Phạm Nguyên Trường dịch
MOSCOW- Vụ đánh bom tự sát tại một trong những sân bay đông đúc nhất ở Moskva vào hôm thứ hai cho thấy nhiều chuyện hơn là sự thất bại của cơ quan an ninh trong việc điều khiển máy dò kim loại hay là loại bỏ những mối nguy tiềm tàng. Vụ khủng bố giết chết 35 người và làm bị thương hơn 100 người khác làm lộ ra những vết rạn nứt trong hệ thống chính trị cứng rắn mà thủ tướng Putin đã xây dựng trong mười năm qua. Chính những khiếm khuyết đó đã làm cho bi kịch vào cuối tuần trước trở thành hiện thực – và tạo điều kiện cho những cuộc tấn công khủng bố mới.
Bọn khủng bố bao giờ cũng lợi dụng những điểm yếu của chính phủ và cơ quan an ninh. Không có nước nào – dù đã được chuẩn bị kĩ đến đâu – có thể tự coi là được miễn nhiễm với những cuộc tấn công kiểu như thế. Trong vài năm vừa qua bọn khủng bố đã từng chọn mục tiêu là các thành phố lớn như New York , London , Madrid và Stockholm .Điều gì làm cho Moskva trở thành nơi thường xuyên diễn ra những vụ tấn công khủng bố, còn chính phủ thì bất lực, không ngăn chặn được?
Theo tờ Vedomosti thì trong mười năm qua thủ đô đã bị bọn khủng bố tấn công 8 lần, trong đó có vụ chiếm nhà hát Dubrovka vào năm 2002 và những vụ đánh bom đường tàu điện ngầm vào năm 2004 và 2010. Tóm tắt những bản tin nói về những vụ giết người và đánh bom vì mục tiêu chính trị ở khu vực Bắc Caucasus thuộc Nga — nơi mà cuộc đấu tranh đòi li khai ở Chechnya hồi những năm 1990 đã biến thành cuộc nổi dậy của người Hồi giáo — được đọc thường xuyên đến nỗi mỗi bản tóm tắt hiếm khi chiếm được địa vị vượt trội quá vài tiếng đồng hồ.
Không có gì ngạc nhiên khi những nhà điều tra tuyên bố rằng một nhóm vũ trang ở Bắc Caucasus đứng đằng sau vụ nổ ở sân bay Domodedovo. Đa phần các vụ nổ trong quá khứ đều được cho là do các chiến binh từ khu vực này thực hiện.
“Ngăn chặn các hành động khủng bố cũng như bảo đảm an toàn giao thông là công việc khó khăn. Kinh nghiệm vừa qua cho thấy như vậy. Chúng ta cần phải tăng cường hơn nữa những việc đã làm được và xem xét vấn đề trên bình diện quốc gia”. Tổng thống Dmitri Medvedev đã nói như thế ngay sau vụ đánh bom liều chết trong tàu điện ngầm ở Moskva cách đây chưa đến một năm. Ông cũng có thể nói những từ hệt như vậy vào tuần trước, khi phê bình cảnh sát giao thông “thụ động”, những người chỉ làm mỗi một việc là vòi tiền những người di cư bất hợp pháp trên các sân bay bến tàu mà thôi.
Trong khi đó Putin lại tuyên bố rằng Nga sẽ không bao giờ đàm phán với bọn khủng bố và gián tiếp bảo vệ chính sách bình định cứng rắn Chechnya của mình bằng cách nói rằng không có dấu hiệu chứng tỏ có bàn tay Chechnya trong vụ đánh bom này.
Hai người lãnh đạo, cùng cai trị nước Nga kể từ khi Putin tự tay chọn Medvedev làm người kế nhiệm trong cuộc bầu cử Tổng thống vào năm 2008, đóng vai trò quen thuộc trong sự cộng tác được gọi là “cỗ xe hai ngựa". Medvedev trẻ hơn, có quan điểm tự do, không chịu ngậm miệng, ông này thường xuyên nói tới những thiếu sót của các cơ quan bảo vệ pháp luật. Putin, vốn là cựu chỉ huy cơ quan an ninh nhà nước, hứa một “vụ trả thù không thể tránh được”.
Người Nga đã từng được nghe những chuyện đó rồi. Chẳng ai nghĩ sẽ có thay đổi vì guồng máy chính trị của Putin - từng được ca ngợi là bách chiến bách thắng – không có khả năng giải quyết những thách thức to lớn đặt ra trước đất nước.
Việc không phát hiện được thủ phạm các vụ ám sát những người phê phán chính phủ thường được người ta đưa ra như là bằng chứng về một nhà nước cảnh sát nhẫn tâm. Trên thực tế, những vụ giết người như thế chứng tỏ rằng khả năng kiểm soát của nhà nước là rất thấp. Tham nhũng và thiếu vắng trách nhiệm giải trình chứng tỏ rằng các cơ quan bảo vệ pháp luật không còn thực thi nhiệm vụ của mình nữa. Sáu mươi phần trăm người Nga tin rằng cảnh sát quan tâm trước hết đến “quyền lợi của chính mình”, trong khi chỉ có 24% cho rằng cảnh sát coi sự an toàn của công dân là ưu tiên hàng đầu – đấy là kết quả của cuộc thăm dò dư luận được trung tâm Levada công bố vào tháng 11 năm ngoái.
Dường như có một lực lượng cảnh sát đông đúc nhưng bất tài là chưa đủ, nước Nga đang đối mặt với vấn đề khác là đe dọa khủng bố từ những khu vực nằm bên trong lãnh thổ quốc gia.
Khu vực núi non Bắc Caucasus, đa số dân là người theo Hồi giáo, bị các Sa Hoàng chinh phụ trong thế kỉ XIX, gồm những nhóm sắc tộc nhỏ bé, khác nhau, nhưng sống lẫn lộn với nhau, trong đó có cả người Chechen. Putin, vốn là cựu Thủ tướng dưới thời Tổng thống Boris Yeltsin, trở thành Tổng thống Nga vào năm 2000 sau khi tung ra chiến dịch nhằm tiêu diệt vĩnh viễn phong trào li khai Chechnya. Mặc dù hiện Chechnya đang nằm trong bàn tay sắt của một người trung thành với Putin là Ramzan Kadyrov, phong trào Hồi giáo cực đoan, được kích động bởi cuộc đấu tranh đòi li khai, trở thành cơ sở của một phong trào bí mật hoạt động trên khắp khu vực. Putin không nhận thức ngay được rằng sự nghèo khó, không có cơ hội phát triển kinh tế và chính quyền địa phương chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng, là những lực lượng làm cho hàng ngũ chiến binh ngày càng gia tăng.
Sau khi Liên Xô chia thành 15 nước cộng hòa độc lập vào năm 1991; nước Nga, như một quốc gia thống nhất, đối diện với mối đe dọa lớn nhất là các lực lượng li tâm tiếp tục xé đất nước ra thành từng mảnh nhỏ. Mặc dù phong trào đòi độc lập ở Chechnya đã bị đập tan, nhưng mối đe dọa thì vẫn còn.
Ngược đời là chẳng có mấy người Nga coi Bắc Caucasus là một phần không thể tách rời của nước Nga, chẳng cần phải tốn kém như thế để làm gì. Trước vụ tấn công Domodedovo ba ngày, Putin hứa nội trong năm nay sẽ đầu tư cho khu vực này 13,5 tỉ dolar. Trong khi đó trong tháng 12 vừa rồi có hàng ngàn người có tư tưởng sô-vanh vừa đi bên ngoài Điện Cẩm Linh vừa hát bài “Nước Nga dành cho người Nga”, họ đòi không chỉ trục xuất những người xuất thân từ Bắc Caucasus mà còn bỏ khu vực mà họ coi là ắn bám vào Moskva. Vụ nổ ở sân bay chỉ làm cho khả năng xung đột sắc tộc gia tăng hơn nữa mà thôi.
Có lẽ điểm yếu lớn nhất của nước Nga dưới trào Putin là không có một xã hội công dân mạnh mẽ, đủ sức thể hiện quyền lợi của người dân; còn chính phủ thì rất thiếu nhiệt tình. Trong suốt mười năm qua chính phủ Nga đã trốn tránh được trách nhiệm giải trình bằng cách cô lập phe đối lập, thâu tóm quyền kiểm soát các kênh truyền hình quốc gia và chèn ép các nhóm qui tụ những công dân có tinh thần độc lập. Những vụ khủng bố trong quá khứ cũng như những câu hỏi làm người ta khó chịu như làm sao chúng có thể xảy ra nói chung đã bị xóa khỏi tâm thức của xã hội.
Sau vụ khủng bố ở Domodedovo, Medvedev lập tức kêu gọi xã hội công dân giúp đỡ nhằm đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố. Nhưng không rõ ông ta đang nghĩ đến ai.
Lucian Kim là phóng viên tờ The New York Times ở Moskva từ năm 2003. Hiện nay anh đang viết tác phẩm nói về thời đại của Putin.
Lucian Kim là phóng viên tờ The New York Times ở Moskva từ năm 2003. Hiện nay anh đang viết tác phẩm nói về thời đại của Putin.
Nguồn: Cracks in the Russian Regime
No comments:
Post a Comment