Nguyễn Đình Hách dịch
Chương 12
1984, tại nhà Lão Tử,
Rajneeshpuram, Oregan, USA
Được thôi, bây giờ đây
là tái-tái bút. Thật khó để hiểu khó khăn của tôi. Đến chừng mực mà tôi có thể
nhớ, tôi đã luôn đọc và không làm gì, ngày này qua ngày khác, trong gần nửa thế
kỷ. Một cách tự nhiên, lựa chọn là công việc gần như không thể. Nhưng tôi đã
nhận làm điều đó trong những buổi nói chuyện này, cho nên trách nhiệm thuộc về
bạn.
Đầu tiên, Martin Buber.
Tôi hẳn không có khả năng tha thứ cho mình nếu Martin Buber không được tính
đến. Như là sự xám hối, tôi tính hai cuốn sách của ông: đầu tiên, (TALES OF
HASSIDISM) NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ HASSIDISM. Giống như những gì mà D.T.Suzuki đã
làm cho Zen, thì Buber đã làm cho Hassidism. Cả hai đã thực hiện một công việc
lớn lao cho những người tìm kiếm. Nhưng Suzuki đã trở nên chứng ngộ; thật tiếc
khi phải nói, Buber thì đã không thể.
Buber là nhà văn, nhà
triết học, nhà tư tưởng vĩ đại, nhưng tất cả những thứ đó chỉ là trò chơi để
chơi. Dẫu vậy, tôi kính trọng ông bằng việc tính đến tên ông, bởi vì không có
ông thì thế gian hẳn đã không biết đến từ Hassid.
Buber ra đời trong một
gia đình Hassidic. Từ khi còn rất nhỏ ông đã nổi lên giữa các vị Hassid. Đó
chính là xương máu, cốt tủy ông, cho nên khi ông kể điều đó nghe rất thật, mặc
dù ông chỉ mô tả những gì ông đã nghe, không có gì hơn. Ông ấy đã nghe đúng; chắc
đó phải là băng ghi âm. Ngay cả việc nghe đúng cũng là rất khó, sau đó tường
thuật khắp thế giới thậm chí còn khó hơn, nhưng ông ấy đã thực hiện điều đó một
cách tuyệt vời.
Suzuki đã chứng ngộ,
Buber thì không – nhưng Suzuki không phải là người viết giỏi, còn Buber thì lại
là người viết giỏi. Suzuki chỉ là người viết bình thường. Liên quan đến nghệ
thuật viết thì Buber vượt lên rất cao. Nhưng Suzuki biết, và Buber không biết;
ông ấy chỉ thuật lại truyền thống mà ông đã được nuôi dưỡng… tất nhiên, tường thuật
một cách đích thực.
NHỮNG CÂU CHUYỆN VỀ
HASSIDISM nên được mọi người tìm kiếm chân lý đọc. Những câu chuyện đó, những
mẩu chuyện ngắn, như một ân huệ. Nó khác với Zen, nó cũng khác với truyền thống
Sufi. Nó có ân huệ của riêng nó, không vay mượn, không sao chép, không bắt
chước. Vị Hassid yêu, cười, nhảy múa. Tôn giáo của vị đó không phải là độc thân
vô dục (celibacy) mà là lễ hội (celebration). Chính vì vậy mà tôi nhận ra cây
cầu giữa những người của tôi và các vị Hassid. Không phải tình cờ mà nhiều người
Do Thái đã đến với tôi; ngược lại, tôi đang luôn đập vỡ sọ những người Do Thái
đã đến với tôi mạnh nhất có thể… và họ vẫn biết rằng tôi yêu họ. Tôi yêu cái
cốt lõi của truyền thống Juda, đó là Hassidism. Tất nhiêu Moses đã không nghe
thấy điều đó, nhưng ông ấy là một vị Hassid; dù ông ấy có biết điều đó hay
không thì cũng không thành vấn đề. Tôi tuyên bố ông ấy là Hassid – và tôi cũng
tuyên bố Phật, Krishna, Nanak và Mohammed. Truyền thống Hassidism xuất hiện sau
Baal Shem. Từ ngữ không thành vấn đề, tinh thần mới là vấn đề.
Cuốn sách thứ hai của
Martin Buber, I AND THOU (TA VÀ NGƯƠI), là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông, vì
cuốn sách đó mà ông đoạt giải Nobel. Hãy tha thứ cho tôi, nhưng tôi hoàn toàn
không đồng ý với điều đó. Tôi nhắc đến nó bởi vì nó là tác phẩm hay, được viết
rất sắc sảo, có chiều sâu và rất chân thật. Nhưng trong nó vẫn không có linh
hồn, bởi trong chính Buber linh hồn cũng bị lỡ. Làm sao mà người đàn ông nghèo
nàn đó lại có thể mang linh hồn vào cuốn sách của mình, vào kiệt tác của mình?
TA VÀ NGƯƠI rất được
người Do Thái trân trọng bởi vì họ nghĩ nó đại diện cho tôn giáo của họ. Nó
không đại diện cho bất kỳ tôn giáo nào cả, không Do Thái giáo hay không Hindu
giáo; nó chỉ đại diện cho sự vô minh của người đàn ông được gọi là Martin Buber.
Nhưng con người đó chắc chắn là một nghệ sĩ, một tài năng kiệt xuất. Khi một
người tài năng bắt đầu viết một cái gì đó mà mình không biết thì người đó vẫn
có thể cho ra đời một kiệt tác.
TA VÀ NGƯƠI về cơ bản là
sai bởi vì Buber nói đó là cuộc đối thoại giữa con người và Thượng đế. TA VÀ
NGƯƠI …! Vô nghĩa! Không thể có cuộc đối thoại giữa con người và Thượng đế, chỉ
có thể có sự im lặng. Đối thoại ư? Bạn sẽ nói gì với Thượng đế? Sự mất giá của
đồng dollar chăng? Hoặc Ayatollah
Ruhollah Khomeini? Bạn sẽ có cuộc đối thoải như thế nào với Thượng đế? Không có
gì để bạn nói cả. Bạn chỉ có thể ở trong trạng thái kính sợ… tuyệt đối im lặng.
Không có ‘Ta’ và không
có ‘Ngươi’ trong sự tĩnh lặng đó; do vậy mà tôi bác bẻ lại không chỉ cuốn sách
mà cả tựa đề nữa. TA VÀ NGƯƠI…? Điều đó có nghĩa con người vẫn giữ tách biệt.
Không, điều đó tựa như giọt sương trượt khỏi lá sen và rơi vào đại dương. Giọt
sương biến mất, hoặc nói cách khác, trở thành đại dương, nhưng vẫn không có Ta
và Ngươi. Chỉ có Ta hoặc chỉ có Ngươi. Nhưng khi không có Ta thì không thể có
Ngươi, điều đó sẽ không có bất kỳ ý nghĩa nào. Nếu không có Ngươi thì không thể
có Ta, cho nên thực tế là chỉ có sự im lặng… khoảng tạm dừng này… Trạng thái im
lặng của tôi trong thời điểm nói nhiều hơn những gì mà Martin Buber cố nói
trong TA VÀ NGƯƠI, và chỉ có sự thất bại. Nhưng, mặc dù đó là sự thất bại, nó
vẫn là kiệt tác.
Thứ ba… Martin Buber là
người Do Thái, và những người Do Thái khác đang đứng xếp hàng. Chúa ơi, hàng
mới dài làm sao, và Devageet và Ashu tội nghiệp… sau tất cả, họ cũng phải ăn,
họ không thể chỉ sống bằng những lời nói của tôi. Cho nên tôi sẽ tăng tốc. Tôi
sẽ cố giải tán nhiều như tôi có thể. Nhưng có một số ít vẫn cứng đầu, và tôi
biết họ sẽ không bỏ đi nếu tôi không nói một cái gì đó về họ.
Người thứ hai sau Martin
Buber là một trong những người cứng đầu nhất – không cứng đầu hơn tôi. Có lẽ
một trong những kiếp trước tôi là người Do Thái; chắc đã là vậy. Con người này
là Karl Marx. Cuốn sách ông ta đang cầm trong tay là cuốn DAS KAPITAL (TƯ BẢN
LUẬN).
Đây là cuốn sách tệ hại
nhất đã từng được viết. Nhưng dù sao đó cũng là một cuốn sách lớn, bởi vì nó
thống trị hàng triệu người. Gần một nửa thế giới là cộng sản, và bạn không thể
chắc chắn về nửa kia. Ngay cả những người không phải là cộng sản, trong thâm
tâm họ cảm thấy có một cái gì đó tốt của chủ nghĩa cộng sản. Không có gì tốt
trong nó cả. Đó là sự bóc lột của một giấc mơ lớn. Karl Marx chỉ là người mơ –
không phải là nhà kinh tế, không bao giờ – chỉ là người mơ; nhà thơ, nhưng là
nhà thơ hạng ba. Ông ta cũng không phải là nhà văn lớn. Không có ai đọc TƯ BẢN
LUẬN. Tôi đã tình cờ gặp nhiều người cộng sản tầm cỡ, và tôi đã hỏi họ, nhìn
sâu vào mắt họ, “Ông đã đọc TƯ BẢN LUẬN chưa?” Không một người nào đã nói có.
Họ nói, “Chỉ một số ít trang…
Chúng tôi có quá nhiều việc phải làm, chúng tôi không thể đọc cuốn sách dày như
vậy.” Hàng nghìn trang và tất cả chỉ là rác rưởi, được viết một cách phi logic
hoặc phi lý, giống như ai đó đã hóa điên. Karl Marx liên tục viết những gì xuất
hiện trong đầu ông ta. Ngồi trong thư viện nước Anh, giữa hàng nghìn cuốn sách,
ông ta liên tục viết và viết. Bạn biết đấy, gần như hàng ngày ông phải bị lôi
ra khỏi thư viện lúc đóng cửa, điều đó đã trở thành thói quen. Ông ta bị ép
phải rời đó; nếu không ông ta sẽ không nhúc nhích. Tình cờ ông được mang ra
khỏi đó mà vẫn không ý thức.
Bây giờ người đàn ông
này đã trở thành một vị thánh! Đó là một cái gì đó giống như bộ ba vô cùng xấu
xa: Karl Marx, Friedrich Engels, và tất nhiên là Lenin – đó là ba vị đã trở
thành gần như những vị thánh của hàng triệu người trên trái đất. Đó là một thảm
họa, nhưng tôi vẫn nói đến cuốn sách – không phải là bạn nên đọc nó, mà bạn
đừng đọc nó. Hãy gạch dưới những gì tôi đã nói: đừng dọc nó. Bạn đã rất rối bời
rồi. Thế là đủ rồi. Không cần TƯ BẢN LUẬN nữa.
Thứ tư: Nên nhớ rằng
Karl Marx cũng là người Do Thái. Đây là một dãy toàn những người Do Thái. Thứ
tư, Sigmund Freud, một người Do Thái khác. Tác phẩm vĩ đại nhất của ông ấy là LECTURES
OF PSYCHOANALYSIS (NHỮNG BÀI GIẢNG VỀ PHÂN TÂM HỌC). Tôi không thích từ phân
tích, hoặc cũng không thích con người đó, nhưng ông ấy đã tạo ra một phong trào
vĩ đại như Karl Marx. Ông cũng là một trong những nhân vật thống trị thế giới.
Người Do Thái luôn mơ về
việc thống trị thế giới. Họ đang thực sự thống trị. Có thể nói ba người quan
trọng nhất thống trị thời đại này là Karl Marx, Sigmund Freud và Albert
Einstein. Ba người đó đều là Do Thái. Người Do Thái đã đạt được giấc mơ của họ,
họ đang thống trị. Nhưng về những vấn đề kinh tế thì Marx lại sai lầm; Freud
cũng sai bởi vì tâm trí không thể được phân tích, mà phải đặt sang một bên để
bạn có thể vào thế giới phi-tâm trí.
Tất nhiên, về lý thuyết
tương đối thì Albert Einstein là đúng, nhưng ông đã chứng tỏ là tuyệt đối ngớ
ngẩn khi ông viết thư cho Tổng thống Roosevelt, đề nghị chế tạo bom nguyên tử.
Hiroshima và Nagasaki – hàng nghìn người đã bị chết, bị thiêu sống, tất cả đều
chỉ thẳng tới Albert Einstein. Vì bức thư đó mà quá trình chế tạo bom nguyên tử
ở Mỹ mới bắt đầu. Ông ấy không bao giờ có thể tha thứ cho mình; đó là phần tốt
của con người ông. Ít nhất ông ấy cũng đã nhận ra mình đã phạm phải một trong
những tội ác khủng khiếp nhất. Ông đã ra đi trong nỗi thất vọng ê chề. Trước
khi chết ông ấy đã nói, “Tôi không bao giờ muốn ra đời như là một nhà vật lý,
mà chỉ là một người thợ sửa bơm.”
Và ông ấy là một trong
những bộ óc vĩ đại nhất trong toàn bộ lịch sử con người. Tại sao ông ấy lại quá
chán với việc là nhà vậy lý? Tại sao? Vì lý do đơn giản là ông đã không ý thức
được về những gì mình đang làm. Ông ấy trở nên nhận ra chỉ khi đã quá muộn… Đó
là cách thức của con người vô thức: anh ta trở nên nhận biết chỉ khi quá muộn.
Người tỉnh thức luôn nhận biết trước.
Thứ năm… Tôi có quá
nhiều người Do Thái đang chờ, chọn ai và không chọn ai, đây quả thực là điều
khó khăn? Và bạn biết đó, người Do Thái không dễ đối xử. Đúng ra tôi nên bỏ
toàn bộ dãy này còn hơn là bị áy náy. Cho nên tôi sẽ bắt đầu với một cái gì đó
khác. Kết thúc với người Do Thái, ít nhất là tại thời điểm này. Xin tất cả các
vị giải tán! Tôi đang nói với người Do Thái, chứ không phải với các bạn.
Thứ năm: Tôi đã lo lắng
rằng có thể tôi không nói được cuốn sách MEETING WITH REMARKABLE MEN (GẶP GỠ
NHỮNG NGƯỜI PHI THƯỜNG) của Gurdjieff. Cám ơn Thượng đế về phần tái-tái bút
này. Đây là tác phẩm lớn.
Gurdjieff đã du hành
khắp thế giới, đặc biệt là ở Trung Đông và Ấn Độ. Ông đã đến Tây Tạng; không
chỉ thế, ông còn là người thầy của Dalai Lama sau cùng… không phải vị hiện nay
– ông ta là kẻ ngốc – mà là người trước đó. Tên của Gurdjieff được viết bằng
tiếng Tây Tạng là Dorjeb, và rất nhiều người nghĩ rằng Dorjeb là một người đàn
ông khác. Ông ấy không là ai khác George Gurdjieff. Thực tế này được biết đến
bởi chính quyền Anh – Gurdjieff đã ở Tây Tạng trong nhiều năm; không chỉ thế mà
ông còn sống trong lâu đài ở Lhasa nhiều năm – họ đã ngăn cản ông không cho
sống ở nước Anh. Đầu tiên ông ấy muốn sống ở nước Anh nhưng không được phép.
Gurdjieff đã viết cuốn
GẶP GỠ NHỮNG NGƯỜI PHI THƯỜNG như là hồi ký. Đó là hồi ức rất tôn kính đối với
tất cả những người phi thường kỳ lạ mà ông đã gặp trong cuộc đời mình – các vị
Sufi, các nhà huyên môn Ấn Độ, các vị Lama Tây tạng, các vị tu sĩ Zen Nhật Bản.
Tôi phải nhắc bạn rằng ông ấy đã không hề viết về tất cả họ; ông ấy đã để lại
nhiều người ngoài danh sách vì một lý do đơn giản rằng cuốn sách sẽ được bán
ngoài thị trường và nó phải thỏa mãn những yêu cầu của thị trường.
Tôi không phải thỏa mãn
bất kỳ yêu cầu của bất kỳ ai. Tôi không phải là người lo lắng về thị trường, do
vậy tôi có thể nói rằng ông ấy đã bỏ lại những người thực sự quan trọng bậc
nhất từ danh sách của mình. Nhưng dù ông ấy đã viết gì thì cũng tuyệt đẹp. Nó
vẫn còn làm cho tôi ứa lệ. Bất kỳ khi nào có thứ gì đó đẹp thì mắt tôi cũng
ngấn lệ; không có cách nào khác để biểu lộ lòng tôn kính.
Cuốn sách này nên được
nghiên cứu chứ không chỉ đọc. Trong tiếng Anh bạn không có từ nào cho path; đó
là từ Hindu mà nó có nghĩa là hàng ngày đọc và đọc cùng một vấn đề suốt cuộc
đời bạn. Nó không thể được dịch như là đọc, đặc biệt là ở phương Tây, khi bạn
đọc sách bìa mềm, bạn vứt nó đi hoặc bạn để lại trên tàu sau khi đã đọc nó. Nó
cũng không thể được dịch như là nghiên cứu, bởi vì nghiên cứu là tập trung nỗ
lực để hiểu một từ hoặc cụm từ. ‘Path’ không là đọc hay nghiên cứu, mà là một
cái gì đó tầm cỡ hơn. Nó đang lặp lại một cách vui vẻ, rất vui vẻ đến mức nó
thấm vào trái tim bạn, nó trở thành hơi thở bạn. Nó là suốt đời, và đó là điều
cần thiết nếu bạn muốn hiểu những cuốn sách thực, những cuốn sách như cuốn GẶP
GỠ NHỮNG NGƯỜI PHI THƯỜNG.
Nó không phải là hư cấu
như DON JUAN – con người hư cấu được tạo ra bởi người đồng nghiệp Mỹ, Carlos
Castaneda. Người đàn ông này đã thực hiện một việc tai hại đối với nhân loại.
Người ta không nên viết hư cấu tâm linh vì lý do đơn giản là mọi người bắt đầu
nghĩ rằng tâm linh không là gì mà chỉ là hư cấu.
GẶP GỠ NHỮNG NGƯỜI PHI
THƯỜNG là cuốn sách thực sự. Một số người mà Gurdjieff nhắc đến vẫn còn sống;
chính tôi đã gặp một vài người trong số họ. Tôi là nhân chứng cho thực tế rằng
những người đó không phải là hư cấu, mặc dù tôi không thể tha thứ cho Gurdjieff
vì đã để ra ngoài những người phi thường nhất mà ông đã gặp.
Không cần thiết phải
thỏa hiệp với thương trường; đừng bao giờ có nhu cầu thỏa hiệp cả. Ông ấy là
một con người mạnh mẽ, tôi tự hỏi tại sao ông đã thỏa hiệp, tại sao ông đã bỏ
sót những người thực sự quan trọng. Tôi đã gặp số người mà ông ấy đã bỏ sót
trong cuốn sách, chính họ đã nói với tôi rằng Gurdjieff đã ở đó. Bây giờ họ đã
già. Nhưng cuống sách vẫn tốt – một nửa, không hoàn thiện, nhưng giá trị.
Thứ sáu: Tôi đã luôn yêu
một cuốn sách mà tác giả của nó là người vô danh; ông ấy là một người ẩn danh,
mặc dù người ta biết cuốn sách được viết bởi một môn đệ của Kabir. Ai đã viết
nó, điều đó không thành vấn đề, nhưng dù là ai thì chắc chắn cũng là người chứng
ngộ; có thể nhấn mạnh điều đó mà không hề ngần ngại.
Đó là một cuốn sách mỏng
gồm nhiều bài thơ, những vần thơ rất xoàng. Có thể người đàn ông đó không được
học nhiều, nhưng điều đó cũng không thành vấn đề. Vấn đề là chất trong nó.
Đúng, chất mới là vấn đề – nội dung. Cuốn sách thậm chí không được xuất bản.
Những người có cuốn sách đó chống lại việc xuất bản nó, và tôi có thể hiểu cảm
giác của họ và hoàn toàn đồng ý với họ. Họ nói khi cuốn sách được xuất bản thì
nó lại trở thành một phần của thị trường, và họ không muốn nó được xuất bản.
Nếu ai đó muốn có cuốn sách thì có thể đến và tự chép tay. Cho nên có rất nhiều
bản chép tay khắp Ấn Độ, nhưng tất cả họ đều đã hứa là không xuất bản. Chắc
chắn việc xuất bản gây ra một cái gì đó cho cuốn sách; nó trở thành máy móc, nó
mất đi một cái gì đó khi in ấn và xuất bản. Nó mất đi tinh thần của nó; nó xuất
hiện như cái xác.
Không có tên nào cho
cuốn sách này; bởi vì nó không bao giờ được xuất bản nên không cần tên. Tôi đã
hỏi những người có bản gốc, “Bạn gọi nó là gì?”
Họ trả lời, “THE
GRANTHA.”
Bây giờ, THE GRANTHA sẽ
phải được giải thích cho bạn. Đó là từ cổ khi mà những cuốn sách được viết trên
lá, chứ không phải trên giấy. Chắc chắn những chiếc lá có thể được sử dụng để
viết và khi bạn buộc chúng lại cùng nhau thì được gọi là GRANTHA. ‘Buộc lại’
chính xác là nghĩa của THE GRANTHA – ‘buộc những chiếc lá lại’.
Cuốn sách có một số phát
biểu vô cùng giá trị. Tôi sẽ cho bạn biết chỉ một số ít. Một, nó nói: những gì
có thể được nói thì đừng bận tâm về nó, nó không thể là thực. Sự thật không thể
được nói. Thứ hai: Thượng đế chỉ là một từ – có ý nghĩa, nhưng không tồn tại.
Thượng đế chỉ là biểu tượng biểu trưng cho trải nghiệm, chứ không phải là một
khách thể. Thứ ba: thiền không phải là quá trình tâm lý, nó không phải là của
tâm trí. Ngược lại, bỏ rơi tâm trí là thiền. Và vân vân.
Tôi muốn nói đến THE
GRANTHA vì nó không được nói đến ở bất kỳ đâu và chưa bao giờ được dịch.
Thứ bảy… những con số
của tôi vẫn đúng chứ?
“Đúng, thưa Osho.”
Tôi chống lại Karl Marx
và Friedrich Engels nhưng tôi phải đánh giá cao cuốn sách của hai người đó, COMMUNIST
MANIFESTO (TUYÊN NGÔN CỘNG SẢN) – và nên nhớ, tôi không phải là người cộng sản!
Bạn không thể tìm ra người nào chống cộng sản nhiều hơn tôi, nhưng tôi vẫn yêu
cuốn sách mỏng đó. TUYÊN NGÔN CỘNG SẢN. Tôi thích cách nó được viết – không
phải nội dung mà là văn phong.
Bận biết cái thích của
tôi là đa dạng và tôi sẽ đánh giá cao văn phong. Chắc hẳn Phật sẽ nhắm mắt và
bị tai, Mahavira hẳn sẽ chạy thật xa: văn phong ư…? Nhưng tôi có tiêu chuẩn của
riêng mình. Đúng, tôi thích cách viết cuốn TUYÊN NGÔN CỘNG SẢN, và tôi ghét nội
dung. Bạn có hiểu tôi không? Người ta có thể thích trang phục và ghét con
người. Đó chính xác là trường hợp của tôi. Câu cuối cùng trong TUYÊN NGÔN CỘNG
SẢN là: giai cấp vô sản toàn thế giới liên hiệp lại. Các bạn không có gì mất
ngoài những xiềng xích, và các bạn có cả thế giới để chiến thắng.
Bạn có nhìn thấy văn
phong? Sức mạnh của câu nói là ở chỗ: Liên hiệp lại! Các bạn không mất gì ngoài
những xiềng xích, và một thế giới để chiến thắng. Đó là điều mà tôi nói với các
sannyasin của tôi, mặc dù tôi không nói liên hiệp lại, tôi nói: chỉ tồn tại –
và bạn không có gì mất ngoài những xiềng xích của bạn.
Và tôi không nói rằng
bạn phải chiến thắng thế gian – ai quan tâm, ai bận tâm! Liệu bạn có thể thuyết
phục tôi trở thành Alexander Đại đế hoặc Napoleon Bonaparte hoặc Adolph Hitler
hoặc Joseph Stalin hoặc Mao Trạch Đông? Có một danh sách dài gồm tất cả những
kẻ ngốc đó và tôi không muốn có bất kỳ điều gì liên quan tới họ. Tôi không nói
với các sannyasin của tôi: hãy giành chiến thắng – không có gì để chiến thắng.
Chỉ tồn tại – đó là tuyên ngôn của tôi. Tồn tại, bởi vì trong tồn tại bạn đã
giành được tất cả rồi.
Thứ tám… tôi vẫn đúng
đấy chứ?
“Đúng, thưa Osho.”
Tốt. Bạn vẫn đang trông
nom đấy chứ? Bạn có sắp đặt trước không đấy? – bởi vì hôm nay tôi không nghe
các bạn thì thầm. Hãy thì thầm một chút, điều đó lại cảm thấy ổn.
Thứ tám, cuốn sách của
Marcel, THE MYTH OF SISYPHUS (THẦN THOẠI SISYPHUS). Theo cảm giác thông thường
thì tôi không phải là một người tôn giáo; tôi là người tôn giáo theo cách của
riêng mình. Cho nên mọi người sẽ ngạc nhiên tại sao tôi lại đang tính cả những
cuốn sách không phải là tôn giáo. Chúng là tôn giáo, nhưng bạn phải đào sâu, và
sau đó bạn sẽ tìm ra chất tôn giáo của chúng. Thần thoại Sisyphus là thần thoại
cổ, và Marcel đã sử dụng nó cho cuốn sách của ông. Hãy để tôi kể chuyện đó cho
bạn.
Sisyphus, một vị thần,
đã bị đuổi ra khỏi thiên đường vì đã không tuân lệnh Thượng đế tối cao và đã bị
trừng phạt. Hình thức trừng phạt là ông ấy phải mang một tảng đá to từ thung
lũng lên đỉnh một ngọn núi, đỉnh núi đó quá nhọn và quá hẹp đến mức mỗi lần ông
ấy lên tới đó và cố đặt tảng đá xuống, thì nó lại bắt đầu lăn xuống thung lũng.
Sisyphus lại phải xuống thung lũng và mang nó lên, thở hổn hển, toát mồ hôi…
Một công việc vô nghĩa… biết rõ rằng nó lại sẽ trượt xuống, nhưng phải làm gì?
Đây là toàn bộ lịch sử
của con người. Chính vì vậy mà tôi nói nếu bạn đào sâu bạn sẽ tìm ra tôn giáo
tinh khiết trong nó. Đây là tình trạng của con người và nó đã luôn là vậy. Bạn
đang làm gì? Mọi người đang làm gì? Mang tảng đá lên đỉnh núi, nơi mà nó luôn
rơi trở lại thung lũng, thậm chí có lẽ mỗi lần như vậy nó rơi sâu hơn một chút.
Và buổi sáng hôm sau, tất nhiên sau bữa ăn sáng, bạn lại mang nó. Và bạn biết
điều gì sẽ xảy ra trong khi mang nó. Nó lại trượt xuống.
Câu chuyện thần thoại
thật đẹp. Marcel đã giới thiệu lại nó. Ông ấy là người rất tôn giáo. Thực tế,
ông ấy là người hiện sinh thực sự, chứ không phải là Jean-Paul Sartre, nhưng
ông ấy không phải là lái buôn chính trị, cho nên ông không bao giờ xuất hiện
trước thiên hạ. Ông đã giữ im lặng, viết trong thầm lặng, chết trong im lặng.
Nhiều người trên thế giới không biết rằng ông không còn nữa. Ông ấy là người đàn
ông quá tĩnh lặng – nhưng những gì ông đã viết, THẦN THOẠI SISYPHUS, lại rất
hùng biện. THẦN THOẠI SISYPHUS là một trong những tác phẩm vĩ đại nhất từng
được sáng tác.
Thứ chín: Tôi nhắc đi
nhắc lại, tôi không biết tại sao tôi phải tính đến Bertrand Russell. Tôi luôn
yêu ông ấy, và cũng biết rõ rằng chúng tôi là những cực riêng biệt – thực tế là
đối nghịch tuyệt đối. Có lẽ đó là lý do. Những cực đối nghịch hút lẫn nhau. Bạn
có nhìn thấy những giọt lệ trên khóe mi tôi? Chúng dành cho Bertrand Russell –
Bertie những người bạn ông gọi ông như vậy. Cuốn sách thứ chín là THE HISTORY
OF WESTERN PHILOSOPHY (LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY).
Liên quan đến triết học
phương Tây thì không ai đã cho ra đời một tác phẩm tuyệt diệu như vậy. Chỉ có
nhà triết học mới làm được điều đó. Các nhà sử học đã cố, và có nhiều câu
chuyện về triết học, nhưng không có nhà lịch sử nào là nhà triết học. Đây là
lần đầu tiên một nhà triết học tầm cỡ như Bertrand Russell đã viết một tác phẩm
lịch sử – LỊCH SỬ TRIẾT HỌC PHƯƠNG TÂY. Và ông ấy rất thành thực đến mức không
gọi nó là LỊCH SỬ TRIẾT HỌC, bởi vì ông biết chắc rằng mình không biết gì về
triết học phương Đông. Ông trình bày một cách giản dị, khiêm tốn những gì ông
biết, và cũng nói rõ rằng đó không phải là toàn bộ lịch sử triết học mà chỉ là
phần phương Tây, từ Aristotle cho tới Bertrand Russell.
Tôi không thích triết
học, nhưng cuốn sách của Russell không chỉ là lịch sử mà còn là một tác phẩm
nghệ thuật. Nó rất hệ thống, rất mỹ học, là sự sáng tạo tuyệt vời, có lẽ vì cơ
bản Russell là nhà toán học.
Ấn Độ vẫn cần một
Bertrand Russell để viết triết học Ấn Độ và lịch sử của nó. Có nhiều câu chuyện
lịch sử nhưng chúng lại được viết bởi những nhà lịch sử, chứ không phải bởi
những nhà triết học, và rõ ràng là các nhà sử học chỉ là những nhà lịch sử; họ
không thể hiểu sự thâm sâu và nhịp điệu chuyển động của tư tưởng. Radhakrishna
đã viết cuốn HISTORY OF INDIA PHILOSOPHY (LỊCH SỬ TRIẾT HỌC ẤN ĐỘ), có lẽ hy
vọng rằng nó sẽ trở thành một cái gì đó giống như cuốn sách của Bertrand
Russell, nhưng nó chỉ là một tên trộm. Cuốn sách không được viết bởi
Radhakrishna, nó là một luận án của một sinh viên nghèo mà Radhakridhna là
người hướng dẫn, và ông ấy đã đánh cắp toàn bộ luận án. Có một vụ kiện chống
lại ông ở tòa, nhưng người sinh viên đó quá nghèo đến mức anh ta đã không thể
thắng được vụ kiện. Anh ta đã bị Radhakrishna dùng tiền để bịt miệng.
Bây giờ, những người như
vậy không thể mang đến sự công bằng cho nền triết học Ấn Độ. Ân Độ, Trung Quốc
cần một Bertrand Russell… đặc biệt là hai quốc gia đó. Phương Tây thật may mắn
khi có nhà tư tưởng cách mạng như Bertrand Russell, là người có thể và đã viết
bài tường thuật hay nhất mô tả toàn bộ sự phát triển của tư tưởng phương Tây,
từ Aristotle cho đến chính ông.
Thứ mười. Cuốn sách thứ
mười mà tôi sẽ nói bây giờ lại không phải là sách tôn giáo. Nó là tôn giáo chỉ
nếu bạn thiền về nó… nếu bạn không đọc nó, nhưng thiền về nó. Nó vẫn còn chưa
được dịch và vẫn là ngôn ngữ nguyên thủy Hindi, THE SONGS OF DAYABAI (NHỮNG BÀI
CA CỦA DAYABAI) .
Tôi cảm thấy có một chút
tội lỗi bởi vì tôi đã nhắc đến Rabiya, Meera, Lalla, Sahajo, và tôi đã để lại
một người phụ nữ xứng đáng được nhắc đến: Daya. Bây giờ tôi cảm thấy thư giãn.
NHỮNG BÀI CA CỦA DAYA.
Bà là người cùng thời với Meera và Sahajo, nhưng bà còn sâu sắc hơn họ. Bà thực
sự vượt lên những số đó. Daya là một con chim cúc cu nhỏ bé – nhưng đừng lo
lắng… Thực tế, ở Ấn Độ, cúc cu được gọi là koyal, mà nó không có nghĩa là gàn
dở. Daya thực sự là con cúc cu – không gàn dở mà là giọng ca ngọt ngào như
koyal Ấn Độ. Vào một đêm hè Ấn Độ, tiếng cúc cu vọng lại từ xa; đó chính là
điều mà Daya… tiếng vọng đêm hè của thế giới này.
Tôi đã nói về bà; có lẽ
vào một ngày nó có thể được dịch. Nhưng tôi lại sợ điều đó là không thể, bởi vì
làm sao người ta có thể dịch những nhà thơ và ca sĩ đó? Phương Đông là thơ ca
thuần khiết, phương Tây và các ngôn ngữ của nó đều là văn xuôi, thuần túy văn
xuôi. Tôi chưa bao giờ tình cờ gặp thơ ca thực sự bằng tiếng Anh. Đôi khi tôi
nghe những nhạc sĩ cổ điển phương Tây vĩ đại… vào một ngày tôi đang nghe Beethoven,
nhưng tôi phải dừng giữa chừng. Khi bạn đã biết âm nhạc phương Đông rồi thì
không gì có thể so sánh với nó. Khi bạn đã nghe sáo trúc Ấn Độ rồi thì mọi âm
nhạc khác chỉ là bình thường.
Cho nên tôi không nghĩ
những ca sĩ, những nhà thơ và những người điên đó, những người mà tôi đã nói
bằng tiếng Hindi lại sẽ được dịch, nhưng tôi không thể cưỡng lại việc nói đến
tên họ. Có lẽ chính việc nhắc đến sẽ tạo ra trạng thái để chúng có thể được
dịch.
No comments:
Post a Comment