November 8, 2011

Wacław Radziwinowicz (Gazeta Wyborcza – Ba Lan, 27/10/2011) – Tội ác của Đảng Bolsevich được đưa lên màn ảnh

Wacław Radziwinowicz (Gazeta Wyborcza – Ba Lan, 27/10/2011) – Tội ác của Đảng Bolsevich được đưa lên màn ảnh

Phạm Nguyên Trường dịch.

Bản dịch được thực hiện nhân kỉ niệm Cách mạng Tháng mười Nga

Hôm nay trên màn ảnh nước Nga sẽ xuất hiện bộ phim nói về một trong những tội ác man rợ nhất của những người Bolsevich – đấy là vụ đàn áp cuộc khởi nghĩa nông dân tỉnh Tambov vào năm 1921.

Vào một buổi tối thức ba nọ, rạp chiếu bóng mang tên “Thiếu niên tiền phong” vừa cho chiếu thử bộ phim Ngày xưa có một bà của đạo diễn nổi tiếng Adrey Smirnov, khán giả lặng lẽ nhìn những hàng chữ chạy trên màn ảnh. Sau đó một số người vừa lau nước mắt vừa vỗ tay.


“Em không muốn xem phim này! Em không muốn người ta chiếu cho xem phim đó”, một cô gái gào lên với người bạn trai ngay trên lối ra. “Đấy là lịch sử của chúng ta, cần phải xem chứ”, người bạn an ủi cô. “Không, em không muốn quá khứ như thế”, cô ta vẫn khăng khăng.

Người Nga trung bình không biết gì hoặc gần như không biết gì về những sự kiện xảy ra các đây 90 năm. Hôm thứ ba, khi giảng bài cho sinh viên kho báo chí trường Đại học quốc tế ở Moskva, tôi đã hỏi xem họ biết năm 1921 ở trong nước đã xảy ra những chuyện gì. Họ không trả lời được. Tôi lại hỏ ai đã vào khu Butovo ở Moskva, nơi, vào những năm 1930 Dân ủy nội vụ đã giết và chôn 20 ngàn người dân thủ đô. Không ai vào. Ở nước Nga người ta rất ít khi nói đến những chuyện như thế.

Smirnov – đạo diễn, tác giả kịch bản và đồng thời là nhà sản xuất bộ phim – đã dành một phần tư thế kỉ cho việc nghiên cứu tài liệu trong văn khố Ủy ban khẩn cấp toàn Nga và Dân ủy nội vụ về cuộc nổi dậy của nông dân tỉnh Tambov. Nằm ở phía Đông-Bắc Moskva và cách thủ đô 400 km, trước Cách mạng Tháng mười năm 1917 đây là khu vực cực kì giàu có. Cuối thế kỉ XIX người ta đã lấy từ đây một mét khối đất để đưa đến Vụ đo đạc và cân ở thành phố Sevr, ngoại ô Paris, làm tiêu chuẩn về đất màu mỡ nhất thế giới.

Sau cách mạng, những người Bolsevich đã tạo được nạn đói ngay cả ở những vùng đất như thế và biến người nông dân ở đó thành những kẻ đói khát. Vladimir Lenin đã thiết lập hệ thống giao nộp lương thực bắt buộc và năm 1919 tỉnh Tambov phải giao cho chính quyền mới nhiều lương thực hơn là họ có thể sản xuất được.

Nông dân vùng lên. Họ thành lập được hai quân đoàn, mỗi quân đoàn gồm có 50 ngàn chiến sĩ và đã chiến đấu chống lại Bolsevich trong vòng hai năm. Mùa xuân năm 1921 Lenin cử tướng Mikhail Tukhatrevski chỉ huy đội quân 100 ngàn người cùng với xe bọc thép, máy bay và hơi ngạt chống lại họ. Vị nguyên soái tương lai của Liên Xô – người sau này bị Stalin giết trong cuộc đại thanh trừng trong những năm 1930  – đã đánh tan những người nổi dậy, ông ta sử dụng hơi ngạt và bắn giết hàng trăm con tin (có nhiều phụ nữ và trẻ con).

Câu chuyện của Smirnov nói về số phận của một cô gái nông thôn tên là Varvara, năm 1909 cô lấy một người nông dân giàu có. Trong gia đình chồng, cô bị đánh đập và lăng nhục, lại còn suýt bị bố chồng hiếp nữa. Người chống mà cô không yêu chết, và cô đã tìm hạnh phúc giản dị trong suốt nhiều năm ròng. Cô không hiểu vì sao những người Bolsevich lại tịch thu tất cả lương thực của mẹ con cô, vì sao họ lại giết những người đàn ông đứng ra bảo vệ tượng Chúa và bắt nốt những người đàn ông của cô. Người mà cô quyết định sống chung đã bị họ bắn cùng với những con tin khác ngay dưới chân tường nhà thờ: họ giết vì dân làng không chỉ chỉ chỗ ẩn nấp của những người nổi dậy.

Ngày xưa có một bà tấn công vào hai huyền thoại yêu thích của người Nga. Nó thể hiện Bolsevich là những tên tội phạm tàn ác, mất hết tính người. Nó cũng không nương nhẹ với nước Nga thời Sa hoàng, mà nhiều người vẫn cho là thiên đường đã mất. Nông thôn Nga thời trước Cách mạng trong phim của Smirnov trông rất bẩn, còn dân chúng thì dã man và bất công.

Không có gì ngạc nhiên khi nhiều người sử dụng iternet (chưa hề xem phim) đã kết tội Smirnov là “bài Nga” và làm bẩn đầu óc khán giả. Nhưng có thể được nhiều người xem vì được quảng cáo rộng rãi trên TV, nó có hẳn một website và báo chí viết nhiều về nó.

“Đây là bộ phim đầu tiên mà tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm. Hoàn toàn không có kiểm duyệt” – Smirnov nói với phóng viên báo Gazeta Wyborcza như thế.

Phần lớn số tiền 6 tỉ (có lẽ là tỉ rub – ND) là do nhá nước cấp. Nhà nước thường chi những khoản tiền lớn cho những bộ phim ca ngợi các chiến sĩ tình báo và anh hùng thời cộng sản. Số còn lại là do các mạnh thường quân gần gũi với chính quyền hiện nay, trong đó có, thí dụ như Liubov Sliska – một trong những người lãnh đạo đảng Nước Nga thống nhất. Nhờ thế mà Smirnov có thể vung tay quá trán trong quá trình quay phim: 200 diễn viên chuyên nghiệp và rất nhiều quần chúng tham gia.

Sự tham gia tích cực của nhà nước vào quá trình sản xuất và quảng cáo bộ phim bài-Xô này phù hợp với chính sách phi-Stalin-hóa đời sống do tổng thống Medvedev chủ xướng. Các thành viên Ủy ban quyền con người và phát triển xã hội dân chủ trực thuộc điện Cẩm Linh, chuyên về vấn đề này, tin rằng người Nga muốn thanh toán với quá khứ cộng sản, sau khi họ biết được những chuyện của quá khứ qua sách giáo khoa, báo chí, phim ảnh và sách văn học.

Dịch theo bản tiếng Nga tại địa chỉ: http://www.inosmi.ru/poland/20111027/176700336.html

2 comments:

  1. Bao giờ VN có một phim như thế

    ReplyDelete
  2. Nếu sau này VN làm phim, sẽ đổi tựa phim thành " Ngày xưa có một...Cụ". Cảm ơn Phạm Nguyên Trường

    ReplyDelete