Đây là cuộc thảo luận do Quĩ JOHN TEMPLETON FOUNDATION tổ chức. Vấn đề được đem ra bàn thảo là: Chủ nghĩa tư bản, dựa trên quyền tự do trao đổi, đã bị mang tiếng là hệ thống dã man và phi đạo đức, đấy là nơi mà mỗi người đều chỉ quan tâm đến lợi ích của riêng mình, sẵn sàng phản bội, lừa bịp nhằm giành lợi thế trong cuộc cạnh tranh. Liệu xã hội tư bản chủ nghĩa có dứt khóat dẫn tới suy thóai đạo đức hay không? Thị trường tự do có tương thích với các giá trị đạo đức hay không, nó sẽ phá hủy hay khuyến khích những giá trị này? Một số nhà kinh tế học, triết học và chính khách có tiếng của Mĩ và Nga đã tham gia cuộc thảo luận. Ý kiến của họ rất đa dạng, Phạm Nguyên Trường blog sẽ lần lượt dịch và giới thiệu.
Bài 1: Ayaan Hirsi Ali: Hòan tòan không
Phạm Nguyên Trường dịch
Đối với những người tìm kiếm sự hòan hảo về mặt đạo đức và xã hội hòan hảo thì thị trường tự do không phải là đáp án. Nhưng kinh nghiệm lịch sử cho thấy việc tìm kiếm những xã hội hòan hảo – nghĩa là không có khả năng công nhận sự bất tòan của con người – hầu như bao giờ cũng kết thúc bằng nền chính trị thần quyền, chế độ độc tài hoặc nạn bạo hành vô chính phủ. Nhưng nếu ta tìm cách làm việc với những người còn có đủ các thứ khiếm khuyết khác nhau nhằm thúc đẩy hạnh phúc cho mỗi cá nhân thì thị trường tự do cùng với các quyền tự do chính trị là biện pháp hữu hiệu nhất.
Thật khó có sự đồng thuận về vấn đề đạo đức là gì chứ chưa nói đến cái gì làm băng hoại đạo đức. Người có đạo coi đức hạnh là khả năng tuân thủ những điều răn của Chúa Trời của mình. Người theo trường phái xã hội chủ nghĩa có thể coi đức hạnh là sự trung thành với tư tưởng tái phân phối tài sản. Còn người theo trường phái tự do – ý tôi là những người theo trường phái tự do cổ điển như Adam Smith hay Milton Friedman, chứ không phải người theo trường phái tự do ủng hộ việc mở rộng vai trò của chính phủ kiểu Mĩ hiện nay – có thể là người có đạo và nhận thức được ưu điểm của sự bình đẳng về thu nhập, nhưng bao giờ cũng coi tự do là ưu tiên hàng đầu. Tôi ủng hộ cách hiểu về đạo đức như thế.
Theo trường phái này, tự do của cá nhân là mục tiêu cao nhất, và khả năng của một người trong việc theo đuổi những mục tiêu mà anh ta lựa chọn mà không xâm phạm vào quyền tự do theo đuổi mục đích sống của những người khác chính là thử thách cao nhất đối với tính cách của người đó. Quan điểm đó cho rằng tự do hoạt động kinh tế của từng cá nhân, công ty hay quốc gia sẽ thúc đẩy những phẩm chất đáng quí như lòng tin, tính trung thực và tinh thần cần cù lao động. Người sản xuất buộc phải liên tục cải thiện chất lương hàng hóa và dịch vụ. Thị trường tự do thiết lập chế độ trọng dụng nhân tài và tạo cơ hội cho những người chăm học ngay từ thời còn ngồi trên ghế nhà trường tìm được việc làm tốt nhất. Cơ chế này cũng khuyến khích phụ huynh đầu tư nhiều thời gian và tiền bạc hơn cho việc học tập của con cái. Còn người sản xuất thì đầu tư cho quá trình nghiên cứu và cải tiến nhằm đánh bại đối thủ trên thương trường.
Muốn đánh giá xem thị trường tự do củng cố các giá trị đạo đức đến mức nào thì chỉ cần xem những hệ thống kinh tế cản trở hoặc công khai bác bỏ quan hệ thị trường thì sẽ thấy. Thí dụ như ở những nơi mà chủ nghĩa cộng sản đã được đem ra thử nghiệm, kết quả không chỉ là nạn tham nhũng và chất lượng hàng hóa thấp mà còn là nỗi sợ hãi, thái độ bàng quan, ngu dốt, áp bức và chẳng ai còn tin ai. Liên Xô và Trung Quốc trước cải cách là những nước đã bị phá sản cả về mặt kinh tế lẫn đạo đức.
Hoặc lấy thí dụ như chế độ phong kiến mà điển hình là Saudi Arabia. Ở đấy có một ông vua chuyên chế, một hệ thống tăng lữ góp phần củng cố thế lực cho vương triều và một vài giai tầng nô lệ: nhóm người thiểu số Shí’a bị đàn áp, công nhân nhập cư và phụ nữ - họ thường bị nhốt riêng và bị lạm dụng - bị bóc lột một cách dã man. Tình trạng trì trệ và áp bức ở Saudi làm cho nó trở thành tuyệt đối phi đạo đức trong mắt nhưng người theo trường phái tự do cổ điển. Khác với chủ nghĩa cộng sản, chế độ này thậm chí không thể dùng cái lá nho gọi là “sự công bằng” để che đậy sự thực bất công của nó.
Thị trường tự do cũng có những khiếm khuyết về mặt đạo đức. Tôi có thể hiểu vì sao những người chỉ trích thấy khó mà có thể coi hệ thống thị trường - nơi mà các cô gái chỉ cần lắc mông và líu lo những bài hát rẻ tiền trên TV là đã có thể kiếm được bộn tiền hay những chàng trai trẻ cực kì giàu có chỉ vì họ, trong cơn say ma túy, có thể nhảy hip-hop một cách điên lọan - là hệ thống đức hạnh. Cuộc tranh luận còn diễn ra giữa những người ủng hộ thị trường tự do tuyệt đối và những người cho rằng nhà nước phải giám sát những dịch vụ quan trọng như y tế và giáo dục.
Theo tôi, mức độ bao cấp của chính phủ trong các nước phương Tây là quá rộng và phi hiệu quả – nó cản trở sáng kiến và khuyến khích thói dựa dẫm, khuyến khích người ta trở thành những kẻ lười biếng và phụ thuộc vào chính phủ trong những việc mà họ có thể (và phải) tự làm lấy. Trong xã hội thị trường tự do - nơi mà quyền tự do được coi là quan trọng nhất – con người thể hiện nhiều khả năng sáng tạo và sáng kiến hơn; còn trong các nhà nước phúc lợi xã hội, nơi mà người ta quan tâm nhiều hơn tới sự bình đẳng thì sự tháo vát vốn có của con người thường bị triệt tiêu. Muốn thành công người ta phải tìm cách “dựa vào hệ thống” chứ không phải là sản xuất món hàng có chất lượng cao hơn. Người ta tìm cách tránh mạo hiểm và tránh trách nhiệm cá nhân. Mặc dù nhìn bên ngoài thì hệ thống này có vẻ công bằng, nhưng trên thực tế nó lại khuyến khích sự tầm thường và thói quen coi xã hội phải có trách nhiệm đối với mình, và làm nản lòng những người muốn thành công.
Hiện nay xã hội thị trường tự do đang bị các nhà môi trường phê phán quyết liệt vì họ cho rằng nó sẽ phá hủy hành tinh của chúng ta. Nhưng cuộc thảo luận sôi nổi về quá trình ấm lên toàn cầu và hậu quả mang tính đạo đức của chất thải và ô nhiễm môi trường lại chỉ xuất hiện trong những xã hội tự do về mặt chính trị mà thôi. Hơn nữa, trong khi chính phủ thảo luận về việc liệu quá trình nóng lên toàn cầu có phải là do con người gây nên hay không thì những người làm kinh tế đã bắt đầu đưa những mối lo lắng này vào sản phẩm và những khoản đầu tư của họ rồi. Họ bắt đầu thực hiện những biện pháp nhằm sản xuất ra các loại xe tốn ít nhiên liệu hơn và đã tạo ra những hệ thống sử dụng năng lượng thay thế hợp với túi tiền của người tiêu dùng. Đối với một bộ phận người tiêu dùng thì sản phẩm “xanh hơn” đã có sức mạnh nhất định. Các công ty và các hãng xưởng làm như thế là vì họ là những người làm kinh tế theo lối duy lí. Các công ty cung cấp sản phẩm “xanh hơn” có thể thu được nhiều lợi nhuận hơn là những công ty coi thường ý nghĩa đạo đức của việc bảo vệ môi trường.
Người giàu bao giờ cũng là những kẻ tham lam hay không? Ở Mĩ có nhiều người giàu thiếu tư cách và không có trách nhiệm. Nhưng cũng có nhiều người rất nhân đức, và trên thực tế là nhờ có một số người cực kì giàu có ở đây mà xã hội đã nhận thức rõ hơn về cuộc chiến chống lại các bệnh truyền nhiễm khác nhau. Thí dụ mục tiêu quét sạch bệnh sốt rét đã thành công phần lớn là nhờ các nhà đầu tư tư nhân chứ không phải là các chính phủ và các quan chức Liên hiệp quốc.
Ngòai ra, những người đàn ông và đàn bà gặp may mắn này còn tự hào vì những đóng góp trong lĩnh vực văn hóa như thành lập các thư viện, viện bảo tàng, tổ chức các buổi hòa nhạc, và thời gian gần đây là góp phần làm cho thế giới sạch hơn. Lòng bác ái của các cá nhân đặc trưng cho nước Mĩ có thể là do tính chất của hệ thống thuế khóa của nước này, nhưng điều này tự nó cũng rất đang quan tâm: so với bộ máy quan liêu cồng kềnh của các tổ chức quốc tế họat động bên cạnh các chính phủ nhằm cải thiện phúc lợi xã hội thì thị trường tự do được tổ chức một cách chặt chẽ có thể có hiệu qủa hơn.
Đối với những người tìm kiếm sự hòan hảo về mặt đạo đức và xã hội hòan hảo thì thị trường tự do không phải là đáp án. Nhưng kinh nghiệm lịch sử cho thấy việc tìm kiếm những xã hội hòan hảo – nghĩa là không có khả năng công nhận sự bất tòan của con người – hầu như bao giờ cũng kết thúc bằng nền chính trị thần quyền, chế độ độc tài hoặc nạn bạo hành vô chính phủ. Nhưng nếu ta tìm cách làm việc với những người còn có đủ các thứ khiếm khuyết khác nhau nhằm thúc đẩy hạnh phúc cho mỗi cá nhân thì thị trường tự do cùng với các quyền tự do chính trị là biện pháp hữu hiệu nhất.
Mĩ là đất nước chưa hòan hảo, xô bồ, đôi khi còn suy đồi nữa và thường tỏ ra lỗ mãng trước những người yếu đuối hơn. Nhưng tiêu chuẩn đạo đức của nước này vẫn cao hơn hẳn tiêu chuẩn đạo đức của tất cả các siêu cường từng tồn tại trong lịch sử.
Ayaan Hirsi Ali sinh ở Somalia, di cư sang Hà Lan vào năm 1992 và trở thành nghị sĩ của nước này từ năm 2003 đến năm 2006. Hiện bà là cộng tác viên khoa học của Viện kinh doanh Mĩ (American Enterprise Institute) vã đã xuất bản một bestseller với tên gọi Kẻ bỏ đạo (Infidel).
Nguồn Templeton
No comments:
Post a Comment