Tự
do
Ý tưởng tự do đã ăn sâu bén
rễ trong tất cả chúng ta đến nỗi suốt một thời gian dài không ai dám nghi ngờ.
Người ta đã quen nói tới tự do với lòng sùng kính vô bờ bến, chỉ có Lenin mới
dám gọi đó là “thành kiến tư sản”. Đấy chính là thành quả của chủ nghĩa tự do,
mặc dù thực tế này hiện đã bị nhiều người quên. Chính từ chủ nghĩa tự do cũng
có xuất xứ từ từ tự do; còn khởi kì thuỷ, đảng chống lại những người tự do [cả
hai tên gọi đều xuất hiện trong cuộc đấu tranh lập hiến trong những thập kỉ đầu
tiên của thế kỉ XIX ở Tây Ban Nha ] lại được gọi là “nô lệ”
("servile").
Trước khi chủ nghĩa tự do
xuất hiện, ngay cả những nhà triết học sáng láng nhất; những ông tổ của các tôn
giáo và giới tăng lữ, những người mang trong tâm tưởng những ý định tốt đẹp
nhất, và các chính khách thực sự yêu thương người dân nước mình, đều coi tình
cảnh nô lệ của một phần nhân loại là chính đáng, hữu ích và rất có lợi. Người
ta cho rằng một số người và một số dân tộc được phú cho quyền tự do, còn những
người khác thì phải chịu cảnh nô lệ. Không chỉ các ông chủ nghĩ như thế mà phần
lớn nô lệ cũng nghĩ như thế. Họ chấp nhận địa vị nô lệ không chỉ vì họ buộc
phải khuất phục sức mạnh vượt trội của các ông chủ mà họ còn cho rằng thế là
tốt: nô lệ không phải lo miếng ăn hàng ngày vì chủ có trách nhiệm đáp ứng những
nhu cầu thiết yếu nhất của anh ta. Khi chủ nghĩa tự do xuất hiện, trong thế kỉ
XVIII và nửa đầu thế kỉ XIX, với mục đích loại bỏ chế độ nô lệ và tình cảnh lệ
thuộc của người nông dân châu Âu cũng như tình cảnh nô lệ của người da đen
trong các nước thuộc địa ở hải ngoại, thì khá nhiều người theo chủ nghĩa nhân
đạo chính hiệu đã đứng về phía đối lập. Những người lao động nô lệ đã quen với
sự phụ thuộc và không cảm thấy đấy là xấu xa. Họ không sẵn sàng đón nhận tự do
và chẳng biết làm gì với nó. Sẽ là tai hoạ đối với họ nếu chủ không còn quan
tâm đến họ nữa. Họ sẽ không thể quản lí được công việc của mình sao cho lúc nào
cũng kiếm được nhiều hơn nhu cầu tối thiểu và chẳng bao lâu sau họ sẽ rơi vào
cảnh nghèo túng, bần hàn. Giải phóng sẽ chẳng mang lại cho họ lợi lộc gì mà chỉ
làm cho hoàn cảnh kinh tế của họ xấu đi.
Thật đáng ngạc nhiên khi
nghe thấy nhiều người nô lệ được hỏi nói như thế. Nhằm chống lại những quan
điểm như thế, nhiều người theo trường phái tự do tin rằng cần phải trình bày
những vụ hành hạ nô lệ, thậm chí nhiều khi phải nói quá lên, như là những việc
thường ngày. Nhưng những vụ quá lạm như thế hoàn toàn không phải là quy luật.
Dĩ nhiên là có những vụ lạm dụng riêng lẻ, và những vụ như thế được coi là một
lí do nữa cho việc bãi bỏ hệ thống này. Nhưng nói chung, nô lệ thường được chủ
đối xử một cách nhân đạo và ôn hoà.
Khi những người đề nghị bãi
bỏ tình cảnh nô lệ vì lý do nhân đạo nói chung, thì họ được đáp lại rằng giữ hệ
thống này là nhằm bảo đảm lợi ích cho cả những người nô lệ và nông nô thì họ
không biết phải trả lời thế nào. Vì để chống lại những người ủng hộ chế độ nô
lệ thì chỉ có một lí lẽ đủ sức bác bỏ và trên thực tế đã bác bỏ tất cả
những lí lẽ khác, đó là lao động tự do có năng suất cao hơn hẳn lao động nô lệ.
Người nô lệ không cần cố gắng hết sức. Anh ta chỉ cần làm và hăng hái vừa đủ để
không bị trừng phạt vì không hoàn thành nhiệm vụ tối thiểu được giao mà thôi.
Còn người lao động tự do thì biết rằng càng làm nhiều anh ta càng được trả
nhiều. Anh ta sẽ làm hết sức mình để có được nhiều thu nhập hơn. Chỉ cần so
sánh những yêu cầu được đề ra với người công nhân lái máy cày hiện nay với
những đòi hỏi tương đối thấp cả về trí tuệ, sức lực và sự cố gắng mà trước đây
chỉ hai thế hệ người ta cho là đã đủ đối với một người nông nô ở nước Nga thì
sẽ thấy. Chỉ có lao động tự do mới có thể thực hiện được những đòi hỏi đặt ra
với người công nhân công nghiệp hiện đại.
Chỉ có những tên ba hoa
chích choè vô công rồi nghề mới có thể cãi nhau suốt ngày về việc liệu có phải tất
cả mọi người đều có quyền tự do và đã sẵn sàng nhận nó hay không mà thôi. Họ có
thể tiếp tục nói rằng Tự Nhiên đã buộc một số sắc tộc và dân tộc phải sống cuộc
đời nô lệ và một số sắc tộc thượng đẳng có trách nhiệm giữ phần còn lại của
nhân loại trong cảnh nô lệ. Người theo
phái tự do không bao giờ tranh luận với những người như thế vì anh ta đòi tự do
cho tất cả mọi người, không có bất kì phân biệt nào, tức là luận cứ của anh ta
khác hẳn với những người kia. Chúng tôi, những người theo phái tự do, không
khẳng định rằng Chúa Trời hay Tự Nhiên có ý bảo mọi người đều được tự do vì
chúng tôi không được biết ý Chúa hay ý của Tự Nhiên, và về nguyên tắc chúng tôi
tránh, không lôi kéo Chúa và Tự Nhiên vào những cuộc tranh luận về những vấn đề
trần thế. Chúng tôi chỉ khẳng định rằng hệ thống đặt căn bản trên quyền tự do
cho tất cả mọi người lao động là hệ thống có năng suất lao động cao nhất và vì
vậy mà đáp ứng được quyền lợi của tất cả mọi người. Chúng tôi tấn công vào chế
độ nô lệ không phải vì rằng nó chỉ có lợi cho các “ông chủ” mà vì chúng tôi tin
rằng nói cho cùng nó có ảnh hưởng tiêu cực đến quyền lợi của tất cả mọi người,
trong đó có các “ông chủ”. Nếu loài người cứ bám mãi vào thói quen là giữ toàn
bộ hay chỉ một phần sức lao động trong tình cảnh nô lệ thì sự phát triển vượt
bậc về kinh tế trong một trăm năm mươi năm qua đã không thể nào xảy ra được.
Nếu cứ giữ như thế, chúng ta sẽ không có đường sắt, không có ô tô, không có máy
bay, không có tầu thuỷ, không có đèn điện và máy điện, không có ngành công nghiệp
hoá chất, chúng ta sẽ vẫn cứ sống như người Hi-Lạp hay La-Mã cổ đại, với tất cả
tài năng của họ, nhưng không có các thứ vừa kể.
Chỉ cần nhắc đến chuyện đó là mọi người, cả các ông chủ nô cũ lẫn người
nông nô, đều có thể hài lòng với sự phát triển của xã hội sau ngày bãi bỏ chế
độ nô lệ rồi. Người công nhân châu Âu hiện nay còn sống trong những điều kiện
thuận lợi và dễ chịu hơn là các ông vua Ai-Cập cho dù những ông vua này nắm
trong tay hàng ngàn nô lệ, trong khi đó người công nhân chỉ dựa vào sức khoẻ và
tài khéo của hai bàn tay lao động của mình. Nếu một viên quan thái thú thời xa
xưa được thấy hoàn cảnh của một người thường dân hiện nay thì chắc chắn ông ta
sẽ tuyên bố rằng so với một người trung bình hiện nay, ông ta chỉ là một kẻ ăn
mày.
Đấy chính là thành quả của
lao động tự do. Lao động tự do có thể làm ra nhiều của cải cho tất cả mọi
người, nhiều hơn là lao động nô lệ đã từng tạo ra cho các ông chủ.
This comment has been removed by a blog administrator.
ReplyDelete