Hiếu Tân dịch
Không giống như chính phủ apartheid của Nam Phi khi Nelson Mandela ra khỏi nhà tù, nền độc tài Burma ngày nay không phải đang giẫy chết. Nếu có gì khác, thì nhờ đầu tư nước ngoài đang tăng vọt ở Burma, đặc biệt trong vòng năm năm qua, bọn quân phiệt bây giờ thậm chí còn vững vàng hơn khi Suu Kyi được trả tự do lần trước vào năm 2003. Hai cuộc biểu tình phản kháng của quần chúng trước đây đã kết thúc bằng tiếng súng nổ và sự im lặng của quần chúng bị đe dọa làm cho sợ hãi. Bi kịch gần đây nhất xảy ra năm 2007, khi binh lính dập tắt cuộc biểu tình phản đối kéo dài mấy tuần lễ do các sư sãi dẫn đầu bằng cách bắn gục hàng chục thường dân không một tấc sắt trong tay.
Một phong trào dân chủ khác bị đánh bại là năm 1998, khi Suu Kyi thấy bản thân bà quả thật đang lao vào sân khấu chính trị. Là con gái của Aung San, một anh hùng trong phong trào độc lập bị ám sát, bà đã sống phần lớn những năm tuổi trẻ ở nước ngoài: Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nhật, Bhutan và Anh. Trong những năm 1980 bà tập trung tất cả vào việc học và làm mẹ của hai đứa con và vợ của một nhà học giả Anh ở Oxford. Khi đi picnic ở vùng nông thôn nước Anh, Suu Kyi mặc soóc và uống xô đa, chẳng có dấu hiệu gì của một biểu tượng dân chủ mà bà sẽ trở thành.
Năm 1988 người con gái Á châu có hiếu này về nhà để chăm sóc bà mẹ đang ốm. Mùa hè Rangoon ấy đã lớn lên thành một phiên bản Burma của mùa xuân Praha. Sự quản lý tồi tệ của nhóm quân phiệt đã biến Burma từ một trong những vựa lúa của châu Á thành một nền kinh tế què cụt, và sinh viên, sư sãi, công nhân tập hợp hàng trăm nghìn để kêu gọi lật đổ chế độ. Quân đội bắn vào những người biểu tình, một số người trong số họ cố gắng đánh lại. Là con gái của vị tướng được tôn sùng, người đã đánh bại thực dân Anh, Suu Kyi nghĩ bà có đủ uy tín để ngăn ngừa cuộc đụng độ tiếp diễn. Trước mặt nửa triệu người, bà nói chuyện trước công chúng lần đầu tiên, pha trộn những giá trị Phật giáo với các nguyên tắc phản kháng bất bạo động của Gandhi. Chưa đầy nửa tháng trời sau khi Suu Kyi kêu gọi hòa bình, quân đội mở một cuộc đàn áp thẳng tay khác, giết chết hàng trăm người. Hai năm sau, thắng lợi bầu cử của NLD, đảng mà bà giúp thành lập, bị lờ đi. Dường như thời gian ngừng lại ở Burma.
Trên nhiều mặt trận.
Hôm nay, mặc dù Suu Kyi đã được trả tự do và đầu tư nước ngoài đang tràn ngập đã mang Hummer và day spa đến Rangoon, Burma vẫn còn là một đất nước bưng bít. Chế độ độc tài toàn trị nhiệt đới này có vẻ ngoài lừa dối. Ở Bắc Triều tiên, những đại lộ rộng lớn và hoang tàn, những người dân ăn mặc buồn tẻ làm thành bức tranh hoàn hảo của chế độ toàn trị. Nhưng ở Burma những chùm hoa bougainvillea, những ngôi chùa mạ vàng của nó, và các cô nữ sinh mặc xa rông được gọi là longyi đung đưa bước đi, tất cả tạo ra cảm giác sai lầm về sự hài lòng thỏa mãn. Nhưng cuộc sống ở Burma không dễ dàng. Khoảng 40% ngân sách nhà nước được chi cho quân đội, trong khi dành cho y tế và giáo dục mỗi ngành chỉ có khoảng 1%. Thủ đô mới ở Naypyidaw có nghĩa là “hành dinh của các vua” được xây bằng nhiều tỷ đô la, trong khi gần một phần ba dân chúng Burma sống dưới mức nghèo khổ. Đối với nông dân, những người sống trong tình cảnh “vắt mũi bỏ miệng” thì còn khổ hơn bởi đất đai thường xuyên bị cướp đoạt, và những lệnh lao dịch không công cho quân đội. Ngay ở Rangoon, sự mất điện cũng phổ biến như bọn chỉ điểm của chế độ, cả hai đều làm cho cuộc sống của dân chúng trở nên tối tăm. Về dấu hiệu cho thấy các viên tướng cách biệt với thần dân của chúng như thế nào, những bức mật điện của đại sứ Hoa Kỳ do WikiLeaks tiết lộ có nhắc đến những món tiền hậu hĩ của bọn quân phiệt nhờ chương trình hạt nhân được biết là có sự giúp đỡ của Bắc Triều Tiên, trong khi lãnh đạo tối cao của tập đoàn quân phiệt Than Shwe cân nhắc chi một tỉ đô la cho Manchester United theo lệnh đứa cháu nội mê bóng đá của ông ta.
Mặc dù sự tán thành về mặt đạo đức của Suu Kyi đã giúp mang đến lệnh cấm vận của phương Tây đối với chế độ này, nhưng sự việc là những người dân thường Burma cũng cảm thấy tác động của nó đã khiến bà băn khoăn. “Tôi sẵn sàng xem xét lại sự ủng hộ của tôi đối với lệnh cấm vận nếu điều đó mang lại lợi ích cho tất cả chúng tôi,” bà nói với tôi một cách sôi nổi đáng ngạc nhiên, trái ngược với những người phê bình bà quá lạnh lùng cứng rắn. “Tôi không ngại xem xét lại những thay đổi.” Sự thẳng thắn của bà chắc chắn sẽ dấy lên một cuộc tranh cãi mới ở Washington, ở đó ngày càng nhiều người nhận ra rằng cấm vận đối với Burma, cho dù có ý nghĩa kêu gọi về mặt đạo đức, trong thực tế lại không có tác dụng.
Nhưng sự thay đổi cách mạng cấp thiết nhất lại cần ngay bên trong đảng của Suu Kyi. Ngay từ khi kết quả bất công của những cuộc bầu cử 1990, đảng NLD đã bị kẹt trong một thời kỳ lệch lạc, tranh cãi triền miên về chính sách bí truyền và lý thuyết chính trị trong khi nhiều lãnh đạo của nó trở nên ngày càng mờ nhạt ảm đạm và xuống tinh thần. Có một sự tương đồng kỳ lạ giữa các nhà lãnh đạo đối lập già nua của Burma (được gọi là các Bác) với nhóm quân phiệt gồm những viên tướng lớn tuổi. Trong một bức mật điện năm 2008 được WikiLeaks tiết lộ, một nhà ngoại giao Hoa Kỳ ở Rangoon than thở: “Cái cách mà các Bác điều hành NLD cho thấy đảng này không phải là niềm hy vọng lớn lao cuối cùng cho dân chủ và Burma.” Từ đó, một cuộc cải tổ lãnh đạo đã mang lại sinh khí cho đảng đến một chừng mực nào đó, và việc Suu Kyi được giải thoát đã khiến cho một thế hệ mới các nhà chính trị trẻ tuổi phấn khởi. Nhưng không có gì đáng ngạc nhiên rằng một cánh trẻ hơn trong NLD gọi là Lực lượng Dân chủ Dân tộc chống lại việc NLD (và Suu Kyi) kêu gọi tẩy chay tuyển cử và không chấp nhận kết quả bầu cử tháng 11. “Tất cả chúng tôi đều đang đấu tranh cho dân chủ,” bà nói. “Mục tiêu của chúng tôi là một.”
Suu Kyi, một phụ nữ dùng điện thoại di động lần đầu tiên vào ngày bà được trả tự do, nói bà tha thiết ủng hộ một thế hệ mới các nhà chính trị trẻ tuổi có hiểu biết về công nghệ cao. “Lợi thế là họ rất sành điện tử. Họ có thể liên lạc với cả thế giới,” bà nói khi nhắc đến các thành viên cánh trẻ của NLD dùng Facebook để tranh luận về chính trị khi có đủ điện để cắm máy tính. “Mọi thứ có trên Internet. Bạn có biết điều ấy không?” Sức mạnh san bằng của cuộc cách mạng số gắn liền một cách thú vị với triết lý đã truyền cảm hứng cho Suu Kyi, triết lý của nhà bất đồng chính kiến Czech và người cùng được giải Nobel Hòa bình Vaclav Havel, người đã viết “quyền lực của sự vô quyền.” “Ưu tiên cao nhất của tôi là làm cho nhân dân hiểu được rằng tự bản thân họ có khả năng thay đổi mọi vật” bà nói. “Như thế chúng tôi có thể cùng nhau làm việc đó. Khi đó chúng tôi sẽ xuôi chèo mát mái.”
Một gánh nặng
Như thế là đòi hỏi quá nhiều ở một người phụ nữ: làm trẻ lại đảng bị cấm của bà, thuyết phục các tướng đối thoại, biến sự nghiệp của Burma thành một vấn đề ưu tiên của thế giới, chăm sóc những người bệnh, an ủi các gia đình tù chính trị. Làm một biểu tượng của dân chủ đã đủ khó khăn rồi, không phải xử lý những vấn đề của đời sống chính trị hàng ngày. Thêm vào đó là nỗi lo rằng có thể Suu Kyi đang hoạt động trong thời gian đi mượn. “Nhân dân chúng tôi ra vào tù như cơm bữa,” bà nói, “Tôi chỉ cần nói ‘Ông ấy ông nọ đang ở trong hay ở ngoài’ là họ biết tôi muốn nói gì rồi.”
Bây giờ thì bà đang ở ngoài. Nhưng không nghi ngờ gì rằng nếu giới quân phiệt thấy ở bà bất kỳ thách thức thực tế nào đối với quyền lực của nó, bà sẽ bị tống ngay vào, với bất cứ cáo buộc giả mạo nào mà quân đội có thể nặn ra. “Tôi muốn làm hết những gì tôi muốn làm trong khi tôi còn tự do,” bà nói. Tôi không muốn làm cho mình mệt mỏi, nhưng ai biết được chúng tôi còn có bao nhiêu thời gian nữa?”
Ngoài khả năng bị bắt lại, sự an toàn của Suu Kyi còn là một nỗi lo cơ bản hơn. Quân đội đã cho thấy nó đã sẵn sàng cả hai: giam bà lại và đe dọa tính mạng của bà. Đã ba lần, Suu Kyi và những người ủng hộ bà bị tấn công bởi những bọn côn đồ giấu mặt, với những cái chết thảm thiết. “Bà ấy giống cha về chỗ không lo sợ cho tính mạng của mình.” Win Htein, một đảng viên già của NLD đã được phóng thích hồi tháng Bẩy sau 14 năm tù nói. Suu Kyi há cả miệng ra khi tôi hỏi bà có bao giờ nghĩ đến việc mặc một chiếc gi lê chống đạn không. “Tôi chẳng bao giờ mơ đến chuyện đó,” bà nói. “Như vậy khác nào tôi cố gắng phòng thủ bản thân mình trước những người ủng hộ tôi.”
Suu Kyi có thể khao khát tiếp xúc với những người dân Burma bình thường, nhưng ở bà có một vẻ xa cách, một cảm giác rằng bà sống thoải mái nhất trong đầu của bà, chứ không phải giữa đám đông. Sự xa cách của bà có phần do từ hoàn cảnh. Bà nói một cách tự hào về việc bà là đứa con cưng của cha bà, tuy nhiên ông bị kẻ thù chính trị ám sát khi bà mới 2 tuổi. Trong cuộc sống của bà thời kỳ gần đây, quá nhiều thời gian Suu Kyi đã bị cách ly khỏi sự tiếp xúc bình thường với con người, bà chỉ có những tư tưởng cao quý và những ngôn từ đẹp làm bầu bạn. Trong khi bị quản thúc tại gia, bà mải mê đọc sách, từ những quyển tiểu sử đến những truyện trinh thám ly kỳ. “Người ta nghĩ tôi không có việc gì để làm [trong khi bị giam giữ],” bà nói, “nhưng tôi để năm hay sáu tiếng mỗi ngày nghe radio. Nếu anh bị quản thúc và anh bỏ lỡ mất một điều gì, thì không có ai ở đó để bảo cho anh biết, do đó tôi nghe rất cẩn thận.” Ngay cả sở thích nghe nhạc cổ điển cũng liên hệ với cảm giác về kỷ luật và sự điềm tĩnh của bà. Bà nói Mozart khiến bà cảm thấy hạnh phúc, trong đó mọi thứ đều tốt đẹp. Nhưng bà thích Bach hơn. “”Ông ấy làm cho tôi thấy thanh thản,” bà nói. “Trong cuộc sống của tôi tôi cần thanh thản.”
Ngay lúc này đây, Suu Kyi đang ở trong mắt bão, một nơi có vẻ yên tĩnh đánh lừa. Rangoon là một thành phố của những lời đồn, và trong khi mọi người tôi gặp ở đây dùng những từ khác nhau - một tuần trăng mật, một cửa sổ, một ân xá - hàm ý mà họ không nói ra là một: họ cảm thấy cái này là sự yên tĩnh trước đợt đàn áp không nương tay. Những cuộc bầu cử tháng 11 là một phần của cái mà các tướng lĩnh gọi là sự quá độ sang một “nền dân chủ trong kỷ luật.” Có một điều chắc chắn là: khi chiếc lá nho của chính phủ dân sự xuất hiện vào năm 2011, sẽ không có chỗ nào trong đó dành cho Phu nhân.
Trong tất cả những năm tù đày và có gặp khó khăn vất vả đến mấy Suu Kyi vẫn cảm thấy bà là may mắn. Đó không phải là vì nhân dân ngưỡng mộ bà, mà vì sự tôn trọng của họ - một giá trị mà bà tin rằng xuất phát từ một sự khoan dung của tinh thần. “Trong đời tôi, tôi đã được ngập trong sự ân cần, tử tế” bà nói. “Hơn cả tình yêu, tôi đánh giá cao sự ân cần. Tình yêu đến rồi đi, nhưng sự ân cần còn lại mãi.” Khi Kim con trai bà đến Rangoon thăm bà lần đầu sau một thập niên, sự ân cần của anh dưới dạng một món quà, một con chó con để làm bạn với bà. “”Nó là con chó giữ nhà cho tôi” bà nói đùa, như thể con chó con ấy không biết sủa hoặc cắn. “Nó có một chiếc đuôi luôn ngoe nguẩy và báo cho tôi biết khi có ai đến. Như thế là đủ, phải không anh? Chỉ một cái vẫy đuôi nhỏ?” ./.
Nguồn: Aung San Suu Kyi: Burma's First Lady of Freedom
Đã đăng trên Văn chương Việt
No comments:
Post a Comment