và những cuộc bầu cử mới.

Bước thứ hai là cuộc trưng cầu dân ý toàn Nga vào năm 1991 với kết quả là việc thành lập chức vụ Tổng thống. Tổng thống đầu tiên của Liên bang Nga là B. N. Yeltsin, người đã giành được 57,3% phiếu bầu (chỉ có 74% cửa tri tham gia bỏ phiếu).

Tổng thống đã thành lập được một bộ chỉ huy bảo đảm được công tác của chính quyền hành pháp. Đấy là:

- Bộ máy của Tổng thống (lần đầu tiên có các nhà hoạt động chính trị nổi tiếng như E. Gaidar, V. Kostikov, M. Maley, S. Stankievik, S. Philatov và những người khác, tham gia)
- Ban cố vấn của Tổng thống gồm 24 người. Đấy là những người hoạt động trong lĩnh vực khoa học, các giám đốc xí nghiệp, các nhà báo và doanh nhân..v.v..
- Chính phủ gồm 35 thành viên.

Với bộ chỉ huy như thế, Tổng thống đầu tiên của nước Nga đã tiến hành cải tổ hệ thống quản lí mệnh lệnh quan liêu trên tất cả các hướng: kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội.

Bước tiếp theo trên con đường dân chủ hóa đất nước là cuộc bầu cử và toàn dân thông qua Hiến pháp vào ngày 12 tháng 12 năm 1993. Theo chúng tôi, việc thông qua Đạo luật cơ bản là bước cải tổ quan trọng, làm cho dân chủ trở thành hiện thực (với điều kiện là tất cả các công dân Nga, các tổ chức chính trị và kinh tế của nhà nước đều tuân thủ Hiến pháp và pháp luật).

Như vậy là, khi tổng kết các thành quả đã đạt được, chúng ta có thể có những đánh giá khác nhau về những chuyển biến đã diễn ra trên đất nước chúng ta, chúng ta có thể chấp nhận hay phản đối, nhưng không thể không công nhận rằng chúng ta đang sống ở một đất nước khác hẳn trước đây. Chúng ta đang sống ở đất nước cộng hòa liên bang với người đứng đầu là tổng thống. Tam quyền phân lập bao gồm lập pháp, hành pháp, tư pháp là rõ ràng. Đã có những cố gắng nhắm thành lập hệ thống “kiềm chế và đối trọng” nhằm ngăn chặn sự lạm quyền của bất kì nhánh quyền lực nào. Đạo luật chủ yếu của đất nước (Hiến pháp) đã được toàn dân nhất trí thông qua, đã có những bước tiến quan trọng trong việc thành lập xã hội công dân (Bộ tư pháp đã đăng kí 80 đảng phái và tổ chức xã hội khác nhau). Đã tiến hành các cuộc bầu cử đa đảng đầu tiên. Nghĩa là đã có những bước tiến rất dài trong lĩnh vực chính trị.

Nhưng các cuộc cải cách kinh tế thì lại diễn ra một cách chậm chạp, đôi khi còn làm cho đời sống của đại bộ phận dân chúng càng thêm xấu đi. Chúng ta hiểu rõ rằng chuyển đổi sang các quan hệ kinh tế thị trường là công việc đầy khó khăn, phức tạp. Hi vọng rằng, đó không phải là những khó khăn không thể vượt qua trong quá trình dân chủ hóa xã hội.

Chúng tôi cho rằng Hiến pháp có được tuân thủ hay không, cơ chế của xã hội công dân có thể hoạt động hay không, liệu chúng ta có thể vượt qua được những thử thách của giai đoạn chuyển tiếp đến nền kinh tế thị thường... hay không, một phần lớn tùy thuộc vào mỗi chúng ta. Nói cách khác, số phận của nền dân chủ nằm trong tay mỗi chúng ta. Chúng ta sẽ sống trong một đất nước như thế nào trong tương lai? Câu trả lời phụ thuộc vào mỗi chúng ta. Tin rằng đấy sẽ là một nước Nga văn minh, đầy sức mạnh và dân chủ.

No comments:

Post a Comment