April 13, 2011

Gerard De Groot (The Telegraph, Anh, 28/03/2011) - Yuri Gagarin: Chuyến bay vô ích?

Phạm Nguyên Trường dịch

Năm mươi năm sau khi Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên bay lên quĩ đạo vòng quanh trái đất, Gerard DeGroot đặt câu hỏi liệu chuyến bay của ông có mang lại mục đích nào không.


Tàu Vostok, tức là con tàu đã đưa Yuri Gagarin – nhà du hành vũ trụ đầu tiên trên thế giới – lên quĩ đạo vào ngày 12 tháng 4 năm 1961 trông khác hẳn con tàu mà Buck Rogers, trong bộ phim khoa học viễn tưởng, sử dụng trong chuyến du hành vào vũ trụ. Nó có hai cái cửa sổ nhỏ tí, Gagarin không cần nhìn xem mình đang bay đi đâu vì thực ra là ông không điều khiển được con tàu của mình. Cái buồng hình cầu đó gợi cho người ta nhớ đến rạp xiếc với quả cầu chứa người được bắn lên không trung.

Nói cho ngay, so sánh như thế là hoàn toàn chính xác, vì chiến công của Gagarin chỉ là một màn trình diễn đẹp mắt, bắt chước những trò mạo hiểm theo kiểu “Sơn Đông mãi võ” mà thôi. Lúc đó người ta đã thực hiện những chương trình nghiên cứu vũ trụ có ý nghĩa hơn nhiều, nhưng giá trị của chúng đã không được công nhận vì đấy là những chuyến bay không người lái. Ngày này cách đây 50 năm, Gagarin đã chứng minh một nguyên lí có giá trị cho đến ngày nay: muốn được chú ý thì vũ trụ cũng cần có khuôn mặt con người.

Gagarin đã trở về với cái thế giới mà thành tích của ông đã làm biến đổi một cách sâu sắc. Chuyến bay của ông đặt dấu chấm hết cho một loạt những cố gắng nhằm đi lên vũ trụ và đã làm cho Mĩ lúng túng. Người Mĩ vẫn tự hào là nước có nền công nghệ tiên tiến nhất, chủ nghĩa tư bản và hiện đại hóa được coi là luôn luôn song hành với nhau. Nhưng người Nga đã lật nhào quan niệm đó và đã gửi tới các nước không liên kết một thông điệp đầy sức mạnh. Họ là những người đầu tiên phóng được vệ tinh, người đầu tiên đưa được một con chó lên vũ trụ, và bây giờ là người đầu tiên đưa được người lên quĩ đạo vòng quanh trái đất. Nguyên nhân của những thành tích trong trò trình diễn này là họ đã không thành công như thế trong việc sản xuất vũ khí nguyên tử.

Dù đầu đạn hạt nhân của hai bên có sức công phá như nhau nhưng bom của họ nặng hơn hẳn bom của Mĩ. Bom nặng hơn thì tên lửa cũng phải to hơn mới có thể mang được nó lên quĩ đạo xuyên lục địa. Người Nga, vốn là các bậc thày trong lĩnh vực tuyên truyền, nhanh chóng nhận ra rằng có thể sử dụng những quả tên lửa hướng lên trời này để đưa vào vũ trụ biểu tượng cho tính ưu việt của mình. Dường như đối với họ sấm và chớp là tất cả.

Trước chuyến bay của Gagarin, Mĩ chưa có một chiến lược vũ trụ rõ ràng. Tổng thống Eisenhower không muốn bị lôi kéo vào một cuộc cạnh tranh nâng tạ mà theo ông là vớ vẩn. Ông cho rằng du hành trong vũ trụ “là một cuộc phiêu lưu phức tạp và tốn tiền” mà chẳng được tích sự gì. Ông đã phủ quyết đề xuất về chuyến bay của tàu Apollo lên mặt trăng do NASA đệ trình. Các cố vấn của tổng thống phá lên cười khi có người nói rằng sau khi lên được mặt trăng chắc NASA sẽ muốn lên sao Hỏa nữa.

John Kennedy, người kế nhiệm Eisenhower, cũng có cùng những mối ngờ vực như thế. Các cố vấn của ông cảnh báo rằng: “Chương trình tăng tốc nhằm đưa người lên quĩ đạo có thể gây trở ngại cho sự phát triển của chương trình khoa học và kĩ thuật của chúng ta”. Họ đã nói đúng. Vì chính Kennedy cũng biết rằng Mĩ đi trước Liên Xô trong lĩnh vực kĩ thuật vệ tinh, ông không thấy nhu cầu thể hiện nam tính ở đây. Nhưng dân chúng Mĩ không thích như thế, họ muốn có những người anh hùng như Gagarin, chứ không phải là những thứ vớ vẩn đang bay vòng quanh trái đất. Báo chí khắp cả nước coi chuyến bay của Gararin là thất bại của Mĩ hơn là thắng lợi của Liên Xô.

Có vẻ như một mình Gagarin đã thắng trận đánh lớn nhất trong chiến tranh lạnh. Những người bạn của Kennedy cảnh báo ông rằng các nước không liên kết sẽ coi Liên Xô là siêu cường thực sự. Năm ngày sau thì xảy ra sự kiện Vịnh Con Lợn. Dường như Mĩ chẳng làm được gì hết.

Trước đám đông Kennedy vẫn tỏ ra tự tin, nhưng ông đã hoảng hốt khi chỉ còn một mình. “Có lĩnh vực nào mà ta có thể vượt họ không?”, Kennedy hỏi nhóm các chuyên gia vũ trụ. “Giá có người nào đó nói cho tôi cách thức vượt họ. Hãy tìm bằng được một người nào đó, người nào cũng được. Tôi không quan tâm, người gác gian bên kia cũng được, miễn là anh ta biết. Không có chuyện gì quan trọng hơn”. Robert Gilruth đại diện cho NASA đứng lên. Ông ta nói với Kennedy: “Cần phải bắt tay vào một công việc khó khăn và mới, để cho Liên Xô phải bắt đầu từ con số không. Họ không thể lấy những quả tên lửa cũ và lắp máy mới vào được và làm những việc mả ta không thể làm nổi. Đấy sẽ cần tên lửa cực mạnh, thí dụ như bay lên mặt trăng”.

Bị thuyết phục bởi logic của sự hoành tráng, Kennedy tuyên bố vào ngày 25 tháng 5 năm 1961: “Tôi tin rằng nước ta phải cam kết đạt được mục tiêu đưa người lên mặt trăng và trở về trái đất an toàn trước khi thập kỉ này kết thúc”. Mặt trăng trở thành quan trọng “vì nó đấy” – nó nằm trên vạch đến trong cuộc chạy đua giành uy tín.

Kennedy bao giờ cũng cảm thấy khó giải thích vì sao phải bay lên mặt trăng. Trong một phút bộc trực, ông đã hỏi một nhà báo: “Chả lẽ anh lại không nghĩ rằng tôi muốn chi hàng tỉ đồng này cho những chương trình ở đây, thí dụ như ý tế, giáo dục và an sinh xã hội ư? Nhưng trong chuyện này chúng ta chẳng có lựa chọn nào hết. Uy tín của quốc gia quan trọng lắm”. Khi cố vấn của ông về khoa học là Jerome Wiesner khẳng định rằng có thể chi tiền vào những việc hữu ích hơn thì Kennedy trả lời: “Anh sai rồi. Nếu trên mặt đất anh có một chương trình khoa học hoành tráng mà lại hữu ích hơn, thí dụ như ngọt hóa đại dương hay một cái gì đó đầy kịch tính và thuyết phục như vũ trụ thì chúng ta đã làm rồi”.

NASA rất không thích cách thức thực hiện sứ mệnh lên mặt trăng. Cơ quan này muốn có một chương trình chinh phục vũ trụ mà không đặt ra thời hạn cụ thể, chứ không phải là cuộc chạy đua đơn độc với đích đến đã được xác định. Khi người lãnh đạo NASA là James Webb phàn nàn với Kennedy về những ưu tiên méo mó của Mĩ thì tổng thống la lên: “Tất cả những việc chúng ta làm đều phải liên kết với chuyến bay lên mặt trăng trước người Nga. Nếu không thì chẳng cần phải chi những khoản tiền lớn đến như thế vì tôi không quan tâm tới vũ trụ. Chúng ta đang nói tới những khoản chi khủng khiếp. Chúng ta đã phá hoại ngân sách, chỉ có thể biện hộ được nếu chúng ta hoàn thành trong thời hạn mà tôi đề nghị”.

Như vậy nghĩa là Gagarin đã nắm mũi Kennedy để lôi ông ta vào vũ trụ. Trong thời gian thực hiện sứ mệnh lịch sử này, trong lĩnh vực khoa học vũ trụ và công nghệ vệ tinh, Mĩ đang đi trước Nga năm năm. Nhưng họ đã bất ngờ thay đổi phương hướng và chuẩn đưa người lên mặt trăng. Phản ứng của Kennedy đối với chuyến bay của Gagarin đã tạo ra đường lối hành động còn thịnh hành cho đến ngày nay. Nguyên nhân chính để người Mĩ không quay trở lại mặt trăng nữa là vì họ đã lên đấy vì một nguyên nhân sai lầm. Khi đã thắng trong cuộc đua, đã chứng minh được sức mạnh của mình thì lên nữa là việc làm vô nghĩa.


Tham vọng của Trung Quốc và Ấn Độ cho thấy ý tưởng đưa người vào vũ trụ đã trở thành một mô thức, một cuộc trắc nghiệm tính kiên cường của dân tộc. Quan trọng không phải là phát hiện được điều gì mà là uy tín hão trên mặt đất.

Ngành công nghiệp vũ trụ hiện nay đang bị bệnh tâm thần phân liệt rất nặng. Những thành tựu vĩ đại nhất làm thay đổi đời sống của chúng ta diễn ra trên khoảng không gần trái đất, đấy là nhờ các vệ tinh. Tiến bộ đạt được trong lĩnh vực thông tin liên lạc, dự báo thời tiết và thu thập thông tin tình báo.v..v.. đã mang lại những lợi ích cực kì to lớn. Nhưng người ta vẫn bị các nhà du hành vũ trụ ám ảnh. Các cơ quan nghiên cứu vũ trụ biết rằng khả năng thu hút tiền của họ phụ thuộc vào khả năng tạo ra các anh hùng của họ. Những nước, hiện vẫn đang thích nghe những bài hát ngọt ngào về uy tín, đang chi những khoản tiền có hạn của mình vào những dự án phù phiếm và vô nghĩa lí như thế.


Ngay đầu tháng này người ta cũng đã chứng kiến biểu hiện của bệnh tâm thần phân liệt như thế trong dịp Hội hàng không hoàng gia (Anh) kỉ niệm 50 năm ngày Gagarin bay vào vũ trụ. Phillip Lee, đại biểu quốc hội, phó chủ tịch Ủy ban vũ trụ của quốc hội, đã đọc một bài diễn văn đầy kích thích, với những ngôn từ vay mượn từ bộ phim Star Trek.

“Ước mơ của tôi”, Lee nói, “là một ngày nào đó một người Anh sẽ đi trên mặt trăng hay sao Hỏa”. Ông ta làm cho các đại diện của Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA), những người đến đây để bán vệ tinh nhân tạo, phải mỉm cười. “Thật là thú vị”, một kĩ sư của ESA nói, “chúng ta sử dụng vệ tinh để nghiên cứu trái đất, nhưng khi nói đến nghiên cứu sao Hỏa là y như rằng người ta bảo phải có người bay lên đó”.

Chỉ mấy ngày nữa là tượng của Gagarin sẽ được đặt giữa London. Đấy chính là lòng tôn kính trước thành tích vĩ đại. Nhưng kì tích của ông, cũng giống như việc chinh phục đỉnh Everest – đã làm cho mọi người rất xúc động, song lợi ích thì chẳng bao nhiêu.

Mặc dù Trung Quốc và Ấn Độ vẫn cảm thấy cần phải lập lại chiến công của Gagarin nhưng người ta vẫn hi vọng rằng tương lai thuộc về một tổ chức khiêm tốn là Cơ quan vũ trụ châu Âu (ESA). Những dự án trong vũ trụ quá đắt đỏ cho nên cần phải phân bố chi phí và thu nhập từ những dự án đó. Sự hợp tác chắc chắn sẽ bảo đảm rằng uy tín sẽ không còn phá hỏng sự cân bằng trong vũ trụ nữa.

Anh có thể đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực này, nhưng đấy không thể là thứ nằm trong trí tưởng tượng của ông Phillip Lee. Người Anh cần phải làm cái mà họ có thể làm một cách tốt nhất, cụ thể là giúp chế tạo các vệ tinh nhằm cải thiện cuộc sống của chúng ta. Còn nếu Buck Rogers cảm thấy bị coi thường thì ông ta có thể đến Trung Quốc mà ở.


Gerard DeGroot là tác giả cuốn Phía tối của mặt trăng ['Dark Side of the Moon]

No comments:

Post a Comment