Beatrice Rangel
Phạm Nguyên Trường dịch
Cuộc bầu cử quốc hội ở Venezuela, diễn ra vào ngày 6 tháng 12 tới đây, hứa hẹn sẽ trở thành bước ngoặt trong lịch sử phức tạp và đầy kịch tính của châu Mỹ Latin, châu lục mà Christopher Columbus gọi là “vùng đất của ân sủng”.
Cần phải nói rằng sau cuộc hội ngộ mang tính khai hóa đó, quá trình phát triển ở châu Mỹ Latin ngày càng phải đối mặt với nhiều khó khăn khác nhau.
Có lẽ không cần thống kê những nguồn tài nguyên thiên nhiên mà Mỹ Latin vốn có rất nhiều. Đối với những nền văn hóa khác, các nguồn tài nguyên thiên nhiên đã trở thành nền tảng của phát triển, nhưng ở Thế Giới Mới thì không. Cần ghi nhận rằng những nguồn tài nguyên thiên nhiên ở đây không được dùng để phụng sự xã hội, vì ở các nước Mỹ Latin chưa bao giờ có chế độ pháp quyền, thượng tôn pháp luật.
Nhà triết học vĩ đại người Anh, Thomas Hobbes, đã đúng khi cảnh báo rằng dù hình thức cai trị nào thì chính phủ cũng phải mạnh. Nếu không, về lâu dài xã hội sẽ bị tiêu diệt.
Các chính phủ thay nhau lên nắm quyền - hợp pháp hay không hợp pháp – đều không thèm để ý đến hoạt động của các chính phủ tiền nhiệm. Làm cho xã hội rơi vào những cơn ác mộng không bao giờ dứt, đấy là khi những việc phải khó khăn lắm mới làm xong vào ban ngày thì ban đêm đã bị người ta phá hủy rồi. Kết quả là, các dân tộc ở Mỹ Latin phải sống trong cảnh nghèo đói và bất công.
Nhưng, toàn cầu hóa về kinh tế đã góp phần làm thay đổi tình hình. Những nước như Chile, Uruguay, Costa Rica, tức là những xã hội tuân thủ chế độ pháp quyền, có thể phá vỡ vòng luẩn quẩn này và các tầng lớp trung lưu đang gia tăng. Cùng vơi nó là những cuộc cải cách kinh tế, góp phần đưa những nước này tiến dần vào hàng ngũ các nước phát triển.
Ở Venezuela, chúng ta đang chứng kiến quá trình ngược lại. Cái gọi là ý tưởng về chủ nghĩa xã hội của Bolivar, dựa trên tiền bán dầu, khi tất cả mọi thứ đều có thể được mua bằng tiền thu được từ dầu khí làm cho chính quyền không còn muốn quan tâm tới công nghiệp và nông nghiệp nữa. Cùng với đó là quá trình phá hoại cơ cấu thiết chế của Venezuela và ước muốn gây ảnh hưởng đến chính sách của các nước láng giềng Mỹ Latin. Tất cả những yếu tố này đã làm cho chế độ pháp quyền bị xói mòn dần.
Venezuela trong con mắt của thế giới là nhà nước, nơi mà tội phạm có tổ chức và nạn khủng bố đang hoành hành dữ dội.
Nhân dân Venezuela đang bị tước mất cơ hội làm ra sản phẩm với giá trị gia tăng, họ đã trở thành những thần dân của nhà nước, sống bằng các khoản trợ cấp dành cho người nghèo. Trong khi đó, các quan chức cao cấp trong chính phủ Venezuela đã trở thành những tỷ phú, giàu không khác gì Bill Gates, Richard Branson và Mark Zuckerberg, tức là những người trở thành giàu có nhờ sức lao động của chính mình.
Cuộc bầu cử quốc hội ở Venezuela phải trở thành thời điểm của sự thật cho Mỹ Latin. Tất cả các cuộc thăm dò ý kiến đều dự đoán chiến thắng của phe đối lập. Đồng thời, chúng ta phải nhớ rằng chính quyền Venezuela, vì không minh bạch và đàn áp đối thủ chính trị và truyền thông đối lập, có thể làm sai lệch kết quả của cuộc bầu cử; và để giữ quyền lực, họ có thể sử dụng bạo lực chống lại chính nhân dân nước mình.
Nếu điều này diễn ra trước mắt dư luận thế giới thì các chế độ độc tài sẽ nhận được tín hiệu rõ ràng rằng dân chủ chẳng có giá trị gì, có thể làm với nó bất cứ chuyện gì cũng được. Sau đó sẽ là phản ứng bạo lực mang tính dây chuyền của những kẻ thua cuộc đối với những người bảo vệ những nguyên tắc dân chủ và tự do.
Tội phạm có tổ chức cũng không đứng ra bên lề, để bảo vệ lợi ích mình, chúng sẵn sàng biến Venezuela thành “hang động của Ali Baba”.
Tình hình đó có thể tạo ra mối đe dọa đối với những quyền tự do căn bản của Hoa Kỳ.
Chỉ có những cuộc bầu cử tự do và trung thực, khi lá phiếu của từng cử tri ở Venezuela đều được tính đến thì mới xây dựng được chế độ pháp quyền ở châu lục này.
Nguồn El Nuevo Herald dịch qua bản tiếng Nga tại địa chỉ
http://inosmi.ru/politic/20151203/234667537.html
Đã đăng trên http://www.ijavn.org/2015/12/vntb-bau-cu-o-venezuela-tai-sao-o.html
No comments:
Post a Comment