Bản Việt ngữ Nguyễn Đình Huỳnh
Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, 2015, 2917
4
Cuộc tấn công “vàng đen” của Trung Quốc
"Nếu nước quá trong, anh sẽ không bao giờ bắt được cá."
Li Ruogu, chủ tịch ngân hàng Exim Bank Trung Quốc trả lời câu hỏi liên quan cáo buộc về tình trạng tham nhũng của các doanh nghiệp Trung Quốc
Mehri âm thầm thúc nhẹ đầu gối vào chồng cô. Cô cố làm điều đó một cách thật kín đáo, tuy vậy tấm khăn trải bàn vẫn rung nhẹ sau mỗi cú thúc. Chồng cô, Artem, cố hết sức lờ đi và tiếp tục câu chuyện như không có gì xảy ra, mặc dù anh ta bắt đầu có vẻ bối rối. Sau một lúc cô thúc anh ta mạnh hơn. Khi đó, anh ngưng giữa chừng câu nói và trong một lúc mọi thứ lặng đi. Rồi tất cả chúng tôi trao nhau những cái liếc mắt và những nụ cười bí ẩn: giữa họ và giữa chúng tôi. Mehri, rõ ràng căng thẳng và bất an, rót thêm nước mời chúng tôi. Trên đường xuống bếp, cô bất giác nhìn ra ngoài cửa lần thứ không biết bao nhiêu để chắc chắn rằng không có ai đang nghe. Artem, cường tráng và đôn hậu, quay lại dè chừng cô ta. "Tôi xin lỗi," anh giải thích. "Vợ tôi không thích tôi nói về chính trị."
Chúng tôi đang ở vùng ngoại ô của Ashgabat, thủ đô Turkmenistan. Nước này có diện tích cỡ bằng Tây Ban Nha, nằm giữa Afghanistan, Iran và biển Caspian. Ở nước này, sa mạc chiếm đến 90 phần trăm lãnh thổ và tiền bán khí đốt chi trả cho ảo tưởng về sự vĩ đại của hai vị tổng thống duy nhất từng cai trị quốc gia này trong lịch sử ngắn ngủi của nó. Hành trình của chúng tôi qua "thế giới Trung Quốc" và nhu cầu dầu khí của Trung Quốc đã đưa chúng tôi đến nơi kỳ dị nhất trong tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, một nhà nước có thể được phân loại tách bạch là chế độ độc tài cực đoan, hoang tưởng và tàn bạo nhất trên hành tinh hiếm có đối thủ so sánh.
Gia đình Jepbarov (không phải tên thật) sống trong căn hộ khiêm tốn có phòng khách rộng rãi gây ấn tượng bởi tấm thảm nổi bật, một hình mẫu đẹp cho tài nghệ người Turkmen.2 Artem cẩn trọng bày ra cho chúng tôi xem bộ sưu tập quý đồ cổ và sách từ thời Liên Xô được giấu kỹ trong một phòng ngủ: những hộp thuốc lá trang trí chân dung Lenin, những tượng nhỏ Stalin bằng thủy tinh và các bức tranh minh họa vai trò và truyền thống của Liên Xô cũ, mà Artem nói đến với chút luyến tiếc. "Cuộc sống của chúng tôi đã trở nên tồi tệ hơn từ khi độc lập. Trước đây chúng tôi có cuộc sống tốt hơn. Giờ đây chúng tôi đang sống trong một chế độ độc tài," anh lập luận, tạm thời thoát khỏi sự kiểm duyệt bằng những cú thúc mạnh mẽ của người vợ.
Trong khi cuộc sống của gia đình Jepbarov không hẳn bần cùng, chắc chắn cũng không dễ dàng gì dù nhìn nó theo cách nào đi nữa. Artem chỉ có thể nuôi sống gia đình nhờ vào thu nhập từ chợ, nơi anh bán đồ lưu niệm thời kỳ Xô-viết và sách in huấn thị của lãnh tụ đầu tiên của quốc gia, Saparmurat Niyazov kiêu hãnh, còn được gọi là Turkmenbashi, hay "người cha của nhân dân Turkmen." Trong khi đó, tên của Mehri chỉ là cái tên thêm vào danh sách dài những người thất nghiệp ở đất nước này, theo các nguồn tin không chính thức (những nguồn chính thức không đáng tin hoặc không tồn tại), gồm khoảng 60 phần trăm dân số.3 Nếu nhà nước theo chế độ gia trưởng này không trợ giá phần lớn điện, nước, khí đốt, tiền thuê nhà và trợ cấp hàng tháng 120 lít xăng, gia đình này hoàn toàn không thể tồn tại - cũng như 5 triệu người dân khác của nước này. "Tôi chỉ kiếm được 300 đô-la một tháng," Artem than vãn. "Làm thế nào tôi có thể nuôi sống bốn người với chừng đó?" Đây là cách chế độ mới vận hành ở Turkmenistan: nhà nước cung cấp nhu cầu cơ bản của người dân và người dân làm những gì được bảo ban. Bất cứ ai không tuân theo phải gánh chịu hậu quả.
Tuy nhiên, du khách đến Ashgabat hầu như không có cảm nhận nào về nỗi khổ cực này qua cái nhìn ban đầu. Nằm trong một thung lũng được bao quanh bởi cát và quang cảnh núi đồi, thành phố trông như một ốc đảo giữa sa mạc. Thành phố đầy những tòa công sở uy nghi bằng đá cẩm thạch trắng, nhập khẩu đặc biệt từ Ý theo lệnh của tổng thống, và những đại lộ rộng rãi có đến mười hai làn xe, như đại lộ dẫn đến dinh thự của người đứng đầu nhà nước. Rải rác cũng có những mảng vàng lấp lánh trong thành phố: mái vòm, cổng, đài phun nước, và quan trọng hơn hết thảy, tranh tường, tượng bán thân và tượng của Turkmenbashi. Bằng chứng của sung túc, oai nghiêm và sùng bái cá nhân vô hạn ở khắp nơi. Tuy nhiên, vẻ lộng lẫy của thành phố, hàng đêm được hàng ngàn đèn pha chiếu sáng, chỉ là vẻ ngoài lừa dối che giấu thực tế buồn bã của đất nước. Những người Turkmen sống trong các khu nhà được xây dựng theo phong cách thời Xô-viết và dành nhiều thời gian của họ ở sân trong, nơi trẻ em chơi bóng đá trên mặt sân thảm hại, đàn ông sửa chữa những chiếc xe Lada cũ kỹ rách nát, và phụ nữ tụ tập thành nhóm chuyện trò về nỗi khó nhọc của cuộc sống hàng ngày. Thành phố này trông giống như một bảo tàng nhưng chẳng chút quyến rũ đối với 650.000 cư dân của Ashgabat.
Thay vào đó, cái bóng dài của chế độ phủ khắp mọi khía cạnh của đời sống, từ micro giấu trong khách sạn - một thủ đoạn thừa hưởng từ thời Liên Xô mà chúng tôi đã được một số nhà ngoại giao cảnh báo - đến kiểm duyệt và kiểm soát các phương tiện truyền thông. Chỉ 10 phần trăm dân số có thể truy cập Internet, khiến rất khó khăn để có được thông tin từ thế giới bên ngoài. Đàn áp xảy ra công khai hàng ngày: cảnh sát với dùi cui trong tay và còi trên môi ở khắp nơi trên đường phố Ashgabat. Họ canh gác từng phân trong thành phố, hoàn toàn tỉnh táo bất chấp cái nóng gay gắt 50 độ của mùa hè. Ở đây mọi thứ đều bị cấm, từ chụp ảnh đến biểu diễn múa ba lê. Đối với người nước ngoài, chính sách bài ngoại công khai đã đi quá đà khi khoảng trăm người phương Tây sống ở thủ đô Ashgabat bị cấm yêu đương với bất kỳ người dân bản xứ nào.
"Sau năm 1992, họ đã ném tôi ra khỏi trường đại học. Tôi là một giảng viên ở đấy. Tôi yêu nhân văn. Nhưng họ sa thải tôi, cùng với nhiều đồng nghiệp, bởi vì chúng tôi không phải người bộ tộc Tekke. Đó là bộ tộc xuất thân của tổng thống và hầu hết quan chức," Artem cay đắng giải thích, đề cập đến sự phân biệt đối xử trắng trợn mà chính quyền tích cực khuyến khích. "Ở đây mọi thứ vận hành trên nền tảng tham nhũng. Một chỗ ngồi trong trường đại học công, vốn được cho là miễn phí, thực tế phải hối lộ từ 20 đến 80 nghìn đô-la. Và nếu thế còn chưa đủ, các giảng viên mới thật tồi tệ. Bất cứ việc làm gì cũng đều phải bỏ tiền mua. Mọi thứ hoàn toàn thối nát. Làm sao tôi có đủ tiền cho con tôi vào đại học khi tôi chỉ kiếm được 300 đô-la một tháng?"4
Kẻ hưởng lợi thực sự ở quốc gia này là các quan chức và tầng lớp chóp bu trong chính quyền, những kẻ điều hành nhà nước như thể nó là vương quốc phong kiến riêng của họ. Nhóm người này kiểm soát 85 phần trăm nền kinh tế thông qua các công ty quốc doanh, và với sự chỉ huy của tổng thống, họ từ chối nhấc một ngón tay trừ khi có một khoản hoa hồng hay hối lộ đi kèm. "Để đặt một cuộc hẹn với tổng thống - người phê duyệt và kiểm soát mọi thứ ở nước này - người ta phải trả tối thiểu là 20 nghìn đô-la," một chuyên gia trong nước giải thích. Khoản tiền thực tế đã tăng từ "10 đến 15 phần trăm" sau khi Gurbanguly Berdymukhammedov kế tục Turkmenbashi làm người đứng đầu nhà nước sau hai cuộc bầu cử tổng thống lố bịch năm 2007 và năm 2012.5 Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi năm 2011 Turkmenistan bị xếp hạng 177 trong số 183 quốc gia về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố hàng năm.
TRUNG QUỐC ĐỔ BỘ TURKMENISTAN
Chúng tôi đang tranh cãi túi bụi về giá của một chai rượu cognac địa phương có ảnh của Turkmenbashi trên nhãn, đột nhiên một đám máy quay truyền hình và vệ sĩ sộc vào khu chợ Rusian Bazaar ở Ashgabat. Các tay quay phim và nhiếp ảnh - cả Trung Quốc và trong nước, đang chờ Hạ Quốc Cường, tại thời điểm đó là một trong chín ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc,6 người đã sẵn lòng tham dự “sô diễn” này. "Những quả dưa hấu khổng lồ! Chúng thật tuyệt vời!" ông kêu lên với một người bán trái cây đang bối rối, căng thẳng gượng cười, rõ ràng không biết phải nói gì. Phiên dịch và trợ lý của ông nhanh chóng dựng một cảnh khác trong đó Hạ, được xem là một trong những người quan trọng nhất ở Trung Quốc do vị trí của ông trong tổ chức thực sự cai trị đất nước này, đội chiếc mũ Turkmen truyền thống trong khi một thương nhân trao cho ông một giỏ trái cây. Mọi người đều cười, ôm nhau và gật gật đầu vui vẻ, tất cả đều được các máy quay ghi lại từng chi tiết.
Thật trùng hợp, chúng tôi tình cờ đến đất nước của những bức tượng bằng vàng và tệ sùng bái cá nhân lố lăng cùng lúc với một quan chức cấp cao Trung Quốc. Tuy nhiên, sự có mặt của ông ấy ở Ashgabat chắc chắn không ngẫu nhiên. Vị kỹ sư hóa học này không đến Turkmenistan để tìm hiểu một công thức phân bón địa phương, hoặc thậm chí để đưa ra lời khuyên về cách chống tham nhũng, là vai trò của ông ở Trung Quốc từ khi được giao đứng đầu Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương vào năm 2007. Thay vào đó, chuyến thăm của ông nhắm vào sự giàu có to lớn ẩn ngay trong lòng đất Turkmenistan: dầu khí.7 Đây là kho báu có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc khiến Bắc Kinh hối hả lao vào vũng lầy của hối lộ và chế độ kế vị cha truyền con nối này, vào cái sân sau của Nga, nơi đôi khi không thể nói được sự khác biệt giữa thực tế và tưởng tượng.8 Bằng chứng cam kết của Trung Quốc đối với dự án này có thể được nhìn thấy trong hình dạng đường ống dài trên 7.000 km, được Trung Quốc xây dựng và tài trợ để kết nối các mỏ khí của Turkmenistan với các bếp ăn ở Quảng Châu và Thượng Hải.
Tuy nhiên, để đi theo đường ống khổng lồ này chúng tôi cần phải thực hiện thêm một bước. Chính là bước sẽ đưa chúng tôi đi xa đến bờ sa mạc Karakum, vùng cấm nằm ngoài tầm theo dõi của chính quyền. Điều này có nghĩa là vi phạm pháp luật nghiêm ngặt của Turkmenistan, bằng cách thoát khỏi người hướng dẫn dai dẳng của chúng tôi và bay về phía đông bắc của nước này, vùng biên giới với Uzbekistan.9
"TRUNG QUỐC ĐẾN ĐÂY ĐỂ Ở LẠI"
Máy bay của hãng hàng không Turkmenistan bay trên Ashgabat khi mặt trời vừa bắt đầu lặn. Các tòa nhà trắng của thủ đô tắm trong ánh sáng màu cam, và cũng như thế với biển cát mở rộng ra mãi của sa mạc Karakum mà chúng tôi bay qua trong phần lớn cuộc hành trình năm mươi phút. Khoang máy bay, chỉn chu với bức chân dung của Tổng thống Berdymukhammedov, đầy ắp hành khách lỉnh kỉnh thùng và va li. Giá vé máy bay đi Turkmenabat, thành phố thứ hai của nước này và là vùng đất màu mỡ của quốc gia, khá là kỳ lạ; thực hiện đúng chính sách bao cấp các dịch vụ công của chế độ, chỉ 13 đô-la một chiều.
Khi đến sân bay Turkmenabat, Lei Li đang chờ chúng tôi tại lối ra như đã sắp đặt. Trước đó chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau, nhưng anh nhận ra chúng tôi ngay và mỉm cười vẫy tay chào.10 Chuyến thăm của chúng tôi đến bản doanh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), một công ty quốc doanh, rõ ràng là một dịp vui vẻ đối với người nhân viên Trung Quốc. Xét cho cùng, chỉ trong vài giờ nó sẽ phá vỡ nề nếp đã chi phối cuộc sống của anh suốt ba năm ở cái xó xỉnh Trung Á xa xôi hẻo lánh này. Chúng tôi lần lượt leo lên chiếc Toyota Land Cruiser V8 mới cóng gắn biển số ngoại giao. Lái xe người Turkmen đặt GPS để đưa chúng tôi đi dọc đường M37 về phía Farab, thị trấn gần nhất với bản doanh CNPC, một cơ sở gồm bốn khu vực biệt lập nhằm khai thác trữ lượng khí trong lòng đất quốc gia này.
Đi cùng Lei là một đồng nghiệp Trung Quốc, thực ra anh này làm việc ở Turkmenabat nhưng phải quay về trụ sở của công ty vào cuối mỗi ngày, cùng với tất cả đồng nghiệp của mình: chính quyền Turkmenistan cấm đàn ông Trung Quốc qua đêm trong thị trấn nhằm ngăn họ quan hệ tình dục với phụ nữ địa phương. Theo một người dân địa phương chúng tôi đã có dịp trò chuyện, quy định này được thực thi sau khi một số phụ nữ địa phương mang bầu với công nhân Trung Quốc. "Hiện có lệnh giới nghiêm lúc 9 giờ tối. Không người nước ngoài nào được phép rời khỏi trại sau đó," người địa phương giải thích. Hình như sự phân biệt chủng tộc và thù địch trắng trợn đối với người nước ngoài của chế độ cũng áp dụng cho cả người Trung Quốc, bất chấp đặc quyền tiếp cận lĩnh vực khí thiên nhiên của họ ở nước này.11
Sau khi vượt sông Amu Daria, chúng tôi cuối cùng đến một trạm kiểm soát quân sự điều phối dòng xe cộ và người, không thể vượt qua trạm nếu không có giấy phép đặc biệt. Chúng tôi không cách gì qua được biên giới nội địa này với thị thực du lịch - thực ra, ngay sự có mặt của chúng tôi trong khu vực này đã là bất hợp pháp theo luật định. Tuy nhiên, Lei dường như không quan tâm lắm đến điều này. "Họ là bạn. Họ đi với chúng tôi," anh nói nhanh bằng tiếng Nga với người lính trẻ đang nghi ngờ kiểm tra hộ chiếu của chúng tôi. Sau một lúc im lặng căng thẳng, người lính cho chúng tôi qua. Sau khi đi khoảng 50 cây số dọc theo con đường sa mạc lác đác những đàn cừu và áp phích tuyên truyền, chúng tôi rốt cuộc đã đến đại bản doanh của CNPC ở Trung Á.
Khu vực biệt lập này có bốn trại - hai trại gần nhà máy xử lý khí và hai trại khác đóng cách đó chừng 20 km - là nơi ở của khoảng một ngàn người, hầu hết là người Trung Quốc. "Có khoảng 4.500 người Trung Quốc ở đây khi chúng tôi bắt đầu xây dựng khu phức hợp và các đường ống dẫn khí," Lei giải thích, sau khi vui vẻ đưa chúng tôi vào một căn phòng trong khu nhà. Chỉ một cuốc tản bộ dọc đường chính nối các trại với nhau cho thấy rõ hai mối nguy nổi bật đối với cuộc sống con người ở đây: cái nóng (gần 60 độ vào ban ngày, trên 40 độ vào ban đêm) và rắn cùng bọ cạp sa mạc. Những vệt huỳnh quang trải rộng còn lấp lánh trên mặt cát ở hai bên đường. "Rắn độc đấy," Lei giải thích. "Năm vừa rồi có bốn hay năm người đã bị cắn. Trong trại có hai bác sĩ là chuyên gia về các trường hợp này."
Dù ở một nơi hoang vu, điều kiện sống ở đây rất đầy đủ tiện nghi: sáu khu nhà chỉ một tầng với các phòng có máy điều hòa nhiệt độ, kết nối Internet vệ tinh, máy truyền hình plasma, phòng tắm riêng có nước nóng và giường rộng, thoải mái. Trong khuôn viên còn có sân bóng rổ và bàn bóng bàn giúp các kỹ sư, nhà địa chất và nhân viên quản lý có cơ hội tập luyện và giết thời gian, dường như không bao giờ kết thúc, trong khi các đầu bếp Tứ Xuyên chuẩn bị món ăn đặc trưng của quê hương trong nhà bếp. "Chúng tôi đã xây một nhà kính vì vậy chúng tôi có thể trồng tất cả các loại rau Trung Quốc... thậm chí cả ớt Tứ Xuyên!" Lei tự hào nói với chúng tôi.
Các tiện nghi của khu nhà thật đáng ngạc nhiên. Chúng vượt xa cả những điều kiện tốt nhất mà chúng tôi thấy được trong suốt cuộc hành trình của mình, và chúng dường như tạo cảm giác no đủ, hạnh phúc và tình cảm thân thiết giữa các công nhân. Lúc mặt trời lặn, các đồng nghiệp Turkmen và Trung Quốc cùng thi đấu bóng bàn, đi hoặc chạy bộ dọc theo những con đường nối giữa các trại. Phần lớn lao động địa phương, đến lúc 6 giờ rưỡi sáng trên xe buýt King Long của Trung Quốc, mặc bộ đồ bảo hộ lao động màu cam mang logo CNPC, có vẻ vui vẻ. Khi chúng tôi hỏi về điều đó, họ giơ những ngón tay cái lên và nói họ hài lòng với cách mọi thứ đang diễn ra. Họ giấu nụ cười sau những chiếc khăn choàng sa mạc, che kín mặt theo kiểu du kích Palestine, bảo vệ họ khỏi muối lơ lửng thường trực trong không khí do cái chết từ từ của biển Aral, gây bệnh hen suyễn và viêm phế quản.
Tuy vậy, dường như mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ như thế. Một công nhân Trung Quốc cho chúng tôi biết một sự cố trong tháng 9 năm 2009 khi các công nhân địa phương tham gia xây dựng tiện nghi trong doanh trại này cùng với các công nhân Trung Quốc đã nổi dậy chống lại công ty do bị giảm lương và một số điều kiện hợp đồng. Người dân địa phương tấn công các nhân viên Trung Quốc, làm bị thương ba mươi sáu người, phá hoại xe cộ, máy vi tính, bảng biểu và đồ đạc cho đến khi cảnh sát can thiệp làm dịu tình hình. Thậm chí khu vực này đã phải đóng cửa trong hai ngày. Hiện nay, các quy định đã nghiêm ngặt hơn: nhân viên bị cấm uống rượu, đưa phụ nữ vào trại hoặc thậm chí mặc quần áo khác không phải đồng phục của công ty trong giờ làm việc. Gìn giữ hòa bình là điều cần thiết ở một nơi có tầm quan trọng chiến lược như thế đối với lợi ích của Trung Quốc trong vùng.
Tuy thế, Anatoly, một nhà địa chất trẻ người địa phương, dường như hài lòng với các điều kiện do công ty cung cấp. "Tôi kiếm được nhiều hơn cha và mẹ tôi cộng lại," anh tự hào tuyên bố, trước khi cho chúng tôi biết hiện anh đang nộp đơn xin một công việc tương tự với một công ty Đức đang hoạt động tại vùng biển Caspian. "Tôi không muốn dành cả ba mươi năm đời mình ở đây," anh lập luận, đề cập đến khoảng thời gian Turkmenistan cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, theo hợp đồng giữa hai nước. Dẫu vậy nhiều người, Anatoly nằm trong số đó, tin rằng "Trung Quốc đến đây để ở lại." Không thiếu lý do chiến lược để giải thích tại sao điều đó có thể đúng: người ta ước tính Turkmenistan sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ tư thế giới, và mức tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc có thể tăng gấp ba lần trong vòng hai mươi năm tới.12
Màn đêm nặng nề buông xuống khu doanh trại, nuốt chửng mọi thứ trên đường đi của nó. Những gì sống động còn lại trong đêm tối là những ngọn lửa bừng cháy trong nhà máy xử lý khí. "Chúng tôi đang xác định một ngày chúng tôi có thể khai thác bao nhiêu khí để chuyển đi Trung Quốc," Anatoly giải thích. Mục đích là trong năm năm tới, mỗi năm đạt được 65 tỷ mét khối, ít hơn một chút so với một nửa lượng tiêu thụ khí đốt hiện nay của Trung Quốc.13 Để thực hiện điều này, Trung Quốc đã cấp hai khoản vay có tổng giá trị 8,1 tỷ đô-la thông qua Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB).14 Các khoản này được cho vay theo các điều kiện ưu đãi và cấp trực tiếp cho công ty quốc doanh nước sở tại Turkmengaz.
Việc CDB đóng vai người cho vay ở đây không phải là chuyện nhỏ. Cùng với ngân hàng Exim Bank, CDB là một trong hai ngân hàng Trung Quốc hoạt động nhằm phục vụ lợi ích địa chiến lược của Trung Quốc ở nước ngoài chứ không vì lý do thuần túy thương mại. Những "ngân hàng chính sách" được chỉ định này triển khai khía cạnh tài chính của chiến lược ngoại giao Trung Quốc, cấp các khoản vay hàng tỷ đô-la với mục đích duy nhất đảm bảo nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho nước này, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, và thắt chặt quan hệ chính trị với các quốc gia có lợi ích chiến lược đối với Trung Quốc.15 Các thỏa thuận này, được thực hiện theo công thức "tài nguyên của anh đổi lấy các khoản vay và/hoặc cơ sở hạ tầng của tôi," rất phổ biến giữa Trung Quốc và các nước đối tác của họ, những nước bao giờ cũng phong phú tài nguyên thiên nhiên. Ít quốc gia trong cái gọi là "thế giới đang phát triển" có thể cưỡng lại sức cám dỗ của những nguồn tiền lớn, nhanh chóng và dễ dàng của Trung Quốc. Sự cám dỗ để bảo đảm các khoản vay hàng triệu đô-la - thường với lãi suất ưu đãi - đổi lại bằng cung cấp cho Trung Quốc giấy phép dài hạn khai thác tài nguyên thiên nhiên của các nước này thường rất mạnh mẽ. Bắc Kinh hiểu rõ nhu cầu của các đối tác kinh doanh nước ngoài nên chìa ra cho họ một thực đơn không thể cưỡng lại.
Quá trình này làm nổi bật một trong những đặc thù - và điểm mạnh - của cuộc tấn công quốc tế của Trung Quốc nhằm vào tài nguyên thiên nhiên: sức mạnh của "Công ty Trung Quốc" (China Inc.) Nói cách khác, Trung Quốc sử dụng có hiệu quả tất cả các bánh răng trong cỗ máy nhà nước để đảm bảo hợp đồng và khoản đầu tư chiến lược béo bở ở các nước rất khát vốn. Các tổ chức tài chính (ngân hàng), kinh tế (công ty nhà nước) và chính trị, mà quyền quyết định thuộc về tổ chức chính trị, làm việc cùng nhau như một tổ chức để đạt được các mục tiêu quốc gia. Nét chủ đạo luôn giống nhau: thu được hay bảo đảm nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên dài hạn của Trung Quốc, loại các đối thủ cạnh tranh, và giành được ảnh hưởng và quyền lực chính trị.
Tính khả thi tài chính và tác động môi trường của các dự án được các ngân hàng chính sách Trung Quốc tài trợ, và trong phần lớn các trường hợp, do các công ty nhà nước Trung Quốc thực hiện, thường không được xét đến. Tuy thế, điều đó không có nghĩa các ngân hàng Trung Quốc và các công ty tham gia vào các dự án này không cố gắng làm cho các khoản đầu tư ở nước ngoài khả thi về mặt thương mại, đặc biệt khi những dự án đó không phải là ưu tiên của nhà nước. Dù thật sự cần sự chấp thuận của nhà nước, các tập đoàn Trung Quốc đang cố trở nên độc lập hơn với quyền lực chính trị trong điều hành hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, nhưng khi cần thiết chính bộ máy chính trị sẽ cung cấp bản tổng phổ cho dàn nhạc (ngân hàng, tập đoàn, nhà ngoại giao) biểu diễn bản giao hưởng.16
Tất nhiên, việc phải dùng đến bộ ba - trong trường hợp của Turkmenistan gồm CNPC, CDB và cộng đồng ngoại giao - để đạt được các mục tiêu chiến lược không chỉ xảy ra với Trung Quốc. Các quốc gia khác cũng sử dụng ngân hàng phát triển của mình để thúc đẩy các mục tiêu ngoại giao hay làm lợi cho các công ty của họ; ví dụ, bằng cách cấp một khoản vay với điều kiện nước tiếp nhận phải mua một số lượng cụ thể thiết bị hoặc hợp đồng dịch vụ từ nước cho vay. Tuy nhiên, điều này khó có thể so sánh với các đề xuất hay phương pháp của Trung Quốc. Ví dụ, xét về quy mô, Trung Quốc hiện đang sở hữu dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới17, giúp cho nước này có được sức mạnh tài chính áp đảo. Điều cũng quan trọng là không được đánh giá thấp khoảng trống tự do hành động do thiếu một đối trọng thực sự (từ báo chí, xã hội dân sự, hay đảng phái đối lập) trong hệ thống độc đảng của Trung Quốc, có nghĩa là Trung Quốc tự do thực hiện các dự án của họ đúng như ý muốn.
ĐƯỜNG ĐI BẮT BUỘC CỦA THAM NHŨNG
"Chính các quốc gia Trung Á như Turkmenistan và Kazakhstan xem người dân và doanh nghiệp Trung Quốc như là một nguồn tiền sẵn sàng chi hối lộ và tham gia vào các hệ thống tham nhũng. Đó là điều người ta phải trải qua nếu muốn kinh doanh ở đất nước này. Hối lộ thường là một khoản tiền nhỏ, sau đó tăng dần từng chút một. Đối với người Trung Quốc, điều này không có gì khác thường vì đã là truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng giải quyết công việc theo cách đó dễ hơn là làm nảy sinh những vấn đề lớn hơn. Anh chỉ cần trả tiền và sau đó khó khăn biến mất." Lời của một doanh nhân cao cấp Trung Quốc ở Turkmenistan, mà tên, chức vụ và các chi tiết khác không tiện nêu ở đây vì những lý do hiển nhiên, tóm tắt hoàn hảo tính "linh hoạt" đã được các công ty Trung Quốc chứng minh khi lách luật. Khi chúng tôi hỏi ông cách thức CNPC xoay xở xử lý các khoản hối lộ này trong ngân sách và bảng cân đối kế toán, đầu mối liên lạc của chúng tôi trả lời hoàn toàn trung thực: "Chúng tôi lên kế hoạch các khoản chi này trong ngân sách của chúng tôi. Chúng tôi biết về các khoản chi này ở đây, tại Ashgabat, và ở Bắc Kinh cũng biết. Họ biết đó là cách làm việc ở đây, vì thế chúng tôi đưa các khoản hối lộ vào bảng cân đối kế toán của chúng tôi. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác."
Đột nhiên một đồng nghiệp của ông bước vào văn phòng, làm gián đoạn cuộc trò chuyện. Nguồn tin của chúng tôi lịch sự xin lỗi, rời khỏi phòng và trở lại chừng năm phút sau. "Một ví dụ về điều tôi đang đề cập vừa xảy ra tại sân bay. Chúng tôi có một vấn đề với cơ quan nhập cư Turkmenistan. Họ không muốn cho phép một số nhân viên của chúng tôi nhập cảnh. Cũng may tôi có nhiều bạn bè ở đó, nhờ vào quan hệ và mạng lưới quen biết tôi đã xây dựng ở đây. Để kinh doanh ở đây cần thiết phải xây dựng các mối quan hệ cá nhân vững chắc." Dĩ nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất sẵn sàng thực hiện các trò tham nhũng và hối lộ nhằm phục vụ lợi ích của họ ở Turkmenistan. Người ta cho rằng các doanh nghiệp Nga, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trong ngành dầu khí, ô tô và xây dựng cũng hành động theo cách tương tự và vì thế phải tăng ngân sách dự án lên từ 20 đến 30 phần trăm để bao gồm khoản chi "hoa hồng." Các nhà đầu tư cũng phải chi một khoản lố bịch để cống nộp lãnh đạo quốc gia, như mua các bản dịch tiếng nước ngoài của cuốn Ruhnama, tác phẩm của Tổng thống Niyazov, giống như “sách đỏ” của Mao, nhằm đưa ra hướng dẫn cách cư xử cũng như lịch sử chính thức của quốc gia.18
Có thể nhìn thấy một ví dụ tiêu biểu trong trường hợp của công ty Pháp Bouygues, công ty xây dựng lớn thứ hai thế giới và là một công ty chủ yếu trong ngành bất động sản của Turkmenistan. Từ năm 1994 đến 2010, công ty cố gắng đảm bảo hơn 50 dự án xây dựng với giá trị 2 tỷ euro nhờ vào quan hệ chặt chẽ với chính quyền của nước này. Ngoài những thứ khác, những mối quan hệ này được xây dựng nhờ việc dịch cuốn Ruhnama sang tiếng Pháp và nhờ vào mối quan hệ được phát triển trong nhiều năm giữa Niyazov và Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty Pháp, Martin Bouygues.19 Khi chúng tôi cố gắng dàn xếp một cuộc gặp với các nhân viên của Đại sứ quán Pháp tại Ashgabat, họ từ chối đề nghị của chúng tôi để tránh bất kỳ câu hỏi nguy hiểm nào về hoạt động của tập đoàn kinh doanh có lãnh đạo là bạn thân của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy.
Giống như các công ty khác hoạt động ở nước này, CNPC không sẵn lòng để "từ chối nhiều cơ hội do Turkmenistan chào mời," bất chấp tình trạng tham nhũng tràn lan và vi phạm nhân quyền có hệ thống của nước này, như đầu mối tiếp xúc của chúng tôi tại công ty Trung Quốc giải thích. Do đó, CNPC trở nên gắn rất chặt với thứ mà công ty gọi là "con đường tơ lụa của ngành năng lượng," giành được càng nhiều mỏ khí tại quốc gia Trung Á này càng tốt. Chiến lược được tính toán cẩn thận này, cũng được Trung Quốc tiến hành ở những nơi khác trong vùng, đã hủy hoại nghiêm trọng vai trò thống trị của Nga trong khu vực, một vị trí ảnh hưởng kế thừa từ thời Liên Xô.
Bắc Kinh tiến hành xâm nhập chiến lược vào đất nước của những bức tượng bằng vàng tại thời điểm doanh thu bán khí đốt từ Turkmenistan sang Nga đã giảm 90 phần trăm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Turkmenistan. Lý do chính thức của việc Nga giảm mạnh mua khí đốt của Turkmenistan là vụ nổ đường ống vào tháng 4 năm 2009. Tuy nhiên, thực ra hành động của Nga có lẽ chủ yếu do sự sụt giảm giá khí đốt sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 thúc đẩy. Vì Nga trung chuyển và bán lại khí đốt từ Turkmenistan sang phương Tây thông qua cơ sở hạ tầng của họ, có khả năng nước này đã cố tình gây ra sự sụt giảm cung cấp khí đốt của mình bằng cách dàn xếp sự cố đó. Hành vi này làm nổi bật vai trò trước đây của Moscow là người trông coi khí đốt của Turkmenistan, vì đường ống của Nga là đường ra duy nhất để khí đốt của Turkmenistan tiếp cận các thị trường khác trước khi Trung Quốc xuất hiện tại đất nước này.20 Cuộc khủng hoảng Nga - Turkmenistan kéo dài cho đến khi Nga nối lại xuất khẩu khí Turkmenistan vào năm 2010, đến lúc đó Ashgabat đã mất mỗi tháng 1 tỷ đô-la thu nhập.21
Tuy nhiên, giờ đây điều này sẽ chấm dứt khi Trung Quốc chào mời nước này một giải pháp thay thế. Đường ống do CNPC xây dựng sẽ làm Turkmenistan không còn phụ thuộc vào Nga nữa. Nó cũng làm tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh không chỉ đối với chế độ Turkmenistan, mà còn với Uzbekistan và Kazakhstan, các nước nằm trên tuyến đường ống cũng đang có kế hoạch cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong tương lai. Đây chỉ là một bước tiến nữa trong chiến lược của Trung Quốc nhằm trở thành chúa tể và ông chủ của toàn bộ khu vực, như chúng ta đã thấy trong Chương 2. Nhờ doanh thu khí đốt bán cho Trung Quốc, Turkmenistan - có xuất khẩu khí đốt chiếm 80 phần trăm tổng doanh thu xuất khẩu - đã tìm ra một nguồn thu nhập mới cho phép công ty Thổ Nhĩ Kỳ Polimeks tiếp tục xây dựng các bức tượng vàng để vinh danh tổng thống. Trong khi đó, tham nhũng và độc tài tiếp tục hủy hoại cuộc sống hàng ngày của nhân dân Turkmenistan.
BÀN TAY CỨU GIÚP CÁC CỘNG HÒA HỒI GIÁO
Dù sự xâm nhập đầy kịch tính của Trung Quốc vào lĩnh vực năng lượng Trung Á thật sự là một bước lùi nghiêm trọng đối với quyền bá chủ của Nga trong khu vực này, nhưng nó chưa phải là nơi diễn ra những thay đổi địa chính trị lớn nhất thế giới do nhu cầu năng lượng cấp bách của Trung Quốc. Tác động lớn nhất thực tế đã diễn ra tại đầu nguồn cung cấp dầu của thế giới, Trung Đông, và cả ở đông bắc châu Phi. Bất chấp các rủi ro mà điều này có thể gây ra cho mối quan hệ với phương Tây, Trung Quốc đã tìm đến hai đồng minh giàu dầu mỏ trong khu vực, đều là kẻ thù nổi tiếng của Washington và Brussels: Cộng hòa Hồi giáo Sudan và Iran.
Khi đi dọc theo đại lộ Nile Avenue ở Khartoum, đường chính của thành phố và là nơi đặt trụ sở của phần lớn các tổ chức kinh tế và chính trị của Sudan, rất dễ nhìn thấy sự hiện diện của Trung Quốc ở đất nước lớn nhất châu Phi cho đến tháng 7 năm 2011, lúc nó bị chia thành hai quốc gia.22 Đường phố san sát các công trình xây dựng sử dụng lao động Trung Quốc và địa phương, tạo nên một diện mạo mới cho thủ đô phương bắc này. Trong khi đó, khu vực xung quanh đang bùng nổ các cửa hàng của người Trung Quốc bán hàng tiêu dùng và hàng tạp hóa, các đại lý du lịch nhắm đến thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng, và phòng khám châm cứu và bán thuốc cổ truyền Trung Quốc có bác sĩ đến từ các tỉnh Hồ Bắc và Hà Nam. Một công ty đặc biệt đã thay đổi bản đồ kinh tế của đất nước này: CNPC.23 "Đó là công ty mạnh nhất ở Sudan," là câu chúng tôi được nghe nhiều lần từ những công chức, chuyên gia, nhà hoạt động và nhà báo sở tại mà chúng tôi gặp, cùng uống trà và trò chuyện. Đây là một tham chiếu đối với các khoản đầu tư hàng triệu đô-la đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế nước này để đổi lấy dầu, bằng cách đó làm đầy kho bạc nhà nước do nhà độc tài Omar al-Bashir kiểm soát.
Trung Quốc tiến vào lĩnh vực dầu mỏ của Sudan trong những năm 1990, sau khi Washington cáo buộc chế độ al-Bashir ủng hộ và tài trợ cho khủng bố quốc tế. Trước khi trở thành kẻ thù số một của phương Tây, Osama bin Laden hoàn toàn tự do ở Sudan, một quốc gia đã trở thành cực đoan về chính trị và tôn giáo (bao gồm cả việc áp dụng luật Hồi giáo Sharia trên toàn lãnh thổ) sau cuộc đảo chính được thiếu thướng al -Bashir ủng hộ vào năm 1989. Đó là khi các công ty Mỹ như Chevron quyết định rút ra khỏi Sudan, ngay trước khi Liên hiệp quốc và Hoa Kỳ áp đặt trừng phạt song song lên nước này. Chế độ này bị đẩy vào tình trạng cô lập và bắt đầu tuyệt vọng tìm kiếm đầu tư cho ngành dầu mỏ của mình, giờ là nguồn lực chính của nhà nước. Như đã xảy ra ở rất nhiều nơi khác, Trung Quốc lần nữa là vị cứu tinh. "Vấn đề chính của Sudan trong những năm 1990 là vốn đầu tư. Trung Quốc và các đối tác khác như Malaysia đến đây với các khoản đầu tư và ngày nay họ được xem là đối tác," Elding Salah Ali Mohammed, cố vấn chính phủ về năng lượng giải thích, khi gặp chúng tôi tại văn phòng của ông gần Bộ Dầu mỏ. "Chúng tôi không thể có được đầu tư từ các công ty phương Tây vì cấm vận."
Các khoản đầu tư Trung Quốc đã đến với quốc gia này ngay khi phương Tây đang cố gắng cô lập Sudan, bóp nghẹt nền kinh tế bằng cách rút đầu tư như đã làm với chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi những năm 1980. Trong khi châu Âu và Mỹ rút ra khỏi Sudan nhằm gây áp lực lên chế độ, giống như nước láng giềng Libya, cổ vũ chủ nghĩa cực đoan và thánh chiến Hồi giáo, thì Trung Quốc đã vội chớp thời cơ xuất hiện từ khoảng trống này. Đối với Bắc Kinh, vốn đã trở thành nước nhập khẩu ròng dầu thô vào năm 1993, Sudan là một cơ hội lý tưởng để tăng cường an ninh năng lượng của mình bằng cách kiên quyết thâm nhập vào lĩnh vực dầu mỏ của Sudan với những điều kiện đặc biệt: CNPC, Sinopec và các công ty dầu khí khác của Trung Quốc cố gắng để có được cổ phần trong khoảng 40 phần trăm tài sản dầu mỏ của nước này, bất chấp công nghệ lạc hậu và kinh nghiệm hạn chế của các công ty này trong ngành dầu thô quốc tế.24 Theo Ali Mohammed, Trung Quốc không phải là lựa chọn tốt nhất; mà là lựa chọn duy nhất. "Trung Quốc là lựa chọn duy nhất cho Sudan. Các công ty phương Tây không muốn hợp tác với chúng tôi vì lý do chính trị," ông giải thích.
Theo một nhà ngoại giao phương Tây chúng tôi phỏng vấn ở Khartoum, thì kể từ đó, Trung Quốc đã trở thành "đối tác duy nhất hay đối tác áp đảo" ở các giếng dầu của Sudan. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đóng vai trò đặc biệt trong việc xây dựng hai dự án cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng không thể phủ nhận về chính trị và kinh tế: một nhà máy lọc dầu gần thủ đô và đường ống dẫn dầu duy nhất vận chuyển dầu thô từ phía nam của nước này đến tận cảng Port Sudan ở bờ Biển Đỏ.
Bắc Kinh đã đóng vai cận vệ trung thành với chế độ al-Bashir trong nhiều năm do lợi ích của họ trong sa mạc Sudan. Thực ra, điều này thậm chí còn đúng trong các vấn đề bên ngoài lĩnh vực năng lượng. Thứ nhất, đầu tư và công nghệ của Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ kinh tế rất quan trọng cho chế độ, vốn lợi dụng "ngọn gió từ phía đông" để bắt đầu xuất khẩu dầu thô lần đầu tiên vào cuối những năm 1990.25 Từ khi kết thúc thế kỷ vừa qua, thu nhập to lớn từ bán dầu đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế Sudan trước đây phụ thuộc vào nông nghiệp.26 Tuy nhiên, vốn đầu tư của Trung Quốc không chỉ giúp Sudan thoát khỏi nguy cơ phá sản do lệnh cấm vận phương Tây gây ra. Nó còn yểm trợ cho chế độ al-Bashir theo những cách khác, giúp nước này tự tái vũ trang nhờ vào kho vũ khí chủ yếu được công ty nhà nước Tổng công ty Công nghiệp Bắc Trung Quốc (NORINCO) cung cấp. Những vũ khí này đã giúp nhà độc tài thực hiện thành công nhiều cuộc tấn công bất ngờ vào miền nam trong cuộc nội chiến đã tàn phá Sudan cho đến năm 2005. Quan trọng nhất, các loại vũ khí cho phép những người đi theo chế độ này thực hiện tội ác diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 21 ở Darfur.27 Tiền của Trung Quốc đã gián tiếp nhuộm đỏ dầu Sudan bằng máu của những người bị giết trong cuộc chiến không cân sức ở phía tây nước này. Lá phiếu của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ủng hộ việc áp đặt một lệnh cấm vận bán vũ khí cho quốc gia Hồi giáo này chẳng có giá trị gì. Trong trò hai mặt này, Bắc Kinh một mặt đóng vai một cường quốc có trách nhiệm và mặt kia là đồng minh trung thành của al-Bashir, đã cho phép xe tải quân đội, máy bay chiến đấu và vũ khí bán tự động Trung Quốc rơi vào tay những người bạn Sudan của Trung Quốc. Theo một số báo cáo của Liên hiệp quốc, những vũ khí này đã góp phần gây ra cái chết của ít nhất 300.000 người.28
Nếu thế vẫn chưa đủ, cũng những vũ khí đó đã được các nhóm ủng hộ chế độ Sudan sử dụng khi chiến đấu chống lại quân đội gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi và Liên hiệp quốc, thật ngược đời, lực lượng này có cả những người lính Bắc Kinh gửi đến.29 "Trung Quốc dính líu rất sâu vào thảm họa nhân đạo ở Darfur. Trung Quốc là một trong những cường quốc lớn nhất hiện nay đang nổi lên trên trường quốc tế và là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, có nghĩa là họ có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh của từng con người," Salih Mahmoud Osman, luật sư nhân quyền sinh tại Darfur lập luận khi gặp chúng tôi trong văn phòng khiêm tốn của mình ở Khartoum, ông là người được giải thưởng Sak harov 2007 cho những hoạt động trong cuộc xung đột.
Với bối cảnh như thế, người ta cho rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc nên tỏ ra lo ngại về sự độc lập của Nam Sudan, nhà nước mới nhất trên thế giới. Trung Quốc là một đồng minh vững chắc của Tổng thống al-Bashir và chính phủ Ai Cập ở phía bắc Sudan, và với việc tập trung cao độ vào các mục tiêu của mình, Bắc Kinh không muốn thay đổi hiện trạng. Trung Quốc lo ngại rằng tình trạng ly khai sẽ khiến hàng triệu đô-la đầu tư tan thành mây khói, vì 80 phần trăm trữ lượng dầu nằm ở miền Nam Sudan, trên biên giới vẫn đang tranh chấp và trong một lãnh thổ bị đe dọa bởi các cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai.
Tuy nhiên, do 90 phần trăm ngân sách Nam Sudan phụ thuộc vào bán dầu thô, nước này không thể nào giảm bớt sản lượng. Hơn thế nữa, Nam Sudan phụ thuộc vào miền Bắc để xuất khẩu dầu, vì dầu phải đi qua lãnh thổ phía bắc để ra biển. "Có một suy nghĩ ở cả hai phía rằng dầu phải được khai thác và họ phải hợp tác,” Harry Verhoeven, một chuyên gia về Sudan tại Đại học Oxford giải thích. Trung Quốc đã thiết lập chính sách ngoại giao kiểu tắc kè biến màu linh hoạt nhằm khởi động xây dựng quan hệ với chính phủ Juba, thủ đô của Nam Sudan, để thu về được nhiều nhất từ khoản đầu tư. Cuộc phỏng vấn điện thoại với một học giả phương Tây sống tại Juba thực hiện trong tháng 12 năm 2012 khẳng định rằng, bất chấp điều tiếng về Trung Quốc ở Sudan, chính quyền của quốc gia mới này rất sẵn lòng hợp tác với Trung Quốc. Sudan vẫn còn dầu trong 15 năm, và Trung Quốc - nước có trách nhiệm của một cường quốc quốc tế nhưng đã bị nghi ngờ nghiêm trọng vì Sudan – không hề có ý định rời bỏ bữa tiệc trước khi tiếng nhạc kết thúc.
TRUNG QUỐC VE VÃN DẦU CỦA GIÁO CHỦ
Bất chấp cái nóng ngột ngạt và quầng mây ô nhiễm dày đặc, tình trạng ùn tắc giao thông dễ làm nổi cáu của Tehran ít nhất cũng bày ra một cảnh tượng thú vị. Hoàng hôn và không một chỗ trống để thở trên cái gọi là “đường cao tốc” Ashrafi Esfahani nối phía bắc và phía nam thủ đô Iran. Xe chèn, vượt nhau tứ phía, khiến mọi việc trở nên rất khó khăn cho người lái taxi điềm tĩnh của chúng tôi trong chiếc Peykan cà tàng. Áp phích tuyên truyền treo rải rác dọc bên đường, cùng các bức tranh tường vẽ tay các anh hùng bất tử của cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, mà người sáng lập nền Cộng hòa Ruhollah Khomeini là nhân vật chính. Ngoài ra còn có rất nhiều biếm họa và hình vẽ tài tình, tương tự như những hình vẽ trên đại lộ Malecon ở Havana, ám chỉ đế quốc Mỹ và "tay sai" Israel. "Nước Mỹ chết đi," một câu cổ điển. Một hình ảnh khác gợi nhiều liên tưởng hơn là vẽ lá cờ Mỹ treo lộn ngược, các ngôi sao và sọc đỏ được thay bằng bom và những tia máu.
Những chữ viết và hình ảnh cung cấp một bản tóm tắt đầy ấn tượng tình trạng đối kháng đã tồn tại suốt ba mươi năm giữa nước Cộng hoà Hồi giáo này và Mỹ, sau khi quan hệ ngoại giao đổ vỡ do "Cuộc khủng hoảng con tin đại sứ quán." Trung Quốc đã hưởng lợi từ thực tế thù địch này giữa hai nhà nước, không chỉ lan sang các nước phương Tây khác mà còn tăng mạnh từ khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad lên cầm quyền vào năm 2005, bắt tay vào một cuộc phiêu lưu hạt nhân đưa đến đối đầu trực tiếp với cộng đồng quốc tế. Trong tình thế này, rõ ràng vai trò của Trung Quốc rất quan trọng. Trong hoàn cảnh cấm vận đã khiến Iran bị cô lập nghiêm trọng, sự ve vãn liên tục giữa các nhà ngoại giao của Trung Quốc và các giáo chủ đã cho phép Bắc Kinh trở thành một đối tác kinh tế chủ yếu ở đất nước có trữ lượng dầu mỏ đã được kiểm chứng lớn thứ tư trên thế giới (sau Saudi Arabia, Venezuela và Canada) và trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới (sau Nga).30
"Năm năm trước không có người Trung Quốc nào ở đây," lãnh đạo một trong những công ty dầu khí phương Tây lớn nhất ở Iran giải thích, cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước này đã tăng nhanh như thế nào. Các con số tự nói lên tất cả: chỉ mười năm trước giao dịch thương mại giữa hai nước không đáng kể, thì hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, tạo ra một khối lượng thương mại hàng năm khoảng 36 tỷ đô-la, bao gồm thương mại chính thức và nhập khẩu qua Dubai. Việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran dẫn đến sự thiếu vắng đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, giống như trong trường hợp của Sudan, đã để cánh cửa rộng mở cho Trung Quốc. Dưới áp lực của Hoa Kỳ, các công ty dầu mỏ ENI, Total, Repsol, Shell, BP và các công ty khác đã phải dừng kinh doanh tại Iran nhằm tránh gây nguy hiểm cho vị trí của họ tại thị trường Mỹ. "Người Mỹ nói: hoặc Iran hoặc chúng tôi. Vì thế tất cả chúng tôi hoặc làm kẻ ngoài cuộc ở đây hoặc rời khỏi quốc gia này31 vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích thương mại của chúng tôi ở Hoa Kỳ," nguồn tin của chúng tôi giải thích.32
Một ví dụ về sự tiến thoái lưỡng nan mà các công ty dầu phương Tây phải đối mặt là trường hợp của công ty Tây Ban Nha Repsol, đối phó với áp lực của Hoa Kỳ bằng cách rút dần dần khỏi Iran để bảo vệ lợi ích của họ ở Vịnh Mexico. Theo những gì chúng tôi nghe được từ nguồn tin ở Tehran, việc rút ra khỏi quốc gia này làm công ty tổn thất không dưới 300 triệu euro. Trong hoàn cảnh đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các công ty dầu khí quốc doanh Trung Quốc đã có thể xâm nhập thắng lợi vào lĩnh vực này, bất chấp thực tế công nghệ của họ còn xa mới sánh được các đối thủ cạnh tranh phương Tây.33 "Vâng, người Trung Quốc đã trở thành một đối tác chính ở Iran, chỉ vì họ tiến vào một sân chơi trống vắng," giám đốc điều hành cho biết. "Các biện pháp trừng phạt đưa lại điều kiện tiên quyết cho sự hiện diện của Trung Quốc ở Iran. Nếu không có sự trừng phạt, công nghệ phương Tây chắc chắc chắn đã thống trị lĩnh vực này," Clément Therme, chuyên gia Pháp về các vấn đề Iran thêm vào. Như vậy, Trung Quốc bù đắp yếu kém trong công nghệ bằng hai lá bài thay thế rất giá trị: quan hệ chính trị và sức mạnh tài chính.
"Một lựa chọn khác có thể là nước Nga vì họ có công nghệ, nhưng họ không có vốn," John Garver, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện Công nghệ Georgia và là cố vấn cho chính phủ Hoa Kỳ kết luận. Mehdi Fakheri, phó chủ tịch của Phòng thương mại, Công nghiệp và Mỏ Iran, cũng lập luận như thế khi gặp chúng tôi ở Tehran: "Không có nhiều lựa chọn trong tiếp cận công nghệ và tiền bạc có sẵn. Người Trung Quốc không thể bị thay thế dễ dàng." Được nhà nước và nguồn lực không giới hạn của các ngân hàng Trung Quốc bảo vệ, các công ty dầu CNPC, Sinopec và Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã lấp đầy một phần khoảng trống do các công ty phương Tây để lại với khoản đầu tư có thể lên đến 40 tỷ đô-la, theo các nguồn tin chính thức của Iran.34 Ngoài ra, Trung Quốc đã trở thành nước mua dầu lớn nhất thế giới của Iran vào giữa năm 2012, khi xuất khẩu dầu thô của Iran sụp đổ vì những đợt trừng phạt mới do Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu thông qua - tách biệt với các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc và bị Bắc Kinh bác bỏ - nhằm ngăn chặn thương mại quốc tế dầu khí Iran.35 Đây là sự giải vây tuyệt vời cho chế độ của các giáo chủ - có xuất khẩu dầu khí chiếm 27 phần trăm GDP của Iran - chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc đặt hy vọng vào Trung Quốc. Tổng mức đầu tư này đã cho phép Iran duy trì sản xuất dầu thô và tiếp tục là một trong những nước cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc.36 Điều đó là hiển nhiên bất chấp thực tế là - như chính Trung Quốc thừa nhận - thu nhập từ bán tài nguyên thiên nhiên của Tehran "có khả năng liên quan" với chương trình hạt nhân của Iran.37
Vì Trung Quốc chinh phục Iran nhanh cũng như các công ty phương Tây rời bỏ nước này, tình huống này đặt ra một câu hỏi đầy phẫn nộ cho các công ty dầu khí châu Âu: với lệnh cấm vận quốc tế đang ở mức căng thẳng nhất, các công ty dầu của Trung Quốc đã xoay xở thế nào để có được giấy bảo chứng, cho phép chúng ưu tiên xâm nhập vào lĩnh vực năng lượng của một nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới? Nói cách khác, tại sao Sinopec, PetroChina và CNOOC được tự do và tiếp cận dễ dàng các mỏ dầu của Iran trong khi Shell, Total, ENI và Repsol buộc phải xách gói ra đi? Dĩ nhiên câu trả lời nằm trong ảnh hưởng của nhà nước toàn năng Trung Quốc, ngay cả khi nó phải đối mặt với Washington. Chính quyền Trung Quốc không ngần ngại sử dụng sức mạnh chính trị để bảo vệ doanh nghiệp của họ khỏi sáng kiến cô lập Iran của Mỹ, cho thấy mức độ ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của Trung Quốc. Có thể thấy được bằng chứng về điều này trong một bức điện ngoại giao do đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh gửi vào ngày 26 tháng 3 năm 2008 bị tiết lộ. Bức điện đề cập đến cảnh báo của một viên chức chính phủ cấp cao Trung Quốc cho một nhà ngoại giao Mỹ về bất kỳ nỗ lực nào Washington có thể thực hiện để áp đặt trừng phạt lên Sinopec vì hoạt động ở Iran: "Đó là một vấn đề rất nghiêm trọng và tôi không thể hình dung những hậu quả mà nó có thể gây ra cho quan hệ song phương," ông ta nói.38
Bức điện này xác nhận Bắc Kinh đã đặt ra ranh giới rất rõ cho Washington: trong mọi trường hợp các biện pháp trừng phạt không được ảnh hưởng đến các công ty dầu khí lớn của Trung Quốc. Những sự kiện này cho thấy Washington dường như bị áp lực phải tránh những đòn trả đũa "không thể tưởng tượng," đành cho Trung Quốc đặc quyền làm điều mà bất kỳ công ty phương Tây nào làm sẽ hứng chịu các lệnh trừng phạt. Dĩ nhiên, thực tế chính phủ Trung Quốc đã khẳng định mạnh mẽ vấn đề này gắn chặt với tầm quan trọng to lớn Bắc Kinh dành cho an ninh năng lượng của mình. Tuy nhiên, thực ra những sự kiện này đã mở đường cho Sinopec và CNPC thay thế các công ty phương Tây một cách đầy sai trái trong việc cung cấp cho Iran 30 phần trăm lượng tiêu thụ xăng, mà về mặt diễn giải không liên quan đến an ninh năng lượng của Bắc Kinh. Năng lực lọc dầu của nước Cộng hòa Hồi giáo đã bị giảm do các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và vì thế nước này cần mua xăng từ các nhà cung cấp nước ngoài.39 Vậy thì, Trung Quốc sẵn sàng làm ăn.
"Từ năm 2002 số lượng các công ty Trung Quốc bị Hoa Kỳ trừng phạt đã giảm xuống. Vào đầu thế kỷ này, mỗi năm có chừng 15 hay 16 công ty Trung Quốc bị trừng phạt. Hiện nay mỗi năm chỉ có ba hoặc bốn công ty, và không có công ty dầu lớn của Trung Quốc nằm trong số đó," John Garver nói với chúng tôi, giải thích ảnh hưởng của Bắc Kinh trong lĩnh vực này. "Trung Quốc có khả năng chống lại áp lực của Hoa Kỳ lớn hơn bất kỳ nước nào khác," Clément Therme kết luận. Không nghi ngờ gì, tất cả điều này đang diễn ra trong thực tế, như chính ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thừa nhận, rất khó để chống lại nhà băng của thế giới.40 Hậu quả của tất cả chuyện này sẽ là gì? Một lãnh đạo của một công ty dầu khí châu Âu tại Tehran thử dự đoán diễn biến trong tương lai nếu tình hình hiện nay vẫn tiếp tục: "Trong năm năm, toàn bộ lĩnh vực năng lượng sẽ nằm trong tay người Trung Quốc."
TRUNG QUỐC “HAI ĐẦU” THÁCH THỨC ANGOLA
Với một thoáng mê hoặc không lẫn vào đâu được, làn gió thoảng quyện mùi thơm của tôm hùm, thịt gà tẩm gia vị và bông cải xào trên sân thượng nhà hàng Thượng Hải Baia, được bổ sung trọn vẹn với tầm nhìn tuyệt vời ra Luanda và Đại Tây Dương. Hè năm 2010. Một nhóm doanh nhân Trung Quốc ồn ào ngốn ngấu thức ăn như thể không có ngày mai, trong khi các tia sáng phản chiếu từ những tòa nhà chọc trời nhảy múa trên mặt họ - những tòa nhà có các căn hộ mà các nhân viên dầu khí biệt phái nước ngoài tranh nhau thuê với giá không dưới 10.000 đô-la một tháng. Các doanh nhân luôn mồm háo hức hỏi “duo shao qian?” (bao nhiêu?), đặc biệt một gã hỏi với cái mồm nhồm nhoàm, phun thức ăn phọt qua bàn. Cách đó chỉ vài mét, những chiếc du thuyền sang trọng đang thả neo ngoài câu lạc bộ Ilha de Luanda Nautical, giúp các ông trùm kinh doanh đóng tại thành phố đắt đỏ thứ hai thế giới giong buồm ra biển, thoát khỏi cảnh hỗn độn của thủ đô Angola.41
Không thể đi bộ ngang qua trung tâm thành phố Luanda mà không tự hỏi làm thế nào mọi thứ biến đổi nhanh chóng như vậy. Trở lại năm 2002, Angola chỉ vừa kết thúc cuộc nội chiến lâu dài nhất ở châu Phi: hai mươi bảy năm xung đột không chỉ gây thiệt hại kinh tế và xã hội không thể khắc phục đối với đất nước 18 triệu dân này, mà còn quét sạch phần lớn cơ sở hạ tầng được người Bồ Đào Nha xây dựng trước khi nước này độc lập vào năm 1975. Ví dụ, khoảng 300 cây cầu đã bị phá hủy trong cả nước do cuộc xung đột. Chưa đầy mười năm sau đó, đám xe tải chở xi măng đã khiến những con đường chính trong thành phố hoàn toàn tắc nghẽn, không thể đáp ứng nhu cầu của hàng trăm công trình đường bộ đang được triển khai trên cả nước. Hơn 50 công ty nhà nước và 400 công ty tư nhân Trung Quốc đang điên cuồng thực hiện các dự án, xây dựng sân vận động, sửa chữa đường sá, xây dựng nhà ở mới và trau chuốt các văn phòng bộ. Tiền cần có để tài trợ cho tất cả đều đến từ lòng đất của quốc gia này: việc bán dầu thô của công ty sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai châu Phi mang lại một năm 52 tỷ đô-la.42 Một phần lớn doanh thu đến từ bán dầu thô cho Trung Quốc, vì Angola hiện nay là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Trung Quốc sau Ả Rập Saudi.
Ngân hàng Thế giới đã đưa ra thuật ngữ "mô hình Angola" để mô tả cuộc cách mạng nhằm mang lại hệ thống kiến trúc cho nước này với một mạng lưới đường bộ, đường sắt và các trường đại học mới hoàn toàn. Đây là một phần của việc đổi trực tiếp dầu lấy hạ tầng đã diễn ra từ những năm 1980 và được nhiều quốc gia khác cũng như Trung Quốc sử dụng. Chính là mô hình được chính quyền độc tài của Angola do Tổng thống Jose Eduardo dos Santos43 lãnh đạo xúc tiến mạnh mẽ từ năm 2004, trùng với thời điểm Trung Quốc xâm nhập nước này. Các thỏa thuận liên chính phủ giữa Luanda và Bắc Kinh hoạt động trên cơ sở một hiệp ước đơn giản: các công ty xây dựng Trung Quốc thực hiện các dự án hạ tầng trên toàn lãnh thổ Angola và nhận tiền thanh toán trực tiếp từ Ngân hàng Exim Trung Quốc (đại diện cho giao dịch giữa các thực thể Trung Quốc), trong khi Angola sử dụng công ty năng lượng nhà nước Sonangol và các công ty con của nó cung cấp cho Trung Quốc số lượng dầu đã quy định cần thiết để trả khoản vay Trung Quốc.
Bằng cách này, các quốc gia như Angola vốn cấp bách cần tái thiết hạ tầng cơ bản, nhưng không thể tiếp cận lực lượng lao động có trình độ, chưa nói đến nguồn tài chính cần thiết, có thể đạt được kết quả nhanh chóng và, trong trường hợp làm ăn với Trung Quốc, được tài trợ rất thuận lợi. Mô hình này cũng ngăn chính quyền tham nhũng nuốt chửng tiền vay, ngăn chặn hàng triệu đô-la dành cho các dự án công cộng rốt cuộc lại nằm trong các tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ hay quần đảo Cayman. Điều này đạt được nhờ việc chính quyền không bao giờ thực sự nhận được tiền, tất cả được chuyển trực tiếp từ các ngân hàng đến các nhà cung cấp dịch vụ.44
Bất chấp lợi ích hiển nhiên của mô hình này, sự có mặt của Trung Quốc tại Angola là kết quả của chủ nghĩa cơ hội Bắc Kinh, như từng thấy ở các trường hợp khác đã mô tả trong chương này. Sau cuộc nội chiến, chính quyền dos Santos (lên nắm quyền vào năm 1979) cần tài chính để triển khai kế hoạch của chính quyền. Tuy nhiên, những tổ chức cho vay truyền thống - được gọi là Câu lạc bộ Paris - và các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế yêu cầu Luanda tiến hành cải cách các lĩnh vực tài chính, chính trị và kinh tế. Với mục tiêu tạo điều kiện cho một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới có khả năng thanh toán nợ vay, các tổ chức này cũng buộc Angola phải trả một số khoản vay cũ trước khi giảm nợ cho các khoản nợ chưa thanh toán lũy kế của nước này.
Tình trạng giằng co này kéo dài đến tháng 3 năm 2004, khi Trung Quốc xuất hiện phá hỏng kế hoạch của các nước giàu. Ngân hàng Exim Bank chỉ đơn giản cho Luanda vay mới 2 tỷ đô-la và quốc gia châu Phi này đã xoay xở thoát khỏi trừng phạt vì nợ xấu.45 Trung Quốc đã đưa ra một số điều kiện cho vay tuyệt vời đối với một quốc gia đang cố gắng nhưng không thành công trong việc tái cơ cấu nợ vào thời điểm đó: lãi suất bằng lãi suất cho vay Libor, cộng thêm 1,5 phần trăm và thời hạn trả nợ 12 năm (với thời gian ân hạn bốn năm).46 Sử dụng toàn bộ sức mạnh tập séc của mình, Bắc Kinh đã thực hiện một động thái cho phép họ đi vào trung tâm nguồn tài nguyên dầu của châu Phi; vào tháng 7 năm 2004, Sinopec bất chấp mọi khó khăn tiếp quản cổ phần của Shell tại Lô Angola 18 khai thác dầu ngoài đại dương, được xem như một sự đền ơn khoản tín dụng Trung Quốc cấp.47 Đó chỉ là khởi đầu của mối quan hệ nhà nước Trung Quốc cho Angola vay hơn 14,5 tỷ đô-la thông qua các ngân hàng nhà nước trả lại bằng dầu và giấy phép dài hạn cho các công ty Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Angola.48 Bất chấp quy mô to lớn của khoản đầu tư, nó vẫn không cung cấp một bức tranh đầy đủ về thành công của Trung Quốc ở quốc gia này: ngoài các khoản cho vay của các ngân hàng nhà nước Exim Bank, CDB và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Angola còn nhận được sự đóng góp từ khu vực được cho là tư nhân của Trung Quốc.
Cao 25 tầng và kết cấu kính mạ vàng, một tòa nhà nổi bật chi phối toàn cảnh kiến trúc của Luanda. Nó nằm bên cạnh trụ sở Quốc hội, và khi màn đêm buông xuống trên thủ đô Angola ẩn chứa nhiều hiểm họa, tòa nhà được thắp sáng bằng đèn màu có thể thấy được từ mọi nơi trong thành phố. Trên nóc tòa nhà chọc trời này là những chữ đầu CIF, viết tắt một cái tên huyền thoại trong lịch sử bành trướng của Trung Quốc trên khắp hành tinh: China International Fund (Quỹ Quốc tế Trung Quốc). Bên trong tòa nhà là những văn phòng được canh gác cẩn mật của một trong những công ty mờ ảo và bí ẩn nhất Trung Quốc mà chúng tôi có dịp gặp trong suốt hành trình qua thế giới Trung Quốc. Nó cũng là một trong những công ty quyền lực nhất ở Angola nhờ các khoản cho vay từ 2,9 đến 9 tỷ đô-la dành cho chính phủ Angola, cũng như các đầu mối của nó trong giới chóp bu của nhà nước này.49
CIF chính thức là một công ty tư nhân được thành lập tại Hồng Kông vào tháng 11 năm 2003. Nó là một phần của mạng lưới mê cung các công ty Trung Quốc (tất cả đều đóng tại cùng một địa chỉ Hồng Kông: 10/F 2 Pacific Place, 88 Queensway) được thành lập để đàm phán với chính quyền Luanda trong bốn lĩnh vực cụ thể: dầu, kim cương, xây dựng và tài trợ.50 CIF đại diện cho nhánh tài chính của nhóm, dù nó cũng tham gia vào ngành kim cương thông qua sự liên quan của nó với một công ty nhà nước Angola là Endiama. Hai công ty khác quan trọng nhất trong tập đoàn, công ty China Sonangol International Holdings (CSIH) và Sonangol Sinopec International Ltd (SSI), đại diện cho hai doanh nghiệp liên doanh Trung Quốc - Angola duy nhất trong lĩnh vực dầu mỏ của Angola. Các công ty này đóng một vai trò quan trọng trong khu vực, mặc dù công ty Mỹ ExxonMobil vẫn là công ty nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực này.51
Với một danh mục vốn đầu tư ấn tượng như vậy, ai cũng cho rằng CIF và các công ty khác trong tập đoàn được hỗ trợ bởi uy tín vững chắc và kinh nghiệm tầm quốc tế. Sự thật không phải như vậy: trước đây công ty này chưa bao giờ hoạt động trong ngành xây dựng, mặc dù thực tế nó đã thắng thầu xây dựng sân bay quốc tế mới của Luanda và sửa chữa đường sắt thời thuộc địa Benguela. Trang web của công ty chứa nhiều thông tin mơ hồ về các dự án khác do công ty thực hiện, điều lạ lùng là nó cũng hoạt động ở các nước khác có chung đặc điểm thiếu minh bạch và đều sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Cứ thế, thông qua CIF hoặc CSIH, tập đoàn này có mặt ở những nơi như Guinea, Congo-Brazzaville, Zimbabwe, Madagascar và Nigeria.52
Ngay cả những người quản lý công ty cũng không phải là những nhân vật nổi tiếng trong ngành: những người đằng sau cấu trúc kinh doanh là một loạt các giám đốc và chủ tịch có ít hoặc không có khả năng ứng xử khi làm việc trong lĩnh vực dầu thô hoặc kim cương, trừ Manuel Vicente, chủ tịch của công ty dầu khí nhà nước Angola Sonangol. Thậm chí đáng ngạc nhiên hơn, bất chấp những lo ngại về các hoạt động của CIF tăng lên do các hợp đồng hàng triệu đô-la của nó, ngay cả nhà nước toàn năng Trung Quốc cũng không thể hoặc không muốn làm sáng tỏ nguồn gốc của tập đoàn. Ít nhất, đó là những gì đại sứ Trung Quốc ở Guinea, Nigeria và Angola cùng với đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố.53
Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi quyết định cố gắng tự tìm hiểu thêm về tập đoàn này. Chúng tôi chọn hình thức nghiên cứu trực tiếp nhất có thể: gõ cửa công ty. Chúng tôi đích thân đến văn phòng của CIF tại Luanda, Hồng Kông và Singapore, nhưng công ty từ chối trả lời những câu hỏi của chúng tôi hay dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn. Chúng tôi tự hỏi tại sao lại như thế. Có phải vì sự thiếu minh bạch của công ty, tính không rõ ràng cố hữu của họ, hay vì quan hệ của họ với các nhân vật như Pierre Falcone?54 "Lời giải thích rất đơn giản; các giao dịch thông qua Trung Quốc [nghĩa là: CIF] đã trở thành cách dễ nhất và hiệu quả nhất để cướp bóc đất nước này." Giọng của Rafael Márquez de Morais, nhà báo và nhà hoạt động chống lại sự quá đáng của chính phủ Angola, run rẩy vì giận dữ khi gặp chúng tôi tại nhà riêng của ông ở Luanda.
De Morais đã theo dõi những hoạt động của Trung Quốc ở Angola trong nhiều năm và so sánh vai trò của Trung Quốc với vai trò của phương Tây, vốn cũng không thoát khỏi sự chỉ trích của ông. "Không có sự khác biệt giữa Tây và Đông về các giao dịch mờ ám. Cho dù đó là Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... mục đích đều như nhau: để thực sự tiếp cận những người ra quyết định trong chính quyền Angola và kiếm lợi càng nhiều càng tốt theo cách dễ nhất.” Khác biệt duy nhất, ông làm rõ, là "khác biệt về quy mô" khi nói đến Trung Quốc, quốc gia ông cho rằng đang thực hiện một "chủ nghĩa đế quốc mới.” "CIF đã thực hiện một số dự án xây dựng lớn ở Angola. Không có cái nào trong số đó được bàn giao. Hoàn toàn không. Và điều đó dẫn chúng tôi đến một câu hỏi: họ có thực sự cho vay? Tiền có thực sự đến và liệu nó có bị đánh cắp hay bị làm sao?" Trong thời gian ở thủ đô Angola, chúng tôi cố gắng xâm nhập thật sâu vào dự án nổi tiếng của CIF tại quốc gia châu Phi này. Đó chính là dự án xây dựng một sân bay quốc tế, có chi phí hơn 2 tỷ đô-la, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, chẳng có dấu hiệu nào của công trình sẽ là sân bay lớn nhất châu Phi. Khoảng 30 cây số dọc theo đường cao tốc Viana-Catete, các hoạt động xung quanh khu vực sân bay rất thưa thớt. Hiếm thấy chiếc xe nào trên con đường đất dẫn đến nơi sẽ là viên ngọc trên vương miện của CIF. Dưới ánh nắng gay gắt, những người lính vũ trang thuộc đội Cảnh vệ Tổng thống đang bảo vệ lối vào trông cực kỳ buồn chán. Sau hai mươi phút đấu khẩu, chúng tôi vẫn chưa bẻ gãy được quyết tâm của "sếp," một sĩ quan quân đội cấp cao to khỏe đội mũ nồi và đeo khẩu súng ngắn ở thắt lưng. "Sân bay này là khu vực an ninh tối đa, quân đội Angola đã được lệnh bảo vệ trực tiếp từ tổng thống. Cấm vào khu vực này," ông ta kết luận. Gần đó, một gia đình Trung Quốc đã mở một nhà hàng Trung Quốc hai năm trước với hi vọng thu hút công nhân từ dự án này có cảm giác như đã tự hại mình. Giờ đây họ chỉ cố đắp đổi qua ngày. "Kinh doanh rất kém ngay từ khi bắt đầu. Không có khách," họ cho chúng tôi biết.
Sau đó chúng tôi nói chuyện với một công nhân xây dựng Tây Ban Nha sống ở Luanda, người đã chỉ ra rằng nếu hai nhà máy bê tông gần đó không sản xuất xi măng - như lúc này - thì điều đó xác nhận việc hoạt động cầm chừng tại sân bay. "Nếu các nhà máy đó không hoạt động thì không có việc gì đang được tiến hành, bởi cần có bê tông trong từng giai đoạn xây dựng sân bay. Nếu có một sân bay đang được xây dựng ở đó, sẽ luôn có dãy xe tải nối đuôi nhau ra vào." Vì thế, những gì chúng tôi đã nhìn thấy trên đường cao tốc giữa Luanda và Viana củng cố mạnh mẽ giả thuyết Rafael Márquez de Morais đưa ra. Ông vẫn cho rằng các khoản vay CIF tuyên bố không bao giờ đến hoặc chỉ một phần đến nước này. Vì thế, các khoản vay được dùng như là một cái cớ, biện minh cho việc "trả nợ" do chính phủ Angola thực hiện chi trả cho các dịch vụ không bao giờ được thực hiện đầy đủ. Nói cách khác, chúng tạo cơ sở cần thiết cho phép các quan chức chính phủ cưỡng đoạt tài nguyên thiên nhiên của đất nước trên quy mô lớn. Đây là một vụ cướp bóc tàn ác, không hơn không kém.
"Họ nói: "Được, đây là khoản vay cho sân bay.” Năm hoặc sáu năm sau đó, không có sân bay mới nào và cũng không có khoản tiền nào cho việc đó. Vì thế, một khoản vay mới lại được cấp cho cùng sân bay đó. Và số tiền đó cũng biến mất. Thế là, chính quyền mắc nợ, biện minh cho việc mỗi ngày 200.000 thùng dầu chở đi Trung Quốc, là một ví dụ," de Morais lập luận. Ông bảo rằng cấu trúc này cho phép chính quyền cướp bóc đất nước mà không gây ra bất kỳ bất thường nào trong tài khoản. "Bằng cách nào người ta có thể ăn cắp, ví dụ, 200.000 thùng dầu một ngày? Nó không khả thi lắm cho một quan chức chính phủ nói rằng "lấy dầu này cho tôi," vì sự giám sát quốc tế và vì người ta có thể kiểm tra hàng hóa dựa vào những gì đã được bán. Nhưng nếu nói rằng đang vận chuyển mỗi ngày 200.000 thùng dầu sang Trung Quốc để trả nợ thì không sao. Nợ thì phải trả."
De Morais đã đặt ra thuật ngữ "cướp bóc minh bạch" để mô tả quá trình mà các tổ chức khác gọi là "định giá sai thương mại." Đây là một vấn đề đặc biệt cấp bách ở Angola, như đã được nêu trong một báo cáo gần đây, đưa ra vài con số rợn tóc gáy để mô tả mức độ cướp bóc: 6 tỷ đô-la chỉ riêng năm 2009.55 Con số này - tương đương một phần sáu tổng ngân sách quốc gia - mô tả số tiền mà giới chóp bu chính trị nước này, dưới quyền chỉ huy của Tổng thống dos Santos, được cho là đã chuyển bất hợp pháp ra khỏi đất nước vào năm đó bằng cách tăng khống các hóa đơn và các khoản thanh toán cho những dự án không bao giờ được thực hiện.
CIF và công ty liên kết CSIH đóng một vai trò quan trọng trong quá trình cướp bóc có hệ thống và được ngụy trang hoàn hảo dựa trên thổi phồng giả tạo các chi phí của chính quyền: hai công ty này phát hành hóa đơn về các khoản cho vay và yêu cầu hạn ngạch dầu thô trả nợ, bằng cách đó biện minh cho việc vận chuyển hàng chục ngàn thùng vàng đen đi Trung Quốc. Theo cách này, "về mặt giám sát quốc tế, mọi thứ đều minh bạch. Anh cần một công ty [CIF] để hợp pháp hóa những gì anh ăn cắp từ Angola. CIF cung cấp các bằng chứng cần thiết [để biện minh cho những gì được cho là chi tiêu của nhà nước]," de Morais giải thích. Về phía Angola, một tổ chức đặc biệt khác cũng không thể thiếu trong việc cho phép sự cướp bóc này tiếp tục: Văn phòng Tái thiết Quốc gia (GRN), nay không còn tồn tại.
Văn phòng này được tổng thống thành lập năm 2005, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, và chịu trách nhiệm quản lý kinh phí do CIF cung cấp để tái thiết đất nước. Văn phòng GRN, không phải cung cấp báo cáo kế toán hay chịu bất kỳ loại kiểm soát nào, do tướng Manuel Hélder Vieira, hay còn gọi là "Kopelipa," giám đốc Văn phòng Quân sự của tổng thống lãnh đạo. "Từ khi nắm quyền kiểm soát quan hệ với Trung Quốc, tướng Kopelipa cơ bản đã vượt qua tất cả mọi người về đế chế kinh doanh cá nhân của mình: hàng không, ngân hàng, viễn thông... Tất tần tật! Từ chỗ tay trắng, ông đã trở thành một trong những người giàu nhất ở châu Phi. Điều đó liên quan với các khoản cho vay của Trung Quốc và số tiền ông đã quản lý với tư cách đứng đầu văn phòng tái thiết [GRN]. Người Trung Quốc đã trở thành cỗ máy truyền nhiễm tham nhũng hiệu quả nhất và hút hàng tỷ đô-la chuyển ra khỏi đất nước này," de Morais lập luận.
Nhà nước Trung Quốc đóng vai trò gì trong tất cả việc này? Nghiên cứu của một nhóm chuyên gia tại Ủy ban Giám sát Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc cho thấy các cổ đông Trung Quốc khác nhau trong tập đoàn CIF trước đây hay hiện nay đều có quan hệ với các công ty nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ tiết lộ khó chịu nhất đối với Bắc Kinh là thực tế một trong những cổ đông của tập đoàn, giám đốc Wu Yang của CIF, ghi nơi cư trú của ông trùng với địa chỉ của cơ quan mật vụ Trung Quốc (28/F 14 Đông Trường An, Bắc Kinh).56 Như nhau mà thôi, không có bằng chứng chắc chắn Bắc Kinh đứng đằng sau CIF và mạng lưới của nó, cũng như trong trường hợp của giới chóp bu Angola.57 Tuy nhiên, thật khó để tin rằng chính quyền Trung Quốc không biết ai là ai, đặc biệt khi nhiều công ty nhà nước của Trung Quốc - như công ty đường sắt CSR, công ty xây dựng nhà nước CITIC và công ty dầu khí Sinopec - là thầu phụ hay đối tác của CIF và CSIH.58
Tại sao và làm thế nào các công ty nhà nước này tham gia những hợp đồng hàng triệu đô-la với CIF khi nhà nước Trung Quốc chính thức từ chối thừa nhận tập đoàn này? Câu hỏi này làm nảy sinh nhiều câu hỏi khác: Làm thế nào một công ty được cho là tư nhân có thể có khả năng rút một số lượng lớn tài chính thường chỉ sẵn có cho một công ty nhà nước? Làm thế nào mà một công ty tư nhân của Trung Quốc, nếu đúng trong thực tế, lại cạnh tranh với chính nhà nước Trung Quốc? Và tại sao chính phủ Trung Quốc không can thiệp để vô hiệu hóa một công ty làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Trung Quốc do những giao dịch kinh doanh mờ ám với các chế độ độc tài châu Phi giàu dầu mỏ?
"Trung Quốc không hành động chống lại CIF bởi không muốn mạo hiểm lợi ích kinh doanh của họ trong lĩnh vực dầu mỏ Angola," Alex Vines, người đứng đầu Chương trình châu Phi tại viện nghiên cứu Chatham House ở London giải thích. "Một số công ty phương Tây đã quyết định không chơi theo luật của giới chóp bu chính trị Angola [ám chỉ tham nhũng tràn lan], bởi họ sở hữu công nghệ cần thiết và điều đó đã bảo vệ họ. Tuy nhiên, Trung Quốc không có được điều đó và vì thế đã phải chấp nhận luật chơi," ông tiếp tục. "Bằng cách này hay cách khác Trung Quốc phải thích nghi với tình huống chính quyền Angola đặt ra cho họ." Nói cách khác, không ai có thể kinh doanh trong nước này mà không ăn cắp. Có lẽ điều này giải thích tại sao CIF dường như không gì hơn là một thiết chế được nặn ra để đáp ứng những đòi hỏi của giới chóp bu Angola mà không làm bẩn tay các công ty nhà nước Trung Quốc. Bằng cách đó, Trung Quốc vẫn xoay xở để có được phần bánh trong lĩnh vực dầu mỏ Angola.
TRUNG QUỐC MƠ VỀ “KẺ RAO GIẢNG” CHÁVEZ
"Anh phải hết sức cẩn thận. Thỉnh thoảng chúng đứng ở những cây cầu phía trên đường cao tốc và đung đưa sợi dây gắn cục lửa ở đầu dây làm cho kính chắn gió của xe phát nổ khi chạm vào. Khi lái xe dừng lại, chúng sẽ tấn công anh ta. Hoặc đôi khi những kẻ đi xe máy chặn anh tại chỗ đèn xanh đèn đỏ, hay ở giữa đường, và chỉa súng vào mặt anh. Anh phải nộp tất tần tật mọi thứ, ngay lập tức. Đó là cách mọi thứ diễn ra ở đây." Đó những lời khuyên có phần đáng ngại của Eduardo, lái xe của chúng tôi tại Caracas, khi chúng tôi đến sân bay quốc gia Simón Bolívar và bắt đầu đi về thủ đô Venezuela trong chiếc xe hai cầu của anh. Trong khi Eduardo tiếp tục danh sách dài các mối nguy hiểm chết người vốn là một phần của thực tại đầy bạo lực ở Venezuela, chúng tôi tiến lên vùng đồi phủ kín với những căn nhà rách nát tồi tàn là nơi cư trú của phần lớn cử tri của Tổng thống Hugo Chávez. Ở đây chúng được gọi là ranchos, những túp lều lụp xụp chồng chất lên nhau không có một chút không gian sống hoặc một khoảnh riêng tư cho cư dân: những ổ chuột bần cùng người ta đấu tranh bằng mọi cách để có được.
Một thứ không thiếu ở đây là các lớp sơn đỏ, xanh và vàng mà người dân dùng để sơn nhà của họ: màu cờ quốc gia. Những ngôi nhà tạo thành bức tranh ghép đầy ấn tượng trình bày một hình ảnh rõ ràng về tình hình tại quốc gia Mỹ La-tinh ngay từ lúc chúng tôi đặt chân lên đất này. Đây là cảnh quan mới của Venezuela kể từ khi tư lệnh Chavez lên cầm quyền ở đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất hành tinh.59 Venezuela giờ đây là một sân khấu khổng lồ nơi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự cổ vũ lý tưởng yêu nước - nổi bật trong đó là lý tưởng của Simón Bolívar - đã tiêm nhiễm vào mọi mặt xã hội, chia rẻ đất nước đến mức giờ đây chỉ có hai lựa chọn dành cho 30 triệu người dân Venezuela: hoặc là người ủng hộ Chávez – Chavista - hoặc không. "Anh không thể đi quanh công khai nói rằng anh chống lại Chávez. Điều đó sẽ gây cho anh lắm rắc rối," Eduardo nói với chúng tôi, luôn vui vẻ cung cấp bài học về chuẩn mực xã hội trong thời gian chờ đợi dài dằng dặc tại một điểm kẹt xe kinh hoàng ở Caracas.
Không dễ dàng để mô tả "kẻ rao giảng," như nhà sử học người Mexico Enrique Krauze gọi Chávez trong cuốn tiểu sử tuyệt vời của ông.60 Chávez chắc chắn là một kẻ cực kỳ ích kỷ, bị quyền lực ám ảnh và xuất hiện khắp các phương tiện truyền thông. Nói như Krauze, "Chávez tuyệt đối tin rằng tất cả những gì xảy ra với ông ta là một phần không thể thiếu của lịch sử Venezuela."61 Ông đồng thời là một nhân vật theo chủ nghĩa dân túy, một phù thủy yêu thích kịch truyền hình (nếu không tin, hãy xem tại chương trình truyền hình trực tiếp rất đều đặn, Chào Tổng thống, bắt đầu vào một thời điểm cụ thể nhưng không biết khi nào kết thúc) và là một nhà tư tưởng dựa trên nền tảng dối trá, như Krauze xếp nó nằm giữa chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Ông là người duy nhất có khả năng xuất hiện trên truyền hình trực tiếp gọi tổng thống Hoa Kỳ là "con lừa," hay quốc hữu hóa các công ty tư nhân - với tiếng thét "hãy chiếm đoạt nó!" - bất chấp thực tế các công ty hoạt động ở nước này đã hàng chục năm. Ông là "kẻ học đòi" cả Fidel Castro, người thầy hiện tại, và thần tượng đã khuất Simón Bolívar - nhà lãnh đạo phong trào châu Mỹ La-tinh độc lập. Dù thế nào đi nữa, đây là người, với sự ủng hộ của cử tri, quyết định tương lai của Venezuela và nhắm đến xây dựng cái do chính ông đặt tên "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" – mà Trung Quốc rất thích. Chávez đã tái đắc cử tổng thống Venezuela vào năm 2012, và nếu sức khỏe của ông cho phép, ông sẽ lãnh đạo đất nước này đến năm 2019.
Từ khi Chávez lên nắm quyền vào năm 1999, và đặc biệt từ cuộc đảo chính cố lật đổ ông vào năm 2002 thất bại - sự kiện mà một số nguồn tin đổ cho Hoa Kỳ - Trung Quốc tự thấy mình gần như vô tình trở thành đồng minh số một của Venezuela. Cuộc đảo chính thất bại đã khiến Chavez trở nên cực đoan, đi từ mục tiêu đa dạng hóa thương mại và chính sách ngoại giao đến công khai đấu tranh cho việc thành lập một liên minh chiến lược chống lại Washington và - ở một mức độ thấp hơn - châu Âu. Kể từ đó, ông đã xem Trung Quốc như là một đối trọng với Mỹ và cung cấp cái cớ hoàn hảo để tách khỏi các nước "đế quốc" Bắc Mỹ. Thực tế Bắc Kinh chẳng quan tâm chút nào đến cuộc thập tự chinh chống phương Tây này, vì sẽ không bao giờ làm tổn hại quan hệ với Washington để đổi lấy một sự nghiệp kiểu này, đã không ngăn Chávez dâng lên "đồng chí Trung Quốc" lễ vật, theo nghĩa rộng nhất của từ này. Đổi lại, Bắc Kinh khôn ngoan giữ im lặng và ân cần tiếp nhận mọi thứ Venezuela dâng tặng.
Trong khi Bắc Kinh cố giữ một khoảng cách nhất định để tránh trở thành một phần của gánh xiếc Chávez, người Trung Quốc cũng xoa tay vui sướng nghĩ đến tất cả các cơ hội ông ta giao cho họ một cách dễ dàng. Các con số tự nói lên để chứng minh sức mạnh người khổng lồ châu Á đạt được trong nền kinh tế Venezuela. Trung Quốc đã bán được hai vệ tinh và một số lượng đáng kể vũ khí cho chế độ này, và một lần nữa, đã đào sâu vào túi không đáy của họ, cấp hàng loạt khoản vay cho nước này đổi lấy tài nguyên thiên nhiên: trong năm 2010, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cấp cho Venezuela 20 tỷ đô-la tín dụng, cùng với 4 tỷ đô-la khác đã được thỏa thuận với Ngân hàng Công thương Trung Quốc,62 và một quỹ đầu tư chung trị giá 12 tỷ đô-la. Tất cả điều này là do sức mạnh của các nguồn tài nguyên quý giá nhất của Venezuela: trữ lượng "vàng đen" khổng lồ ở vành đai Orinoco Belt.63
Ở mức 640.000 thùng mỗi ngày, Trung Quốc vẫn chưa vượt qua Mỹ để trở thành người mua dầu thô lớn nhất của Venezuela.64 Tuy nhiên, con số này dự kiến sẽ đạt một triệu thùng mỗi ngày vào năm 2014, theo thỏa thuận được ký kết giữa hai nước. Về các khoản đầu tư của Trung Quốc, sự phát triển quan trọng nhất trong lĩnh vực dầu khí là kết quả từ quyết định của Chávez chọn Trung Quốc và Nga để cấp quyền khai thác cái gọi là khối Junín Block vào tháng 1 năm 2010.65 Theo nhà chức trách Venezuela, kế hoạch đến năm 2017 các công ty Trung Quốc sẽ đổ 40 tỷ đô-la vào lĩnh vực dầu mỏ èo uột của Venezuela.66 Những con số đầy ấn tượng này cho phép Trung Quốc tiến hành cuộc xâm nhập dứt khoát vào lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela, đồng thời hỗ trợ chính sách riêng của Trung Quốc nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, từ đó giảm sự phụ thuộc vào vùng Trung Đông đầy bất ổn.67
José Toro Hardy, nhà kinh tế học Venezuela nổi tiếng và là cựu cố vấn cho công ty dầu mỏ Venezuela Petroleos de Venezuela S.A. (PDVSA), nhớ lại: "Vào các năm 1994, 1995 và 1996, khi lĩnh vực dầu mỏ mở cửa cho đầu tư nước ngoài, mọi thứ trở nên rất tệ hại đối với Trung Quốc. Đó là thời kỳ hoàn toàn minh bạch: tất cả các cuộc đấu thầu được tổ chức công khai và phát sóng trên truyền hình để những giá chào thầu của tất cả các công ty có thể được xem cùng một lúc. Hoàn toàn khác với cách thức bây giờ." Cuộc thử nghiệm theo tinh thần cực đoan Boliva ở Venezuela hiện đang diễn ra tỷ lệ nghịch với sự gia tăng lợi ích của Trung Quốc ở nước này. "Caracas không quan tâm đến mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Họ muốn tạo ra các mối quan hệ chính trị và ngoại giao để chống lại Hoa Kỳ. Tôi chắc chắn rằng Trung Quốc đang lợi dụng thực tế Venezuela muốn bán dầu mỏ trên tinh thần ý thức hệ," Hardy khẳng định.
Để thực hiện "bước đại nhảy vọt" trong quan hệ song phương, Chávez quyết định sử dụng niềm tự hào, phấn khởi và là nguồn hỗ trợ lớn nhất của nền kinh tế Venezuela: PDVSA, công ty dẫn đầu của chế độ. Là một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, công ty nhà nước PDVSA chịu trách nhiệm quản lý nguồn tài nguyên dầu của Venezuela, đóng góp những khoản tiền lớn cho nhà nước Cộng hòa này.68 Chávez cũng sử dụng công ty này, đã được chuyển thành một quỹ đa mục đích trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, để thực hiện các dự án công bằng xã hội như quốc hữu hóa các công ty và phân phối đồ dùng điện Trung Quốc trong cả nước. Hơn nữa, chính thông qua PDVSA Chávez tìm cách bảo đảm sự đối xử được xem là ưu đãi mà, vốn được ông công bố với thế giới, Venezuela nhận được từ Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ mọi thứ không hoàn toàn như bề ngoài. "Trung Quốc xem Venezuela là một thằng đần có nhiều tiền và nhiều tài nguyên, là một đất nước dễ dàng lấy đi các thứ Trung Quốc cần. Đây là một trường hợp nữa về sự ngu ngốc của Venezuela trước chủ nghĩa thực dân Trung Quốc."
Không thể nghi ngờ nhận xét trên của thiếu tướng Guaicaipuro Lameda, cánh tay phải của Chávez và là chủ tịch của PDVSA từ năm 2000 đến năm 2002. Trong một cuộc phỏng vấn hai giờ tại nhà riêng ở một khu vực thượng lưu của Caracas, người đàn ông nghiêm khắc, từng được xem có vai trò quan trọng thứ hai ở quốc gia này sau tổng thống, nói với chúng tôi ông tin rằng Trung Quốc đang lợi dụng sự kích động của những người ủng hộ Chávez ở Venezuela để tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước này. Ngoài ra, ông nhớ lại trong thời gian lãnh đạo công ty lớn nhất ở Mỹ La-tinh, ông đã buộc phải đối xử đặc biệt với công ty Trung Quốc CNPC dù làm hại lợi ích của PDVSA. "Trong năm 2000, ý tưởng đàm phán với Trung Quốc về một hợp đồng để phát triển Orimulsion [một loại nhiên liệu] đã được đưa ra. Ở PDVSA chúng tôi không ủng hộ kế hoạch này vì nó không phải là lợi ích của công ty. Tuy nhiên, Chávez đích thân thúc đẩy hợp đồng và yêu cầu tôi đảm bảo nó sẽ được ký kết trước khi các thay đổi trong luật dầu khí có hiệu lực, bởi khi luật này được thông qua sẽ không thể chấp nhận những lợi ích ông ta định giao cho Trung Quốc. Chávez muốn trao cho Bắc Kinh sự đối xử đặc biệt, lý giải việc gấp rút ký hợp đồng của ông. Tôi đã phải chọn người có quan hệ cá nhân với chính quyền để tiến hành đàm phán với Trung Quốc, vì không có ai ở PDVSA ủng hộ hợp đồng này. Nó không có lợi về mặt kinh tế cho chúng tôi ," ông nhớ lại.69
"Có hai cấp đàm phán trong thảo luận giữa chúng tôi với công ty Trung Quốc: một cấp giữa PDVSA và CNPC và cấp khác giữa đại sứ Trung Quốc và Chávez. Khi các cuộc đàm phán diễn ra giữa hai công ty, đại diện của CNPC sẽ gọi đại sứ Trung Quốc bất cứ khi nào gặp khó khăn. Sau đó, đại sứ sẽ gọi Chávez, và Chávez sẽ gọi cho tôi. Tất cả mọi thứ chúng tôi đã đồng ý ngày hôm trước rút cuộc bị kéo lùi lại một bước, và mọi việc luôn diễn ra có lợi cho Trung Quốc. "Một trong những điều Trung Quốc cố lấn lướt Venezuela theo cách này là loại bỏ một điều khoản hạn chế những mục đích sử dụng của Orimulsion. Theo nguyên tắc chung, PDVSA luôn ủng hộ các thỏa thuận ràng buộc sử dụng loại công nghệ này với mục đích duy nhất là sản xuất điện. Lý do loại dầu thô này được bán với giá tương đương giá than, có công dụng tương tự, và vì thế rẻ hơn nhiều so với dầu thông thường. "Điều khoản này đã được gỡ bỏ do sự khăng khăng của phái đoàn Trung Quốc. Nói cách khác, về mặt kỹ thuật họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với dầu nặng, vì nó cũng có thể được sử dụng để làm nhựa đường. Nhưng, tất nhiên, họ chỉ phải trả với giá than." Theo Lameda, Chávez biện minh thỏa thuận bất lợi cho PDVSA bằng cách thuyết phục rằng nó được thực hiện trong khuôn khổ của mối quan hệ tổng thể của nước này với Trung Quốc. Chávez cho rằng thực tế Venezuela bị tổn thất tiền bạc do hợp đồng Orimulsion là chấp nhận được trong trường hợp trên vì Bắc Kinh sẽ thực hiện nhiều dự án trong tương lai ở nước này.
Đó không phải là lần duy nhất Trung Quốc đạt được đặc quyền tiếp cận trữ lượng dầu của Venezuela trong điều kiện đôi khi không thể tin được: một bức điện từ một quan chức PDVSA được WikiLeaks công bố tiết lộ Trung Quốc đã mua dầu của Venezuela với giá rẻ chỉ 5 đô-la một thùng, trong khi giá thị trường là 78 đô-la. Chẳng biết ơn chút nào sự hào phóng của nhà lãnh đạo Venezuela, Trung Quốc hám lợi đã bán lại dầu thô này cho Mỹ, châu Phi và châu Á, từ đó thu được lợi nhuận trên vốn đầu tư rất lớn - lớn như nỗi thất vọng của chính phủ Venezuela vốn xem Bắc Kinh là một đồng minh trung thành.
Loại "tặng phẩm" này dành cho các quốc gia có quan hệ ý thức hệ với Venezuela, như Ecuador, Argentina, Iran, Bolivia, Belarus và Cuba, là đặc trưng của chế độ Chávez.70 Do vậy, những bảo đảm về dầu mà Venezuela đã đưa ra thương thảo cho phép Trung Quốc cung cấp 6 tỷ đô-la tài trợ cần thiết để sửa sang nhà máy lọc dầu Cienfuegos ở Cuba. Một dự án tương tự có cùng mô hình này - Venezuela bảo đảm, Trung Quốc cho vay và Cuba hưởng lợi - cũng được lên kế hoạch cho nhà máy lọc dầu khác của Cuba ở Matanzas.71 Vì vậy, trong khi Bắc Kinh vươn vòi khắp mọi nơi trong lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela, cũng gián tiếp hòa nhịp - gần như ngẫu nhiên - với những mưu đồ và cuộc thập tự chinh chống lại "đế quốc Mỹ" của Chávez, trong trường hợp này cùng với một "người bạn cũ" khác của Hoa Kỳ - Cuba. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh điều này không có gì là riêng tư: chỉ là kinh doanh, không hơn không kém.
"Giữa điều Trung Quốc nói họ làm vì tình đoàn kết với đất nước chúng tôi và hành động thực sự của họ khác nhau một trời một vực. Trong thực tế, Trung Quốc chỉ cướp và lấy đi mọi thứ họ có thể." Đây là lời của Hector Ciavaldini, một cựu chủ tịch khác của PDVSA, từng là người ủng hộ trung thành nhất của Chávez. Ciavaldini, người đã đến thăm Chávez trong nhà tù để thuyết phục ông tham gia cuộc bầu cử năm 1998, nhìn lại sự ngây thơ của tổng thống Venezuela trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2000: "Ông nghiên cứu học thuyết Mao rất kỹ trước khi đi đến đó, nhưng ở Bắc Kinh lúc đó tất cả ảnh của Mao đã được cất vào kho." Bằng cách này, Ciavaldini mạnh mẽ lên án mối quan hệ mơ hồ của Trung Quốc với Venezuela. "Anh nói với người Trung Quốc rằng anh là một người theo chủ nghĩa Lênin-phát xít và họ chia sẻ điều đó vì thứ họ thu được từ anh.” Ý thức hệ không tồn tại khi nói đến lợi ích kinh doanh. Chávez cũng không thoát khỏi sự chỉ trích của Ciavaldini: "Không ai ở Venezuela biết được những điều kiện theo đó chúng tôi đang bán dầu thô cho Trung Quốc. Nó gây sốc vì mọi người bắt đầu tin rằng đây là những điều kiện bất lợi, và nếu điều đó đúng, thì đó là sự phản bội đối với đất nước. Và ông ta sẽ phải trả giá vì điều đó, vì những tội ác như thế không thể được xóa bỏ một cách đơn giản.”72
Gia đình Jepbarov (không phải tên thật) sống trong căn hộ khiêm tốn có phòng khách rộng rãi gây ấn tượng bởi tấm thảm nổi bật, một hình mẫu đẹp cho tài nghệ người Turkmen.2 Artem cẩn trọng bày ra cho chúng tôi xem bộ sưu tập quý đồ cổ và sách từ thời Liên Xô được giấu kỹ trong một phòng ngủ: những hộp thuốc lá trang trí chân dung Lenin, những tượng nhỏ Stalin bằng thủy tinh và các bức tranh minh họa vai trò và truyền thống của Liên Xô cũ, mà Artem nói đến với chút luyến tiếc. "Cuộc sống của chúng tôi đã trở nên tồi tệ hơn từ khi độc lập. Trước đây chúng tôi có cuộc sống tốt hơn. Giờ đây chúng tôi đang sống trong một chế độ độc tài," anh lập luận, tạm thời thoát khỏi sự kiểm duyệt bằng những cú thúc mạnh mẽ của người vợ.
Trong khi cuộc sống của gia đình Jepbarov không hẳn bần cùng, chắc chắn cũng không dễ dàng gì dù nhìn nó theo cách nào đi nữa. Artem chỉ có thể nuôi sống gia đình nhờ vào thu nhập từ chợ, nơi anh bán đồ lưu niệm thời kỳ Xô-viết và sách in huấn thị của lãnh tụ đầu tiên của quốc gia, Saparmurat Niyazov kiêu hãnh, còn được gọi là Turkmenbashi, hay "người cha của nhân dân Turkmen." Trong khi đó, tên của Mehri chỉ là cái tên thêm vào danh sách dài những người thất nghiệp ở đất nước này, theo các nguồn tin không chính thức (những nguồn chính thức không đáng tin hoặc không tồn tại), gồm khoảng 60 phần trăm dân số.3 Nếu nhà nước theo chế độ gia trưởng này không trợ giá phần lớn điện, nước, khí đốt, tiền thuê nhà và trợ cấp hàng tháng 120 lít xăng, gia đình này hoàn toàn không thể tồn tại - cũng như 5 triệu người dân khác của nước này. "Tôi chỉ kiếm được 300 đô-la một tháng," Artem than vãn. "Làm thế nào tôi có thể nuôi sống bốn người với chừng đó?" Đây là cách chế độ mới vận hành ở Turkmenistan: nhà nước cung cấp nhu cầu cơ bản của người dân và người dân làm những gì được bảo ban. Bất cứ ai không tuân theo phải gánh chịu hậu quả.
Tuy nhiên, du khách đến Ashgabat hầu như không có cảm nhận nào về nỗi khổ cực này qua cái nhìn ban đầu. Nằm trong một thung lũng được bao quanh bởi cát và quang cảnh núi đồi, thành phố trông như một ốc đảo giữa sa mạc. Thành phố đầy những tòa công sở uy nghi bằng đá cẩm thạch trắng, nhập khẩu đặc biệt từ Ý theo lệnh của tổng thống, và những đại lộ rộng rãi có đến mười hai làn xe, như đại lộ dẫn đến dinh thự của người đứng đầu nhà nước. Rải rác cũng có những mảng vàng lấp lánh trong thành phố: mái vòm, cổng, đài phun nước, và quan trọng hơn hết thảy, tranh tường, tượng bán thân và tượng của Turkmenbashi. Bằng chứng của sung túc, oai nghiêm và sùng bái cá nhân vô hạn ở khắp nơi. Tuy nhiên, vẻ lộng lẫy của thành phố, hàng đêm được hàng ngàn đèn pha chiếu sáng, chỉ là vẻ ngoài lừa dối che giấu thực tế buồn bã của đất nước. Những người Turkmen sống trong các khu nhà được xây dựng theo phong cách thời Xô-viết và dành nhiều thời gian của họ ở sân trong, nơi trẻ em chơi bóng đá trên mặt sân thảm hại, đàn ông sửa chữa những chiếc xe Lada cũ kỹ rách nát, và phụ nữ tụ tập thành nhóm chuyện trò về nỗi khó nhọc của cuộc sống hàng ngày. Thành phố này trông giống như một bảo tàng nhưng chẳng chút quyến rũ đối với 650.000 cư dân của Ashgabat.
Thay vào đó, cái bóng dài của chế độ phủ khắp mọi khía cạnh của đời sống, từ micro giấu trong khách sạn - một thủ đoạn thừa hưởng từ thời Liên Xô mà chúng tôi đã được một số nhà ngoại giao cảnh báo - đến kiểm duyệt và kiểm soát các phương tiện truyền thông. Chỉ 10 phần trăm dân số có thể truy cập Internet, khiến rất khó khăn để có được thông tin từ thế giới bên ngoài. Đàn áp xảy ra công khai hàng ngày: cảnh sát với dùi cui trong tay và còi trên môi ở khắp nơi trên đường phố Ashgabat. Họ canh gác từng phân trong thành phố, hoàn toàn tỉnh táo bất chấp cái nóng gay gắt 50 độ của mùa hè. Ở đây mọi thứ đều bị cấm, từ chụp ảnh đến biểu diễn múa ba lê. Đối với người nước ngoài, chính sách bài ngoại công khai đã đi quá đà khi khoảng trăm người phương Tây sống ở thủ đô Ashgabat bị cấm yêu đương với bất kỳ người dân bản xứ nào.
"Sau năm 1992, họ đã ném tôi ra khỏi trường đại học. Tôi là một giảng viên ở đấy. Tôi yêu nhân văn. Nhưng họ sa thải tôi, cùng với nhiều đồng nghiệp, bởi vì chúng tôi không phải người bộ tộc Tekke. Đó là bộ tộc xuất thân của tổng thống và hầu hết quan chức," Artem cay đắng giải thích, đề cập đến sự phân biệt đối xử trắng trợn mà chính quyền tích cực khuyến khích. "Ở đây mọi thứ vận hành trên nền tảng tham nhũng. Một chỗ ngồi trong trường đại học công, vốn được cho là miễn phí, thực tế phải hối lộ từ 20 đến 80 nghìn đô-la. Và nếu thế còn chưa đủ, các giảng viên mới thật tồi tệ. Bất cứ việc làm gì cũng đều phải bỏ tiền mua. Mọi thứ hoàn toàn thối nát. Làm sao tôi có đủ tiền cho con tôi vào đại học khi tôi chỉ kiếm được 300 đô-la một tháng?"4
Kẻ hưởng lợi thực sự ở quốc gia này là các quan chức và tầng lớp chóp bu trong chính quyền, những kẻ điều hành nhà nước như thể nó là vương quốc phong kiến riêng của họ. Nhóm người này kiểm soát 85 phần trăm nền kinh tế thông qua các công ty quốc doanh, và với sự chỉ huy của tổng thống, họ từ chối nhấc một ngón tay trừ khi có một khoản hoa hồng hay hối lộ đi kèm. "Để đặt một cuộc hẹn với tổng thống - người phê duyệt và kiểm soát mọi thứ ở nước này - người ta phải trả tối thiểu là 20 nghìn đô-la," một chuyên gia trong nước giải thích. Khoản tiền thực tế đã tăng từ "10 đến 15 phần trăm" sau khi Gurbanguly Berdymukhammedov kế tục Turkmenbashi làm người đứng đầu nhà nước sau hai cuộc bầu cử tổng thống lố bịch năm 2007 và năm 2012.5 Vì thế, không có gì ngạc nhiên khi năm 2011 Turkmenistan bị xếp hạng 177 trong số 183 quốc gia về Chỉ số Nhận thức Tham nhũng (CPI) do Tổ chức Minh bạch Quốc tế công bố hàng năm.
TRUNG QUỐC ĐỔ BỘ TURKMENISTAN
Chúng tôi đang tranh cãi túi bụi về giá của một chai rượu cognac địa phương có ảnh của Turkmenbashi trên nhãn, đột nhiên một đám máy quay truyền hình và vệ sĩ sộc vào khu chợ Rusian Bazaar ở Ashgabat. Các tay quay phim và nhiếp ảnh - cả Trung Quốc và trong nước, đang chờ Hạ Quốc Cường, tại thời điểm đó là một trong chín ủy viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Trung Quốc,6 người đã sẵn lòng tham dự “sô diễn” này. "Những quả dưa hấu khổng lồ! Chúng thật tuyệt vời!" ông kêu lên với một người bán trái cây đang bối rối, căng thẳng gượng cười, rõ ràng không biết phải nói gì. Phiên dịch và trợ lý của ông nhanh chóng dựng một cảnh khác trong đó Hạ, được xem là một trong những người quan trọng nhất ở Trung Quốc do vị trí của ông trong tổ chức thực sự cai trị đất nước này, đội chiếc mũ Turkmen truyền thống trong khi một thương nhân trao cho ông một giỏ trái cây. Mọi người đều cười, ôm nhau và gật gật đầu vui vẻ, tất cả đều được các máy quay ghi lại từng chi tiết.
Thật trùng hợp, chúng tôi tình cờ đến đất nước của những bức tượng bằng vàng và tệ sùng bái cá nhân lố lăng cùng lúc với một quan chức cấp cao Trung Quốc. Tuy nhiên, sự có mặt của ông ấy ở Ashgabat chắc chắn không ngẫu nhiên. Vị kỹ sư hóa học này không đến Turkmenistan để tìm hiểu một công thức phân bón địa phương, hoặc thậm chí để đưa ra lời khuyên về cách chống tham nhũng, là vai trò của ông ở Trung Quốc từ khi được giao đứng đầu Ủy ban kiểm tra kỷ luật trung ương vào năm 2007. Thay vào đó, chuyến thăm của ông nhắm vào sự giàu có to lớn ẩn ngay trong lòng đất Turkmenistan: dầu khí.7 Đây là kho báu có tầm quan trọng chiến lược đối với Trung Quốc khiến Bắc Kinh hối hả lao vào vũng lầy của hối lộ và chế độ kế vị cha truyền con nối này, vào cái sân sau của Nga, nơi đôi khi không thể nói được sự khác biệt giữa thực tế và tưởng tượng.8 Bằng chứng cam kết của Trung Quốc đối với dự án này có thể được nhìn thấy trong hình dạng đường ống dài trên 7.000 km, được Trung Quốc xây dựng và tài trợ để kết nối các mỏ khí của Turkmenistan với các bếp ăn ở Quảng Châu và Thượng Hải.
Tuy nhiên, để đi theo đường ống khổng lồ này chúng tôi cần phải thực hiện thêm một bước. Chính là bước sẽ đưa chúng tôi đi xa đến bờ sa mạc Karakum, vùng cấm nằm ngoài tầm theo dõi của chính quyền. Điều này có nghĩa là vi phạm pháp luật nghiêm ngặt của Turkmenistan, bằng cách thoát khỏi người hướng dẫn dai dẳng của chúng tôi và bay về phía đông bắc của nước này, vùng biên giới với Uzbekistan.9
"TRUNG QUỐC ĐẾN ĐÂY ĐỂ Ở LẠI"
Máy bay của hãng hàng không Turkmenistan bay trên Ashgabat khi mặt trời vừa bắt đầu lặn. Các tòa nhà trắng của thủ đô tắm trong ánh sáng màu cam, và cũng như thế với biển cát mở rộng ra mãi của sa mạc Karakum mà chúng tôi bay qua trong phần lớn cuộc hành trình năm mươi phút. Khoang máy bay, chỉn chu với bức chân dung của Tổng thống Berdymukhammedov, đầy ắp hành khách lỉnh kỉnh thùng và va li. Giá vé máy bay đi Turkmenabat, thành phố thứ hai của nước này và là vùng đất màu mỡ của quốc gia, khá là kỳ lạ; thực hiện đúng chính sách bao cấp các dịch vụ công của chế độ, chỉ 13 đô-la một chiều.
Khi đến sân bay Turkmenabat, Lei Li đang chờ chúng tôi tại lối ra như đã sắp đặt. Trước đó chúng tôi chưa bao giờ gặp nhau, nhưng anh nhận ra chúng tôi ngay và mỉm cười vẫy tay chào.10 Chuyến thăm của chúng tôi đến bản doanh của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc (CNPC), một công ty quốc doanh, rõ ràng là một dịp vui vẻ đối với người nhân viên Trung Quốc. Xét cho cùng, chỉ trong vài giờ nó sẽ phá vỡ nề nếp đã chi phối cuộc sống của anh suốt ba năm ở cái xó xỉnh Trung Á xa xôi hẻo lánh này. Chúng tôi lần lượt leo lên chiếc Toyota Land Cruiser V8 mới cóng gắn biển số ngoại giao. Lái xe người Turkmen đặt GPS để đưa chúng tôi đi dọc đường M37 về phía Farab, thị trấn gần nhất với bản doanh CNPC, một cơ sở gồm bốn khu vực biệt lập nhằm khai thác trữ lượng khí trong lòng đất quốc gia này.
Đi cùng Lei là một đồng nghiệp Trung Quốc, thực ra anh này làm việc ở Turkmenabat nhưng phải quay về trụ sở của công ty vào cuối mỗi ngày, cùng với tất cả đồng nghiệp của mình: chính quyền Turkmenistan cấm đàn ông Trung Quốc qua đêm trong thị trấn nhằm ngăn họ quan hệ tình dục với phụ nữ địa phương. Theo một người dân địa phương chúng tôi đã có dịp trò chuyện, quy định này được thực thi sau khi một số phụ nữ địa phương mang bầu với công nhân Trung Quốc. "Hiện có lệnh giới nghiêm lúc 9 giờ tối. Không người nước ngoài nào được phép rời khỏi trại sau đó," người địa phương giải thích. Hình như sự phân biệt chủng tộc và thù địch trắng trợn đối với người nước ngoài của chế độ cũng áp dụng cho cả người Trung Quốc, bất chấp đặc quyền tiếp cận lĩnh vực khí thiên nhiên của họ ở nước này.11
Sau khi vượt sông Amu Daria, chúng tôi cuối cùng đến một trạm kiểm soát quân sự điều phối dòng xe cộ và người, không thể vượt qua trạm nếu không có giấy phép đặc biệt. Chúng tôi không cách gì qua được biên giới nội địa này với thị thực du lịch - thực ra, ngay sự có mặt của chúng tôi trong khu vực này đã là bất hợp pháp theo luật định. Tuy nhiên, Lei dường như không quan tâm lắm đến điều này. "Họ là bạn. Họ đi với chúng tôi," anh nói nhanh bằng tiếng Nga với người lính trẻ đang nghi ngờ kiểm tra hộ chiếu của chúng tôi. Sau một lúc im lặng căng thẳng, người lính cho chúng tôi qua. Sau khi đi khoảng 50 cây số dọc theo con đường sa mạc lác đác những đàn cừu và áp phích tuyên truyền, chúng tôi rốt cuộc đã đến đại bản doanh của CNPC ở Trung Á.
Khu vực biệt lập này có bốn trại - hai trại gần nhà máy xử lý khí và hai trại khác đóng cách đó chừng 20 km - là nơi ở của khoảng một ngàn người, hầu hết là người Trung Quốc. "Có khoảng 4.500 người Trung Quốc ở đây khi chúng tôi bắt đầu xây dựng khu phức hợp và các đường ống dẫn khí," Lei giải thích, sau khi vui vẻ đưa chúng tôi vào một căn phòng trong khu nhà. Chỉ một cuốc tản bộ dọc đường chính nối các trại với nhau cho thấy rõ hai mối nguy nổi bật đối với cuộc sống con người ở đây: cái nóng (gần 60 độ vào ban ngày, trên 40 độ vào ban đêm) và rắn cùng bọ cạp sa mạc. Những vệt huỳnh quang trải rộng còn lấp lánh trên mặt cát ở hai bên đường. "Rắn độc đấy," Lei giải thích. "Năm vừa rồi có bốn hay năm người đã bị cắn. Trong trại có hai bác sĩ là chuyên gia về các trường hợp này."
Dù ở một nơi hoang vu, điều kiện sống ở đây rất đầy đủ tiện nghi: sáu khu nhà chỉ một tầng với các phòng có máy điều hòa nhiệt độ, kết nối Internet vệ tinh, máy truyền hình plasma, phòng tắm riêng có nước nóng và giường rộng, thoải mái. Trong khuôn viên còn có sân bóng rổ và bàn bóng bàn giúp các kỹ sư, nhà địa chất và nhân viên quản lý có cơ hội tập luyện và giết thời gian, dường như không bao giờ kết thúc, trong khi các đầu bếp Tứ Xuyên chuẩn bị món ăn đặc trưng của quê hương trong nhà bếp. "Chúng tôi đã xây một nhà kính vì vậy chúng tôi có thể trồng tất cả các loại rau Trung Quốc... thậm chí cả ớt Tứ Xuyên!" Lei tự hào nói với chúng tôi.
Các tiện nghi của khu nhà thật đáng ngạc nhiên. Chúng vượt xa cả những điều kiện tốt nhất mà chúng tôi thấy được trong suốt cuộc hành trình của mình, và chúng dường như tạo cảm giác no đủ, hạnh phúc và tình cảm thân thiết giữa các công nhân. Lúc mặt trời lặn, các đồng nghiệp Turkmen và Trung Quốc cùng thi đấu bóng bàn, đi hoặc chạy bộ dọc theo những con đường nối giữa các trại. Phần lớn lao động địa phương, đến lúc 6 giờ rưỡi sáng trên xe buýt King Long của Trung Quốc, mặc bộ đồ bảo hộ lao động màu cam mang logo CNPC, có vẻ vui vẻ. Khi chúng tôi hỏi về điều đó, họ giơ những ngón tay cái lên và nói họ hài lòng với cách mọi thứ đang diễn ra. Họ giấu nụ cười sau những chiếc khăn choàng sa mạc, che kín mặt theo kiểu du kích Palestine, bảo vệ họ khỏi muối lơ lửng thường trực trong không khí do cái chết từ từ của biển Aral, gây bệnh hen suyễn và viêm phế quản.
Tuy vậy, dường như mọi thứ không phải lúc nào cũng suôn sẻ như thế. Một công nhân Trung Quốc cho chúng tôi biết một sự cố trong tháng 9 năm 2009 khi các công nhân địa phương tham gia xây dựng tiện nghi trong doanh trại này cùng với các công nhân Trung Quốc đã nổi dậy chống lại công ty do bị giảm lương và một số điều kiện hợp đồng. Người dân địa phương tấn công các nhân viên Trung Quốc, làm bị thương ba mươi sáu người, phá hoại xe cộ, máy vi tính, bảng biểu và đồ đạc cho đến khi cảnh sát can thiệp làm dịu tình hình. Thậm chí khu vực này đã phải đóng cửa trong hai ngày. Hiện nay, các quy định đã nghiêm ngặt hơn: nhân viên bị cấm uống rượu, đưa phụ nữ vào trại hoặc thậm chí mặc quần áo khác không phải đồng phục của công ty trong giờ làm việc. Gìn giữ hòa bình là điều cần thiết ở một nơi có tầm quan trọng chiến lược như thế đối với lợi ích của Trung Quốc trong vùng.
Tuy thế, Anatoly, một nhà địa chất trẻ người địa phương, dường như hài lòng với các điều kiện do công ty cung cấp. "Tôi kiếm được nhiều hơn cha và mẹ tôi cộng lại," anh tự hào tuyên bố, trước khi cho chúng tôi biết hiện anh đang nộp đơn xin một công việc tương tự với một công ty Đức đang hoạt động tại vùng biển Caspian. "Tôi không muốn dành cả ba mươi năm đời mình ở đây," anh lập luận, đề cập đến khoảng thời gian Turkmenistan cung cấp khí đốt cho Trung Quốc, theo hợp đồng giữa hai nước. Dẫu vậy nhiều người, Anatoly nằm trong số đó, tin rằng "Trung Quốc đến đây để ở lại." Không thiếu lý do chiến lược để giải thích tại sao điều đó có thể đúng: người ta ước tính Turkmenistan sở hữu trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ tư thế giới, và mức tiêu thụ khí đốt của Trung Quốc có thể tăng gấp ba lần trong vòng hai mươi năm tới.12
Màn đêm nặng nề buông xuống khu doanh trại, nuốt chửng mọi thứ trên đường đi của nó. Những gì sống động còn lại trong đêm tối là những ngọn lửa bừng cháy trong nhà máy xử lý khí. "Chúng tôi đang xác định một ngày chúng tôi có thể khai thác bao nhiêu khí để chuyển đi Trung Quốc," Anatoly giải thích. Mục đích là trong năm năm tới, mỗi năm đạt được 65 tỷ mét khối, ít hơn một chút so với một nửa lượng tiêu thụ khí đốt hiện nay của Trung Quốc.13 Để thực hiện điều này, Trung Quốc đã cấp hai khoản vay có tổng giá trị 8,1 tỷ đô-la thông qua Ngân hàng Phát triển Trung Quốc (CDB).14 Các khoản này được cho vay theo các điều kiện ưu đãi và cấp trực tiếp cho công ty quốc doanh nước sở tại Turkmengaz.
Việc CDB đóng vai người cho vay ở đây không phải là chuyện nhỏ. Cùng với ngân hàng Exim Bank, CDB là một trong hai ngân hàng Trung Quốc hoạt động nhằm phục vụ lợi ích địa chiến lược của Trung Quốc ở nước ngoài chứ không vì lý do thuần túy thương mại. Những "ngân hàng chính sách" được chỉ định này triển khai khía cạnh tài chính của chiến lược ngoại giao Trung Quốc, cấp các khoản vay hàng tỷ đô-la với mục đích duy nhất đảm bảo nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên cho nước này, hỗ trợ các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, và thắt chặt quan hệ chính trị với các quốc gia có lợi ích chiến lược đối với Trung Quốc.15 Các thỏa thuận này, được thực hiện theo công thức "tài nguyên của anh đổi lấy các khoản vay và/hoặc cơ sở hạ tầng của tôi," rất phổ biến giữa Trung Quốc và các nước đối tác của họ, những nước bao giờ cũng phong phú tài nguyên thiên nhiên. Ít quốc gia trong cái gọi là "thế giới đang phát triển" có thể cưỡng lại sức cám dỗ của những nguồn tiền lớn, nhanh chóng và dễ dàng của Trung Quốc. Sự cám dỗ để bảo đảm các khoản vay hàng triệu đô-la - thường với lãi suất ưu đãi - đổi lại bằng cung cấp cho Trung Quốc giấy phép dài hạn khai thác tài nguyên thiên nhiên của các nước này thường rất mạnh mẽ. Bắc Kinh hiểu rõ nhu cầu của các đối tác kinh doanh nước ngoài nên chìa ra cho họ một thực đơn không thể cưỡng lại.
Quá trình này làm nổi bật một trong những đặc thù - và điểm mạnh - của cuộc tấn công quốc tế của Trung Quốc nhằm vào tài nguyên thiên nhiên: sức mạnh của "Công ty Trung Quốc" (China Inc.) Nói cách khác, Trung Quốc sử dụng có hiệu quả tất cả các bánh răng trong cỗ máy nhà nước để đảm bảo hợp đồng và khoản đầu tư chiến lược béo bở ở các nước rất khát vốn. Các tổ chức tài chính (ngân hàng), kinh tế (công ty nhà nước) và chính trị, mà quyền quyết định thuộc về tổ chức chính trị, làm việc cùng nhau như một tổ chức để đạt được các mục tiêu quốc gia. Nét chủ đạo luôn giống nhau: thu được hay bảo đảm nguồn cung cấp tài nguyên thiên nhiên dài hạn của Trung Quốc, loại các đối thủ cạnh tranh, và giành được ảnh hưởng và quyền lực chính trị.
Tính khả thi tài chính và tác động môi trường của các dự án được các ngân hàng chính sách Trung Quốc tài trợ, và trong phần lớn các trường hợp, do các công ty nhà nước Trung Quốc thực hiện, thường không được xét đến. Tuy thế, điều đó không có nghĩa các ngân hàng Trung Quốc và các công ty tham gia vào các dự án này không cố gắng làm cho các khoản đầu tư ở nước ngoài khả thi về mặt thương mại, đặc biệt khi những dự án đó không phải là ưu tiên của nhà nước. Dù thật sự cần sự chấp thuận của nhà nước, các tập đoàn Trung Quốc đang cố trở nên độc lập hơn với quyền lực chính trị trong điều hành hoạt động hàng ngày của doanh nghiệp, nhưng khi cần thiết chính bộ máy chính trị sẽ cung cấp bản tổng phổ cho dàn nhạc (ngân hàng, tập đoàn, nhà ngoại giao) biểu diễn bản giao hưởng.16
Tất nhiên, việc phải dùng đến bộ ba - trong trường hợp của Turkmenistan gồm CNPC, CDB và cộng đồng ngoại giao - để đạt được các mục tiêu chiến lược không chỉ xảy ra với Trung Quốc. Các quốc gia khác cũng sử dụng ngân hàng phát triển của mình để thúc đẩy các mục tiêu ngoại giao hay làm lợi cho các công ty của họ; ví dụ, bằng cách cấp một khoản vay với điều kiện nước tiếp nhận phải mua một số lượng cụ thể thiết bị hoặc hợp đồng dịch vụ từ nước cho vay. Tuy nhiên, điều này khó có thể so sánh với các đề xuất hay phương pháp của Trung Quốc. Ví dụ, xét về quy mô, Trung Quốc hiện đang sở hữu dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới17, giúp cho nước này có được sức mạnh tài chính áp đảo. Điều cũng quan trọng là không được đánh giá thấp khoảng trống tự do hành động do thiếu một đối trọng thực sự (từ báo chí, xã hội dân sự, hay đảng phái đối lập) trong hệ thống độc đảng của Trung Quốc, có nghĩa là Trung Quốc tự do thực hiện các dự án của họ đúng như ý muốn.
ĐƯỜNG ĐI BẮT BUỘC CỦA THAM NHŨNG
"Chính các quốc gia Trung Á như Turkmenistan và Kazakhstan xem người dân và doanh nghiệp Trung Quốc như là một nguồn tiền sẵn sàng chi hối lộ và tham gia vào các hệ thống tham nhũng. Đó là điều người ta phải trải qua nếu muốn kinh doanh ở đất nước này. Hối lộ thường là một khoản tiền nhỏ, sau đó tăng dần từng chút một. Đối với người Trung Quốc, điều này không có gì khác thường vì đã là truyền thống của chúng tôi. Chúng tôi cho rằng giải quyết công việc theo cách đó dễ hơn là làm nảy sinh những vấn đề lớn hơn. Anh chỉ cần trả tiền và sau đó khó khăn biến mất." Lời của một doanh nhân cao cấp Trung Quốc ở Turkmenistan, mà tên, chức vụ và các chi tiết khác không tiện nêu ở đây vì những lý do hiển nhiên, tóm tắt hoàn hảo tính "linh hoạt" đã được các công ty Trung Quốc chứng minh khi lách luật. Khi chúng tôi hỏi ông cách thức CNPC xoay xở xử lý các khoản hối lộ này trong ngân sách và bảng cân đối kế toán, đầu mối liên lạc của chúng tôi trả lời hoàn toàn trung thực: "Chúng tôi lên kế hoạch các khoản chi này trong ngân sách của chúng tôi. Chúng tôi biết về các khoản chi này ở đây, tại Ashgabat, và ở Bắc Kinh cũng biết. Họ biết đó là cách làm việc ở đây, vì thế chúng tôi đưa các khoản hối lộ vào bảng cân đối kế toán của chúng tôi. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác."
Đột nhiên một đồng nghiệp của ông bước vào văn phòng, làm gián đoạn cuộc trò chuyện. Nguồn tin của chúng tôi lịch sự xin lỗi, rời khỏi phòng và trở lại chừng năm phút sau. "Một ví dụ về điều tôi đang đề cập vừa xảy ra tại sân bay. Chúng tôi có một vấn đề với cơ quan nhập cư Turkmenistan. Họ không muốn cho phép một số nhân viên của chúng tôi nhập cảnh. Cũng may tôi có nhiều bạn bè ở đó, nhờ vào quan hệ và mạng lưới quen biết tôi đã xây dựng ở đây. Để kinh doanh ở đây cần thiết phải xây dựng các mối quan hệ cá nhân vững chắc." Dĩ nhiên, Trung Quốc không phải là quốc gia duy nhất sẵn sàng thực hiện các trò tham nhũng và hối lộ nhằm phục vụ lợi ích của họ ở Turkmenistan. Người ta cho rằng các doanh nghiệp Nga, Đức và Thổ Nhĩ Kỳ hoạt động trong ngành dầu khí, ô tô và xây dựng cũng hành động theo cách tương tự và vì thế phải tăng ngân sách dự án lên từ 20 đến 30 phần trăm để bao gồm khoản chi "hoa hồng." Các nhà đầu tư cũng phải chi một khoản lố bịch để cống nộp lãnh đạo quốc gia, như mua các bản dịch tiếng nước ngoài của cuốn Ruhnama, tác phẩm của Tổng thống Niyazov, giống như “sách đỏ” của Mao, nhằm đưa ra hướng dẫn cách cư xử cũng như lịch sử chính thức của quốc gia.18
Có thể nhìn thấy một ví dụ tiêu biểu trong trường hợp của công ty Pháp Bouygues, công ty xây dựng lớn thứ hai thế giới và là một công ty chủ yếu trong ngành bất động sản của Turkmenistan. Từ năm 1994 đến 2010, công ty cố gắng đảm bảo hơn 50 dự án xây dựng với giá trị 2 tỷ euro nhờ vào quan hệ chặt chẽ với chính quyền của nước này. Ngoài những thứ khác, những mối quan hệ này được xây dựng nhờ việc dịch cuốn Ruhnama sang tiếng Pháp và nhờ vào mối quan hệ được phát triển trong nhiều năm giữa Niyazov và Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của công ty Pháp, Martin Bouygues.19 Khi chúng tôi cố gắng dàn xếp một cuộc gặp với các nhân viên của Đại sứ quán Pháp tại Ashgabat, họ từ chối đề nghị của chúng tôi để tránh bất kỳ câu hỏi nguy hiểm nào về hoạt động của tập đoàn kinh doanh có lãnh đạo là bạn thân của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy.
Giống như các công ty khác hoạt động ở nước này, CNPC không sẵn lòng để "từ chối nhiều cơ hội do Turkmenistan chào mời," bất chấp tình trạng tham nhũng tràn lan và vi phạm nhân quyền có hệ thống của nước này, như đầu mối tiếp xúc của chúng tôi tại công ty Trung Quốc giải thích. Do đó, CNPC trở nên gắn rất chặt với thứ mà công ty gọi là "con đường tơ lụa của ngành năng lượng," giành được càng nhiều mỏ khí tại quốc gia Trung Á này càng tốt. Chiến lược được tính toán cẩn thận này, cũng được Trung Quốc tiến hành ở những nơi khác trong vùng, đã hủy hoại nghiêm trọng vai trò thống trị của Nga trong khu vực, một vị trí ảnh hưởng kế thừa từ thời Liên Xô.
Bắc Kinh tiến hành xâm nhập chiến lược vào đất nước của những bức tượng bằng vàng tại thời điểm doanh thu bán khí đốt từ Turkmenistan sang Nga đã giảm 90 phần trăm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền kinh tế Turkmenistan. Lý do chính thức của việc Nga giảm mạnh mua khí đốt của Turkmenistan là vụ nổ đường ống vào tháng 4 năm 2009. Tuy nhiên, thực ra hành động của Nga có lẽ chủ yếu do sự sụt giảm giá khí đốt sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 thúc đẩy. Vì Nga trung chuyển và bán lại khí đốt từ Turkmenistan sang phương Tây thông qua cơ sở hạ tầng của họ, có khả năng nước này đã cố tình gây ra sự sụt giảm cung cấp khí đốt của mình bằng cách dàn xếp sự cố đó. Hành vi này làm nổi bật vai trò trước đây của Moscow là người trông coi khí đốt của Turkmenistan, vì đường ống của Nga là đường ra duy nhất để khí đốt của Turkmenistan tiếp cận các thị trường khác trước khi Trung Quốc xuất hiện tại đất nước này.20 Cuộc khủng hoảng Nga - Turkmenistan kéo dài cho đến khi Nga nối lại xuất khẩu khí Turkmenistan vào năm 2010, đến lúc đó Ashgabat đã mất mỗi tháng 1 tỷ đô-la thu nhập.21
Tuy nhiên, giờ đây điều này sẽ chấm dứt khi Trung Quốc chào mời nước này một giải pháp thay thế. Đường ống do CNPC xây dựng sẽ làm Turkmenistan không còn phụ thuộc vào Nga nữa. Nó cũng làm tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh không chỉ đối với chế độ Turkmenistan, mà còn với Uzbekistan và Kazakhstan, các nước nằm trên tuyến đường ống cũng đang có kế hoạch cung cấp khí đốt cho Trung Quốc trong tương lai. Đây chỉ là một bước tiến nữa trong chiến lược của Trung Quốc nhằm trở thành chúa tể và ông chủ của toàn bộ khu vực, như chúng ta đã thấy trong Chương 2. Nhờ doanh thu khí đốt bán cho Trung Quốc, Turkmenistan - có xuất khẩu khí đốt chiếm 80 phần trăm tổng doanh thu xuất khẩu - đã tìm ra một nguồn thu nhập mới cho phép công ty Thổ Nhĩ Kỳ Polimeks tiếp tục xây dựng các bức tượng vàng để vinh danh tổng thống. Trong khi đó, tham nhũng và độc tài tiếp tục hủy hoại cuộc sống hàng ngày của nhân dân Turkmenistan.
BÀN TAY CỨU GIÚP CÁC CỘNG HÒA HỒI GIÁO
Dù sự xâm nhập đầy kịch tính của Trung Quốc vào lĩnh vực năng lượng Trung Á thật sự là một bước lùi nghiêm trọng đối với quyền bá chủ của Nga trong khu vực này, nhưng nó chưa phải là nơi diễn ra những thay đổi địa chính trị lớn nhất thế giới do nhu cầu năng lượng cấp bách của Trung Quốc. Tác động lớn nhất thực tế đã diễn ra tại đầu nguồn cung cấp dầu của thế giới, Trung Đông, và cả ở đông bắc châu Phi. Bất chấp các rủi ro mà điều này có thể gây ra cho mối quan hệ với phương Tây, Trung Quốc đã tìm đến hai đồng minh giàu dầu mỏ trong khu vực, đều là kẻ thù nổi tiếng của Washington và Brussels: Cộng hòa Hồi giáo Sudan và Iran.
Khi đi dọc theo đại lộ Nile Avenue ở Khartoum, đường chính của thành phố và là nơi đặt trụ sở của phần lớn các tổ chức kinh tế và chính trị của Sudan, rất dễ nhìn thấy sự hiện diện của Trung Quốc ở đất nước lớn nhất châu Phi cho đến tháng 7 năm 2011, lúc nó bị chia thành hai quốc gia.22 Đường phố san sát các công trình xây dựng sử dụng lao động Trung Quốc và địa phương, tạo nên một diện mạo mới cho thủ đô phương bắc này. Trong khi đó, khu vực xung quanh đang bùng nổ các cửa hàng của người Trung Quốc bán hàng tiêu dùng và hàng tạp hóa, các đại lý du lịch nhắm đến thị trường Trung Quốc đang tăng trưởng, và phòng khám châm cứu và bán thuốc cổ truyền Trung Quốc có bác sĩ đến từ các tỉnh Hồ Bắc và Hà Nam. Một công ty đặc biệt đã thay đổi bản đồ kinh tế của đất nước này: CNPC.23 "Đó là công ty mạnh nhất ở Sudan," là câu chúng tôi được nghe nhiều lần từ những công chức, chuyên gia, nhà hoạt động và nhà báo sở tại mà chúng tôi gặp, cùng uống trà và trò chuyện. Đây là một tham chiếu đối với các khoản đầu tư hàng triệu đô-la đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế nước này để đổi lấy dầu, bằng cách đó làm đầy kho bạc nhà nước do nhà độc tài Omar al-Bashir kiểm soát.
Trung Quốc tiến vào lĩnh vực dầu mỏ của Sudan trong những năm 1990, sau khi Washington cáo buộc chế độ al-Bashir ủng hộ và tài trợ cho khủng bố quốc tế. Trước khi trở thành kẻ thù số một của phương Tây, Osama bin Laden hoàn toàn tự do ở Sudan, một quốc gia đã trở thành cực đoan về chính trị và tôn giáo (bao gồm cả việc áp dụng luật Hồi giáo Sharia trên toàn lãnh thổ) sau cuộc đảo chính được thiếu thướng al -Bashir ủng hộ vào năm 1989. Đó là khi các công ty Mỹ như Chevron quyết định rút ra khỏi Sudan, ngay trước khi Liên hiệp quốc và Hoa Kỳ áp đặt trừng phạt song song lên nước này. Chế độ này bị đẩy vào tình trạng cô lập và bắt đầu tuyệt vọng tìm kiếm đầu tư cho ngành dầu mỏ của mình, giờ là nguồn lực chính của nhà nước. Như đã xảy ra ở rất nhiều nơi khác, Trung Quốc lần nữa là vị cứu tinh. "Vấn đề chính của Sudan trong những năm 1990 là vốn đầu tư. Trung Quốc và các đối tác khác như Malaysia đến đây với các khoản đầu tư và ngày nay họ được xem là đối tác," Elding Salah Ali Mohammed, cố vấn chính phủ về năng lượng giải thích, khi gặp chúng tôi tại văn phòng của ông gần Bộ Dầu mỏ. "Chúng tôi không thể có được đầu tư từ các công ty phương Tây vì cấm vận."
Các khoản đầu tư Trung Quốc đã đến với quốc gia này ngay khi phương Tây đang cố gắng cô lập Sudan, bóp nghẹt nền kinh tế bằng cách rút đầu tư như đã làm với chế độ phân biệt chủng tộc Nam Phi những năm 1980. Trong khi châu Âu và Mỹ rút ra khỏi Sudan nhằm gây áp lực lên chế độ, giống như nước láng giềng Libya, cổ vũ chủ nghĩa cực đoan và thánh chiến Hồi giáo, thì Trung Quốc đã vội chớp thời cơ xuất hiện từ khoảng trống này. Đối với Bắc Kinh, vốn đã trở thành nước nhập khẩu ròng dầu thô vào năm 1993, Sudan là một cơ hội lý tưởng để tăng cường an ninh năng lượng của mình bằng cách kiên quyết thâm nhập vào lĩnh vực dầu mỏ của Sudan với những điều kiện đặc biệt: CNPC, Sinopec và các công ty dầu khí khác của Trung Quốc cố gắng để có được cổ phần trong khoảng 40 phần trăm tài sản dầu mỏ của nước này, bất chấp công nghệ lạc hậu và kinh nghiệm hạn chế của các công ty này trong ngành dầu thô quốc tế.24 Theo Ali Mohammed, Trung Quốc không phải là lựa chọn tốt nhất; mà là lựa chọn duy nhất. "Trung Quốc là lựa chọn duy nhất cho Sudan. Các công ty phương Tây không muốn hợp tác với chúng tôi vì lý do chính trị," ông giải thích.
Theo một nhà ngoại giao phương Tây chúng tôi phỏng vấn ở Khartoum, thì kể từ đó, Trung Quốc đã trở thành "đối tác duy nhất hay đối tác áp đảo" ở các giếng dầu của Sudan. Hơn nữa, Trung Quốc cũng đóng vai trò đặc biệt trong việc xây dựng hai dự án cơ sở hạ tầng có tầm quan trọng không thể phủ nhận về chính trị và kinh tế: một nhà máy lọc dầu gần thủ đô và đường ống dẫn dầu duy nhất vận chuyển dầu thô từ phía nam của nước này đến tận cảng Port Sudan ở bờ Biển Đỏ.
Bắc Kinh đã đóng vai cận vệ trung thành với chế độ al-Bashir trong nhiều năm do lợi ích của họ trong sa mạc Sudan. Thực ra, điều này thậm chí còn đúng trong các vấn đề bên ngoài lĩnh vực năng lượng. Thứ nhất, đầu tư và công nghệ của Trung Quốc đã cung cấp hỗ trợ kinh tế rất quan trọng cho chế độ, vốn lợi dụng "ngọn gió từ phía đông" để bắt đầu xuất khẩu dầu thô lần đầu tiên vào cuối những năm 1990.25 Từ khi kết thúc thế kỷ vừa qua, thu nhập to lớn từ bán dầu đã thúc đẩy mạnh mẽ nền kinh tế Sudan trước đây phụ thuộc vào nông nghiệp.26 Tuy nhiên, vốn đầu tư của Trung Quốc không chỉ giúp Sudan thoát khỏi nguy cơ phá sản do lệnh cấm vận phương Tây gây ra. Nó còn yểm trợ cho chế độ al-Bashir theo những cách khác, giúp nước này tự tái vũ trang nhờ vào kho vũ khí chủ yếu được công ty nhà nước Tổng công ty Công nghiệp Bắc Trung Quốc (NORINCO) cung cấp. Những vũ khí này đã giúp nhà độc tài thực hiện thành công nhiều cuộc tấn công bất ngờ vào miền nam trong cuộc nội chiến đã tàn phá Sudan cho đến năm 2005. Quan trọng nhất, các loại vũ khí cho phép những người đi theo chế độ này thực hiện tội ác diệt chủng đầu tiên của thế kỷ 21 ở Darfur.27 Tiền của Trung Quốc đã gián tiếp nhuộm đỏ dầu Sudan bằng máu của những người bị giết trong cuộc chiến không cân sức ở phía tây nước này. Lá phiếu của Trung Quốc tại Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc ủng hộ việc áp đặt một lệnh cấm vận bán vũ khí cho quốc gia Hồi giáo này chẳng có giá trị gì. Trong trò hai mặt này, Bắc Kinh một mặt đóng vai một cường quốc có trách nhiệm và mặt kia là đồng minh trung thành của al-Bashir, đã cho phép xe tải quân đội, máy bay chiến đấu và vũ khí bán tự động Trung Quốc rơi vào tay những người bạn Sudan của Trung Quốc. Theo một số báo cáo của Liên hiệp quốc, những vũ khí này đã góp phần gây ra cái chết của ít nhất 300.000 người.28
Nếu thế vẫn chưa đủ, cũng những vũ khí đó đã được các nhóm ủng hộ chế độ Sudan sử dụng khi chiến đấu chống lại quân đội gìn giữ hòa bình của Liên minh châu Phi và Liên hiệp quốc, thật ngược đời, lực lượng này có cả những người lính Bắc Kinh gửi đến.29 "Trung Quốc dính líu rất sâu vào thảm họa nhân đạo ở Darfur. Trung Quốc là một trong những cường quốc lớn nhất hiện nay đang nổi lên trên trường quốc tế và là thành viên của Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, có nghĩa là họ có trách nhiệm đối với hòa bình và an ninh của từng con người," Salih Mahmoud Osman, luật sư nhân quyền sinh tại Darfur lập luận khi gặp chúng tôi trong văn phòng khiêm tốn của mình ở Khartoum, ông là người được giải thưởng Sak harov 2007 cho những hoạt động trong cuộc xung đột.
Với bối cảnh như thế, người ta cho rằng các nhà ngoại giao Trung Quốc nên tỏ ra lo ngại về sự độc lập của Nam Sudan, nhà nước mới nhất trên thế giới. Trung Quốc là một đồng minh vững chắc của Tổng thống al-Bashir và chính phủ Ai Cập ở phía bắc Sudan, và với việc tập trung cao độ vào các mục tiêu của mình, Bắc Kinh không muốn thay đổi hiện trạng. Trung Quốc lo ngại rằng tình trạng ly khai sẽ khiến hàng triệu đô-la đầu tư tan thành mây khói, vì 80 phần trăm trữ lượng dầu nằm ở miền Nam Sudan, trên biên giới vẫn đang tranh chấp và trong một lãnh thổ bị đe dọa bởi các cuộc xung đột có thể xảy ra trong tương lai.
Tuy nhiên, do 90 phần trăm ngân sách Nam Sudan phụ thuộc vào bán dầu thô, nước này không thể nào giảm bớt sản lượng. Hơn thế nữa, Nam Sudan phụ thuộc vào miền Bắc để xuất khẩu dầu, vì dầu phải đi qua lãnh thổ phía bắc để ra biển. "Có một suy nghĩ ở cả hai phía rằng dầu phải được khai thác và họ phải hợp tác,” Harry Verhoeven, một chuyên gia về Sudan tại Đại học Oxford giải thích. Trung Quốc đã thiết lập chính sách ngoại giao kiểu tắc kè biến màu linh hoạt nhằm khởi động xây dựng quan hệ với chính phủ Juba, thủ đô của Nam Sudan, để thu về được nhiều nhất từ khoản đầu tư. Cuộc phỏng vấn điện thoại với một học giả phương Tây sống tại Juba thực hiện trong tháng 12 năm 2012 khẳng định rằng, bất chấp điều tiếng về Trung Quốc ở Sudan, chính quyền của quốc gia mới này rất sẵn lòng hợp tác với Trung Quốc. Sudan vẫn còn dầu trong 15 năm, và Trung Quốc - nước có trách nhiệm của một cường quốc quốc tế nhưng đã bị nghi ngờ nghiêm trọng vì Sudan – không hề có ý định rời bỏ bữa tiệc trước khi tiếng nhạc kết thúc.
TRUNG QUỐC VE VÃN DẦU CỦA GIÁO CHỦ
Bất chấp cái nóng ngột ngạt và quầng mây ô nhiễm dày đặc, tình trạng ùn tắc giao thông dễ làm nổi cáu của Tehran ít nhất cũng bày ra một cảnh tượng thú vị. Hoàng hôn và không một chỗ trống để thở trên cái gọi là “đường cao tốc” Ashrafi Esfahani nối phía bắc và phía nam thủ đô Iran. Xe chèn, vượt nhau tứ phía, khiến mọi việc trở nên rất khó khăn cho người lái taxi điềm tĩnh của chúng tôi trong chiếc Peykan cà tàng. Áp phích tuyên truyền treo rải rác dọc bên đường, cùng các bức tranh tường vẽ tay các anh hùng bất tử của cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979, mà người sáng lập nền Cộng hòa Ruhollah Khomeini là nhân vật chính. Ngoài ra còn có rất nhiều biếm họa và hình vẽ tài tình, tương tự như những hình vẽ trên đại lộ Malecon ở Havana, ám chỉ đế quốc Mỹ và "tay sai" Israel. "Nước Mỹ chết đi," một câu cổ điển. Một hình ảnh khác gợi nhiều liên tưởng hơn là vẽ lá cờ Mỹ treo lộn ngược, các ngôi sao và sọc đỏ được thay bằng bom và những tia máu.
Những chữ viết và hình ảnh cung cấp một bản tóm tắt đầy ấn tượng tình trạng đối kháng đã tồn tại suốt ba mươi năm giữa nước Cộng hoà Hồi giáo này và Mỹ, sau khi quan hệ ngoại giao đổ vỡ do "Cuộc khủng hoảng con tin đại sứ quán." Trung Quốc đã hưởng lợi từ thực tế thù địch này giữa hai nhà nước, không chỉ lan sang các nước phương Tây khác mà còn tăng mạnh từ khi Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad lên cầm quyền vào năm 2005, bắt tay vào một cuộc phiêu lưu hạt nhân đưa đến đối đầu trực tiếp với cộng đồng quốc tế. Trong tình thế này, rõ ràng vai trò của Trung Quốc rất quan trọng. Trong hoàn cảnh cấm vận đã khiến Iran bị cô lập nghiêm trọng, sự ve vãn liên tục giữa các nhà ngoại giao của Trung Quốc và các giáo chủ đã cho phép Bắc Kinh trở thành một đối tác kinh tế chủ yếu ở đất nước có trữ lượng dầu mỏ đã được kiểm chứng lớn thứ tư trên thế giới (sau Saudi Arabia, Venezuela và Canada) và trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới (sau Nga).30
"Năm năm trước không có người Trung Quốc nào ở đây," lãnh đạo một trong những công ty dầu khí phương Tây lớn nhất ở Iran giải thích, cho thấy ảnh hưởng của Trung Quốc tại nước này đã tăng nhanh như thế nào. Các con số tự nói lên tất cả: chỉ mười năm trước giao dịch thương mại giữa hai nước không đáng kể, thì hiện nay Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Iran, tạo ra một khối lượng thương mại hàng năm khoảng 36 tỷ đô-la, bao gồm thương mại chính thức và nhập khẩu qua Dubai. Việc thắt chặt các biện pháp trừng phạt chống lại Tehran dẫn đến sự thiếu vắng đầu tư trong lĩnh vực tài nguyên thiên nhiên, giống như trong trường hợp của Sudan, đã để cánh cửa rộng mở cho Trung Quốc. Dưới áp lực của Hoa Kỳ, các công ty dầu mỏ ENI, Total, Repsol, Shell, BP và các công ty khác đã phải dừng kinh doanh tại Iran nhằm tránh gây nguy hiểm cho vị trí của họ tại thị trường Mỹ. "Người Mỹ nói: hoặc Iran hoặc chúng tôi. Vì thế tất cả chúng tôi hoặc làm kẻ ngoài cuộc ở đây hoặc rời khỏi quốc gia này31 vì sợ ảnh hưởng đến lợi ích thương mại của chúng tôi ở Hoa Kỳ," nguồn tin của chúng tôi giải thích.32
Một ví dụ về sự tiến thoái lưỡng nan mà các công ty dầu phương Tây phải đối mặt là trường hợp của công ty Tây Ban Nha Repsol, đối phó với áp lực của Hoa Kỳ bằng cách rút dần dần khỏi Iran để bảo vệ lợi ích của họ ở Vịnh Mexico. Theo những gì chúng tôi nghe được từ nguồn tin ở Tehran, việc rút ra khỏi quốc gia này làm công ty tổn thất không dưới 300 triệu euro. Trong hoàn cảnh đó, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi các công ty dầu khí quốc doanh Trung Quốc đã có thể xâm nhập thắng lợi vào lĩnh vực này, bất chấp thực tế công nghệ của họ còn xa mới sánh được các đối thủ cạnh tranh phương Tây.33 "Vâng, người Trung Quốc đã trở thành một đối tác chính ở Iran, chỉ vì họ tiến vào một sân chơi trống vắng," giám đốc điều hành cho biết. "Các biện pháp trừng phạt đưa lại điều kiện tiên quyết cho sự hiện diện của Trung Quốc ở Iran. Nếu không có sự trừng phạt, công nghệ phương Tây chắc chắc chắn đã thống trị lĩnh vực này," Clément Therme, chuyên gia Pháp về các vấn đề Iran thêm vào. Như vậy, Trung Quốc bù đắp yếu kém trong công nghệ bằng hai lá bài thay thế rất giá trị: quan hệ chính trị và sức mạnh tài chính.
"Một lựa chọn khác có thể là nước Nga vì họ có công nghệ, nhưng họ không có vốn," John Garver, giáo sư về quan hệ quốc tế tại Viện Công nghệ Georgia và là cố vấn cho chính phủ Hoa Kỳ kết luận. Mehdi Fakheri, phó chủ tịch của Phòng thương mại, Công nghiệp và Mỏ Iran, cũng lập luận như thế khi gặp chúng tôi ở Tehran: "Không có nhiều lựa chọn trong tiếp cận công nghệ và tiền bạc có sẵn. Người Trung Quốc không thể bị thay thế dễ dàng." Được nhà nước và nguồn lực không giới hạn của các ngân hàng Trung Quốc bảo vệ, các công ty dầu CNPC, Sinopec và Tổng công ty Dầu khí Hải Dương Trung Quốc (CNOOC) đã lấp đầy một phần khoảng trống do các công ty phương Tây để lại với khoản đầu tư có thể lên đến 40 tỷ đô-la, theo các nguồn tin chính thức của Iran.34 Ngoài ra, Trung Quốc đã trở thành nước mua dầu lớn nhất thế giới của Iran vào giữa năm 2012, khi xuất khẩu dầu thô của Iran sụp đổ vì những đợt trừng phạt mới do Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu thông qua - tách biệt với các biện pháp trừng phạt của Liên hiệp quốc và bị Bắc Kinh bác bỏ - nhằm ngăn chặn thương mại quốc tế dầu khí Iran.35 Đây là sự giải vây tuyệt vời cho chế độ của các giáo chủ - có xuất khẩu dầu khí chiếm 27 phần trăm GDP của Iran - chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc đặt hy vọng vào Trung Quốc. Tổng mức đầu tư này đã cho phép Iran duy trì sản xuất dầu thô và tiếp tục là một trong những nước cung cấp dầu lớn nhất cho Trung Quốc.36 Điều đó là hiển nhiên bất chấp thực tế là - như chính Trung Quốc thừa nhận - thu nhập từ bán tài nguyên thiên nhiên của Tehran "có khả năng liên quan" với chương trình hạt nhân của Iran.37
Vì Trung Quốc chinh phục Iran nhanh cũng như các công ty phương Tây rời bỏ nước này, tình huống này đặt ra một câu hỏi đầy phẫn nộ cho các công ty dầu khí châu Âu: với lệnh cấm vận quốc tế đang ở mức căng thẳng nhất, các công ty dầu của Trung Quốc đã xoay xở thế nào để có được giấy bảo chứng, cho phép chúng ưu tiên xâm nhập vào lĩnh vực năng lượng của một nước sản xuất dầu hàng đầu thế giới? Nói cách khác, tại sao Sinopec, PetroChina và CNOOC được tự do và tiếp cận dễ dàng các mỏ dầu của Iran trong khi Shell, Total, ENI và Repsol buộc phải xách gói ra đi? Dĩ nhiên câu trả lời nằm trong ảnh hưởng của nhà nước toàn năng Trung Quốc, ngay cả khi nó phải đối mặt với Washington. Chính quyền Trung Quốc không ngần ngại sử dụng sức mạnh chính trị để bảo vệ doanh nghiệp của họ khỏi sáng kiến cô lập Iran của Mỹ, cho thấy mức độ ảnh hưởng quốc tế ngày càng tăng của Trung Quốc. Có thể thấy được bằng chứng về điều này trong một bức điện ngoại giao do đại sứ quán Hoa Kỳ ở Bắc Kinh gửi vào ngày 26 tháng 3 năm 2008 bị tiết lộ. Bức điện đề cập đến cảnh báo của một viên chức chính phủ cấp cao Trung Quốc cho một nhà ngoại giao Mỹ về bất kỳ nỗ lực nào Washington có thể thực hiện để áp đặt trừng phạt lên Sinopec vì hoạt động ở Iran: "Đó là một vấn đề rất nghiêm trọng và tôi không thể hình dung những hậu quả mà nó có thể gây ra cho quan hệ song phương," ông ta nói.38
Bức điện này xác nhận Bắc Kinh đã đặt ra ranh giới rất rõ cho Washington: trong mọi trường hợp các biện pháp trừng phạt không được ảnh hưởng đến các công ty dầu khí lớn của Trung Quốc. Những sự kiện này cho thấy Washington dường như bị áp lực phải tránh những đòn trả đũa "không thể tưởng tượng," đành cho Trung Quốc đặc quyền làm điều mà bất kỳ công ty phương Tây nào làm sẽ hứng chịu các lệnh trừng phạt. Dĩ nhiên, thực tế chính phủ Trung Quốc đã khẳng định mạnh mẽ vấn đề này gắn chặt với tầm quan trọng to lớn Bắc Kinh dành cho an ninh năng lượng của mình. Tuy nhiên, thực ra những sự kiện này đã mở đường cho Sinopec và CNPC thay thế các công ty phương Tây một cách đầy sai trái trong việc cung cấp cho Iran 30 phần trăm lượng tiêu thụ xăng, mà về mặt diễn giải không liên quan đến an ninh năng lượng của Bắc Kinh. Năng lực lọc dầu của nước Cộng hòa Hồi giáo đã bị giảm do các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ và vì thế nước này cần mua xăng từ các nhà cung cấp nước ngoài.39 Vậy thì, Trung Quốc sẵn sàng làm ăn.
"Từ năm 2002 số lượng các công ty Trung Quốc bị Hoa Kỳ trừng phạt đã giảm xuống. Vào đầu thế kỷ này, mỗi năm có chừng 15 hay 16 công ty Trung Quốc bị trừng phạt. Hiện nay mỗi năm chỉ có ba hoặc bốn công ty, và không có công ty dầu lớn của Trung Quốc nằm trong số đó," John Garver nói với chúng tôi, giải thích ảnh hưởng của Bắc Kinh trong lĩnh vực này. "Trung Quốc có khả năng chống lại áp lực của Hoa Kỳ lớn hơn bất kỳ nước nào khác," Clément Therme kết luận. Không nghi ngờ gì, tất cả điều này đang diễn ra trong thực tế, như chính ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã thừa nhận, rất khó để chống lại nhà băng của thế giới.40 Hậu quả của tất cả chuyện này sẽ là gì? Một lãnh đạo của một công ty dầu khí châu Âu tại Tehran thử dự đoán diễn biến trong tương lai nếu tình hình hiện nay vẫn tiếp tục: "Trong năm năm, toàn bộ lĩnh vực năng lượng sẽ nằm trong tay người Trung Quốc."
TRUNG QUỐC “HAI ĐẦU” THÁCH THỨC ANGOLA
Với một thoáng mê hoặc không lẫn vào đâu được, làn gió thoảng quyện mùi thơm của tôm hùm, thịt gà tẩm gia vị và bông cải xào trên sân thượng nhà hàng Thượng Hải Baia, được bổ sung trọn vẹn với tầm nhìn tuyệt vời ra Luanda và Đại Tây Dương. Hè năm 2010. Một nhóm doanh nhân Trung Quốc ồn ào ngốn ngấu thức ăn như thể không có ngày mai, trong khi các tia sáng phản chiếu từ những tòa nhà chọc trời nhảy múa trên mặt họ - những tòa nhà có các căn hộ mà các nhân viên dầu khí biệt phái nước ngoài tranh nhau thuê với giá không dưới 10.000 đô-la một tháng. Các doanh nhân luôn mồm háo hức hỏi “duo shao qian?” (bao nhiêu?), đặc biệt một gã hỏi với cái mồm nhồm nhoàm, phun thức ăn phọt qua bàn. Cách đó chỉ vài mét, những chiếc du thuyền sang trọng đang thả neo ngoài câu lạc bộ Ilha de Luanda Nautical, giúp các ông trùm kinh doanh đóng tại thành phố đắt đỏ thứ hai thế giới giong buồm ra biển, thoát khỏi cảnh hỗn độn của thủ đô Angola.41
Không thể đi bộ ngang qua trung tâm thành phố Luanda mà không tự hỏi làm thế nào mọi thứ biến đổi nhanh chóng như vậy. Trở lại năm 2002, Angola chỉ vừa kết thúc cuộc nội chiến lâu dài nhất ở châu Phi: hai mươi bảy năm xung đột không chỉ gây thiệt hại kinh tế và xã hội không thể khắc phục đối với đất nước 18 triệu dân này, mà còn quét sạch phần lớn cơ sở hạ tầng được người Bồ Đào Nha xây dựng trước khi nước này độc lập vào năm 1975. Ví dụ, khoảng 300 cây cầu đã bị phá hủy trong cả nước do cuộc xung đột. Chưa đầy mười năm sau đó, đám xe tải chở xi măng đã khiến những con đường chính trong thành phố hoàn toàn tắc nghẽn, không thể đáp ứng nhu cầu của hàng trăm công trình đường bộ đang được triển khai trên cả nước. Hơn 50 công ty nhà nước và 400 công ty tư nhân Trung Quốc đang điên cuồng thực hiện các dự án, xây dựng sân vận động, sửa chữa đường sá, xây dựng nhà ở mới và trau chuốt các văn phòng bộ. Tiền cần có để tài trợ cho tất cả đều đến từ lòng đất của quốc gia này: việc bán dầu thô của công ty sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai châu Phi mang lại một năm 52 tỷ đô-la.42 Một phần lớn doanh thu đến từ bán dầu thô cho Trung Quốc, vì Angola hiện nay là nhà cung cấp dầu lớn thứ hai của Trung Quốc sau Ả Rập Saudi.
Ngân hàng Thế giới đã đưa ra thuật ngữ "mô hình Angola" để mô tả cuộc cách mạng nhằm mang lại hệ thống kiến trúc cho nước này với một mạng lưới đường bộ, đường sắt và các trường đại học mới hoàn toàn. Đây là một phần của việc đổi trực tiếp dầu lấy hạ tầng đã diễn ra từ những năm 1980 và được nhiều quốc gia khác cũng như Trung Quốc sử dụng. Chính là mô hình được chính quyền độc tài của Angola do Tổng thống Jose Eduardo dos Santos43 lãnh đạo xúc tiến mạnh mẽ từ năm 2004, trùng với thời điểm Trung Quốc xâm nhập nước này. Các thỏa thuận liên chính phủ giữa Luanda và Bắc Kinh hoạt động trên cơ sở một hiệp ước đơn giản: các công ty xây dựng Trung Quốc thực hiện các dự án hạ tầng trên toàn lãnh thổ Angola và nhận tiền thanh toán trực tiếp từ Ngân hàng Exim Trung Quốc (đại diện cho giao dịch giữa các thực thể Trung Quốc), trong khi Angola sử dụng công ty năng lượng nhà nước Sonangol và các công ty con của nó cung cấp cho Trung Quốc số lượng dầu đã quy định cần thiết để trả khoản vay Trung Quốc.
Bằng cách này, các quốc gia như Angola vốn cấp bách cần tái thiết hạ tầng cơ bản, nhưng không thể tiếp cận lực lượng lao động có trình độ, chưa nói đến nguồn tài chính cần thiết, có thể đạt được kết quả nhanh chóng và, trong trường hợp làm ăn với Trung Quốc, được tài trợ rất thuận lợi. Mô hình này cũng ngăn chính quyền tham nhũng nuốt chửng tiền vay, ngăn chặn hàng triệu đô-la dành cho các dự án công cộng rốt cuộc lại nằm trong các tài khoản ngân hàng ở Thụy Sĩ hay quần đảo Cayman. Điều này đạt được nhờ việc chính quyền không bao giờ thực sự nhận được tiền, tất cả được chuyển trực tiếp từ các ngân hàng đến các nhà cung cấp dịch vụ.44
Bất chấp lợi ích hiển nhiên của mô hình này, sự có mặt của Trung Quốc tại Angola là kết quả của chủ nghĩa cơ hội Bắc Kinh, như từng thấy ở các trường hợp khác đã mô tả trong chương này. Sau cuộc nội chiến, chính quyền dos Santos (lên nắm quyền vào năm 1979) cần tài chính để triển khai kế hoạch của chính quyền. Tuy nhiên, những tổ chức cho vay truyền thống - được gọi là Câu lạc bộ Paris - và các tổ chức quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế yêu cầu Luanda tiến hành cải cách các lĩnh vực tài chính, chính trị và kinh tế. Với mục tiêu tạo điều kiện cho một trong những quốc gia tham nhũng nhất trên thế giới có khả năng thanh toán nợ vay, các tổ chức này cũng buộc Angola phải trả một số khoản vay cũ trước khi giảm nợ cho các khoản nợ chưa thanh toán lũy kế của nước này.
Tình trạng giằng co này kéo dài đến tháng 3 năm 2004, khi Trung Quốc xuất hiện phá hỏng kế hoạch của các nước giàu. Ngân hàng Exim Bank chỉ đơn giản cho Luanda vay mới 2 tỷ đô-la và quốc gia châu Phi này đã xoay xở thoát khỏi trừng phạt vì nợ xấu.45 Trung Quốc đã đưa ra một số điều kiện cho vay tuyệt vời đối với một quốc gia đang cố gắng nhưng không thành công trong việc tái cơ cấu nợ vào thời điểm đó: lãi suất bằng lãi suất cho vay Libor, cộng thêm 1,5 phần trăm và thời hạn trả nợ 12 năm (với thời gian ân hạn bốn năm).46 Sử dụng toàn bộ sức mạnh tập séc của mình, Bắc Kinh đã thực hiện một động thái cho phép họ đi vào trung tâm nguồn tài nguyên dầu của châu Phi; vào tháng 7 năm 2004, Sinopec bất chấp mọi khó khăn tiếp quản cổ phần của Shell tại Lô Angola 18 khai thác dầu ngoài đại dương, được xem như một sự đền ơn khoản tín dụng Trung Quốc cấp.47 Đó chỉ là khởi đầu của mối quan hệ nhà nước Trung Quốc cho Angola vay hơn 14,5 tỷ đô-la thông qua các ngân hàng nhà nước trả lại bằng dầu và giấy phép dài hạn cho các công ty Trung Quốc tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên của Angola.48 Bất chấp quy mô to lớn của khoản đầu tư, nó vẫn không cung cấp một bức tranh đầy đủ về thành công của Trung Quốc ở quốc gia này: ngoài các khoản cho vay của các ngân hàng nhà nước Exim Bank, CDB và Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC), Angola còn nhận được sự đóng góp từ khu vực được cho là tư nhân của Trung Quốc.
Cao 25 tầng và kết cấu kính mạ vàng, một tòa nhà nổi bật chi phối toàn cảnh kiến trúc của Luanda. Nó nằm bên cạnh trụ sở Quốc hội, và khi màn đêm buông xuống trên thủ đô Angola ẩn chứa nhiều hiểm họa, tòa nhà được thắp sáng bằng đèn màu có thể thấy được từ mọi nơi trong thành phố. Trên nóc tòa nhà chọc trời này là những chữ đầu CIF, viết tắt một cái tên huyền thoại trong lịch sử bành trướng của Trung Quốc trên khắp hành tinh: China International Fund (Quỹ Quốc tế Trung Quốc). Bên trong tòa nhà là những văn phòng được canh gác cẩn mật của một trong những công ty mờ ảo và bí ẩn nhất Trung Quốc mà chúng tôi có dịp gặp trong suốt hành trình qua thế giới Trung Quốc. Nó cũng là một trong những công ty quyền lực nhất ở Angola nhờ các khoản cho vay từ 2,9 đến 9 tỷ đô-la dành cho chính phủ Angola, cũng như các đầu mối của nó trong giới chóp bu của nhà nước này.49
CIF chính thức là một công ty tư nhân được thành lập tại Hồng Kông vào tháng 11 năm 2003. Nó là một phần của mạng lưới mê cung các công ty Trung Quốc (tất cả đều đóng tại cùng một địa chỉ Hồng Kông: 10/F 2 Pacific Place, 88 Queensway) được thành lập để đàm phán với chính quyền Luanda trong bốn lĩnh vực cụ thể: dầu, kim cương, xây dựng và tài trợ.50 CIF đại diện cho nhánh tài chính của nhóm, dù nó cũng tham gia vào ngành kim cương thông qua sự liên quan của nó với một công ty nhà nước Angola là Endiama. Hai công ty khác quan trọng nhất trong tập đoàn, công ty China Sonangol International Holdings (CSIH) và Sonangol Sinopec International Ltd (SSI), đại diện cho hai doanh nghiệp liên doanh Trung Quốc - Angola duy nhất trong lĩnh vực dầu mỏ của Angola. Các công ty này đóng một vai trò quan trọng trong khu vực, mặc dù công ty Mỹ ExxonMobil vẫn là công ty nước ngoài lớn nhất trong lĩnh vực này.51
Với một danh mục vốn đầu tư ấn tượng như vậy, ai cũng cho rằng CIF và các công ty khác trong tập đoàn được hỗ trợ bởi uy tín vững chắc và kinh nghiệm tầm quốc tế. Sự thật không phải như vậy: trước đây công ty này chưa bao giờ hoạt động trong ngành xây dựng, mặc dù thực tế nó đã thắng thầu xây dựng sân bay quốc tế mới của Luanda và sửa chữa đường sắt thời thuộc địa Benguela. Trang web của công ty chứa nhiều thông tin mơ hồ về các dự án khác do công ty thực hiện, điều lạ lùng là nó cũng hoạt động ở các nước khác có chung đặc điểm thiếu minh bạch và đều sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Cứ thế, thông qua CIF hoặc CSIH, tập đoàn này có mặt ở những nơi như Guinea, Congo-Brazzaville, Zimbabwe, Madagascar và Nigeria.52
Ngay cả những người quản lý công ty cũng không phải là những nhân vật nổi tiếng trong ngành: những người đằng sau cấu trúc kinh doanh là một loạt các giám đốc và chủ tịch có ít hoặc không có khả năng ứng xử khi làm việc trong lĩnh vực dầu thô hoặc kim cương, trừ Manuel Vicente, chủ tịch của công ty dầu khí nhà nước Angola Sonangol. Thậm chí đáng ngạc nhiên hơn, bất chấp những lo ngại về các hoạt động của CIF tăng lên do các hợp đồng hàng triệu đô-la của nó, ngay cả nhà nước toàn năng Trung Quốc cũng không thể hoặc không muốn làm sáng tỏ nguồn gốc của tập đoàn. Ít nhất, đó là những gì đại sứ Trung Quốc ở Guinea, Nigeria và Angola cùng với đại diện của Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nhiều lần tuyên bố.53
Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi quyết định cố gắng tự tìm hiểu thêm về tập đoàn này. Chúng tôi chọn hình thức nghiên cứu trực tiếp nhất có thể: gõ cửa công ty. Chúng tôi đích thân đến văn phòng của CIF tại Luanda, Hồng Kông và Singapore, nhưng công ty từ chối trả lời những câu hỏi của chúng tôi hay dành cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn. Chúng tôi tự hỏi tại sao lại như thế. Có phải vì sự thiếu minh bạch của công ty, tính không rõ ràng cố hữu của họ, hay vì quan hệ của họ với các nhân vật như Pierre Falcone?54 "Lời giải thích rất đơn giản; các giao dịch thông qua Trung Quốc [nghĩa là: CIF] đã trở thành cách dễ nhất và hiệu quả nhất để cướp bóc đất nước này." Giọng của Rafael Márquez de Morais, nhà báo và nhà hoạt động chống lại sự quá đáng của chính phủ Angola, run rẩy vì giận dữ khi gặp chúng tôi tại nhà riêng của ông ở Luanda.
De Morais đã theo dõi những hoạt động của Trung Quốc ở Angola trong nhiều năm và so sánh vai trò của Trung Quốc với vai trò của phương Tây, vốn cũng không thoát khỏi sự chỉ trích của ông. "Không có sự khác biệt giữa Tây và Đông về các giao dịch mờ ám. Cho dù đó là Mỹ, Trung Quốc, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha... mục đích đều như nhau: để thực sự tiếp cận những người ra quyết định trong chính quyền Angola và kiếm lợi càng nhiều càng tốt theo cách dễ nhất.” Khác biệt duy nhất, ông làm rõ, là "khác biệt về quy mô" khi nói đến Trung Quốc, quốc gia ông cho rằng đang thực hiện một "chủ nghĩa đế quốc mới.” "CIF đã thực hiện một số dự án xây dựng lớn ở Angola. Không có cái nào trong số đó được bàn giao. Hoàn toàn không. Và điều đó dẫn chúng tôi đến một câu hỏi: họ có thực sự cho vay? Tiền có thực sự đến và liệu nó có bị đánh cắp hay bị làm sao?" Trong thời gian ở thủ đô Angola, chúng tôi cố gắng xâm nhập thật sâu vào dự án nổi tiếng của CIF tại quốc gia châu Phi này. Đó chính là dự án xây dựng một sân bay quốc tế, có chi phí hơn 2 tỷ đô-la, dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2010. Tuy nhiên, chẳng có dấu hiệu nào của công trình sẽ là sân bay lớn nhất châu Phi. Khoảng 30 cây số dọc theo đường cao tốc Viana-Catete, các hoạt động xung quanh khu vực sân bay rất thưa thớt. Hiếm thấy chiếc xe nào trên con đường đất dẫn đến nơi sẽ là viên ngọc trên vương miện của CIF. Dưới ánh nắng gay gắt, những người lính vũ trang thuộc đội Cảnh vệ Tổng thống đang bảo vệ lối vào trông cực kỳ buồn chán. Sau hai mươi phút đấu khẩu, chúng tôi vẫn chưa bẻ gãy được quyết tâm của "sếp," một sĩ quan quân đội cấp cao to khỏe đội mũ nồi và đeo khẩu súng ngắn ở thắt lưng. "Sân bay này là khu vực an ninh tối đa, quân đội Angola đã được lệnh bảo vệ trực tiếp từ tổng thống. Cấm vào khu vực này," ông ta kết luận. Gần đó, một gia đình Trung Quốc đã mở một nhà hàng Trung Quốc hai năm trước với hi vọng thu hút công nhân từ dự án này có cảm giác như đã tự hại mình. Giờ đây họ chỉ cố đắp đổi qua ngày. "Kinh doanh rất kém ngay từ khi bắt đầu. Không có khách," họ cho chúng tôi biết.
Sau đó chúng tôi nói chuyện với một công nhân xây dựng Tây Ban Nha sống ở Luanda, người đã chỉ ra rằng nếu hai nhà máy bê tông gần đó không sản xuất xi măng - như lúc này - thì điều đó xác nhận việc hoạt động cầm chừng tại sân bay. "Nếu các nhà máy đó không hoạt động thì không có việc gì đang được tiến hành, bởi cần có bê tông trong từng giai đoạn xây dựng sân bay. Nếu có một sân bay đang được xây dựng ở đó, sẽ luôn có dãy xe tải nối đuôi nhau ra vào." Vì thế, những gì chúng tôi đã nhìn thấy trên đường cao tốc giữa Luanda và Viana củng cố mạnh mẽ giả thuyết Rafael Márquez de Morais đưa ra. Ông vẫn cho rằng các khoản vay CIF tuyên bố không bao giờ đến hoặc chỉ một phần đến nước này. Vì thế, các khoản vay được dùng như là một cái cớ, biện minh cho việc "trả nợ" do chính phủ Angola thực hiện chi trả cho các dịch vụ không bao giờ được thực hiện đầy đủ. Nói cách khác, chúng tạo cơ sở cần thiết cho phép các quan chức chính phủ cưỡng đoạt tài nguyên thiên nhiên của đất nước trên quy mô lớn. Đây là một vụ cướp bóc tàn ác, không hơn không kém.
"Họ nói: "Được, đây là khoản vay cho sân bay.” Năm hoặc sáu năm sau đó, không có sân bay mới nào và cũng không có khoản tiền nào cho việc đó. Vì thế, một khoản vay mới lại được cấp cho cùng sân bay đó. Và số tiền đó cũng biến mất. Thế là, chính quyền mắc nợ, biện minh cho việc mỗi ngày 200.000 thùng dầu chở đi Trung Quốc, là một ví dụ," de Morais lập luận. Ông bảo rằng cấu trúc này cho phép chính quyền cướp bóc đất nước mà không gây ra bất kỳ bất thường nào trong tài khoản. "Bằng cách nào người ta có thể ăn cắp, ví dụ, 200.000 thùng dầu một ngày? Nó không khả thi lắm cho một quan chức chính phủ nói rằng "lấy dầu này cho tôi," vì sự giám sát quốc tế và vì người ta có thể kiểm tra hàng hóa dựa vào những gì đã được bán. Nhưng nếu nói rằng đang vận chuyển mỗi ngày 200.000 thùng dầu sang Trung Quốc để trả nợ thì không sao. Nợ thì phải trả."
De Morais đã đặt ra thuật ngữ "cướp bóc minh bạch" để mô tả quá trình mà các tổ chức khác gọi là "định giá sai thương mại." Đây là một vấn đề đặc biệt cấp bách ở Angola, như đã được nêu trong một báo cáo gần đây, đưa ra vài con số rợn tóc gáy để mô tả mức độ cướp bóc: 6 tỷ đô-la chỉ riêng năm 2009.55 Con số này - tương đương một phần sáu tổng ngân sách quốc gia - mô tả số tiền mà giới chóp bu chính trị nước này, dưới quyền chỉ huy của Tổng thống dos Santos, được cho là đã chuyển bất hợp pháp ra khỏi đất nước vào năm đó bằng cách tăng khống các hóa đơn và các khoản thanh toán cho những dự án không bao giờ được thực hiện.
CIF và công ty liên kết CSIH đóng một vai trò quan trọng trong quá trình cướp bóc có hệ thống và được ngụy trang hoàn hảo dựa trên thổi phồng giả tạo các chi phí của chính quyền: hai công ty này phát hành hóa đơn về các khoản cho vay và yêu cầu hạn ngạch dầu thô trả nợ, bằng cách đó biện minh cho việc vận chuyển hàng chục ngàn thùng vàng đen đi Trung Quốc. Theo cách này, "về mặt giám sát quốc tế, mọi thứ đều minh bạch. Anh cần một công ty [CIF] để hợp pháp hóa những gì anh ăn cắp từ Angola. CIF cung cấp các bằng chứng cần thiết [để biện minh cho những gì được cho là chi tiêu của nhà nước]," de Morais giải thích. Về phía Angola, một tổ chức đặc biệt khác cũng không thể thiếu trong việc cho phép sự cướp bóc này tiếp tục: Văn phòng Tái thiết Quốc gia (GRN), nay không còn tồn tại.
Văn phòng này được tổng thống thành lập năm 2005, đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của ông, và chịu trách nhiệm quản lý kinh phí do CIF cung cấp để tái thiết đất nước. Văn phòng GRN, không phải cung cấp báo cáo kế toán hay chịu bất kỳ loại kiểm soát nào, do tướng Manuel Hélder Vieira, hay còn gọi là "Kopelipa," giám đốc Văn phòng Quân sự của tổng thống lãnh đạo. "Từ khi nắm quyền kiểm soát quan hệ với Trung Quốc, tướng Kopelipa cơ bản đã vượt qua tất cả mọi người về đế chế kinh doanh cá nhân của mình: hàng không, ngân hàng, viễn thông... Tất tần tật! Từ chỗ tay trắng, ông đã trở thành một trong những người giàu nhất ở châu Phi. Điều đó liên quan với các khoản cho vay của Trung Quốc và số tiền ông đã quản lý với tư cách đứng đầu văn phòng tái thiết [GRN]. Người Trung Quốc đã trở thành cỗ máy truyền nhiễm tham nhũng hiệu quả nhất và hút hàng tỷ đô-la chuyển ra khỏi đất nước này," de Morais lập luận.
Nhà nước Trung Quốc đóng vai trò gì trong tất cả việc này? Nghiên cứu của một nhóm chuyên gia tại Ủy ban Giám sát Kinh tế và An ninh Mỹ - Trung Quốc cho thấy các cổ đông Trung Quốc khác nhau trong tập đoàn CIF trước đây hay hiện nay đều có quan hệ với các công ty nhà nước Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ tiết lộ khó chịu nhất đối với Bắc Kinh là thực tế một trong những cổ đông của tập đoàn, giám đốc Wu Yang của CIF, ghi nơi cư trú của ông trùng với địa chỉ của cơ quan mật vụ Trung Quốc (28/F 14 Đông Trường An, Bắc Kinh).56 Như nhau mà thôi, không có bằng chứng chắc chắn Bắc Kinh đứng đằng sau CIF và mạng lưới của nó, cũng như trong trường hợp của giới chóp bu Angola.57 Tuy nhiên, thật khó để tin rằng chính quyền Trung Quốc không biết ai là ai, đặc biệt khi nhiều công ty nhà nước của Trung Quốc - như công ty đường sắt CSR, công ty xây dựng nhà nước CITIC và công ty dầu khí Sinopec - là thầu phụ hay đối tác của CIF và CSIH.58
Tại sao và làm thế nào các công ty nhà nước này tham gia những hợp đồng hàng triệu đô-la với CIF khi nhà nước Trung Quốc chính thức từ chối thừa nhận tập đoàn này? Câu hỏi này làm nảy sinh nhiều câu hỏi khác: Làm thế nào một công ty được cho là tư nhân có thể có khả năng rút một số lượng lớn tài chính thường chỉ sẵn có cho một công ty nhà nước? Làm thế nào mà một công ty tư nhân của Trung Quốc, nếu đúng trong thực tế, lại cạnh tranh với chính nhà nước Trung Quốc? Và tại sao chính phủ Trung Quốc không can thiệp để vô hiệu hóa một công ty làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của Trung Quốc do những giao dịch kinh doanh mờ ám với các chế độ độc tài châu Phi giàu dầu mỏ?
"Trung Quốc không hành động chống lại CIF bởi không muốn mạo hiểm lợi ích kinh doanh của họ trong lĩnh vực dầu mỏ Angola," Alex Vines, người đứng đầu Chương trình châu Phi tại viện nghiên cứu Chatham House ở London giải thích. "Một số công ty phương Tây đã quyết định không chơi theo luật của giới chóp bu chính trị Angola [ám chỉ tham nhũng tràn lan], bởi họ sở hữu công nghệ cần thiết và điều đó đã bảo vệ họ. Tuy nhiên, Trung Quốc không có được điều đó và vì thế đã phải chấp nhận luật chơi," ông tiếp tục. "Bằng cách này hay cách khác Trung Quốc phải thích nghi với tình huống chính quyền Angola đặt ra cho họ." Nói cách khác, không ai có thể kinh doanh trong nước này mà không ăn cắp. Có lẽ điều này giải thích tại sao CIF dường như không gì hơn là một thiết chế được nặn ra để đáp ứng những đòi hỏi của giới chóp bu Angola mà không làm bẩn tay các công ty nhà nước Trung Quốc. Bằng cách đó, Trung Quốc vẫn xoay xở để có được phần bánh trong lĩnh vực dầu mỏ Angola.
TRUNG QUỐC MƠ VỀ “KẺ RAO GIẢNG” CHÁVEZ
"Anh phải hết sức cẩn thận. Thỉnh thoảng chúng đứng ở những cây cầu phía trên đường cao tốc và đung đưa sợi dây gắn cục lửa ở đầu dây làm cho kính chắn gió của xe phát nổ khi chạm vào. Khi lái xe dừng lại, chúng sẽ tấn công anh ta. Hoặc đôi khi những kẻ đi xe máy chặn anh tại chỗ đèn xanh đèn đỏ, hay ở giữa đường, và chỉa súng vào mặt anh. Anh phải nộp tất tần tật mọi thứ, ngay lập tức. Đó là cách mọi thứ diễn ra ở đây." Đó những lời khuyên có phần đáng ngại của Eduardo, lái xe của chúng tôi tại Caracas, khi chúng tôi đến sân bay quốc gia Simón Bolívar và bắt đầu đi về thủ đô Venezuela trong chiếc xe hai cầu của anh. Trong khi Eduardo tiếp tục danh sách dài các mối nguy hiểm chết người vốn là một phần của thực tại đầy bạo lực ở Venezuela, chúng tôi tiến lên vùng đồi phủ kín với những căn nhà rách nát tồi tàn là nơi cư trú của phần lớn cử tri của Tổng thống Hugo Chávez. Ở đây chúng được gọi là ranchos, những túp lều lụp xụp chồng chất lên nhau không có một chút không gian sống hoặc một khoảnh riêng tư cho cư dân: những ổ chuột bần cùng người ta đấu tranh bằng mọi cách để có được.
Một thứ không thiếu ở đây là các lớp sơn đỏ, xanh và vàng mà người dân dùng để sơn nhà của họ: màu cờ quốc gia. Những ngôi nhà tạo thành bức tranh ghép đầy ấn tượng trình bày một hình ảnh rõ ràng về tình hình tại quốc gia Mỹ La-tinh ngay từ lúc chúng tôi đặt chân lên đất này. Đây là cảnh quan mới của Venezuela kể từ khi tư lệnh Chavez lên cầm quyền ở đất nước có trữ lượng dầu mỏ lớn nhất hành tinh.59 Venezuela giờ đây là một sân khấu khổng lồ nơi chủ nghĩa dân tộc cực đoan và sự cổ vũ lý tưởng yêu nước - nổi bật trong đó là lý tưởng của Simón Bolívar - đã tiêm nhiễm vào mọi mặt xã hội, chia rẻ đất nước đến mức giờ đây chỉ có hai lựa chọn dành cho 30 triệu người dân Venezuela: hoặc là người ủng hộ Chávez – Chavista - hoặc không. "Anh không thể đi quanh công khai nói rằng anh chống lại Chávez. Điều đó sẽ gây cho anh lắm rắc rối," Eduardo nói với chúng tôi, luôn vui vẻ cung cấp bài học về chuẩn mực xã hội trong thời gian chờ đợi dài dằng dặc tại một điểm kẹt xe kinh hoàng ở Caracas.
Không dễ dàng để mô tả "kẻ rao giảng," như nhà sử học người Mexico Enrique Krauze gọi Chávez trong cuốn tiểu sử tuyệt vời của ông.60 Chávez chắc chắn là một kẻ cực kỳ ích kỷ, bị quyền lực ám ảnh và xuất hiện khắp các phương tiện truyền thông. Nói như Krauze, "Chávez tuyệt đối tin rằng tất cả những gì xảy ra với ông ta là một phần không thể thiếu của lịch sử Venezuela."61 Ông đồng thời là một nhân vật theo chủ nghĩa dân túy, một phù thủy yêu thích kịch truyền hình (nếu không tin, hãy xem tại chương trình truyền hình trực tiếp rất đều đặn, Chào Tổng thống, bắt đầu vào một thời điểm cụ thể nhưng không biết khi nào kết thúc) và là một nhà tư tưởng dựa trên nền tảng dối trá, như Krauze xếp nó nằm giữa chủ nghĩa phát xít và chủ nghĩa cộng sản. Ông là người duy nhất có khả năng xuất hiện trên truyền hình trực tiếp gọi tổng thống Hoa Kỳ là "con lừa," hay quốc hữu hóa các công ty tư nhân - với tiếng thét "hãy chiếm đoạt nó!" - bất chấp thực tế các công ty hoạt động ở nước này đã hàng chục năm. Ông là "kẻ học đòi" cả Fidel Castro, người thầy hiện tại, và thần tượng đã khuất Simón Bolívar - nhà lãnh đạo phong trào châu Mỹ La-tinh độc lập. Dù thế nào đi nữa, đây là người, với sự ủng hộ của cử tri, quyết định tương lai của Venezuela và nhắm đến xây dựng cái do chính ông đặt tên "chủ nghĩa xã hội thế kỷ 21" – mà Trung Quốc rất thích. Chávez đã tái đắc cử tổng thống Venezuela vào năm 2012, và nếu sức khỏe của ông cho phép, ông sẽ lãnh đạo đất nước này đến năm 2019.
Từ khi Chávez lên nắm quyền vào năm 1999, và đặc biệt từ cuộc đảo chính cố lật đổ ông vào năm 2002 thất bại - sự kiện mà một số nguồn tin đổ cho Hoa Kỳ - Trung Quốc tự thấy mình gần như vô tình trở thành đồng minh số một của Venezuela. Cuộc đảo chính thất bại đã khiến Chavez trở nên cực đoan, đi từ mục tiêu đa dạng hóa thương mại và chính sách ngoại giao đến công khai đấu tranh cho việc thành lập một liên minh chiến lược chống lại Washington và - ở một mức độ thấp hơn - châu Âu. Kể từ đó, ông đã xem Trung Quốc như là một đối trọng với Mỹ và cung cấp cái cớ hoàn hảo để tách khỏi các nước "đế quốc" Bắc Mỹ. Thực tế Bắc Kinh chẳng quan tâm chút nào đến cuộc thập tự chinh chống phương Tây này, vì sẽ không bao giờ làm tổn hại quan hệ với Washington để đổi lấy một sự nghiệp kiểu này, đã không ngăn Chávez dâng lên "đồng chí Trung Quốc" lễ vật, theo nghĩa rộng nhất của từ này. Đổi lại, Bắc Kinh khôn ngoan giữ im lặng và ân cần tiếp nhận mọi thứ Venezuela dâng tặng.
Trong khi Bắc Kinh cố giữ một khoảng cách nhất định để tránh trở thành một phần của gánh xiếc Chávez, người Trung Quốc cũng xoa tay vui sướng nghĩ đến tất cả các cơ hội ông ta giao cho họ một cách dễ dàng. Các con số tự nói lên để chứng minh sức mạnh người khổng lồ châu Á đạt được trong nền kinh tế Venezuela. Trung Quốc đã bán được hai vệ tinh và một số lượng đáng kể vũ khí cho chế độ này, và một lần nữa, đã đào sâu vào túi không đáy của họ, cấp hàng loạt khoản vay cho nước này đổi lấy tài nguyên thiên nhiên: trong năm 2010, Ngân hàng Phát triển Trung Quốc đã cấp cho Venezuela 20 tỷ đô-la tín dụng, cùng với 4 tỷ đô-la khác đã được thỏa thuận với Ngân hàng Công thương Trung Quốc,62 và một quỹ đầu tư chung trị giá 12 tỷ đô-la. Tất cả điều này là do sức mạnh của các nguồn tài nguyên quý giá nhất của Venezuela: trữ lượng "vàng đen" khổng lồ ở vành đai Orinoco Belt.63
Ở mức 640.000 thùng mỗi ngày, Trung Quốc vẫn chưa vượt qua Mỹ để trở thành người mua dầu thô lớn nhất của Venezuela.64 Tuy nhiên, con số này dự kiến sẽ đạt một triệu thùng mỗi ngày vào năm 2014, theo thỏa thuận được ký kết giữa hai nước. Về các khoản đầu tư của Trung Quốc, sự phát triển quan trọng nhất trong lĩnh vực dầu khí là kết quả từ quyết định của Chávez chọn Trung Quốc và Nga để cấp quyền khai thác cái gọi là khối Junín Block vào tháng 1 năm 2010.65 Theo nhà chức trách Venezuela, kế hoạch đến năm 2017 các công ty Trung Quốc sẽ đổ 40 tỷ đô-la vào lĩnh vực dầu mỏ èo uột của Venezuela.66 Những con số đầy ấn tượng này cho phép Trung Quốc tiến hành cuộc xâm nhập dứt khoát vào lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela, đồng thời hỗ trợ chính sách riêng của Trung Quốc nhằm đa dạng hóa các nguồn cung cấp năng lượng, từ đó giảm sự phụ thuộc vào vùng Trung Đông đầy bất ổn.67
José Toro Hardy, nhà kinh tế học Venezuela nổi tiếng và là cựu cố vấn cho công ty dầu mỏ Venezuela Petroleos de Venezuela S.A. (PDVSA), nhớ lại: "Vào các năm 1994, 1995 và 1996, khi lĩnh vực dầu mỏ mở cửa cho đầu tư nước ngoài, mọi thứ trở nên rất tệ hại đối với Trung Quốc. Đó là thời kỳ hoàn toàn minh bạch: tất cả các cuộc đấu thầu được tổ chức công khai và phát sóng trên truyền hình để những giá chào thầu của tất cả các công ty có thể được xem cùng một lúc. Hoàn toàn khác với cách thức bây giờ." Cuộc thử nghiệm theo tinh thần cực đoan Boliva ở Venezuela hiện đang diễn ra tỷ lệ nghịch với sự gia tăng lợi ích của Trung Quốc ở nước này. "Caracas không quan tâm đến mối quan hệ thương mại với Trung Quốc. Họ muốn tạo ra các mối quan hệ chính trị và ngoại giao để chống lại Hoa Kỳ. Tôi chắc chắn rằng Trung Quốc đang lợi dụng thực tế Venezuela muốn bán dầu mỏ trên tinh thần ý thức hệ," Hardy khẳng định.
Để thực hiện "bước đại nhảy vọt" trong quan hệ song phương, Chávez quyết định sử dụng niềm tự hào, phấn khởi và là nguồn hỗ trợ lớn nhất của nền kinh tế Venezuela: PDVSA, công ty dẫn đầu của chế độ. Là một trong những công ty dầu mỏ lớn nhất thế giới, công ty nhà nước PDVSA chịu trách nhiệm quản lý nguồn tài nguyên dầu của Venezuela, đóng góp những khoản tiền lớn cho nhà nước Cộng hòa này.68 Chávez cũng sử dụng công ty này, đã được chuyển thành một quỹ đa mục đích trong nhiệm kỳ tổng thống của ông, để thực hiện các dự án công bằng xã hội như quốc hữu hóa các công ty và phân phối đồ dùng điện Trung Quốc trong cả nước. Hơn nữa, chính thông qua PDVSA Chávez tìm cách bảo đảm sự đối xử được xem là ưu đãi mà, vốn được ông công bố với thế giới, Venezuela nhận được từ Trung Quốc. Tuy nhiên, có lẽ mọi thứ không hoàn toàn như bề ngoài. "Trung Quốc xem Venezuela là một thằng đần có nhiều tiền và nhiều tài nguyên, là một đất nước dễ dàng lấy đi các thứ Trung Quốc cần. Đây là một trường hợp nữa về sự ngu ngốc của Venezuela trước chủ nghĩa thực dân Trung Quốc."
Không thể nghi ngờ nhận xét trên của thiếu tướng Guaicaipuro Lameda, cánh tay phải của Chávez và là chủ tịch của PDVSA từ năm 2000 đến năm 2002. Trong một cuộc phỏng vấn hai giờ tại nhà riêng ở một khu vực thượng lưu của Caracas, người đàn ông nghiêm khắc, từng được xem có vai trò quan trọng thứ hai ở quốc gia này sau tổng thống, nói với chúng tôi ông tin rằng Trung Quốc đang lợi dụng sự kích động của những người ủng hộ Chávez ở Venezuela để tiếp cận nguồn tài nguyên thiên nhiên của đất nước này. Ngoài ra, ông nhớ lại trong thời gian lãnh đạo công ty lớn nhất ở Mỹ La-tinh, ông đã buộc phải đối xử đặc biệt với công ty Trung Quốc CNPC dù làm hại lợi ích của PDVSA. "Trong năm 2000, ý tưởng đàm phán với Trung Quốc về một hợp đồng để phát triển Orimulsion [một loại nhiên liệu] đã được đưa ra. Ở PDVSA chúng tôi không ủng hộ kế hoạch này vì nó không phải là lợi ích của công ty. Tuy nhiên, Chávez đích thân thúc đẩy hợp đồng và yêu cầu tôi đảm bảo nó sẽ được ký kết trước khi các thay đổi trong luật dầu khí có hiệu lực, bởi khi luật này được thông qua sẽ không thể chấp nhận những lợi ích ông ta định giao cho Trung Quốc. Chávez muốn trao cho Bắc Kinh sự đối xử đặc biệt, lý giải việc gấp rút ký hợp đồng của ông. Tôi đã phải chọn người có quan hệ cá nhân với chính quyền để tiến hành đàm phán với Trung Quốc, vì không có ai ở PDVSA ủng hộ hợp đồng này. Nó không có lợi về mặt kinh tế cho chúng tôi ," ông nhớ lại.69
"Có hai cấp đàm phán trong thảo luận giữa chúng tôi với công ty Trung Quốc: một cấp giữa PDVSA và CNPC và cấp khác giữa đại sứ Trung Quốc và Chávez. Khi các cuộc đàm phán diễn ra giữa hai công ty, đại diện của CNPC sẽ gọi đại sứ Trung Quốc bất cứ khi nào gặp khó khăn. Sau đó, đại sứ sẽ gọi Chávez, và Chávez sẽ gọi cho tôi. Tất cả mọi thứ chúng tôi đã đồng ý ngày hôm trước rút cuộc bị kéo lùi lại một bước, và mọi việc luôn diễn ra có lợi cho Trung Quốc. "Một trong những điều Trung Quốc cố lấn lướt Venezuela theo cách này là loại bỏ một điều khoản hạn chế những mục đích sử dụng của Orimulsion. Theo nguyên tắc chung, PDVSA luôn ủng hộ các thỏa thuận ràng buộc sử dụng loại công nghệ này với mục đích duy nhất là sản xuất điện. Lý do loại dầu thô này được bán với giá tương đương giá than, có công dụng tương tự, và vì thế rẻ hơn nhiều so với dầu thông thường. "Điều khoản này đã được gỡ bỏ do sự khăng khăng của phái đoàn Trung Quốc. Nói cách khác, về mặt kỹ thuật họ có thể làm bất cứ điều gì họ muốn với dầu nặng, vì nó cũng có thể được sử dụng để làm nhựa đường. Nhưng, tất nhiên, họ chỉ phải trả với giá than." Theo Lameda, Chávez biện minh thỏa thuận bất lợi cho PDVSA bằng cách thuyết phục rằng nó được thực hiện trong khuôn khổ của mối quan hệ tổng thể của nước này với Trung Quốc. Chávez cho rằng thực tế Venezuela bị tổn thất tiền bạc do hợp đồng Orimulsion là chấp nhận được trong trường hợp trên vì Bắc Kinh sẽ thực hiện nhiều dự án trong tương lai ở nước này.
Đó không phải là lần duy nhất Trung Quốc đạt được đặc quyền tiếp cận trữ lượng dầu của Venezuela trong điều kiện đôi khi không thể tin được: một bức điện từ một quan chức PDVSA được WikiLeaks công bố tiết lộ Trung Quốc đã mua dầu của Venezuela với giá rẻ chỉ 5 đô-la một thùng, trong khi giá thị trường là 78 đô-la. Chẳng biết ơn chút nào sự hào phóng của nhà lãnh đạo Venezuela, Trung Quốc hám lợi đã bán lại dầu thô này cho Mỹ, châu Phi và châu Á, từ đó thu được lợi nhuận trên vốn đầu tư rất lớn - lớn như nỗi thất vọng của chính phủ Venezuela vốn xem Bắc Kinh là một đồng minh trung thành.
Loại "tặng phẩm" này dành cho các quốc gia có quan hệ ý thức hệ với Venezuela, như Ecuador, Argentina, Iran, Bolivia, Belarus và Cuba, là đặc trưng của chế độ Chávez.70 Do vậy, những bảo đảm về dầu mà Venezuela đã đưa ra thương thảo cho phép Trung Quốc cung cấp 6 tỷ đô-la tài trợ cần thiết để sửa sang nhà máy lọc dầu Cienfuegos ở Cuba. Một dự án tương tự có cùng mô hình này - Venezuela bảo đảm, Trung Quốc cho vay và Cuba hưởng lợi - cũng được lên kế hoạch cho nhà máy lọc dầu khác của Cuba ở Matanzas.71 Vì vậy, trong khi Bắc Kinh vươn vòi khắp mọi nơi trong lĩnh vực dầu mỏ của Venezuela, cũng gián tiếp hòa nhịp - gần như ngẫu nhiên - với những mưu đồ và cuộc thập tự chinh chống lại "đế quốc Mỹ" của Chávez, trong trường hợp này cùng với một "người bạn cũ" khác của Hoa Kỳ - Cuba. Tuy nhiên, đối với Bắc Kinh điều này không có gì là riêng tư: chỉ là kinh doanh, không hơn không kém.
"Giữa điều Trung Quốc nói họ làm vì tình đoàn kết với đất nước chúng tôi và hành động thực sự của họ khác nhau một trời một vực. Trong thực tế, Trung Quốc chỉ cướp và lấy đi mọi thứ họ có thể." Đây là lời của Hector Ciavaldini, một cựu chủ tịch khác của PDVSA, từng là người ủng hộ trung thành nhất của Chávez. Ciavaldini, người đã đến thăm Chávez trong nhà tù để thuyết phục ông tham gia cuộc bầu cử năm 1998, nhìn lại sự ngây thơ của tổng thống Venezuela trong chuyến thăm Trung Quốc năm 2000: "Ông nghiên cứu học thuyết Mao rất kỹ trước khi đi đến đó, nhưng ở Bắc Kinh lúc đó tất cả ảnh của Mao đã được cất vào kho." Bằng cách này, Ciavaldini mạnh mẽ lên án mối quan hệ mơ hồ của Trung Quốc với Venezuela. "Anh nói với người Trung Quốc rằng anh là một người theo chủ nghĩa Lênin-phát xít và họ chia sẻ điều đó vì thứ họ thu được từ anh.” Ý thức hệ không tồn tại khi nói đến lợi ích kinh doanh. Chávez cũng không thoát khỏi sự chỉ trích của Ciavaldini: "Không ai ở Venezuela biết được những điều kiện theo đó chúng tôi đang bán dầu thô cho Trung Quốc. Nó gây sốc vì mọi người bắt đầu tin rằng đây là những điều kiện bất lợi, và nếu điều đó đúng, thì đó là sự phản bội đối với đất nước. Và ông ta sẽ phải trả giá vì điều đó, vì những tội ác như thế không thể được xóa bỏ một cách đơn giản.”72
No comments:
Post a Comment