February 10, 2018

Sự nguy hiểm của Bitcoin

Harold James

Phạm Nguyên Trường dịch

Khi đồng tiền chưa được chính phủ công nhận thì khó có thể được tin cậy hoàn toàn. Nhưng, như thế không có nghĩa là nó không thể trở thành đồ chơi của những người ngây thơ và cả tin hay thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt trong lĩnh vực tài chính trong tay những đối thủ chính trị trên khắp thế giới.


Biến động bất thường của Bitcoin và những đồng tiền kĩ thuật số (còn gọi là tiền ảo – ND) khác đã trở thành nguy hiểm không chỉ đối với hệ thống tài chính quốc tế mà còn nguy hiểm đối với trật tự chính trị nữa. Công nghệ blockchain, nền tảng của tiền kĩ thuật số, hứa hẹn cho người ta một phương thức thanh toán tốt hơn và an toàn hơn bất cứ loại tiền nào từng thấy trước đó, và một số người tin rằng tiền kĩ thuật số sẽ thay thế tiền điện tử (electronic currency) trong các tài khoản ngân hàng truyền thống, hệt như việc chuyển khoản điện tử (electronic transfers) đã thay thế cho tiền giấy, cũng như trước đây, tiền giấy từng thay thế cho vàng và bạc vậy.

Nhưng một số người lại nghi ngờ một cách đúng đắn rằng công nghệ mới này có thể bị một số người thao túng hay lạm dụng. Tiền là một phần của cơ cấu xã hội. Trong phần lớn lịch sử của nền văn minh nhân loại, tiền là cơ sở cho niềm tin giữa các dân tộc, giữa các chính phủ và giữa các cá nhân trong quá trình trao đổi với nhau. Tiền hầu như bao giờ cũng là biểu hiện của chủ quyền quốc gia và tiền tư nhân là chuyện hiếm.

Khi sử dụng tiền kim loại, trên mặt tiền xu thường là biểu tượng của nhà nước, một trong những ví dụ sớm nhất là con cú, biểu tượng của thành phố Athens. Nhưng, thường thì người ta không biết rõ liệu biểu tượng trên đồng tiền đại diện của chủ quyền quốc gia hay biểu tượng của thánh thần. Đầu ai trên đồng xu này? Đầu của Philip vùng Macedon hay đầu của Alexander Đại Đế, hay đầu của Hercules? Sau này, các hoàng đế La Mã đã lợi dụng sự mơ hồ đó và đúc những đồng tiền với khuôn mắt “thần thánh” của chính mình. Thậm chí ngày nay, đồng tiền xu của nước Anh còn có những chữ liên kết chế độ quân chủ với Đức Chúa Trời.

Dù sao mặc lòng, trong suốt chiều dài của lịch sử, xu hướng là rõ ràng: những nhà nước yếu phát hành những đồng tiền yếu, và những đồng tiền yếu thì làm cho nhà nước sụp đổ. Trong những giai đoạn lạm phát hoặc siêu lạm phát, việc mất giá một cách quá nhanh thường phá huỷ nền tảng của trật tự chính trị. Ví dụ, một trong những nguyên nhân gây ra cuộc Chiến tranh Ba mươi năm ở Trung Âu, thế kỷ XVII, là do sự rạn nứt xã hội theo sau giai đoạn bất ổn về tiền tệ.
Tương tự, trong cuộc Cách mạng Pháp, việc đầu cơ tiền giấy với giá trị được neo vào tài sản “quốc gia”, tịch thu được của giới quý tộc và nhà thờ đã làm suy yếu tính chính danh của phái Jacobins. Trong thế kỷ XX, các giai đoạn lạm phát trong và sau hai cuộc thế chiến đã phá hủy các thiết chế chính trị ở châu Âu và làm bùng lên ngọn lửa của chủ nghĩa cực đoan. Trên thực tế, Vladimir Lenin coi việc in tiền là “biện pháp cách đơn giản nhất nhằm tiêu diệt chính tinh thần của chủ nghĩa tư bản” và chế độ dân chủ tư sản.

Đồng tiền yếu không chỉ là một trong những yếu tố trong việc là tan rã nhà nước mà còn là thành tố quan trọng trong việc khơi mào cho các vụ xung đột giữa các quốc gia. Như lịch sử đã cho thấy, các nước hung hăng thường tạo ra hoặc lợi dụng những vụ bất ổn về tiền tệ, coi đây là biện pháp ít tốn kém nhất nhằm tiêu diệt đối thủ. Ngay cả trong thời bình, một số nước đã phản ứng lại trước mối quan hệ đang ngày càng xấu đi với lân bang bằng cách in tiền giả nhằm gieo rắc bất hòa trong những khu vực nằm ngoài biên giới nước mình.

Ví dụ nổi tiếng nhất về cuộc chiến tranh tiền tệ là kế hoạch của Đức Quốc xã trong việc in tiền của các đồng minh trong thời Thế chiến II. Những đồng tiền giả có thể được dùng để mua các nguồn tài nguyên khan hiếm hay trả lương cho gián điệp. Nhưng Đức còn nghĩ tới việc dùng máy bay ném bom tầm xa để tung tiền giả vào nước Anh. Xin hãy tưởng tượng sự vô đạo đức và hỗn loạn có thể xảy ra sau đó. Tất cả những người có nhiều tiền đều sẽ bị nghi ngờ, và niềm tin của công chúng sẽ nhanh chóng bị bào mòn. Thả tiền có thể còn gây ra những hậu quả khủng khiếp hơn cả thả bom.

Nếu được quốc tế hóa thì tiền thậm chí còn dễ bị thao túng hơn nữa. Trong thời hiện đại, các quốc gia lừa đảo, ví dụ Bắc Triều Tiên, thường xuyên in tiền giấy giả, nhất là đồng USD. Việc chuyển tiền điện tử qua biên giới giữa các ngân hàng cũng thường được sử dụng cho các mục đích xấu xa. Nhưng cho đến nay, ngoài những cảnh trong phim ảnh, người ta chưa thấy cuộc tấn công tiền tệ mang tính tàn phá trên bình diện toàn cầu nào.

Đã có những nỗ lực chính trị nhằm làm suy yếu hay thay thế đồng USD, không để đồng tiền này giữ thế thượng phong trên bình diện toàn cầu nữa. Phương án thay thế hấp dẫn nhất dường như là vàng. Các lý thuyết gia người Nga thuộc phong trào “Eurasia” thường khoe khoang rằng kim loại quý này thường được dùng vào việc đúc tượng thánh ở nước Nga. Năm 2001, Thủ tướng lúc đó của Malaysia, Mahathir Mohamad, đã tìm cách giới thiệu đồng “dinar vàng”, như là đối trọng với hệ thống tiền tệ trên cơ sở đồng USD. Năm 2005, lãnh đạo cơ quan an ninh của al-Qaeda, Saif al-Adl, đề nghị dùng vàng nhằm hất cẳng đồng USD.

Bitcoin trông giống như vàng trong thế kỷ XXI và những người tạo ra đồng tiền này thậm chí còn đồng ý rằng có sự tương tự như thế. Đồng tiền này được sản xuất - hay “đào” – bằng nỗ lực. Và hệt như giá vàng, từng phản ánh nỗ lực của con người bỏ ra nhắm khai thác từ lòng đất ở những khu vực xa xôi, muốn có Bitcoins thì phải có những máy tính công suất cực lớn, hoạt động trong những khu vực mà giá năng lượng tương đối rẻ, như ở châu Á hay Iceland.

Nhưng quá trình vươn lên của Bitcoin lại cho thấy những chuyển biến trong quan niệm của xã hội về các giá trị nền tảng. Trong khi tiền kim loại của thời tiền hiện đại từng là cơ sở cho thuyết giá trị lao động - hàng hoá và dịch vụ phụ thuộc vào lượng lao động mà con người đã bỏ ra trong quá trình sản xuất - công nghệ blockchain gán giá trị cho sự kết hợp giữa sức mạnh của máy tính và năng lượng đã tích tụ được, không có gì là con người hết.

Đồng thời, những đồng tiền kĩ thuật số, ví dụ Bitcoin, làm cho người ta không thể nào phân biệt đâu là hành vi tội phạm do nhà nước, còn đâu là hành vi tội phạm do tư nhân thực hiện. Bắc Triều Tiên bị nghi là đang tìm cách thao túng tiền tệ bằng cách “đào” và tạo ra Bitcoin, dẫn đến việc Trung Quốc và Hàn Quốc đóng cửa các thị trường giao dịch Bitcoin. Những đồng tiền kĩ thuật số quan trọng khác, ví dụ Coincheck ở Nhật, cũng buộc phải ngừng giao dịch.

Tuy nhiên, chúng ta đã đạt đến giới hạn mà vụ phá sản của Bitcoin có thể gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng trên toàn thế giới. Chưa ai biết các tổ chức tài chính đã dính líu sâu đến mức nào và có lẽ sự kiện này sẽ chỉ được tiết lộ một cách đầy đủ sau khi thảm hoạ tài chính đã xảy ra. Nó làm người ta nhớ tới giai đoạn 2007 - 2008, lúc đó không người nào thực sự biết nợ dưới chuẩn là bao nhiêu. Trước vụ sụp đổ, người ta chỉ có thể đoán những tổ chức tài chính nào sẽ mất khả năng thanh toán mà thôi.

Không ai có thể ngay lập tức biết được tin nào là “giả”, tin nào là thật, hiện nay cũng không ai có thể biết được ngay lập tức giá trị của các hình thức tiền tệ mới. Khi đồng tiền chưa được chính phủ công nhận thì khó có thể được tin cậy hoàn toàn. Nhưng, như thế không có nghĩa là nó không thể trở thành đồ chơi của những người ngây thơ và cả tin hay thứ vũ khí hủy diệt hàng loạt trong lĩnh vực tài chính trong tay những đối thủ chính trị trên khắp thế giới.

Harold James là Giáo sư về Lịch sử và Quan hệ Quốc tế ở Đại học Princeton (Princeton University) và là cộng tác viên cao cấp tại Trung tâm Sáng kiến Quản trị Quốc tế (Center for International Governance Innovation). Ông là một chuyên gia về lịch sử kinh tế của Đức và toàn cầu hóa, ông còn là đồng tác giả cuốn: The Euro and The Battle of Ideas vừa mới xuất bản, và là tác giả mấy cuốn sách sau đây: The Creation and Destruction of Value: The Globalization Cycle; Krupp: A History of the Legendary German Firm, và Making the European Monetary Union.

Đã đăng trên Dân Luận

Nguồn: https://www.project-syndicate.org/commentary/bitcoin-threat-to-political-stability-by-harold-james-2018-02

No comments:

Post a Comment