March 5, 2011

Michael Auslin (The Wall Street Journal, 02/03/2011) – Nga sợ Trung Quốc chứ không sợ Nhật

 Phạm Nguyên Trường dịch 

Cuộc tranh luận kéo dài hàng chục năm về quần đảo Kuril có thể là chiến thuật của Nga nhằm chống lại kẻ thù thực sự và lâu đời của họ: Trung Quốc. 


Tokyo – Ba thông tin trong tuần trước có vẻ như là để thông báo về sự trở lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Nga. Thứ nhất, cuộc viếng thăm của bộ trưởng quốc phòng Nga đến một trong bốn hòn đảo của quần đảo Kuril nhằm “thanh sát về mặt quân sự”, theo sau chuyến viếng thăm của tổng thống Medvedev vào năm ngoái. Thứ hai, trong mười năm tới hải quân Nga sẽ chi hơn 150 triệu dollar để mua hơn một chục tàu ngầm và tàu thủy, chủ yếu là dành cho khu vực Thái Bình Dương. Thứ ba, Nga sẽ triển khai hệ thống tên lửa đất đối không hiện đại S-400 và tên lửa chống tàu biển nhằm bảo vệ quần đảo Kuril.

Tất cả những chuyện này đều có liên quan đến cuộc tranh luận kéo dài đã bảy mươi năm giữa Nga và Nhật về chủ quyền trên quần đảo Kuril, và như vậy là dường như đang làm cho quan hệ giữa hai nước xấu đi. Với số tiền dường như vô tận đang đổ vào ngân khố từ việc bán dầu mỏ, lần đầu tiên trong suốt hai mươi năm qua, Nga thể hiện sự có mặt của mình trên khu vực Bắc Thái Bình Dương. 

Hoàn toàn có khả năng là trên thực tế tổng thống Medvedev và thủ tướng Vladimir Putin đang tạo cơ sở cho việc tập trung chú ý vào kẻ thù truyền kiếp của họ: Trung Quốc. Ví lí do đó, Tokyo và Moskva cần phải kiềm chế để không tạo ra một cuộc khủng hoảng mới trong quan hệ giữa hai nước và thay vì thế, phải cùng nhau tìm cách chống lại sự đe dọa về mặt an ninh mà Trung Quốc đang tạo ra cho cả hai nước.

Nếu Nga và Nhật tranh cãi về chủ quyền đối với khu vực Siberia và Kuril từ giữa thế kỉ XIX thì xung đột Trung-Nga bắt đầu từ cuối những năm 1600, tức là lâu đời hơn nhiều. Hai nước có đến hàng ngàn cây số đường biên giới chung, trên đó đã từng xảy ra những vụ đụng độ vào năm 1969. Mặc dù Nhật cũng không phải là người xa lạ với cuộc đấu tranh giành bá quyền khu vực, nhưng Nga và Trung Quốc tin rằng họ mới là những nước đứng đầu lục địa Á-Âu. 

Ước muốn của Moskva trong việc củng cố ảnh hưởng của họ lên các khu vực có ý nghĩa chiến lược đối với Nga đã dẫn tới, thí dụ như việc gia tăng đột ngột hoạt động của lực lượng không quân trên khu vực lãnh thổ gần với Nhật. Điều đó làm người ta nghĩ đến hai vấn đề: Thứ nhất, những bước đi vừa được nhắc tới bên trên có thể hiện sự dịch chuyển chính sách hướng sang khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay không? Thứ hai, nếu thế thì tại sao lại là lúc này và mục tiêu cuối cùng của hai ông Medvedev và Putin là gì?

Trả lời câu hỏi thứ nhất có thể là đơn giản. Nga cũng như các cường quốc khác đều công nhận rằng sự thịnh vượng trong tương lai của họ phụ thuộc vào vùng châu Á-Thái Bình Dương. Vai trò của Nga trong hệ thống thương mại toàn cầu với trung tâm là vùng Đông-Bắc Á là cung cấp vật tư và nhiên liệu.
Nhưng tác nhân chính trị cũng đóng vai trò nhất định trong việc khuyếch trương thế lực của Nga trong vùng Viễn Đông. Một phần là do họ muốn có tiếng nói mạnh mẽ hơn trong các diễn đàn khu vực, phần khác là do họ muốn giữ được đòn bảy trong những cuộc thương thảo về hiệp định buôn bán với Bắc Kinh, Tokyo và những thủ đô khác. Moskva không muốn bị coi là bất lực như Mông Cổ hay bị cách li như Australia trong quan hệ với Trung Quốc, những cố gắng nhằm gia tăng sức mạnh quân sự là biện pháp trực tiếp nhằm thể hiện điều đó.

Quan trọng hơn là hai ông Putin và Medvedev có vẻ như đang củng cố địa vị của Nga trong tương lai xa, và mục tiêu cuối cùng của họ là đối đầu với sự gia tăng sức mạnh của Trung Quốc trong khu vực. Cả hai nước đều biết rằng khu vực Viễn Đông và Siberia thưa thớt sẽ càng ngày càng trở thành hấp dẫn hơn đối với nước Trung Quốc hùng mạnh về quân sự, trong khi nước này đang cần những nguồn nguyên liệu và nhiên liệu lớn.  

Siberia có thể cung cấp nhiều thứ mà Trung Quốc cần không những để giữ cho kinh tế tiếp tục phát triển mà còn để đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của một đất nước đã công nghiệp hóa, từ gỗ cho đến dầu khí và nước sạch nữa. Xin đơn cử một thí dụ. Đến năm 2035 nhập khẩu dầu của Trung Quốc sẽ gia tăng gấp bốn lần hiện nay và đạt 14 triệu thùng một ngày; trong khi đó 65% mỏ dầu tương lai của Nga nằm ở Siberia, ngay phía Bắc Trung Quốc; ở đây cũng có đến 85% trữ lượng khí của cả nước.

Trên toàn lãnh thổ rộng đến 9,6 triệu KM2 của Siberia, kéo dài từ  Ural đến bán đảo Kamchatka, chỉ có 25 triệu người, nghĩa là chưa đến ba người trên một cây số vuông. Xa hơn nữa về phía Đông là Khu liên bang Viễn Đông chỉ có bảy triệu dân hay là một người trên một cây số vuông, trong khi 100 triệu người Trung Quốc đang sống trong những tỉnh nằm ngay sát biên giới giữa hai nước. 

Theo số liệu chính thức thì chỉ có 50.000 người Trung Quốc sống tại vùng Viễn Đông của Nga, nhưng các thương nhân Trung Quốc đang kiểm soát phần lớn ngành thương mại của vùng này. Từ quan điểm địa chính trị trong tương lai, có thể nói một cách chắc chắn rằng ảnh hưởng của Trung Quốc ở Siberia sẽ gia tăng khi dân cư Nga ở đây giảm và chính phủ Trung Quốc có thể muốn sở hữu vùng này.

Điều đó đã kích thích Nga gia tăng sức mạnh, chủ yếu là lực lượng hải quân, buộc Nga phải khẳng định chủ quyền đối với những hòn đảo nhỏ và tăng cường khả năng phòng thủ cho chúng. Nhật, một nước không thể có khả năng đe dọa quyền lợi của Nga, trở thành bung xung trong trò chơi tế nhị trong cuộc giao đấu trong hậu trường giữa Nga và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong khi công nhận sự quan tâm đang ngày càng gia tăng của Trung Quốc thì Moskva và Tokyo lại có cơ hội thảo luận về môi trường địa chính trị trong tương lai của khu vực châu Á-Thái Bình Dương. 

Nhật cũng đặt hi vọng vào các mỏ dầu và khí thiên nhiên của Nga, trong khi họ lại đang theo dõi một cách kĩ lưỡng sự quan tâm của Trung Quốc đối với những tuyến đường ở Bắc Băng Dương qua biển Nhật Bản. Đối với ngành thương mại của Trung Quốc và châu Âu, tuyến đường phía Bắc có thể tránh được khu vực biển Nam Trung Hoa đầy biến động. Cùng với sự phát triển của ngành hàng hải của Trung Quốc, dù là với Nga hay là với châu Âu trong tương lai, thì có khả năng là Nhật sẽ sợ rằng nó sẽ kéo theo các con tàu của hải quân Trung Quốc. Điều này cũng tương tự như mối lo của Nga nhằm bảo vệ ngành thương mại của họ trên Thái bình Dương khỏi sự hiện diện của lực lượng hải quân ngày càng lớn mạnh của Trung Quốc. 

Nói chung, Nhật sẽ quan sát một cách cực kì thận trọng sự gia tăng ảnh hưởng của Trung Quốc đối với vùng Viễn Đông của Nga hay những cố gắng nhằm áp đặt quyền kiểm soát trực tiếp của họ đối với khu vực này. Sự thay đổi như thế có thể xảy ra theo kế hoạch hay vô tình, thí dụ như xảy ra những vụ tấn công các công dân Trung Quốc đang sinh sống trong khu vực. Một cuộc bành trướng như thế có thể buộc Tokyo phải đối mặt với những thách thức to lớn trong việc bảo vệ khu vực lãnh thổ phía Bắc cũng như các hòn đảo ở phía Tây-Nam, những khu vực đã trở thành tâm điểm chiến lược của Cương lĩnh quốc phòng mới của Nhật, được công bố vào tháng 12 vừa qua.  

Mở ra cuộc đối thoại với Nga về tương lai của vùng lãnh thổ Thái Bình Dương của nước này có thể dẫn tới việc tăng cường các quan hệ kinh tế và cùng với nó là giảm nhẹ mối lo của Nga đối với sự chi phối của Trung Quốc đối với nền thương mại của họ ở Siberia và bảo đảm rằng Nhật quan tâm đến việc bảo tồn nguyên trạng trong khu vực. Mĩ có thể có vai trò ở đây, không chỉ trong việc khuyếch trương những cuộc thảo luận về an ninh với Tokyo mà còn bằng cách bắt đầu những cuộc thảo luận rộng rãi với Moskva về sự ổn định trong khu vực Viễn Đông của Nga nữa. Khi đã đi đến giai đoạn như thế thì không có lí do gì để Bắc Kinh không tham gia vào cuộc đối thoại đang hình thành đó.

Một số người, trong đó có cả người Trung Quốc, có thể cho rằng Bắc Kinh không bao giờ lại làm những việc có thể gây bất ổn đến mức như thế. Nhưng khi phải đối mặt với một đất nước đang phát triển, lại cần tiếp cận với những nguồn nguyên vật liệu có vai trò sống còn trong một khu vực thưa dân, Nga đã bắt đầu hành động. Cả Mĩ và Nhật cũng đều phải suy nghĩ một cách cẩn thận về khả năng xảy ra đổ vỡ và mất ổn định trong khu vực Đông-Bắc Á, đấy là nói nếu họ không muốn bị bất ngờ, như đã từng xảy ra với nhiều nước trong quá khứ.

Mr. Auslin là trưởng phòng nghiên cứu Nhật Ban tại Viện kinh doanh Mĩ (the American Enterprise Institute) và là người phụ trách chuyên mục của WSJ.com.
 

No comments:

Post a Comment