Phạm Nguyên Trường dịch
1. Lạm phát là sự gia tăng số lượng tiền mặt và tín dụng. Hậu quả
chính là giá cả tăng vọt. Vì vậy, lạm phát – nếu chúng ta sử dụng sai thuật ngữ
để chỉ giá cả gia tăng – chỉ có một nguyên nhận duy nhất là in thêm tiền. Chính
sách tiền tệ của chính phủ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về vấn đề này.
2. Lí do thường gặp nhất cho việc in thêm tiền là ngân sách mất
cân đối. Ngân sách mất cân đối là do những khoản chi tiêu quá mức mà chính phủ
không muốn hoặc không thể trả bằng cách tăng thuế. Những khoản chi tiêu quá mức
lại thường là kết quả của những cố gắng của chính phủ nhằm tái phân phối tài
sản hay thu nhập – nói ngắn, buộc những nghành sản xuất hiệu quả phải chu cấp
cho những ngành kém hiệu quả. Điều đó sẽ làm giảm những biện pháp khuyến khích
cả trong các ngành có hiệu quả lẫn những ngành thiếu hiệu quả.
3. Nguyên nhân của lạm phát, không phải là “nhiều và phức tạp”,
như người ta thường nói, mà đơn giản chỉ vì in quá nhiều tiền. Không có cái gọi
là “lạm phát do chi phí thúc đẩy (“cost-push” inflation). Nếu số lượng tiền mặt
không gia tăng, khi lương và giá bị buộc phải đẩy lên, và các nhà sản xuất
trang trải chi phí bằng cách tăng giá bán thì đa số sẽ bán được ít hàng hơn.
Kết quả sẽ là đầu ra giảm và mất việc. Chi phí cao chỉ có thể song hành với giá
bán cao, đấy là khi người tiêu dùng có nhiều tiền để trả.
4. Kiểm soát giá cả không chặn đứng hay giảm được tốc độ lạm phát.
Kiểm soát giá cả chỉ có hại. Kiểm soát giá cả chỉ đơn giản là siết lại hay xóa
sổ lợi nhuận, làm nhiễu loạn sản xuất và dẫn tới những nút thắt cổ chai và khan
hiềm hàng hóa mà thôi. Tất cả việc kiểm soát giá cả và lương bổng chỉ là cố
gắng của các nhà chính trị nhằm đẩy những lời phê phán về lạm phát sang phía những
người sản xuất và bán hàng, thay vì nhắm vào chính sách tiền tệ của họ.
5. Lạm phát kéo dài không bao giờ “kích thích” được nền kinh tế.
Ngược lại, nó làm mất cân đối, gây trở ngại và đưa ra những tín hiệu sai lầm
cho cả sản xuất lẫn sử dụng lao động. Thất nghiệp chủ yếu là do lương trong một
số ngành quá cao, dẫn đến những đòi hỏi quá quắt của công đoàn, do quy định về lương
tối thiểu (làm cho thanh niên và người có tay nghề thấp không tìm được việc
làm), và do bảo hiểm thất nghiệp cao và kéo dài.
6. Để tránh những thiệt hại không thể sửa chữa được, phải giữ ngân
sách cân đối ngay từ đầu chứ không phải là trong tương lai. Ngân sách phải được
cân đối bằng cách cắt bớt những khoản chi tiêu vô tội vạ chứ không phải bằng
cách tăng gánh nặng thuế khóa, vốn đã gây khó khăn cho sản xuất và những biện
pháp khuyến khích rồi.
Henry Hazlitt
(1894-1993) là một nhà kinh tế học, một tác giả nổi tiếng. Cuốn Kinh tế học
trong một bài học của ông đã được dịch sang tiếng Việt.
No comments:
Post a Comment