January 25, 2013

Mark Adomanis - Nga, Trung Quốc và những vấn đề kinh tế


Phạm Nguyên Trường dịch
Hệt như như Nga, Trung Quốc là nước độc tài với nhiều vấn đề kinh tế nghiêm trọng

Cách đây ít ngày ông Andrew Ryvkin cho công bố trên tờ The Guardian (Anh – ND) lời tố cáo mạnh mẽ về sự lạc hậu, tình trạng tham nhũng và kém hiệu quả của nền kinh tế Nga. Nhưng điều làm tôi quan tâm không phải là bản danh sách những lời phàn nàn về nước Nga – chúng đã quá quen với những người thường xuyên theo dõi báo chí phương Tây rồi – mà là những nhận xét tích cực về Trung Quốc, một nước độc đoán và đàn áp còn dữ dội hơn nước Nga nhiều:


“Điều thú vị vị là làm sao mà hai nước được dự kiến là sẽ đứng đầu – Trung Quốc đứng đầu thế giới còn Nga thì đứng đầu châu Âu – lại là những nước thụt lùi rất xa về dân chủ. Nhưng nếu Trung Quốc hạn chế tiếp cận với internet và ngăn chặn tự do chính trị trong khi lại lắp ráp hàng triệu máy điện thoại cầm tay iPhones và là một trong những tay chơi chính trên thị trường thế giới, và điều này dường như mâu thuẫn với nguyên tắc cho rằng chế độ dân chủ sẽ mang lại thịnh vượng kinh tế, thì chính sách đối nội của Nga lại có mục đích là giữ mãi nền kinh tế trong tình trạng lạc hậu.

Sự khác nhau căn bản giữa hai nước thuộc khối BRICS (bao gồm các nước Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi – ND) là chính sách của Trung Quốc phục vụ cho kinh tế (mô hình cộng sản cải biên cho phù hợp với chủ nghĩa tư bản theo kiểu Trung Quốc), còn ở Nga thì kinh tế lại phục vụ cho chính trị. Chính sách của Putin…

Chính sách của Nga hoàn toàn trái ngược với logic của nền kinh tế theo định hướng thị trường, nhưng chính sách đó không nhắm vào kinh tế, vì mục đích của nó là duy trì cho bằng được lòng trung thành của lực lượng lao động và tạo ra hình ảnh của sức mạnh của nền công nghiệp theo kiểu Liên Xô. Nhưng có thể gọi chính sách đổi phiếu của cử tri lấy sự lạc hậu của nền kinh tế trong hiện tại là chiến lược xứng đáng với một quốc gia sau 17 năm nữa sẽ dẫn đầu nền kinh tế châu Âu hay không? Thậm chí có thể gọi đấy là chính sách khôn ngoan được hay không?”

Quan niệm như thế về Trung Quốc về cơ bản cũng tương tự như quan niệm của Tom Friedman: Chính phủ Trung Quốc có thể toàn là bọn ngớ ngẩn, nhưng họ là những người có kỉ luật, tinh ranh, những kẻ ngớ ngẩn theo đường lối tư bản chủ nghĩa và khuyến khích tăng trưởng, khác hẳn với những thằng ngu luộm thuộm người Nga, những kẻ chỉ biết say xỉn suốt ngày nhờ vào thùng rượu ăn cắp được mà thôi. Về cơ bản đấy là “câu chuyện về chế độ chuyên chế biết nhìn xa trông rộng của Trung Quốc và chế độ chuyên chế ngoảnh lại phía sau và thô sơ của Nga”.
Điều làm tôi cực kì ngạc nhiên là nếu bạn hỏi những người nghiên cứu Trung Quốc một cách kĩ lưỡng thì sẽ thấy rằng ấn tượng của họ về hiệu quả kinh tế được cho là đáng khâm phục của chính phủ Trung Quốc sẽ kém nhiệt tình hơn so với Ryvkin. Thí dụ như Michael Pettis, cộng tác viên cao cấp của Quỹ Carnegie vì Hòa bình thế giới và giáo sư tài chính tại trường quản lí Guanghua thuộc trường Đại học tổng hợp Bắc Kinh. Trong một bài dài được công bố gần đây trên blog của mình – tôi khuyên mọi người nên đọc vì mà khó trích dẫn hay tóm tắt được – Pettis đã viết về những điều khá quen thuộc với những người theo dõi thường xuyên nước Nga, như chính phủ không có ý định thực hiện những cuộc cải cách kinh tế có ý nghĩa thực sự, chính phủ tiếp tục che chở cho những một số công ty được lựa chọn, nạn tham nhũng, bộ máy quản lí thiếu hiệu quả, vốn bị đưa ra nước ngoài, và di dân. Theo Pettis, Trung Quốc trông không giống một quái vật khổng lồ năng động và hiệu quả, có thể chinh phục được tất cả, mà chỉ là một đất nước thiển cận, không có trách nhiệm giải trình trước xã hội và một giới tinh hoa không phải là sáng suốt lắm, lại làm nô lệ cho một nhóm nhỏ các quan chức và bọn đầu sỏ (nghe có vẻ quen?)

Nếu xem xét một cách kĩ lưỡng những đặc điểm cụ thể của mô hình kinh tế Trung Quốc, ta sẽ thấy nó chẳng giống gì với chiếc iPhone sáng loáng mà lại có vẻ giống hơn chiếc đầu máy xe lửa mất lái đang lao băng băng trên đường. Xin xem nhận xét của Pettis về công trình nghiên cứu của IMF về đầu tư quá mức:

“Theo kết quả của nghiên cứu này thì các hộ gia đình và các doanh nghiệp vừa và nhỏ buộc phải tài trợ cho sự phát triển kinh tế khoảng hơn 4% một năm. Tính toán sơ bộ của tôi cho thấy rằng trên thực tế các gia đình phải bỏ ra khoảng 5-8% GDP – có lẽ là vì tôi còn đưa vào đây khoản trợ cấp ngầm để tái cơ cấu vốn cho các ngân hàng do khoảng cách quá lớn giữa lãi suất cho vay và lãi suất tiền gửi – nhưng chắc chắn là tôi đồng ý với nghiên cứu của IMF rằng trợ cấp cho tăng trưởng là rất lớn.

Đấy là lí do vì sao đóng góp của các hộ gia đình vào GDP trong 12 năm vừa qua đã sụt giảm một cách nghiêm trọng. Với thu nhập của các hộ gia đình chỉ chiếm 50% GDP mà họ phải chi cho tài trợ tới 4% GDP, thu nhập của hộ gia đình phải tăng với tốc độ khủng khiếp thì mới bảo đảm được rằng ít nhất tăng thu nhập của các hộ gia đình mới ngang bằng với tốc độ tăng trưởng GDP, năm nay là lần đầu tiên có khả năng xảy ra chuyện này… 

Kết luận dường như đã rõ, nhưng đối với nhiều nhà phân tích, đặc biệt là “bên bán”, cần phải nói một cách rõ ràng: Bất kì cố gắng nào nhằm cân đối tốc độ đầu tư quá mức ở Trung Quốc cũng có nghĩa là giảm đột ngột tốc độ gia tăng của các khoản đầu tư, thậm chí dẫn đến sụt giảm tốc độ đầu tư.”
Đúng là Pettis có thái độ bi quan hơn một số chuyên gia về Trung Quốc khác và một số chuyên gia vẫn cho rằng Trung Quốc có thể tiếp tục tiến hành đầu tư với tốc độ cũ mà không phá hoại nền kinh tế của mình. Nhưng dù ý kiến của bạn về tính bền vững của mô hình kinh tế Trung Quốc có như thế nào đi nữa (tôi không đến nỗi bi quan như Pettis) thì cũng rõ ràng là chính phủ Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn – có nhiều tiêu cực – đối với nền kinh tế Trung Quốc. Việc Trung Quốc nhấn mạnh vào sản xuất và xuất khẩu trong khi lại kiềm chế tiêu dùng trong nước không phải là kết quả của “thị trường” hay “chủ nghĩa tư bản” mà là chính sách có tính toán của nhà nước. Nếu Trung Quốc (cũng như Nga!) mở rộng đáng kể biên độ giao dịch, giá trị của đồng nội tệ của họ sẽ gia tăng làm cho sức mạnh trong lĩnh vực sản xuất của họ sẽ giảm sút ngay lập tức (có bằng chứng chứng tỏ rằng Trung Quốc đang từ bỏ chính sách sản xuất với chi phí thấp).
Vấn đề là nhìn tư xa thì Trung Quốc có vẻ như là chế độ chuyên chế tốt lành cực kì hiện đại, nhưng càng đến gần người ta càng thấy nó có nhiều khiếm khuyết hơn. Người tiêu dùng Trung Quốc – những người mà thu nhập đã bị chính phủ của mình tích cực ngăn chặn trong suốt mấy thập niên qua – chắc chắn sẽ rất ngạc nhiên khi biết rằng đất nước họ đang tập trung vào hiệu quả kinh tế mà bỏ qua “chính trị”. Như tôi đã nhận xét trong phần trước, thực ra Trung Quốc và Nga có nhiều điểm giống nhau hơn là những điểm khác nhau. Cả hai chính phủ đều bảo vệ quyền lợi của các “công ty quốc doanh khổng lồ” nhưng kém hiệu quả, cả hai đều đối mặt với hiện tượng bất bình đẳng đang ngày càng gia tăng, cả hai đều đối mặt với hiện tượng là vốn bị đưa ra nước, di dân và giới tinh hoa cả hai nước đều rất thích đưa con sang học ở các nước phương Tây.
 
Sau khi xem xét mức độ can thiệp rộng khắp của chính phủ Trung Quốc vào nền kinh tế và sự kiện là Trung Quốc còn nghèo hơn Nga nhiều, tôi hoàn toàn không tin rằng chúng ta muốn - ngay cả nếu chính phủ Nga có thể trở thành giống Trung Quốc hơn – nước Nga cũng làm như thế. Chả lẽ chúng ta lại thật sự muốn rằng Nga trở thành nhà nước độc đoán hơn, tàn bạo hơn và có chính sách can thiệp nhiều hơn hiện nay hay sao? Vì nếu Nga trở thành giống như Trung Quốc thì đấy là điều chắc chắn sẽ xảy ra.

Xin nói thêm một chuyện vui nữa là người Trung Quốc (cũng giống như người Nga!) không quá say mê những loại ô tô sản xuất trong nước, theo tờ Quartz thì chỉ có 8% người giàu ở Trung Quốc thích ô tô Trung Quốc, trong khi có tới 57% thích ô tô Đức.

Mark Adomanis sinh ở Philadelphia, ngoài tờ Forbes, ông còn viết cho các tờ báo khác như True/Slant, INOSMI, Salon, the National Interest, and Quartz. 


Đã đăng trên: http://vanhoanghean.com.vn

1 comment:

  1. Con người ở đâu cũng thế thôi.
    Động lực để hành động là quyền lợi, từ bà bán rau đến doanh nhân, đến chính trị gia.
    Vấn đề là thiết chế xã hội để tất cả phát huy lòng tham thúc đẩy đất nước phát triển chứ không phải hại nhau.
    Đất nước nào vô phúc rơi vào tình thế dẫm đạp nhau, hại nhau, nhất là sức mạnh đến thằng cầm quyền là khó sửa nhất.

    ReplyDelete