December 8, 2015

Nhật Bản Duy Tân Ba Mươi Năm (Phẩn cuối)

Nhật Bản Duy Tân Ba Mươi Năm

Đào Trinh Nhất

Chương V

Công Phu Giáo Hóa – phần cuồi

PHÚC TRẠCH DỤ CÁT

Phúc Trạch Dụ Cát sinh ra năm 1853 ở nước phiên Trung Tân 中津 [Nakatsu]; thuở nhỏ học Hán văn tới tuổi trưởng thành, nảy ra cái chí muốn cho nước nhà được thoát chế độ Phong kiến và thống nhất tự cường, bèn bỏ Hán học mà đi cầu Lan học, tới Đại Bản vô thụ giáo ở trường tân học của Tự Phương Hồng Am. Phúc Trạch cố gắng công phu mấy năm, Lan học khá lắm.

Năm 1859, do theo điều ước, Hoành Tân trở nên một đô thị chung cho 5 nước Âu Mỹ buôn bán, Phúc Trạch tới xem sự tình buôn bán của người Tây phương, xét thấy tiếng Anh rất thiết dụng, liền quyết ý học tiếng Anh. Nhờ sẵn thông minh, thêm có chí khí, nên chi vài năm ra công gắng sức, Phúc Trạch học được tiếng Anh ít nhiều.


Gặp dịp Mạc phủ Đức Xuyên sai sứ đi qua Mỹ, Phúc Trạch được cử đi theo (1860). Cách hai năm sau (1862), Mạc phủ lại sai sứ đi sang thông hảo với các nước Âu châu, Phúc Trạch cũng được đi theo nữa.

Hai lần được theo sứ thần như thế, chính là cơ hội tốt cho Phúc Trạch được xem xét và ngó thấy văn minh Âu Mỹ tận nơi. Sau khi ở Âu châu về nước, năm 1866, Phúc Trạch góp nhóp mọi sự kiến văn của mình mà viết ra cuốn sách Tây dương sự tình 西洋事情 [Seiyou Jijou].

Cuốn sách này ra đời, làm như một tiếng sét đánh rung động tâm hồn người Nhật. Thuở nay, trừ phái tân học hiếm hoi ra, không ai biết rõ văn hóa và tình thế phương Tây ra thế nào; nhờ cuốn Tây dương sự tình, người trong nước mới hiểu đại thế thiên hạ cùng là văn hóa Thái Tây. Lúc này trong triều ngoài quận, trên quan dưới dân, ai là hạng kiến thức, nếu bàn bạc tới những vấn đề văn minh khai quốc, thì trên án bên mình đều có một bản Tây dương sự tình để mở ra xem, coi như là lời vàng tiếng ngọc vậy.

Qua năm sau là năm 1867, Mạc phủ trả quyền chính về triều đình, rồi đức Minh Trị Thiên hoàng cả quyết duy tân cải cách. Lúc bấy giờ chính phủ Minh Trị sửa sang thi thố công việc gì cũng đều châm chước ở trong sách của Phúc Trạch. Bởi vậy, người Nhật thường nói chính sách duy tân của đời Minh Trị, có thể cho là phôi thai ở trong bộ sách Tây dương sự tình mà ra cũng đúng.

Tôi quên nói từ hồi năm 1858, sau khi Phúc Trạch đi nghiên cứu Lan học ở Trường Kỳ rồi trở về Giang Hộ, tự mở ra một trường tư để dạy tân học, gọi là Khánh Ứng nghĩa thục 慶応義塾 [Keiou Gijuku]. Lấy sự lâu bền mà nói, cùng là cách thức dạy học mới, khắp nước Nhật Bản không có trường công, trường tư nào sánh kịp trường Khánh Ứng của Phúc Trạch được.

Ban đầu mới lập ra, chuyên dạy Lan văn, đến khi Phúc Trạch biết Anh văn thông dụng mà tự cặm cụi học tập rồi, năm 1863 trở đi, nhà trường thay đổi, dạy ròng Anh văn.

Mấy năm mới mở, có lối 100 học trò. Kịp đến năm 1867, Mạc phủ trả lại quyền chính, Minh Trị xuống chiếu duy tân, trong nước có việc biến loạn xôn xao (tức là chuyện phe đảng Mạc phủ nổi lên chống cự triều đình), vì đó mà một lúc trường Khánh Ứng giảm số học trò, chỉ còn vỏn vẹn có 18 mống. Tuy vậy, Phúc Trạch không ngã lòng chút nào, cứ việc dạy học như thường, lại đem cuốn Kinh tế học đã mua hồi qua Mỹ quốc mà giảng cho học trò, tỏ ý rằng mình chỉ dốc lòng mở mang giáo dục, un đúc nhân tài cho nước nhà mà thôi, chớ sự quyền chính đổi dời, nội tình rối loạn đi nữa, cũng không thể ngưng việc học lại một giờ nào đặng.

Thiệt, lúc đó có việc Mạc phủ trả quyền, Minh Trị cải cách, là một việc đại biến chưa từng thấy có ở trong lịch sử Nhật Bản, bởi vậy phần thì dân chúng còn đang sửng sốt lao xao, phần thì binh triều đang đánh binh loạn, thời cuộc ấy làm cho các trường công tư đều đóng cửa nghỉ học hết thảy. Duy có Khánh Ứng nghĩa thục vẫn đứng sững một mình, cứ việc giảng dạy tân học Thái Tây, chưa từng có một ngày nào ngưng bỏ; xem vậy thì biết Phúc Trạch nhiệt tâm về việc dân gian giáo dục ra thế nào?

Phúc Trạch chỉ cặm cụi lo toan hai việc: Một là làm sách để giáo dục tất cả xã hội, hai là dạy học để giáo dục đoàn em hậu tấn, tâm tư sự nghiệp trọn đời tiên sinh dồn cả vào hai việc đó. Từ năm 1854, mở ra Khánh Ứng nghĩa thục, cho đến năm 1897 (năm Minh Trị thứ 34) qua đời, trước sau 43 năm, cầm một cây viết, khua ba tấc lưỡi, tự nhận lấy công việc mở mang ra vận hội mới cho nòi giống nước non làm công việc thiêng liêng của mình phải gánh, phải làm, mà chỉ giữ vững cái bản lĩnh của mình là nhà giáo dục, chớ không hề bon chen vào con đường cầu danh vụ lợi một chút nào hết. Lúc mới khai quốc, lắm người khoe tài dựa thế, cho được có quan sang chức trọng, lấy thế làm vinh, thế mà Phúc Trạch dửng dưng, ngoài ra chỉ có hai lần đi theo sứ thần của Mạc phủ sang Âu Mỹ làm viên thông ngôn, chẳng khi nào dính líu tới việc chính trị. Đến đời Minh Trị duy tân trở đi, tuy là được trên triều đình dưới quốc dân đều tôn kính nhờ cậy mặc lòng, Phúc Trạch chẳng có giây phút nào dính tới chính quyền hay là cầu lấy danh lợi bao giờ. Phúc Trạch thật là một nhà giáo dục chân chính, thật là một nhà giáo dục cứu quốc!

Phúc Trạch làm sách nhiều lắm, góp lại có 50 bộ, cộng 105 cuốn, đều viết bằng lối văn rất bình thường giản dị, không ai coi không hiểu. Năm Minh Trị thứ 4, in ra một bộ sách nhỏ, tựa là Học văn chi khuyến (学聞之勸)[1] gồm 17 cuốn, quốc dân hoan nghênh hết chỗ nói, chỉ trong vài tháng mà bán hết 3 triệu 40 muôn bộ. Mở đầu, Phúc Trạch dạy: “Trời ở trên người, không giúp người, lại ở dưới người, không giúp người 天在人之上。不作人。吏天在人之下。不作人”. Câu đó tỏ ý khuyên răn quốc dân nên biết nhân quyền trời phú cho mình là đáng tôn, đáng giữ. Muốn tôn giữ được nhân quyền ấy thì mình phải học cho bằng người ta.

Lần hồi, Phúc Trạch đem sự tích các anh hùng dũng sĩ ra viết sách đặt tuồng để cổ vũ nhân tâm, và bày đầu tổ chức ra các cuộc diễn thuyết trước hết. Đến năm Minh Trị thứ 15 (1881), Phúc Trạch sáng lập ra tờ báo Thời sự tân báo 時事新報 [Jiji shimpou], mỗi ngày xuất bản, tờ báo này tới nay vẫn còn.

Thế là Phúc Trạch tuy không phải người ở ngôi cao, nắm quyền lớn, nhưng vậy mà dạy học, làm sách, viết báo, là ba cơ quan trọng yếu trong xã hội, ông đều nắm đủ trong tay, cho nên có thế lực đối với triều đình và quốc dân, có oai vọng hơn là nhà đại chính trị nhiều. Năm Minh Trị thứ 23, ông nâng cao cái địa vị Khánh Ứng nghĩa thục lên hàng đại học đường, dạy kiêm bốn khoa văn học, lý tài, chính trị, pháp luật. Từ lúc mở trường này ra kể cho đến khoảng năm 1895 mà thôi, trước sau giáo dục được tới 2 muôn học sinh. Số học sinh tốt nghiệp rồi, hoặc ra làm quan to, hoặc được cử làm nghị viên trong hai viện Quý tộc và Chúng nghị, cùng là hạng làm tổng lý các công ty lớn, tính lại đông không biết bao nhiêu. Vả lại, Phúc Trạch vốn trọng tinh thần độc lập tự trị, cho nên học trò của ông bị cảm hóa nhiều, sau khi thành tài rồi phần nhiều để chân vào trong cõi thương mãi kỹ nghệ. Nhờ vậy mà lợi quyền thực nghiệp của Nhật Bản lúc đó tấn tới đáo để.

Mùng 3 tháng 2 năm Minh Trị thứ 34 (nhằm 1897), Phúc Trạch tạ thế. Chúng nghị viện (tức hạ nghị viện) hết thảy bỏ thăm chuẩn y lời ai điếu chung, để tỏ ra cả nước cảm mến thương tiếc ông là người có đại công giáo dục dìu dắt nước Nhật lên cõi duy tân. Nhà nước làm quốc tang, bữa tống táng có trên 2 muôn người đi đưa, ai nấy đều sụt sùi nhớ tiếc.

Trên kia đã nói sinh bình của Phúc Trạch chỉ ham lo có hai việc, là dạy học và làm sách. Trong hai việc đó có nhiều dật sự thú vị, nên nhắc lại một vài chuyện mà nghe.

Thường khi cùng ai bàn bạc về vấn đề giáo dục thì Phúc Trạch nói tối ngày không chán. Phúc Trạch chê cái lối giáo dục xưa nay ở Đông phương là lối “dạy trên xuống dưới” chỉ lo đào tạo ra một số ít thi đậu làm quan, còn dân chúng dốt nát thây kệ. Nay Phúc Trạch đổi lại: “Dạy dưới lên trên”, nghĩa là lo dạy cho nhất ban dân chúng đều có tri thức, thì nước mới văn minh tấn hóa được, chớ một nước chỉ có nhắm mớ người giỏi mà phần đông vẫn ngu dốt, thì cuộc văn minh tấn hóa đặt lên trên cái cơ sở nào? Phúc Trạch có tư tưởng như thế, hèn chi cả đời cặm cụi về dân gian giáo dục.

Ngoài sự dạy học, Phúc Trạch cũng chuyên viết báo soạn sách. Mà lạ! Mỗi khi viết cuốc sách hay bài văn nào, Phúc Trạch cũng đọc cho bà vợ nghe và hỏi ý kiến ra sao; vì lối văn của Phúc Trạch bao giờ cũng viết rõ ràng giản dị, cho đàn bà con trẻ đều hiểu, hễ câu nào chữ nào, bà vợ nói chưa xuôi chưa đúng, thì Phúc Trạch cầm viết ghi ở dưới để sau sửa lại. Có người hỏi ông sao viết văn làm sách dạy đời, mà lại đi hỏi ý kiến đàn bà như thế, ông cười và đáp:

“Người ta có ai cùng mình ăn ở thân cận lâu dài và hiểu biết mình cho hơn vợ mình được chớ! Nếu một bài văn, một cuốn sách mình viết ra mà còn có chỗ chính ngay vợ mình phải chê, hay là không hiểu, thì bảo làm sao đời hiểu được mình và mình hòng dạy ai cho được?”

Tư tưởng của Phúc Trạch đại khái ngộ nghĩnh kỳ khôi như thế.

Trường Khánh Ứng của ông lập ra, sau khi ông khuất núi rồi, trường cũng vẫn còn khai giảng như thường, lại càng ngày càng mở rộng và thêm vô nhiều khoa học khác, ngày nay vẫn còn. Chính là Khánh Ứng đại học ở Đông Kinh bây giờ, một trường đại học có tiếng ở phương Đông ta. Mấy năm gần đây ra sao không rõ, chớ vài chục năm trước, trong đám chí sĩ Việt Nam qua cầu học bên Nhật, hình như có nhiều người học thành tài ở Khánh Ứng đại học ra.

Năm 1907, ở Hà Nội ta có một trường tư học do các cụ chí sĩ tiền bối lập ra, cũng lấy việc mở mang tân học, thức tỉnh quốc dân làm mục đích. Các cụ đặt tên trường là Đông Kinh nghĩa thục, chắc hẳn noi theo Khánh Ứng nghĩa thục 慶応義塾 của Phúc Trạch Dụ Cát để lo việc dân gian giáo dục. Thế mà cái vận mạng của Đông Kinh nghĩa thục vắn vỏi quá; chỉ được một năm mấy tháng thì bị cấm mất!

MỖI NGƯỜI MỞ MANG DÂN GIAN GIÁO DỤC CÓ MỘT Ý NGHĨA

Đã nói việc dân gian giáo dục ở trong lịch sử Nhật Bản duy tân có địa vị to và có công phu lớn lắm. Cái ý nghĩa thứ nhất của nó, là dân tự giáo hóa cổ lệ nhau để tự cường.

Trong thời kỳ duy tân, sau Phúc Trạch Dụ Cát là người có công dân gian giáo dục thứ nhất, còn có nhiều người khác cũng có công với cuộc tấn hóa không phải là nhỏ.

Các trường tư học mở ra tứ tung; mà ngộ thiệt! Mỗi người mở ra một trường tư đều chuyên về một khoa giáo dục, có một ý nghĩa riêng, đến cái mục đích tối cao thì ai cũng như ai: Bồi bổ vào chỗ bất túc của chính phủ để rèn đúc nhân tài; giáo hóa quốc dân cho mau tự cường tấn hóa.

Bây giờ nếu muốn kể ra tường tận, thì không biết bao nhiêu giấy mục cho đủ, nên đây buộc tôi lại chỉ lược thuật đại khái mà thôi.

Tân Đảo Tương 新島襄 [Niijima Jou] vốn là người có tính cách võ sĩ Nhật Bản, mà theo đạo Gia tô tân giáo (Protestant), mở ra một trường học vừa cao đẳng, vừa phổ thông gọi là Đồng Chí xã 同志社 [Doushisha], cốt dung hiệp cả hai mối đạo nghĩa Đông Tây.

Đại Ôi Trọng Tín 大隈重信 [Ookuma Shigenobu] mở ra Đông Kinh chuyên môn học hiệu 東京専門学校 [Toukyou Senmon Gakkou], để rèn đúc thanh niên về mặt chính trị ngay từ lúc đầu Minh Trị, hầu dự bị cho quốc dân có đủ tư cách hưởng lấy chính thể lập hiến của nhà vua sẽ ban cho vài chục năm sau. Trường này sau đổi tên là Tảo Đạo Điền đại học 早稲田大学 [Waseda Daigaku], hiện nay vẫn còn, vào hàng các đại học lớn ở Đông Kinh.

Trung Thôn Kính Vũ 中村敬宇 [Nakamura Keiu hay Nakamura Masanao] mở ra Đồng Nhân xã 同人社 [Doujinsha], vừa mở mang giáo dục cho phụ nữ nhi đồng, vừa giảng giải cho quốc dân biết Tây phương cũng có đạo đức cao quý, kẻo lúc đó nhiều người hăm hở về văn minh vật chất, đến đỗi tưởng rằng sự tấn hóa có thể khinh thường đạo đức cũng được.

Tân Điền Tiên 津田仙 [Tsuda Sen] mở ra Nông Học xã 農学社 [Nougakusha], và xuất bản Nông học tạp chí để dìu dắt nông dân cải lương về nghề cày cấy trồng tỉa.

Đó là kể sơ ra một vài cơ quan giáo dục để làm lệ chừng vậy thôi, ngoài ra còn nhiều nhà dân gian giáo dục khác và nhiều trường tư học khác, cũng có quan hệ cho thời cuộc, công lao với quốc gia, nói sao cho hết. Rất đỗi có người như Cát Điền Tùng Âm 吉田松陰 [Yoshida Shouin] mở trường dạy học trong xóm mà un đúc nên nhiều nhân tài trong lúc duy tân; học trò Cát Điền sau làm đại tướng hay được phong chức công hầu vô số. Lại cũng có người như Tây Hương Long Thịnh 西郷隆盛  [Saigou Takamori] đang làm tới chức tướng soái mà bỏ quan về làng mở trường dạy học. Ta có thể tóm lại một câu rằng: Nhật Bản duy tân, chính là nhờ giáo dục, mà giáo dục mau được kết quả tốt đẹp, là nhờ nơi chính phủ và nhân dân cùng ra tay gắng sức: Công học lo mặt phổ thông, ban bố thường thức cho dân, tư học lo mặt chuyên môn, rèn đúc nhân tài xuất sắc.

Nhưng ta nên biết các nhà dân gian giáo dục ở nước Nhật, có một cái tôn chỉ cao, ấy là “Học vấn độc lập”.

Ông Đại Ôi Trọng Tín 大隈重信 [Okuma Shigenobu] muốn bày tỏ cái chủ nghĩa tư học như vầy: “Muốn cho quốc dân có tinh thần độc lập tư trị, thì trước hết phải lo sao cho học vấn được độc lập. Muốn học vấn được độc lập vững vàng thì ta nên mở ra một trường tư học thật lớn, thoát hẳn sự trói buộc của quyền thế, để cho học sinh được tự do, muốn nghiên cứu về học thuật gì cũng đặng cả. 欲使國民有獨立自治之精神。必須圖學問之獨立。欲固學問之獨立。必宜興一大私學校。脱權勢之覊絆。俾學生自由妍求其所欲須之學術”.

Ông lại chủ trương rằng học vấn nên dùng quốc ngữ trước hết, rồi học kiêm tới văn tự ngôn ngữ của ngoại quốc. Bởi vậy ông lại nói: “Phàm sự học vấn giáo dục của một nước, chẳng nên mỗi chuyện đều dựa nương nhờ cậy vào chế độ của nước người ta hết thảy. Nếu cái học vấn giáo dục không lấy quốc dân phẩm tính làm gốc, thì không thể bảo là độc lập được, 大凡一國之學問教欲不可專倚賴他國之苟無根基於其國民品性之學問教欲。不獨立”.

Mấy câu nói thống thiết và lý thú thay! Chính là cái tinh thần chung của các nhà dân gian giáo dục nước Nhật từ trước khi khai quốc cho đến giữa lúc duy tân, do cửa miệng của họ Đại Ôi phát ra vậy.

[1] Tên nguyên gốc của tác phẩm là 学問のすゝめ Gakumon no susume (Khuyến học). Ở đây có lẽ tác giả Đào Trinh Nhất đã chịu ảnh hưởng của Hán học nên dịch tên tác phẩm thành Học văn chi khuyến. (BT)



1 comment: