Tác
giả: TOM G. PALMER
Dịch
giả: Phạm Nguyên Trường
Hiệu
đính: Đinh Tuấn Minh
Năm
xuất bản: 2014
Lời
nhà xuất bản
Thị trường và Đạo đức - bản dịch tập hợp từ hai công
trình The Morality of Capitalism: What Your Professors Won’t Tell You (Tom G.
Palmer chủ biên, Jameson Book, 2011) và Twenty Myths about Markets (Tom G.
Palmer, Kenya, 2007) là lời biện minh cho một chủ nghĩa tư bản khác với thứ chủ
nghĩa tư bản “người ăn thịt người” hay chủ nghĩa tư bản “ô dù”, là chủ nghĩa tư
bản tôn vinh các giá trị sáng tạo, đổi mới, nhân bản. Với những lí lẽ ngắn gọn,
rõ ràng, đầy sức thuyết phục về chủ nghĩa tư bản thị trường tự do, cuốn sách chỉ
ra thị trường tự do như con đường đúng đắn cho sự tiến bộ của xã hội, bởi thị
trường tự do là nơi “đề cao lòng trung thực”.
Tác giả của những bài tiểu luận trong cuốn sách này là
giám đốc điều hành một công ti lớn ở Hoa Kì, hay các nhà nghiên cứu, những cây
viết đến từ Trung Quốc, Nga, châu Phi, Mĩ Latin, Hoa Kì... Xuất phát từ vị trí
quan điểm của mình, mỗi tác giả đề cập đến một khía cạnh khác nhau của chủ
nghĩa tư bản tiến bộ ấy: John Mackey trong bài phỏng vấn với Tom G. Palmer nói
về quan điểm điều hành Whole Foods Market và lợi nhuận lâu dài, Deirdre N.
McCloskey bàn về Tự do và Phẩm giá là nền tảng của thế giới hiện đại, David
Boaz bàn về Cạnh tranh và hợp tác. Tác giả Mao Vu Thức từ Trung Quốc bàn về Nghịch
lí của đức hạnh... Tom G. Palmer lại chỉ ra một cách rất chi tiết 20 ngộ nhận về
Thị Trường. Bất kì ai cũng có thể tìm thấy một điều gì đó ở cuốn sách này.
Sau các cuốn Hayek, Cuộc đời và sự nghiệp (Alan
Ebenstein, 2007), Chủ nghĩa tự do của Hayek (Gilles Dostaler, 2008), Đường về
nô lệ (F. Hayek, 2009), Gullible du kí:
Trường ca Odyssey về Thị trường tự do (Ken Schoolland, 2012), chúng tôi xin
trân trọng giới thiệu với bạn đọc cuốn sách Thị trường và Đạo đức (Tom G.
Palmer chủ biên) như một tài liệu tham khảo cần thiết về nhóm chủ đề thị trường,
tự do, đạo lí.
Chúng tôi xin trân trọng lưu ý bạn đọc rằng đây là sách
tham khảo, chủ yếu dành cho những người làm công tác nghiên cứu. Một vài quan
điểm trong cuốn sách không trùng khớp với quan điểm của chúng tôi, tuy nhiên, để
đảm bảo tính khách quan cũng như sự tôn trọng tính toàn vẹn của tác phẩm, chúng
tôi vẫn xin được giới thiệu đầy đủ đến bạn đọc. Rất mong bạn đọc cân nhắc khi
tiếp nhận quan điểm của các tác giả với tinh thần phê phán cần thiết.
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.
Dẫn
nhập: Đạo lí của chủ nghĩa tư bản
Tom
G. Palmer
Cuốn sách này là lời biện minh về mặt đạo đức cho cái mà
triết gia Robert Nozick gọi là “hành vi tư lợi giữa những người trưởng thành tự
nguyện”[1]. Nó nói về hệ thống hợp
tác sản xuất và tự do trao đổi, được thực hiện chủ yếu bởi những hành động như
thế.
Những bài viết trong cuốn
sách này là nói về đạo lí của chủ nghĩa tư bản; chúng không giới hạn trong phạm
vi triết học luân lí trừu tượng, mà còn dựa trên nền tảng của kinh tế học,
logic học, sử học, văn học và những môn khoa học khác. Hơn nữa, chúng cũng bàn
về đạo lí của chủ nghĩa tư bản chứ không chỉ là đạo đức của tự do trao đổi. Thuật
ngữ “chủ nghĩa tư bản” ám chỉ không chỉ những thị trường trao đổi hàng hóa và dịch
vụ, tức là những thị trường đã từng tồn tại từ thời xa xưa, mà ám chỉ hệ thống sáng
tạo đổi mới, tạo ra của cải và trao đổi trên bình diện xã hội, tức là hệ thống
đã mang sự thịnh vượng đến cho hàng tỉ người mà những thế hệ trước đó không thể
nào tưởng tượng nổi.
Chủ nghĩa tư bản ám chỉ hệ
thống pháp luật, xã hội, kinh tế và văn hóa chứa đựng trong lòng nó quyền bình
đẳng và “nghề nghiệp rộng mở cho những người có tài” và là hệ thống khuyến
khích sự sáng tạo đổi mới phi tập trung và
những quá trình thử và sai – tức là khuyến khích điều mà nhà kinh tế học
Joseph Schumpeter gọi là “phá hủy sáng tạo” – thông qua những tiến trình trao đổi
tự nguyện trên thương trường. Nền văn hóa tư bản chủ nghĩa tôn vinh những người
dám nghĩ dám làm, tôn vinh các nhà khoa học, tôn vinh những người dám mạo hiểm,
những người có sáng kiến, những người sáng tạo. Mặc dù bị các triết gia (nhất
là những người marxist) – những người ủng hộ chủ nghĩa duy vật - chế giễu là nặng
về vật chất, chủ nghĩa tư bản, tại lõi của nó lại là tinh thần dám nghĩ dám làm
mang đầy tính văn hóa. Như nhà sử học Joyce Appleby đã nhận xét trong công
trình gần đây của ông: Cuộc cách mạng
không ngừng nghỉ: Lịch sử của chủ
nghĩa tư bản (The Relentless
Revolution: A History of Capitalism): “Vì chủ nghĩa tư bản là hệ thống văn
hóa chứ không chỉ đơn giản là hệ thống kinh tế cho nên chỉ dùng những tác nhân
kinh tế thì không thể giải thích được nó”[2].
Chủ nghĩa tư bản là hệ thống
các giá trị văn hóa, tinh thần và đạo đức. Như hai nhà kinh tế học là David
Schwab và Elinor Ostrom nhận xét trong công trình nghiên cứu lí thuyết trò chơi
đầy tiềm năng về vai trò của quy tắc và luật lệ trong việc duy trì những nền
kinh tế mở, các thị trường tự do được xây dựng trên những quy tắc ngăn không
cho chúng ta ăn cắp và là những qui tắc “đề cao lòng trung thực”[3]. Chủ nghĩa tư bản không những
không phải là đấu trường cho những xung đột lợi ích như những người đang tìm
cách phá hoại ngầm hay tiêu diệt nó mô tả, mà tương tác mang tính tư bản chủ
nghĩa được xây dựng trên những quy tắc và luật lệ mang tính đạo đức. Thực vậy,
chủ nghĩa tư bản không chấp nhận nguyên tắc cướp bóc và chiếm đoạt phi pháp, tức
là những biện pháp mà những kẻ giàu có trong những hệ thống kinh tế và chính trị
khác thường dùng nhằm gia tăng khối tài sản kếch xù của họ. (Trên thực tế,
trong nhiều nước hiện nay và trong phần lớn lịch sử nhân loại, đa số người vẫn
hiểu rằng người giàu là vì họ lấy được của những người khác, và đặc biệt là họ
tiếp cận được với sức mạnh có tổ chức – theo cách nói hiện nay, là tiếp cận được
với quyền lực của nhà nước. Giới chóp bu bất lương sử dụng sức mạnh đó nhằm
giành độc quyền và dùng thuế khóa để tịch thu sản phẩm của người khác. Chúng ăn
vào ngân khố quốc gia và thu lợi từ những ngành độc quyền do nhà nước áp đặt và
từ những biện pháp hạn chế cạnh tranh. Chỉ trong điều kiện của chủ nghĩa tư bản
thì người dân mới có thể trở thành giàu có mà không phải là tội phạm mà thôi).
Xin xem xét điều mà nhà kinh
tế học và sử học Deirdre McCloskey gọi là “Sự kiện vĩ đại”: “Thu nhập thực tế
trên đầu người hiện nay, thí dụ như ở Anh và các nước đã trải qua công cuộc
phát triển kinh tế hiện đại cao gấp ít nhất là 16 lần so với thu nhập trên đầu
người vào năm 1700 hay 1800”[4]. Đấy là điều chưa từng xảy
ra trong toàn bộ lịch sử nhân loại. Trên thực tế, đánh giá của McCloskey còn rất
bảo thủ. Đánh giá này không tính đến hiệu quả của những tiến bộ trong lĩnh vực
khoa học và công nghệ, tức là những tiến bộ đã đưa các nền văn hóa của thế giới
đến ngay đầu ngón tay của chúng ta [ý nói bàn phím máy tính – ND].
Chủ nghĩa tư bản, bằng cách
tôn trọng và khuyến khích tinh thần sáng tạo trong kinh doanh, đã làm cho khả
năng sáng tạo của con người phục vụ ngay chính con người, chính nhân tố khó nhận
ra này giải thích sự khác nhau giữa lối sống hiện nay của chúng ta với lối sống
của những thế hệ cha ông trước thế kỉ XIX của chúng ta. Những sáng tạo đổi mới
đã làm thay đổi cuộc đời của chúng ta theo hướng tốt đẹp hơn không chỉ diễn ra
trong lĩnh vực khoa học và công nghệ mà còn diễn ra trong địa hạt thiết chế xã
hội nữa. Những hình thức kinh doanh mới, đủ mọi loại, kết hợp một cách tự nguyện
sức lực của rất nhiều người. Những thị trường và công cụ tài chính mới liên kết
những khoản tiền tiết kiệm và quyết định đầu tư của hàng tỉ người suốt hai mươi
bốn giờ mỗi ngày. Mạng lưới thông tin viễn thông đưa con người từ khắp các ngõ
ngách trên thế giới lại gần bên nhau. (Ngày hôm nay tôi đã nói chuyện với những
người bạn ở Phần Lan, Trung Quốc, Morocco, Mĩ, và Nga, và còn đọc những lời
bình luận và tin tức từ bạn bè và người quen ở Mĩ, Canada, Pakistan, Đan Mạch,
Pháp và Kyrgyzstan trên Facebook nữa). Những sản phẩm mới cung cấp cho chúng ta
những cơ hội nghỉ ngơi, giải trí và học tập mà các thế hệ trước không thể nào
tưởng tượng được. (Tôi viết bài này trên chiếc máy tính Apple MacBook Pro). Những
thay đổi như thế làm cho xã hội chúng ta khác hẳn về nhiều phương diện với tất
cả những xã hội trước đó.
Chủ nghĩa tư bản không chỉ
là làm ra sản phẩm theo cách mà các nhà độc tài xã hội chủ nghĩa hô hào những
người nô lệ của họ nhằm “Xây dựng tương lai!” Chủ nghĩa tư bản là tạo ra giá trị,
chứ không chỉ là chăm chỉ làm việc hay hi sinh hoặc bận rộn suốt ngày. Những
người không hiểu chủ nghĩa tư bản thường nhanh nhảu ủng hộ các chương trình “tạo
công ăn việc làm” để có nhiều việc làm hơn. Họ đã hiểu sai vấn đề việc làm, đấy
không phải là vấn đề chính của chủ nghĩa tư bản. Có một câu chuyện hay được người
ta trích dẫn, đấy là câu chuyện nói về việc xây dựng một con kênh đào lớn ở
châu Á mà nhà kinh tế học Milton Friedman được đưa tới xem. Khi ông nói rằng
công nhân chuyển quá nhiều đất đá bằng xẻng chứ không dùng máy đào đất thì được
trả lời như sau: “Ông không hiểu, đây là chương trình tạo công ăn việc làm”.
Ông đáp: “Ồ, tôi tưởng các ông đang định đào con kênh. Nếu các ông tìm cách tạo
công ăn việc làm thì tại sao lại không đưa cho họ tiền mà lại đưa cho họ xẻng?”.
Người theo thuyết trọng
thương và cũng là một người chơi thuyền buồm nổi tiếng, ông H. Ross Perot,
trong một cuộc tranh luận trong chiến dịch tranh cử chức tổng thống Mĩ vào năm
1992 đã từng khóc mà nói rằng người Mĩ mua những con chip máy tính từ Đài Loan
và bán cho người Đài Loan những lát cà chua thái mỏng[5]. Có vẻ như Perot lấy làm xấu
hổ khi người Mĩ chỉ bán những lát cà chua thái mỏng, ông ta đã nhiễm quan điểm
của Lenin cho rằng giá trị chỉ gia tăng nhờ sản phẩm được sản xuất trong các
nhà máy mà thôi. Nhà kinh tế học Michael Boskin ở trường đại học Stanford đã nhận
xét rất đúng rằng nếu bạn nói về giá trị bằng tiền của con chip máy tính hay
giá trị bằng tiền của lát cà chua thì đấy là bạn đang nói về giá trị bằng tiền.
Tăng thêm giá trị bằng cách trồng cà chua ở Idaho hay làm con chip điện tử ở
Đài Bắc thì cũng đều là giá trị gia tăng cả. Lợi thế tương đối[6] là chìa khóa cho quá trình
chuyên môn hóa và thương mại; khi tạo ra giá trị, dù đấy có là người nông dân
hay người vận chuyển đồ gỗ (hôm nay tôi vừa làm việc với ba người vận chuyển đồ
gỗ để chuyển thư viện của tôi và tôi nhận rõ rằng họ đã làm gia tăng bao nhiêu
gía trị đối với cuộc sống của tôi), hay nhà tư bản tài chính hay bất kì người
nào khác thì cũng có gì là xấu. Thị trường – chứ không phải những chính khách
hám lợi kiêu căng – chỉ ra cho chúng ta thấy khi nào thì chúng ta làm cho giá
trị gia tăng, không có thị trường tự do thì chúng ta không thể nào biết được điều
đó.
Chủ nghĩa tư bản không chỉ
là những người đổi bơ lấy trứng trong những khu chợ làng quê, điều này đã và vẫn
xảy ra cả ngàn năm rồi. Đấy là giá trị gia tăng nhờ huy động năng lực và tài
khéo léo của con người trên qui mô chưa từng có trong lịch sử nhân loại nhằm tạo
ra của cải cho những người bình thường mà ngay cả những ông vua, những hoàng đế
giàu có nhất và quyền lực nhất trong quá khứ cũng phải chói mắt và kinh ngạc. Đấy
là sự xói mòn hệ thống quyền lực, xói mòn hệ thống cai trị và đặc quyền đặc lợi
đã ăn sâu bén rễ từ lâu, và là mở rộng cửa “nghề nghiệp cho tài năng”. Đấy là
dùng thuyết phục thay cho bạo lực[7]. Đấy là thay đố kị bằng
thành tựu[8]. Đấy là những thứ làm cho
cuộc đời tôi cũng như cuộc đời bạn trở thành dễ chịu.
(Điều duy nhất mà các vua
chúa và hoàng đế có mà người bình thường hiện nay không có là quyền lực đối với
người khác và khả năng chỉ huy người khác của họ. Họ có những tòa lâu đài to lớn
do người nô lệ xây dựng hoặc được đầu tư bằng tiền thuế của dân, nhưng họ không
có lò sưởi hay điều hòa nhiệt độ trong nhà; họ có nô lệ hay đầy tớ, nhưng không
có máy giặt hay máy rửa bát; họ có cả một đội quân chạy giấy nhưng không có điện
thoại cầm tay hay Wi-Fi; họ có bác sĩ và nhà chiêm tinh của hoàng gia nhưng
không có thuốc gây mê có thể làm giảm những cơn đau hay không có thuốc kháng
sinh chữa bệnh; họ là những người có quyền lực, nhưng lại là những kẻ nghèo kiết
xác, nếu xét theo tiêu chuẩn hiện nay của chúng ta)
Lịch
sử của một thuật ngữ
Thị trường tự do, được hiểu
là hệ thống trao đổi tự do giữa những con người được xác định một cách rõ ràng,
bảo đảm về mặt pháp lí và có quyền chuyển nhượng những nguồn lực có hạn, là điều
kiện cần đối với việc làm ra tài sản trong thế giới hiện đại. Nhưng các nhà sử
học chuyên về lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là Deirdre McCloskey, đã chứng minh một
cách đầy thuyết phục rằng như thế vẫn chưa đủ. Cần một số điều kiện nữa: đạo đức
trong quá trình tự do trao đổi và đạo đức trong quá trình sản xuất của cải
thông qua sáng tạo đổi mới.
Xin nói đôi lời về việc sử dụng
thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản”. Nhà sử học chuyên về lĩnh vực xã hội học, Fernand
Braudel, đã truy nguyên nguồn gốc của thuật ngữ “tư bản” trong giai đoạn trải
dài suốt thế kỉ XII và XIII, lúc đó nó có nghĩa là “kho, nguồn hàng, tổng số tiền
hay số tiền mang lại lợi nhuận”[9]. (Braudel nhận xét một
cách lạnh lùng rằng trong số khá nhiều nghĩa của từ “nhà tư bản” mà ông liệt kê
được: “Từ này chưa bao giờ… được dùng theo nghĩa thân thiện”[10]. Từ “chủ nghĩa tư bản” xuất
hiện trong thế kỉ XIX như là một từ có tính chất thóa mạ, chẳng hạn như Louis
Blanc, một nhà xã hội người Pháp, định nghĩa thuật ngữ này là: “Một số người
chiếm đoạt tư bản bằng cách bóc lột một số người khác”[11]. Karl Marx sử dụng thuật
ngữ “phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”, còn Werner Sombart, một đồ đệ nồng
nhiệt của ông, thì, thông qua tác phẩm gây được nhiều ảnh hưởng: Der Moderne
Kapitalismus (1912) đã biến thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản” thành một từ thông dụng.
(Friedrich Engels, người đồng chí thân cận của Marx, coi Sombart là tư tưởng
gia duy nhất ở Đức thực sự hiểu được Marx; sau này Sombart lại trở thành người
cổ vũ nhiệt tình cho một hình thức bài tư bản khác là Chủ nghĩa xã hội dân tộc
hay còn gọi là chủ nghĩa quốc xã).
Trong cuộc tấn công vào “bọn
tư sản” và “phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”, Marx và Engels nhận xét rằng
“giai cấp tư sản” đã làm cho thế giới thay đổi một cách triệt để:
Giai
cấp tư sản, trong quá trình thống trị giai cấp chưa đầy một thế kỷ, đã tạo ra
những lực lượng sản xuất nhiều hơn và đồ sộ hơn lực lượng sản xuất của tất cả
các thế hệ trước kia gộp lại. Chinh phục những lực lượng của tự nhiên, sản xuất
bằng máy móc, sử dụng hoá chất trong công nghiệp và nông nghiệp, việc dùng tàu
chạy bằng hơi nước, đường sắt, máy điện báo, việc khai phá cả những lục địa, việc
khai thông các dòng sông cho tầu bè đi lại được, hàng khối dân cư tựa hồ như từ
dưới đất trồi lên, có thế kỷ nào trước đây lại ngờ được rằng có những lực lượng
sản xuất như thế vẫn nằm tiềm tàng trong lòng lao động xã hội?[12]
Marx và Engels cảm thấy kinh
ngạc không chỉ trước những sáng tạo về mặt công nghệ mà còn trước “hàng khối
dân cư tựa hồ như từ dưới đất trồi lên”, được cho là nguyên nhân của việc giảm
thiểu tử suất, nâng cao mức sống và gia tăng tuổi thọ của chính con người. Mặc
dù có những thành tựu như vậy, nhưng Marx và Engels vẫn kêu gọi phá tan “phương
thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”, hay nói một cách chính xác hơn, hai ông cho rằng
phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa sẽ tự hủy diệt và mở ra một hệ thống mới
tuyệt vời đến mức không cần – thậm chí làm như thế là phản khoa học – đưa ra bất
kì gợi ý nào về cách thức hoạt động của nó hết[13]!
Quan trọng hơn, Marx và
Engels đã đưa ra những lời chỉ trích chủ nghĩa tư bản của họ (những lời chỉ
trích, mà mặc cho sự kiện là tất cả các chế độ cộng sản đều không thực hiện được
những lời hứa của họ, vẫn còn giữ được ảnh hưởng cực kì to lớn đối với những
người có học trên toàn thế giới) trên cơ sở của sự hiểu biết sai lầm của quần
chúng về cái mà họ gọi là “giai cấp tư sản”, tức là giai cấp mà họ liên kết với
“phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa”. Một mặt, họ sử dụng thuật ngữ này để
chỉ những người chủ “tư bản”, tức là những người tổ chức các xí nghiệp sản xuất,
nhưng mặt khác họ lại sử dụng từ này để chỉ những người sống dựa vào nhà nước
và quyền lực của nhà nước, như Marx viết trong một trong những luận văn hay nhất
của ông về chính trị:
Nhưng
quyền lợi vật chất của giai cấp tư sản Pháp lại gắn bó một cách mật thiết nhất
với việc duy trì chính cái bộ máy nhà nước to lớn và có nhiều cành nhánh như thế.
Bộ máy này tạo việc làm cho những kẻ vô dụng của giai cấp tư sản và nuôi họ bằng
tiền lương của chính phủ mà họ không thể đút túi được dưới hình thức lợi nhuận,
lợi tức, tiền thuế hay phí. Mặt khác, quyền lợi chính trị cũng buộc họ phải thường
xuyên tăng cường bộ máy đàn áp và vì vậy mà phải củng cố nguồn lực và gia tăng
số nhân viên của bộ máy chính phủ[14].
Như vậy, một mặt Marx đánh đồng
“giai cấp tư sản” với các doanh nhân, tức là những người tạo ra “cho quá trình
sản xuất và tiêu thụ ở mọi nước đặc điểm mang tính toàn cầu”, những người làm
cho “đầu óc dân tộc hẹp hòi” “càng ngày càng trở thành bất khả thi hơn”, những
người tạo ra “một nền văn học thế giới”, những người đem lại “sự cải tiến nhanh
chóng tất cả các công cụ sản xuất” và “làm ra rất nhiều phương tiện thông tin
liên lạc”, và những người đã khắc phục được “lòng hận thù man rợ, dai dẳng người
ngoại quốc” bằng cách cung cấp “những món hàng giá rẻ”[15]. Mặt khác, ông lại sử dụng
từ “giai cấp tư sản” để chỉ những người sống bằng “tín dụng công” (nghĩa là nợ
của chính phủ):
Toàn
bộ thị trường tiền tệ hiện đại, toàn bộ hoạt động của hệ thống ngân hàng hiện đại
đều đan xen một cách mật thiết nhất với tín dụng công. Một phần vốn kinh doanh
của họ phải được đầu tư vào qũi công trái ngắn hạn của nhà nước để thu lời. Những
món tiền họ được các thương nhân và các nhà công nghiệp trả trước và được họ
phân phát giữa những con người ấy với nhau, một phần là từ lợi tức của những
người nắm trái phiếu của chính phủ[16].
Marx coi “giai cấp tư sản” là người tham gia một cách sâu
sắc vào và hưởng lợi từ cuộc đấu tranh nhằm kiểm soát bộ máy nhà nước:
Tất cả các biến động chính
trị đều hoàn thiện bộ máy này chứ không phải là đập tan nó. Các đảng phái từng
chiến đấu nhằm giành quyền cai trị đều coi việc nắm bộ máy nhà nước đồ sộ đó
như là chiến lợi phẩm chính của chiến thắng[17].
Theo nhà sử học Shirley
Gruner thì “Marx cảm thấy - khi tìm được “giai cấp tư sản” – là đã hiểu rõ được
hiện thực, nhưng trên thực tế, ông mới chỉ tóm được một thuật ngữ cực kì khó nắm
bắt mà thôi”[18].
Trong một số tác phẩm, Marx dùng thuật ngữ này để chỉ những doanh nhân đầy sáng
kiến, tức là những người tổ chức ra các xí nghiệp sản xuất và đầu tư vào việc tạo
ra của cải, còn trong những tác phẩm khác thì ông lại dùng thuật ngữ này để chỉ
những người tụ tập xung quanh bộ máy nhà nước, tức là những kẻ sống bằng tiền
thuế, những kẻ vận động hành lang nhằm cấm đoán cạnh tranh và ngăn chặn tự do
thương mại; nói tóm lại, đấy là những kẻ đầu tư không phải nhằm tạo ra của cải
mà nhằm bảo đảm cho quyền tái phân phối tài sản hay phá hoại tài sản của người
khác, và giữ cho thị trường luôn ở tình trạng khép kín, làm cho người nghèo cứ
nghèo mãi, còn xã hội thì bị họ khống chế. Do ảnh hưởng của Marx và đồ đệ của
ông là Sombart mà thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản” đã trở thành thông dụng. Cần nhắc
lại rằng thuật ngữ này đã được những người - không chỉ lẫn lộn giữa quá trình sản
xuất hàng hóa và trao đổi trên thương trường với việc sống bằng thuế khóa tước
đoạt được của những người khác mà còn là những người biện hộ cho việc thủ thiêu
tài sản, thị trường, tiền tệ, giá cả và phân công lao động, và toàn bộ cơ cấu của
chủ nghĩa tự do: các quyền cá nhân, tự do tín ngưỡng, tự do ngôn luận, bình đẳng
trước pháp luật, và chính phủ dân chủ nằm trong khuôn khổ của hiến pháp.
Đáng chú ý là, tương tự như
nhiều từ có tính chất thóa mạ khác, “chủ nghĩa tư bản” được những người trí thức
ủng hộ thị trường tự do sử dụng nhằm chống lại những người xuyên tạc thuật ngữ
này. Kết quả là những người áp dụng thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản” cho những điều
mà họ ủng hộ hay đơn giản như một thuật ngữ trung lập cho những cuộc thảo luận
trong lĩnh vực khoa học xã hội đã rơi vào tình thế khó khăn vì (1) thuật ngữ
này được sử dụng một các lập lờ (để chỉ cả tinh thần kinh doanh trên thị trường
tự do lẫn việc sống bằng tiền thuế và sức mạnh cũng như sự bảo trợ của chính phủ)
và (2) từ này hầu như bao giờ cũng bị sử dụng theo nghĩa rõ ràng là tiêu cực.
Một số người đề nghị bỏ hẳn
thuật ngữ này vì nó chứa đựng những ý nghĩa trái ngược nhau và còn bao hàm cả ý
thức hệ nữa[19].
Nghe có vẻ hấp dẫn, nhưng vấn đề thì vẫn còn. Cho phép người ta tự do buôn bán
và lời ăn lỗ chịu chắc chắn là điều kiện cần cho sự tiến bộ của nền kinh tế,
nhưng không đủ cho việc hình thành thế giới hiện đại. Thị trường hiện đại xuất
phát từ và cung cấp năng lượng cho sự sáng tạo đổi mới trong các lĩnh vực như thiết
chế, công nghệ, văn hóa, nghệ thuật cũng như xã hội, tức là những sự cách tân
vượt ra ngoài mô hình trao đổi trứng lấy bơ. Chủ nghĩa tư bản thị trường tự do
hiện đại cải tiến không phải bằng bước chân chậm chạm của những thiên niên kỉ
trước mà ngày càng nhanh hơn – đúng như những người xã hội chủ nghĩa (nhất là
Marx) và các đồng minh của họ, cũng như những người bảo thủ thù nghịch với thị
trường, những người cảm thấy hốt hoảng trước thế giới hiện đại. Trong tác phẩm Capitalism, Socialism, and Democracy (Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội và chế độ
dân chủ), Joseph Schumpeter đã phê phán những người mà “vấn đề thường được
mường tượng là chủ nghĩa tư bản quản lí những công trình hiện hữu như thế nào,
trong khi vấn đề lại là xây dựng và phá hủy chúng như thế nào”[20]
Khác với các chợ phiên trong
quá khứ, thị trường tự do hiện đại không chỉ là chỗ trao đổi hàng hóa. Thị trường
hiện đại được mô tả như là những làn sóng “của sự phá hủy mang tính sáng tạo”;
những cái mà cách đây mười năm là mới thì nay đã trở thành cũ kĩ, bị những mẫu
mã cải tiến hoặc thiết bị mới thế chỗ, những kết cấu thiết chế, công nghệ và
cách thức tương tác mà không ai có thể tưởng tượng nổi. Đấy chính là sự khác biệt
giữa thị trường tự do hiện đại với những phiên chợ của quá khứ. Theo tôi, thuật
ngữ tốt nhất hiện có nhằm phân biệt những quan hệ của thị trường tự do, tức là
những quan hệ tạo ra thế giới hiện đại từ những thị trường tiền bối của nó là
“chủ nghĩa tư bản”.
Thế nhưng chủ nghĩa tư bản
không phải là tình trạng hỗn loạn. Nó là trật tự tự phát, một trật tự xuất hiện
ngay trong tiến trình. (Một số tác giả gọi trật tự này là “trật tự tự hiện”). Sự
ổn định có thể dự đoán được của chế độ pháp quyền và việc bảo đảm các quyền làm
cho quá trình sáng tạo đổi mới như vậy trở thành khả thi. Như đã được viết trên
The Futurist (Nhà vị lai học):
Người
ta bao giờ cũng khó nhìn thấy trật tự trong thị trường rõ ràng là hỗn loạn.
Ngay cả hệ thống giá cả luôn luôn đưa các nguồn lực đến những nơi mà chúng được
sử dụng một cách tốt nhất, nhưng trên bề mặt của thị trường thì lại dường như
hoàn toàn trái ngược với trật tự - doanh nghiệp phá sản, người lao động mất việc
làm, thịnh vượng tiến lên với những bước đi chập chững, những khoản đầu tư hóa
ra là bị mất trắng. Dường như thời đại sáng tạo đổi mới diễn ra nhanh chóng thì
thậm chí sẽ hỗn loạn hơn, những doanh nghiệp khổng lồ phát đạt và lụn bại nhanh
chưa từng có và chẳng còn mấy người có công ăn việc làm lâu dài nữa. Nhưng năng
lực gia tăng của ngành vận tải, của thông tin và của thị trường tài chính trên
thực tế có nghĩa là thậm chí có nhiều trật tự hơn là thị trường có thể đạt được
trong thời đại công nghiệp. Vấn đề quan trọng là phải tránh sử dụng chính phủ
áp bức nhằm “giải quyết những sự quá lạm” hay “hướng thị trường đến kết quả mà
một người nào đó muốn!”[21].
Chủ
nghĩa tư bản thị trường tự do chống lại chủ nghĩa tư bản ô dù.
Để tránh sự lầm lẫn do cách
sử dụng mập mờ thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản” của những nhà trí thức theo trường
phái xã hội chủ nghĩa gây ra, cần phải tách biệt một cách rõ ràng giữa “chủ
nghĩa tư bản thị trường tự do” với “chủ nghĩa tư bản ô dù”, tức là tách biệt khỏi
cái hệ thống đã và đang đẩy rất nhiều dân tộc vào vũng bùn tham nhũng và tình
trạng lạc hậu. Trong rất nhiều nước, nếu một người nào đó giàu có thì có nhiều
khả năng là ông ta (hiếm khi là bà ta) có quyền lực chính trị hay là họ hàng gần
gũi, bạn bè hoặc người ủng hộ - nói ngắn, có “ô dù” – của những người có quyền
lực và người này có tài sản không phải là vì ông ta là người làm ra những món
hàng tốt mà do ông ta được hưởng đặc quyền đặc lợi do nhà nước ban phát cho một
số người, gây thiệt hại cho một số người khác. Đáng tiếc là “chủ nghĩa tư bản ô
dù” có thể được áp dụng với độ chính xác ngày càng cao đối với nền kinh tế của
Mĩ, một đất nước mà những công ty phá sản thường được nhà nước “cứu trợ” bằng
tiền của người đóng thuế, trong đó, thủ đô của quốc gia cũng chẳng khác gì một
cái tổ ong cực lớn, gồm toàn những kẻ kiếm lời bằng thủ thuật vận động hành
lang, những quan chức, các chính khách, các nhà tư vấn và tài xế và các quan chức
được bổ nhiệm của bộ tài chính và ngân hàng trung ương tự tung tự tác trong việc
tưởng thưởng cho một số công ty và làm cho một số công ty khác bị thiệt hại.
Không được lẫn lộn hệ thống ô dù thối nát như thế với “chủ nghĩa tư bản thị trường
tự do”, tức là thuật ngữ dùng để nói về hệ thống sản xuất và trao đổi trên cơ sở
chế độ pháp quyền, trên sự bình đẳng của tất cả mọi người, trên cơ sở tự do lựa
chọn, tự do buôn bán, tự do cải tiến, trên nguyên tắc lời ăn lỗ chịu làm kim chỉ
nam, và quyền hưởng thành quả lao động, tiết kiệm, đầu tư mà không sợ bị tịch
thu hay bị những kẻ không đầu tư vào sản xuất của cải vật chất mà đầu tư vào
quyền lực chính trị ngăn cản.
Những làn sóng thay đổi mà
chủ nghĩa tư bản thị trường tự do tạo ra thường làm cho những tầng lớp tinh hoa
cha truyền con nối tức giận. Theo cách nhìn của họ về thế giới thì những nhóm
người thiểu số trở thành tự cao tự đại và chẳng bao lâu nữa những tầng lớp dưới
sẽ nhận thức được vị trí của mình. Khủng khiếp hơn nữa – đấy là theo quan điểm
của họ - là trong chế độ tư bản chủ nghĩa thị trường tự do, phụ nữ sẽ khẳng định
được giá trị của họ. Địa vị của họ đã bị đe dọa. Người dân sẽ tạo lập các mối
quan hệ trên cơ sở lựa chọn và thỏa thuận chứ không còn dựa vào nguồn gốc hoặc
địa vị nữa[22].
Trong các tác phẩm của mình, Marx đã tóm tắt một cách tài tình và chỉ ra một
cách khéo léo lòng hận thù của những người bảo thủ đối với chủ nghĩa tư bản thị
trường tự do, đấy là sự tức giận trước những thay đổi và mất mát đặc quyền đặc
lợi. Leo Melamed (chủ tịch danh dự của CME Group [trước đây là Chicago Mercantile
Exchange], câu chuyện của cuộc đời ông về quá trình trốn tránh cả Gestapo lẫn
KGB và cuộc cách mạng nền tài chính thế giới là câu chuyện về lòng dũng cảm và
tầm nhìn), dựa vào chính kinh nghiệm của mình khi nói: “Trong thị trường tài
chính Chicago, vấn đề không phải bạn là ai – dòng dõi của bạn, lai lịch của bạn,
sức khỏe của bạn, giới tính của bạn – mà vấn đề là khả năng của bạn trong việc
xác định nhu cầu của người tiêu dùng và xu hướng của thị trường. Ngoài ra chẳng
có gì quan trọng hết!”[23]. Chấp nhận chủ nghĩa tư bản
thị trường tự do nghĩa là chấp nhận tự do trao đổi, tự do đổi mới, tự do sáng
chế. Nghĩa là chấp nhận thay đổi và tôn trọng quyền tự do hành động của người
khác – theo nguyện vọng và với những thứ mà họ có. Nghĩa là tạo không gian cho các
công nghệ mới, lí thuyết khoa học mới, hình thức nghệ thuật mới, bản sắc mới và
quan hệ mới. Nghĩa là chấp nhận quyền tự do làm ra của cải, đấy cũng là phượng
tiện thoát nghèo duy nhất. (Của cải có nguồn gốc, nhưng nghèo đói thì không;
nghèo đói là do không sản xuất ra của cải, nhưng của cải thì không phải là do
không sản xuất ra nghèo đói[24]). Nghĩa là hân hoan chào
đón quá trình giải phóng con người và biến tiềm năng của con người thành hiện
thực.
Các tác giả được giới thiệu
trong cuốn sách này là những người đến từ những nước khác nhau, những nền văn
hóa khác nhau, từ những nghề nghiệp khác nhau và từ những ngành học khác nhau.
Những thương vụ trên thị trường tự do gắn bó với đức hạnh mật thiết đến mức nào
và chúng giúp củng cố những hành vi mang tính đạo đức của chúng ta đến mức nào?
– mỗi người sẽ cung cấp cho độc giả đánh giá của của mình. Chúng tôi đưa vào cuốn
sách này những bài tiểu luận khác nhau, có bài rất ngắn, một số bài dài hơn, có
những bài rất dễ hiểu, nhưng lại có những bài có tính hàn lâm hơn. Có hai bài
được dịch từ tiếng Hoa và tiếng Nga. Hai tác giả khác là những người đã từng đoạt
giải Nobel, một người là nhà văn, còn người kia là một nhà kinh tế học. Có một
bài phỏng vấn với một doanh nhân thành đạt và cũng là một người ủng hộ bộc trực
cho điều mà ông gọi là “chủ nghĩa tư bản tự giác”. Các bài tiểu luận ở đây
không thể cung cấp đầy đủ tất cả những luận cứ ủng hộ chủ nghĩa tư bản thị trường
tự do, nhưng chắc chắn là chúng giúp độc giả thâm nhập vào một lĩnh vực tài liệu
khá đồ sộ (Một số tác phẩm được liệt kê trong phần tài liệu tham khảo ngắn ở cuối
sách).
Tại sao cuốn sách này lại chỉ
chứa đựng những lời biện hộ hùng hồn cho chủ nghĩa tư bản thị trường tự do? Vì
đã có hàng trăm – thực ra là hàng ngàn – cuốn sách đang có mặt trên thị trường
với mục đích cung cấp những cuộc thảo luận “không thiên vị” nhưng trên thực tế
lại chẳng có gì ngoài những cáo buộc quá trình làm ra của cải, cáo buộc tinh thần
dám nghĩ dám làm, tinh thần sáng tạo, cáo buộc hệ thống lời-ăn-lỗ-chịu và cáo
buộc chủ nghĩa tư bản thị trường tự do nói chung. Trong quá trình hoạt động của
mình, tôi đã đọc hàng trăm cuốn sách tấn công chủ nghĩa tư bản thị trường tự
do, tôi đã suy tư về những luận cứ của những cuốn sách đó và đã đánh vật với
chúng. Ngược lại, những người phê bình
chủ nghĩa tư bản thị trường tự do lại ít đọc những người dám ủng hộ chủ nghĩa
tư bản thị trường tự do, họ thường chỉ đọc một tác giả. Tác giả được trích dẫn
nhiều nhất – ít ra là trong giới trí thức Anglo-Saxon – là Robert Nozick, và
ngay cả trường hợp này thì họ cũng chỉ đọc một chương trong một cuốn sách mà
thôi, đấy là chương mà ông đưa ra một thí nghiệm mang tính giả thuyết đầy thách
thức nhằm sát hạch những người chống lại chủ nghĩa tư bản thị trường tự do. Phần
lớn những người xã hội chủ nghĩa đều cho rằng chỉ cần đọc một tiểu luận và bác
bỏ bất kì thí nghiệm mang tính tư duy nào[25]! Sau khi đã đọc và đã bác
bỏ rồi, nếu những người kết án chủ nghĩa tư bản thị trường tư do vẫn còn nghĩ
là cần phải tiếp tục phê phán thì họ lại thường dựa vào ý kiến sai lầm của
Milton Friedman hay Ayn Rand hoặc F. A. Hayek hoặc Adam Smith hay ý kiến của
các vị này nhưng đã bị cắt xén, được họ trình ra mà không trích dẫn.
Những người nghiêm túc phải
làm tốt hơn họ. Tôi khuyên bạn, khuyên những độc giả của tiểu luận này và của
cuốn sách này phải làm tốt hơn những người đó. Hãy đọc những bài phê bình chủ
nghĩa thị trường tự do hay nhất. Hãy đọc Marx. Đọc Sombart. Đọc Rawls. Đọc
Sandel. Hãy hiểu họ. Hãy mở lòng để cho họ thuyết phục. Hãy nghĩ về họ. Tôi đã
đọc nhiều luận cứ chống chủ nghĩa tư bản thị trường tự do hơn phần lớn những kẻ
thù của chủ nghĩa tư bản thị trường tự do từng đọc và tôi nghĩ là tôi có thể
trình bày mạch lạc hơn họ vì tôi biết rõ hơn họ. Ở đây, tôi muốn cung cấp cho
người đọc phía bên kia của cuộc thảo luận, đấy là cái phía mà thậm chí chẳng có
mấy người công nhận là nó có tồn tại.
Xin tiếp tục, hãy tận dụng
cơ hội. Hãy vật lộn với những luận cứ được trình bày trong những bài viết của tập
sách này. Hãy suy nghĩ về chúng. Và sau đó thì tự đưa ra quyết định.
Tom G. Palmer
Washington, D.C.
Giáo sư Tom Gordon Palmer (sinh năm 1956 ở
Bitburg-Mötsch, Đức) là cộng tác viên cao cấp của Viện Cato (Cato Institute),
phụ trách lĩnh vực đào tạo của Viện (Cato University), phó chủ tịch chương
trình quốc tế của quĩ nghiên cứu kinh tế Atlas (Atlas Economic Research
Foundation), và là tổng giám đốc Sáng kiến toàn cầu vì tự do thương mại, hòa
bình và thịnh vượng của quĩ Atlas (Atlas Global Initiative for Free Trade,
Peace, and Prosperity).
1, 2, 3, 4, 5
[1] Robert Nozick, Anarchy, State, and Utopia [Tạm dịch: Vô chính phủ, Nhà nước và Không tưởng] (New
York: Basic Books, 1974), p. 163.
[2] Joyce Appleby, The Relentless Revolution: A History of
Capitalism [Tạm dịch: Cuộc cách mạng
không ngừng nghỉ: Lịch sử của chủ nghĩa tư bản] (New York: W. W. Norton and
Co., 2010), pp. 25-26.
[3] David Schwab and Elinor
Ostrom, “The Vital Role of Norms and Rules in Maintaining Open Public and
Private Economies,” [Tạm dịch: Vai trò của tiêu chuẩn và luật lệ trong việc quản
lí các nền kinh tế tư nhân và công công cộng công khai] trong Moral Markets: The Critical Role of Values
in the Economy [Thị trường có đạo đức:
Vai trò quan trọng của giá trị trong nền kinh tế], do Paul J. Zak chủ biên (Princeton:
Princeton University Press,2008, pp. 204-27.
[4] Deirdre McCloskey, Bourgeois Dignity: Why Economics Can’t
Explain the Modern World [Tạm dịch: Phẩm
giá của giai cấp tư sản: Vì sao kinh tế học không giải thích được thế giới hiện
đại] (Chicago: University of Chicago Press, 2010), p. 48.
[5] Tác giả chơi chữ “chip” máy
tính, lát cà chua thái mỏng cũng là “chip” – ND.
[6] Muốn tìm hiểu lợi thế tương đối,
xin đọc
tomgpalmer.com/wpcontent/uploads/papers/The%20Economics%20of
%20Comparative%20Advantage.doc.
[7] Muốn biết bạo lực đã giảm thiểu
đến mức nào xin đọc: James L. Payne, A History of Force [Tạm dịch: Lịch sử của
sức mạnh] (Sandpoint, Idaho: Lytton Publishing, 2004).
[8] Ghen tị như là xung lực có hại đối
với sự hợp tác xã hội và có hại cho chủ nghĩa tư bản thị trường tự do đã được
nhiều nhà tư tưởng nghiên cứu. Có thể thấy cách tiếp cận khá hay và vừa được thực
hiện trong thới gian gần đây trong công trình nghiên cứu bản anh hùng ca Ấn Độ Mahabharata trong tác phẩm của Gurcharan
Das: The Diffculty of Being Good: On the
Subtle Art of Dharma [Tạm dịch: Khó trở thành người tốt: Nghệ thuật huyền ảo
của Pháp] (New York: Oxford University Press, 2009), esp. pp. 1-32.
[9] Fernand Braudel, Civilization and Capitalism, 15th–18th
Century: The Wheels of Commerce [Tạm dịch: Nền văn minh và chủ nghĩa tư bản, thế kỷ XV-XVIII: Những bánh xe của nền
thương mại] (New York: Harper & Row, 1982, p. 232.
[10] Ibid., p. 236.
[11] Louis Blanc, Organisation du Travail [Tạm dịch: Tổ chức lao động] (Paris: Bureau de la
Societé de l’Industrie Fraternelle,1847, trích lại trong Braudel, Civilization
and Capitalism, 15th–18th Century: The Wheels of Commerce, op. cit., p. 237.
[12] Karl Marx and Frederick Engels,
Manifesto of the Communist Party, in Karl Marx and Frederick Engels, Collected
Works, [Karl Marx và Frederick Engels, Tuyên ngôn cộng sản] Volume 6 (1976:
Progress Publishers, Moscow), p. 489.
[13] Phê bình lí thuyết của Marx, xin
đọc Eugen von Böhm-Bawerk, Karl Marx and
the Close of His System [Karl Marx và
hạn chế của lí thuyết của ông]; (New York, Augustus M. Kelley, 1949).
[14] Karl Marx, “The Eighteenth
Brumaire of Louis Bonaparte,” [Ngày mười tám tháng sương mù của Louis Bonaparte]
trong David Fernbach, ed., Karl Marx:
Surveys from Exile: Political Writings [tạm dịch: Karl Marx: Khảo sát từ nơi lưu đầy; tác phẩm viết về chính trị] Volume
II (New York: Vintage Books, 1974), p. 186. Tôi đã trình bày những mâu thuẫn và
lầm lẫn của kinh tế học marxist và phân tích xã hội trong tiểu luận “Classical
Liberalism, Marxism, and the Conflict of Classes: The Classical Liberal Theory
of Class Conflict,” [Chủ nghĩa tự do cổ điển, chủ nghĩa Marx và xung đột giai cấp]
in trong tác phẩm Realizing Freedom:
Libertarian Theory, History, and Practice [Hiện thực hóa tự do: Lí thuyết tự do, lịch sử và thực tiễn] (Washington:
Cato Institute, 2009), pp. 255-275.
[15] Karl Marx and Friedrich Engels,
Manifesto of the Communist Party, p. 488
[16]Karl Marx and Friedrich Engels,
Manifesto of the Communist
[17] Karl Marx, “The Eighteenth
Brumaire of Louis Bonaparte,” p. 238.
[18] Shirley M. Gruner, Economic Materialism and Social Moralism
[Tạm dịch: Chủ nghĩa duy vật về kinh tế
và chủ nghĩa đạo đức xã hội] (The Hague: Mouton, 1973, pp. 189-190.
[19] See, for example, Sheldon
Richman, “Is Capitalism Something Good?” [Tạm dịch: Chủ nghĩa tư bản có gì
hay?] www.thefreemanonline.org/columns/tgif/is-capitalism-something-good/.
[20] Joseph Schumpeter, Capitalism, Socialism, and Democracy [Tạm
dịch: Chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa xã hội
và chế độ dân chủ], (London: Routledge, 2006), p. 84.
[21] David Boaz, “Creating a
Framework for Utopia,” [Tạo khuôn khổ cho không tưởng] đăng trên The Futurist,
December 24, 1996, www.cato.org/pub_display.php?pub_id=5976.
[22] Nhà sử học chuyên về lĩnh vực luật
pháp, Henry Sumner Maine, đã gọi “sự di chuyển của những tiến bộ” từ quan hệ được
thừa kế, trên cơ sở gia đình sang quyền tự do cá nhân và xã hội dân sự là “chuyển
từ địa vị sang hợp đồng”. Henry Sumner Maine, Ancient Law [Luật pháp thời
thượng cổ] (Brunswick, NJ: Transaction Publishers, 2003, p. 170.
[23] Leo Melamed, “Reminiscences of a
Refugee,”[Hồi ức của một người tị nạn] trong For Crying Out Loud: From Open
Outcry to the Electronic Screen (Hoboken, NJ: John Wiley & Sons, 2009, p.
136.
[24]Tôi thảo luận vấn đề nghèo đói và
chủ nghĩa tư bản thị trường một cách hệ thống hơn trong tiểu luận “Classical
Liberalism, Poverty, and Morality,” [Chủ nghĩa tự do cổ điển, nghèo đói và đạo
đức] trong tác phẩm Poverty and Morality:
Religious and Secular Perspectives [Tạm dịch: Nghèo đói và đạo đức: quan niệm tôn giáo và thế tục] do William A.
Galston và Peter H. Hoffenberg chủ biên (New York: Cambridge University Press,
2010), pp. 83-114.
[25] Đây là thái độ thường thấy của
các nhà triết học, đặc biệt là ông G. A. Cohen đã quá cố, ông này đã dùng nhiều
công sức để bắt bẻ thí nghiệm của Nozick, nhưng không thành công. Có thể đọc
các trích dẫn và chứng minh thất bại của Cohen trong tiểu luận “G. A. Cohen on
Self-Ownership, Property, and Equality,” [G. A. Cohen bàn về quyền sở hữu tư,
tài sản và bình đẳng] trong Realizing
Freedom: Libertarian Theory, History, and Practice [Hiện thực hóa tự do: Lí thuyết tự do, lịch sử và thực tiễn]
(Washington: Cato Institute, 2009), pp. 139-54.
No comments:
Post a Comment