Phạm
Nguyên Trường dịch
Các phương tiện truyền thông Trung
Quốc mô tả chuyến đi của Dương Khiết Trì đến Việt Nam là chiến thắng của Trung
Quốc cả về mặt ngoại giao lẫn đạo đức.
Các phương tiện
truyền thông nước ngoài (trong đó có The Diplomat) không thấy nhiều hy vọng về
một bước đột phá trong quan hệ Trung Quốc-Việt Nam trong chuyến đi của Ủy viên Quốc Vụ viện Trung Quốc Dương Khiết Trì
đến Hà Nội trong tuần này. “Quan hệ Việt Nam - Trung Quốc không bớt căng thẳng,”
tờ The New York Times tuyên bố.
Hãng
BBC nhấn mạnh “bế tắc trong các cuộc
đàm phán Trung Quốc-Việt Nam”, còn hãng Reuters
thì giật tít “Trung Quốc mắng Việt Nam là 'thổi phồng' sự kiện giàn khoan dầu ở
biển Đông”.
Trong
khi đó, các phương tiện truyền thông Trung Quốc có cách tiếp cận hoàn toàn
khác, lạc quan hơn rất nhiều. Đầu đề bài báo bằng tiếng Anh của Tân Hoa Xã viết “Trung Quốc và Việt Nam đồng ý xử lý một
cách đúng đắn những vấn đề song phương nhạy cảm”. “Bắc Kinh và Hà Nội hứa hành
động nhằm giảm bất đồng” tờ China Daily
nhấn mạnh. Một đoạn video về chuyến đi của Dương, do đài truyền hình CCTV phát, tập trung vào tuyên bố của Dương
rằng ngay cả khi mối quan hệ Trung Quốc-Việt Nam tồi tệ hơn hẳn so với hiện
nay, hai bên vẫn sẽ phải tìm ra phương án nhằm nhanh chóng giải quyết vấn đề. Theo
các báo cáo do phương tiện truyền thông Trung Quốc đưa ra thì dường như các
cuộc họp giữa Dương Khiết Trì với lãnh đạo Việt Nam là một bước tiến quan trọng
trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng giàn khoan dầu.
Đấy không phải để nói
rằng Trung Quốc sẵn sàng thỏa hiệp. Ngược lại, bài viết nào cũng có lời khẳng
định thường thấy của Trung Quốc rằng giàn khoan là chuyện riêng của Trung Quốc,
và rằng Việt Nam phải ngừng những hành động quấy rối bất hợp pháp hoạt động của
giàn khoan này. Thay vào đó, các bài báo của Trung Quốc đều ngụ ý rằng Hà Nội
đã thay đổi lập trường của họ. Không có bài báo nào nói - như các phương tiện
truyền thông Việt Nam và phương Tây đã làm – rằng Việt Nam tiếp tục khẳng định
rằng Trung Quốc phải rút giàn khoan. Thay vào đó, các bài của Tân Hoa Xã đều nhấn mạnh rằng Việt Nam
và Trung Quốc đã đồng ý “xử lý đúng đắn các vấn đề song phương,” không quốc tế
hóa tranh chấp Biển Đông, và không để cho những căng thẳng trên biển ảnh hưởng
tới những mối quan hệ song phương rộng lớn hơn.
Dĩ nhiên, nếu đúng là
Việt Nam đã đồng ý “xử lý đúng đắn các vấn đề song phương” theo định nghĩa của
Trung Quốc thì cuộc khủng hoảng giàn khoan sẽ thực sự chấm dứt. Không những thế,
Hà Nội có quan điểm khác hẳn về những điều kiện cấu thành “xử lý thích hợp” -
theo cách giải thích của họ, Trung Quốc là bên hành động “không đúng”, tức là vi
phạm chủ quyền trên biển của Việt Nam. Không nhắc đến hai cách giải thích trong
những bài viết của mình, các phương tiện truyền thông của Trung Quốc tự biến
mình thành kẻ dối trá khi Việt Nam tiếp tục phản đối giàn khoan này.
Các phương tiện
truyền thông Trung Quốc còn miêu tả chuyến thăm của Dương không chỉ là chiến
thắng về mặt ngoại giao, mà còn là chiến thắng về đạo đức nữa. Tân Hoa xã nhấn mạnh rằng chuyến đi của Dương
tới Hà Nội tự nó đã chứng minh rằng Trung Quốc đang chủ động tìm biện pháp giải
quyết vấn đề. Chuyến thăm của Dương, Tân
Hoa Xã nói, là biểu của “sự chân thành mong muốn giải quyết vấn đề thông
qua đối thoại và sự hào hiệp của siêu cường [Trung Quốc]”. Đài truyền hình CCTV nói rằng Dương tới nhằm giúp “đưa quan
hệ Trung Quốc-Việt Nam trở lại con đường thích hợp như buổi ban đầu”.
Giọng
điệu của những bài báo này tô vẽ Dương như thể một thày giáo đầy kiên nhẫn được
gửi tới nhằm xử lí một học sinh cứng đầu cứng cổ. Thái độ này được thể hiện rõ
nhất trên tờ Hoàn Cầu (tiếng Trung
Quốc của tờ Global Times) sặc mùi
tinh thần dân tộc chủ nghĩa. Hoàn cầu
mô tả chuyến thăm của Dương như một món quà từ phía Trung Quốc, tạo cho Việt
Nam cơ hội “kiềm chế bản thân trước khi quá muộn”. Nhiệm vụ của Dương ở Hà Nội là
“làm rõ điểm mấu chốt và những thuận và nghịch” của tình hình. Trong khi nói
chuyện với Việt Nam, Hoàn cầu cho
biết, Trung Quốc đã “thúc giục ‘đứa con hư hỏng’ quay về nhà”. Theo cách giải
thích này, dường như Dương ở Hà Nội không phải để đối thoại thực sự, mà chỉ đơn
giản là để giảng bài.
Những bài tường thuật
trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, mặc dù có giọng dứt khoát như thế,
được thiết kế nhằm khuyến khích Trung Quốc giữ cho căng thẳng tiếp tục cháy âm
ỉ. Câu chuyện nào cũng nhấn mạnh việc Việt Nam quấy rối giàn khoan của Trung
Quốc, và sự kiên nhẫn và khoan dung của Trung Quốc trong việc đối phó với các những
hành động khiêu khích bằng cách cử Dương đến Việt Nam để đàm phán. Những câu
chuyện này cũng nhấn mạnh sự đồng thuận đạt được trong các cuộc họp; những từ
ngữ này sẽ được sử dụng nhằm chống lại Hà Nội nếu cuộc khủng hoảng tiếp tục như
hiện nay. Các phương tiện truyền thông của Trung Quốc đã gửi một thông điệp
mạnh mẽ rằng bây giờ đến lượt Việt Nam phải đáp ứng một cách phù hợp với đề
nghị của Trung Quốc bằng cách chấm dứt can thiệp và phản đối giàn khoan của
Trung Quốc. Vì thế, bài trên tờ Hoàn cầu
kết thúc với lời cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế sẽ quan sát để xem sau chuyến
thăm của Dương lời nói và việc làm của Việt Nam có đi đôi với nhau hay không.
Shannon Tiezzi là phó tổng biên tập the
Diplomat, mối quan tâm chủ yếu của bà là Trung Quốc và bà thường viết về quan
hệ ngoại giao, chính trị nội bộ và kinh tế của Trung Quốc.
Nguồn: http://thediplomat.com/2014/06/chinese-media-in-vietnam-yang-calls-prodigal-son-to-return-home/
Đã đăng trên http://www.boxitvn.net/bai/27286
No comments:
Post a Comment