June 17, 2015

Nền văn học Nga có thể nói gì với chúng ta về thế giới của Vladimir Putin?

James Stavridis (Foreign Policy, Mỹ)
Phạm Nguyên Trường dịch



Những nhà văn vĩ đại của đất nước này cho thấy bối cảnh của thái độ hung hăng của Nga tốt hơn so với bất kỳ cuộc họp báo nào.

Bạn muốn thực sự hiểu những chuyện đang diễn ra ở Nga? Hãy vất ngay những bản báo cáo chứa đầy ngôn từ thời Chiến tranh Lạnh của CIA đi. Hãy quên đi những tin tức mà NSA bắt được hay những bức ảnh do vệ tinh gián điệp chụp được. Và vất vào sọt rác những bài phân tích đầy những thuật ngữ mang tính hàn lâm trong những tờ tạp chí chuyên về khoa chính trị học.


Thay vào đó, xin hãy trở lại với mỏ vàng văn chương giàu có nhất trong thế giới phương Tây: tiểu thuyết và thơ Nga. Xin hãy đọc Gogol, Dostoyevsky, Turgenev, Pushkin, Lermontov, Tolstoy, Solzhenitsyn và Bulgakov. Bạn sẽ thực sự hiểu được cách nghĩ của người Nga. Mà tất cả đều chẳng phải là tài liệu bí mật gì hết.

Xin bắt đầu với kiệt tác Những Linh Hồn Chết của Nikolai Gogol, xuất bản năm 1842. Đây là tác phẩm hài hước đen nhất trong số những tác phẩm hài hước đen từng được xuất bản, kể câu chuyện một doanh nhân bí ẩn đi khắp vùng nông thôn Nga và “mua linh hồn” (tức là, gỡ gánh nặng thuế khóa cho các địa chủ). Đấy là một cơ cấu phi lý và nhiệm vụ của cuốn tiểu thuyết là trình bày bức biếm họa về xã hội của những điền chủ bị rối loạn chức năng và cuối cùng đã bị cuộc cách mạng năm 1917 lật đổ. Nó nói cho chúng ta biết rằng người Nga coi thế giới là một cái gì đó có vẻ vô lý và mâu thuẫn, và cho rằng hệ thống giá trị nhân văn phổ quát khó mà giành được chiến thắng. Ở một nước mà nhà lãnh đạo có thể hùng dũng bước trên vũ đài quốc tế mà không mặc áo sơ mi, chơi với một con hổ Siberia đã được thuần dưỡng và bay trên một chiếc máy bay mini để săn cò thì phi lý có sức hấp dẫn nhất định. Những Linh Hồn Chết cho thấy thái độ hoài nghi và yếm thế nhất trong tâm hồn con người và kết thúc cũng như thế, đột ngột ở ngay giữa câu - tín hiệu về sự bất lực trong việc dự đoán tương lai.  

Người Nga sẽ chiến đấu như thế nào và đi theo các nhà lãnh đạo nào? Bạn muốn tìm hiểu lòng yêu nước của họ? Xin mời đọc Lev Tolstoy. Cuốn tiểu thuyết-sử thi Chiến Tranh và Hòa Bình, xuất bản năm 1869, cho chúng ta thấy người Nga nghĩ như thế nào về khả năng chiến đấu của mình, và soi sáng chủ nghĩa ái quốc sâu thẳm, đang trở thành nhiên liệu cho những xu hướng dân tộc chủ nghĩa hiện nay. Tolstoy chỉ rõ rằng những vùng đất rộng lớn nhất thế giới thuộc chủ quyền quốc gia, theo đúng nghĩa đen của từ này, là bất khả chiến bại, ngay cả đấy là một thiên tài quân sự như Napoleon. Thành phố Moskva có thể bị thiêu rụi, nhưng quân đội Nga sẽ không bao giờ đầu hàng. Tolstoy cũng làm mất giá lý thuyết của thế kỷ XIX về những sự kiện của thế giới, từng được gọi là lý thuyết “siêu nhân”, bằng cách khẳng định rằng những sự kiện này là sự va chạm của hàng ngàn sự kiện nhỏ khi tiếp xúc với nhau. Và khi nói đến các nhà lãnh đạo, người Nga tung con xúc xắc mang tầm vũ trụ: Khi thì họ có Ivan Khủng Khiếp, lần khác là Peter Đại đế. Họ biết rằng cuối cùng thì con xúc xắc sẽ lại quay và một nhà lãnh đạo mới sẽ xuất hiện. Tin tức không hay là sau Putin, tình hình có thể còn tệ hơn, vì thái độ bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc cực đoan đang ngày càng gia tăng. Khi nhìn vào thế thượng phong của Putin, chúng ta phải nhớ rằng con xúc xắc sẽ lại quay. Người Nga vẫn nhớ như thế.

Trong tác phẩm Tội ác và Trừng phạt, Fyodor Dostoyevsky kể câu chuyện thể hiện cực kỳ rõ sự nhạy cảm của tâm hồn Nga. Nhân vật chính cảm thấy lo lắng khi quyết định giết người, nhưng sau đó lại bị cảm giác tội lỗi ám ảnh, và – được những người tốt xung quanh động viên - cuối cùng anh ta đã đầu thú. Sau đó là quá trình thanh tẩy và cuối cùng được cứu chuộc. Nhân vật chính, Raskolnikov, gợi ra trong lòng người đọc sự cảm thông. Đây là nhân vật đầy những mâu thuẫn theo lối bi kịch, người đã phạm một tội ác man rợ, nhưng được cứu chuộc nhờ đức tin và sự trừng phạt. Khó có thể thấy hình ảnh Putin trong nhân vật Raskolnikov, có lẽ ở đây có mối liên hệ với sự cứu chuộc trong cuộc đời của Mikhail Khodorkovsky, nhà tài phiệt này đã trở thành lãnh đạo của phe đối lập, bị bắt giam và sau đó đã được tha. Giai đọan tiếp theo của đời ông này chắc chắn sẽ có nhiều thú vị. Người Nga tin tưởng sâu sắc vào lòng nhân ái và chính nghĩa của mình. Họ cũng công nhận rằng trên con đường dẫn đến công lý nhất định sẽ có những sai lầm. Họ tin vào cả tội ác lẫn trừng phạt theo nghĩa đen của những từ này.

Bạn nghĩ rằng người Nga suy sụp vì lệnh trừng phạt ư? Xin hãy đọc cuốn tiểu thuyết Một ngày trong đời của Ivan Denisovich (xuất bản năm 1962) của Alexander Solzhenitsyn, một người bất đồng chính kiến thì sẽ rõ. Nhân vật chính, một người tù bị giam ở Siberia, có hàng trăm cách để vượt qua cảnh tù đầy: đối phó với những trò tham nhũng vặt, cười cợt trước các khó khăn, đôi khi còn thể hiện những khả năng mạnh mẽ trong việc vượt qua nghịch cảnh. Tương tự như Denisovich, người Nga sẽ tìm được niềm vui đầy mỉa mai trong việc khắc phục những khó khăn của các biện pháp trừng phạt. Và chúng ta không nên đặt quá nhiều niềm tin vào khả năng đánh gục ý chí của họ bằng việc áp đặt những biện pháp trừng phạt kinh tế.

Nếu bạn muốn đọc tác phẩm hiện đại hơn, xin mời đọc cuốn Chiến tranh của Arkady Babchenko. Đây là cuốn hồi ký của một người lính bình thường, còn sự kiện thì xảy ra ở Chechnya trong giai đoạn khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh những năm 1990, do quân đội Nga tiến hành nhằm chống lại những người nổi loạn ở đó. Đây là cuộc chiến chống du kích bị lộn ngược – người Nga không tìm cách giành lấy trái tim và khối óc của dân chúng; chỉ cần cho mỗi người một viên đạn là được. Cuốn sách này cho ta thấy tâm trạng của những người lính được đưa tới Ukraine – đấy là lý do vì sao các đơn vị đặc biệt, gọi là Spetsnaz, chứ không phải là quân thường trực thường vượt qua biên giới hai nước. Cuốn sách này cho ta biết nhiều chuyện về chiến thuật của quân đội Nga. Người Nga đã học được từ những sai lầm của họ ở Chechnya và Afghanistan, và cũng rút ra được nhiều bài học từ cuộc chiến gọi là hybrid hiện nay. Ở Ukraine, họ đang sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, truyền thông mang tính chiến lược, các đoàn xe nhân đạo, kỹ thuật du kích và sự vượt trội trên không gian mạng, tất cả đều là kinh nghiệm từ cuộc chiến ở Chechnya.

Và cuối cùng, muốn tìm hiểu quan điểm của người di cư Nga, xin mời đọc tác phẩm tuyệt vời Absurdistan (tạm dịch: Vùng đất phi lý) của Gary Shteyngart, một nhà văn gốc Nga. Tác phẩm này mô tả không gian hậu Xô Viết chính xác hơn bất kỳ tác phẩm người thật việc thật nào khác. Câu chuyện diễn ra ở Moskva và Azerbaijan đã được che đậy chút đỉnh (đây là nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, nếu bạn đã quên). Tác giả cho ta thấy bức chân dung của “chủ nghĩa tư bản” Nga, với khá nhiều “hài hước đen”. Nó làm người ta nhớ lại tác phẩm  Nghệ nhân và Margarita của Mikhail Bulgakov, một cuốn tiểu thuyết hiện thực huyền ảo, xuất bản vào những năm 1930. Cả hai tác phẩm đều cho thấy rằng người Nga có thể sống hạnh phúc trong thế giới, nơi tất cả mọi thứ đều ở tình trạng lộn chân lên đầu.  

Do Nga ngày càng tự cô lập với châu Âu và phương Tây vì nhiều vấn đề, từ sáp nhập Crimea đến bỏ tù băng nhạc Pussy Riot và cách đối xử với người đồng tính, nước này sẽ ngày càng phủ nhận các “chuẩn mực” của phương Tây và trở thành “khác” – như trước đây họ đã từng là. Tất cả những điều này cho chúng ta biết gì tiến trình của những sự kiện đang diễn ra trong thời hiện tại?

Người Nga đã đúng khi tự coi mình là người thừa kế một cái gì đó to lớn hơn chứ không chỉ là thừa kế một một đất nước rộng lớn - họ cho rằng bà Mẹ Nga là kho tàng của những triết lý sâu sắc và đầy sức mạnh, được phản ánh qua một nền văn chương rực rỡ và đầy sức sống. Họ là những người có sức chịu đựng không thể tưởng tượng nổi và thể hiện niềm vui quái gở khi chứng minh được rằng họ có thể vượt qua bất cứ khó khăn nào.

Quân đội Nga, nói chung vẫn là lính nghĩa vụ và là công cụ bạo lực, có thể rất khéo léo và khôn ngoan trong chiến đấu, đang thử và đang áp dụng những kỹ thuật chiến đấu mới như chúng ta thấy ở Ukraine. Người Nga không tin vào các liên minh, họ có thái độ bài ngoại và chủ nghĩa dân tộc và thường tỏ ra nghi ngờ về động cơ của tất cả những người khác. Họ cho rằng các thế lực đen tối đang liên minh để chống lại họ và họ sẽ tiếp tục sử dụng những công cụ truyền thống – một kho hài hước đen, sức chịu đựng phi thường trước nghịch cảnh và chiến thuật thông minh để có thể sống qua ngày. Họ là bậc thầy ngay cả khi chỉ có những quân bài kém.

Các nhà lãnh đạo của Nga thì sao? Trong kiệt tác Anh em nhà Karamazov, Dostoyevsky nói về một nhân vật chính: “Sự tức giận đã ăn sâu bén rễ vào trái tim chàng trai trẻ, một trái tim có thể có nhiều điều tốt đẹp”. Đây là viết về Putin thời trẻ? Có lẽ thế. Chắc chắn là, tỷ lệ tín nhiệm Tổng thống Nga cao như thế có một phần là do sự cảm thông, có xuất xứ từ chủ nghĩa dân tộc, Chính thống giáo, từ quan điểm cho rằng cuộc đời là vô thường và sức mạnh cứu chuộc của hài hước đen - tất cả đều có trong văn học Nga. Đó là tín hiệu tốt đối với Vladimir Putin.

Tất nhiên là, chúng ta có thể tìm hiểu về nước Nga qua các nguồn truyền thống phi hư cấu và những bài phân tích như lịch sử, tiểu sử, hồi ký, chính trị học và kinh tế quốc tế. Nhưng văn học mới giúp ta hiểu đúng. Nếu bạn muốn tìm hiểu tâm hồn người Nga, xin hãy nhớ rằng không có nền văn hóa nào lại đánh giá những nhà văn của nó cao hơn là Nga. Mỗi người Nga đều có thể trích dẫn - và thường xuyên trích dẫn - Pushkin, Tolstoy và Gogol; trong khi bạn khó có thể thấy một người Mỹ bình thường trích dẫn được một câu của Whitman, của Hemingway, hay Toni Morrison. Hàng ngày Putin có đọc hay không (một số người nói rằng ông thích Dostoyevsky và Tolstoy) thì văn học Nga vẫn định hình thế giới quan của ông ta và soi sáng những quyết định của điện Kremlin. Có lẽ không cần bắt đầu bằng cuốn Chiến tranh và Hòa bình (tác phẩm này khá dài), nhưng xin hãy chọn lấy một cuốn tiểu thuyết và bắt đầu đọc.


Đã đăng trên http://www.ijavn.org/2015/06/vntb-nen-van-hoc-nga-co-noi-gi-voi.html


No comments:

Post a Comment