March 22, 2011

Thị trường tự do có làm băng họai các giá trị đạo đức hay không?

Đây là cuộc thảo luận do Quĩ JOHN TEMPLETON FOUNDATION tổ chức. Vấn đề được đem ra bàn thảo là: Chủ nghĩa tư bản, dựa trên quyền tự do trao đổi, đã bị mang tiếng là hệ thống dã man và phi đạo đức, đấy là nơi mà mỗi người đều chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, sẵn sàng phản bội, lừa bịp nhằm giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh. Liệu xã hội tư bản chủ nghĩa có dứt khóat dẫn tới suy thóai đạo đức hay không? Thị trường tự do có tương thích với các giá trị đạo đức hay không, nó sẽ phá hủy hay khuyến khích những giá trị này? Một số nhà kinh tế học, triết học và chính khách có tiếng của Mĩ và Nga đã tham gia cuộc thảo luận. Ý kiến của họ rất đa dạng, Phạm Nguyên Trường blog sẽ lần lượt dịch và giới thiệu.

Bài 8
Rick Santorum: Không!
Phạm Nguyên Trường dịch

Những người phê bình thường lên án thị trường tự do và động cơ kiếm lời là chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, bệnh hoạn, đặt quyền lợi của mình lên trên tất cả mọi thứ và coi thường trách nhiệm đối với xã hội. Nhưng chủ nghĩa cá nhân lại hoàn toàn tương thích với tình đoàn kết trong xã hội và sự quan tâm bất vị lợi đối với những người khác. Trên thực tế, chủ nghĩa cá nhân lành mạnh là niềm tin của cá nhân vào khả năng của mình trong việc nuôi sống mình và gia đình mình cũng như thực hiện những thay đổi xã hội cần thiết – đấy chính là điều kiện tiên quyết của tình đoàn kết với những người cùng cảnh ngộ và tình thương đối với những người thiếu thốn.


Trên thực tế, phải có nền tảng đạo đức thì thị trường mới có thể trở thành tự do thật sự, và đến lượt nó, thị trường tự do lại giúp củng cố nền tảng đạo đức. Nhưng thị trường tự do không phải là thiết chế bảo đảm cho đức hạnh. Môi trường văn hóa hiện nay cho thấy thị trường tự do có thể làm gia tăng những rủi ro về mặt đạo đức.

Tôi là một chính khách chứ không phải nhà kinh tế học, có người sẽ nghĩ rằng tôi không có đủ trình độ để trả lời câu hỏi này. Nhưng là một chính khách, tôi đã học được rất nhiều điều trong suốt những năm tháng mà tôi đã dành để thảo luận về tự do, đạo đức và kinh tế với hàng ngàn người Mĩ. Những trải nghiệm này đã dạy tôi rằng quan trọng nhất trong thuật ngữ “thị trường tự do” là từ “tự do” – rằng thị trường tự do là vấn đề chính trị và đạo đức chứ không chỉ là vấn đề kinh tế.
Thị trường tự do phụ thuộc vào và tưởng thưởng cho một loạt phẩm hạnh của con người. Thí dụ, những người hoạt động trên thương trường phải rèn tập tính thận trọng – sự cẩn thận, khả năng nhìn xa trông rộng và tìm được cách áp dụng tốt nhất các nguyên lí chung vào từng hoàn cảnh cụ thể. Những người hoạt động trên thương trường phải hứa và giữ lời hứa, ngay cả khi do tính toán sai lầm mà giữ lời hứa sẽ làm cho mình bị thiệt. Những thói quen như thế làm gia tăng vốn xã hội, mà đấy chính là “chất bôi trơn” tốt nhất của cơ chế thị trường.
Thành công trên thị trường tự do phụ thuộc vào sự cần cù và chu đáo. Một người lười biếng và không chú tâm vào công việc mình làm sẽ chẳng thể tồn tại được lâu trong thương trường. Hơn nữa, việc tham gia trực tiếp vào thị trường tự do giúp củng cố tinh thần tự lực tự cường và chủ nghĩa cá nhân lành mạnh. Những người tham gia trên thương trường sẽ có thói quen nhìn các vấn đề như là cơ hội và giải quyết các vấn đề đó bằng sức lực của chính mình.
Nhưng đây là rắc rối thứ nhất. Những người phê bình thường lên án thị trường tự do và động cơ kiếm lời là chủ nghĩa cá nhân ích kỉ, bệnh hoạn, đặt quyền lợi của mình lên trên tất cả mọi thứ và coi thường trách nhiệm đối với xã hội. Nhưng chủ nghĩa cá nhân lại hoàn toàn tương thích với tình đoàn kết trong xã hội và sự quan tâm bất vị lợi đối với những người khác. Trên thực tế, chủ nghĩa cá nhân lành mạnh là niềm tin của cá nhân vào khả năng của mình trong việc nuôi sống mình và gia đình mình cũng như thực hiện những thay đổi xã hội cần thiết – đấy chính là điều kiện tiên quyết của tình đoàn kết với những người cùng cảnh ngộ và tình thương đối với những người thiếu thốn. George Gilder đã khẳng định một cách đầy thuyết phục rằng những người hoạt động trong nền kinh tế thị trường vốn là những người nhắm tới mục đích phục vụ người khác: họ tìm ra những nhu cầu hợp lí của người khác và tìm cách đáp ứng những nhu cầu đó bằng những món hàng và dịch vụ hữu ích.
Mặc dù kinh tế thị trường thúc đẩy và tưởng thưởng cho nhiều phẩm hạnh của con người, nhưng chúng ta không được đánh đồng nó với lòng tốt và đức hạnh. Thứ nhất, thị trường không thể tồn tại nếu không có các tiêu chuẩn đạo đức làm nền tảng cho nó, không có các quyền và trách nhiệm, thí dụ như quyền sở hữu và quyền trao đổi một cách hòa bình. Nhiều nhà kinh tế học đã giải thích những vấn đề đạo đức căn bản như quyền sở hữu, trộm cắp là phi pháp và thậm chí cả tính bất hợp pháp của tình trạng nô lệ, xét từ quan điểm của “tính hiệu quả” của các những tiêu chuẩn như thế. Đấy là quyền của họ. Nhưng tự bản thân các nguyên tắc của thị trường tự do không thể sinh ra các tiêu chuẩn đạo đức làm nền tảng cho nó. Lí do là “tính hiệu quả” phụ thuộc vào quá trình trao đổi một cách tự nguyện và hòa bình, mà điều này lại phụ thuộc vào việc giữ gìn các nguyên tắc đạo đức đã có bằng những những phương tiện của luật pháp và xã hội.
Thứ hai, mặc dù thị trường tự do có thể giúp củng cố lòng nhân ai và đức hạnh, nhưng nó hoàn toàn không phải là thiết chế buộc người ta phải giữ gìn đạo đức. Các nhân tố của thị trường như động cơ kiếm lời có thể vượt quá giới hạn và trở thành ưu tiên cao nhất, dẫn tới lòng tham và tính ích kỉ. Giải pháp không phải là lên án thị trường mà là hướng những người tham gia quan tâm đến việc phục vụ người khác cả bên trong lẫn bên ngoài những cuộc trao đổi kinh tế và biết cách cân bằng giữa lợi nhuận và tính tư lợi với gia đình và các nhu cầu của xã hội, cũng như củng cố lòng tin giữa người với người và những lợi ích xã hội khác. Ngoài ra, nguyên tắc kiếm lời căn bản của thị trường là phục vụ nhu cầu của người khác có thể dẫn đến những vấn đề rắc rối, nếu đấy là những “nhu cầu” xấu xa. Mặc dù những người hoạt động trên thương trường không phải áp đặt chủ nghĩa khổ hạnh (nguyên văn Thanh giáo [Puritanism] – ND) lên những người tiêu dùng và khách hàng của họ, nhưng có những trường hợp khi mà lợi nhuận có thể mâu thuẫn với đức hạnh.
Từ mâu thuẫn này có thể thấy một câu hỏi tổng quát hơn về thị trường tự do: bản thân tự do có làm băng hoại các giá trị đạo đức hay không? Nhìn vào tình trạng đáng buồn của nền văn hóa Mĩ hiện nay, người ta có thể vô tình mà muốn trả lời rằng: “Có”. Chúng ta thường xuyên bị bỏ bom bằng những con số thống kê đáng sợ về tình trạng suy đồi đạo đức, từ phim ảnh đồi trụy và ngoại tình cho đến sử dụng chất ma túy và tội phạm. Sự suy đồi này là kết quả của sự thoái hóa của chính khái niệm tự do, tự do ở đây được coi là tự do khỏi trách nhiệm, là phóng túng, là tự do muốn làm gì thì làm, bất chấp hậu quả mà mình gây ra cho người khác.
Các nhà lập quốc Mĩ coi tự do như là quyền tự do có mục tiêu, hướng tới một cái gì đó quan trọng hơn là tính ích kỉ, nó khác hẳn với quan niệm của nền văn hóa bình dân (pop-culture) hiện nay, khác hẳn với việc coi tự do là tự do khỏi mọi ràng buộc đối với những ham muốn và thèm khát tức thời. Giáo hoàng John Paul II đã phân biệt một cách chính xác giữa quyền tự do thật sự, tức là quyền tự do làm điều cần làm và bằng biện pháp sao cho có thể sử dụng được tài năng và hoàn cảnh đặc thù của bạn – đấy là tự do trong các phương tiện – với quyền tự do sai lầm, tức là tự do làm tất cả những gì mình muốn, dù mục đích và dục vọng có thấp hèn đến đâu – đấy là tự do trong mục tiêu. Con người được thiên nhiên phú cho mục đích và những thiện ý, đấy không phải là những thứ mà chúng ta có thể định nghĩa rồi tái định nghĩa theo ý riêng của mình được. Chúng ta phát đạt không phải là khi chúng ta làm bất kì điều gì mình muốn lúc đó mà là khi chúng ta chọn lựa những điều tốt đẹp hơn và mục tiêu dài hạn hơn. Muốn phát đạt theo cách đó thì phải ép mình vào kỉ luật và có khả năng sáng tạo nữa.
Rút cục lại, ở nước Mĩ hiện nay chúng ta thường xuyên thấy quan niệm sai lầm về tự do, quan niệm coi tự do là sự phóng túng, muốn làm gì cũng được, đã dẫn tới việc coi thường đạo đức và luật pháp. Trên thực tế, xu hướng này sẽ làm cho không gian tự do của chúng ta co lại, vì người ta sẽ trở thành nô lệ cho những đam mê của mình và cuối cùng là sẽ coi thường và vi phạm các quyền và quyền tự do của người khác. Quan niệm về tự do một cách phóng túng như thế sẽ làm tổn hại đến hoạt động bình thường của thị trường tự do, vì thị trường tự do phải dựa vào tính trung thực, lòng tin, tinh thần trách nhiệm, tinh thần tự chủ, biết đặt ra và gắn bó với những mục tiêu dài hạn, thì mới hoạt động được.
Thị trường tự do không làm băng hoại đạo đức, mặc dù nó có thể làm gia tăng khả năng xuất hiện một số vấn đề về mặt đạo đức. Và mặc dù chắc chắn là thị trường tự do đóng vai trò quan trọng trong việc cổ vũ đức hạnh, cũng cần phải có những gia đình và cộng đồng gắn bó thì mới có thể thúc đẩy được những đức tính tốt đẹp và quyền tự do mà thị trường tạo ra cho người ta. Tương tự như những khía cạnh khác của xã hội công bằng và tự do, thị trường tự do phụ thuộc vào đạo đức của từng cá nhân – phụ thuộc vào khả năng chế ngự những đam mê và bốc đồng ích kỉ của chúng ta, phụ thuộc vào khả năng lựa chọn những mục tiêu mà Tự nhiên và Thượng đế đã ban cho chúng ta.

Rick Santorum, từ năm 1991 đến 1995 là hạ nghị sĩ, còn từ năm 1995 đến năm 2007 là thương nghị sĩ Mĩ, đại diện cho bang Pennsylvania. Hiện nay ông là bình luận viên của tờ Philadelphia Inquirer và là cộng tác viên khoa học của Trung tâm đức dục và chính sách công ở Washington, D.C.

No comments:

Post a Comment