November 18, 2013

Robert Nozick - Vì sao các nhà trí thức phản đối chủ nghĩa tư bản?

Phạm Nguyên Trường dịch
Lời người dịch: Mọi người đều biết rằng các nhà tri thức trên khắp thế giới là một trong số những người chống chủ nghĩa tư bản và kinh tế thị trường quyết liệt nhất và kiên trì nhất. Các nhà văn, nhà báo, các giáo sư đại học theo đường lối tả khuynh ở đâu cũng có tỉ lệ rất cao. Robert Nozick, một trong những người cổ vũ cho chủ nghĩa tự do nổi bật nhất cho rằng nguyên nhân nằm ở hệ thống giáo dục của nhà trường hiện đại: tạo ra trong các nhà tri thức muốn biến thế giới thành một lớp học cho tất cả mọi người.


Đáng ngạc nhiên là nhiều trí thức lại có thái độ phản đối chủ nghĩa tư bản đến như vậy. Các nhóm kinh tế-xã hội khác không có thái độ phản đối đến như thế. Như vậy là, về mặt thống kê,  trí thức là những người bất thường.
Không phải tất cả trí thức đều là “tả khuynh”.  Tương tự như các nhóm khác, ý kiến ​​của họ phân bố trên toàn bộ đường đồ thị. Nhưng ý kiến của các nhà trí thức ngả về và nghiêng về phía tả khuynh nhiều hơn.
Với từ trí thức, tôi không có ý nói tất cả những nhà khoa bảng hoặc những người có trình độ học vấn nhất định nào đó, mà muốn nói tới những người, trong khi hành nghề, thường phải làm việc với những ý tưởng được thể hiện bằng lời nói, tạo ra dòng chảy ngôn từ mà những người khác phải đọc, phải nghe. Những người “thợ rèn chữ” đó gồm các nhà thơ, nhà văn, nhà phê bình văn học, các nhà báo, và các thày giáo, các giáo sư. Số này không bao gồm những người sản xuất và truyền tải thông tin đã lượng hóa và toán học hóa (các “thợ rèn số”) hoặc những người làm việc với phương tiện nghe nhìn như họa sĩ, điêu khắc gia, quay phim. Khác với các “thợ rèn chữ”, tỉ lệ những người chống lại chủ nghĩa tư bản làm trong các ngành này không cao như thế. Các “thợ rèn chữ” tập trung ở những khu vực nghề nghiệp nhất định: Các viện và học viện, các phương tiện truyền thông, bộ máy hành chính của chính phủ.
Trong xã hội tư bản các “thợ rèn chữ” hoàn toàn an tâm: họ có quyền tự do đưa ra, tiếp nhận, và tuyên truyền những ý tưởng mới, có quyền tự do đọc và thảo luận những ý tưởng này. Kỹ năng của họ được trọng dụng, thu nhập của họ cao hơn mức trung bình. Tại sao não trạng bài tư bản trong số những người này lại cao như thế? Hơn nữa, một số dữ liệu cho thấy người trí thức càng giàu có và thành công thì ông ta càng dễ có thái độ phản đối chủ nghĩa tư bản hơn. Não trạng bài tư bản thường xuất phát từ “nhóm đối lập tả khuynh”, nhưng không chỉ có thế. Yeats, Eliot và Pound phản đối xã hội thị trường từ lập trường của cánh hữu.
Sự chống đối chủ nghĩa tư bản của các “thợ rèn chữ” có ý nghĩa xã hội không nhỏ. Chính họ là những người tạo ra ý tưởng và hình ảnh của chúng ta về xã hội, họ đưa ra các chính sách cho bộ máy quản lí lựa chọn. Họ cung cấp cho chúng ta câu chữ để thể hiện, từ tác phẩm chuyên đến khẩu hiệu. Vì vậy mà sự phản đối của họ có tầm quan trọng, nhất là trong một xã hội ngày càng phụ thuộc vào việc hình thành và phổ biến thông tin một cách minh bạch.
Chúng ta có thể thấy hai cách giải thích vì sao nhiều trí thức phản đối chủ nghĩa tư bản. Cách thứ nhất liên quan tới tác nhân đặc thù của các nhà trí thức có thái độ bài tư bản. Loại thứ hai liên quan tới tất cả các nhà trí thức, tức là lực thúc đẩy họ ngả sang quan điểm bài tư bản. Nó có đẩy một người trí thức cụ thể sang phía bài tư bản hay không còn phụ thuộc vào các lực lượng khác đang có ảnh hưởng đối với anh ta. Nhưng, gộp lại, vì nó làm cho thái độ bài tư bản của trí thức cao thêm, kết quả là tác nhân này sẽ tạo ra tỉ lệ cao các nhà trí thức có thái độ bài tư bản. Lời giải thích của chúng tôi sẽ thuộc loại thứ hai. Chúng tôi sẽ xác định nhân tố đẩy người trí thức sang lập trường bài tư bản, nhưng không đảm bảo rằng có thể áp dụng nó cho từng trường hợp cụ thể.
Giá trị của của người trí thức

Hiện nay, các nhà trí thức luôn nghĩ rằng họ là những người có giá trị nhất trong xã hội, là những người có uy tín và quyền lực cao nhất, những người được tưởng thưởng lớn nhất. Người trí thức cho rằng họ có quyền như thế. Nhưng, nói chung, xã hội tư bản không tôn vinh những người trí thức của nó. Ludwig von Mises giải thích thái độ bất bình đặc biệt của giới trí thức - khác với người công nhân – là họ giao thiệp với các nhà tư sản thành công và do đó họ lấy những người đó ra so sánh và cảm thấy nhục nhã khi thấy tình trạng thấp kém hơn của mình. Nhưng, ngay cả những người trí thức không giao tiếp với các nhà tư sản cũng cảm thấy bực bội như thế, chỉ giao tiếp không thì chưa đủ, những người dạy các môn thể thao và dạy múa cho những người giàu có và làm việc với họ không phải là những người bài tư bản nổi bật.
Thế thì tại sao các trí thức hiện nay cảm thấy có quyền được hưởng những phần thưởng cao nhất của xã hội và bất mãn khi họ không nhận được sự tưởng thưởng như thế? Người trí thức cho rằng họ là những người có giá trị nhất, là những người có công nhất, và xã hội nên tưởng thưởng cho mọi người phù hợp với giá trị và công lao của họ. Nhưng xã hội tư bản không làm theo nguyên tắc phân phối “hưởng theo giá trị hay công lao”. Ngoài quà tặng, tài sản thừa kế, và tiền nhận được từ cờ bạc, vẫn thường xảy ra trong một xã hội tự do; thị trường trả công cho những người đáp ứng nhu cầu của người khác được thể hiện trên thương trường, và tiền công phụ thuộc vào nhu cầu và nguồn cung thay thế lớn đến mức nào. Các doanh nhân và người lao động thất bại không có thái độ thù địch đối với hệ thống tư bản như các trí thức-“thợ rèn chữ”. Chính cảm giác về giá trị vượt trội nhưng không được công nhận của mình, quyền của mình bị phản bội, mới tạo ra thái độ thù nghịch như thế.
Tại sao các trí thức-“thợ rèn chữ” cho rằng họ là những người có giá trị nhất, và tại sao họ lại cho rằng phải phân phối theo giá trị? Xin lưu ý: nguyên tắc này không phải là tất yếu. Có những mô hình phân phối khác đã được đề xuất, trong đó có phân phối cào bằng, phân phối theo đức hạnh, phân phối theo nhu cầu. Nói cho ngay, thậm chí một xã hội quan tâm tới công bằng cũng không cần đặt ra mục tiêu là phải có một mô hình phân phối. Công bằng trong phân phối có thể nằm trong quá trình trao đổi tự nguyện của cải kiếm được và dịch vụ được thực hiện một cách công chính. Dù kết quả của quá trình đó có như thế nào thì đấy cũng là kết quả công bằng, nhưng kết quả không cần phải phù hợp với bất kì mô hình cụ thể nào. Thế thì tại sao các “thợ rèn chữ” lại coi mình là những người có giá trị nhất và chấp nhận nguyên tắc phân phối theo giá trị?
Ngay từ khi tư tưởng được ghi chép lại, người trí thức đã nói với chúng ta rằng công việc của họ là có giá trị nhất. Plato đánh giá khả năng suy luận cao hơn lòng can đảm và sự khát khao và cho rằng triết gia phải cai trị; Aristotle cho rằng chiêm nghiệm bằng trí tuệ là hoạt động cao cả nhất. Không có gì ngạc nhiên là trong những văn bản còn lại đến thời nay có những đánh giá cao như thế về hoạt động trí tuệ. Nói cho cùng, những người đưa ra đánh giá, những người ghi chép lại lý do ủng hộ những đánh giá như thế đều là trí thức cả. Họ tự ca ngợi mình. Những người đánh giá những việc khác cao hơn tư duy bằng ngôn từ, dù đấy có là săn bắn, quyền lực hay thú vui xác thịt quanh năm suốt tháng, không bận tâm đến việc ghi chép lại quan điểm của mình cho hậu thế. Chỉ có các nhà trí thức mới làm ra lý thuyết về việc ai là người cao quý nhất mà thôi.

Cái học của người trí thức

Tác nhân nào làm cho một số trí thức có cảm giác rằng mình có giá trị cao hơn? Tôi muốn tập trung vào một thiết chế cụ thể: trường học. Khi kiến thức sách vở ngày càng trở nên quan trọng, việc học tập – thế hệ trẻ cùng nhau học đọc và học kiến thức sách vở trong nhà trường – trở thành hiện tượng phổ biến. Bên cạnh gia đình, trường học trở thành tổ chức quan trọng nhằm định hình thái độ của thế hệ trẻ, và hầu như tất cả những người sau này trở thành nhà trí thức đều đã từng học tập ở trường. Họ là những người có thành tích trong học tập. Người ta đem họ ra so sánh với những người khác và được coi là giỏi hơn. Họ được khen ngợi và được tưởng thưởng, họ là trò cưng của các giáo viên. Làm sao họ lại có thể coi mình không phải là những người ưu việt cho được? Lúc nào họ cũng cảm thấy sự khác biệt trong việc xứ lí các ý tưởng, trong việc mình có khả năng tư duy nhanh nhạy hơn. Nhà trường nói với họ và chỉ cho họ thấy rằng họ là những người giỏi hơn.
Nhà trường còn thể hiện và qua đó dạy cho học sinh nguyên tắc khen thưởng theo phẩm chất (trí tuệ). Những người có phẩm chất trí tuệ cao được khen ngợi, được giáo viên yêu, và được điểm cao nhất. Theo đánh giá của nhà trường, các học trò thông minh nhất tạo ra tầng lớp thượng lưu. Dù không nằm trong chương trình giảng dạy chính thức, nhưng các nhà trí thức đã học được trong nhà trường bài học rằng họ có giá trị cao hơn những người khác, và giá trị cao đó cho họ quyền được tưởng thưởng cao hơn.
Nhưng xã hội thị trường rộng lớn hơn ngoài kia lại dạy cho người ta bài học khác. Ở đấy, những phần thưởng lớn nhất không thuộc về những người nói tài nhất. Ở đấy, các kỹ năng trí tuệ không được đánh giá cao nhất. Đã học được rằng họ là những người có giá trị nhất, xứng đáng được tưởng thưởng nhất, có quyền được tưởng thưởng nhất, làm sao phần đông các nhà trí thức không tức giận xã hội tư bản, một xã hội đã tước đoạt những thứ họ xứng đáng được hưởng, những thứ mà ưu thế của họ đã cho họ “quyền” được hưởng? Đáng ngạc nhiên là thái độ thù nghịch sâu cay và buồn nản của các nhà trí thức đối với xã hội tư bản - dù được che đậy dưới nhiều lý do thích hợp, thường được họ trình bày một cách công khai – vẫn tiếp tục tồn tại ngay cả khi những lý do cụ thể đó được chứng minh là không đúng?
Nói rằng trí thức cảm thấy có quyền nhận những phần thưởng cao nhất mà xã hội nói chung có thể cung cấp (tài sản, địa vị…), tôi không có ý cho là trí thức coi những phần thưởng đó là hàng hóa có giá trị cao nhất. Có thể các nhà khoa bảng đánh giá niềm vui mà hoạt động trí tuệ mang lại cho mình hay sự kính trọng của các thế hệ sau cao hơn những phần thưởng kia. Tuy nhiên, họ cũng cảm thấy có quyền được xã hội nói chung đánh giá cao nhất – cao nhất mà xã hội có thể - mặc dù họ có thể coi phần thưởng cao nhất đó là không đáng kể. Tôi không có ý nhấn mạnh những phần thưởng sẽ chui vào hầu bao của người trí thức hay thậm chí tôn trọng cá nhân họ. Tự coi mình là trí thức, sự kiện là hoạt động trí tuệ không được đánh giá và tưởng thưởng cao nhất đã làm họ bực bội rồi.
Các nhà khoa bảng muốn toàn bộ xã hội trở thành một trường học, tương tự như môi trường nơi họ đã thành công đến mức ấy và được đánh giá cao đến mức ấy. Áp dụng những tiêu chuẩn tưởng thưởng khác với những tiêu chuẩn trong xã hội, nhà trường chắc chắn sẽ làm cho một số người sau này cảm thấy mất giá. Những người ở những vị trí cao nhất trong bảng xếp hạng của nhà trường sẽ cho rằng mình có quyền giữ vị trí hàng đầu - không chỉ trong cái xã hội nhỏ bé đó mà còn có vị trí cao nhất trong xã hội rộng hơn. Những người đó sẽ căm thù cái xã hội không cư xử với mình theo đúng ước vọng và quyền mà họ tự gán cho mình. Như vậy là, hệ thống trường học tạo ra não trạng bài tư bản trong giới trí thức. Chính xác hơn, nó tạo ra não trạng bài tư bản trong giới trí thức làm việc với ngôn từ. Tại sao các “thợ rèn số” không có thái độ như các “thợ rèn chữ”? Tôi ngờ rằng những đứa trẻ sáng dạ trong tính toán - dù cũng được điểm cao trong các kỳ thi - không được thày giáo chú ý và ưu ái bằng những em nói tài. Chính khả năng giao tiếp đó mang lại cho các em phần thưởng của thày giáo, và rõ ràng là chính những phần thưởng này đã tạo ra cảm giác ưu trội của mình.

Kế hoạch hóa tập trung trong lớp học

Còn một điểm nữa cần nói thêm. Các nhà trí thức-“thợ rèn chữ” (trong tương lai) thường thành công trong hệ thống trường học chính thức, nơi những phần thưởng liên quan là do các “cơ quan quyền lực” của các giáo viên phân phát. Nhưng trong trường còn có hệ thống xã hội phi chính thức trong lớp học, ngoài hành lang, và trên sân trường, nơi phần thưởng được phân phối không theo chỉ đạo của cấp trên mà phân phối một cách tự phát, theo ý thích của các đồng môn. Ở đây các nhà trí thức không thành công đến như thế.
Vì vậy, không có gì ngạc nhiên là, phân phối hàng hóa và phần thưởng thông qua một cơ chế do trung ương tổ chức được các nhà trí thức coi là thích hợp hơn là “tình trạng vô chính phủ và hỗn loạn” của thương trường. Phân phối trong khuôn khổ hệ thống xã hội xã hội chủ nghĩa kế hoạch tập trung so với phân phối trong một xã hội tư bản chủ nghĩa cũng tương tự như phân phối bởi các giáo viên so với phân phối trên sân trường và ngoài hành lang.
Giải thích của chúng tôi không nói các nhà trí thức (tương lai) chiếm đa số ngay trong tầng lớp thượng lưu của trường. Nhóm này có thể bao gồm phần lớn là những người có kết quả học tập nổi bật (nhưng không phải là áp đảo) và biết cách cư xử đúng mực, thích làm người khác hài lòng, có thái độ thân thiện, đắc nhân tâm, và biết chơi bằng (và tuân theo) quy tắc. Những học sinh như vậy cũng sẽ được giáo viên đánh giá cao và khen thưởng và họ cũng sẽ rất thành công trong xã hội. (Và thành công trong hệ thống xã hội phi chính thức của trường. Cho nên không thể nói những người này có thái độ đặc biệt đối với các tiêu chuẩn của hệ thống chính thức của trường.) Giải thích của chúng tôi giả định rằng các nhà trí thức (tương lai) phân bố một cách bất cân xứng trong nhóm thượng lưu (chính thức) của trường, trong tương lai chính những người này sẽ cảm thấy mất giá. Hay nói đúng hơn, họ ở trong nhóm có thể dự đoán trước được tương lai như thế của chính mình. Thái độ thù nghịch sẽ phát sinh trước khi họ bước vào thế giới rộng lớn hơn và trải nghiệm sự suy giảm địa vị xã hội thực sự, đấy là lúc người học trò thông minh nhận ra rằng trong xã hội rộng lớn hơn anh ta (có thể) sẽ không thành công bằng giai đoạn học tập hiện nay. Hậu quả không dự định trước như thế của nhà trường – não trạng bài tư bản - tất nhiên, sẽ gia tăng khi học sinh đọc sách của/được giảng dạy bởi các trí thức có thái độ bài tư bản quyết liệt.
Chắc chắn là, có một số trí thức-“thợ rèn chữ” khó tính và đấy là những học trò hay thắc mắc và vì vậy mà bị giáo viên không ưa. Họ có học được bài học rằng người giỏi nhất sẽ được phần thưởng cao nhất và có nghĩ rằng - mặc kệ thái độ của các thày giáo của họ - mình chính là những người giỏi nhất và bắt đầu ghét hệ thống phân phối của trường học ngay từ thuở đầu đời hay không? Rõ ràng là, để trả lời vấn đề này và những vấn đề khác được đặt ta ở đây, để kiểm tra và chau truốt giả thuyết mà chúng tôi đưa ra, cần phải có dữ liệu về trải nghiệm trong nhà trường của các tri thức-“thợ rèn chữ” tương lai.
Nói chung, hầu như sẽ ít người phản đối khi nói rằng các quy tắc trong trường học sẽ có ảnh hưởng đến niềm tin của người học sau khi họ đã ra trường. Nói cho cùng, bên cạnh gia đình, trường học là cơ cấu xã hội quan trọng, nơi các em học hành động, và do đó học tập là giai đoạn chuẩn bị để họ có thể hoạt động trong xã hội rộng lớn hơn. Không có gì ngạc nhiên là những người thành công theo quy tắc của trường học sẽ bất mãn với xã hội gắn bó với những quy tắc khác, tức là những quy tắc không bảo đảm cho họ thành công như trong trường học. Khi chính họ lại là những người tạo ra bức tranh của xã hội về chính mình, tạo ra đánh giá của xã hội về chính mình, thì những người bị họ thôi miên quay ra chống lại xã hội cũng đâu phải là điều đáng ngạc nhiên. Nếu bạn có trách nhiệm xây dựng xã hội từ con số không, chắc là bạn sẽ thiết kế nó sao cho các “thợ rèn chữ” - với tất cả các ảnh hưởng của họ - sẽ không bị người ta nhồi nhét vào đầu thái độ thù địch đối với các quy phạm của xã hội.
Giải thích của chúng tôi về sự mất cân đối của thái độ bài tư bản trong hàng ngũ trí thức dựa trên khái quát xã hội học hoàn toàn đáng tin.
Trong một xã hội, nơi mà ngoài gia đình, ngay từ đầu thế hệ trẻ đã tiếp cận với hệ thống hay tổ chức phân phối phần thưởng cho những người giỏi nhất trong hệ thống ấy sẽ có xu hướng tiếp thu các quy tắc của tổ chức này, và hi vọng rằng xã hội rộng lớn ngoài kia cũng sẽ hoạt động theo những quy tắc đó; họ sẽ cho rằng mình sẽ được chia phần hoặc (ít nhất) cũng có vị trí phù hợp với những quy tắc này. Hơn nữa, những người nằm trong tầng lớp thượng lưu trong hệ thống thang bậc của thiết chế đầu tiên mà họ gặp bên ngoài gia đình rồi sau đó, khi ra ngoài xã hội sẽ bị (hoặc nhìn thấy trước là sẽ bị) rơi xuống những nấc thang xã hội thấp hơn sẽ - do cảm tưởng về quyền đã bị mất – ngả sang phía phản đối hệ thống xã hội rộng lớn bên ngoài và có thái độ thù địch với những quy tắc của nó.
Xin nhớ rằng đây không phải là định luật nhất thành bất biến. Không phải tất cả những người bị mất địa vị xã hội sẽ quay sang chống lại hệ thống. Mặc dù mất địa vị xã hội là một tác nhân  có thể tạo ra hiệu ứng theo hướng đó, và vì vậy mà trong một nhóm có đông người, hiệu quả của nó sẽ hiện rõ. Tầng lớp thượng lưu có thể mất địa vị xã hội bằng những cách khác nhau: họ có thể nhận được ít hơn nhóm khác hoặc (trong khi không có nhóm nào vươn lên) họ có thể vẫn nhận như thế nhưng không được nhiều hơn những người mà trước đây bị coi là thấp kém hơn. Mất địa vị theo kiểu thứ nhất đặc biệt làm người ta đau đớn và bất bình, còn kiểu thứ hai thì dễ chấp nhận hơn. Nhiều trí thức (nói rằng họ) ủng hộ quyền bình đẳng trong khi chỉ có một nhóm nhỏ coi mình là “quý tộc” mà thôi. Như vậy là, giả thuyết của chúng tôi nói rằng việc mất địa vị xã hội theo kiểu thứ nhất rất dễ gây ra sự oán ghét và lòng thù hận đối với xã hội.
Hệ thống trường học chỉ phổ biến và tưởng thưởng cho một số kỹ năng liên quan đến những thành công trong tương lai (nói cho cùng, trường học là một thiết chế mang tính chuyên môn) cho nên hệ thống khen thưởng của nó sẽ khác với hệ thống khen thưởng của xã hội bên ngoài. Điều này chắc chắn sẽ làm cho một số người – khi bước ra xã hội – bị mất địa vị xã hội và phải chịu những hậu quả kèm theo của nó. Trước đó tôi đã nói rằng các nhà trí thức muốn xã hội giống như một trường học lớn. Giờ đây chúng ta thấy rằng thái độ bất bình là do nhà trường (một hệ thống xã hội mang tính chuyên môn bên ngoài gia đình, lần đầu tiên con người tiếp xúc) lại không phải là xã hội thu nhỏ.
Theo cách giải thích của chúng tôi, dường như có thể dự đoán được rằng các nhà trí thức được học hành có thái độ chống đối xã hội mà họ đang sống chiếm tỉ lệ cao, dù đấy là xã hội tư bản hay cộng sản thì cũng thế. (So với các nhóm có địa vị kinh tế-xã hội như nhau thì trong xã hội tư bản, tỉ lệ những người trí thức có thái độ bài tư bản là cao. Câu hỏi là liệu tỉ lệ những người trí thức có thái độ thù địch với xã hội (không phải tư bản) mà họ đang sống có cao như thế hay không). Như vậy, rõ ràng là, chúng ta cần những dữ liệu nói về thái độ của trí thức trong các nước cộng sản đối với bộ máy cai trị; những người trí thức này có thái độ  thù địch với hệ thống đó hay không?
Cần phải chau truốt giả thuyết của chúng tôi để không thể áp dụng (hoặc áp dụng được nhưng không chính xác đến mức đó) đối vợi mọi hình thức xã hội. Có chắc chắn là hệ thống trường học trong tất cả các xã hội nhất định sẽ tạo ra những người trí thức có thái độ chống đối xã hội khi họ không nhận được những phần thưởng cao nhất của xã hội hay không? Có lẽ là không. Xã hội tư bản đặc biệt ở chỗ nó tuyên bố công khai: chỉ có tài năng, sáng kiến ​​cá nhân, đóng góp của cá nhân mới được tưởng thưởng mà thôi. Người lớn lên trong xã hội đẳng cấp hay phong kiến cha truyền con nối không nghĩ rằng tưởng thưởng sẽ hay phải phù hợp với giá trị của cá nhân. Xã hội tư bản chủ nghĩa chỉ tưởng thưởng cho những người đáp ứng được ước muốn – được thể hiện trên thương trường - của người khác, phù hợp với đóng góp của người đó vào nền kinh tế, chứ không phải theo giá trị của cá nhân người đó. Nhưng, nó cũng khá gần gũi với nguyên tắc tưởng thưởng theo giá trị - giá trị và đóng góp thường liên quan mật thiết với nhau – nhằm nuôi dưỡng kì vọng do nhà trường tạo ra. Đặc tính của xã hội rất gần với đặc tính của nhà trường cho nên sự gần gũi mới tạo ra oán giận. Xã hội tư bản tưởng thưởng cho thành tích của cá nhân hoặc bảo với họ rằng nó sẽ làm như vậy, vì vậy mà những người trí thức tự coi mình là những người hoàn hảo nhất, lại là những người cảm thấy cay đắng nhất.
Tôi cho rằng, ở đây còn một tác nhân khác nữa. Học sinh càng đa dạng thì nhà trường sẽ càng tạo ra thái độ bài tư bản nhiều hơn. Khi hầu như tất cả những người sẽ thành công về kinh tế trong tương lai cùng theo học các trường riêng biệt thì người trí thức sẽ không có được thái độ của những người có ưu thế hơn. Nhưng ngay cả khi nhiều trẻ em của tầng lớp thượng lưu học tại các trường riêng biệt thì xã hội cởi mở vẫn sẽ có những trường học khác, trong đó nhiều em học sinh sẽ trở thành những doanh nhân thành đạt về mặt kinh tế và sau đó các nhà trí thức sẽ bực bội khi nhớ lại rằng họ học giỏi hơn những đồng môn mà sau này trở thành giàu có hơn và quyền lực hơn. Sự cởi mở của xã hội còn có một hậu quả khác nữa. Các em học sinh, không chỉ những “thợ rèn chữ” tương lai mà cả những em khác, sẽ không biết sự nghiệp trong tương lai của mình sẽ ra sao. Họ có thể có mọi ước mơ. Xã hội đóng, không cho người ta vươn lên, sẽ bóp chết mọi hi vọng ngay từ trong trứng nước. Trong một xã hội tư bản cởi mở, các em học sinh sẽ không cam chịu ngay từ đầu những giới hạn của sự thăng tiến xã hội; dường như xã hội đã nói với họ rằng những người có năng lực nhất và có giá trị nhất sẽ vươn lên những vị trí cao nhất, còn trường học thì gửi cho những người có thành tích học tập tốt  nhất thông điệp nói rằng họ là những người được đánh giá cao nhất và xứng đáng được phần thưởng lớn nhất; rồi sau này, những học sinh được khuyến khích nhất và kì vọng nhất lại thấy những đồng môn mà họ biết và thấy là kém hơn mình lại thành đạt hơn, giành được những phần thưởng cao nhất mà đáng lẽ mình phải được hưởng. Có cần ngạc nhiên không khi những người này có thái độ thù địch với xã hội?

Một vài giả thuyết khác


Như vậy là, chúng ta đã cụ thể hóa được giả thuyết ở mức độ nào đó. Không phải mọi hệ thống học đường mà hệ thống học đường trong bối cảnh xã hội cụ thể nào đó mới tạo ra trong các nhà trí thức (thợ rèn chữ) não trạng bài tư bản mà thôi. Chắc chắn là giả thuyết này cần phải được cụ thể hóa thêm nữa. Nhưng như thế cũng đủ rồi. Đây là lúc chuyển giả thuyết này cho các nhà khoa học xã hội, đưa nó khỏi lĩnh vực lí thuyết suông và chuyển cho những người nghiên cứu với các sự kiện và dữ liệu cụ thể hơn. Nhưng chúng ta vẫn có thể chỉ ra một số lĩnh vực mà giả thuyết của chúng ta có thể đưa ra những dự báo và kết quả có thể kiểm chứng được. Trước hết, có thể tiên đoán: hệ thống trường học của đất nước càng khuyến khích các học sinh tài năng thì càng có nhiều khả năng là giới trí thức của họ sẽ trở thành những người ta khuynh. (Ví dụ, nước Pháp.) Thứ hai, những người trí thức trong thời gian học ở trường mà “chín muộn” sẽ không có cùng não trạng về quyền được hưởng những phần thưởng cao nhất, vì vậy, tỉ lệ những trí thức “chín muộn” có thái độ bài tư bản sẽ ít hơn là những người có thành tích cao trong học tập ngay từ những năm đầu đời. Thứ ba, chúng tôi hạn chế giả thuyết của chúng tôi trong những xã hội (khác với xã hội đẳng cấp của Ấn Độ), nơi người học trò có thành tích học tập tốt có thể hi vọng cũng sẽ thành công như thế trong xã hội. Cho đến tận thời gian gần đây, trong xã hội phương Tây, phụ nữ không có kỳ vọng nhiều như vậy, cho nên chúng ra có thể cho rằng những học sinh nữ trong tầng lớp thượng lưu ở nhà trường nhưng sau này bị mất địa vị xã hội sẽ không có thái độ bài tư bản như các nhà trí thức nam giới. Chúng ta cũng có thể dự đoán rằng, xã hội càng bình đẳng hơn về cơ hội nghề nghiệp giữa phụ nữ và nam giới thì càng có nhiều nữ trí thức tỏ thái độ thù nghịch với chủ nghĩa tư bản như các trí thức đàn ông đang làm hiện nay.
Một số độc giả có thể nghi ngờ cách giải thích về não trạng bài tư bản trong giới trí thức mà chúng tôi vừa đưa ra bên trên. Dù sao mặc lòng, tôi cho rằng chúng tôi đã định danh được một hiện tượng quan trọng. Tổng quát xã hội học mà chúng tôi đã nêu ra bằng trực giác hóa ra là có sức thuyết phục: một cái gì tương tự như thế chắc chắn phải xảy ra trên thực tế. Một số ảnh hưởng quan trọng nhất định sẽ xuất hiện trong tầng lớp “học sinh thượng lưu” mà sau này bị mất địa vị xã hội, trong nhóm người này thái độ đối kháng với xã hội nhất định sẽ xuất hiện. Nếu đấy không phải là thái độ đối lập cao của các nhà trí thức thì là gì? Chúng tôi bắt đầu với một hiện tượng khó hiểu, cần giải thích. Tôi cho rằng chúng tôi đã tìm thấy, tác nhân có thể giải thích – sau khi chúng tôi đã nói một cách rõ ràng), tác nhân này rõ ràng đến nỗi chúng ta phải tin rằng nó giải thích được một số hiện tượng xảy ra trên thực tế.
Tác phẩm Anarchy, State, and Utopia của nhà triết học Robert Nozick, xuất bản năm 1974, củng cố vị trí của chủ nghĩa tự do trong triết lý chính trị được giới học giả rất coi trọng. Trong tác phẩm này, Nozick bênh vực “nhà nước tối thiểu” - sau này được gọi là minarchism - và chỉ ra những biện pháp để nó có thể trở thành “khuôn khổ cho những xã hội không tưởng.”
Nhưng Nozick không chỉ quan tâm tới lý thuyết chính trị. Ông đã chú ý tới gần như tất cả các nhánh của triết học trong những công trình có tính bao quát như Philosophical Explanations, The Examined Life, and Invariances: The Structure of the Objective World.

Đã đăng trên Diễn đàn xã hội dân sự



No comments:

Post a Comment