December 4, 2015

Nhật Bản duy tân 30 năm (Công Phu Giáo Hóa - Phần 1)

Đào Trinh Nhất

Sách "Nhật Bản duy tân 30 năm" được Nhà xuất bản Thế Giới và Alphabooks phát hành đầu năm 2015.

Nhật Bản duy tân 30 năm

Chương V

Công Phu Giáo Hóa

VIỆC GIÁO DỤC TỪ ĐỜI MINH TRỊ TRỞ VỀ TRƯỚC

Ngay từ khi mới kết hợp nhau thành dân tộc, xây dựng lên quốc gia, Nhật Bản đã có cái gốc quốc dân giáo dục rồi.

Cái gốc ấy là Thần giáo.

Thần giáo là nền tôn giáo tự nhiên của dân tộc Nhật Bản, do nơi tư tưởng nhất định “nước là nước thần sáng tạo, vua là con thần trị vì” mà lập nên. Bởi đó từ xưa người Nhật lấy đạo thờ cúng tổ tiên, tôn vua yêu nước, làm cội rễ giáo dục. Tuy đời Thượng cổ chưa có chữ nghĩa sách vở chi để làm phương pháp giáo dục, chớ trong hương tộc gia đình, trong phong tục tập quán, người ta vẫn lấy lời lẽ truyền dạy khuyên răn nhau về đạo xử thế lập thân cho đúng với Thần giáo. Trung hiếu, nhân nghĩa, trong sạch, thẳng ngay, kiên cường, vũ dũng, ấy đều là những tôn chỉ tinh ba của Thần giáo mà mỗi người Nhật nào cũng phải trau dồi gìn giữ ở đời.

Nhân vì tôn chỉ của Thần giáo như thế, cho nên về sau lần lần giao thông với đại lục rồi có Nho giáo và Phật giáo truyền sang Nhật Bản, càng giúp ích mở mang cho họ trở nên có văn hóa rực rỡ và có phương pháp giáo dục hẳn hoi chớ không có chống chọi trái nghịch với những tư tưởng sẵn có của họ một chút nào. Không như lúc sau, Cơ Đốc giáo ở Tây phương đem qua, gây ra đến sự xung đột đổ máu rồi tới đỗi Nhật Bản đóng cửa tuyệt giao.

Nho giáo sang Nhật nhằm đời vua Ứng Thần Thiên hoàng 応神天皇 [Oujin Tennou], vào khoảng năm 200 Tây lịch. Sau đó ít lâu thì tới Phật giáo.

Dưới xa, sẽ có một chương nói riêng về Nho giáo và Phật giáo ở nước Nhật, vì là một vấn đề cần dùng quan hệ, phải nói tách riêng mới được. Đây chỉ có ý kể sơ Nho giáo và Phật giáo có ảnh hưởng cho việc giáo dục của Nhật Bản thế nào mà thôi.

Người Nhật rất hoan nghênh Nho giáo Phật giáo truyền vào xứ họ, là vì họ thấy tôn chỉ đại cương của hai giáo ấy không khác xa gì tôn chỉ Thần giáo của họ xưa nay, nghĩa là đều dạy người ta về những đạo lý trung quân ái quốc, nhân nghĩa liêm sỉ như nhau. Nhất là Nho giáo đem chữ Hán qua cho họ có cách giáo dục bằng sách vở chữ nghĩa rất lợi tiện phân minh, chớ trước kia nước họ không có chữ riêng.

Bấy giờ trong nước mới mở ra trường học có đại học tiểu học, có công lập tư lập lấy Nho học làm chính học, và lấy Hán tự làm quốc văn.

Chủ ý giáo dục, với hạng dưới là cốt dạy dỗ những chuyện thông thường cần biết, còn với hạng trên là cốt rèn tập những người thông thái làm quan giúp nước.

Việc phổ thông giáo dục, tuy có một lúc bày ra hạn chế, chỉ có mấy ông thầy chùa tu đạo Phật mà giảng đạo Nho thì mới được mở trường dạy học, nhưng sau rồi nhà nước để dân tự do, ai muốn mở trường dạy trẻ, nhà nào muốn nuôi thầy dạy học cũng đặng. Các trường phổ thông này gọi là Tự Tử ốc 寺子屋 [Terakoya], tức như mấy thầy đồ trong xóm ở xứ ta ngày xưa, mà đạo thầy trò nghiêm trang kính mến cũng thế. Duy có cách dạy ở Nhật Bản khác: Con trẻ vô học ở Tự Tử ốc từ tám, chín tuổi đến mười hai, mười ba tuổi, bắt đầu học Tam tự kinh trước rồi lần hồi học tới Tứ thư, song ngoài việc học sách tập chữ ra, còn phải học làm toán, học viết thơ, học nói chuyện và học buôn bán giao thiệp… tùy theo chức nghiệp gia đình của đứa trẻ ra sao thì thầy đồ dạy cho môn học thích dụng đó.

Té ra về mặt tiểu học của người Nhật đời xưa đã biết dạy lối chuyên khoa thích dụng rồi, chớ không phải ròng dạy hư văn như ta trước kia.

Đến như đại học giáo dục cũng đã chia riêng ra nhiều khoa: Văn chương, nghệ thuật, chính trị, pháp luật; ai học khoa nào chuyên riêng khoa nấy, nhà nước nuôi cơm may áo cho và học sinh có quyền mượn sách để đọc, vì đời xưa kinh sách chưa có bản in, nhà trường chỉ có ít bộ viết bằng tay, người học phải chuyền tay nhau mà coi.

Té ra về mặt đại học ở nước Nhật cổ thời cũng đã biết cách tổ chức hơi giống như đời nay rồi.

Dầu là bực học nào thì việc giáo dục cũng là thu vào trong một mục đích: Hòa hồn Hán tài 和魂漢才 [Wakon Kansai].

Thế nào là Hòa hồn 和魂 [Wakon]?

Hòa hồn là tinh thần sẵn có của quốc dân.

Thế nào là Hán tài 漢才 [Kansai]?

Hán tài là kiêm thông tri thức của ngoại quốc.

Tóm lại tôn chỉ giáo dục, phải lấy Hán văn Nho học làm lợi khí để mở mang học thuật, bồi bổ trí thức cho họ, nhưng họ là dòng dõi người Đại Hòa vốn có tinh thần đặc sắc rất quý báu tốt đẹp vậy thì tinh thần đặc sắc ấy họ phải quý chuộng gìn giữ luôn luôn, không vì học khôn học chữ của người mà bỏ cái hay của mình đi được.

Thế là việc giáo dục ở nước Nhật đời xưa, tuy có thâu nhập Nho học của Tàu và triết lý của Phật làm cốt, nhưng đến cái gọi là tư tưởng tinh thần riêng của Nhật Bản đã có sẵn sàng, thì họ vẫn còn giữ, chớ không hề để cho bị xâm phạm tiêu tan đi.

Về việc võ, thì có phép giáo dục gọi là Võ sĩ đạo 武士道 [Bushido].

Muốn biết việc giáo dục ở nước Nhật cổ thời, không thể nào không nói đến Võ sĩ đạo; cũng như muốn biết giáo dục của Âu châu đời Trung cổ, thì ngoài giáo dục nhà tu ra, tất phải nghiên cứu đến giáo dục kỵ sĩ (chevalerie) của họ nữa.

Chuộng võ vốn là tinh thần cố cựu của dân tộc Nhật Bản, nguyên do từ trong sự tín ngưỡng Thần giáo, và lại bởi địa lý, bởi dân chủng buộc phải phấn đấu mà ra, ở chương thứ I đã có nói rõ. Đến giữa thế kỷ XII (Tây lịch) trở đi, có Võ sĩ đạo lập ra, tức là nền giáo dục về việc võ. Nhà võ sĩ phải giữ gìn bản lĩnh, trau dồi nhân cách của mình rất nghiêm rất khó; kính Thần, mộ Phật, tập võ nghệ, giảng văn học, lấy đức thẳng ngay kiệm ước làm tôn chỉ, coi lời nói mình nặng như Thái Sơn, không được sai chạy. Nhất là không biết tránh nguy sợ chết là gì, kẻ nào nhút nhát tránh nguy sợ chết là kẻ trái nghịch Võ sĩ đạo.

Lúc bấy giờ, khắp nước đều lấy việc vũ dũng khuyên răn tranh cạnh nhau, ai nấy gắng gổ làm cho rạng rỡ gia môn của mình. Tới lúc chúa Nguyên là Hốt Tất Liệt (忽必烈) từ đất Mông Cổ dấy lên, đã thôn tính được Trung Quốc mà làm vua rồi, liền thừa thắng đem binh ròng thuyền chiến tràn qua đánh Nhật Bản, bọn tướng sĩ hải phòng của Nhật tuy là yếu thế, mà cũng lăn nhào ra đánh binh Nguyên rất là can đảm, rốt lại phía Nhật chỉ còn có ba mạng sống sót. Trận này làm rúng động tấm lòng dân Nhật đối với việc chống giặc giữ nhà, thúc giục cho Võ sĩ đạo càng thêm phấn phát.

Từ đó, võ sĩ ráng sức tập rèn giáo dục, bên trong lấy quan niệm sống chết để trau dồi tinh thần, bên ngoài lấy những thuật cung mã đao kiếm để luyện tập gân cốt, trở nên hạng người đứng trên hết tứ dân, làm bức thành đỡ ngăn che chở nhà nước. Võ sĩ tự gánh lấy công việc dẹp loạn an dân, coi là nghĩa vụ trách nhiệm của mình, hai cây gươm của võ sĩ đeo bên mình, là cái dấu tỏ về danh dự, sánh với sinh mạng, danh dự còn quý báu hơn. Võ sĩ mà bị tịch thu mất hai cây gươm đó, rồi cấm mang trọn đời, ấy là cực hình, chớ tử hình còn là hạng thứ. Nhưng đã là võ sĩ, thì ai cũng có tinh thần dũng cảm, thà chịu bay đầu nát thân, không khi nào chịu để cho mất song kiếm.

Võ sĩ đạo có cái cao phong bỏ mình vì nghĩa, gan dạ xông pha, khiến cho Nhật Bản lừng lẫy oai danh ở hải ngoại. Phong Thần Tú Cát 豊臣秀吉 [Toyotomi Hideyoshi] làm tướng quân đem binh vượt biển đánh Triều Tiên, tung hoành oanh liệt, làm cho vua nhà Minh nước Tàu phải giật mình, chính là cái công của Võ sĩ đạo. Lúc này người Tây dương đã bắt đầu qua Nhật, những người Nhật có chí đang muốn thâu thái văn minh Tây dương, chẳng may bọn ngoại nhân truyền đạo làm cho Mạc phủ sinh nghi, mới có chính sách khóa cửa từ lúc ấy mãi cho đến đời Minh Trị duy tân, ròng rã 300 năm, nếu không vậy thì Nhật Bản đã chịu ảnh hưởng giáo dục Tây phương sớm lắm rồi.

Tuy vậy, trận Phong Thần Tú Cát đánh Triều Tiên cũng có ảnh hưởng lợi ích cho quốc dân Nhật, là được văn hóa nghệ thuật của Trung Quốc do ngả Triều Tiên mà truyền sang.

Sau tới họ Đức Xuyên làm tướng quân, nhất thống toàn quốc, thiên hạ thái bình, không phải dùng tới vũ lực nữa, bèn ra sức mở mang về văn hóa. Thời kỳ này trải hơn hai thế kỷ rưỡi, việc học thuật giáo dục mở mang phát đạt lắm; chẳng những về mặt cổ học mà thôi, cho đến tân học cũng đã có một hạng người kiến thức để tâm nghiên cứu, khơi đào ra cái nguồn khai quốc duy tân sau này.

Việc giáo dục ở Nhật Bản hồi xưa lai lịch biến thiên đại khái là thế, ta chỉ xét sơ vậy cũng đủ, nhưng có một vài cái đặc sắc lạ lùng kể ra sau đây, ta nên chú ý.


[nhat-ban-duy-tan-ba-muoi-nam].
Ngày đăng 04/12/2015

No comments:

Post a Comment