April 20, 2011

William Broyles Jr. – Tại sao người ta lại thích chiến tranh (kỳ cuối)

Nghệ thuật và chiến tranh có thời được người ta liên hệ với nghệ thuật và tôn giáo. Các nghệ sĩ thời Trung cổ và Phục hưng đã để lại cho chúng ta những ngôi nhà thờ hoành tráng, nhưng họ cũng để lại cho chúng ta những bức tượng đồng nói về chiến tranh, những thanh kiếm và nòng súng hoả mai, những khẩu thần công đẹp tuyệt vời, nghệ thuật dùng dâng hiến cho thần chiến tranh cũng cung kính như những bàn thờ chạm khắc dâng hiến cho thần tình yêu vậy. Chiến tranh là nghi lễ công cộng cao quí nhất, những khẩu súng thần công được trang hoàng đẹp đẽ trong đền Invalids ở Paris và những chiếc xe với hình các vị thần trong Viện bảo tàng Nghệ thuật (the Metropolitan Museum of Art) chứng thực một cách hùng hồn rằng Con Người yêu vũ khí không chỉ là vì nó giúp họ thoát chết mà còn vì một lí do sâu sắc hơn. Họ yêu khẩu súng trường và con dao của họ cũng như những chiến binh thời trung cổ yêu cái khiên và thanh kiếm vì cùng một lí do: đấy là công cụ của cái đẹp.


Chiến tranh là đẹp. Đấy là những trận đánh nhau vào ban đêm, đấy là vẻ tao nhã của khẩu súng máy M -60. Những khẩu súng đẹp không chê vào đâu được, thật là một thí dụ hoàn hảo về hình thức. Khi bắn vào ban đêm, những đốm lửa đỏ xuyên qua màn đêm, có cảm tưởng như thể ta đang dùng một cái bút sáng mà vẽ vậy. Sau đó là những đốm lửa nhỏ bắn trở lại, những viên đạn AK-47 màu xanh đan xen với những viên đạn màu đỏ tạo nên những hình thù tuyệt vời, nhất là với tốc độ nhanh như thế, tưởng chừng như đấy là những hình được khắc vào màn đêm vậy. Sau đó, có thể là máy bay, gọi là Thần Sầu, tới yểm trợ và khai hoả. Thật không thể nào tưởng tượng nổi, chẳng khác gì nước phun từ những cái ống khổng lồ trên trời xuống, chẳng khác gì ông Trời ra tay trừng phạt vậy. Và khi những quả đạn pháo sáng bùng lên, chúng vừa lắc lư theo chiều gió vừa hạ xuống dần dần trên những cái dù nhỏ, người chạy dưới áng sáng của những quả pháo sáng này trông chẳng khác gì ma quỉ đang chạy khỏi địa ngục.

Ban ngày không có gì đặc biệt, nhưng cũng hấp dẫn chán. Nhiều người thích bom napalm, thích cái sức phá huỷ thầm lặng của nó, nó có thể làm cho cả hàng cây hay những ngôi nhà bay tung lên như thể tự nổ từ bên trong. Nhưng tôi luôn nghĩ rằng bom napalm được đánh giá quá cao, trừ khi bạn thích ngắm những cái lốp xe cháy. Tôi thích chất photpho trắng, loại này nổ rất tao nhã, trùm lên mục tiêu với một làn khói trắng dày đặc, làm bắn tung lên những cục than màu đỏ kèm theo một cái đuôi khói trắng dài, tôi thích nó hơn vì chức năng của nó là phá hoại và giết chóc. Chiến tranh hấp dẫn là vì nó mở ra trước mắt người ta khung cảnh cực kì đẹp đẽ – khác xa với tất cả những giá trị của nền văn minh, nhưng vẫn là đẹp.

Phần lớn những người đàn ông từng ra trận và phần lớn những người đàn bà đã từng ở gần bãi chiến trường còn nhớ rằng chưa bao giờ dục tình của họ lại dâng cao như thế. Tóm lại, chiến tranh là tác nhân kích thích. Chiến tranh khoác lên người ta chiếc áo che đi những hạn chế và những sự bất toàn trong bản chất của từng cá nhân. Nó khoác lên người ta vòng hào quang, tạo cho người ta sức mạnh của đám đông, sức lực gần như của loài cầm thú. Họ không còn là thằng Billy hay thằng Johnny hoặc Bobby nữa, họ là những người lính! Nhưng dĩ nhiên là phải trả giá: sự cô đơn vò xé lòng người trong chiến tranh, người lính bị cắt đứt khỏi tất cả những điều làm cho anh ta trở thành một con người cá nhân riêng biệt – anh ta đúng là một con người tứ cố vô thân.

Bộ quân phục đã tạo ra tất cả chuyện đó, và dục tình dâng cao không an ủi được người ta khi trong tâm hồn chỉ còn lại sự trống vắng.

Hoàn cảnh như thế đã đưa nhiều người tới những quyết định mang tính bước ngoặt. Tôi biết một anh lính thuỷ đánh bộ, một người hiếm có, từng tốt nghiệp trường [trong hệ thống] Ivy League. Vợ anh cũng tốt nghiệp trường thuộc Ivy League, nhưng anh đã phải lòng một cô gái bán bar người Việt, một người gần như không biết nói tiếng Anh. Cô ta trông cũng chẳng có gì hấp dẫn, chỉ là một cô gái quê, tìm cách kiếm tiền phụ giúp gia đình mà thôi. Thế mà lúc nào anh ta cũng ở cạnh cô, anh yêu cô, không chính thức, nhưng say đắm. Sau khi hết mười hai tháng ở Việt Nam, anh trở về Mĩ, li dị với người vợ trí thức và có địa vị xã hội rồi trở lại Việt Nam xin cưới cô gái bán bar kia. Cô ta đồng ý. Một đám cưới của hai người thuộc hai ngôn ngữ khác nhau, văn hoá và sắc tộc, đẳng cấp cũng khác nhau, một đám cưới chỉ có thể diễn ra trong thời chiến. Tôi không biết là mối tình này có bền vững hay không, nhưng tôi sẽ không ngạc nhiên, nếu, mặc dù có rất nhiều khó khăn nó vẫn bền vững.

Dĩ nhiên là bên cạnh những câu chuyện như thế là hàng trăm, hàng ngàn câu chuyện về những mối liên hệ thoáng qua, khi một người đàn ông và một người đàn bà chỉ gần gũi nhau trong một khoảnh khắc nào đó, đấy là lúc họ tìm cách chạy trốn khỏi hiện thực kinh hoàng của chiến tranh. Chiến tranh làm cho ngưới ta khao khát dục tình, “yêu nhau đi bởi chắc gì còn có ngày mai” là do người ta sợ chết. Dù trên bãi chiến trường chúng ta có sử dụng loại vũ khí nào thì đấy cũng không phải là vấn đề, chỉ có tình yêu mới có thể cứu chúng ta khỏi chết mà thôi. Chỉ có tình dục mới là vũ khí của sự sống, phóng tinh trùng là gửi đi một đội quân du kích đập tan tuyến phóng thủ của trứng, đấy mới là chiến thắng thực sự. Chiến tranh ném bạn vào hố thẳm của sự cô đơn, thần chết luôn phả hơi thở của nó vào tai bạn. Tình dục là cái móc sắt lôi bạn lên, chấm dứt sự cô độc của bạn, đưa bạn trở lại với cuộc đời.

Không có ý nghĩ nào như thế xuất hiện trong đầu hết. Tôi nhớ đã lên đường với hai tác phẩm Chiến tranh và Hoà BìnhNhà tế bần ở Parma trong ba lô. Chẳng bao lâu sau chúng được thay bằng tác phẩm The Story of 0. Chiến tranh làm cho người ta thèm mọi thứ. Tôi không thể mô tả nổi sự thèm khát kẹo, thèm khát nếm náp: trong đời tôi chưa thèm một cái gì như thèm thanh kẹo Mars lúc đó. Nhưng sự thèm khát này không là gì so với sức mạnh đẩy người ta đến với những người đàn bà, bất kì người đàn bà nào: những người đàn bà mà trong thời bình chúng ta không thèm để ý cũng hiện về trong tâm tưởng và cứ lởn vởn mãi ở đó. Chúng tôi cũng thường tìm cách biến trí tưởng tượng thành hiện thực, nhưng bao giờ cũng lả thất vọng và sự thèm khát càng gia tăng. Những cô điếm xấu xí làm việc theo nhóm, phục vụ một lúc mấy người đàn ông, thậm chí cả nhóm, hầu như chung nhau, chúng tôi chia sẻ với nhau không chỉ tình dục. Hơn cả chuyện giết người, tôi nhìn thấy trong tình dục một con quỉ đang ngồi xổm và nhổ nước bọt, tôi thấy nó chế giễu tình cảm uỷ mị của tôi, nó biết rằng tôi căm thù mình vì sự yếu đuối như thế, căm thù mình vì không đủ dũng khí và tiếp tục làm thế.

Sau mỗi lần ra trận tôi lại quay về làm trong văn phòng sư đoàn và tình nguyện dạy mỗi tuần một tối tiếng Anh cho người Việt Nam. Tôi có một cô học trò khá đẹp, bố mẹ cô đều bị giết trong cuộc tấn công Tết năm 1968 ở Huế. Cô yêu một người Mĩ làm trong lãnh sự quán ở Đà Nẵng. Khi chuyển nhiệm sở, anh ta hứa sẽ gửi thư cho cô. Từ đó cô không bao giờ nhận được tin tức của anh ta. Cô có dáng buồn đầy quyến rũ. Tôi đã hẹn hò với cô sau giờ lên lớp, mấy ngày sau tôi đến một gara ô tô và trưng dụng một chiếc để đi Đà Nẵng thăm cô ngay trong đêm đó. Cô sống cùng với ông bà, anh chị em trong một ngôi nhà nhỏ ngay bên cạnh lãnh sự quán. Có một phòng được ngăn bằng một tấm màn che. Khi tôi đến cả nhà đang nằm nghỉ sau tấm màn che. Chúng tôi nói chuyện và sờ soạng nhau trong tiếng thì thào của những người thân trong gia đình, giữa mùi dầu ăn và cá mắm thối, nhu cầu của tôi rõ ràng là cao hơn nhu cầu của cô.

Tôi thèm ngủ với cô quá. Nhưng sự dịu dàng và yếu đuối của cô, sắc đẹp đã úa tàn của cô đã ngăn được sự thèm khát đang ám ảnh tôi. Tôi không coi cô là một người Việt Nam, mà coi cô là đại diện cho tất cả mọi người Việt Nam. Cô là một linh hồn bị đau khổ vì chiến tranh, còn tôi là người lính đã gây ra vết thương đó nhưng cũng sẽ làm cho nó lành. Tình cảnh cô đơn đã đẩy tôi vào dòng chảy đầy sức mạnh, đủ sức nuốt trọn người bạn đã cưới cô gái bán bar. Tôi đã chứng kiến quá trình đó, nhưng dường như không đủ sức ngăn chặn. Tôi đã viết tặng cô một bài thơ dài, đã xin ở lại Đà Nẵng, đã mường tượng tương lai cho cả hai người. Tôi không định lừa dối cô như những người Mĩ kia, như tất cả những người Mĩ, như tất cả những người đàn ông đã lừa dối đàn bà, những người đã từng giúp đỡ họ vượt qua chiến tranh. Tôi không phải là người như thế. Nhưng sau đó tôi nhận lệnh lên đường trở về, sớm hơn hai tuần so với hạn định. Tôi đi vào Đà Nẵng để nói chuyện với cô, và để đưa ra quyết định. Nhưng mới đi được nửa đường tôi đã quay lại.

Tôi vất bài thơ vào thùng rác sân bay. Khi máy bay cất cánh rời Việt Nam, tôi cũng giơ tay chào như mọi người. Tôi ghé sát mặt vào cửa sổ và nhìn Việt Nam đang nhỏ dần, nhỏ dần, thành một vết mờ màu xanh, rồi biến mất hẳn. Tôi cảm thấy buồn và có lỗi – đối với cô, đối với tất cả những người đồng đội đã bị giết, đã bị thương, có lỗi với tất cả. Nhưng tình cảm đó đã nhanh chóng được thay thế bằng cảm giác rằng mọi chuyện như thế là đã xong. Mình đã sống rồi. Mình sẽ lại là mình, hoặc gần như thế.

Nhưng mười lăm năm sau, cô gái và cuộc chiến tranh đó vẫn còn nằm trong tâm trí tôi, tất cả những kỉ niệm đó, mỗi kỉ niệm đều có những chỗ bí mật, những chỗ bị cắt bớt đi, hàng trăm đường dẫn, tất cả đều đưa ta trở lại với sự thật, tuy không an toàn nhưng là thực. Đấy là lí do vì sao chúng ta yêu và ghét, vì sao chúng ta tạo ra niềm tin và rồi dập tắt nó, vì sao mỗi người chúng ta đều là bãi chiến trường, nơi cái xấu và cái tốt ngày đêm giao chiến với nhau.

Sức mạnh của chiến tranh, tương tự như sức mạnh của tình yêu, có xuất xứ từ trái tim con người. Một đằng đưa đến cái chết, một đằng tạo ra cuộc sống. Nhưng sống mà không có chết là vô nghĩa, và ở tầng sâu nhất của nó, không thể có tình yêu mà không có chiến tranh. Không có chiến tranh, chúng ta sẽ không thể biết được tình yêu xuất phát từ những tầng sâu thẳm nào, hay nó phải có sức mạnh nào để có thể vượt qua được cái ác khủng khiếp đến như thế và có thể chuộc mọi lỗi lầm của chúng ta. Không phải là vô tình mà người ta thích chiến tranh, tình yêu và chiến tranh đều là bản chất của con người. Đấy không chỉ là chúng ta phải yêu nhau hay là chết. Chiến tranh, tương tự như chết chóc, luôn luôn đi cùng ta, là người bạn đồng hành không rời ta một bước, là người cổ đông bí ẩn của ta. Muốn phủ nhận sức hấp dẫn của nó, muốn vượt qua chết chóc thì tình yêu hoà bình, tình yêu cuộc sống của chúng ta phải mạnh hơn là chúng ta nghĩ, thậm chí phải mạnh hơn là chúng ta có thể tưởng tượng.

Hiers và tôi đang trượt tuyết trên sườn đồi ở Vermont, chúng tôi nhẹ nhàng lướt trên thế giới đang khoác trên mình tấm áo màu trắng, đẹp đẽ, tinh khôi, thanh bình. Khi mang những tấm ván trượt lên đồi, chúng tôi vừa đi vừa nói chuyện về một thế giới khác, một thế giới nóng nực, đầy màu xanh và sặc mùi hôi thối và chết chóc, nơi phải cố gắng lắm chúng tôi mới rút được chân lên khỏi đám bùn lầy. Chúng tôi dừng lại và nhìn xuống, không khí trong lành và lạnh. Mấy đứa trẻ cùng trượt theo chúng tôi xuống chân đồi, chúng cúi gập người xuống, như những quả bóng nhỏ sống động đang lao bên cạnh bờ vực của hiểm nguy.

Hiers quay sang tôi, anh vừa mỉm cười vừa nói: “Nam ở cách rất xa, có phải không?”

Có.

Mà không.

Nguồn: “Why Men Love War”, Esquire, November 1984.

No comments:

Post a Comment