December 5, 2015

Nhật Bản duy tân 30 năm (Công Phu Giáo Hóa - Phần 2)

Nhật Bản Duy Tân Ba Mươi Năm

Đào Trinh Nhất

Chương V

Công Phu Giáo Hóa – phần 2

KHÔNG PHẢI NHƯ KHỈ THẤY AI LÀM GÌ CŨNG BẮT CHƯỚC Y

Sự thiệt, trước khi chưa có Hán tự truyền sang, Nhật Bản cổ thời không hề có văn tự riêng.

Có mấy nhà cổ học Nhật Bản nói rằng xứ họ thuở xưa đã có chữ riêng gọi là chữ A Tỳ Lưu 阿比留文字 [Abiru moji], có 47 âm, hình dáng gần giống như Ngạn văn 諺文 [Hanguru] là cổ tự nước Hàn (tức là Triều Tiên hay Cao Ly ngày nay). Người Nhật cho thứ chữ này là “Thần đại văn tự 神代文字 [Jindai moji hoặc Kamiyo moji]”, nghĩa là thứ chữ ở đời Thần mới dựng nước trị vì, hiện nay không còn thấy dấu tích ở đâu nữa.


Song, một nhà bác học ở đời Duy tân là ông Đằng Cương Thắng Nhị 藤岡勝二 [Fujioka Katsuji], đã có công khảo cứu kỹ lưỡng về quốc ngữ Nhật Bản, nói rằng cổ thời Nhật Bản không có chữ riêng nào cả. Chẳng qua đời trước, khi đã có Hán tự truyền sang rồi, có mấy nhà học giả háo sự, lấy cớ Nhật Bản cổ thời không có chữ riêng là sự xấu hổ, bèn đoán chừng mà bày vẻ ra chữ A Tỳ Lưu cho có chuyện đó thôi. Dầu phải cổ thời thiệt có thứ chữ ấy đi nữa, thì nó cũng chưa được thông dụng cho dân, mà cũng chưa thành hình thể, chưa đúng tư cách một thứ chữ. Tóm lại, Đằng Cương nói quyết rằng thuở xưa Nhật Bản không có văn tự riêng của mình bao giờ.

Tôi muốn nhắc tích xa xôi như thế là để chỉ rõ ra rằng Nhật Bản bắt đầu có lịch sử trở đi, tới 900 năm không có chữ riêng mà dùng; việc giáo dục lúc ấy chỉ là một cách mẫu giáo khẩu truyền, đại khái cũng như nước Nam mình về đời Hùng Vương vậy. Đến lúc được 1000 năm dẫn tới (nhằm thế kỷ thứ II của Tây lịch), có Hán tự vượt biển truyền sang thì Nhật Bản mới có văn tự.

Từ đây, sự giáo dục trong xứ đã có phương pháp truyền bá: Họ lấy ngay Nho giáo làm quốc học, Hán tự làm quốc văn.

Nho giáo, Hán tự của ông thầy Trung Quốc có ba cậu học trò ruột: Cao Ly, Nhật Bản và nước Nam mình.

Nhưng mà giống người Nhật có cái đặc tính tự lập lạ lùng; họ cần phải bắt chước ai về chuyện gì thì cứ bắt chước, mà vẫn giữ nguyên cái đặc tính tự lập của họ, chớ không phải bắt chước như khỉ, thấy ai làm sao thì cũng làm theo y như vậy.

Người mình học theo đạo Nho chữ Hán, chỉ trừ ra đọc âm là khác Tàu một chút thôi, còn thì bao nhiêu chế độ văn vật của Tàu bày đặt thế nào, mình đều rước lấy và phỏng theo giống y như thế ấy. Từ áo mão phép tắc chốn triều đình, lễ nghĩa luật lệ giữa dân gian, cho đến mọi việc từ chương, khoa cử, tang tế, phẩm hàm… nhất thiết chuyện gì mình cũng in khuôn, ráp kiểu của Tàu, không sai một mảy. Trải mấy ngàn năm, hễ Tàu vẽ vời thay đổi cái gì, ta đều bắt chước đúng y cái đó, làm như theo đuôi dính gót người Tàu, không khác gì hình với bóng. Khổ nhất là cúi đầu nhắm mắt mà bắt chước cả cái học vấn luân lý của bọn Tống Nho và rước lấy cái độc hại mê mộng khoa cử, khiến cho dân khí hèn yếu, quốc vận suy vi, rồi thì thầy sao trò vậy, dính chùm với nhau một lũ hư hèn chìm đắm như ngày nay. Cao Ly cũng thế, vì họ cũng bắt chước Tàu một cách “chụp hình” như ta.

Nhật Bản đâu có phải vậy. Cũng thì học trò văn hóa Trung Quốc, nhưng mà họ biết lựa lọc điều hay, xa lánh mối tệ, để lập nên một tinh thần cốt cách riêng. Ta coi nội một chuyện học theo chữ Hán đạo Nho đủ tỏ ra giống người Nhật có đặc tính tự lập lớn lắm.

Một là không thèm chuộng hư văn.

Chỗ cốt yếu của họ trong sự lợi dụng Hán tự là để làm phương pháp giáo dục, mà giáo dục chỉ chuyên thực dụng, chớ không ham chuộng hư văn. Trong xã hội cũng có một hạng là bác học danh nho, ưa mài dũa văn chương, ngâm nga thơ phú bằng Hán tự; còn dân chúng thì chỉ cốt nhờ nơi Hán tự để học cho biết về lịch sử, về đạo lý, cùng là các việc nhật dụng thường thức, nghệ thuật, chức nghiệp mà thôi; đến việc văn chương đối với họ chỉ là dư sự, biết hay không biết cũng chẳng lấy làm khinh trọng gì.

Sự thiệt, Nhật Bản học chữ Hán mà không chịu nô lệ phục tòng nó quá lố như Cao Ly với nước Nam nhà mình. Bởi vậy, khi chữ Hán đã truyền rộng ở trong dân gian rồi, ngày nào người ta cũng phải thường viết thường dùng tới, có mấy nhà học thức cao kiến, thấy chữ Hán rằn ri nhiều nét quá, vừa khó đọc khó viết cho người ta, và e bất tiện cho việc học vấn giáo dục, nên chi mấy ông tìm cách sửa đổi cho giản tiện dễ dàng. Rồi đó có lối chữ gọi là Bình giả tự và Phiến giả tự ở trong trí riêng của họ đẻ ra. Nghĩa là họ nhân chữ Hán mà tạo thành một lối văn tự riêng của Nhật Bản vậy.

Bình giả tự 平仮字 [Hiragana] là mượn lối chữ viết tháu mà biến ra chữ thiệt, để viết cho đỡ tốn nét.

Phiến giả tự 片仮字 [Katakana] là lối chữ chỉ muợn lấy một “mảnh” của chữ Tàu, hoặc một bên, hoặc một góc, hoặc trên đầu, hoặc dưới cẳng, để viết cho được giản tiện, kẻo nguyên chữ rắc rối nhiều nét quá.

Hợp lối chữ mượn này với một phần Hán tự còn để y nguyên, lập thành ra lối văn tự riêng của Nhật Bản, gọi là Hòa văn 和文 [Wabun], nghĩa là chữ của dân tộc Đại Hòa. Có thể nói là “riêng” được hẳn hoi, là vì ta thấy ngoài Hòa văn ra, những chữ Hán nào họ còn để y nguyên mà dùng, thì khi viết ra mỗi chữ Hán ấy đều có thể chua theo âm Nhật ở bên cạnh. Vả lại chính Hán văn người Nhật cũng viết theo thể cách mẹo luật riêng của họ, chớ không giống như hơi văn kiểu đặc của người Tàu. Mình đây học chữ Hán, đã từng có các cụ thơ hay văn giỏi, bóc lấy cái giọng Hán Đường khiến cho người Tàu xem phải kính phục, nhìn nhận không thua gì họ; Nhật Bản thì khác, có người Nhật đã nói: “Chúng tôi có lắm ông chuyên trị Hán văn, viết ra dầu hay mấy mặc lòng, cũng vẫn có chứa cái khí vị Nhật Bản trong đó”.

Có lần tôi được tiếp chuyện một ông lãnh sự Nhật ở Sài Gòn, là Cao Trạch Trinh Nghĩa 高沢貞義 Consul Takazawa, nhân hỏi tại sao văn pháp chữ Hán của người Nhật viết khác người Tàu? Ông Cao Trạch nói: “Có lẽ tại chúng tôi học chữ Hán từ đời cổ thế nào, sau vẫn tôn trọng giữ gìn thế ấy; còn chữ Hán ở bên Tàu thì trải nhiều lớp biến thiên sửa đổi về những lề lối dùng chữ đặt câu mới tới ngày nay, tự nhiên văn pháp hai đàng khác nhau nhiều”.

Tôi tưởng lời ông Cao Trạch (Takazawa) có lý.

Ngay đến Hòa văn từ xưa truyền lại, cũng từng trải nhiều phen sửa sang bồi bổ cho tới nay, mới thành ra một thể văn hoàn toàn phổ thông. Sách văn báo chí đều biên chép bằng lối chữ riêng đó, xen lộn với ít nhiều Hán tự, nhưng thường bên cạnh Hán tự có chua quốc âm tức là Hòa văn, rất là lợi tiện, dễ hiểu cho dân, đã không mất lâu công phu học tập và cũng không phải viết quá phiền phức như là Hán tự để nguyên hình thể. Thử coi một dân tộc có tính cách tự lập đến đỗi đi mượn chữ người ta cũng biến hóa thành ra chữ mình như thế, đáng phục biết bao!

Nói tới đây tôi chợt nhớ lại ông bà ta xưa cũng từng dựa theo Hán tự mà đặt ra lối chữ Nôm, nhưng chỉ vì cái óc mình quá sùng bái, quá nô lệ Hán tự, cho nên chữ Nôm không có thể biến hóa trọng dụng mà thành ra một thể quốc văn có lợi ích cho việc học vấn giáo dục như là Hòa văn của Nhật kia được, thật là đáng tiếc!

Hai là Nhật Bản không nhiễm cái độc khoa cử làm quan.

Nước Tàu, từ đời Hán đường trở đi, bày ra lề lối khoa cử thi đậu làm quan, là cốt để lung lạc cám dỗ đám văn nhân say mê cặm cụi vào đó cho dễ cai trị, không ai còn tâm tư trí não để nghiền ngẫm suy cứu hầu có nảy ra tư tưởng nào rộng xa, lý thuyết gì cao kỳ được nữa. Vì bọn làm vua hầu hết những kẻ sáng nghiệp quân chủ là hạng võ nhân rất sợ những tư tưởng cao, lý thuyết lạ, có thể làm rúng động dân tâm, bất lợi cho cái ngai vàng của họ. Như đời Chu về trước, là đời chưa có khoa cử nhử mồi, trói óc người ta, thành ra tư tưởng học vấn được tự do phát triển, có phải đời ấy đã nảy ra được lắm triết lý cao, nhiều học thuyết mới, và có những bực thánh triết hiền tài như Khổng, Mạnh, Trang, Mặc… kế tiếp nhau nổi lên đó. Thử hỏi từ Hán Đường trở xuống, có khoa cử bày ra rồi, nước Tàu có những tư tưởng và nhân tài như thế mọc ra nữa không?

Ai cũng phải trả lời: “Không!”

Xét nội chỗ đó đủ thấy nọc độc khoa cử là ghê gớm.

Nước Nam mình rước văn hóa Tàu và rước luôn cả nọc độc ấy nữa, lại còn khéo vẽ vời châm chế cho độc thêm, hèn chi suốt cả lịch sử dân tộc trải mấy ngàn năm, người mình không hề có ai sáng tác xây dựng ra được một thứ gì gọi là cốt riêng, vẻ lạ; rất đỗi tới lúc có những súng đồng tàu trận dàn ra ở trước cửa nhà mình rồi, thế mà các cụ danh nho học giả mình cũng còn mê mộng vào khoa bảng từ chương, còn ỷ y vào cái đạo trị quốc an dân của Nghiêu Thuấn Võ Thang mới khổ!

Đem minh chứng ra như vậy để tỏ cho biết người Nhật là khôn.

Thiệt, họ đón rước văn hóa chế độ của Tàu đủ thứ, chỉ trừ ra cái chế độ khoa cử là không. Nói cho phải, thuở xưa họ cũng có đặt ra phép thi để kén hiền tài, nhưng cách thi giản tiện tự nhiên, chớ không quá trương hoàng tô điểm như khoa cử bên Tàu để làm cho say đắm lòng người. Vả lại theo thường, họ trọng sự tấn hiền cử tri như lối kén chọn nhân tài đời xưa, và cũng gần giống như lối đầu phiếu tuyển cử đời nay, nghĩa là ai phải hiền tài, thế nào quan trưởng sở tại cũng phải tâu bày tấn cử để cho phiên chúa hay tướng quân bổ dụng.

Huống chi bản ý giáo dục của họ, bao giờ cũng có ý cốt huấn luyện cho dân có nhân cách trước, có học thức sau, hơn là có ý rèn tập người ta mai sau làm quan. Họ lấy tài vũ dũng ra tranh hành phấn đấu, để làm cho rạng tỏ gia môn, lập nên công nghiệp là phần nhiều. Có lẽ nhờ đó mà họ không vương nhằm cái độc hư văn khoa cử, và chính vì chỗ tránh khỏi cái độc này, nên chi ngay từ hồi xưa, nghệ thuật công thương của họ đã mở mang khá lắm.

Ba là sớm biết Hán học thiếu sót.

Dân Nhật vốn giàu cái khí tượng hăm hở tấn thủ luôn luôn, không chịu ngồi một nơi, đứng một chỗ. Nội một việc bóc lột Hán văn đặt ra thứ chữ riêng, như đoạn trên đã nói, chính là một cái khí tượng tấn thủ tỏ bày rõ ràng.

Đến đỗi sau khi Hán văn truyền bá tới một bực cao và lại có Hòa văn đặt ra, lợi tiện cho việc học vấn giáo dục lắm, nếu như dân tộc nào khác chắc lấy làm tự mãn tự túc rồi, nhưng dân tộc Nhật Bản lại có ý bất mãn về Hán học đã lâu, cho là Hán học hãy còn thiếu sót. Bởi bất mãn về Hán học, nên chi hồi xưa đã có những người chú ý chuyên tâm về sự học khác.

Buổi đầu Mạc phủ Đức Xuyên (trước đời Minh Trị duy tân lối 250 năm) đã có năm ba người Âu châu, nhất là người nước Hòa Lan, lần mò sang Đông phương buôn bán, nhiều nhà trí thức ở Nhật Bản cùng họ giao thiệp, xét biết cái học của Tây phương là hay, rồi cặm cụi học tập với mấy người Hòa Lan đó. Ấy là Lan học 蘭学 [Rangaku]. Chớ chi lúc sau đừng có mấy ông cố đạo làm cho Mạc phủ sinh nghi mà phải thi hành chính sách khóa cửa, thì chắc học thuật Tây phương đã có thể tràn vô Nhật Bản từ sớm kia rồi.

Dầu sao mặc lòng, giữa đời Đức Xuyên là đời Hán học toàn thịnh và Tây phương bị nghi, thế mà trong nước vẫn có năm ba nhà học vấn đã sớm giác ngộ về chỗ hơn kém của hai thứ học Đông Tây, mà biết khuynh hướng về thứ hơn, rồi lần lần giác ngộ cảm hóa khắp nước, thành ra một nền dân gian giáo dục mới, mở đường đi và lên tiếng trước cho cuộc duy tân khai quốc sau này. Ta nên biết cái hạng học vấn tiên giác có ảnh hưởng lợi ích cho nước non nòi giống là vậy đó! Có đâu quá nô lệ phục tòng Hán học như nhà nho nước mình, hèn chi có lúc Phố hiến tụ tập ngoại nhân đông đảo, là lúc có kỹ sư Pháp đóng tàu đúc súng giùm cho vua Gia Long, chớ hề có nhà học vấn nào biết mở mắt dòm người, động lòng tự giác một chút!

Đó, ta coi dân tộc Nhật Bản từ xưa, về mặt văn hóa giáo dục vẫn giữ tinh thần bản chân và có tính cách tự lập, chẳng những là bắt chước người, mà khéo cân nhắc lợi hại, lựa chọn dở hay, lại còn mượn chữ người để đặt ra chữ riêng của mình được, ấy là một sự cổ lai hình như chẳng thấy dân tộc nào có. Cái cơ sở Minh Trị duy tân dựng lên được mau, chính là nhờ có sẵn cốt cách đời trước đó vậy.

No comments:

Post a Comment