December 20, 2011

Thị trường và đạo đức (Kì 6)


Lord Griffiths of Fforestfach

Doanh nghiệp như là cộng đồng đạo đức

Phạm Nguyên Trường dịch

Trong tư duy về quản lí, mãi thời gian gần đây người ta mới chú ý đến vai trò của “giá trị” trong việc giải thích sự thành công của doanh nghiệp. Ở Mĩ, đề tài này bắt đầu nổi lên từ hồi những năm 1970, sau một thập kỉ khi các doanh nghiệp Mĩ nhận thấy rằng vận may của họ đang giảm dần vì các công ty chế tạo ô tô và hàng điện tử Nhật đã xâm nhập vào thị trường Mĩ. Nó thúc giục cộng đồng doanh nghiệp Mĩ thực hiện những cuộc tự vấn lương tâm và đến lượt nó, việc này lại dẫn đến những công trình nghiên cứu, phân tích hiệu suất công tác trong các công ty Mĩ.


Kết luận được rút ra là nhân tố quan trọng trong việc lí giải sự thành công vượt bậc của một số doanh nghiệp là họ có một số giá trị chung: cụ thể là một tập hợp những tín điều và giá trị được tất cả các nhân viên trong tổ chức chia sẻ và đấy chính là nền tảng văn hóa của tổ chức đó. Công trình nghiên cứu sau đó, do Trường Kinh doanh Harvard (Harvard Business School) thực hiện, khẳng định vai trò quan trọng của các giá trị chung trong sự thành công của công ty, và đấy chính là nhân tố quan trọng dẫn tới những thay đổi lớn trong tư duy về quản trị hồi những năm 1980, người ta đã không còn chú trọng vào khoa học quản lí, lập kế hoạch và sản xuất hàng loạt nữa mà tập trung hơn vào người tiêu dùng, đóng góp của từng người lao động trong công ty và ý nghĩa của văn hóa doanh nghiệp. Từ đó, đề tài về giá trị vẫn là đề mục chính trong chương trình nghị sự của các doanh nghiệp Mĩ và càng ngày càng giành được sự chú ý của các doanh nghiệp trong các nước khác.

Tôi xin khảo sát năm vấn đề về vai trò của các giá trị trong kinh doanh. Tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh là gì? Doanh nghiệp có thể hoạt động mà không cần tiêu chuẩn đạo đức hay không? Tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp có xuất xứ từ đâu? Doanh nghiệp hoạt động như thế nào và làm sao áp dụng được tiêu chuẩn đạo đức trong một xã hội đa nguyên? Công ty tôn trọng tiêu chuẩn đạo đức có vai trò quan trọng như thế nào đối với xã hội?

Đấy là những câu hỏi mà tôi tin là và chắc chắn phải là mối quan tâm của ban quản trị tất cả các công ty cổ phần.

Tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh là gì?

Đấy là một tập hợp các giá trị, qui tắc hay nguyên tắc đạo đức, được coi là chuẩn, là giá trị tham khảo hay tiêu chuẩn cho tất cả những người làm việc trong công ty và kết quả là nó sẽ dẫn dắt và chi phối hành vi của họ. Điều đó không có nghĩa là một số hành vi nhất định được chấp nhận hay không được chấp nhận mà là một cái gì đó lớn hơn nhiều: cụ thể là những hành vi này được chia thành tốt hay xấu, đúng hay sai. Tiêu chuẩn đạo đức này là nguồn gốc của những đòi hỏi mang tính đạo đức đối với mỗi người và với nguyên vật liệu mà từ đó doanh nghiệp tạo ra đặc tính và văn hóa đặc trưng của họ. Tiêu chuẩn đó được hình thành từ những nguyên tắc hoạt động của doanh nghiệp hoặc điều lệ của doanh nghiệp và được củng cố bằng tuyên bố của chủ tịch hội đồng quản trị hay giám đốc điều hành và những người nằm trong ban lãnh đạo. Đấy là nguyên tắc bắt buộc, nó làm cho doanh nghiệp có thể hoạt động như là một cơ thể thống nhất, thống nhất về quan điểm và hành động. Chính vì các doanh nghiệp tập trung chú ý vào việc thiết lập và giữ gìn các tiêu chuẩn đạo đức cho nên các doanh nghiệp hiện nay có thể và phải được coi là cộng đồng đạo đức.

Mỗi công ty có cách hiểu khác nhau về tiêu chuẩn đạo đức của công ty và cách thể hiện nó. Nhưng nghiên cứu điều lệ của nhiều công ty khác nhau ta thường thấy những chủ đề sau đây: liêm khiết, trong sáng, lương thiện và nói đúng sự thật, tôn trọng cá nhân con người vì đấy là những người có nhân phẩm, đối xử không thiên vị với mọi người, phục vụ một cách hoàn hảo, đặc biệt là trong quan hệ với khách hàng và trong phương thức lãnh đạo của những người có chức quyền, tầm quan trọng của sự hợp tác, trách nhiệm của công ty đối với môi trường, và cam kết ủng hộ những cộng đồng, nơi công ty đặt cơ sở sản xuất. Trên thực tế, những đề tài này xuất hiện với tần xuất cao trong nhiều lĩnh vực sản xuất khác nhau, trong nhiều nước khác nhau, trên nhiều lục địa và nền văn hóa khác nhau đến mức chúng không còn là bộ sưu tập những giá trị rời rạc do các công ty riêng lẻ thu thập mà càng ngày càng trở thành những giá phổ quát.

Không trước thì sau, tất cả các tôn giáo đều ép môn đồ của họ “vào vòng cương tỏa”, tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh không phải là ngoại lệ. Tiêu chuẩn đạo đức tạo ra những yêu cầu cao, làm cho doanh nghiệp vượt lên trên những đòi hỏi thuần túy vể mặt pháp lí. Nó có thể buộc doanh nghiệp từ chối một vụ kinh doanh, buộc họ phải đầu tư nhiều vào lĩnh vực phát triển nguồn nhân lực, hoặc giải quyết vấn đề mà không cần cầu viện đến luật sư, tất cả những điều này đều có thể có ảnh hưởng tiêu cực tới lợi tức ngắn hạn, nhưng đồng thời nó thể hiện sự cam kết của doanh nghiệp đối với các tiêu chuẩn đạo đức. Cho nên khi ông chủ tịch hay ông tổng giám đốc đứng dậy và tuyên bố rằng công ty của ông ta áp dụng tiêu chuẩn đạo đức thì có nghĩa là ông ta nói rằng đấy không chỉ là sự khác biệt trong cách thức kinh doanh mà còn xác định trên thực tế cách thức kinh doanh đó.

Doanh nghiệp có thể hoạt động mà không cần tiêu chuẩn đạo đức hay không?

Về nguyên tắc, câu trả lời là có: công ty có thể hoạt động với tiêu chuẩn đạo đức mà cũng có thể hoạt động mà không cần có ý thức về đạo lí hoặc trái với luân thường đạo lí. Nhưng công ty hoạt động trái với luân thường đạo lí sẽ nhanh chóng nhận ra rằng họ đã xung đột với luật pháp và với chính phủ. Thí dụ như tội phạm có tổ chức, hay công ty lảng tránh (chứ không phải trốn) cơ quan thuế vụ, hay công ty biết rõ là đang buôn bán những món hàng hoặc dịch vụ bị cấm như thuốc gây nghiện, buôn bán bào thai người, buôn bán trẻ con. Những công ty này không chỉ buôn bán những sản phẩm được coi là vô luân: họ còn tham gia vào những hoạt động mà kết quả chắc chắn sẽ là tống tiền, bạo lực và lừa đảo. Những người bị phát hiện đang điều hành những công ty như thế sẽ bị phạt tiền, bị truy tố và có thể bị bỏ tù. Công ty hoạt động trái với luân thường đạo lí có thể tồn tại trong ngắn hạn nhưng khó tưởng tượng được là làm sao mà nó lại có thể tồn tại được trong dài hạn.

Câu hỏi hấp dẫn hơn là liệu công ty có thể hoạt động mà không cần có ý thức về đạo lí? Mục tiêu duy nhất của công ty này là tối đa hóa lợi nhuận. Công ty có thể hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật nhưng không quan tâm tới các nguyên tắc đạo đức. Họ có thể hỏi đường lối hoặc việc làm của họ là hợp pháp hay phi pháp, nhưng họ không hỏi là đúng hay sai. Đạo đức nằm bên ngoài phạm vi kinh doanh. Tiêu chuẩn lương thiện của họ có thể bắt nguồn từ thói vị lợi, tính liêm khiết của cá nhân có thể là không quan trọng, và cá nhân chỉ được đánh giá theo tỉ lệ đóng góp của anh ta mà thôi.

Công ty không có ý thức về đạo lí là công ty lạnh lùng, lãnh đạm và có môi trường làm việc thiếu an toàn. Nhân viên không có lòng trung thành. Khó mà có thể tin rằng nhân viên sẽ giữ lời hứa. Không ai tin ai. Việc lập hợp đồng kéo dài rất lâu, mệt mỏi và phức tạp. Thành lập công ty liên doanh là cả một cơn ác mộng vì không bên nào tin là bên kia nói thật. Chức năng kiểm toán nội bộ phải được tăng cường. Mức độ thận trọng để khỏi bi qui tội bất cẩn làm cho công việc trở thành vừa lâu vừa chán ngắt và là cản trở đáng kể đối với việc mua sắm. Luôn luôn xảy ra cãi vã, xung đột và tranh chấp. Bổn phận của các thành viên ban lãnh đạo đối với tương lai của công ty không rõ ràng. Người ta không thể nào biết được là liệu người đồng nghiệp có thể hiện đúng quyền lợi của anh/chị ta trong những vấn đề liên quan đến công việc kinh doanh hay không. Vì mang tiếng xấu như thế mà việc tuyển mộ nhân viên sẽ gặp khó khăn. Một trong những hậu quả của việc thiếu ý thức đạo lí là chi phí cao, thuật ngữ kinh tế học là “chi phí giao dịch” lớn đến mức công ty sẽ nhanh chóng nhận ra là nó ở thế bất lợi trước các đối thủ. Bernard Mandeville có thể đã miêu tả thành công nhất đặc điểm của nền kinh tế thiếu ý thức đạo đức trong tác phẩm Truyện ngụ ngôn về đàn ong: sự đồi bại của cá nhân và lợi ích của xã hội, (The Fable of the Bees:or Private Vices,Publick Benefits) xuất bản lần đầu vào năm 1714 và dựa vào bài thơ được công bố cách đó chín năm với nhan đề là Tổ ong lầm bầm hay kẻ bất lương trở thành người công chính,(The Grumbling Hive or Knaves turned Honest[1]). Trong khi mô tả một tổ ong đang phát triển như là ẩn dụ nói về một dân tộc thành công trong ngành thương mại là nước Anh thời đó, Mandeville chỉ ra rằng dối trá, ích kỉ và ham mê những trò trụy lạc là cội nguồn của sự thịnh vượng. Thương nhân, binh lính, luật sư, bác sĩ, chính khách, tất cả đều như thế hết:

Hàng triệu người ráng sức
Cung cấp cho nhau những trò trụy lạc và cảnh phù hoa.

Bằng cách tách thương mại khỏi đức hạnh (“Tôn giáo là một bên, còn thương mại là phía bên kia”), ông khẳng định rằng thái độ buông lung đối với thói xấu và tính ích kỉ của những con ong sẽ dẫn tới việc mở rộng quá trình phân công lao động, mở rộng thị trường và sự phát triển của ngành thương mại, làm cho mọi người đều được lợi. Vì vậy mà ông nhận xét về tổ ong như sau:

Chỗ nào cũng đầy tội lỗi
Nhưng tất cả đều được sống giữa thiên đường trên mặt đất

Vấn đề chỉ xuất hiện khi những kẻ bất lương cầu thần linh ban cho lòng trung thực và Chúa trời đã cho phép trả lời, kết quả thật là thảm khốc. Thói kiêu ngạo và xa hoa giảm dần, thương mại suy thoái, nghệ thuật và nghề thủ công bị lờ đi và qua việc giảm bớt tội lỗi mà đàn ong cũng lại nhận thấy rằng chúng đã đánh mất hết sự cao quí của mình. Đạo đức là:

Người ngu chỉ cố gắng
Làm ra tổ ong lớn và lương thiện
Hưởng thụ các tiện nghi của trần gian
Vinh quang trong chiến trận, nhưng sống đời an nhàn
Không có tội lỗi lớn là vô nghĩa
Không tưởng đã nằm sẵn trong đầu rồi

Cái không tưởng vô nghĩa mà ông nói tới chính là đức tính khiêm nhường và lòng nhân từ của Thiên chúa giáo, những đức tính mà sau khi đã rũ hết tội lỗi thì chỉ dẫn cả nước đến cảnh đói nghèo mà thôi. Không lấy gì làm ngạc nhiên là câu chuyện ngụ ngôn này đã tạo ra một vụ ồn ào và đã bị tòa án hạt Middlesex coi là có hại đối với xã hội. Ngay cả Adam Smith, được coi là người đặt nền móng cho chủ nghĩa tư bản hiện đại, trong tác phẩm Lí thuyết về cảm nhận đạo đức (Theory of Moral Sentiments[2]) cũng đã phê phán Mandeville vì phép ngụy biện của ông, coi đức hạnh đồng nghĩa với tiết dục và quan niệm hư vô chủ nghĩa của ông về đạo đức, không công nhận bất cứ tiêu chuẩn nào nhằm phân biệt đạo đức với phi đạo đức.

Có thể đặc điểm nổi bật nhất của cách tiếp cận mà không cần ý thức về đạo lí là ý kiến cho rằng kinh doanh chỉ cần quan tâm tới việc tối đa hóa lợi nhuận, ngoài ra không còn gì khác. Ban quan trị là do các cổ đông lựa chọn, cho nên phải tìm kiếm lợi nhuận cho họ và không được làm đại diện cho bất kì ai khác. Kinh doanh là kinh doanh, đức hạnh không có liên quan gì ở đây hết. Nhưng không chỉ Milton Friedman, trong tiểu luận nổi tiếng Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp là gia tăng lợi tức của nó,(The Social Responsibility of Business is to Increase its Profits[3]), gợi ý rằng mục tiêu duy nhất của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận: ông nói rằng những người lãnh đạo doanh nghiệp phải “điều hành doanh nghiệp phù hợp với nguyện vọng của họ, mà nguyện vọng này nói chung sẽ là kiếm được càng nhiều tiền càng tốt, trong khi vẫn đáp ứng được những qui định căn bản của xã hội”, nhưng ngay sau đó – và đây là điều cực kì quan trọng – ông đã định nghĩa rõ rằng “các qui định căn bản của xã hội” bao gồm “cả những điều được thể hiện trong luật pháp lẫn những điều được thể hiện trong truyền thống đạo đức”, rõ ràng như vậy có nghĩa là việc theo đuổi lợi nhuận phải không được trái với các qui tắc văn hóa và tiêu chuẩn đạo đức.

Thứ ba là công ty hoạt động với các tiêu chuẩn đạo đức. Ban lãnh đạo công ty phải đưa ra những giá trị đặc thù của họ, mà đấy thường bao gồm tính trung thực, thật thà và tinh thần phục vụ: trình độ học vấn hoặc tay nghề, có khả năng hợp tác và đặt quyền lợi tập thể lên trên quyền lợi cá nhân, có tinh thần trách nhiệm với người khác, cả bên trong lẫn bên ngoài tổ chức. Có nhiều lí do để ban lãnh đạo quyết định phải đưa ra tiêu chuẩn đạo đức rõ ràng, nhưng nếu những người lãnh đạo và nhân viên tin chắc rằng họ có những giá trị nội tại thì một trong những hậu quả của các tiếp cận này là trong công ty sẽ có mức độ tin cậy cao.

Trong công ty mà mọi người tin cậy lẫn nhau thì tinh thần đồng đội sẽ cao. Các qui định và điều lệ nội bộ sẽ không cần phải viết quá chi tiết. Việc thanh tra, kiểm toán nội bộ và giám sát sẽ không cần phải thực hiện một cách tràn lan. Phát biểu của những người lãnh đạo sẽ được mọi người hiểu đúng theo nghĩa đen. Những công ty như thế sẽ được coi là những người sử dụng lao động đáng quí, cho nên việc tuyển dụng người sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Giữa các công ty như thế cũng không cần những bản hợp đồng dài dòng và phức tạp. Tất cả đều là những lợi ích có được từ lòng tin, mà lòng tin là một trong những cái mà các nhà kinh tế học gọi là “tác nhân bên ngoài”. Chúng là những tài sản có giá trị kinh tế hữu hình và làm tăng năng suất của công ty, nhưng chúng không phải là hàng hóa có thể mua bán được trên thương trường.

Như vậy là công ty có tiêu chuẩn đạo đức phù hợp sẽ không chỉ giảm được chi phí giao dịch mà, cùng với thời gian, còn phát triển được văn hóa doanh nghiệp vững chắc, dựa trên cơ sở lòng tin, cho nên các tiêu chuẩn đạo đức sẽ làm cho doanh nghiệp có ưu thế về mặt cạnh tranh.

Cho nên về nguyên tắc ta có thể gật đầu khi trả lời câu hỏi: “Doanh nghiệp có thể hoạt động mà không cần tiêu chuẩn đạo đức hay không?”, nhưng trên thực tế thì câu trả lời như thế là hoàn toàn không đúng, đặc biệt là nếu doanh nghiệp muốn trở thành một tay chơi có trọng lượng và lâu dài trên thương trường.

Tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp có xuất xứ từ đâu?

Cần khảo sát ba phương án: quyền lợi của chính doanh nghiệp, luân thường đạo lí phổ quát dựa trên cơ sở của chủ nghĩa nhân văn duy lí, hay tôn giáo thiên khải như Do Thái giáo, Hồi giáo hoặc Thiên chúa giáo.

Ý tưởng cho rằng công ty có thể tự tìm ra được những tiêu chí đạo đức cho mình là một ý tưởng hấp dẫn. Francis Fukuyama, trong tác phẩm Sự đổ vỡ vĩ đại (The Great Disruption) mới ra gần đây, viết rằng: “Lời khẳng định cho rằng đức hạnh, thí dụ như tính trung thực, cần thiết trong lĩnh vực thương mại, phải dựa vào tôn giáo mới tồn tại được, cuối cùng đã tỏ ra là vô nghĩa lí. Quyền lợi của chính doanh nhân là đủ để đảm bảo rằng tính trung thực (hay ít nhất là biểu hiện của tính trung thực) sẽ tiếp tục tồn tại[4]”. Ông còn biện luận rằng: “Công ty đòi hỏi nhân viên phải có lòng trung thực cao và lịch sự trong khi tiếp xúc với khách hàng hay công ty rút ngay lập tức những sản phẩm có khiếm khuyết khỏi quầy hàng hoặc người giám đốc tự giảm lương nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết với người lao động trong giai đoạn suy thoái không chỉ thể hiện thái độ vị tha: mỗi hành động như thế đều làm cho người ta tin rằng đấy là công ty trung thực, khả tín, chất lượng và công bằng hay đơn giản là rất có lợi. Những đức tính tốt đó trở thành tài sản kinh tế và là tài sản cho nên nó được các cá nhân và công ty quan tâm tới những vấn đề mấu chốt tìm kiếm[5]”. Luận điểm này công nhận rằng tính trung thực, cũng như lòng tin và sự hợp tác, là đạo đức xã hội, góp phần nâng cao nguồn vốn xã hội của tổ chức. Fukuyama còn biện luận rằng không được coi nguồn vốn xã hội như là hàng hóa xã hội, mà thị trường tự do không thể cung cấp đủ. Phải nói đấy là món hàng hóa mà thị trường tư nhân sẽ cung cấp đúng số lượng mà các nhà quản trị công ty muốn cung cấp. Các công ty tư nhân thường xây dựng vốn xã hội bằng cách đầu tư vào giáo dục và dạy nghề cũng như đầu tư cho những chương trình nhằm nâng cao trình độ quản lí.

Nền tảng trí thức của cách tiếp cận như thế đã được Friedrich Hayek[6] xây dựng một cách cực kì vững chắc và rất hay được những nhà kinh tế học như Milton Friedman và Gary Becker sử dụng. Hayek khẳng định rằng kinh tế thị trường là thí dụ điển hình của cái mà ông gọi là trật tự tự phát: cụ thể, đấy là hệ thống phát triển không phải nhờ sự chỉ đạo tập trung hay sự bảo trợ của một người hoặc nhóm người, mà thông qua những kết quả không có chủ ý của những quyết định của vô số cá nhân, mỗi người trong số họ đều là những người theo đuổi lợi ích riêng thông qua việc trao đổi và hợp tác tự nguyện, thông qua thử và sai. Quá trình vận động tự phát này không những có thể được dùng để giải thích sự phát triển kinh tế mà còn có thể được dùng để giải thích sự phát triển của ngôn ngữ, tiền tệ, văn hóa, luật pháp, qui tắc xã hội, thậm chí cả phẩm hạnh và đạo đức nữa. Mặc dù trật tự tự phát phát triển thông qua những cá nhân đang theo đuổi lợi ích riêng của mình, nhưng các cá nhân vẫn phải theo những qui tắc chung chứ không thể hành động tùy ý được, còn các qui tắc lại cũng là sản phẩm của quá trình tiến hóa.

Kết quả là, đối với Hayek, đạo đức là khía cạnh quan trọng của trật tự xã hội: trên thực tế, trật tự xã hội không thể tồn tại mà không có “những qui tắc… hướng dẫn cá nhân hành động theo cách mà đời sống xã hội có thể tồn tại được[7]”. Nhưng những qui tắc này là kết quả của quá trình tiến hóa của văn hóa, tập trung vào “chọn lọc hoặc lựa chọn” các định chế và thói quen của nhóm. “Truyền thống văn hóa, nơi con người được sinh ra bao gồm một loạt những thói quen hay qui định về tư cách đang thịnh hành vì chúng làm cho nhóm người đó thành công nhưng lại không được chấp nhận vì người ta biết rằng chúng sẽ tạo ra những kết quả đáng mong muốn[8]”. Đồng thời Hayek lại coi thường những cố gắng nhằm gắn đạo đức với tôn giáo, với niềm tin vào Chúa trời, hoặc cho rằng đạo đức là nhất thành bất biến. Chìa khóa để hiểu đạo đức học của Hayek là đạo đức là kết quả của một quá trình tiến hóa lâu dài về mặt văn hóa, một quá trình xảy ra trong trật tự tự nhiên, ở đó mỗi cá nhân theo đuổi quyền lợi riêng tư theo cách hiểu của mình. Như vậy nghĩa là, trật tự đạo đức trong triết học của Hayek, trong tính trọn vẹn của nó, là sản phẩm của những nỗ lực của con người và nhằm tránh mọi hiểu lầm có thể xẩy ra, ông dứt khoát bác bỏ nhu cầu phải có một cái gì đó bên ngoài trật tự tự nhiên để cho đạo đức bám vào. Kết quả là, đấy là hệ thống đạo đức hoàn toàn tương đối, không có những chân lí hay quan niệm cứng nhắc về đúng và sai. Sự khôi hài của các tiếp cận của Hayek là mặc dù ông bác bỏ mọi cơ sở của tôn giáo đối với trật tự đạo đức hiện tồn, nhưng ông lại công nhận ảnh hưởng quan trọng mà tôn giáo đã đóng trong việc hình thành những qui tắc mà ông đánh giá cao như thế. Trên thực tế, bằng bút pháp đặc trưng của mình ông đã vượt ra ngoài đường lối của mình và công nhận rằng có lỗi vì là người theo thuyết bất khả tri trước những người có đạo.

Nếu tính tư lợi là cơ sở của tiêu chuẩn đức hạnh thì nó lại đặt ra vấn đế là những tiêu chuẩn đó đáng tin cậy và vững chắc đến mức nào. Fukuyama khẳng định rằng có thể dựa váo tính tư lợi để bảo đảm rằng sự trung thực, hay ít nhất là, nói theo lời ông “biểu hiện của sự trung thực” sẽ tiếp tục tồn tại. Nhưng nhược điểm của lí lẽ của ông lại thể hiện rõ trong sự độc đáo của nó. Trước đó nhiều năm, C. S. Lewis đã hỏi rằng: “Có sự khác nhau giữa một người cho rằng trung thực là chính sách tốt nhất với một người trung thực hay không?” Ông tin, cũng như nhiều người sau đó đã tin, là có.

Nguyên nhân là, việc theo đuổi tư lợi có thể dẫn đến kết quả là công ty muốn giữ danh tiếng là trung thực, việc theo đuổi tư lợi có thể không dẫn tới cam kết là liêm khiết hay thật thà như là giá trị cao quí nhất của công ty, mọi người trong công ty phải thừa nhận và sẽ bị phán xử theo những tiêu chí đó. Lí do là hiển nhiên: có những trường hợp, khi trung thực không phải là mối quan tâm cao nhất của công ty, nếu sắc xuất bị phát hiện là rất thấp thì người ta sẽ dối trá miễn là danh tiếng của công ty không bị mất.

Hậu quả của việc theo đuổi biểu hiện của tính trung thực chứ không phải chính tính trung thực có thể dẫn tới sự thiếu liêm chính ngay tại cơ quan đầu não của công ty và ban quan trị có thể chấp nhận tiêu chuẩn kép. Ban lãnh đạo và ban quản lí cao cấp sẽ bị coi là những kẻ đạo đức giả. Khi dối trá càng ngày càng bị bỏ qua, và khi tiêu chuẩn kép được chấp nhận trên thực tế thì nhất định sẽ xảy ra những vụ tai tiếng. Vấn đề chỉ còn là thời gian mà thôi. Nếu ban lãnh đạo công ty không tin vào sự tồn tại của những tiêu chuẩn tuyệt đối, tức là những tiêu chuẩn có giá trị tự thân và họ phải phục tùng, thì khó có thể hiểu được làm thế nào mà công ty có thể tiếp tục đưa trung thực vào trong những giá trị cốt lõi của nó. Tính cách lươn lẹo của con người, nơi ẩn trú của tính tự tư tự lợi, không thể là nền tảng để xây dựng những giá trị đạo đức lâu dài được. Cần phải có một cái gì đó lớn hơn tính tự tư tự lợi của những người lãnh đạo doanh nghiệp thì đức hạnh mới đứng vững được.

Cơ sở khác cho sự hình thành các tiêu chuẩn đạo đức trong kinh doanh là hình thức đạo đức toàn cầu dựa trên những giá trị chung của nhân loại, kết hợp với những quan niệm của các tôn giáo trên thế giới và truyền thống đạo đức. Cơ sở này công nhận rằng tôn giáo vẫn là một lực lượng mạnh mẽ nhưng cũng công nhận rằng đối với nhiều người thì phi tôn giáo có nghĩa là giải phóng khỏi mọi tín ngưỡng. Mặc dù phi tôn giáo cổ vũ người ta coi mình là người kế thừa chân chính và độc lập của tinh thần Khai sáng, nhưng vẫn có những động cơ thúc đẩy người ta hướng tới những tiêu chuẩn đạo đức căn bản và những hệ giá trị bắt buộc, dựa trên những giá trị chung của nhân loại, tức là những giá trị được nhiều người chấp nhận và công nhận như là tiêu chuẩn của hành vi. Mục tiêu của những người ủng hộ cách tiếp cận này là xây dựng một nền đạo đức mang tính toàn cầu, dựa trên những truyền thống tôn giáo lớn, nhưng đồng thời cũng được những người không có đạo ủng hộ.

Có thể nói giáo sư thần học Hans Kung ở trường đại học Tubingen là người say mê nhất dự án này, ông đã bỏ biết bao nhiêu thời gian và công sức để tìm cách phát triển một nền đạo đức toàn cầu mới, làm cơ sở cho xã hội toàn cầu và coi nền đạo đức đó là sự kết hợp những giá trị, tiêu chuẩn, thái độ, cần thiết nhất, tối thiểu nhất và chung nhất của nhân loại[9]. Hội đồng tôn giáo toàn cầu [The Council of the Parliament of the World’s Religions] họp ở Chicago vào năm 1993 – hội nghị đầu tiên trên thế giới – đã ra Tuyên bố về nền đạo đức toàn cầu. Tuyên bố này dựa trên hai nguyên tắc song hành là mọi người đều phải được đối xử một cách nhân đạo và hãy làm cho người khác những gì mình muốn họ làm cho mình. Nó bao trùm lên tất cả các khía cạnh của đời sống, kể cả công việc kinh doanh và đòi hỏi phải thực hiện những cam kết chủ chốt như tôn trọng cuộc sống và trật tự kinh tế công bằng, dựa trên những nguyên tắc đặc biệt như tình đoàn kết, trung thực, lòng khoan dung và quyền bình đẳng. Mặc dù không đưa ra đạo đức đặc thù cho lĩnh vực kinh doanh, cách tiếp cận này rất gần với Qui tắc đạo đức được trình ra tại Diễn đàn kinh tế Davos [Davos management forum] vào năm 1970[10] và các Nguyên tắc Kinh doanh [Principles for Business] trong Caux Round Table (1980)[11], thậm chí có một số đặc điểm chung với Tuyên bố liên tôn giáo về Qui tắc đạo đức trong nền thương mại quốc tế[12] [interfaith Declaration on a Code for Ethics for International Business] ở St George’s House,Windsor,  mặc dù tuyên bố này chỉ là tuyên bố của những người theo Do Thái giáo, Thiên chúa giáo và Hồi giáo mà thôi. Các điều khoản của cả ba bản tuyên bố này đều nhấn mạnh đến trách nhiệm trước các cổ đông và không chỉ cổ đông, mà còn nhấn mạnh những giá trị nền tảng như phẩm giá của con người, sự thật, công bằng, tôn trọng lẫn nhau, tinh thần phục vụ, điều độ và khiêm nhường. Nền đạo đức toàn cầu mà Kung dự kiến còn nhấn mạnh nhu cầu của một sự đồng thuận mới trên bình diện xã hội, đấy sẽ là một khế ước mới giữa lao động, nhà đầu tư và chính phủ.

Sức mạnh của cách tiếp cận đạo đức toàn cầu này là nó chấp nhận chủ nghĩa đa nguyên và chủ nghĩa thế tục, nó không chấp nhận những lời răn dạy xưa cũ và chủ nghĩa chính thống. Nó bao gôm tất cả, hiện đại và không mang trên mình gánh nặng của quá khứ. Nó được thiết kế một cách chuyên biệt cho nền kinh tế toàn cầu hiện đại. Vấn đề mà tôi đặt ra ở đây là động cơ. Nói một cách đơn giản nhất là vì sao người ta phải thực hành đạo đức toàn cầu? Mặc dù đấy là một công việc đầy thử thách, nhưng cuối cùng thì lập ra một nền đạo đức phù hợp, mang tính nhân bản và toàn diện cho công việc kinh danh, được cả những người có đạo cũng như những người không theo đạo nào chấp nhận, không phải là việc khó. Nhưng thiết kế ra nền đạo đức và đưa nó vào thực tiễn là hai việc hoàn toàn khác nhau. Tuyên bố liên tôn giáo đã thành thật công nhận rằng cuộc sống trên hành tinh của chúng ta, trong đó có cả công việc kinh doanh, không thể được cải thiện “trừ phi nhận thức của cá nhân có thay đổi[13]”. Đây là yêu cầu cấp bách. Do đó người ta đã hứa “làm việc nhằm chuyển hóa nhận thức của cá nhân và tập thể, nhằm đánh thức sức mạnh tinh thần của chúng ta thông qua tư duy, thiền định và cầu nguyện hay suy nghĩ một cách tích cực, nhằm cải tạo tâm hồn. Cùng nhau, chúng ta có thể rời núi lấp biển[14]”. Vấn đề của nền đạo đức toàn cầu là nó nhất định phải thấp hơn giá trị trung bình của cả tôn giáo lẫn phi tôn giáo. Và như thế, nó không thể và không bao giờ có thể trả lời được những vấn đề mà tôn giáo giải quyết, thí dụ như ý nghĩa của cuộc đời, hay cung cấp cho người ta những giá trị, qui tắc hay lí tưởng tuyệt đối làm tiêu chuẩn hành động hoặc tạo ra hi vọng dựa trên hiểu biết về lịch sử; hoặc lặp lại lời kêu gọi do Chúa toàn năng và yêu thương tất cả đã đưa ra cho mỗi người. Tuyên bố liên tôn giáo chỉ rõ rằng sống với nền đạo đức toàn cầu đòi hỏi phải chuyển hóa nhận thức, cải tạo tâm hồn, nhưng thật khó tưởng tượng làm sao có thể cải tạo nếu không có tôn giáo.

Lựa chọn thứ ba: tiêu chuẩn đạo đức là các tôn giáo độc thần mặc khải như Do Thái giáo, đạo Hồi hay đạo Thiên chúa. Một trong những sức  mạnh của các tôn giáo này là tiêu chuẩn đạo đức được khắc trên đá và ghi trong những Kinh Sách. Mặc dù việc sử dụng những Điều Răn làm cơ sở của tiêu chuẩn đạo đức trong doanh nghiệp hiện đại có phát sinh một số phức tạp nhất định. Nhưng những Điều Răn không chỉ là hiện thân của một tập hợp mang tính khách quan của những giá trị đạo đức tuyệt đối mà còn kèm theo trách nhiệm phải tuân thủ luật đạo đức nữa. Đạo Do Thái-Thiên chúa giáo trong lịch sử từng là cơ sở cho sự phát triển của nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là ở Anh và Mĩ. Nhiều công ty mà tên gọi đã trở thành nổi tiếng khởi kì thủy đã gây được ảnh hưởng tôn giáo rất lớn như: Cadburys, Rowntrees, Barclays, Wedgwood, Unilever, Laing, đấy là chỉ kể một số mà thôi. Trong khi cách tiếp cận đạo đức theo lối tôn giáo có nhiều điểm chung với những cách tiệp cận triết học nhưng phi tôn giáo như thừa nhận ý thức bẩm sinh về trách nhiệm đạo đức, nhận thức mang tính trực giác về những tiêu chí đạo đức khác nhau, quan niệm về thế giới hoàn hảo và ý nghĩa quan trọng của cuộc đấu tranh cho mục tiêu đức hạnh, nhưng cách tiếp cận theo lối tôn giáo khác ở chỗ là đức hạnh có nguồn gốc tôn giáo. Trong Kinh Cựu Ước, thế giới và chúng ta, những người sống trên đó đều là một phần của trật tự được Chúa sáng tạo ra và đời sống đức hạnh là tuân theo điều luật và qui định  đã được Chúa mặc khải cho người Do Thái, là những người mà Chúa kí giao kèo. Lời kinh, thí dụ như: “Phước cho người nào kính sợ Đức Giê-hô-va, Rất ưa thích điều răn của Ngài!” được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Kinh Cựu Ước. Trong Kinh Tân Ước, cơ sở để cá nhân hành xử theo những đòi hỏi đạo đức của Phúc âm là cuộc đời, sự chết và sự tái sinh của Jesus Christ. Vì vậy mà lời khuyên của Thánh Paul cho nhà thờ ở Ephesus: “Tôi nài khuyên anh em phải ăn ở cách xứng đáng với ơn kêu gọi mà anh em đã được gọi” (Thơ của Phao-Lồ gửi cho Ê-Phê-Sô), cũng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong Kinh Tân Ước.

Mặc dù giữa ba tôn giáo độc thần nói trên có những khác biệt căn bản, nhưng học thuyết tôn giáo và đạo đức của cả ba đều có chung nền tảng và cả ba đều xây dựng đức hạnh trên cơ sở tôn giáo. Qui tắc đạo đức trong nền thương mại quốc tế là kết quả của quá trình tham vấn về đề tài được lấy ra từ bốn khía cạnh của học thuyết liên quan đến vấn đề kinh doanh. Một là nguyên tắc công bằng, thứ hai là tôn trọng lẫn nhau, “yêu người ta như mình tôi vậy”; thứ ba là tinh thần làm chủ, nghĩa là trách nhiệm của nhân loại trước sự sáng tạo của Chúa; và cuối cùng là tính trung thực hay là liêm chính, bao gồm tính thật thà và tinh thần trách nhiệm.

Sức mạnh của cách tiếp cận tôn giáo được thể hiện trong qui định pháp luật, thí dụ như Mười Điều Răn là một giá trị tuyệt đối, với những huấn thị cụ thể như “Ngươi phải” hoặc “Ngươi không được”. Các qui định đều rõ ràng và đưa ra biện pháp chế tài đối với hành vi của con người. Nó đã vượt qua thử thách của thời gian. Mặc dù trong những thế kỉ qua đã có nhiều thay đổi trong ngôn ngữ, văn hóa và cơ cấu kinh tế nhưng các tôn giáo mặc khải vẫn chứng tỏ được khà năng thích ứng vô song đối với những hoàn cảnh mới mà không cần thay đổi những đức tin nòng cốt.

Khiếm khuyết của cách tiếp cận tôn giáo là trong thế giới hiện đại hoặc hậu hiện đại ngày nay mà nó vẫn mang theo những quan niệm của thế giới xưa cũ. Đúng là vốn liếng đạo đức của truyến thống Do Thái giáo-Thiên chúa giáo đã bị chủ nghĩa thế tục bào mòn đáng kể, nhất là ở châu Âu, nhưng vẫn có thể nói rằng tôn giáo vẫn còn khá mạnh và trên thực tế trong mấy thập niên qua đã được tăng cường nhờ một loạt các xuất bản phẩm và những lời tuyên bố của các nhà thờ và lãnh tụ tôn giáo. Thí dụ, từ đầu những năm 1960 Đức Giáo hoàng đã công bố ít nhất là mười bốn thông tri có liên quan tới kinh doanh và các vấn đề kinh tế. Những lời tuyên bố về nến kinh tế Mĩ do Đức Tổng giám mục Mĩ đưa ra trong những năm 1980 và tuyên bố về khái niệm quyền lợi chung đối với đời sống kinh tể của những vị chủ chăn khác ở nước này trong những năm 1990 là những tài liệu có ảnh hưởng lớn. Ở Anh, báo cáo Đức tin trong các thành phố[15] của Lord Runcie, Tổng Giám mục ở Canterbury, công bố vào giữa những năm 80 của thế kỉ trước đã khuấy động một cuộc tranh luận sôi nổi về sự công bằng của nền kinh tế thị trường và trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp. Giáo sư Robert Fogel ở trường đại học Chicago [University of Chicago], người từng được giải Nobel về kinh tế học, trong tác phẩm đầy hấp dẫn: Lần thức tỉnh thứ tư [The Fourth Great Awakening[16]], đã khẳng định rằng từ cuối những năm 1950 và đầu những năm 1960 nước Mĩ đã chứng kiến một sự thức tỉnh mới về mặt tôn giáo – lần thức tỉnh thứ tư trong lịch sử nước này- và nó đã tạo ra một chương trình nghị sợ mới cho cuộc cải cách xã hội và chính trị, cả trên bình diện đạo đức lẫn tinh thần. Mặc dù ông không nói rõ, nhưng thật khó tưởng tượng làm sao mà phong trào đó lại không có ảnh hưởng đối với đời sống kinh tế. Mặc dù đã diễn ra quá trình thế tục hóa và sự phát triển của chủ nghĩa hậu hiện đại, nhưng tôn giáo vẫn là lực lượng sống động ở Mĩ và do ảnh hưởng của các công ty Mĩ mà có ảnh hưởng đến công việc kinh doanh trên toàn thế giới.

Rõ ràng là có nhiều câu trả lời cho câu hỏi thứ hai:Tiêu chuẩn đạo đức của doanh nghiệp có xuất xứ từ đâu?”. Muốn cho tiêu chuẩn đạo đức có ý nghĩa thì nó phải cụ thể và thực tế chứ không được mơ hồ và trừu tượng: nó phải mạnh mẽ, vượt qua được thử thách của thời gian, nó phải được coi là hợp tình hợp lí và thể hiện được trí tuệ. Nó phải ngăn chặn được những ảnh hưởng cực đoan và chế tài hiệu quả một số hành vi. Theo các tiêu chuẩn đó thì tôi ngờ là tính tư lợi khó có thể là nguồn gốc của tiêu chuẩn đạo đức có đủ sức mạnh để đứng vững và có đủ sức mạnh để có thể gây được ảnh hưởng đối với hành vi của người ta. Thêm thắt, che dấu và lừa dối bao giờ cũng có sức cám dỗ rất lớn. Nền đạo đức mang tính nhân bản toàn cầu khó có thể trở thành hiện thực vì nó đòi phải chuyển hóa nhận thức nhưng lại không đưa ra phương tiện để làm điều đó. Từ quan điểm này thì tôn giáo là lực lượng đầy sức mạnh. Các tôn giáo nói trên là những tôn giáo coi kinh doanh là một thiên hướng hay một chức phận, cho nên sự nghiệp kinh doanh được coi là phụng sự Chúa Trời, là cội nguồn mạnh nhất để từ đó ta có thể thiết lập, tìm thấy và khuyến khích những tiêu chuẩn đạo đức tuyệt đối trong hoạt động kinh doanh.

Tiêu chuẩn đạo đức hoạt động như thế nào và làm sao áp dụng được tiêu chuẩn đạo đức trong một xã hội đa nguyên?

Muốn hoạt động được thì tiêu chuẩn đạo đức phải được đặt ra một cách rõ ràng. Kết quả là ngay khi được nhận vào làm mỗi người đã biết chính xác đây là tổ chức như thế nào và họ phải là gì để đáp ứng kì vọng của doanh nghiệp. Tiêu chuẩn đạo đức như thế có thể được ghi rõ trong điều lệ hay mục tiêu của công ty, trong các nguyên tắc kinh doanh, thông qua chương trình huấn luyện và những bài phát biểu, trong báo cáo định kì hàng năm, và thông qua những hoạt động mà công ty tài trợ.

Khi đưa tiêu chuẩn đạo đức vào xã hội đa nguyên mà ta đang sống thì điều quan trọng là tiêu chuẩn đó phải được những người làm việc cho và đầu tư vào công ty chấp nhận. Dù công ty không phải là chế độ dân chủ, nhưng cũng không thể thiết lập được tiêu chuẩn đạo đức nếu nó không được những người làm việc trong đó đồng ý, dù không nói ra. Họ phải coi tiêu chuẩn đó là của chính mình. Nếu không thì tiêu chuẩn trở thành vô giá trị, hay tệ hơn, có rất nhiều tiêu chuẩn khác nhau, nhưng chúng chỉ gây ra hỗn loạn thêm mà thôi. Nếu người lao động không chấp nhận tiêu chuẩn đó thì họ có thể bỏ đi và tìm việc trong công ty với tiêu chuẩn phù hợp hơn với họ. Tương tự như thế, nếu các cổ đông không chấp nhận tiêu chuẩn đó thì họ có thể bán cổ phiếu, nhưng tệ hơn nữa là họ cứ giữ cổ phiếu và vận động mọi người đứng lên chống lại những giá trị của công ty bằng cách gây khó khăn trong những cuộc họp cổ đông. Tình hình có thể còn xấu hơn nếu họ được người tiêu dùng ủng hộ bằng cách phản đối công khai, hay sẵn sàng mua ở những chỗ khác và bị cộng đồng nơi công ty đặt nhà máy phản đối thông qua các tiến trình chính trị.  Nếu người ta phải chấp nhận những tiêu chuẩn mà công ty đặt ra thì họ phải nhìn thấy những mục tiêu thực tiễn của chúng: cung cấp cho người tiêu dùng dịch vụ tốt hơn, cải thiện chất lượng công việc được thuê làm bên ngoài, tôn trọng người lao động, giúp người lao động khi có khó khăn, tạo điều kiện và cải thiện cuộc sống trong nội bộ công ty.

Ban lãnh đạo công ty có vai trò quan trọng và đặc biệt trong việc giữ gìn các tiêu chuẩn đạo đức đã được công bố. Vai trò gương mẫu của ban lãnh đạo là tiếng nói đầy sức mạnh về sự gắn bó của công ty đối với những giá trị của họ, cho nên trước hết, các nhà lãnh đạo phải tự mình sống bằng tiêu chuẩn đó. Đặt ra tiêu chuẩn một cách hợp lí, làm rõ những nguyên tắc làm cơ sở cho nó và những đặc điểm của nó trong tất cả các lĩnh vực của đời sống công ty là những tác nhân quan trọng. Nhưng đây chỉ là một phần của câu chuyện. Trong tác phẩm Đức dục (Ethics[17]), Aristotle đã làm rõ sự khác nhau giữa sự trong trắng về mặt trí tuệ và sự trong trắng về mặt đạo đức. “Sự trong trắng về mặt đạo đức đa phần là sản phẩm của thói quen và nói cho ngay là xuất phát từ tên của nó, với một ít thay đổi về hình thức, từ cái từ đó … Thiên hướng đạo đức của chúng ta được hình thành như là kết quả của những hoạt động đáp ứng… Vì vậy mà trong thời niên thiếu ta được huấn luyện thói quen này hay thói quen kia không phải là chuyện nhỏ: ngược lại, đấy là điều rất quan trọng thậm chí là quan trọng nhất”. Nhận thức sâu sắc như thế, mà cụ thể là hình thành thói quen là tác nhân quan trọng nhất trong việc phát triển hành vi mang tính đạo đức, liên quan đến việc nuôi dạy trẻ em, nhưng cũng liên quan đến việc thực hành những tiêu chuẩn đạo đức trong nội bộ công ty.

Điều đó cho thấy rằng thói quen thể hiện cách thức công ty giải quyết công việc hàng ngày là tác nhân quan trọng, vì người ta sẽ coi những thói quen này là những giá trị thực sự của công ty: sự tôn trọng của ban lãnh đạo đối với người lao động, chăm lo đối với việc phát triển tay nghề của người lao động, sự cởi mở của những người lãnh đạo các đơn vị trong khi trình bày kết quả công tác và ngân sách của họ, việc lựa chọn những người được thăng chức, cách thức thực hiện tiêu chuẩn đạo đức trong các chi nhánh của công ty, xử lí các nhà quản lí kém hiệu quả, sự cởi mở của ban lãnh đạo trước những ý kiến trái chiều .v.v..  Nếu các nhân viên thấy rằng công ty tôn trọng một cách nhất quán tiêu chuẩn do mình lựa chọn thì những hoạt động thường ngày mà người ta chứng kiến sẽ trở thành thói quen và củng cố thêm tiêu chuẩn của công ty; còn nếu không có sự nhất quán, không dám đối mặt với những trường hợp khó khăn, một số người không phải tuân thủ tiêu chuẩn, thì người ta cũng nhanh chóng nhận ra và một thói quen mới sẽ được hình thành, đến lúc nào đó nó sẽ làm mất giá tiêu chuẩn mà công ty tự đặt ra.

Trong quá trình thực hiện tiêu chuẩn thì cả ban lãnh đạo công ty phải tham gia chứ không chỉ một mình ông giám đốc điều hành là có thể làm được. Muốn thiết lập được tiêu chuẩn thì phải có  một nhóm các nhà lãnh đạo nòng cốt tận tụy ở cấp cao nhất, những người sẵn sàng bảo vệ tiêu chuẩn đó, đồng thời tất cả các cấp lãnh đạo trong tổ chức cũng phải sẵn sàng coi nó là ưu tiên hàng đầu. Điều đó sẽ có ý nghĩa cực kì quan trọng đối với quá trình tuyển dụng và bố trí nhân viên của công ty. Một trong những tiêu chí của chính sách tuyển dụng là người được thuê mướn phải chấp nhận những giá trị đã được minh định rõ ràng: những người không thể hoặc sẽ không chấp nhận phải bị gạt ngay. Xin được nhấn mạnh một vấn đề: cân nhắc trong việc chuyển người trong khắp tổ chức để bảo đảm rằng những người thể hiện được nền văn hóa của công ty được đưa đến những vị trí mà họ có thể tạo được ảnh hưởng to lớn nhất đối với tổ chức. Mặt khác, tinh thần đồng đội sẽ bị tổn thất nặng nề nhất, nếu việc thăng chức trước hết dựa trên sự phù hợp với tiêu chuẩn văn hóa mà không dựa trên khả năng hoàn thành nhiệm vụ của những cá nhân liên quan. Mặc dù không chứng minh được, nhưng tôi tin rằng cùng với thời gian, tiêu chuẩn đạo đức độc lập không chỉ là một điều gì đó tự bản thân nó là tốt đẹp mà còn có lợi cho cả cổ đông lẫn người lao động nữa. Tiêu chuẩn đó không bao giờ có thể thay thế được cho các biện pháp quản lí khác nhau như chiến lược, hệ thống, cơ sở hạ tầng hay những người lãnh đạo có tài. Nhưng cùng với thời gian, tính trung thực sẽ tạo ra niềm tin, người ta sẽ đáp ứng theo một cách khác khi được tôn trọng, chất lượng phục vụ cao sẽ tạo ra lòng trung thành của người tiêu dùng, và sẽ có ít khách hàng và nhân viên bỏ đi hơn. Công ty gắn bó với tiêu chuẩn sẽ cảm thấy rằng mỗi ngày làm việc đều là thử thách và ngày làm việc nào cũng là một ngày mới.

Công ty tôn trọng tiêu chuẩn đạo đức có vai trò quan trọng như thế nào đối với xã hội?

Mặc dù không phải lúc nào cũng được tín nhiệm, nhưng công ty kinh doanh hiện đại đã trở thành người đi đầu trong việc truyền bá các giá trị trong xã hội chúng ta. Nó chưa được tín nhiệm đúng mức là vì nhiều người thường đồng nhất công ty với việc tối đa hóa lợi nhuận hoặc tối đa hóa thu nhập của cổ đông, những giá trị được coi là kết quả của nạn độc quyền, các cartel và giá quá cao, mức đền bù quá đáng cho những người quản lí, những vụ bê bối tài chính và gây nguy hiểm cho môi trường - tất cả những điều đó đều bị coi là có hại cho quyền lợi của xã hội. Đây là đề tài phức tạp, không thể nói chi tiết ở đây được, nhưng những điểm sau đây là đặc biệt có ý nghĩa.

Thứ nhất, đa phần các công ty hiện nay đều có một tập hợp hiển ngôn các tiêu chuẩn thể hiện những quan điểm mạnh mẽ về mặt đạo đức, trong lĩnh vực công cộng và đòi hỏi dưới dạng những tiêu chuẩn hành động mà họ đặt ra cho tất cả các nhân viên của công ty. Thứ hai, cùng với sự suy giảm ảnh hưởng của nhà thờ và sự thất bại trong đời sống gia đình ở phương Tây, công ty đã trở thành cộng đồng càng ngày càng có vai trò quan trọng hơn vì người ta dành nhiều thời gian làm việc trong công ty, và thường thì những người làm việc cùng công ty cũng là nhóm quan trọng cho việc hình thành quan hệ ban bè. Thứ ba, công ty càng ngày càng có vai trò quan trọng cho những đóng góp từ thiện, cả bằng tiền mặt lẫn thông qua những chương trình hướng dẫn. Thứ tư, một phần là do thành tích và danh tiếng của lĩnh vực tư nhân vì sử dụng hiệu quả những nguồn lực sẵn có, nhưng một phần cũng vì sự tôn trọng các giá trị của công ty mà các công ty tư nhân đã được đề nghị điều hành một số định chế công cộng như các trường học kém chất lượng hoặc đóng vai trò quan trọng hơn trong việc thực hiện công tác xã hội hay chăm sóc sức khỏe, những công việc mà cách đây vài thập kỉ không ai có thể nghĩ là các công ty sẽ đứng ra đảm nhận. Thứ năm, người ta có cơ hội thăng tiến thông qua những chương trình đào tạo và thực hiện trách nhiệm mà công ty giao cho họ. Thứ sáu, trong lĩnh vực đào tạo, khu vực công cộng càng ngày càng muốn làm việc với những đối tác trong lĩnh vực tư nhân nhằm triển khai các chương trình đào tạo và học tập suốt đời. Và thứ bảy, sự tập trung chú ý vào việc quản lí công ty một cách hiệu quả tại nhiều nước phương Tây kết hợp với những đòi hỏi mang tính pháp qui, yêu cầu công ty phải minh bạch hơn, tạo cho các công ty vai trò quan trọng trên trường quốc tế trong việc thúc đẩy những tiêu chuẩn về trách nhiệm giải trình trong những nước đang còn phải vật vã trong cuộc chiến đấu nhằm đưa ra các tiêu chuẩn như thế.

Kết luận

Quan niệm công ty kinh doanh như một cộng đồng đạo đức chỉ là một khía cạnh trong đời sống kinh tế mà thôi. Nó chưa phải là đề tài quan trọng trong chương trình nghị sự vì khó đo lường được tác động và ảnh hưởng kéo dài của nó. Nhưng nếu được quản lí tốt, việc xác lập một cách  rõ ràng những tiêu chuẩn đạo đức trong nội bộ công ty có thể mang lại lợi ích đáng kể cho tất cả những người có quan hệ với công ty đó.

Nguồn: http://www.iea.org.uk/publications/research/capitalism-morality-and-markets




[1] Bernard Mandeville, The Fable of the Bees: or Private Vices, Publick Benefits, Oxford,
Clarendon Press, 1924. Republished Liberty Press, Indianapolis 1988.

[2] Adam Smith, The Theory of Moral Sentiments, 1759, pp. 485-6
[3] Milton Friedman, ÔThe Social Responsibility of Business is to Increase Its ProfitsÕ.
Reprinted in Ethical Theory and Business, T. Beauchamp and N. Bowie (eds.), En -
glewood Cliffs, New Jersey, Prentice Hall, 1988.
[4] Francis Fukuyama, The Great Disruption, Profile Books, London 1999, p. 254.

[5] Ibid, p. 256
[6] The fullest treatment of this subject is in the three volumes of Law, Legislation and
Liberty, Friedrich Hayek, Chicago University Press, Chicago, vol. I, “Rules and
Order”, 1973, vol. II, “The Mirage of Social Justice”, 1978, vol. III, “The Political
Order of a Free People”, 1981.

[7] ibid, vol. I, p. 44.

[8] ibid, vol. I, p. 17.

[9] See in particular Hans Kung and Helmut Schmidt (eds.), A Global Ethic and Global Responsibilities: Two Declarations, SCM, London, 1993; Hans Kung (ed.), Yes to a Global Ethic, SCM, London, 1995; Hans Kung, A Global Ethic for Global Politics and Economics, SCM, London, 1997.

[10] See Rosemarie Fiedler-Winter, Die Moral Der Manager, Seewald Verlag 1977.

[11] Caux Round Table Principles for Business, 1980.

[12] Interfaith Declaration. Code of Ethics on International Business for Christians, Muslims
and Jews, Interfaith Foundation, October 1993.

[13] Hans Kung and Helmut Schmidt (eds.), A Global Ethic and Global Responsibilities:
Two Declarations, SCM, London, 1993, p. 31.

[14] ibid, p. 32.

[15] Archbishop of Canterbury’s Commission on Urban Priority Areas, Faith in the City, Church House Publishing, London, 1985.

[16] Robert William Fogel, The Fourth Great Awakening, University of Chicago Press, Chicago, 2000.

[17] For a useful discussion of Aristotle’s Ethics see Alisdair MacIntyre, A Short History
of Ethics, Routledge and Kegan Paul, London, 1967.

No comments:

Post a Comment