Phạm Nguyên Trường dịch
Dẫn nhập
4. Mục tiêu của chủ nghĩa tự do
Nhiều người cho rằng dường như chủ nghĩa tự do khác với các phong trào xã hội khác ở chỗ nó đặt quyền lợi của một nhóm người - của những giai cấp có của, những nhà tư sản và doanh nhân – cao hơn quyền lợi của những giai cấp khác. Khẳng định như thế là hoàn toàn sai. Chủ nghĩa tự do bao giờ cũng quan tâm đến quyền lợi của tất cả mọi người, chứ không chỉ quyền lợi của một nhóm đặc thù nào đó. Đấy chính là điều mà những người theo thuyết duy lợi Anh muốn nói – tuy rằng nói cho ngay là không thật chính xác - bằng cách ngôn nổi tiếng của họ: “Hạnh phúc lớn nhất cho nhiều người nhất”. Về mặt lịch sử, chủ nghĩa tự do là phong trào chính trị đầu tiên đặt ra mục tiêu thúc đẩy sự thịnh vượng cho tất cả mọi người, chứ không phải cho những nhóm người cụ thể nào. Chủ nghĩa tự do khác với chủ nghĩa xã hội - một phong trào cũng kêu gọi đấu tranh cho quyền lợi của tất cả mọi người – không phải ở mục tiêu mà nó nhắm đến mà ở phương tiện mà nó lựa chọn để đạt được những mục tiêu này.
Khẳng định rằng hậu quả của chính sách tự do sẽ hoặc nhất định phẩi dẫn tới sự thiên vị đối với những quyền lợi đặc thù của một số giai tầng trong xã hội cũng là vấn đề cần phải thảo luận. Một trong những nhiệm vụ của tác phẩm này là chứng minh rằng phê phán như thế là hoàn toàn không có cơ sở. Nhưng ta không thể kết án người nói như thế là không công bằng ngay từ đầu, vì mặc dù chúng ta cho rằng ý kiến như thế là không chính xác, nó vẫn có thể xuất phát từ những ý định tốt đẹp nhất. Dù sao mặc lòng, những người tấn công chủ nghĩa tự do theo cách đó đều chứng tỏ rằng mục đích của họ là vô tư và họ chỉ muốn chính cái điều họ nói mà thôi.
Nhưng những người phê phán chủ nghĩa tự do vì cho rằng nó chỉ muốn thúc đẩy quyền lợi đặc thù của những nhóm xã hội nhất định chứ không phải thúc đẩy sự thịnh vượng của tất cả mọi người thì lại hoàn toàn khác. Họ là những người vừa ngu dốt vừa không công bằng. Chọn cách tấn công như thế chỉ chứng tỏ rằng trong thâm tâm họ biết rõ nhược điểm của chính mình. Họ sử dụng vũ khí đã bị tẩm thuốc độc vì nếu không thì sẽ không thể nào thắng lợi được.
Nếu người thày thuốc chỉ cho bệnh nhân muốn ăn món thức ăn có hại cho sức khoẻ của anh ta rằng đấy là ước muốn gàn dở thì không có một người nào lại ngu đến mức nói rằng: “Ông bác sĩ này không quan tâm tới sức khoẻ bệnh nhân. Muốn cho bệnh nhân mau lành thì không được ngăn cản anh ta thưởng thức món ăn khóai khẩu đó”. Ai cũng hiểu rằng bác sĩ khuyên bệnh nhân đừng thưởng thức món ăn có hại cho sức khoẻ là chỉ muốn giữ gìn sức khoẻ cho anh ta mà thôi. Nhưng khi vấn đề liên quan đến lĩnh vực chính sách xã hội là mọi người lại có cách nhìn khác hẳn. Khi một người theo phái tự do lên tiếng chống lại một số chính sách mị dân vì biết rằng chúng sẽ mang lại những hậu quả tai hại thì người đó sẽ bị coi là kẻ thù của nhân dân, còn những kẻ mị dân, không thèm để ý đến những tác hại sẽ xảy ra trong tương lai, tiếp tục đề nghị làm điều mà lúc đó tưởng như là có lợi, lại được dân chúng ca ngợi.
Hành động hữu lí khác với hành động phi lí ở chỗ có tính đến những hi sinh tạm thời. Trên thực tế, đấy chỉ là những hi sinh mang tính biểu kiến vì sẽ được đền bù xứng đáng trong tương lai. Người không ăn một món ăn khóai khẩu, nhưng có hại cho sức khoẻ, thực ra là chỉ hi sinh tạm thời, chỉ tưởng là phải hi sinh mà thôi. Kết quả - không bị thiệt hại về sức khoẻ - chứng tỏ người đó không những không mất mà còn được. Nhưng muốn làm được như thế thì phải có hiểu biết sâu sắc về hậu quả của mỗi hành động. Đấy chính là chỗ để kẻ mị dân lợi dụng. Hắn phản đối người theo trường phái tự do, tức là người đòi hỏi những hi sinh tạm thời, hắn tuyên bố rằng đấy là kẻ thù không đội trời chung của nhân dân và tự coi mình là người bạn của nhân quần. Trong khi cổ động cho những chính sách mà hắn chủ trương, hắn biết cách làm rung động trái tim của thính giả và làm họ rơi nước mắt bằng những câu chuyện về cảnh cùng khổ và đói nghèo.
Chính sách bài tự do là chính sách ăn dần vào vốn. Nó khuyên người ta hi sinh tương lai cho những khoản tiêu dùng thừa mứa trong hiện tại. Chẳng khác gì trường hợp người bệnh mà ta đã nói tới bên trên. Trong cả hai trường hợp ta đều thấy những sự bất lợi trong tương lai là cái giá phải trả cho sự hài lòng tương đối trong hiện tại. Trường hợp này mà còn nói đấy chỉ là vấn đề nhẫn tâm hay bác ái thì thật là bất lương và giả dối. Không chỉ hành động của các chính khách và báo chí của các đảng phái chống lại chủ nghĩa tự do mới đáng bị phê phán như thế. Hầu như tất cả những người cầm bút trường phái Sozialpolitik (chính sách xã hội) đều sử dụng phương thức đấu tranh lén lút như thế.
Cảnh nghèo khổ và khốn cùng trên thế giới không phải là lí lẽ nhằm chống lại chủ nghĩa tự do, như những độc giả trung bình ngu dốt thường nghĩ như thế. Nghèo khổ và khốn cùng chính là điều mà chủ nghĩa tự do tìm cách xoá bỏ, và nó cho rằng chỉ có những biện pháp mà nó đề nghị mới là những biện pháp phù hợp với mục tiêu này mà thôi. Những người biết những biện pháp tốt hơn, hoặc thậm chí biết những biện pháp khác, hãy đưa ra bằng chứng. Khẳng định rằng những người theo trường phái tự do không đấu tranh cho quyền lợi của tất cả mọi người trong xã hội mà chỉ đấu tranh cho quyền lợi của những nhóm đặc thù nào đó không thể nào thay thế được cho bằng chứng.
Sự kiện là cảnh nghèo đói và khốn cùng vẫn còn tồn tại cũng không phải là lí lẽ chống lại chủ nghĩa tự do, ngay cả nếu toàn thế giới đã thực hiện được chính sách tự do. Bao giờ cũng có thể hỏi rằng nếu các chính sách khác giữ thế thượng phong thì cảnh nghèo đói và khốn cùng có nhiều hơn hay không. Sau khi đã nhìn thấy những trở ngại và hạn chế do chính sách bài tự do gây ra cho sở hữu tư nhân trên khắp thế giới, thì việc tìm những lí lẽ nhằm chống lại những nguyên tắc của tự do chỉ vì những điều kiện kinh tế hiện nay không như ý người ta là việc làm hoàn toàn vô nghĩa. Muốn đánh giá được thành quả của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản thì phải so sánh những điều kiện hiện nay với những điều kiện của thời Trung Cổ hay những thế kỉ đầu tiên của thời hiện đại. Những thành tựu mà chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản có thể đạt nước, nếu không bị ngăn cản, chỉ có thể được suy ra từ những tính toán mang tính lí thuyết mà thôi.
5. Chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản
Xã hội, trong đó những nguyên lí của chủ nghĩa tự do được thực thi thường được gọi là xã hội tư bản, còn điều kiện tồn tại của xã hội đó thì được gọi là chủ nghĩa tư bản. Vì trên thực tế chính sách kinh tế của chủ nghĩa tự do chỉ được thực thi một cách gần đúng, cho nên tình hình hiện nay trên thế giới không thể cung cấp cho ta nhận thức đúng đắn về ý nghĩa và những thành tựu mà chủ nghĩa tư bản có thể vươn tới nếu nó có điều kiện phát triển một cách trọn vẹn. Tuy nhiên, về đại thể có thể gọi thời đại của chúng ta là thời đại tư bản chủ nghĩa, vì chính những định chế của chủ nghĩa tư bản đã tạo dựng nên tất cả những tài sản mà chúng ta đang thấy hiện nay. Nhờ có những tư tưởng tự do vẫn còn đang tồn tại trong xã hội chúng ta, nhờ tất cả những gì còn sót lại từ hệ thống tư bản chủ nghĩa, mà biết bao nhiêu người cùng thời với chúng ta được hưởng mức sống cao hơn rất nhiều so với mấy thế hệ trước đây, một mức sống mà lúc đó chỉ những người giàu có hay tầng lớp đặc quyền đặc lợi mới được hưởng.
Chắc chắn là những sự kiện đó đã bị sáo ngữ của những kẻ mị dân xuyên tạc. Nghe chúng, người ta có cảm tưởng rằng tất cả các tiến bộ trong kĩ nghệ sản xuất chỉ góp phần làm giàu cho một số rất ít người, còn phần lớn dân chúng thì ngày càng lún sâu vào cảnh bần hàn. Nhưng chỉ cần suy nghĩ một chút thôi là người ta sẽ hiểu ngay rằng tất cả những thành tựu về mặt công nghệ và sáng kiến trong lĩnh vực sản xuất đều nhằm đáp ứng như cầu của quần chúng. Tất cả những ngành công nghiệp lớn chuyên sản xuất hàng tiêu dùng đều trực tiếp phục vụ quần chúng, còn những ngành sản xuất máy móc và bán sản phẩm thì phục vụ họ một cách gián tiếp. Những thành tựu công nghiệp vĩ đại trong mấy chục năm gần đây, cũng như những thành tựu của thế kỉ XVIII mà người ta gọi bằng thuật ngữ không thật đúng lắm là “Cuộc cách mạng công nghiệp”, bên cạnh những việc khác, đã góp phần đáp ứng một cách đầy đủ hơn nhu cầu của quần chúng nhân dân. Sự phát triển của ngành dệt may, việc cơ khí hoá ngành sản xuất giày và những tiến bộ trong ngành chế biến và phân phối lương thực thực phẩm thực chất là đã mang lại lợi ích cho những tầng lớp quần chúng rộng rãi nhất. Nhờ có những ngành công nghiệp này mà ngày nay nhân dân được ăn ngon hơn và mặc đẹp hơn trước kia rất nhiều. Nhưng sản xuất hàng loạt cung cấp không chỉ thức ăn, quần áo mặc, nhà ở, mà còn làm ra rất nhiều sản phẩm khác, đáp ứng cho nhu cầu của quần chúng. Quần chúng được đọc báo, được xem phim, thậm chí nhà hát và “những pháo đài” nghệ thuật khác cũng càng ngày càng trở thành nơi gỉai trí của quần chúng nhân dân.
Nhưng bộ máy tuyên truyền năng nổ của các đảng phái bài tự do - bằng cách đảo lộn tất cả các sự kiện - đã đưa đến kết quả là hiện nay nhân dân thường gắn nhưng tư tưởng của chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản với hình ảnh một thế giới đang ngày càng lún sâu vào tình cảnh nghèo khổ, đói rách. Chắc chắn là, dù có cố gắng đến đâu, bộ máy tuyên truyền cũng không thể nào bôi nhọ được những từ như “người tự do”, “chủ nghĩa tự do”, như những kẻ mị dân hi vọng. Xin nói thêm rằng không thể nào lờ đi sự kiện là mặc cho những cố gắng của bộ máy tuyên truyền của các lực lượng chống lại tự do, những từ này vẫn tạo ra trong lòng những người bình thường một điều gì đó khi họ nghe thấy hai tiếng “tự do”.
Vì vậy mà bộ máy tuyên truyền của những lực lượng bài tự do tìm cách tránh né cụm từ “chủ nghĩa tự do” và tìm cách làm cho người ta liên hệ những điều xấu xa, mà họ gán ghép cho hệ thống tự do, với thuật ngữ “chủ nghĩa tư bản”. Từ này thường gợi lên trong tâm trí người ta một người tư sản bất lương, một kẻ chỉ nghĩ đến việc làm giàu, dù có phải bóc lột đồng bào của mình thì hắn cũng chẳng từ.
Chẳng có mấy người, trong khi suy tư về chủ nghĩa tư bản, lại nghĩ được rằng đấy là chế độ được tổ chức trên những nguyên lí tự do chân chính, với những cơ cấu chỉ dành cho các doanh nhân và các nhà tư sản một cách làm giàu duy nhất: cung cấp cho đồng bào của mình những món hàng tốt nhất mà chính họ nghĩ là cần. Đáng lẽ khi nói về chủ nghĩa tư bản thì phải nhắc đến sự cải thiện tột bậc mức sống của quảng đại quần chúng thì bộ máy tuyên truyền của những lực lượng chống lại tự do lại chỉ nói đến những hiện tượng chỉ có thể xuất hiện là do những hạn chế mà người ta cố tình áp đặt lên chủ nghĩa tự do. Không bao giờ người ta nhắc đến sự kiện là chủ nghĩa tư bản đã đưa tới những món đồ vốn được coi là xa xỉ phẩm, cũng như những món ăn, trong đó có đường, đến tay quảng đại quần chúng. Chủ nghĩa tư bản chỉ được nhắc tới khi các tập đoàn nâng giá đường lên cao hơn giá trên thị trường thế giới. Họ làm như là có thể tưởng tượng được hiện tượng như thế trong chế độ nơi mà những nguyên tắc của chủ nghĩa tự do thực sự có hiệu lực vậy. Trong một đất nước với chế độ tự do, tức là không có thuế nhập khẩu, thì các tập đoàn có thể bán với giá cao hơn giá thị trường thể giới là việc không thể nào tưởng tượng nổi.
Cái mắt xích kết nối lí lẽ mà những kẻ mị dân thường dùng nhằm đổ riệt những quá lạm và hậu quả tai hại của những chính sách bài tự do lên chủ nghĩa tự do và chủ nghĩa tư bản là như sau: Họ bắt đầu bằng giả định rằng các nguyên tắc của chủ nghĩa tự do chỉ nhằm thúc đẩy quyền lợi của những nhà tư sản và doanh nhân, làm thiệt hai đến lợi ích của những tầng lớp dân cư khác và chủ nghĩa tự do là chính sách có lợi cho người giàu và có hại cho người nghèo. Sau đó họ nói rằng nhiều doanh nhân và tư sản, trong những điều kiện nhất định, đòi phải có những sắc thuế mang tính bảo hộ và rồi những kẻ khác - những người sản xuất vũ khí - ủng hộ chính sách “sẵn sàng chiến đấu”; và ngay lập tức họ nhảy sang kết luận rằng đấy chính là chính sách “tư bản chủ nghĩa”.
Trên thực tế, vấn đề hoàn toàn ngược lại. Chủ nghĩa tự do không phải là chính sách có lợi cho bất cứ giai tầng cụ thể nào mà là chính sách có lợi cho tất cả mọi người. Vì vậy mà sẽ là sai khi khẳng định rằng các doanh nhân và các nhà tư sản sẽ nhận được những quyền lợi đặc biệt khi họ ủng hộ chủ nghĩa tự do. Họ cũng chỉ có quyền lợi giống hệt như những người khác mà thôi. Có thể, trong một số trường hợp, một số doanh nhân hay tư sản đã tìm cách “nhồi nhét” quyền lợi đặc thù của mình vào cương lĩnh của chủ nghĩa tự do, nhưng những quyền lợi đặc thù này sẽ gặp phải sự chống đối của những quyền lợi đặc thù của những doanh nhân khác hay các nhà tư sản khác. Vấn đề không hoàn toàn đơn giản như là những kẻ ở đâu cũng đánh hơi thấy “quyền lợi” và “nhóm lợi ích” tưởng tượng. Thí dụ như nhà nước đặt ra thuế nhập khẩu sắt thép không thể giải thích “một cách đơn giản” là nó mang lại lợi nhuận cho các tập đoàn sắt thép. Bao giờ cũng có những người có quyền lợi ngược lại, đấy là nói ngay cả trong số những doanh nhân, và dù thế nào thì số người được lợi do thuế nhập khẩu sắt thép mang lại cũng là không đáng kể và ngày càng ít đi. Hối lộ cũng không phải vì người nhận hối lộ cũng không phải là nhiều và ngoài ra, tại sao chỉ có một nhóm những người muốn bảo hộ đút lót mà không phải những người phản đối bảo hộ, những người ủng hộ tự do thương mại, đút lót?
Trên thực tế, không phải những “nhóm quyền lợi” hay nhưng người ăn đút lót của họ tạo ra hệ tư tưởng ủng hộ những sắc thuế mang tính bảo hộ mà chính những nhà tư tưởng, những người đưa ra những ý tưởng điều khiển toàn bộ công việc của nhân loại, đã đưa ra những tư tưởng này. Trong thời đại của chúng ta, khi mà những tư tưởng phản dân chủ đang giữ thế thượng phong, hầu như mọi người đều nghĩ như thế, cũng như cách đây một trăm năm, đa số đã tư duy bằng những thuật ngữ của hệ tư tưởng tự do mà lúc đó đang giữ thế thượng phong. Nếu hiện nay có nhiều doanh nhân ủng hộ những sắc thuế có tính bảo hộ thì đấy chính là hình thức cụ thể của chủ nghĩa bài tự do. Đấy không phải là chủ nghĩa tự do.
6. Tâm lí bài tư bản
Nhiệm vụ của tác phẩm này là thảo luận vấn đề hợp tác xã hội bằng những luận cứ dựa trên lí tính. Nhưng dùng lí tính thì không thể hiểu được cội nguồn của thái độ bài bác tự do. Thái độ bài bác xuất phát không phải từ lí tính mà xuất phát từ cách tư duy bệnh hoạn - từ sự oán hận và bệnh suy nhược thần kinh, có thể gọi là phức cảm Fourier (tên một người xã hội chủ nghĩa Pháp). Chẳng cần nói nhiều về sự oán hận hay ghen tức làm gì. Oán hận là khi một người nào đó căm thù người khác chỉ vì người kia có hoàn cảnh thuận lợi hơn, hắn ta sẵn sàng chấp nhận tổn thất nếu người mà hắn căm thù cũng bị thiệt hại. Nhiều kẻ đang tấn công chủ nghĩa tư bản biết rõ rằng dù hệ thống kinh tế nào thì họ cũng chẳng thể khá lên được. Tuy biết rõ như thế nhưng họ vẫn ủng hộ cải cách, nghĩa là ủng hộ chủ nghĩa xã hội, vì họ hi vọng rằng những người giàu có mà họ căm thù cũng sẽ phải chịu đau khổ. Những người xã hội chủ nghĩa cứ nhắc đi nhắc lại rằng trong chế độ xã hội chủ nghĩa người ta sẽ chịu đựng những thiếu thốn về mặt vật chất một cách dễ dàng hơn vì mọi người đều biết rằng không có ai sống sướng hơn ai.
Nhưng vẫn có thể dùng lí lẽ để thuyết phục được người có tư tưởng oán hận. Vì giải thích cho người có tư tưởng oán hận rằng điều quan trọng không phải là làm cho người khá giả nghèo đi mà là làm cho mình khá lên không phải là việc quá khó.
Phức cảm Fourier là ca khó hơn rất nhiều. Đây là một căn bệnh thần kinh, gọi là loạn thần kinh chức năng, lĩnh vực của nhà tâm lí học chứ không phải của nhà lập pháp. Nhưng trong khi nghiên cứu các vấn đề của xã hội hiện đại ta cũng không được bỏ qua. Đáng tiếc là cho đến nay các bác sĩ đã không quan tâm tới những vấn đề do phức cảm Fourier gây ra. Thậm chí Freud, một nhà tâm lí học vĩ đại, và các đệ tử của ông trong lĩnh vực lí thuyết loạn thần kinh chức năng cũng chưa quan tâm nhiều đến những vấn đề này, mặc dù môn phân tâm học của ông đã mở ra con đường duy nhất đưa ta tới những hiểu biết một cách có hệ thống và đúng đắn những căn bệnh thần kinh như thế.
Trong cả triệu người chưa chắc đã có một người thực hiện được tham vọng của mình. Thành quả lao động của một người, ngay cả một người được số phận mỉm cười, cũng còn cách xa với những ước mơ của tuổi thanh niên. Hàng ngàn trở ngại đã làm tiêu tán mọi kế hoạch và ước mơ, con người hoá ra là không đủ sức thực hiện những mục tiêu mà họ hướng tới. Mộng ước không thành, kế hoạch tan vỡ, lực bất tòng tâm - đấy là những kinh nghiệm cay đắng nhất của mỗi người. Nhưng cũng là số phận của con người nói chung.
Có hai cách phản ứng. Goethe đã dùng trí huệ thực tiễn để nói về một trong hai cách đó như sau:
Ngươi có tưởng tượng được rằng ta phải căm thù cuộc đời,
Phải chạy vào đồng vắng
Vì không phải mọi ước mơ của ta đều đơm hoa kết trái? - Prometheus gào lên. Còn Faust, trong “thời khắc cao quí nhất” ấy, đã nhận ra rằng “câu nói khôn ngoan nhất” chính là:
Người mỗi ngày không chiến đấu cho tự do và cho cuộc đời
Thì cũng chẳng đáng sống và cũng chẳng đáng được tự do.
Không có rủi ro nào trên đời có thể bẻ gãy được một người có ý chí và tinh thần như thế. Người chấp nhận cuộc đời như nó vốn là và không bao giờ để cho nó đè bẹp, sẽ không tìm an ủi trong “những lời dối trá có tính chất cứu rỗi” làm chỗ dựa cho niềm tin đã tan nát của mình. Nếu thành công được chờ đợi từ lâu vẫn không tới, nếu những thăng trầm của số mệnh có phá hoại tan tành trong phút chốc những thành quả được xây đắp bằng nhiều năm lao động chuyên cần thì người đó sẽ chỉ càng quyết tâm hơn mà thôi. Người đó có thể nhìn thẳng vào tai hoạ mà không hề tỏ ra tuyệt vọng.
Nhưng kẻ bị loạn thần kinh chức năng thì không thể chịu đựng được cuộc đời như nó vốn là. Anh ta cảm thấy nó quá bất lương, quá thô lậu và quá dung tục. Không giống như những người khoẻ mạnh, anh ta không có đủ dũng khí để “dù thế nào cũng cứ tiếp tục sống” và cố gắng làm cho cuộc đời trở thành có thể chịu đựng được. Đấy là điều không phù hợp với thái độ nhu nhược của anh ta. Thay vào đó, anh ta náu mình vào trong ảo tưởng. Ảo tưởng, theo Freud, “là ước vọng, là một cách an ủi”; được thể hiện bởi “sức kháng cự của nó chống lại cuộc tấn công của tư duy logic và thực tiễn”. Vì vậy mà thuyết phục người bệnh từ bỏ ảo tưởng bằng cách chỉ ra một cách thuyết phục sự vô lí của nó thì nói bao nhiêu cũng không đủ. Muốn khỏi, người bệnh phải tự khắc phục. Anh ta phải học để hiểu vì sao anh ta không muốn đối mặt với sự thật và vì sao anh ta lại tìm cách nấp sau ảo tưởng.
Chỉ có lí thuyết về bệnh loạn thần kinh chức năng mới có thể giải thích được thắng lợi tinh thần của người mắc phức cảm Fourier, sản phẩm của một bộ não bị trục trặc nghiêm trọng. Ở đây không có chỗ để ghi lại những câu văn chứng tỏ Fourier mắc bệnh loạn thần kinh chức năng. Đấy là mối quan tâm của các nhà tâm thần học hoặc có thể là của những người thích đọc những tác phẩm dâm ô. Nhưng vấn đề là chủ nghĩa Marx, khi buộc phải rời bỏ những ngôn từ biện chứng thùng rỗng kêu to (hay những lời chỉ trích và nói xấu đối thủ) và đưa ra những nhận xét sơ sài liên quan đến bản chất của vấn đề thì họ cũng chẳng bao giờ đưa ra được điều gì khác với những điều mà một người “không tưởng là Fourier” đã từng nói. Chủ nghĩa Marx cũng không thể nào xây dựng được bức tranh về xã hội xã hội chủ nghĩa nếu không sử dụng hai giả định trái ngược với mọi kinh nghiệm và lí trí mà Fourier đã từng sử dụng. Một mặt, chủ nghĩa này cho rằng “cơ sở vật chất” của nền sản xuất - “đã hiện hữu trong tự nhiên, không cần phải có sự cố gắng của con người” - hiện dư thừa đến nỗi không cần phải tiết kiệm; đấy là lí do để chủ nghĩa Marx tin vào “sự gia tăng hầu như vô giới hạn của nền sản xuất”. Mặt khác, nó giả định rằng trong cộng đồng xã hội chủ nghĩa, lao động sẽ chuyển hoá “từ gánh nặng thành niềm vui” - tức là trở thành “nhu cầu thiết yếu của đời sống”. Không nghi ngờ gì rằng khi mọi vật đều thừa mứa và lao động đã trở thành niệm vui thì xây dựng vương quốc của “núi xôi sông rượu” là việc dễ như trở bàn tay.
Chủ nghĩa Marx tin rằng đứng trên đỉnh cao “của chủ nghĩa xã hội khoa học”, nó có thể coi khinh chủ nghĩa lãng mạn và những người theo trường phái lãng mạn chủ nghĩa. Nhưng trên thực tế, phương pháp của nó cũng chẳng khác gì phương pháp của những người kia. Thay vì tìm cách loại bỏ những trở ngại trên đường thực hiện ước mơ, nó lại để mặc cho những trở ngại đó tự biến mất trong những đám mây mù của trí tưởng tượng.
Đối với những kẻ bị bệnh tâm thần phân liệt thì “lời dối trá có tính chất cứu rỗi” có hai chức năng. Nó không chỉ an ủi khi gặp thất bại mà còn tạo ra viễn cảnh thắng lợi trong tương lai. Khi gặp thất bại trong những vấn đề xã hội, tức là điều duy nhất chúng ta quan tâm ở đây, thì an ủi là tin rằng việc người ta không đạt được mục tiêu cao cả mà người ta hướng tới không phải là do lực bất tòng tâm của chính người ấy mà là do trật tự xã hội không ra gì. Kẻ bất mãn hi vọng rằng nếu lật đổ được trật tự hiện hành thì hắn sẽ thành công. Nghĩa là việc thuyết phục hắn rằng giấc mơ địa đàng của hắn là bất khả thi, rằng cơ sở khả thi duy nhất của xã hội được tổ chức trên nguyên tắc phân công lao động là quyền sở hữu tư nhân tư liệu sản xuất, là việc làm vô nghĩa. Kẻ bị chứng thần kinh phân liệt bám chặt vào những “lời dối trá có tính chất cứu rỗi” và khi phải lựa chọn giữa những lời nói dối và tư duy logic thì hắn sẽ từ bỏ logic. Vì hắn sẽ không thể sống được nếu không có niềm an ủi mà hắn tìm được trong tư tưởng của chủ nghĩa xã hội. Tư tưởng này bảo với hắn rằng không phải là hắn mà là thế giới có lỗi trong việc làm cho hắn thất bại. Niềm tin đó nâng đỡ được phần nào tinh thần đã rệu rã của hắn và giải thoát cho hắn khỏi những giằn vặt về sự kém cỏi của mình.
Người Thiên chúa giáo mộ đạo dễ dàng chịu đựng những điều bất hạnh trên trần thế hơn vì anh ta hi vọng rằng linh hồn sẽ còn tiếp tục sống trong một thế giới khác, tốt đẹp hơn, nơi mà những kẻ từng đứng đầu trên trái đất sẽ đứng cuối còn những kẻ đứng cuối sẽ lên đầu. Tương tự như thế, con người hiện đại coi chủ nghĩa xã hội là liều thuốc có thể trị được mọi nghịch cảnh trên trần thế. Nhưng trong khi niềm tin vào sự bất tử, vào sự đền bù trong tương lai và vào sự tái sinh khích lệ người ta sống một cách đức hạnh thì những lời hứa hẹn của chủ nghĩa xã hội lại tạo ra những hiệu quả hoàn toàn khác. Nó buộc người ta phải ủng hộ đảng xã hội chủ nghĩa, ngòai ra không còn trách nhiệm nào khác, nhưng đồng thời nó lại tạo ra hi vọng và đòi hỏi.
Đấy chính là đặc trưng của giấc mơ xã hội chủ nghĩa; và vì vậy, ta có thể hiểu được vì sao tất cả những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội đều kì vọng sẽ nhận được cái mà cho đến lúc đó vẫn nằm ngoài tầm với của họ. Những người cầm bút theo trường phái xã hội chủ nghĩa hứa hẹn không chỉ tài sản cho tất cả mọi người mà còn hứa hẹn cả hạnh phúc và tình yêu, cả sự phát triển về thể lực và trí tuệ, cả cơ hội bộc lộ tài năng thiên phú về khoa học và nghệ thuật cho tất cả mọi người ..v.v.. Vừa mới đây, Trotsky còn tuyên bố trong một bài viết của ông ta rằng trong chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa “ngay người trung bình cũng sẽ đạt đến tầm cao như Aristotle, Goethe, hoặc Marx. Những đỉnh cao mới sẽ xuất hiện trên rặng núi này” . Thiên đường xã hội chủ nghĩa sẽ là vương quốc toàn thiện toàn mĩ, là nơi cư ngụ của những siêu nhân tuyệt đối hạnh phúc. Nhưng chính cái điều nhảm nhí đó lại giành được cảm tình của đa số người ủng hộ học thuyết này.
Không thể đưa tất cả những người bị hội chứng Fourier đến gặp bác sĩ được vì số người bị bệnh quá đông. Không thuốc nào có thể chữa được căn bệnh này, người bệnh phải tự chữa lấy thôi. Anh ta phải học chấp nhận số phận mà không tìm cách đổ tất cả tội lỗi lên một con dê tế thần nào đó và anh ta phải cố gắng nắm bắt cho bằng được những qui luật nền tảng của sự hợp tác trong xã hội.
Nguồn: http://mises.org/liberal.asp
No comments:
Post a Comment