David Hawkins
Phạm Nguyên Trường dịch
CHƯƠNG 2
Hòa nhập mà vẫn giữ được tỉnh thức
Có quan niệm cho rằng càng chứng ngộ thì càng khó sống trên thế gian này. Trong chương này, Tiến sĩ Hawkins sẽ cung cấp cho chúng ta hy vọng và khuyến khích chúng ta đi theo con đường tâm linh trong thế gian này và giải thích làm sao mà thức tỉnh thực sự lại giúp trải nghiệm dễ dàng hơn.
Ông tập trung vào cách sống tỉnh thức trong thế giới mà phần lớn là vô thức. Khởi đầu, Tiến sĩ Hawkins thảo luận về những nguy hiểm của bản năng bầy đàn, hay “suy nghĩ của nhóm”. Ông nghiên cứu lý do vì sao người ta lại làm những việc khi ở trong đám đông, mà nếu ở một mình thì họ thậm chí sẽ không nghĩ rằng mình có thể làm.
Trong thế giới ngày nay, bản năng bầy đàn xuất hiện như thế nào, và làm sao có thể tránh, không để nó lôi kéo? Bản năng bầy đàn là hiện tượng mà các phương tiện truyền thông thường khai thác và tìm cách truyền bá. Nó thường bắt đầu với một người lãnh đạo, đứng lên và tìm cách tập hợp lực lượng và khiến mọi người cổ vũ. Người này là cỗ máy cung cấp năng lượng; đó là chức năng của họ. Chúng ta có thể sử dụng phương pháp hiệu chỉnh tầng ý thức xem sự nghiệp của họ có xứng đáng hay không. Cái mà họ cung cấp năng lượng được xây dựng dựa trên sự thật hay chỉ là vọng tưởng? Nói cho cùng, vọng tưởng cũng kích thích đám đông chẳng khác gì sự thật.
Hiện nay, cạnh tranh là để chứng tỏ rằng mình đứng cao hơn về mặt đạo đức. Đó là nền tảng của tất cả các cuộc xung đột lớn đang diễn ra hiện nay. Nếu bạn xem các bản tin từ quan điểm đó, bạn sẽ thích thú. Bạn sẽ thấy động lực mang tính ái kỷ - đòi cho bằng được vị thế cao hơn về mặt đạo đức - diễn ra liên tục. Quan hệ và sự nghiệp của mọi người - tôn giáo, đảng phái chính trị, quốc tịch, thậm chí cả bản sắc của thế hệ - trở thành cái mà người ta quan tâm hơn bất cứ điều gì khác, và nó được sử dụng như là lý cớ để cho những nhóm người khác nhau chiến đấu với nhau.
Lãnh đạo tâm linh đích thực
Làm sao chúng ta vượt lên trên chia rẽ này? Trước hết, chúng tôi khuyến khích ngày càng nâng cao thái độ tự chủ chứ không chỉ phụ thuộc vào sư phụ. Bạn bắt đầu cố gắng để vươn tới xuất sắc vì xuất sắc. Xuất sắc có phần thưởng riêng của nó.
Ý thức trách nhiệm đạo đức có lẽ là kim chỉ nam tốt nhất – trách nhiệm đạo đức đối với chính mình, đối với người khác và với Thiên Chúa. Như tôi đã nói, vượt trội về đạo đức là động lực mang tính ái kỷ của bản ngã nhằm hạ thấp người khác để cảm thấy vượt trội, trong khi trách nhiệm đạo đức là trở thành người tốt nhất có thể đối với chính mình, đối với người khác và đối với Thiên Chúa. Bạn đang phụng sự Thiên Chúa, phụng sự Đại ngã của bạn với chữ S viết hoa và đồng bào của mình. Và khi phụng sự một trong những tác nhân vừa nói, bạn đồng thời phụng sự hai tác nhân còn lại.
Tôi có thể nhớ lại tất cả những năm tháng tôi từng chữa bệnh cho rất nhiều người và yêu cầu tôi đặt ra đối với mình là phải làm hết sức mình vì bệnh nhân. Tôi có thành thật với chính mình không, và tôi có muốn chịu trách nhiệm về quyết định này vào một ngày nào đó sau này hay không?
Tôi bắt đầu tham gia các phương pháp điều trị thực sự mang tính sáng tạo. Tôi đã chữa trị cho nhiều trường hợp vô phương cứu chữa. Và tôi thường xuyên tìm được câu trả lời cho những câu hỏi không có đáp án và cách chữa trị cho những người không thể chữa được. Các đồng nghiệp của tôi vẫn chế nhạo tôi. Ngay cả lúc này, nếu tôi nói với một nhóm bác sĩ phương Tây được đào tạo theo lối truyền thống về châm cứu, họ sẽ mắt tròn mắt dẹt ngay lập tức. Vâng, kinh nghiệm cá nhân của tôi về châm cứu như sau: cách đây nhiều năm, tôi bị một vết loét khó chữa, thường xuyên chảy máu và tôi phải nhập viện. Tôi được hẹn ngày phẫu thuật, cắt dạ dày - phẫu thuật cắt bỏ dạ dày - rất nguy hiểm đối với tình trạng của tôi lúc đó.
May là, phòng châm cứu đầu tiên ở Washington, D.C. đã được mở ngay sau đó. Phòng khám này đã được chính phủ liên bang chấp thuận. Nó có tính thí nghiệm và do đó, mọi thứ đều được ghi chép cẩn thận. Bạn phải có giấy giới thiệu của bác sĩ chuyên chữa cho bạn. Sau lần điều trị thứ ba, căn bệnh nan y, khó chữa này đã khỏi hẳn. Trong những năm sau đó, tôi chưa bao giờ bị mắc lại căn bệnh này. Vì vậy, tôi thực sự nghĩ rằng ý định và quan niệm của bạn có tác dụng với bệnh tật.
Tất cả những thứ bạn muốn đều do bạn phóng chiếu ra bên ngoài. Dù bạn đang phóng chiếu cái gì - mong muốn, thất vọng - đều là vì sự kiện là bạn phóng chiếu con người mà bạn thực sự đang là lên một cái gì đó hoặc người nào đó trong thế giới bên ngoài và gán cho nó cho một phẩm chất nhất định. Và khi bạn thừa nhận thực tại của con người mà bạn đang là, bạn nhận ra rằng bạn, Đại ngã của bạn, là toàn bộ và trọn vẹn bên trong chính nó. Đại ngã của bạn không cần gì hết. Do đó, không có người nào có bất có thứ gì mà bạn muốn ở ngoài kia vì bạn là đầy đủ, toàn bộ và trọn vẹn từ khoảnh khắc này sang khoảnh khắc khác.
Chấp nhận con người thật của mình
Trên con đường tâm linh, khi bạn tiến bộ, bạn bắt đầu nhận ra rằng bạn tự hoàn thiện chính mình và chỉ có thể chịu trách nhiệm với chính mình. Câu hỏi trở thành đơn giản: Tôi có đang viên mãn khả năng lớn nhất của mình trước Thiên Chúa, trước chính mình, trước đồng bào của mình, và trước những người tôi yêu thương? Trách nhiệm của bạn trước thần tính là trở thành con người tốt nhất đối với chính mình, đối với Thiên Chúa và đối với mọi người. Làm như thế là bạn là viên mãn lời hứa của mình. Vì vậy, chấp thuận (của người khác – ND) có thể có ý nghĩa gì đối với bạn? Chấp thuận không làm được bất cứ việc gì, nó chỉ làm cho bản ngã của bạn phồng lên mà thôi. Nếu bạn không thiếu thứ gì, thì không cần chấp thuận. Nếu bạn đã làm hết sức mình, bạn không cần người khác chấp thuận.
Nó giống như một cú đánh đặc biệt và ghi được số điểm tuyệt đối khi chơi gôn. Nó tình cờ rơi váo lỗ. Thật thú vị, nhưng đó không thực sự là một kỹ năng vì nếu nó là một kỹ năng, bạn sẽ có thể làm lại lần thứ hai.
Vậy mục đích sống của con người là gì? Mục đích sống là tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình tiến hóa của ý thức để nhận ra thực tại tối thượng của chúng ta. Nó là một phần của con đường đi đến chứng ngộ. Lúc đó, xuất hiện câu hỏi là thế giới này phát sinh như thế nào? Nó phụ thuộc vào bạn muốn nói gì khi dùng từ thế giới này – hành tinh này, nhân loại, hay trải nghiệm của con người? Thế giới mà chúng ta đang nói đến là một trạng thái của ý thức. Thế giới này sinh khởi như là lợi ích mang tính nghiệp báo, như là hậu quả tự động của con người mà chúng ta đã trở thành. Bản chất của trải nghiệm của con người, vì vậy, cái dễ thấy nhất trong thế giới ngày nay là sự ra đời của đạo đức.
Đạo đức của chúng ta, ý thức về đúng sai của chúng ta là bẩm sinh, gắn liền với hệ thần kinh. Và cùng với thời gian, xã hội sẽ trải qua những thời kỳ nhầm lẫn và sụp đổ vì những định nghĩa về đạo đức, về cái gì là đúng, cái gì là sai, cái gì là thực, cái gì là không thực, đã hoàn toàn thay đổi.
Nó không chỉ thường xuyên thay đổi mà còn thay đổi sau mỗi thập kỷ, nó thay đổi cùng với các phương tiện truyền thông, nhưng nó còn thay đổi trong suốt cuộc đời của một cá nhân. Cái gì đúng và sai lúc còn thơ ấu không còn là đúng và sai khi người ta lớn lên, trở thành thanh niên, ở tuổi trưởng thành, ở tuổi trung niên và thậm chí khi đã già.
Thỏa thuận được mọi người chia sẻ về tất cả những vấn đề này sẽ mang lại sự hòa hợp xã hội và tạo điều kiện cho quản trị. Không có thỏa thuận thì sẽ có bất hòa. Và chính trị hóa xuất hiện, khi bạn nghĩ rằng mình đã nắm bắt được tất cả, nó làm thay đổi toàn bộ bức tranh. Tất cả những định nghĩa về đúng và sai, thế nào là đạo đức, thế nào là thích đáng đều đã được chỉnh sửa. Chính trị hóa là liên tục chỉnh sửa mọi thứ.
Mọi thứ đều bị chính trị hóa. Ngôn ngữ, lời nói, lên giọng hay xuống giọng và cử chỉ đều bị chính trị hóa. Và bạn phải cẩn thận khi diễn đạt mọi thứ, vì nếu bạn dùng sai một từ là hỏng rồi.
Bạn có thể thấy hiện nay, tìm cách hiểu hành vi của con người phức tạp đến mức nào. Chúng ta đang xếp những cái gương chồng lên những cái gương. Bạn nhận ra rằng mình không bị giới hạn bởi thế giới này, thậm chí không thể được thế giới này định nghĩa. Thế giới này không thể đo linh hồn của bạn, Đại ngã của bạn, và thế giới này không nhìn thấy nó. Vì vậy, bạn muốn siêu việt thế giới – sống trong thế gian, nhưng không thuộc về thế gian, không bị giới hạn bởi thế gian. Bị giới hạn bởi thế gian là phải mua tất cả các chương trình của thế gian. Để mua tất cả các chương trình của thế gian, bạn sẽ phải chạy khắp nơi và mua mọi thứ được bày bán, vì nếu bạn là người thành công, bạn sẽ có những thứ đó. Tuy nhiên, bạn không thể nào đáp ứng được tất cả các định nghĩa về thành công, vì bạn nên có nhiều bạn bè hơn, bạn nên hấp dẫn hơn, bạn nên có nhiều tiền hơn. Bạn luôn luôn phát hiện được rằng mình đã pạm sai lầm nào đó, và bạn sẽ không bao giờ cảm thấy hài lòng.
Bí quyết là hãy hạnh phúc với những thứ bạn đang có ngay trong lúc này và nhìn thấy rằng bạn là một người đang tiến hóa. Vì vậy, bạn không cần phải là người hoàn hảo, vì bạn không bắt buộc phải là người hoàn hảo. Người ta chỉ kỳ vọng rằng bạn tận dụng tốt nhất những lợi thế mà bạn phải học hỏi và để lớn lên, và hỗ trợ người khác, để yêu thương và tha thứ. Lúc đó bạn đang làm tất cả những gì bạn có thể làm như một con người.
Sức mạnh của lòng biết ơn
Lòng biết ơn cho chúng ta cơ hội hiểu biết và trải nghiệm tốt hơn những hoàn cảnh tiêu cực. Đây là một ví dụ, tôi thích sử dụng, được lấy ra từ cuộc sống thực: Nếu có ai đó tông vào xe của tôi trong bãi đậu xe, tôi luôn quan tâm đến việc làm cho người khác cảm thấy tốt hơn. Tôi nói: “Đừng lo lắng. Chuyện này xảy ra với tất cả mọi người. Bạn có bảo hiểm. Tôi cũng có bảo hiểm. Việc này không lớn”. Nó chỉ gây ra chút phiền toái. Không có gì có thể phá hoại đời sống của bạn hoặc phá hoại đời sống của một người nào khác.
Tôi thấy rằng, làm cho người khác cảm thấy hạnh phúc, là đã làm cho ta hài lòng rồi, vì bạn có thể thấy những lo lắng của người đó biến mất một cách từ từ và họ trở nên thanh thản, đến mức ta có thể cảm nhận được. Từ chỗ nghĩ rằng bạn sẽ đưa họ ra tòa, nhưng lúc này họ cảm thấy bình tĩnh và an bình. Bạn có thể trấn an họ bằng cách nói rằng tất cả đều ổn. Làm cho người nào đó cảm thấy tốt hơn, chứ không làm gia tăng căng thẳng là một hành động phi thường.
Chẳng bao lâu sau, bạn sẽ thấy rằng lối sống này cực kỳ dễ chịu và xung quanh bạn sẽ là những người thân thiện, đáng yêu và bạn cảm thấy thoải mái khi đi ngủ. Cuộc sống của bạn làm cho bạn hài lòng và hạnh phúc của bạn được phát phóng vào thế gian. Bằng cách làm như thế, bạn trở thành tương tự như trạm chuyển tiếp cho tầng ý thức cao hơn, nó sử dụng bạn như con đường dẫn đến những người khác.
Hệ hình của khoa học và tâm linh
Khoa học nằm trong hệ hình tuyến tính, logic và nhân quả, và nó có điểm hiệu chỉnh từ 400 tới 499. Khoa học nằm trong hệ hình thực tại của khoa học Newton, trong đó có vật lý thông thường, toán học, khoa học và lý trí. Tuy nhiên, hệ hình tâm linh là hệ hình khác và nó có điểm hiệu chỉnh từ 500 trở lên.
Vì vậy, khoa học hạn chế hơn. Thực tại tâm linh có điểm hiệu chỉnh từ 500 trở lên, cho nên bạn phát hiện được rằng không thể chứng minh được tình yêu. Bạn không thể chứng minh được tình yêu, vì nó là phi tuyến tính, không thể diễn tả được - yêu một cái gì đó. Bạn không thể chứng minh tình yêu theo lối khoa học, nhưng nó có sức mạnh bên trong. Một người nào đó có thể bỏ tất cả mọi thứ trên thế gian và đi đến tận cùng trái đất vì tình yêu.
Tình yêu là chiều kích khác và phẩm chất khác. Cái đẹp, âm nhạc, nghệ thuật cũng tương tự như thế. Bạn không thể đo được nhiệt độ của âm nhạc. Âm nhạc không có nhiệt độ. Nhiệt độ nằm trong một cõi giới còn âm nhạc nằm trong cõi giới khác. Vì vậy, bạn không thể dùng khoa học để chứng minh hay bác bỏ được thực tại tâm linh. Vấn đề duy nhất tôi biết, phần nào vượt qua được cây cầu, là cái mà tôi gọi là lâm sàng. Khoa học hàn lâm không thể vượt qua cây cầu này. Khoa học lâm sàng chắc chắn có thể mang lại khả năng xảy ra và suy luận, nhưng nó không thể mang lại bằng chứng.
Chúng tôi đã tiến hành hiệu chỉnh trong suốt nhiều năm liền và đã thu được rất nhiều thông tin về những trạng thái không thể diễn tả được. Nó đã giúp chúng tôi hiểu và xác định khả năng xảy ra nhưng đấy không phải là điều chắc chắn. Nó không phải là bằng chứng theo cách hiều của khoa học. Thực tại tâm linh không phải là thế giới của bằng chứng. Bạn có thể chứng minh những thứ trong miền tuyến tính, có điểm hiệu chỉnh từ 400 tới 499. Bạn không thể chứng minh bất cứ thứ gì từ tầng 500 trở lên.
Bằng chứng đối với một người là gì? Cái gì là chắc chắn đối với một người khác? Thomas có thái độ nghi ngờ sẽ nghi ngờ bất cứ điều gì liên quan đến thần tính. Thái độ hoài nghi là giới hạn của nó và nó có điểm hiệu chỉnh khoảng 170. Đó là trạng thái tiêu cực của tâm trí, và nó phủ nhận bất cứ điều gì không rõ ràng, không hiển nhiên. Nó bỏ qua tất cả những bí ẩn của đời sống, bỏ qua bản chất của sự vật.
Khi bạn nhìn thế giới như nó đang là, thì đó không phải là sản phẩm của thái độ nghi ngờ. Bạn có nghi ngờ rằng âm nhạc tại buổi hòa nhạc giao hưởng là đẹp không? Không. Tôi chỉ cảm thấy cái lạnh chuyển từ lưng lên gáy tôi. Đó không phải là suy nghĩ hay phán xét. Có một số đoạn trong vở opera làm cho bạn cảm thấy cái lạnh chạy dọc sống lưng. Bạn không thể nghi ngờ điều đó. Âm nhạc quá tuyệt vời, quá tuyệt vời đến mức kinh ngạc, và khoa học không thể nào chứng minh được.
Duy trì thái độ ngây thơ và ngạc nhiên của con trẻ
Trẻ em ngây thơ vì chúng chưa bị lập trình. Tuy nhiên, khi chúng ta già đi, sự hồn nhiên bẩm sinh của chúng ta vẫn còn ở bên trong; vì vậy, thông qua quá trình tiến hóa tâm linh, chúng ta đạt đến điểm gọi là sáng suốt. Trước đây, sáng suốt được gọi là mở con mắt thứ ba của Phật thân.
Nó xảy ra ở tầng ý thức 600. Trong triết học Ấn Độ, nó còn được gọi là Sat-Chit-Ananda. Ở tầng này, bạn có thể rời khỏi thế gian hoặc ở lại trên thế gian – chẳng có gì khác biệt. Với việc khai mở con mắt thứ ba của Phật thân, thực chất là người ta có khả năng nhận biết bản chất của sự vật. Bạn nhìn xuyên qua trang phục của con cừu và bạn thấy con sói. Vì vậy, khi con mắt thứ ba của Phật thân mở ra, bạn nhận ra rằng bên trong trang phục của con cừu là một con sói đang chờ giết bạn - không phải theo đúng nghĩa đen của từ này. Họ nhồi nhét quan điểm và giá trị của họ vào đầu óc bạn, vì bạn chỉ là một đứa trẻ mà thôi. Sau đó bạn sẽ chấp nhận, kết hợp, đồng nhất mình với các tiêu chuẩn, chuẩn mực và đạo đức này đến mức trở thành phần mềm – trở thành chương trình của bạn.
Vì vậy, muốn thay đổi phần mềm đã lập trình, thì bạn phải là chính mình. Không dễ khi chúng ta lạc trong ngôi nhà gương. Ở mỗi khúc quanh, chúng ta đều bắt đầu thấy mọi thứ khác đi. Ở mỗi khúc quanh, bạn mới thấy đời sống của con người phức tạp đến mức nào. Cái chúng ta có thể làm là tôn vinh cuộc sống phức tạp và luôn luôn thay đổi của con người. Phải có nhiều ý chí và dâng hiến cho cuộc đời thì mới tiếp tục ngẩng cao đầu bước đi trên con đường của bạn. Các tầng của ý thức, như chúng ta biết, là xu hướng nghiệp báo. Một số là quà tặng của Thiên Chúa. Và mục đích của đời sống con người thực sự là tiến hóa về mặt ý thức.
Khi già đi, chúng ta phải liên tục thay đổi những kỳ vọng về chính mình và những người khác, về vai trò xã hội của chúng ta. Chúng ta liên tục thay đổi nhận thức của mình về sự tương tác của những điều phức tạp khổng lồ này.
Nếu nhìn vào cuộc đời, bạn có thể thấy chúng ta đưa ra vô số quyết định, từ giây phút này tới giây phúc tiếp theo. Bạn có thể đi theo hướng này hoặc hướng kia. Mỗi lựa chọn dẫn đến lựa chọn khác. Nếu chúng ta tính điểm hiệu chỉnh mọi quyết định và luôn tuân theo câu trả lời “có” (yes) - là tầng ý thức cao hơn - chúng ta tới một dòng sông hoàn toàn khác với một người luôn chọn “không” (no). Đi theo sự thật cuối cùng sẽ dẫn bạn đến với Thiên Chúa.
Vươn tới phúc lạc vô biên vô tế, phi thời gian
Vì vậy, bằng cách liên tục đi theo sự thật, cuối cùng bạn sẽ vươn được với Thiên Chúa, và vươn tới những tầng ý thức nhất định, như niềm vui và mê ly. Niềm vui và mê ly là không còn khả năng và bạn không thể hoạt động được nữa. Niềm vui là tuyệt vời. Mê ly là không thể mô tả được. Sự mê ly của lần đầu tiên tiếp xúc với trường năng lượng của Thiên Chúa – trực tiếp với thần tính - làm cho con người tràn ngập niềm vui tinh tế, vượt thời gian và không thể mô ta được.
Vì vậy, tôi biết rằng phải phó thác cả trạng thái này, trang thái mê ly cho Thiên Chúa. Và tôi buông bỏ mê ly. Tôi không thể nói nó có sức quyến rũ đến mức nào. Mọi chuyện không hề dễ dàng như thế. Nhưng lúc đó tôi nhận ra rằng phải buông bỏ cả nó nữa, cho nên tôi quỳ xuống và buông bỏ mê ly. Và sau đó là trạng thái không thể nào mô tả được. Vô biên vô tế, bất tận, mãi mãi, cảm giác trọn vẹn, trọn vẹn hoàn toàn. Và tại thời điểm đó bạn được phép rời khỏi cơ thể. Bạn không cần phải ở lại với cơ thể này. Bạn không bắt buộc phải ở lại với nó hoặc rời khỏi nó.
Bạn được tự do rời đi, vì con người mà bạn
đang là không phải là cơ thể này, và việc nó có sống sót hay không không còn quan
trọng nữa. Nó có sống sót hay không phụ thuộc vào nghiệp lực của thế gian và
nghiệp lực của những người trong cuộc đời bạn. Bạn phó thác bản thân mình cho ý
chí của Thiên Chúa hoặc bất cứ trường năng lượng nào đang được trải nghiệm - phúc
lạc vô biên vô tế, phi thời gian. Và những gì xảy ra sau đó là phụ thuộc vào ý
Chúa.
Mong bác Trường đăng tiếp chapter 3 nữa ạ. Cháu cảm ơn bác nhiều.
ReplyDelete