Hiếu Tân dịch
Những cuộc biểu tình khổng lồ ở Ai cập nhằm trục xuất Tổng thống Hosni Mubarak đánh dấu một thời điểm chưa từng có trong lịch sử Ai cập và hết sức khó chịu đối với Mubarak trong ba thập kỷ chiếm giữ quyền lực của ông ta. Tinh thần của cuộc nổi dậy này dường như đang lây nhiễm. TIME cho chúng ta một cái nhìn lướt qua những kẻ bạo quyền mà sự níu giữ quyền lực lúc này đã yếu hơn bao giờ hết.
1. Hosni Mubarak
Josh Sanburn, TIME,. 01/02/ 2011
http://www.time.com/time/specials/packages/
article/0,28804,2045407_2045416_2045422,00.html
Trong nhiều năm Ai cập không nằm trong tầm nhìn Trung Đông của hầu hết người Mỹ - cho dù trong thời gian dài Washington là nhà hảo tâm đối với chế độ Cairo. Nhưng Ai cập, có thời từng là lực lượng áp đảo trong khu vực, nay đang ở trung tâm tin tức khi tổng thống Mubarak đang vật vã bám chặt lấy quyền lực trước những cuộc biểu tình chưa từng thấy. Lãnh tụ chuyên quyền này đã lãnh đạo Ai cập từ sau cuộc ám sát Anwar Sadat năm 1981. Mặc dầu chính phủ Mubarak đã cải thiện các cuộc bầu cử năm 2005, đối lập chính trị thật sự từ lâu đã bị đàn áp dưới sự thống trị của ông ta. Muslim Brotherhood, một nhóm chính trị Hồi giáo có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng đã bị đàn áp, và lực lượng cảnh sát Ai cập khét tiếng là tàn bạo đối với những người chống chính phủ. Các cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái bị nhiều người cho là gian lận, và nhiều người Ai cập thấy xấu hổ trước những dấu hiệu đầu tiên Mubarak mở đường cho con trai ông ta lên nối ngôi - đặt cơ sở cho một triều đại gia đình trị được hậu thuẫn bởi một phái đặc quyền đặc lợi thối nát. Mubarak hiện đang đứng trước một thách thức nghiêm trọng đối với sự thống trị dài nhiều thập kỷ của ông ta bởi một khối dân chúng tràn đầy phẫn nộ và thất vọng dồn nén từ nhiều năm nay.
2. Ali Abdullah Saleh
Frances Romero, TIME, 01/02/2011
Một tuần lễ với các cuộc biểu tình chống đối trên khắp Yemen đã làm thấm nỗi sợ vào tim tổng thống Ali Abdullah Saleh, khiến ông ta vội vã thả nhiều nhà hoạt động nhân quyền và nhà báo chỉ ít ngày sau khi họ bị bắt giữ. Saleh, người đã trị vì Yemen trong 32 năm, từ lâu đã bị phê phán về chính phủ tham nhũng của ông ta, và được coi như con tốt đen trong những cố gắng chống khủng bố của Mỹ. Saleh cũng có một lịch sử những cuộc thỏa thuận cay đắng với các chiến binh Hồi giáo và những cuộc nổi dậy của nhiều bộ tộc để giữ được chính quyền - một sự kiện mà cộng đồng quốc tế đã và đang quan tâm chặt chẽ kể từ khi al Qaeda ở bán đảo A rập, hoạt dộng chủ yếu bên ngoài Yemen, nhận trách nhiệm về âm mưu năm 2009 đánh bom một máy bay của Northwest Airlines trên đường đến Detroit. Đầu năm nay, quốc hội Yemen đã sơ bộ chuẩn y một biện pháp cho phép Saleh, kẻ đã cai trị hơn ba thập kỷ, được ở lại chính quyền vượt quá sự ủy trị hiến định của ông ta. Tin tức nhắc đến những cuộc biểu tình đã mạnh lên trong nước này kể từ khi có cuộc nổi dậy của Tunisia.
3. Kim Jong Il
Kayla Webley, TIME, 01/02/ 2011
Là lãnh tụ tối cao của một trong những nước cô lập nhất thế giới, Kim Jong Il của Bắc Triều Tiên không được biết đến gì nhiều ngoài những những tuyên bố huênh hoang, thường là ngu xuẩn, của những cái mồm chính thức của chế độ. Những sự việc như ông ta đã có lần viết sáu vở opera trong hai năm, “huấn luyện” cho đội tuyển World Cup của nước ông ta bằng công nghệ điện thoại di động tàng hình (mà ông ta sáng chế ra) và ghi được tỉ số thắng 38 điểm trong một trận đấu golf (biến ông ta thành tay golf thủ vĩ đại nhất mọi thời đại). Trong khi những kỳ công về tài nghệ của ông ta là tù mù, thì sự đói khổ cùng cực ở Bắc Triều tiên là rõ ràng. Khi Kim đã xây dựng một trong những quân đội thường trực lớn nhất thế giới, thì các tổ chức viện trợ ước tính khoảng 2 triệu người đã chết từ giữa những năm 1990 do kết quả của thiếu lương thực phần lớn vì quản lý kinh tế tồi tệ. Chế độ toàn trị của Kim đã bị lên án về tra tấn, những vụ hành hình công khai, lao động nô lệ, cưỡng bức phá thai và giết hại trẻ sơ sinh; và khoảng 200.000 người bị giam là những tù nhân chính trị.
Tia hy vọng mỏng manh duy nhất của Bắc Triều Tiên là cái chết của Kim - hiện đang ốm yếu. Trong việc chọn để bổ nhiệm con trai của ông ta là Kim Jong Un, một kẻ trong độ tuổi 20 không có kinh nghiệm gì, làm người kế vị, Kim đã tạo ra một tương lai thiếu chắc chắn khi những thành viên mạnh khác trong gia đình ông ta đua tranh vào chức vụ chóp bu này. Một số người nói rằng sự không chắc chắn này có thể đưa đến việc đổi gác [chế độ] hay thậm chí một cuộc nổi loạn lãnh đạo bởi các sĩ quan quân đội bất mãn.
4. Alexander Lukashenko
Josh Sanburn, TIME, 01/02/2011
Thường được mô tả như “nhà độc tài cuối cùng ở châu Âu”, Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko đã cai trị nước Đông Âu này trong 16 năm. Để chống đỡ cho nền cai trị của mình, những tiếng nói đối lập thường xuyên bị chặn, còn phương tiện truyền thông độc lập thì từ có ít đến không có. Các đối thủ chính trị thường xuyên bị theo dõi bởi công an mật Belarus, trong nước cộng hòa thuộc Liên xô cũ này nó vẫn còn được gọi là KGB. Lukashenko bắt đầu kiểm soát đất nước từ năm 1996 khi quốc hội xem xét kết tội ông ta, ông ta liền lập tức giải tán nó. Lukashenko sau đó tự tay chọn ra một quốc hội kế tục, và nắm lấy quyền kiểm soát ngành tư pháp của đất nước. Tháng 12 vừa qua, nhà độc tài này đã được bầu lại với 80% số phiếu, nhưng nhiều nhà quan sát độc lập cho biết có sự gian lận phổ biến. Từ đó, Lukashenko đã lãnh đạo một cuộc đàn áp tàn bạo các đối thủ chính trị, trong đó có một vài người ra tranh cử với ông ta trong cuộc bầu cử tổng thống. Cộng đồng quốc tế đã áp đặt trừng phạt Belarus vì những hành động này của ông ta.
5. Omar Hassan al-Bashir
Alexandra Silver Time, 01/02/2011
Omar Hassan al-Bashir, người lên cầm quyền ở Sudan sau khi lãnh đạo một cuộc đảo chính năm 1989 (ông ta là tổng thống từ năm 1993), có một danh hiệu nhục nhã là nguyên thủ quốc gia đương chức đầu tiên mà Tòa án Hình sự Quốc tế phát lệnh bắt. Ông ta bị truy nã về tội ác chống nhân loại, tội ác chiến tranh và theo một lệnh bắt thứ hai năm 2010, tội diệt chủng ở Darfur. Những bản cáo trạng này không phải là thách thức duy nhất mà al-Bashir phải đối mặt. Trong tháng Giêng 2011, cùng tháng người miền nam Sudan đi bỏ phiếu trong một cuộc trưng cầu dân ý để ly khai, các sinh viên miền Bắc đã chiếm các đường phố để phản đối chế độ của al-Bashir.
6. Mahmoud Ahmadinejad
Frances Romero, TIME, 01/02/2011
Cuộc bầu cử lại vào nhiệm kỳ thứ hai năm 2009 mà ông ta thắng lớn - với hơn 60% số phiếu - đã gây ra một cuộc nổi dậy ở Iran. Đối thủ chính của Mahmoud Ahmadinejad, là Mir-Hossein Mousavi và những người ủng hộ ông kêu là lừa đảo, yêu cầu kiểm lại phiếu và sau đó kêu gọi hủy bỏ kết quả bầu cử. Hàng chục người bị giết trong các cuộc biểu tình bị đàn áp bởi các lực lượng bán quân sự. Sau một tuần chống đối mãnh liệt, Lãnh tụ Tối cao của Iran Ayatullah Ali Khamenei tuyên bố các kết quả bầu cử là hợp lệ và khẳng định thắng lợi của Ahmadinejad. Chỉ ít ngày sau đó, Hội đồng Vệ quốc xác nhận rằng 50 khu vực bầu cử có số phiếu thu được nhiều hơn số cử tri đã đăng ký. Ahmadinejad và Khamenei va chạm trên nhiều mặt trận chính trị, bao gồm cả vấn đề những ai sẽ tham gia vào nội các của Tổng thống. Sự căng thẳng này, đi đôi với sự chống đối rộng rãi và lâu dài đối với chính quyền Ahmadinejad - bao gồm trong số tăng lữ cao cấp của nước này - đang đặt Ahmadinejad, người cầm quyền với sự hậu thuẫn của tầng lớp giáo sĩ Hồi giáo, trên một mặt đất đang rung chuyển.
7. Robert Mugabe
Alexandra Silver, TIME, 01/02/2011
Robert Mugabe đã cai trị Zimbabwe từ khi đất nước giành được độc lập năm 1980. Trong quá trình hơn 30 năm làm Thủ tướng và Tổng thống, ông ta và Mặt trận Yêu nước - Liên hiệp Dân tộc Phi châu Zimbabwe của ông ta đã đàn áp khốc liệt những người đối lập và quan tâm đến việc duy trì quyền lực hơn là cải thiện đời sống của công dân trong nước. bất chấp những thủ đoạn bạo ngược, sự bất mãn của nhân dân bộc lộ rõ năm 2009 khi Morgan Tsvangirai của Phong trào vì Chuyển đổi Dân chủ nhận được nhiều phiếu hơn Mugabe trong cuộc bầu Tổng thống. Tuy nhiên, bạo lực đi trước trận đấu lại, và Tsvangirai không tham gia. Sau đó Mugabe đi vào một cuộc thương lượng chia sẻ quyền lực với phe đối lập, ông ta vẫn là tổng thống, trong khi Tsvangirai làm Thủ tướng.
8. Emomali Rahmon
Ishaan Tharoor, TIME, 01/02/2011
Từ 1992, chỉ một năm sau khi độc lập, nhà nước Trung Á Tajikistan nhỏ bé đã bị thống trị bởi Emomali Rahmon. Cựu thành viên của ban lãnh đạo đảng cộng sản Liên xô lên nắm quyền vào lúc trong nước bắt đầu cuộc nội chiến đẫm máu, đấu với một phe cánh dẫn đầu bởi những người Islamist chống lại khối thống trị thế tục của những lực lượng được Nga ủng hộ, trong đó có Rahmon. Mười ngàn người chết, nhưng Rahmon thoát ra thắng lợi, và, giống như các lãnh tụ của các chế độ khác ở Trung Á, ông ta bào chữa cho sự chuyên quyền của mình phần nào bằng cách coi mình như một hàng rào ngăn chặn mối đe dọa của những kẻ cực đoan quá khích. Nhưng các chuyên gia mô tả nước Tajikistan của Rahmon là một nước nghèo khổ và vô luật pháp, và là nơi chủ yếu tuồn thuốc phiện từ nước láng giềng Afghanistan. Sau cuộc suy thoái tài chính đánh vào những nước giầu hơn là Nga và Kazakhstan, hàng chục ngàn công nhân Tajik - mà tiền họ gửi về là dòng máu nuôi sống nền kinh tế Tajikistan - trở về nhà ở những làng quê xác xơ tiêu điều vì nghèo đói. Trong không khí ấy, các nhà quan sát nói về cuộc nổi dậy của những người Islamist từ lâu nằm im đang trỗi dậy mãnh liệt, một phần được hậu thuẫn bởi những chiến binh mới đến, (trước đây họ trú ngụ trong những vùng thuộc các bộ lạc Pakistan). Trong khi đó, Rahmon tiếp tục cai trị Tajikistan như thái ấp riêng của ông ta, gia đinh ông ta nhiều năm được hưởng lợi lộc từ hối lộ. Chính phủ của ông ta có thể vẫn còn đứng vững, nhưng những đám mây đen đã lơ lửng treo trên tương lai của nước Tajikistan của Rahmon.
9. Triều đình A rập Saudi
Kayla Webley, TIME, 01/02/2011
Với 25% trữ lượng dầu mỏ của thế giới, của cải tích lũy và những người bạn mạnh - chủ yếu là Mỹ - cuộc sống của Vua Abdullah của A rập Saudi quả là quá dễ dàng. Nhưng trong khi ông ta và khoảng 7000 thành viên hoàng tộc của ông ta giàu có, hưởng tài sản khoảng 20 tỉ $, thì trong đất nước ông ta cứ bẩy người lớn thì có một người không biết chữ. Thất nghiệp đã lên đến 10% trong nhiều năm. Kiểm duyệt tràn lan. Việc phê phán chính phủ, gia đình hoàng tộc và cảnh sát, những người có quyền lực tuyệt đối, là không được phép. Phụ nữ có rất ít quyền và nói chung ở ngoài lực lượng lao động. Gia đình thống trị này có quyền lực tuyệt đối trong gần một trăm năm nay, mặc dầu chưa bao giờ được bầu ra. Các đảng chính trị đối lập đơn giản là không được phép. Trong khi Abdullah được xếp cùng hàng với những nhà độc tài khác trong khu vực - ông ta đã chào mừng lãnh tụ Tunisia lưu vong Zine el Abidine Ben Ali và đã viện trợ cho Hosni Mubarak của Ai cập - một cuộc nổi dậy của dân chúng trong cái quốc gia bị hạn chế nhưng tương đối giàu có này, có vẻ ít có khả năng xảy ra hơn so với các nơi khác ở Trung Đông. Tuy nhiên, sự nắm quyền của nhà nước Saudi có hai điểm yếu: gia đình trị từ chối tạo ra một hệ thống dân chủ, ngay cả khi xã hội Saudi đang khao khát được tự do hơn, và sự tiếp tục hiện diện của mạng lưới những kẻ Islamist chính thống chủ nghĩa đe dọa phá hủy uy tín của Abdullah như một gương mặt của ổn định ở nước ngoài.
10. Abdelaziz Bouteflika
Ishaan Tharoor, TIME, 01/02/2011
Abdelaziz Bouteflika 73 tuổi là tổng thống Algeria từ năm 1999, một nhà hoạt động lâu dài trong Mặt trận Giải phóng Dân tộc - đảng của những người cách mạng xã hội chủ nghĩa. Cuộc đấu tranh đẫm máu của họ đã giành được độc lập cho Algeria từ tay Pháp năm 1962, nhưng sau đó nhanh chóng chuyển thành chế độ độc đảng lãnh đạo, dựa trên quân đội. Từ những năm 1990 chế độ thống trị này tiến hành một cuộc chiến tranh dữ dội với những người Islamist, những người đã bị từ chối chỗ đứng chính đáng trong chính phủ sau khi quân đội loại bỏ các cuộc bầu cử. Trong nhiệm kỳ của mình, Bouteflika đã thử nuôi dưỡng những mối quan hệ với các đảng khác cải thiện hồ sơ tệ hại của đất nước về dân chủ, nhưng các quyền tự do chính trị vẫn còn bị kiểm soát trong khi các nhà quan sát chỉ ra nạn tham nhũng đang tăng tiến trong giai cấp thống trị của Algeria. Mặc dầu đất nước này giầu có nguồn khí đốt tự nhiên, tỉ lệ thất nghiệp cao và dân cư đặc biệt trẻ đang khao khát những cơ hội tốt hơn. Sau cuộc nổi dậy của công dân đuổi tổng thống Tunisia Zine el Abidine Ben Ali vào tháng Giêng, Boutelflika - nước ông nghèo hơn nhiều so với nước láng giềng Tunisia - trông có vẻ cũng phải bắt đầu đối mặt với một cuộc nổi dậy của dân chúng đang nảy nở. Cuộc nổi dậy của Tunisia bùng cháy khi một thanh niên bị hất ra lề đường châm lửa tự thiêu. Từ đó đến nay ở Algeria đã có bảy trường hợp bắt chước tự hy sinh như vậy./
Đã đăng trên Văn Chương Việt
No comments:
Post a Comment