Phạm Nguyên Trường dịch
Photo: Ken Opprann
Nhiều năm trước - đôi khi tưởng
như nhiều kiếp trước – tôi đang ở Oxford và nghe chương trình phát thanh Desert
Island Discs cùng với cậu con trai Alexander của tôi. Đó là một chương trình có
nhiều người (theo tôi biết thì hiện vẫn như thế) nổi tiếng từ tất cả các giai tầng
xã hội được mời để nói về tám cái đĩa hát, một cuốn sách, ngoài cuốn Kinh Thánh
và trọn bộ tác phẩm của Shakespeare, và một trong những món hàng xa xỉ họ mà muốn
mang theo bên mình nếu họ bị đưa đến một hòn đảo không người. Gần hết chương
trình – một chương trình mà cả hai mẹ con tôi đều thích - Alexander hỏi tôi có
nghĩ rằng một lúc nào đó tôi cũng có thể được mời đến nói chuyện trên làn sóng
Desert Island Discs hay không. “Tại sao không?” Tôi nhẹ nhàng đáp. Kể từ khi
cháu biết rằng nói chung chỉ những người nổi tiếng mới tham gia chương trình mà
cháu hỏi, với sự quan tâm chân thành, và đấy là lí do tôi nghĩ tôi có thể được
mời tham gia. Tôi suy nghĩ một chút rồi trả lời: “Có lẽ mẹ phải giành được giải
Nobel văn chương,” và cả hai chúng tôi cùng phá lên cười. Triển vọng có vẻ thú
vị, nhưng hầu như không thể nào xảy ra được.
(Bây giờ tôi không thể nhớ
vì sao mình lại trả lời như thế, có lẽ bởi vì tôi trước đó không lâu tôi đọc một cuốn sách mà tác giả là người đoạt giải
Nobel văn chương hoặc người được vinh danh hôm đó trên chương trình Desert
Island là một nhà văn nổi tiếng.)
Năm 1989, khi người chồng
quá cố của tôi, ông Michael Aris, đến thăm tôi trong thời gian tôi bị quản thúc
tại gia – đây là lần đầu tiên tôi bị quản thúc - ông nói với tôi rằng một người
bạn, ông John Finnis, đã đề cử tôi cho giải Nobel Hòa bình. Lần này tôi cũng cười.
Michael tỏ vẻ ngạc nhiên trong giây lát, sau đó ông mới hiểu vì sao tôi tỏ ra
thích thú. Giải Nobel Hòa bình? Triển vọng thật là thú vị, nhưng không thể nào
xảy ra được! Cho nên, tôi cảm thấy thế nào khi tôi thực sự được trao giải Nobel
Hòa bình? Nhiều người hỏi tôi như thế và đây chắc chắn là dịp thích hợp nhất để
nói giải Nobel có ý nghĩa gì đối với tôi và hòa bình có ý nghĩa gì đối với tôi
.
Như tôi đã nhắc đi nhắc lại
trong nhiều cuộc phỏng vấn, tôi nghe tin mình được trao giải Nobel Hòa bình
trên sóng phát thanh buổi tối. Không hoàn toàn bất ngờ bởi vì tôi đã được đề cập
đến như một trong những người có triển vọng nhất trong một số chương trình được
phát sóng trong tuần trước đó. Trong khi chấp bút bài diễn từ này, tôi đã cố gắng
hết sức để nhớ lại những phản ứng tức thời của tôi khi nghe thông báo giải thưởng
đã được trao. Tôi nghĩ rằng, dù tôi không dám chắc, một cái gì đó như là:
"Ồ, hóa ra họ đã quyết định trao cho mình.” Nó dường như không hoàn toàn
thực, theo nghĩa lúc đó tôi không cảm thấy mình là hoàn toàn có thực nữa.
Trong những ngày tôi bị quản
thúc tại gia tôi thường cảm thấy như mình không còn là một phần của thế giới thực.
Có một ngôi nhà, đó là thế giới của tôi, có thế giới của những người khác, những
người cũng không được tự do, nhưng họ ở bên nhau như một cộng đồng trong nhà
tù, và có thế giới của những người tự do; mỗi thế giới là một hành tinh riêng
biệt, theo đuổi những đường lối hành động của riêng mình trong một vũ trụ lạnh
lùng. Điều giải Nobel Hòa bình mang lại là một lần nữa kéo tôi trở về thế giới
của những con người bên ngoài khu vực biệt lập mà tôi đang sống, giúp tôi phục
hồi lại cảm giác thực tế. Tất nhiên là chuyện này đã không xảy ra ngay lập tức,
nhưng khi ngày tháng trôi qua và tin tức về những phản ứng đối với giải thưởng
được truyền đi trên sóng phát thanh, tôi bắt đầu hiểu được tầm quan trọng của
giải Nobel. Một lần nữa, nó đã đưa tôi trở về với hiện thực, trở về với cộng đồng
nhân loại rộng lớn hơn. Và điều quan trọng hơn là, giải Nobel đã thu hút được sự
chú ý của thế giới đối với cuộc đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền ở Miến Điện.
Chúng tôi đã không bị lãng quên.
Bị lãng quên. Người Pháp nói
rằng chia li là chết một ít. Bị lãng quên là chết một ít. Đó là đánh mất một số
mối liên kết gắn bó chúng ta với phần còn lại của nhân loại. Khi tôi gặp những
người lao động nhập cư và người tị nạn Miến Điện trong chuyến thăm mới đây của
tôi tới Thái Lan, nhiều người đã kêu to: “Xin đừng quên chúng tôi!” Họ có ý nói
là: “Xin đừng quên hoàn cảnh khốn khó của chúng tôi, đừng quên làm những gì bạn
có thể làm để giúp chúng tôi, đừng quên rằng chúng tôi cũng thuộc về thế giới của
bạn”. Ủy ban Nobel trao giải Nobel Hòa bình cho tôi là họ công nhận rằng những
người bị áp bức và bị cô lập ở Miến Điện cũng là một phần của thế giới, họ công
nhận tính thống nhất của nhân loại. Vì vậy, đối với tôi, nhận giải Nobel Hòa
bình có nghĩa mở rộng mối quan tâm của cá nhân tôi đối với nền dân chủ và nhân
quyền ra bên ngoài biên giới quốc gia. Giải Nobel Hòa bình mở ra một cánh cửa
trong trái tim tôi.
Khái niệm hòa bình của Miến
Điện có thể được giải thích là hạnh phúc phát sinh từ sự chấm dứt những nhân tố
chống lại sự hài hòa và lành mạnh. từ Nyein-chan dịch theo nghĩa đen là sự mát
mẻ có lợi cho sức khẻo phát sinh khi một đám cháy được dập tắt. Những đám cháy
của sự đau khổ và xung đột đang hoành hành trên khắp thế giới. Ở nước tôi, lòng
hận thù vẫn còn trên miền cực bắc; ở phía tây, bạo lực cộng đồng dẫn đến những
vụ đốt phá và giết người diễn ra chỉ vài ngày trước khi tôi bắt đầu cuộc hành
trình đưa tôi đến đây vào ngày hôm nay. Có nhiều tin tức về những hành động tàn
ác trong những khu vực khác. Những bản báo cáo về nạn đói, tệ nạn, mất chỗ ở,
thất nghiệp, nghèo đói, bất công, phân biệt đối xử, thành kiến, cố chấp – là
công việc hàng ngày của chúng tôi. Ở đâu cũng có những lực lượng tiêu cực ăn dần
ăn mòn những nền tảng của hòa bình. Ở đâu cũng có những vụ phung phí một cách
vô tư các nguồn nhân và vật lực cần thiết cho việc duy trì sự hòa hợp và hạnh
phúc trong thế giới của chúng ta.
Thế chiến I là một sự lãng
phí khủng khiếp các chàng trai và những người giàu tiềm năng, một sự phung phí
tàn nhẫn các lực lượng tích cực của hành tinh chúng ta. Nền thi ca của thời đại
đó có ý nghĩa đặc biệt đối với tôi bởi vì lần đầu tiên tôi đọc là khi tôi cùng
tuổi với rất nhiều những thanh niên trẻ, những người trực diện với viễn cảnh là
bị tàn tạ trước khi họ đơm hoa kết trái. Một chiến sĩ người Mĩ còn trẻ chiến đấu
cùng với những binh đoàn lê-dương (Foreign Legion) Pháp đã viết trước khi anh bị
giết trong chiến dịch năm 1916 rằng anh sẽ gặp cái chết của mình: “tại một số
chướng ngại vật đang tranh chấp nào đó;” “trên một cái dốc nham nhở ở một sườn
đồi tả tơi;” “lúc nửa đêm ở một số thành phố đang bốc cháy”. Tuổi trẻ và tình
yêu và cuộc sống bỏ mình vĩnh viễn trong nỗ lực vô nghĩa nhằm giành lấy một vị
trí không tên, và chẳng được ai nhớ tới. Và để làm gì? Gần một thế kỷ trôi qua,
chúng ta vẫn chưa tìm thấy một câu trả lời thỏa đáng.
Nếu nói đến sự liều lĩnh,
lãng phí với mức độ bạo lực ít hơn, có liên quan tới tương lai của chúng ta và
của nhân loại thì chúng ta không phải là những người có tội hay sao? Chiến
tranh không phải là vũ đài duy nhất nơi hòa bình bị giết hại. Nơi nào mà đau khổ
bị lờ đi thì nơi đó sẽ có những hạt giống của xung đột, vì đau khổ làm người ta
thoái hóa và làm người ta cảm thấy cay đắng và phẫn nộ.
Khía cạnh tích cực của cuộc
sống cách li là tôi có nhiều thời gian để nghiền ngẫm về ý nghĩa của những từ
và những câu châm ngôn mà tôi đã biết và chấp nhận trong suốt cuộc đời mình. Là
một Phật tử, ngay từ nhỏ tôi đã nghe nói về dukha, thường được dịch là khổ. Hầu
như hàng ngày những người già - và đôi khi chưa đến nỗi già - xung quanh tôi
thường thì thầm “dukha, dukha” khi họ bị đau đớn hoặc khi họ gặp những rủi ro lặt
vặt. Nhưng, chỉ trong những năm bị quản thúc tại gia tôi mới có thời gian khảo
sát bản chất của sáu dukha lớn. Đó là: sinh, già, bệnh, chết, xa lìa những người
mình yêu, phải sống gần những người mình không yêu. Tôi kiểm tra mỗi nỗi khổn
trong sáu nỗi khổ lớn đó, không phải trong một bối cảnh tôn giáo mà trong bối cảnh
của đời thường, của cuộc sống đang diễn ra mỗi ngày. Nếu đau khổ là một phần
không thể tránh khỏi của cuộc sinh tồn thì chúng ta nên cố gắng làm cho nó giảm
bớt càng nhiều càng tốt, bằng những biện pháp thực tế, những biện pháp của thế
gian. Tôi nghiền ngẫm về tính hiệu quả của những chương trình chăm sóc trước và
sau khi sinh và việc chăm sóc bà mẹ và trẻ em; của cơ sở vật phù hợp cho người
già; dịch vụ y tế toàn diện; nơi chăm sóc và hấp hối. Tôi đã đặc biệt tò mò trước
hai loại đau khổ cuối cùng: xa lìa những người mình yêu và phải sống gần những
mình không yêu. Trong cuộc đời mình, Đức Phật của chúng ta đã có những trải
nghiệm nào mà Ngài lại đưa hai trạng thái này vào hàng những nỗi khổ lớn nhất.
Tôi nghĩ về những người tù và người tỵ nạn, về những người lao động di cư và những
nạn nhân của tệ buôn người, về biết bao con người bị đánh bật gốc rễ, tức là những
người bị giằng ra khỏi quê hương bản quán, chia li với gia đình và bạn bè, buộc
phải sống giữa những người xa lạ, những người không phải lúc nào cũng tỏ ra
thân thiện.
Chúng ta may mắn là được sống
trong thời đại khi mà phúc lợi xã hội và trợ giúp nhân đạo được công nhận không
chỉ như là điều đáng mong muốn mà còn điều cần thiết nữa. Tôi may mắn là được sống
trong một thời đại khi mà số phận của các tù nhân lương tâm ở bất cứ nơi nào
cũng đều trở thành mối quan tâm của người dân ở khắp mọi nơi, trong thời đại mà
dân chủ và nhân quyền đã được chấp nhận như là quyền căn bản của tất cả mọi người
một cách rộng rãi, nếu chưa nói là một cách phổ quát. Trong những năm tôi bị quản
thúc tại gia tôi tìm được sức mạnh từ đoạn mà tôi yêu thích trong lời mở đầu của
Tuyên ngôn Quốc tế Nhân Quyền: coi thường và khinh miệt nhân quyền đã dẫn đến
những hành động man rợ, xúc phạm lương tâm nhân loại, và sự ra đời của một thế
giới, trong đó con người có quyền tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng và tự do khỏi
sự sợ hãi và thiếu thốn được công bố như là ước vọng cao nhất của những con người
bình thường; nó là thiết yếu, nếu không muốn người dân phải sử dụng tới biện
pháp cuối cùng là đứng lên chống lại chế độ độc tài và áp bức, thì nhân quyền
phải được bảo vệ bằng chế độ pháp quyền.
Nếu có người hỏi vì sao tôi
đấu tranh cho nhân quyền tại Miến Điện thì đoạn văn trên sẽ là câu trả lời. Nếu
có người hỏi tôi vì sao tôi chiến đấu cho nền dân chủ ở Miến Điện, đấy là vì
tôi tin rằng các thiết chế và thực hành dân chủ là cần thiết cho việc bảo đảm
quyền con người.
Trong năm vừa qua đã có dấu
hiệu cho thấy những nỗ lực của những người tin vào chế độ dân chủ và nhân quyền
đang bắt đầu đơm hoa kết trái ở Miến Điện. Có những thay đổi theo hướng tích cực;
một số bước theo hướng dân chủ hóa đã được thực hiện. Nếu tôi ủng hộ một tinh
thần lạc quan thận trọng thì đấy không phải là vì tôi không có niềm tin vào
tương lai, mà vì tôi không muốn khuyến khích niềm tin mù quáng. Không có niềm
tin vào tương lai, không có niềm tin rằng các giá trị của dân chủ và quyền con
người cơ bản không chỉ là cần thiết mà là khả dĩ đối với xã hội của chúng tôi
thì phong trào của chúng tôi có thể đã không đứng vững được trong suốt những
năm bị tàn phá vừa qua. Một số chiến sĩ của chúng tôi đã bị đốn ngã ngay trên vị
trí của họ, một số khác rời bỏ chúng tôi, nhưng nòng cốt trung thành vẫn mạnh mẽ
và tận tụy. Khi nghĩ về những năm đã qua, tôi thật sự ngạc nhiên là trong những
trường hợp đầy thử thách như thế mà có nhiều người vẫn trung thành như thế. Niềm
tin vào sự nghiệp của chúng tôi không phải là niềm tin mù quáng, mà dựa trên sự
đánh giá bằng những con mắt tinh tường về khả năng chịu đựng của chính họ và sự
tôn trọng sâu sắc nguyện vọng của nhân dân chúng tôi.
Do có những thay đổi trong
thời gian gần đây ở đất nước tôi mà tôi có mặt với các bạn trong ngày hôm nay;
và những thay đổi đã diễn ra vì các bạn và những người yêu tự do và công lý
khác đã góp phần làm cho thế giới biết đến hoàn cảnh của chúng tôi. Trước khi
tiếp tục nói về đất nước của tôi, tôi xin nói về các tù nhân lương tâm của
chúng tôi. Vẫn còn các tù nhân như thế ở Miến Điện. Đây là điều đáng sợ vì những
tù nhân nổi tiếng đã được thả, trong khi những người còn lại, những người chưa
được biết tới, sẽ bị lãng quên. Tôi đang đứng ở đây vì tôi đã từng là một tù
nhân lương tâm. Khi các bạn nhìn vào tôi và nghe tôi, hãy nhớ một sự thật thường
được nhắc đi nhắc lại rằng một tù nhân lương tâm đã là quá nhiều. Những người
chưa được thả, những người chưa được tiếp xúc với những lợi ích của công lý ở đất
nước tôi nhiều hơn một rất nhiều. Xin hãy nhớ tới họ và làm bất cứ điều gì có
thể để họ được thả trong thời gian sớm nhất, thả vô điều kiện.
Miến Điện là một quốc gia đa
sắc tộc và chỉ có trên tinh thần thực sự thống nhất thì mới xây dựng được niềm
tin vào tương lai. Từ khi chúng tôi giành được độc lập năm 1948, chưa bao giờ
chúng tôi có thể tuyên bố rằng cả nước đang sống trong hòa bình. Cho đến nay,
chúng tôi đã không có điều kiện để xây dựng niềm tin và sự hiểu biết cần thiết
nhằm loại bỏ các nguyên nhân xung đột. Hy vọng đã gia tăng sau lệnh ngừng bắn
được duy trì từ đầu những năm 1990 đến năm 2010, khi những lệnh ngừng bắn này bị
vi phạm trong vài tháng. Chỉ cần một bước đi thiếu cân nhắc là đủ để có thế phá
hoại những lệnh ngừng bắn đã có hiệu lực trong một thời gian dài. Trong những
tháng gần đây, những cuộc đàm phán giữa chính phủ và các lực lượng thuộc các sắc
dân thiểu số đã thu được tiến bộ. Chúng tôi hy vọng rằng thỏa thuận ngừng bắn sẽ
dẫn những giải pháp chính trị được xây dựng trên khát vọng của các dân tộc, và
tinh thần thống nhất.
Đảng Liên minh Quốc gia vì
Dân chủ của tôi và tôi sẵn sàng và quyết tâm đóng bất cứ vai trò nào trong quá
trình hòa giải dân tộc. Những biện pháp cải cách được chính phủ của tổng thống
U Thein Sein phát động chỉ có thể được duy trì với sự hợp tác thông minh của tất
cả các lực lượng trong nước: quân đội, các dân tộc thiểu số của chúng tôi, các
đảng phái chính trị, các phương tiện truyền thông, các tổ chức xã hội dân sự,
các cộng đồng doanh nghiệp và, quan trọng hơn tất cả, dân chúng nói chung.
Chúng ta chỉ có thể nói rằng cải cách có hiệu quả khi cuộc sống của người dân
được cải thiện và về khía cạnh này, cộng đồng quốc tế có vai trò quan trọng sống
còn. Phát triển và viện trợ nhân đạo, hiệp định song phương và đầu tư phải được
phối hợp và điều chỉnh nhằm bảo đảm rằng chúng sẽ thúc đẩy sự phát triển về
kinh tế, chính trị và xã hội, và đấy là sự phát triển cân bằng và bền vững. Tiềm
năng của nước tôi là rất lớn. Tiềm năng cần được nuôi dưỡng và phát triển nhằm
tạo ra không chỉ một xã hội thịnh vượng hơn, mà còn tạo ra một xã hội dân chủ
hơn, hài hòa hơn, nơi tất cả chúng ta có thể sống trong hòa bình, an ninh, và tự
do.
Hòa bình thế giới là không
thể chia tách. Dù bất kì ở đâu, nếu lực lượng tiêu cực áp đảo được lực lượng
tích cực thì tất cả chúng ta đều gặp rủi ro. Có thể hỏi: một lúc nào đó có thể
loại bỏ được tất cả các lực lượng tiêu cực hay không. Câu trả lời đơn giản là:
“Không!” Bản chất của con người có cả tích cực và tiêu cực. Nhưng, con người có
khả năng củng cố mặt tích cực và giảm thiểu hoặc vô hiệu hóa mặt tiêu cực. Hòa
bình tuyệt đối trong thế giới của chúng ta là mục tiêu không thể nào đạt được.
Nhưng nó là phương hướng mà chúng ta phải tiếp tục, chúng ta nhìn vào đó như thể
người lữ hành trong một sa mạc nhìn lên vì sao dẫn đường, chỉ lối cho ông ta ra
khỏi sa mạc vậy. Thậm chí, nếu chúng ta không đạt được nền hòa bình hoàn hảo,
vì hòa bình hoàn hảo là điều không tưởng của trái đất này, thì những nỗ lực
chung nhằm giành lấy hòa bình cũng sẽ gắn bó các cá nhân và các quốc gia trong
niềm tin và tình hữu nghị và giúp làm cho cộng đồng nhân loại của chúng ta trở
thành an toàn hơn và tử tế hơn.
Tôi dùng từ “tử tế hơn” sau
khi đã suy nghĩ cẩn thận; tôi có thể nói đã suy nghĩ cẩn thận suốt nhiều năm. Về
những ngọt ngào từ nghịch cảnh - và xin nói rằng không phải là nhiều – bài học
ngọt ngào nhất, bài quý giá nhất mà tôi tìm thấy, là bài học tôi mà học được về
giá trị của sự tử tế. Mỗi một sự tử tế mà tôi nhận được, dù nhỏ hay lớn, đều
làm cho tôi tin rằng trong thế giới của chúng ta bao nhiêu sự tử tế cũng chưa đủ.
Tử tế là phản ứng một cách tình cảm và với sự ấm áp của tình người trước những
hy vọng và nhu cầu của người khác. Ngay cả một biểu hiện ngắn ngủi nhất của sự
tử tế cũng có thể làm cho một tâm hồn đang đau khổ cảm thấy nhẹ nhàng hơn. Sự tử
tế có thể làm thay đổi cuộc sống của người dân. Nước Na Uy đã thể hiện một sự tử
tế mẫu mực trong việc cung cấp nhà ở cho những người di dân, cung cấp nơi trú ẩn
cho những người không có an ninh và tự do ngay tại quê hương của họ.
Người tị nạn có mặt khắp thế
giới. Khi đến trại tị nạn Maela ở Thái Lan trong thời gian gần đây, tôi đã gặp
những con người tận tụy, ngày nào họ cũng cố gắng để làm cho cuộc sống của những
người trong trại đỡ khó khăn hơn. Họ nói về những lo lắng của họ, về “các nhà
tài trợ mệt mỏi”, mà cũng có thể dịch là “lòng từ bi mệt mỏi”. “Nhà tài trợ mệt mỏi” chính xác là giảm các
khoản tài trợ. “Lòng từ bi mệt mỏi” có nghĩa không rõ ràng là giảm sự quan tâm.
Cái nọ là hậu quả của cái kia. Chúng ta có thể thú hưởng cuộc đời với lòng từ
bi mệt mỏi hay không? Liệu giá phải trả cho việc đáp ứng những nhu cầu của người
tị nạn có lớn hơn hậu quả của việc trở thành những người vô tình, nếu không nói
là người nhắm mắt trước những đau khổ của họ? Tôi kêu gọi các nhà tài trợ trên
toàn thế giới đáp ứng nhu cầu của những người đang tìm kiếm nơi tị nạn – chắc
chắn là họ thường nghĩ rằng cuộc tìm kiếm là vô vọng.
Tại Maela, tôi đã có những
cuộc thảo luận có giá trị với các quan chức Thái Lan chịu trách nhiệm quản lí tỉnh
Tak nơi có trại tị nạn này và một số trại khác. Họ cho tôi biết một số vấn đề
còn nghiêm trọng hơn: vi phạm pháp luật lâm nghiệp, sử dụng ma túy bất hợp
pháp, uống các loại rượu tự nấu, các vấn đề về kiểm soát bệnh sốt rét, bệnh
lao, sốt xuất huyết, và dịch tả. Lo lắng của chính quyền cũng chính đáng như lo
lắng của những người tị nạn. Nước chủ nhà cũng cần được xem xét và chúng ta phải
có những biện pháp giúp đỡ thiết thực trong việc giải quyết những khó khăn liên
quan đến trách nhiệm của họ.
Mục đích tối thượng của
chúng ta là tạo ra một thế giới không còn những người phải rời bỏ chỗ ở, không
còn những người vô gia cư, và những người tuyệt vọng, một thế giới, trong đó chỗ
nào cũng nơi trú ẩn đúng nghĩa, tức là nơi mà người dân sẽ có quyền tự do và có
điều kiện sống trong hòa bình. Mọi suy nghĩ, mọi lời nói và mọi hành động làm
gia tăng những hiện tượng tích cực và
lành mạnh là một đóng góp cho hòa bình. Mọi người và mỗi người trong
chúng ta đều có khả năng thực hiện những đóng góp như thế. Xin hãy cùng cố gắng
nhằm tạo ra một thế giới hòa bình, nơi chúng ta có thể ngủ một cách thảnh thơi
và thức dậy một cách hạnh phúc
Ủy ban Nobel kết thúc tuyên
bố ngày 14 tháng 10 năm 1991 bằng những từ sau đây: “Trong khi trao giải Nobel
Hòa bình ... cho bà Aung San Suu Kyi, Ủy ban Nobel Na Uy mong muốn tôn vinh người
phụ nữ này vì những cố gắng không mệt mỏi của bà và thể hiển sự hỗ trợ cho nhiều
người trên khắp thế giới, những người đang cố gắng nhằm giành lấy dân chủ, nhân
quyền và hòa giải dân tộc bằng những biện pháp hòa bình.” Khi tham gia phong
trào dân chủ ở Miến Điện tôi không bao giờ nghĩ rằng sẽ có lúc mình trở thành
người nhận giải thưởng hay danh dự nào đó. Giải thưởng mà chúng tôi tìm kiếm là
xã hội tự do, an toàn, và chính là xã hội mà người dân của chúng tôi có điều kiện
thể hiện hết tiềm năng của họ. Vinh dự nằm trong nỗ lực của chúng tôi. Lịch sử
đã cho chúng tôi cơ hội để chúng tôi hi sinh hết sức mình cho sự nghiệp mà
chúng tôi tin tưởng. Khi Ủy ban Nobel quyết định vinh danh tôi thì con đường mà
tôi tự ý lựa chọn sẽ trở thành con đường bớt cô đơn hơn. Vì thế, tôi xin cảm ơn
Ủy ban, cảm ơn nhân dân Na Uy và nhân dân toàn thế giới, sự hỗ trợ của họ đã củng
cố niềm tin của tôi vào cuộc đấu tranh chung vì hòa bình.
Xin cám ơn.
Nguồn: http://www.nobelprize.org/nobel_prizes/peace/laureates/1991/kyi-lecture_en.html
No comments:
Post a Comment