March 7, 2011

XÃ HỘI ĐANG THỨC TỈNH Ở BẮC TRIỀU TIÊN

THÔNG TẤN XÃ VIỆT NAM - Tài liệu tham khảo đặc biệt (07/03/2011)

Những sự khiêu khích và những dấu hiệu hoà dịu lần lượt diễn ra giữa hai miền Triều Tiên. Bắc Triều Tiên đã bắn tên lửa đáp trả các cuộc tập trận giữa Mỹ và Hàn Quốc trên Hoàng Hải. Người ta nói tới một sự trở lại của các thanh sát viên Liên Hợp Quốc phụ trách vấn đề hạt nhân. Mục tiêu của Bình Nhưỡng là gì? Đằng sau một vẻ bề ngoài yên ắng là một không khí sôi sục trong xã hội Bắc Triều Tiên. Bài đăng trên báo “Le Monde diplomatique” số ra tháng 1/2011 viết về vấn đề này như sau:


Tình hình căng thẳng về vũ trang hiện đang tái diễn trên bán đảo Triều Tiên nằm trong một trò chơi mang tính chiến lược phức tạp. Về thực chất, một tình trạng chiến tranh đã diễn ra từ hơn một nửa thế kỷ nay: chỉ có một lệnh đình chiến voà tháng 7/1953 đã chấm dứt những sự thù địch diễn ra trong 3 năm giữa một bên là Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên và Trung Quốc với một bên là Hàn Quốc và các lực lượng của Liên Hợp Quốc dưới sự chỉ huy của Mỹ. Còn không một hiệp ước hoà bình nào được ký từ đó đến nay.

Việc ngày 23/11/2010 Bắc Triều Tiên bắn pháo vào một hòn đảo nhỏ của Hàn Quốc nằm trên Hoàng Hải, cách bờ biển ở phía Bắc Triều Tiên khoảng chục km làm 4 người chết và 15 người bị thương, đã cho thấy tình hình chiến tranh tiềm ẩn trên bán đảo Triều Tiên. Chủ quyền của Hàn Quốc tại vùng biển này ở phía Tây của cửa sông Hàn đang bị tranh chấp với Bắc Triều Tiên, người không công nhận tuyến đương ranh giới do Liên Hợp Quốc áp đặt – mà khi đó Bắc Triều Tiên vẫn chưa nằm trong đó – mà không có sự trao đổi ý kiến trước. Các cuộc đụng độ đẫm máu đã diễn ra giữa các lực lượng Hải quân của hai nước vào năm 1999, 2002 và 2009. Nhưng đây là lần đầu tiên hòn đảo Yongpyon, một pháo đài quân sự cũng có người dân sinh sống, bị nhằm vào.

Theo Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, đây là một sự giáng trả lại hành động “khiêu khích” của Hàn Quốc, người đã bắn vào vùng biển mà họ cho là chủ quyền của họ. Tuy nhiên, theo Wada Haruki, chuyên gia của Nhật Bản phụ trách các vấn đề về Triều Tiên, giáo sư kính mến tại trường Đại học Tổng hợp Tôkyô, cuộc tấn công vào dân thường này đã gây nguy hại nghiêm trọng đến chính sách cùng tồn tại vũ trang, không loại trừ tình hình căng thẳng nhưng vẫn hiện hữu từ hội nghị cấp cao liên Triều diễn ra vào tháng 6/2000.

Bằng cuộc leo thang mới này, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên đã tìm cách buộc Mỹ – tất nhiên là bằng một phương tiện ít mang tính ngoại giao – phải tiếp tục tiến hành thương lượng để đảm bảo cho sự sống còn của mình, bằng cách có được những sự bảo đảm về an ninh và huỷ bỏ những sự trừng phạt của phwong Tây đối với Bắc Triều Tiên, và cả để có được một phạm vi hoạt động mới bằng cách nới lỏng sự siết chặt của đồng minh duy nhất của mình: Trung Quốc.

Trận bắn phá diễn ra tiếp theo việc một chuyên gia về hạt nhân của Mỹ, ông Siegfried Hecker, người được mời đến Bắc Triều Tiên hồi đầu tháng 11/2010, tiết lộ về sự tồn tại một mạng lưới hạt nhân làm giàu urani. Mạng lưới này, mà người ta không biết liệu nó có hoạt động hay không bất chấp những lời tuyên bố của Bắc Triều Tiên, cùng với mạng lưới, mà mọi người đã biết, xử lý các chất thải, đã cho phép Bắc Triều Tiên tiến hành hai vụ thử hạt nhân, một vào năm 2006 và một vào năm 2009, và sở hữu khoảng một chục quả bom. Bắc Triều Tiên theo đuổi nhiều mục tiêu: có vũ khí răn đe và một đòn bẩy thương lượng, cũng như có thể bán công nghệ mà nước này đã phát triển được. Với việc tiết lộ mạng lưới mới này, chế độ Bình Nhưỡng muốn tăng thêm một nấc cái giá của việc phi hạt nhân hoá của mình.

Cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên, diễn ra sau khi nhà lãnh đạo Kim Jong – II (Kim Châng In) đưa con trai của mình là Kim Jong Un lên ngôi, có xu hướng xác nhận hình ảnh mà người ta đã có được về đất nước này: một Nhà nước – pháo đài được đặt dưới sự cai trị của một chế độ hiếu chiến, còn lâu mới sửa đổi, tồn tại mãi đến đời kế tục triều đại thứ hai (ông Kim Jong II đã kế tục cha là Kin II Sung (Kim Nhật Thành) vào năm 1994). Hai sự kiện trên liệu có liên quan đến nhau? Phải chăng cuộc tấn công nhằm mang đến sự bảo đảm cho quân đội để lực lượng này có thái độ kiên quyết? Vào lúc này, do tính mập mờ của chế độ Bắc Triều Tiên, các nhà quan sát buộc phải dựa vào những tin đồn.

Buôn lậu ở biên giới Trung Quốc

Trái lại, việc tình hình căng thẳng tái bùng phát chỉ chiếm vị trí phụ đối với các vấn đề cơ bản mà chính quyền phải đối mặt: sự cô lập và sự trừng phạt của quốc tế khiến cho tình trạng kinh tế trì trệ ngày càng thêm nghiêm trọng; những sự tiến triển về xã hội – kinh tế mà chế độ chỉ chế ngự được từng phần và ngày càng phụ thuộc vào Trung Quốc. Chiến lược gây ra tình trạng căng thẳng do Bắc Triều Tiên thực hiện có thể nhằm nhiều mục đích.

Trước hết, nó phá vỡ chính sách đợi thời của Chính quyền Barack Obama, mà chính sách đối với Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên cho đến những tháng qua tỏ ra “kiên nhẫn mang tính chiến lược”, theo cách nói được Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton sử dụng nhiều lần – nói cách khác: không đưa ra một sáng kiến nào chừng nào Bắc Triều Tiên chưa thực hiện những cam kết và huỷ bỏ kho vũ khí hạt nhân (thoả thuận về việc phá huỷ các cơ sở hạt nhân của Bắc Triều Tiên vào tháng 2/2007 đã cho phép loại chất phóng xạ khỏi lò phản ứng Yongbyon. Nhưng các cuộc thương lượng diễn ra vào cuối năm đã dẫn dến những thủ tục xác nhận việc ngừng các hoạt động hạt nhân. Nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên đề nghị tiến hành một cuộc đối thoại trực tiếp với Mỹ về việc ký một hiệp ước hoà bình thay thế lệnh đình chiến năm 1953). Lý do thứ hai có thể giải thích cho thái độ sốt ruột này: cứu chữa những khó khăn nội bộ.

Việc đưa ông Kim Jong Un vào bộ máy đảng và quân đội – ông này đã được phong quân hàm cấp tướng 4 sao – sẽ bảo đảm cho tính liên tục của chế độ nếu ông Kin Jong II mất đi. Nhất là một sự liên tục mang tính tượng trưng: điều dường như không chắc chắn là người thanh niên 27 tuổi sẽ có quyền lực hoàn toàn giống như cha và ông nội. Quyền lực sữ được thực hiện bằng một ban lãnh đạo có tính tập đoàn tập trung vào gia đình họ Kim, bắt đầu là ông chú, Chang Songtaek, nhân vật số hai của Uỷ ban bảo vệ quốc gia (cơ quan tối cao của đất nước), bằng cách dựa vào sự ủng hộ của tầng lớp tinh hoa được tạo nên bởi những con cháu của những quân du kích trong cuộc đấu tranh chống Nhật Bản (Nhật Bản đã chiếm đóng Triều Tiên từ năm 1905 đến 1945). Tuy nhiên, chế độ phải tiến hành việc ổn định hoá đất nước để quá trình chuyển giao này diễn ra mà không gặp trở ngại. Nó tự đặt ra một thời hạn: năm 2012, năm kỷ niệm lần thứ 100 ngày sinh của Cố Chủ tịch Kim Nhật Thành, được coi là đánh dấu sự đạt tới một “đất nước hùng mạnh và phồn vinh”.

Thế nhưng, bất chấp ảnh hưởng ngày cang tăng của nước láng giềng Trung Quốc, những tiến bộ về thông tin học và một mầm mống tự động hoá của nền sản xuất bằng những hệ thống số, nền kinh tế vẫn không thoát khỏi khó khăn. Năm 2010, nền kinh tế của Bắc Triều Tiên vẫn tiếp tục suy giảm: giảm 0,9% theo ước tính của Ngân hàng Hàn Quốc. Những vụ mùa thất thu do thời tiết khắc nghiệt và do những vấn đề cơ cấu của ngành nông nghiệp, năm 2010-2011, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên bị thâm hụt lương thực so với các năm trước đó (một triệu tấn ngũ cốc). Trong số dân 23 triệu người, 6 triệu người phải sống phụ thuộc vào viện trợ quốc tế; nhưng vì không có viện trợ, chương trình lương thực thế giới (PAM) chỉ có thể đáp ứng được một phần tư nhu cầu của người dân nước này. Phần còn lại là nhờ vào khoản viện trợ của Trung Quốc mà người ta chưa biết khối lượng. Tình hình vẫn còn bấp bênh, nếu không nói là bi thảm, đối với nhiều người. Nhất là sự thâm hụt về lương thực cùng với sự suy sụp của hệ thống y tế do thiếu thuốc men và các dụng cụ y tế, thuốc gây mê và các thiết bị cũ nát…

Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên chưa bao giờ khôi phục được từ thảm hoạ của những năm 1990. Sau khi đã trải qua tình trạng trì trệ vào cuối thập niên 1980, nền kinh tế bắt đầu suy yếu với việc ngừng sự đối xử ưu tiên mà các cố vấn Liên Xô và Trung Quốc dành cho nước này tiếp sau sự sụp đổ của Liên Xô và những phương hướng mới của Trung Quốc. Vì không có năng lượng, nên các công xưởng vận hành với nhịp độ chậm, trong khi sản xuất nông nghiệp sụt giảm do thiếu phân bón (do ngành công nghiệp cung cấp) và thiếu điện để vận hành hệ thống tưới tiêu. Năm 1994, ông Kim Jong II đã thừa hưởng một đất nước đang bên bờ sụp đổ.

Sự sụt giảm của nền kinh tế, cùng với các thảm hoạ thiên nhiên, từ năm 1995 đến 1998, đã dẫn đến nạn đói với số nạn nhân từ 600.000 đến 1 triệu người chết và những dấu ấn mà nó để lại trong ký ức mọi người. Thảm kịch dân tộc này đã phá hoại lòng tin đối với chính quyền về khả năng đảm bảo cuộc sống cho người dân.

Bề ngoài, chế độ dường như không thay đổi. Nhưng Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên của năm 2011 không còn là Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên của năm 1994 nữa. Nạn đói và những hậu quả của nó đã dẫn đến những sự biến đổi xã hội sâu sắc. Một nền kinh tế chợ đen, sửa chữa từ sự sụp đổ của hệ thống phân phối công cộng, đã trỗi dậy; nó biến thành một nền kinh tế thị trường khiếm khuyết song song với nền kinh tế, đang hấp hối, của Nhà nước.

Thảm hoạ này đã gây ra một hậu quả tai hại khác đối với nhà cầm quyền Bắc Triều Tiên: một khả năng tiếp nhận lớn hơn của xã hội đối với những tư tưởng và thực tiễn từ bên ngoài. Cuộc di cư của nhiều người dân sang Trung Quốc để tránh nạn đói phần lớn không phải là những người xin cư trú nhưng đã trở về Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên – hồi hương tự nguyện hoặc bắt buộc – cũng như những sự trao đổi và buôn lậu ở biên giới đã cho thấy một sự mất kiểm soát tương đối của chế độ đối với sự lan truyền thông tin. Cho đến khi đó, việc thực hiện chính sách ngu dân tách khỏi thế giới bên ngoài vẫn là một công cụ kiểm soát xã hội có hiệu quả.

Mặc dù biên giới từ nay đã được canh gác cẩn mật, những cuộc vượt biên bí mật vẫn tiếp diễn, với các cuộc bắt bớ và tấn thảm kịch, như vụ các phụ nữ trong các mạng lưới bám dâm. Điện thoại di động của Trung Quốc hoạt động ở hai bên biên giới tạo thuận lợi cho việc lan truyền các thông tin. Ngoài ra, tại các tỉnh biên giới của Bắc Triều Tiên, có thể bắt được sóng vô tuyến truyền hình của Trung Quốc – một tội bị trừng phạt tống giam.

Trong thời gian đầu, chế độ đã nỗ lực đè bẹp các phong trào xuất thân từ cơ sở và khôi phục nền kinh tế thị trường mới le lói cùng với các cuộc cải cách thực hiện vào tháng 7/2002: tự do hoá giá cả và lương, tiền tệ hoá nền kinh tế, thực hiện quyền tự chủ lớn hơn trong việc quản lý các đơn vị sản xuất. Do hầu như không có ngành thương mại trực tiếp, bị chế độ phân phối của Nhà nước đẩy xuống vị trí thứ yếu, tiền tệ ít được sử dụng và đối với phần lớn các sản phẩm, được thay thế bằng những tem phiếu phân phối. Vào đầu những năm 1990, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên vẫn là nước có nền kinh tế ít tiền tệ hoá nhất trên thế giới.

Một “cái chết tự nhiên của chủ nghĩa Xtalin”

Việc huỷ bỏ từng phần chế độ tem phiếu, liên quan đến sự cần thiết đối với một gia đình trong việc quản lý ngân sách, đã dẫn đến những sự thay đổi sâu sắc trong đời sống hàng ngày của người dân Bắc Triều Tiên. Nhà kinh tế Ruediger Frank cho rằng “việc để cho giá cả trở thành vật trung gian giữa cung và cầu có nghĩa là gián tiếp thừa nhận rằng Nhà nước không còn vai trò nữa”. Ông Ruediger Frank thấy ở đó một sự tiến triển cơ bản. Về mặt lý thuyết, Nhà nước vẫn tiếp tục quản lý giá cả, nhưng… phụ thuộc vào những sự biến động của thị trường. Về mặt chính thức, chế độ đã loại bỏ công thức “cải cách chế độ” với nghĩa mở rộng về chính trị, để dành ưu tiên cho công thức “cải cách bên trong chế độ”, thừa nhận sự tồn tại của “nền kinh tế thị trường khiếm khuyết”. Mặc dù mang tính chất hà khắc nhất kể từ khi thành lập Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên vào năm 1948, các cuộc cải cách này đã có một ảnh hưởng là kích thích về kinh tế có giới hạn.

Theo tinh thần của các nhà lãnh đạo, các cuộc cải cách này sẽ được bổ sung bằng một sự cải thiện các mối quan hệ với bên ngoài để có được vốn, đặc biệt là với Mỹ, nước có quyền phủ quyết trong các tổ chức tài chính quốc tế (Quĩ tiền tệ quốc tế, Ngân hàng thế giới hoặc Ngân hàng phát triển châu Á), và với Nhật Bản (nước còn mắc nợ Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên về những tổn thất chiến tranh khi mối quan hệ đã được bình thường hoá). Những niềm hy vọng này đã bị phá hoại ngầm bởi cuộc khủng hoảng do Tổng thống George W. Bush gây ra hồi tháng 10/2010, khi đó Tổng thống Mỹ đã nêu lên một chương trình bí mật làm giàu urani, chương trình này khi đó chưa hề được vận hành.

Trong khi thái độ cởi mở của Trung Quốc đã được phần còn lại của thế giới đón nhận nhiệt liệt, thì thái độ cởi mở của Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên ngay từ đầu đã bị bóp nghẹt. Không được tiếp sức từ bên ngoài, các cuộc cải cách đã không có được tiếng vang về kinh tế như người ta hy vọng. Trái lại, phối hợp với một sức đẩy mạnh mẽ từ cơ sở, các cuộc cải cách này đã gây ra những sự biến đổi sâu sắc về xã hội, theo nhà sử học Nga Andrei Lankov, nó gây ra một kiểu “cái chết tự nhiên của chủ nghĩa Xtalin”, chậm hơn người ta có thể tưởng tượng nhưng ít rõ ràng hơn.

Trong nỗi ám ảnh bị mất sự kiểm soát đối với những tiến triển xã hội – kinh tế, chế độ đã mưu toan khống chế, sau đó là ngăn chặn và trấn áp các hoạt động của “nền kinh tế thứ hai”. Từ những năm 2005, chế độ đã tìm cách khôi phục nền kinh tế Nhà nước bằng cách làm nản lòng các hoạt động tư nhân thông qua các biện pháp khác nhau như tái thiết lập chế độ phân phối công, nhất là nhằm bảo đảm tới mức tối thiểu sự sống còn của nền kinh tế Nhà nước, cấm phụ nữ và nam giới dưới 50 tuổi làm việc tại các thị trường tư nhân để đẩy nguồn nhân công tới các công xưởng của Nhà nước. Nhưng các quyết định này đã nhanh chóng bị đối phó: theo một cuộc điều tra được tiến hành ở những người tị nạn Bắc Triều Tiên ở Hàn Quốc, năm 2008, đa số người dân đều tham gia vào các hoạt động tư nhân.

Phải chăng mưu toan lại nắm nền kinh tế trong tay có nghĩa là một sự thụt lùi? Việc chế độ muốn kiềm chế sự tiến triển của xã hội là rõ ràng. Tuy nhiên, ý muốn này đã không dập tắt được một sự tiến triển dường như không thể đảo ngược được. Nó gây ra hậu quả là làm sạt nghiệp một bộ phận những người buôn bán. Nhưng sau một thời kỳ lộn xộn, chế độ đã phải buông xuôi, và nền kinh tế song song, hợp pháp và bất hợp pháp, đã phục hồi.

Sự lột xác ngấm ngầm của xã hội, theo cách nhìn của lịch sử Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, sẽ là hiện tượng đáng chú ý nhất của kỷ nguyên Kim Jong – II. Tất nhiên, chế độ vẫn điều khiển đất nước, và chiến thuật bàn cờ của cảnh sát khiến cho một cuộc nổi dậy có qui mô khó có thể xảy ra, cho dù vẫn có những dấu hiệu cho thấy có sự bất bình nổ ra lẻ tẻ. Sự đóng cửa của đất nước, tâm lý của người bị bao vây nằm trong tâm trí của người dân, ảo tưởng về hệ tư tưởng được nuôi dưỡng từ một lòng yêu nước sâu sắc, “mang tính sắc tộc”, mà nhiều nhà sử học đã cho thấy rõ, khiến cho một sự bùng nổ trong thời hạn ngắn khó có thể xảy ra.

Tất cả đều được thương lượng và đều mua được

Bắc Triều Tiên đang đi theo con đường một sự chuyển tiếp tới nền kinh tế thị trường mà không thực hiện tự do hoá về chính trị. Nền kinh tế thị trường này cho phép các đảng viên, các viên chức, các nhà quản lý xí nghiệp Nhà nước và tầng lớp quân sự làm giàu. Đồng thời các chủ thể mới xuất hiện: các thương gia, những người cho vay, các nhà buôn nhỏ, người bán rong, các nhà kinh doanh chạy theo lợi nhận làm trung gian giữa chính quyền chính trị và thị trường… Cùng với những sự bất bình đẳng của quá khứ (giữa các quan chức của bộ máy Nhà nước và phần còn lại của nhân dân) là một sự phân hoá xã hội không rõ rệt hơn, với tầng lớp mới “bơi theo trào lưu” và hoà nhập vào các tầng lớp được hưởng đặc quyền đặc lợi nhưng không vì thế mà thuộc tầng lớp tinh hoa truyền thống.

Cho đến cuối những năm 1980, Bắc Triều Tiên đã đạt tới mức phát triển đáng nể về cơ sở hạ tầng (trong những năm 1970, Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên đã vượt Hàn Quốc về mặt tăng trưởng). Người dân, trừ các nhà lãnh đạo, đều có một cuộc sống khắc khổ nhưng khá công minh. Sau những “năm đen tối” diễn ra nạn đói, tại Bình Nhưỡng – tủ kính của chính quyền – và trong một mức độ ít hơn, tại các thành phố của các tỉnh, những sự chênh lệch xã hội càng trở nên rõ rệt hơn.

Trong khi một tầng lớp được hưởng đặc quyền đặc lợi, dùng một cách ít nhiều phô trương điện thoại di động mặc dù chỉ bắt được sóng ở trong nước, thì đa số phải vất vả để mưu sinh. Trong các đại sảnh lớn có mái che mà mọi người đều có thể tới, các thị trường được công nhận chứa đầy các mặt hàng (dán mác Trung Quốc và cả mác Nhật Bản và Hàn Quốc), cũng như thực phẩm. Nay các thị trường này vẫn tràn ngập hàng hoá, nhưng cần phải có tiền. Trên các đường phố, các gian hàng đặt ở ngay mặt đất của các nhà buôn bán hàng lậu thưa thớt hơn. Tại các vùng nông thôn, người dân với đôi tay trần vất vả trên các đồng ruộng, sửa chữa các con đường đất bằng cuốc và xẻng hoặc xây dựng các con đê…

Việc mở rộng nền kinh tế thứ hai đã gây ra hậu quả là làm mất ổn định xã hội mà chế độ đang ra sức ngăn chặn nhưng vẫn chưa thực sự làm được: vì không có một qui định mang tính pháp lý thích hợp để ngăn chặn những thực tế mới này xuất hiện từ các “vùng xám”; ngoài ra, việc tiền tệ hoá đã tạo thuận lợi cho nạn tham nhũng. Sự phát triển của nền kinh tế thứ hai sẽ không thể thực hiện được nếu không có sự tán thành của các cán bộ, các viên chức và các thành viên của các cơ quan an ninh dân sự và quân sự khác nhau. Chính quyền vẫn có bộ máy trấn áp, nhưng đã bị mất quyền kiểm soát một phần các hoạt động kinh tế (theo các tổ chức nhân đạo, có từ 150.000 đến 200.000 người trong khoảng một chụ trại giam giữ và các “trang trại Nhà nước”, từ nay được định vị nhờ các hình ảnh vệ tinh). Theo những người tị nạn, cái gì cũng đều thương lượng được và mua được: giấy phép đi lại, miễn tham dự các buổi họp tuyên truyền, sự bảo trợ, biển thủ các thiết bị…

Sự tiến triển ngấm ngầm này của xã hội liệu có thúc đẩy chế độ rời xa đường lối đã từng thắng thế dưới thời Chủ tịch Kim Nhật Thành là tạo ra ảo tưởng về dân tộc trước khi thoả mãn những như cầu về vật chất của người dân không? Trung Quốc đang khuyến khích Bắc Triều Tiên đi theo một con đường thực dụng hơn. Nhưng Trung Quốc có một ưu tiên mang tính chiến lược ở Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên: đó là sự ổn định. Và các nhà lãnh đạo Trung Quốc nhận thức được rằng một sự mở cửa quá thô bạo sẽ có nguy cơ gây nguy hiểm cho chế độ. Ông Choi Choonheum thuộc Viện thống nhất quốc gia của chính phủ ở Xơun khẳng định: “Vấn đề hạt nhân ám ảnh phương Tây đang gây phiền nhiễu nhưng chỉ là vấn đề thứ yếu đối với Trung Quốc. Để ngăn chặn mọi nguy cơ bất ổn vào thời kỳ hậu Kim Jong – II, Trung Quốc  đang gia tăng sự có mặt về kinh tế và ảnh hưởng chính trị của mình ở Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên”.

Bắc Triều Tiên đã duy trì mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc, đồng minh duy nhất của mình – một liên minh, kể cả về quân sự, đã được tái khẳng định trong lễ kỷ niệm cuộc can thiệp của Trung Quốc trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (ngày 25/10/1950), khi quân đội của Kim Nhật Thành bị các lực lượng của Liên Hợp Quốc đẩy lùi cho đến tận sông Áp Lục.

Từ năm 2008 và từ khi Hàn Quốc dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Li Miêng Pắc từ bỏ chính sách cởi mở đối với Bắc Triều Tiên, Trung Quốc trở thành đối tác kinh tế chính của Bắc Triều Tiên (70% những sự trao đổi bên ngoài) và là nhà cung cấp hàng đầu về thực phẩm, năng lượng và thiết bị cho Bắc Triều Tiên. Những sự trừng phạt quốc tế không có ảnh hưởng mấy đến chế độ này, nhưng nó đã góp phần đẩy Bắc Triều Tiên càng ngã vào vòng tay của Trung Quốc.

Tình hữu nghị giữa hai nước, được củng cố bằng hai chuyến thăm xích lại gần nhau của Chủ tịch Kim Jong II tới Trung Quốc vào năm 2010 và các chuyến thăm của các nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc tới Bắc Triều Tiên không phải là không có ẩn ý. Dù người ta có cảm tưởng như thế nào trước những thông tin ngoại giao của Mỹ do WikiLeaks tiết lộ về khả năng Trung Quốc  từ bỏ Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, thì đối với Trung Quốc, chế độ hiện hành vẫn là sự bảo đảm tốt nhất cho sự ổn định. Tất nhiên, ở Trung Quốc vẫn tồn tại hai trường phái: đối với những người có tư tưởng truyền thống thì Bắc Triều Tiên vẫn là một “nước anh em”; những người có tư tưởng quốc tế thì coi Bắc Triều Tiên là một gánh nặng.

Sự nắm các nguồn tài nguyên

Việc Trung Quốc tính tới tất cả các trường hợp – kể cả sự sụp đổ của chế độ – là một điều rõ ràng. Việc Trung Quốc không nuôi ảo tưởng mấy về tương lại của chính quyền này lại là một điều khác. Nhưng, vào lúc này chắc chắn Trung Quốc không muốn thấy quân Mỹ đóng ở bờ phía bên kia của sông Áp Lục trong trường hợp tái thống nhất dưới sự bảo hộ của Hàn Quốc, một đồng minh của Mỹ. Ngoài ra, sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng sẽ gây ra một cuộc di dân ở biên giới Trung Quốc – Bắc Triều Tiên. Thế nhưng, về phía Trung Quốc, tại khu vực giáp giới, có một dân tộc thiểu số người Triều Tiên (một triệu người) sinh sống. Một làn sóng người tị nạn có thể thức tỉnh một yêu sách về bản sắc và gây ra một vấn đề giống như ở Tân Cương với người Duy Ngô Nhĩ.

Để ổn định hoá Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, Trung Quốc đang tìm cách hoà nhập nước này vào sự phát triển của Mãn Châu cũ, trước tiên là nước này can dự vào việc thành lập một vùng công nghiệp trải dài dọc bờ sông Áp Lục giữa Tùng Hoa và Đan Đông, sau đó là mở rộng phạm vi tới Trường Xuân và tỉnh Cát Lâm cho tới tận sông Đồ Môn (dự án có tên là “Changjitu”). Việc xây dựng các cầu mới nối liên hai nước bắt đầu được tiến hành và Trung Quốc đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng và bất động sản ở Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, Trung Quốc đã thuê để trưng quảng cáo một phần tài nguyên (nhất là kim loại hiếm) chứa đầy dưới lòng đất của Bắc Triều Tiên. Nếu một ngày nào đó, Hàn Quốc chiếm được Bắc Triều Tiên thì rất có nguy cơ nước này không còn chỗ nữa…

Việc Trung Quốc dần nắm giữ các nguồn tài nguyên này khiến Bắc Triều Tiên không được hài lòng lắm: cần phải tránh sự sụp đổ của đất nước, Bắc Triều Tiên bắt đầu cho thấy họ có ý muốn độc lập. Các nhà lãnh đạo Bắc Triều Tiên cũng có trí nhớ tốt. Năm 1956, với sự bảo lãnh của Nga, Trung Quốc đã ủng hộ một mưu toan đảo chính chống Kim Nhật Thành được sắp xếp bởi một nhóm người thân Trung Quốc trong đảng. Chừng nào chế độ Bình Nhưỡng vẫn còn phục vụ những lợi ích của Trung Quốc thì chế độ này vẫn nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc; và Trung Quốc càng có những lợi ích kinh tế và địa chiến lược ở Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên thì Trung Quốc càng muốn tránh cho chế độ Bình Nhưỡng bị mất ổn định. Một sự bảo đảm chứa đựng nguy cơ làm cho Bắc Triều Tiên trở thành một nước chư hầu của Trung Quốc./.

Đã đăng trên basam.info

No comments:

Post a Comment